Tôi nghe những lời nức nở của ông già mà toàn thân lạnh toát! Như thế là đúng rồi! Đúng đây là nhà nó! Tôi phải làm gì bây giờ? Phải làm gì để có thể đối diện với những con người này, để thông báo thêm cho họ một hung tin đầy đau đớn, cho họ biết cái lí do mà thằng bạn tôi không thể về đưa ma mẹ! Nó cũng chết rồi còn đâu!
Tiếng khóc than ai oán của người đàn ông cũng khiến những kẻ trong nhà tò mò vội vàng chạy ra, cả mấy căn nhà trong xóm trại cũng thấp thoáng có người ngó đầu ra cổng. Họ tò mò nhìn nhau, những ánh mắt vừa bần thần, vừa như kinh ngạc nhìn xoáy vào tôi như một kẻ tội đồ.
Một bà già tuổi chừng bảy mươi, lưng còng, chống gậy lật đật tiến lại phía tôi, hỏi bằng một giọng vẫn còn chưa nguôi nước mắt:
– Cháu… cháu là ai? Đây… Đây là ai thế Nhã?
Nhã là tên của người lái công nông, ông ta ngẩng lên nhìn tôi, run run nói:
– Bạn… bạn của thằng Mạnh mẹ ơi! Nó… nó về đây tìm cái Oanh mà muộn quá rồi!
Tôi đứng im như trời trồng, cả người run rẩy đưa mắt xúc động nhìn những khuôn mặt tang thương. Hóa ra người ta đang chuẩn bị mấy mâm cơm để khoản đãi nhóm phu đào huyệt và cả đội kèn trống, dựng rạp đám ma. Ông Nhã là anh trai cả của bác Oanh, lúc chiều nay vừa chở thêm ít đất, đắp cho cái mả của bác Oanh cao thêm một chút, khi quay trở về giữa đường thì gặp tôi.
Người ta dẫn tôi vào nhà, có người tử tế dắt xe, một vài người đàn ông dìu bác Nhã vào sân, đặt ông ngồi xuống ở bậc thềm. Tấm ảnh chụp chung của tôi và thằng Mạnh được bà lão kia cầm hộ. Còn tôi thì vẫn bần thần như một kẻ mất hồn trước sự trùng hợp đầy tai quái mà số phận sắp đặt cho gia đình thằng bạn.
– Cháu… cháu ơi! Cháu … cháu có biết thằng Mạnh đang ở đâu không? Cho … cho bác số điện thoại, để gọi nó về!
Một người nào đó vừa lên tiếng kéo tôi ra khỏi những suy nghĩ vẩn vơ đang bủa vây tâm trí. Tôi ngước mắt lên, ngơ ngác nhìn, miệng tôi run run ấp úng không biết phải nói thế nào, thì chợt ông Nhã lại lên tiếng hỏi:
– Cháu… cháu cũng đi làm cùng nó à? Thằng Mạnh có khỏe không hả cháu? Sao nó đi mà không thấy thư từ gọi điện gì về cho nhà bác? Ở Hà Giang có vất vả không?
Tôi giật mình nhìn ông Nhã. Cái danh từ Hà Giang ông vừa nhắc khiến tôi sực tỉnh, thằng Mạnh cũng xuống bến từ một chiếc xe gắn biển Hà Giang. Vậy thì đó cũng chính là nơi mà nó gặp nạn. Biết rằng chẳng dấu giếm được nữa, tôi đành đau xót trả lời:
– Cô… cô chú ạ! Cháu… cháu lặn lội đến đây hôm nay, cũng… cũng
– Làm… làm sao hả cháu?
Ông Nhã sốt ruột cắt ngang
– Cũng để báo cho gia đình ta biết, Mạnh nó vừa mất! Mất ở bệnh viện đa khoa cô chú ạ!
Hình như vừa có ai đó đổ vật xuống sàn, người ta lao lại bế thốc lên, có kẻ vội vã chạy ra vườn tìm lá trầu không cạo gió. Trước mặt tôi, ông Nhã bần thần ngồi phịch xuống nền nhà, đôi mắt vô hồn đẫm lệ ngoái nhìn bức di ảnh còn mới tinh đặt ở ban thờ, có tiếng ai đó vừa cất lên, ai oán đầy tang tóc:
– Ôi trời ơi! Sao lại thế này?
Ngồi kể lại đầu đuôi sự việc cho tất cả mọi người, tôi cố giản lược những chi tiết ghê rợn, kinh hoàng xung quanh cái chết kì lạ của Mạnh, nhưng điều khiến tôi không ngờ nhất lại là nguyên nhân dẫn đến cái chết của bác Oanh.
Ông Nhã cố lau hết những dòng nước mắt, nghẹn ngào nói với tôi:
– Em bác nó đi đột ngột nhưng mà đau đớn lắm cháu ạ! Khốn nạn! Mẹ vừa mất thì lại đến con! Nó còn chưa một lần nào dẫn ai về ra mắt, thế mà đã…
Tôi buồn buồn hỏi:
– Thế sao bác Oanh lại mất ạ? Bác đi đột ngột thế, cháu tưởng chỉ có trúng gió hay đột quỵ…
Tôi không nói hết câu thì đã có một người khác, hình như cũng là bà con thân thiết với gia đình ông Nhã tiếp lời:
– Không phải cháu ạ! Nhà cô sát vách đây, thấy mấy hôm trước bác Oanh cứ kêu đau bụng, cơn đau ban đầu còn ngâm ngẩm, nên chỉ lấy dầu bôi thôi. Thế mà đến đêm, lúc cả nhà cô đang ngủ thì nghe được tiếng la hét thất thanh, cô chú sợ quá, vội vàng chạy sang thì thấy bác Oanh đang quằn quại trên giường, cào cấu rồi tự đấm vào bụng mình thùm thụp. Nhà chỉ có mỗi bác Oanh với hai ông bà Son, hai ông bà tuổi cao rồi, thấy con gái mình cứ vật vã rồi rú lên như điên dại nhưng không làm sao cản bác Oanh lại được. Cô cũng sợ, tri hô lên, gọi hàng xóm sang hỗ trợ, có mấy cậu thanh niên định trói bác Oanh lại rồi đưa đi viện nhưng không kịp.
Người phụ nữ kia nhớ lại khung cảnh ghê gớm khi đó mà bây giờ vẫn phải rùng mình. Đôi mắt run run, giọng nói chứa đựng sự hoang mang tột độ không gì che giấu nổi.
Đêm qua đúng như những gì người hàng xóm kể, ông bà Son đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng rên đầy đau đớn, tiếng chiếc chõng tre kê sát khung cửa sổ oằn mình, rít lên ken két, cùng với tiếng gào rú quằn quại của bác Oanh. Họ chạy ra, thấy bác Oanh đang nghiến chặt răng, mắt trợn trừng, bọt mép trắng dã phun phì phì, chảy ròng ròng xuống má. Bác Oanh nằm ngửa trên cái chõng tre, xương sống uốn cong bụng đẩy thẳng lên trời, đầu ngửa hẳn ra sau gối, cái cổ dài như thể gập lại làm đôi. Hai tay bác Oanh cào cấu không ngừng, tấm áo mỏng bên ngoài đã bung cúc, bật hẳn ra, để lộ phần da bụng căng tròn đầy những vết móng tay nhuốm máu, hai chân bác giẫy lên đành đạch, đập xuống chiếc chõng tre, tạo ra những tiếng động ầm ầm hòa cùng âm thanh cót két của những phiến tre đã cũ. Khung cảnh rùng rợn ghê người ấy còn được phụ họa bởi đôi mắt trợn trừng, lòng đen chạy ngược vào sâu trong mí mắt và bằng tiếng kêu khủng khiếp, như xé ruột xé gan:
– Trong bụng! Bụng tôi! Ối giời đất ơi, ôi bố mẹ ơi! Nó.. nó cắn con! Cứu con với… ối giời ơi!
Follow mình để không phải đợi và đọc cả những mẩu dị chuyện khác nhé!
[CÒN TIẾP]