– 120 -: Bát Đại Vương (Bát Đại Vương)
Phùng sinh ở huyện Lâm Thao (tỉnh Cam Túc), người thuật chuyện không nhớ tên, chỉ biết là dòng dõi thế gia đã sa sút. Có người chài lưới thiếu nợ sinh không trả nổi nên cứ bắt được ba ba là đem lại biếu. Có lần biếu con ba ba cực to, trán có đốm trắng, sinh thấy hình dạng lạ lùng liền thả ra sông. Sau sinh đi thăm con rể trở về, tới bờ sông Hằng Hà thì trời vừa tối thấy một người say có hai ba tiểu đồng theo sau ngất ngưởng đi tới, thấy sinh hỏi là ai? Sinh đáp bừa là kẻ đi đường, người say giận nói “Chẳng lẽ không có tên họ à, sao chỉ nói là kẻ đi đường?,” Sinh sốt ruột lo về nên không buồn đáp, cứ đi thẳng qua mặt, người say càng giận, nắm lấy áo sinh không cho đi, mùi rượu nồng nặc. Sinh rất khó chịu mà cố sức gỡ ra không được bèn hỏi ngươi tên gì, người say lè nhè đáp “Ta là Lệnh doãn cũ ở Nam Đô, ngươi định làm gì?”. Sinh nói “Thế gian có thứ Lệnh doãn như vậy, thật là chửi cả thiên hạ. May là Lệnh doãn cũ đấy, chứ nếu là Lệnh doãn mới chắc giết ráo người đi đường rồi phải không?”. Người say giận lắm toan giở võ, sinh lớn tiếng nói “Phùng mỗ ta không phải là kẻ để yên cho người đánh đâu!”. Người say nghe thế đổi giận làm vui, lảo đảo lạy rạp xuống nói “Té ra là ân chủ, mới rồi đường đột xin đừng bắt tội”, rồi đứng dậy bảo kẻ tùy tùng về trước dọn rượu.
Sinh từ chối không được, người ấy nắm tay dắt đi vài dặm thì tới một xóm nhỏ, vào trong thấy nhà của đẹp đẽ như phủ đệ quý nhân. Người say hơi tỉnh rượu rồi, sinh mới hỏi thăm tên họ là gì, y đáp “Nói ra xin chớ kinh hãi, ta là Bát Đại vương ở sông Thao đây. Mới rồi tiên Thanh Đồng ở Tây Sơn mời đi uống rượu, không ngờ say quá nên xúc phạm tôn nhan, nghĩ rất hổ thẹn”. Sinh biết là yêu quái, nhưng thấy tình ý niềm nở nên cũng không sợ sệt gì. Giây lát rượu thịt dọn lên ê hề, giục sinh ngồi vào tiệc. Bát vương uống rất hào, dốc cạn liên tiếp mấy chén, sinh sợ y say lại sinh sự bèn giả say đòi đi nằm. Bát vương hiểu ý cười nói “ông sợ ta bừa bãi sao? Xin chớ lo, phàm kẻ say vô hạnh rồi qua đêm nói rằng không nhớ đã làm những gì là nói dối thôi, bọn bợm rượu mất nết thì mười người có chín người như vậy đấy. Nhưng ta tuy không dám sánh với người tốt song nghĩ lại cũng chưa từng dám làm điều vô lại với bậc trưởng giả sao ông cự tuyệt thẳng thừng như thế?”. Sinh bèn ngồi xuống nghiêm sắc mặt can rằng “Ông đã tự biết, sao không sửa đổi?”, Bát vương đáp “Lão phu lúc làm Lệnh doãn thì say sưa còn quá ngày nay, từ khi làm Thượng đế tức giận bị đày ra cù lao, cố bỏ thói cũ đã hơn mười năm. Nay sắp chết mà còn lận đận không được vẫy vùng nên thói cũ lại nảy sinh mà không tự biết. Nay xin kính cẩn vâng lời ông”.
Đang chuyện trò thì nghe tiếng chuông chùa xa xa, Bát vương đứng lên cầm tay sinh nói “Gặp gỡ không được lâu, nay có một vật xin tặng để đền ơn lớn. Vật này không nên mang lâu, khi nào được như nguyện rồi xin trả lại cho ta”. Rồi khạc ra một hình người bé tí dài hơn một tấc, lấy móng tay rạch vào cánh tay sinh, đau như xé ruột, đặt mau hình người lên rồi đè xuống, buông tay ra thì đã chìm hẳn vào trong thịt, vết móng tay vẫn còn mà chỗ đó gồ lên như mụn nhọt. Sinh sợ hãi hỏi, Bát vương cười không đáp, chỉ nói “ông nên đi thôi” rồi tiễn sinh ra. Bát vương trở vào, sinh ngoảnh nhìn thì xóm làng nhà cửa đều biến mất, chỉ có một con ba ba lớn đang ì ạch bò xuống nước rồi mất tăm. Sinh kinh ngạc sửng ra hồi lâu rồi tự nghĩ vật mình vừa được cho ắt là ngọc ba ba.
Từ đó mắt rất sáng, phàm nhưng nơi có châu báu, dù ở tận suối vàng cũng nhìn thấy được, ngay cả những món chưa từng biết cũng ứng khẩu gọi được đích danh, đào được mấy trăm lượng vàng chôn ngay dưói phòng ngủ, việc chi tiêu cũng đầy đủ. Sau có người bán ngôi nhà cũ, sinh nhìn thấy tiền bạc chôn giấu vô số bèn bỏ nhiểu tiền ra mua, từ đó giàu có ngang bậc vương hầu, các loại ngọc quý hiếm trên đời trong nhà đều có đủ. Lại được một tấm gương, phía sau chạm hình chim phượng đeo vòng, mây nước và Tương Phi, chiếu sáng cả dặm, có thể thấy rõ từng sợi tóc. Người đẹp mà soi vào thì hình bóng sẽ in lại, lau chùi cũng không mất được, nếu thay quần áo khác soi lại hoặc người đẹp khác soi lên thì ảnh trước mới mất đi.
Lúc bấy giờ công chúa thứ ba trong Túc vương phủ* nhan sắc tuyệt đẹp, sinh rất hâm mộ. Gặp lúc công chúa đi chơi núi Không Động, sinh tới rình trong núi chờ khi công chúa trên kiệu bước xuống lấy gương ra soi rồi mang về đặt lên bàn, nhìn kỹ thấy mỹ nhân ở trong cầm khăn mỉm cười, miệng như muốn nói, mắt như muốn liếc, mừng rỡ cất kỹ. Hơn một năm, vì vợ nói lộ ra, Túc vương nghe được cả giận, bắt giam sinh, đòi lấy tấm gương, định xử án chém. Sinh hối lộ rất nhiều cho một quý nhân trong vương phủ, nhờ tâu với Túc vương rằng “Nếu vương tha thì bao nhiêu của báu trên đời muốn có cũng dễ, nếu không thì ta cũng tới chết là cùng, mà vương thì chẳng có lợi gì cả”. Vương muốn tịch biên gia sản và đày sinh đi xa, công chúa thứ ba nói “Y đã nhìn con, dù giết mười lần cũng không đủ gột rửa tiếng nhơ, chi bằng gả con cho y”. Vương không nghe.
*Túc vương phủ: tức Túc Trang vương, hoàng tử thứ mười bốn của Minh Thái tổ nhà Minh, được phong là Hán vương, năm Hồng Vũ thứ 25 (1392) đổi phong là Túc vương, năm sau ra lập phủ đệ ở Cam Túc.
Công chúa đóng cửa không chịu ăn, Vương phi lo quá, cố nói với vưong, vương bèn thả sinh ra, lại sai vị quý nhân kia ngỏ ý với sinh. Sinh từ chối nói “Người vợ từ lúc hàn vi không thể bỏ, ta thà chết chứ không dám vâng lệnh, nếu vương cho chuộc tội thì dốc hết gia sản ra cũng được”, vương giận lại bắt giam sinh. Vương phi triệu vợ sinh vào cung, định hạ độc giết chết. Vợ sinh vào, đem chiếc giá gương san hô làm lễ ra mắt, lời lẽ mềm mỏng dễ thương, Vương phi hài lòng, sai bái kiến công chúa thứ ba, công chúa cũng thích, bèn đính ước làm chị em rồi sai người vào ngục dụ sinh. Sinh nhắn vợ rằng “Con gái nhà vương hầu thì không thể lấy việc cưới trước cưới sau mà bàn lớn bé được đâu”. Vợ không nghe cứ về sắp đặt sính lễ đưa tới vương phủ, người đội lễ vật có tới hàng ngàn, nhiều loại châu quý ngọc lạ nhà vương cũng không biết tên.
Vương cả mừng gả công chúa cho sinh, công chúa vu quy cũng đem tấm gương về. Một đêm sinh ngủ một mình, mơ thấy Bát vương nghênh ngang vào, nói “Vật ta đã tặng nay nên trả lại. Mang nó lâu quá thì hao tổn tinh huyết, chiết giảm tuổi thọ”. Sinh vâng dạ, giữ lại uống rượu, Bát vương từ chối, nói “Từ lúc nghe ông khuyên, ta bỏ dứt rượu được ba năm rồi”. Rồi há miệng cắn vào cánh tay, sinh đau quá tỉnh dậy, nhìn lại thì chỗ mụn nhọt đã tiêu tan, từ đó lại như người thường.
Dị Sử thị nói: Tỉnh thì còn là người mà say rồi thì như con ba ba, những kẻ uống rượu đều như thế cả. Nhưng con ba ba kia tuy hàng ngày quen thói uống rượu bét nhè song không dám quên ơn, không dám vô lễ với bậc trưởng giả, con ba ba chẳng cũng hơn xa con người sao? Lắm kẻ tỉnh thì không bằng người, say thì không bằng con ba ba, người xưa soi gương bói rùa*, chắc là lấy con rùa để soi mình chăng? Vì vậy làm bài phú Người uống rượu. Phú rằng:
*Bói rùa: một cách bói toán thời cổ, lấy cái mai rùa hơ nóng lên rồi theo những vết nứt nẻ mà đoán hay dở xấu tốt.
Có một vật nọ, rong chơi ngon miệng, uống vào thì ngất ngất ngây ngây, tên gọi là rượu. Chủng loại rất nhiều, công lao đã lắm. Dùng để tiếp đãi tân khách, dùng để thù phụng cha anh. Dùng để vui sướng lúc một mình, dùng để hợp cẩn thành đôi lứa. Có khi làm lưỡi câu để câu hứng thơ, có khi làm cái chổi để quét phiền muộn. Cho nên chàng rượu tới thường thì người người kết bạn, làng say vào sâu thì kẻ kẻ quên sầu. Đài hèm bã đã cao, công chĩnh vò bất hủ. Một thạch ấy sức quan Tề*, năm đấu làm tên Học sĩ**. Thế nên rượu nhờ người mà nổi danh, nhưng có khi người vì rượu mà mang tiếng.
*Một thạch… quan Tề: Sử ký, Thuần Vu Khôn truyên chép vua Tề hỏi Khôn uống được bao nhiêu rượu, Khôn đáp cũng tùy nơi tùy lúc, như uống trong các yến tiệc ở triều đình, phải giữ nghi lễ thì một đấu cũng say, còn uống trong những hội lễ chốn đân gian, thả sức vui chơi thì một thạch mới say.
** Năm đấu… Học sĩ: lấy ý câu trong bài Bát tiên ca của Đỗ Phủ thời Đường “Tiêu trục ngũ đẩu phương trác nhiên, Cao đàm hùng biện kinh tứ diên” (Uống cạn năm đấu mới hứng chí, Đàm luận hùng hồn kinh bốn bên).
Kìa như Mạnh Gia rơi mũ*, Lưu Linh vác mai**, Sơn Giản say mèm***, Đào Tiềm lược rượu (4*). Say ngủ bên người đẹp, không ý tư thông (5*), nhúng đầu vào nghiên sâu, có thần giúp sức (6*). Kẻ sĩ cưỡi thuyền rơi nằm đáy giếng (7*), ông quan bộ Lại bị trói bên lò (8*). Thậm chí nếu rụt đầu (9*) mà nghịch ngợm, cũng còn chưa hại vật mà bất nhân. Tới như khi mưa chiều tuyết tối, hoa sớm trăng khuya, gió lặng bụi yên, bạn xưa gái mới, dép giày trộn lẫn, lan xạ thơm lùng, đùa trăng cợt gió, hát nhỏ chuốc vơi, điệu nhạc hay vừa mới trỗi, trên chiếu lặng tựa không người, trò chuyện giống hoa bay sáng miệng, ngâm thơ như lắc ngọc khua vàng, dẫu quá chén mà say khướt, cũng hồn trong mà ngủ yên. Nếu thế thì dù mỗi ngày mỗi uống cũng chẳng hại gì tới danh giáo. Còn như trong dục nhập nhằng, hát ca bậy bạ, đứng ngồi nhớn nhác, cười nói ồn ào, chuyện bé xé ra to, cãi vã nhiếc mắng, rướn cổ nhăn mày như uấng thuốc độc, ngã bầu rơi chén tắt nến đổ đèn, rượu ngon lênh láng, say sưa bét nhè thì phép uống rượu vốn cấm, tình ý như thế chẳng thà đừng uống.
* Mạnh Gia rơi mũ: Tấn thư, Mạnh Gia truyện chép Mạnh Gia làm Tham quân dưới trướng Hoàn ôn, nhân ngày Trùng dương Ôn hội hết các tướng lên núi Long Sơn ăn tiệc, mọi người đều mặc giáp trụ, Ôn say quá gặp cơn gió mạnh thổi rơi cả mũ mà không hay.
** Lưu Linh vác mai: Tấn thư, Lưu Linh truyện chép Lưu Linh là một trong Trúc Lâm thất hiền, tính hay rượu, đi đâu cũng mang bầu rượu theo, sai đầy tớ vác mai đi cùng, nói “Nếu ta chết thì chôn luôn tại chỗ”.
*** Sơn Giản say mèm: Thế thuyết chép Sơn Giản trấn thủ Sơn Dương, ở đó có họ Tập có khu vườn đẹp, Giản thường tới uống rượu say khướt.
4* Đào Tiềm lược rượu: Tống thư chép Đào Tiềm thời Tấn ở nhà lấy khăn đội đầu lược rượu, lọc xong lại đội lên đầu. Có người láng giềng mời qua uống rượu, trong rượu có cặn, Tiềm lập tức cởi khăn ra lược.
5* Say ngủ… tư thông: Thế thuyết chép Nguyễn Tịch là một trong Trúc lâm thất hiền, cạnh nhà có người đàn bà rất đẹp mở quán bán rượu, Tịch và Vương An Phong thường cùng nàng uống rượu, có lần say nằm ngủ khoèo bên cạnh nàng. Người chồng lúc đầu rất ngờ vục, sau rình theo dõi thì thấy Tịch không có ý gì khác.
6* Nhúng đầu… giúp sức: Đường quốc sử bổ chép Trương Húc giỏi viết chữ thảo, tính hay rượu, lúc uống say rồi cứ lấy đầu làm bút nhúng vào mực viết chữ, biến hóa nhiều lối như có thần giúp.
7* Kẻ sĩ… đáy giếng: lấy ý câu trong bài Bát tiên ca của Đỗ Phủ “Tri Chương kỵ mã tự hành thuyền, Nhãn hoa lạc tỉnh thủy đê miên” (Tri Chương cưỡi ngựa ngỡ đi thuyền, Mắt hoa rơi giếng ngủ say mèm).
8* ông quan… bên lò: Tấn thư, Tất Trác truyện chép Tất Trác làm Lại bộ lang, cạnh nhà có quán trọ nấu rượu, Trác nhân đêm lẻn qua uống trộm bị người nấu rượu bắt trói, sáng ra mới biết là Tất Lại bộ.
9* Rụt đầu: nguyên văn là “hiệu miết tù” (học lối miết ẩm, tù ẩm). Hoa mạn lục chép bọn Tô Vũ Khâm, Thạch Diên Niên có nhiều lối uống rượu như “quỷ ẩm”, “liễu ẩm”, “tù ẩm”, “miết ẩm”, “hạc ẩm”, trong đó “tù ẩm” là để lộ đỉnh đầu đứng chung quanh bàn uống rượu như bọn tù, “miết ẩm” là lấy chăn lông quấn quanh người chỉ thò đầu ra, uống xong một chén thì rụt đầu vào trong như con ba ba.
Lại có kẻ rượu vừa nuốt xuống hơi đã bốc lên, lảm nhảm lè nhè chê chủ keo kiệt, đã không biết cư xử lại không biết uống rượu, thứ khách rượu không có phẩm giá ấy thì càng quá lắm. Thậm chí có kẻ vừa uống xong thì thôi khách sáo, trợn mày bứt tóc cởi áo xắn quần, bọt nhểu nhảo đầy mồm miệng, ói òng ọc ra áo quần, cổ rướn dài như chó sủa, tóc rối bời như ăn xin. Bụng chạm đất mà miệng kêu trời, tựa bày gan ruột, tay thì khua còn chân lại rũ, như bị phanh thây. Tài thơ phú không lời để tả, bút đan thanh khôn họa thành tranh. Cha mẹ già bị chửi, vợ con yếu khó dìu, có khi chú bác bạn bè bỗng dưng mà chịu nhục. Dùng lời nhỏ nhẹ can ngăn thì càng thêm u mê dữ tợn, đó gọi là uống rượu mất nết, không thể cứu giúp gì được. Duy có một cách để giã rượu, cách ấy ra sao? Chỉ cần lấy một cái gậy, trói tay chân lại như lối mổ heo, cứ đập vào mông đừng đánh lên dầu, hơn trăm gậy rồi chắc chắn tỉnh lại.