Home Chuyện Lạ Có Thật 10 mặt hàng siêu xa xỉ bị cấm

10 mặt hàng siêu xa xỉ bị cấm

1. Ngà voi

Ngà có thể được lấy từ răng voi hay răng hải mã, từng được sử dụng rộng rãi để làm quân cờ vua, bóng bi-a và phím đàn piano cho đến khi người ta nhận ra số lượng đàn voi trên thế giới bị sụt giảm đáng kể. Năm 1975, voi châu Á được đưa vào chương I trong Công ước quốc tế về buôn bán động vật có nguy cơ tuyệt chủng, theo sau đó là voi châu Phi năm 1990.
Nếu muốn mua ngà voi hợp pháp, người ta chỉ có thể vào các hàng đồ cổ. Vì thế, thị trường chợ đen cho mặt hàng này hết sức phát triển. Ngày 15/11/2011, một container chở hàng của Nam Phi đã bị bắt tại cảng Hồng Kông với hơn 700 chiếc ngà voi và 33 sừng tê giác trị giá lên tới 2,2 triệu USD.

2. Da trăn

Da trăn đã được dùng từ thời Trung Quốc cổ đại để làm đàn nhị, và kể từ đó đến giờ, số lượng trăn ở quốc gia này đã sụt giảm đáng kể. Chính phủ Trung Quốc đã ban lệnh cấm buôn bán da trăn và chỉ cho phép mua da làm từ trăn nuôi trong trang trại chứ không phải trăn hoang dã.
Nữ diễn viên Reese Witherspoon từng mua một chiếc túi xách da trăn trị giá 3.820 USD của Chloe. Và khi Hiệp hội đòi quyền đối xử nhân đạo với động vật (PETA) phát hiện ra, họ đã gửi cho cô một đoạn video về cách thức người ta lột da trăn, sau đó, Reese Witherspoon cất ngay chiếc túi đó vào tủ và không bao giờ lôi ra dùng nữa.

3. Pho mát Casu Marzu

Casu Marzu là đặc sản của vùng Sardinia, Italia. Tên của món ăn này dịch ra có nghĩa là “pho mát thối”, được tạo ra bằng cách để pho mát Pecorino ngoài trời, vừa để lên men vừa cho ấu trùng ruồi làm tổ. Những người không quen có thể sẽ thấy hoảng sợ khi chứng kiến những ấu trùng này nhảy cao đến 15 cm khi bị làm phiền.
Sở dĩ loại pho mát này bị cấm ở EU là vì lý do an toàn vệ sinh thực phẩm. Ăn pho mát có chứa ấu trùng sống có thể gây nhiễm trùng kí sinh và nếu ấu trùng chết có nghĩa là thức ăn đó quá độc hại để đưa vào cơ thể người. Giải pháp đưa ra là gắp hết ấu trùng sống ra rồi mới ăn, nhưng điều đó lại bị cho là lừa dối thực khách ăn chất kích thích mà chúng để lại.

4. Vòi hoa sen cao cấp

Từ năm 1992, các vòi hoa sen ở Mỹ đã bị giới hạn chỉ được xả không quá 9,25 lít nước mỗi phút theo luật tiết kiệm tài nguyên liên bang. Sau đó, năm 2010, Bộ Năng lượng Mỹ đã xem xét lại điều luật này và bổ sung thêm rằng tất cả các loại vòi xịt, vòi phun và bất cứ lỗ hở nào trên đầu người đều được coi là vòi sen và đều phải chịu mức xả tối đa là 9,25 lít/phút.
Một số loại vòi tắm cao cấp với mức giá từ 5.000 USD trở lên có thể xả tới 784 lít nước mỗi phút, và vì thế, 4 nhà cung cấp loại vòi này đã bị Bộ Năng lượng Mỹ xử phạt 200.000 USD vì không tuân theo điều luật quy định.

5. Xì gà Lahabana

Tháng 2/1962, tổng thống Mỹ John F.Kenedy đã ra lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba, và vì thế những người nghiện loại xì gà trứ danh này đành phải ngậm ngùi dùng xì gà Mỹ. Tuy nhiên, thư kí của tổng thống Kenedy lúc bấy giờ là Pierre Salinger đã tiết lộ rằng tổng thống đã lệnh cho ông tích trữ 1.000 điếu Lahabana một ngày trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Gần 50 năm sau, lệnh cấm vẫn chưa bị dỡ bỏ, nhưng ngành công nghiệp này ở Cuba vẫn rất phát triển. Năm 2010, doanh thu xì gà trên toàn thế giới đã tăng 2% nhờ nhu cầu đang lên từ thị trường Trung Quốc.

6. Trứng cá muối Belugar

Giống như champagne, trứng cá muối được coi như biểu tượng của sự xa xỉ và hoang phí. Loại trứng cá muối đắt nhất thế giới là trứng cá Belugar lấy từ cá heo trắng. Đây là loại động vật nằm trong danh sách bị đe dọa tuyệt chủng, và vào năm 2005, Hiệp hội Cá và Động vật hoang dã Mỹ đã nghiêm cấm nhập khẩu loại thực phẩm này. Cách hợp pháp duy nhất để thưởng thức món ăn trên là ghé thăm chuỗi nhà hàng Caviar House & Prunier ở Anh để ăn thử trứng cá muối do những chú cá heo trắng được nuôi tại đây tạo ra.

7. Lông mèo rừng Nam Mỹ

Lông mèo rừng Nam Mỹ.

Loài động vật này sống ở Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ, thỉnh thoảng xuất hiện tại Texas và Arizona. Mèo rừng Nam Mỹ nhìn bề ngoài cũng tương tự như báo, vì thế bộ lông đốm của chúng cũng bị săn lùng ráo riết. Năm 1972, loài này chính thức bị liệt vào danh sách bị đe dọa tuyệt chủng.
Dĩ nhiên, thị trường chợ đen cho mặt hàng này cũng rất phát triển. Trên eBay, các loại vải vóc có chứa lông động vật quý hiếm có thể trị giá tới 50.000 USD, tuy nhiên, nếu bị phát hiện buôn lậu, người ta có thể phạt anh 100.000 USD!

8. Gan ngỗng

Đây là gan của loài ngỗng được vỗ béo bằng phương pháp đặc biệt 2 tuần trước khi mổ thịt. Phương pháp này theo tiếng Pháp gọi là “gavage” – tức là ép cho ngỗng ăn ngô bằng ống, cách này làm cho gan ngỗng có vị thơm ngon không cưỡng lại được và trở thành đặc sản của nước Pháp.
Tuy nhiên, cách thức cho ăn cưỡng chế này làm một số nhà hoạt động cảm thấy không vừa mắt và vì thế, món ăn này bị cấm ở rất nhiều nước châu Âu. Còn ở những nơi không bị cấm, thì chúng cũng được bán với mức giá không rẻ tí nào – gần 24 USD cho mỗi 100g.

9. Chim sẻ rừng

Đây là loài chim nhỏ sống ở châu Âu, Tây Á và châu Phi, có kích cỡ chỉ bằng ngón trỏ người. Món ăn làm từ loại chim này từng được cựu tổng thống Pháp Francois Mitterand coi như “linh hồn của nước Pháp” vào năm 1995.
Sở dĩ loại chim này bị cấm buôn bán là do cách người ta chế biến nó: đầu tiên chúng bị bắt sống, sau đó bị ép ăn hạt kê và yến mạch, rồi ngâm trong rượu Armagnac và cuối cùng là bị quay sống! Những người sành ăn sẽ biết cách ăn cả thịt lẫn xương của loài chim này.

10. Dồi Haggis

Haggis không chỉ đơn thuần là món ăn truyền thống của người Scotland, mà nó còn được coi như món ăn quốc gia ở đây. Hầu hết mọi người đều phải tấm tắc khen ngợi khi được thưởng thức Haggis, nhưng nếu biết thành phần và cách thức làm ra nó thì chắc họ sẽ phải nghĩ lại!
Người ta dùng hành, bột kê, tim, gan và phổi cừu nhồi vào trong dạ dày cừu, sau đó ninh trong vòng 3 tiếng. Lý do món ăn này bị cấm cũng hết sức dễ hiểu, đó là vì phổi cừu bị cấm buôn bán ở Mỹ.
Hà Thu
(theo CNBC)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x