Thiên nhiên Việt Nam ẩn chứa rất nhiều điều bất ngờ lý thú. Một trong những điều đó là khả năng ngụy trang tài tình của nhiều loài động vật.
Dưới đây là một số hình ảnh tổng hợp về các loài vật này:
Cá thờn bơn (cá bơn) là một loài cá dị dạng với thân hình bẹt dí và đôi mắt nằm ở một bên thân thay vì đối xứng như các loài cá khác. Với lớp da có màu sắc giống hệt nền đáy biển, có thể đổi màu tùy theo môi trường, loài cá này xứng đáng được coi là một bậc thầy của thuật ngụy trang trong thiên nhiên.
Khi ẩn mình trên những đóa hoa màu trắng, bọ ngựa trắng như trở nên vô hình trước cặp mắt của con mồi, cũng như những kẻ thù của mình. Điều này giúp chúng không tốn quá nhiều công sức để có được những bữa ăn no nên khi các loài côn trùng như ong, bướm đến hút mật hoa mà không hề phát hiện ra có một bông hoa “sát thủ” nằm lẫn trong chùm hoa trắng muốt.
Với lớp da màu nâu sần sùi y hệt vỏ cây, khi bám trên một thân cây gỗ, thạch sùng đuôi thùy như đánh đố đôi mắt của những người tinh tường nhất. Quả thực, sẽ rất khó có thể phát hiện ra nếu như chúng không chuyển động.
Ít người biết rằng các loài chim cũng có khả năng ngụy trang thật tài tình, cú muỗi lưng xám là một ví dụ. Loài chim này thường nằm bẹp trên nền đất lổn ngổn lá khô hoặc cây bụi, môi trường tương thích tuyệt vời với bộ lông vũ của chúng.
Bọ que là một trong những loài côn trùng kỳ lạ và lý thú nhất từng được con người biết đến. Chúng nổi tiếng với khả năng ngụy trang tài tình bằng hình dạng đặc thù trông giống như một cành cây. Sự ngụy trang hoàn hảo này giúp chúng tránh được sự phát hiện của các loài săn mồi. Màu sắc của bọ que cũng thay đổi tùy theo môi trường, ví dụ như loài bọ que màu nâu thường sống trên những cành cây khô, trong khi bọ que màu xanh lại sống trên những cành lá màu xanh.
Thằn lằn bay đốm là một ngôi sao trong giới bò sát, với khả năng lượn từ thân cây này sang thân cây khác một cách điêu luyện nhờ “đôi cánh” được tạo ra từ màng da trên cơ thể. Ngoài ra, chúng cũng là một tay cừ khôi về khả năng ngụy trang. Khi bám trên thân cây, lớp da giống hệt vỏ cây khô khiến chúng như tàng hình trước con mắt đối phương.
Trong rừng rậm Việt Nam có những chiếc lá bị ‘
ma ám’, khi thử chạm tay vào chiếc lá đó, bạn sẽ không khỏi giật mình khi nó bỗng bay đi như có phép màu. Đó chính là khoảnh khắc mà bạn nhận ra rằng mình vừa bắt gặp một kiệt tác của tạo hóa: loài bướm mang hình hài của một chiếc lá khô. Và “bướm là khô” cũng chính là tên gọi của chúng.
Cá mặt quỷ có ngoại hình xấu xí đến độ khó có thể tưởng tượng được. Trái ngược với dáng vẻ mềm mại và thanh thoát của các loài cá khác, chúng sở hữu một thân hình to lớn, thô kệch như một tảng đá với lớp da loang lổ màu nâu đỏ, sần sủi, lởm chởm gai góc. Đây chính là phương pháp ngụy trang rất tốt, giúp chúng dễ dàng ẩn mình như một tảng đá giữa rạn san hô.
Không chỉ có hình dáng kì lạ – rất dài và thon nhỏ như một cây roi, rắn roi còn có một khả năng đặc biệt mà rất hiếm loài rắn nào khác có được: khả năng thay đổi màu sắc cơ thể để thích nghi với từng môi trường sống khác nhau. Điều này giúp chúng dễ dàng ngụy trang, săn mồi hay ẩn nấp…
Với hình dáng giống hệt một chiếc lá, từ màu sắc, hình dáng, đường gân, cho tới những rung động nhè nhẹ trong gió, khả năng ngụy trang của bọ lá có thể nói là hoàn hảo. Ngay cả càc đường riềm của chúng cũng có sắc úa và vẻ “te tua” của một chiếc lá cây già cỗi.
Quốc Lê
Theo ĐVO