Home Liêu Trai Chí Dị – 107 – 109 -: Bùa Đánh Bạc (Đổ Phù)

– 107 – 109 -: Bùa Đánh Bạc (Đổ Phù)

Đạo sĩ họ Hàn ở miếu Thiên Tề trong huyện ta giỏi phép thuật, mọi người đều gọi là tiên. Cha ta chơi thân với ông, cứ có dịp vào thành là ghé thăm. Một hôm cha ta cùng chú ta vào thành, định tới thăm thì gặp Hàn trên đường, Hàn đưa chìa khóa nói “Xin cứ tới mở cửa vào ngồi đợi một lúc, ta sẽ về ngay”. Cha ta theo lời, tới miếu mở cửa vào thì Hàn đã ngồi ở trong, những việc như vậy rất nhiều. Trước trong họ hàng có người hay cờ bạc, qua cha ta nên cũng quen Hàn, gặp lúc có một nhà sư ở chùa Thiên Phật tới, rất sành cờ bạc, đánh bạc rất lớn. Người ấy gặp thích lắm, mang tiền tới chơi, thua nặng, càng cay cú. Về cầm bán nhà cửa ruộng vườn tới chơi tiếp, hết đêm thì thua sạch, chán nản bất đắc chí ra về, tiện đường ghé Hàn, đầu óc thẫn thờ, ngôn ngữ thất thố. Hàn hỏi, người ấy kể lại mọi chuyện, Hàn cười nói “Thường đánh bạc thì không ai không thua, nếu ngươi chừa đánh bạc được thì ta sẽ giúp lấy tiền lại cho”. Người ấy nói “Nếu lấy lại được thì xin đem chày sắt đập nát hết xúc xắc”. Hàn bèn lấy giấy vẽ bùa đưa cho bảo giắt vào thắt lưng, dặn “Nếu lấy lại được hết tiền thua rồi phải thôi ngay, không nên được voi đòi tiên”. Lại đưa cho một ngàn đồng tiền, hẹn khi thắng rồi thì trả lại, người ấy cả mừng ra đi.

Nhà sư thấy chỉ có bấy nhiêu tiền coi thường không thèm chơi, người ấy cố ép, hẹn chỉ đánh một tiếng bạc thôi. Nhà sư cười ưng thuận, người ấy đặt cả một ngàn đồng tiền. Nhà sư gieo xúc xắc trước, chưa phân thắng bại, người ấy gieo liền thắng ngay. Nhà sư lại đánh hai ngàn đồng tiền, lại thua, dần dần tăng tới mười mấy ngàn đồng. Người ấy gieo lần đầu thì rõ ràng là điểm rất thấp quát lên một tiếng thì con xúc xắc lật lại thành điểm cao nhất, trong khoảnh khắc đã lấy lại được tất cả số tiền đã thua, nhưng nghĩ thầm kiếm thêm vài ngàn nữa cũng hay. Bèn đánh thêm thì thua ngay, lấy làm kỳ quái đứng lên nhìn lại thắt lưng thì lá bùa đã biến mất, cả sợ bèn thôi không chơi nữa. Bèn chở tiền về miếu, trả cho Hàn xong tính cả số bị thua trong tiếng bạc chót với số thắng được thì vừa khớp với số tiền bị thua trước đó. Liền xấu hổ xin lỗi về việc mất lá bùa, Hàn cười nói “Nó ở đây rồi, ta đã dặn đừng tham mà ông không chịu nghe nên đã lấy về”

Dị Sử thị nói: Cái làm thiên hạ khuynh gia bại sản không gì mau bằng cờ bạc, cái làm thiên hạ tổn đức mất nết không không gì mạnh bằng cờ bạc, sa vào rồi thì như rơi xuống biển mê không biết đâu là đáy. Phàm kẻ làm ruộng buôn bán đều có nghề nghiệp, kẻ học trò đọc sách càng tiếc thời giờ. Đọc sách cầm cày vốn là đường chính để thành gia, chén rượu chung trà cũng là niềm vui trên cõi thế. Thế mà lại theo bạn xấu rủ rê, suốt canh khuya đàn đúm. Nghiêng rương vét tủ, treo vàng mơ trên mấy tầng trời, la thắng thét ù, xin thần giúp trong trò ngu dại. Năm con xúc xắc đổ tựa gieo châu, mấy lá bài chia cầm như xòe quạt. Liếc bài người lại ngó bài mình, chán cho mắt quỷ, bài thì tốt mà kêu là xấu, giở đủ trò ma. Trước cửa tân khách chờ, còn lưu luyến bên sòng bạc, ở nhà cơm nước đợi, vẫn mê mãi với quân bài. Quên ăn bỏ ngủ, lâu ngày thành mê, mặt sạm môi chì, nhìn xem tựa quỷ. Đến lúc thua sạch tiền lưng, ngồi trơ mắt ếch. Nhìn vào sòng thì la hét vang rân, anh hùng ngứa ngáy, ngó lại túi thì trống không nhẵn nhụi, tráng sĩ thẫn thờ. Nghểnh cổ bồi hồi, biết tay trắng không sao chơi được, cúi đầu than thở, đến hừng đông mới chịu ra về. Ngang nhà người quen đang ngủ, sợ chó sủa ầm, thấy bụng mình đói cứ sôi, hờn nồi cạn sạch. Kế lại bán vợ đợ con, cũng muốn cầu may thủ vận, chẳng ngờ nắm lông lò lửa, chung quy đáy nước mò trăng. Lúc tàn mạt mới ngẫm lại mình, thấy đã ra người hạ tiện, đám cờ bạc hỏi ai giỏi nhất, đều tôn ấy bậc không quần. Thậm chí xoa bụng đói dài, phải đi làm cướp, gãi đầu tính lại, đành chịu xin ăn. Than ôi, cờ bạc chính là một con đường dẫn tới chỗ tổn đức mất nết, tan cửa nát nhà đấy.

108. A Hà

(A Hà)

Cảnh Tinh Giả người huyện Văn Đăng (tỉnh Sơn Đông), lúc trẻ có tiếng tài giỏi, ở cạnh nhà Trần sinh, phòng sách chỉ cách nhau một bức tường ngắn. Một hôm vừa chập tối, Trần đi qua một bãi đất vắng nghe trong tiếng con gái khóc trong đám tùng bách, tới gần thấy trên cành cây mọc ngang có sợi dây vắt qua như sắp treo cổ tự tử. Trần hỏi han, cô gái gạt lệ nói “Mẹ đi xa gởi thiếp ở nhà người anh bên ngoại, không dè quân lang sói tàn ác nuôi nấng không ra sao, bơ vơ thế này thì chết đi còn hơn”, nói xong lại khóc. Trần cởi sợi dây khuyên nàng tìm người mà lấy, nàng lo không có ai để nương tựa, Trần mời về nhà mình ở tạm, cô gái bèn đi theo. Về tới nhà khêu đèn nhìn kỹ thấy phong tư xinh đẹp, Trần rất thích, muốn làm ẩu, cô gái lớn tiếng chống cự, cãi nhau ồn ào vang qua bên kia vách. Cảnh sinh leo tường qua xem, Trần mới buông nàng ra. Cô gái thấy Cảnh cứ nhìn không chớp mắt, hồi lâu bỏ chạy, hai người cùng đuổi theo nhưng không biết nàng chạy về hướng nào.

Cảnh về nhà đóng cửa định đi ngủ thì cô gái lững thững trong phòng bước ra, ngạc nhiên hỏi, nàng đáp “Y đức ít phúc mỏng, không thể nương tựa suốt đời”. Cảnh mừng lắm gạn hỏi tên họ quê quán, nàng nói “Tổ tiên thiếp ở đất Tề (tỉnh Sơn Đông) nên lấy chữ Tề làm họ, tiểu tự là A Hà”. Cảnh buông lời trêu ghẹo, nàng cười không có vẻ chống cự gì lắm, bèn cùng ăn ở với nhau. Nhà hay có đông bè bạn lui tới, cô gái thường núp kín trong phòng. Qua mấy hôm nói “Thiếp phải tạm đi, nơi này đông người ồn ào mệt quá. Từ nay xin hẹn nhau buổi tối thôi”. Cảnh hỏi nhà ở đâu nàng đáp “Cũng không xa lắm”, rồi đi sớm, buổi tối quả nhiên lại tới.

Mấy hôm sau nàng lại nói “Hai ta tuy thương yêu nhau nhưng rốt lại vẫn là tự ý chung chạ. Nay cha đi làm quan ở miền tây, sáng mai phải theo mẹ đi, định tìm dịp thưa rõ rồi sẽ theo chàng trọn đời”. Cảnh hỏi chia tay bao lâu, nàng hẹn khoảng một tuần rồi đi. Cảnh nghĩ ở nhà học không tiện, mà dọn vào ở nhà trong thì lo vợ ghen, tính không gì bằng bỏ vợ, bèn quyết ý. Vợ tới cứ mắng chửi, vợ nhục nhã không chịu nổi, khóc lóc đòi chết. Cảnh nói với vợ “Cô chết sợ ta bị liên lụy, xin cứ về lại nhà cô”, rồi giục đi mau. Vợ khóc lóc nói “Thiếp theo chàng mười năm chưa làm điều gì thất đức, sao quyết dứt tình như thế”. Cảnh không thèm nghe, càng đuổi đi gấp, vợ bèn ra cửa đi. Từ đó sơn phết tường vách, quét dọn nhà cửa, dài cổ trông ngóng A Hà, không ngờ tin tức vắng bặt như đá chìm xuống biển.

Vợ Cảnh bị đuổi rồi, mấy lần nhờ bạn thân nói giùm xin cho trở lại nhưng Cảnh không chịu, bèn lấy chồng họ Hạ Hầu. Làng Hạ Hầu gần nhà Cảnh, vì chuyện bờ ruộng nên nhiều đời có hiềm khích với nhau, Cảnh nghe tin ấy càng tức giận, nhưng còn đợi A Hà trở lại để tự an ủi lỗi lầm. Hơn một năm chẳng thấy tăm hơi, gặp ngày cúng Hải thần, trong ngoài đền trai gái tấp nập, Cảnh cũng tới đó. Xa xa thấy một cô gái rất giống Hà, Cảnh tới gần thì nàng chen vào đám đông, theo ra tới ngoài cổng thì nàng đi rất nhanh, Cảnh đuổi theo không kịp tức tối bỏ về.

Nửa năm sau Cảnh đi trên đường thấy một nữ lang mặc áo đỏ cưỡi ngựa đen có đầy tớ dắt cương đi tới, nhìn ra thì là A Hà, bèn hỏi kẻ tùy tùng nương tử là ai, y đáp là vợ kế công tử họ Trịnh ở thôn Nam. Cảnh lại hỏi công tử cưới bao lâu rồi, y đáp “Nửa tháng nay thôi”. Cảnh đang nghĩ hay mình lầm, thì nữ lang nghe tiếng trò chuyện quay lại, Cảnh nhìn thì đúng là Hà. Thấy nàng đã lấy người khác, trong lòng giận sôi lên, kêu lớn “Nàng Hà sao lại quên lời hứa cũ?”. Bọn tùy tùng nghe gọi bà chủ mình xúm lại toan đánh, cô gái vội ngăn lại vén khăn che mặt nói với Cảnh “Gã phụ lòng còn dám nhìn mặt nhau à?”. Cảnh nói “Tự nàng phụ ta chứ ta phụ nàng lúc nào?”. Nàng đáp “Phụ phu nhân còn tệ hơn phụ ta, với người kết tóc trăm năm còn thế huống hồ với kẻ khác? Trước đây nhờ âm đức ông bà nên ngươi được ghi tên vào bảng thi đỗ, ta mới đem thân theo ngươi. Nay vì việc bỏ vợ, âm ty đã phạt tước giảm lộc số của ngươi rồi. Khoa này người đỗ thứ hai là Vương Xương thay vào tên ngươi đấy. Nay ta đã theo Trịnh quân, ngươi đừng mơ tưởng nữa”.

Cảnh gục đầu cụp tai không dám mở miệng, nhìn thấy cô gái thúc ngựa phóng như bay, chỉ còn biết não nề mà thôi. Khoa thi ấy Cảnh trượt, người đỗ thứ hai quả họ Vương tên Xương, Trịnh cũng đỗ. Từ đó Cảnh mang tiếng phụ bạc, bốn mươi tuổi không có vợ, nhà càng sa sút, thường tới ăn chực ở nhà bạn bè. Một hôm ngẫu nhiên tới nhà Trịnh, Trịnh khoản đãi giữ lại ngủ đêm. Cô gái lén ra nhìn khách, thấy Cảnh thương xót hỏi Trịnh “Người khách ở nhà trên có phải là Cảnh Khánh Vân không?”. Trịnh hỏi vì sao biết, nàng nói “Lúc chưa lấy chàng từng lánh nạn ở nhà y, được y nuôi nấng cũng tử tế. Tính nết y tuy hèn nhưng âm đức tổ tiên chưa dứt, vả lại còn là cố nhân của chàng, cũng nên giúp đỡ cho trọn nghĩa bạn bè”. Trịnh cho là phải, đưa áo quần mới cho Cảnh thay, giữ lại khoản đãi mấy ngày.

Nửa đêm Cảnh sắp đi ngủ có người tỳ nữ cầm hơn hai mươi đồng vàng vào tặng, cô gái thì đứng ngoài của sổ nói “Đó là của riêng ta đền đáp nghĩa cũ, nên về tìm cưới một người vợ tốt. May là phúc đức tổ tiên còn lớn, cũng đủ giúp cho con cháu. Từ nay nên ráng giữ nết, đừng để tổn thọ”, Cảnh cảm tạ. Trở về bỏ ra hơn mười đồng vàng mua một tỳ nữ nhà thân hào, vừa xấu vừa dữ, sinh được một con trai về sau liên tiếp đỗ thi hương rồi thi hội. Trịnh thì làm quan tới chức Lang trung bộ Lại, khi chết cô gái chôn cất xong trở về, vén rèm kiệu thì không có ai, bấy giờ mới biết nàng không phải là người. Ôi! kẻ vô lương được mới nới cũ, rốt lại tổ lật mà chim cũng bay, trời cao báo ứng cũng thảm độc lắm!

109. Con Hồ Lông Lá

(Mao Hồ)

Nhà nông Mã Thiên Vinh hơn hai mươi tuổi góa vợ, nghèo không cưới nổi vợ khác. Một hôm đang bừa ruộng, thấy một thiếu phụ ăn mặc đẹp đẽ xuyên bờ đạp lúa đi ngang, sắc mặt đỏ sậm, cũng có vẻ phong lưu. Mã ngờ là bị lạc đường, nhìn quanh không có ai bèn đùa trêu chọc, thiếu phụ cũng mỉm cười. Mã muốn giao hoan tại đó, nàng nói “Ban ngày ban mặt làm thế sao được? Chàng cứ về nhà khép cửa chờ, trời tối ta sẽ tới”. Mã không tin, nàng thề sẽ tới, Mã nói rõ phương hướng cửa ngõ nhà mình, nàng bèn đi. Đến đêm quả tới, cùng nhau giao hoan, Mã thấy da thịt nàng rất mềm mại, thắp đèn soi thì da đỏ mỏng như trẻ sơ sinh, lông tơ đầy mình, lấy làm lạ. Lại ngờ vì lai lịch nàng không rõ ràng, nghĩ biết đâu là hồ liền đùa hỏi thử, nàng nhận ngay không hề e ngại. Mã nói “Đã là người tiên thì cầu gì được nấy, đã đội ơn thương yêu, sao không giúp luôn cho ta ít tiền qua cơn nghèo?”. Nàng nhận lời, đêm sau tới, Mã hỏi tiền, nàng ra vẻ sửng sốt nói “Ta quên bẵng đi mất” lúc sắp đi Mã lại nhắc.

Đêm đến Mã hỏi lại quên món mình xin rồi phải không, nàng cười hẹn hôm khác. Qua mấy hôm Mã lại hỏi, nàng cười rút trong tay áo ra hai nén bạc đáng giá năm sáu lượng vàng, ngoài rìa có hoa văn nhỏ nhìn rất thích mắt. Mã mừng rỡ cất kỹ trong rương, nửa năm sau có việc cần dùng lấy đưa người ta xem, họ nói “Đây là chì mà”. Đưa lên răng cắn quả gãy ngay, Mã sợ quá nhặt lấy trở về, đến đêm người đàn bà tới, Mã tức tối trách móc, nàng cười nói “Phần số của chàng mỏng manh lắm, không dùng được tiền thật đâu”, rồi cùng cười bỏ qua. Mã nói “Nghe nói hồ tiên đều là bậc quốc sắc, nhưng rất là không đúng”. Người đàn bà nói “Bọn ta đều tùy theo người mình gặp mà hóa thân hiện hình, chàng đã không có phúc hưởng một đồng vàng thì nhan sắc chim sa cá lặn làm sao hưởng thụ được? Ta xấu xí vấn không đủ để phụng sự bậc quý nhân, nhưng so với bọn chân to lưng gù thì là bậc quốc sắc đấy”.

Qua mấy tháng chợt đưa cho Mã ba lượng vàng, nói “Chàng hỏi nhiều lần, ta vì thấy mạng chàng không thể có tiền để dành nên không cho, nay đến dịp cưới hỏi, xin đem số tiền cưới một người vợ để tặng chàng thay cho món quà chia tay”. Mã bày tỏ mình không có chuyện mai mối cưới hỏi gì cả, nàng nói “Một hai ngày nữa sẽ có bà mối tới”. Mã hỏi theo nàng thì vợ mình sắc đẹp ra sao, nàng đáp “Chàng muốn có bậc quốc sắc thì sẽ được bậc quốc sắc” Mã nói “Ta không dám mong tới đó, nhưng ba lượng vàng làm sao đủ cưới vợ”, nàng đáp “Đó là chủ ý của Nguyệt lão, không phải sức người làm được đâu”. Mã hỏi sao vội từ giã như thế nàng đáp “Đêm đêm tìm tới, rốt lại cũng không đâu vào đâu, vả lại chàng sẽ có vợ, giữ nhau tới cùng làm gì?”. Sáng hôm sau ra đi, đưa Mã một gói thuốc bột, dặn “Sau khi chia tay e chàng lâm bệnh, cứ uống thuốc này là khỏi”.

Hôm sau quả có bà mối tới, Mã trước tiên hỏi nhan sắc người con gái, bà ta đáp ở giữa khoảng xấu đẹp, hỏi tiền sính lễ là bao nhiêu, đáp chỉ khoảng bốn năm lượng vàng. Mã không nói giá cao, nhưng muốn nhìn thấy mặt. Bà mối ngại rằng con nhà tử tế không chịu ra mặt, kế hẹn cùng tới đó sẽ tùy cơ tìm cách cho xem mặt. Tới nơi, bà mối vào trước, bảo Mã đứng chờ ngoài thôn, hồi lâu trở ra nói “Được rồi, người họ hàng của ta cũng ở khu nhà ấy, xin chàng giả tới thăm người họ hàng của ta mà đi qua, chỉ cách gang tấc có thể nhìn rõ”. Mã theo lời, quả nhiên thấy cô gái ngồi trên sảnh đường, ngã mình xuống giường sai người gãi lưng. Mã đi ngang nhìn lướt vào, thấy mặt mũi nàng quả đúng như bà mối đã nói.

Đến lúc bàn chuyện sính lễ, nhà gái không kèo nài gì cả, chỉ xin được một hai lượng vàng để mua sắm chút tư trang cho cô gái, Mã còn cò kè xin bớt. Kế nộp tiền sính lễ, tạ ơn bà mối và người làm hôn thư xong tính ra vừa hết ba lượng vàng, cũng không tốn thêm đồng nào. Kế chọn được ngày lành giờ tốt đón dâu, vợ vào tới nhà, Mã nhìn thì thấy bụng ỏng lung gù, cổ rụt như cổ rùa, nhìn xuống gấu quần thấy đôi hài dài cả thước mới sực nghĩ ra lời hồ nói là có lý do.

Dị Sử thị nói: Tùy theo người mình gặp mà hóa thân hiện hình, có lẽ là lời hồ nữ đặt ra để đùa cợt, nhưng lời nói về phúc trạch thì quả rất đáng tin. Ta vẫn nói không phải là tổ tiên tu hành mấy đời thì không thể làm quan to, không phải là chính mình tu hành mấy đời thì không thể cưới vợ đẹp. Kẻ nào tin thuyết nhân quả ắt không cho rằng ta nói chuyện hoang đường.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận