Home Liêu Trai Chí Dị – 125 – 126 -: A Anh (A Anh)

– 125 – 126 -: A Anh (A Anh)

Cam Ngọc tự Bích Nhân là người huyện Lô Lăng (tỉnh Giang Tây). Cha mẹ mất sớm, để lại em trai tên Giác tự Song Bích mới năm tuổi, nhờ anh nuôi nấng. Ngọc tính hữu ái, chăm nom em như con ruột, sau Giác dần dần lớn lên, diện mạo thanh tú lại thông minh học giỏi nên Ngọc càng yêu thương, thường nói “Em ta đường đường thế này không thể lấy vợ tầm thường”, nhưng kén chọn quá nên rốt lại không được đám nào. Gặp lúc lên chùa núi Khuông Sơn học, gần khuya đi nằm nghe ngoài cửa sổ có tiếng con gái trò chuyện, nhìn ra thấy ba bốn nữ lang trải chiếu ngồi trên mặt đất, có mấy tỳ nữ bày rượu và thức ăn, người nào cũng xinh đẹp. Một nàng hỏi “Tần nương tử! Tần nương tử! Sao A Anh không tới?”, nàng ngồi dưới đáp “Hôm qua nó từ cửa ải Hàm Cốc (tỉnh Thiểm Tây) tới bị kẻ ác làm bị thương tay phải nên không thể cùng tới chơi, thật đáng hận”. Một nàng nói “Đêm trước mơ thấy một chuyện sợ quá, hôm nay còn toát mồ hôi”, nàng ngồi dưới xua tay nói “Chớ nói ra, chớ nói ra! Đêm nay chị em tụ họp vui vẻ, nói tới chuyện đáng sợ sẽ mất vui”. Nàng kia cười nói “Con nhãi này nhát gan quá, chẳng lẽ có cọp sói tới vồ đi à! Nếu muốn ta đừng nói thì hát một bài chuốc rượu cho chị đi”, cô gái bèn ngâm khẽ:

Trước cửa hoa đào nở tốt tươi

Lời hẹn đi chơi Thanh minh hôm qua chớ nên sai

Nhắn cô bạn láng giềng, chờ nhau một chút thôi

Mang xong giày cánh phụng sẽ lập tức tới nơi

Cô gái ngâm xong, mọi người đều khen hay. Đang lúc vui cười chợt có một người đàn ông to lớn từ ngoài đi vào, mắt trợn xanh lè, diện mạo xấu xí hung tợn. Mọi người cùng la hoảng “Yêu tinh tới đây” rồi nhao nhao chạy tứ tán như chim vỡ tổ. Duy có nàng vừa hát yếu ớt không chạy kịp nên bị bắt, kêu la thảm thiết cố gượng chống cự. Người đàn ông giận dữ gầm lên, cắn đứt lìa một ngón tay nàng nhai luôn tại chỗ, cô gái lập tức ngã nhào xuống đất như chết rồi. Ngọc thương xót không sao nhịn được liền tuốt kiếm đạp cửa xông ra chém trúng đùi người kia, bắp đùi đứt lìa, y mang vết thương bỏ chạy. Ngọc đỡ cô gái vào nhà, thấy mặt nàng xám ngoét, máu ướt sũng tay áo, xem lại thì bị đứt ngón tay cái bên phải bèn xé vải băng bó cho. Lúc ấy nàng mới rên rỉ nói “Cái ơn cứu mạng, biết lấy gì đền đáp?”. Ngọc từ lúc thấy nàng đã ngầm nghĩ tới việc của em trai bèn ngỏ ý, cô gái nói “Kẻ tật nguyền không thể lo việc nội trợ được, xin sẽ làm mai người khác cho lệnh đệ”. Ngọc hỏi tên họ, nàng đáp là họ Tần. Ngọc bèn lấy chăn đắp cho nàng nằm nghỉ còn mình đem chăn chiếu qua chỗ khác ngủ. Sáng ra vào thăm thì trên giường trống không, nghĩ rằng cô gái đã tự ra về, nhưng tìm hỏi các thôn xóm gần đó thì không có ai họ ấy, nhờ các bạn bè thân thích tìm khắp nơi cũng không có tin tức gì, trở về kể lại với em, hối tiếc như mất của.

Một hôm Giác tình cờ đi chơi ngoài đổng, gặp một nữ lang khoảng mười sáu tuổi, dung mạo xinh đẹp cứ nhìn mình mỉm cười như định nói gì, kế liếc quanh bốn phía rồi hỏi “Chàng có phải là Nhị lang họ Cam không?”, Giác đáp “Phải”, nàng nói “Lệnh tôn từng đính ước hôn nhân cho chàng với thiếp, sao nay lại bỏ lời ước cũ mà đính ước với họ Tần?”. Giác nói “Tiểu sinh mồ côi từ nhỏ nên chuyện dạm hỏi thế nào không từng hay biết, xin nàng nói rõ tên họ để về hỏi lại gia huynh”. Cô gái nói “Không cần phải nói rõ, chỉ cần chàng nói một câu ưng thuận thì thiếp sẽ tự tới” Giác lấy cớ chưa có lệnh anh để từ chối, cô gái cười nói “Anh chàng ngây thơ lại sợ ông anh đến thế kia à? Đã thế thì thiếp họ Lục ở thôn Sơn Vọng tỉnh Sơn Đông, trong ba ngày nữa xin chờ tin chàng”, rồi từ giã đi.

Giác về kể lại với anh chị, anh nói “Toàn là bịa đặt, lúc cha mất thì ta đã hơn hai mươi tuổi, nếu có chuyện ấy thì làm gì mà ta không biết”, lại vì nàng đã đi một mình ngoài đồng mà còn bắt chuyện với đàn ông nên càng khinh bỉ. Nhân hỏi dung mạo nàng ra sao, Giác đỏ mặt không nói gì, chị dâu cười nói “Chắc là đẹp lắm”. Ngọc nói “Trẻ con thì biết gì xấu đẹp mà cho dù cô ta có đẹp cũng không thể bằng họ Tần, đợi xem nếu chuyện họ Tần không xong thì tính đám này cũng chưa muộn”, Giác im lặng đi ra. Qua vài hôm Ngọc đi đường thấy một cô gái thiếu nữ vừa đi vừa khóc phía trước bèn kìm ngựa liếc nhìn, thấy xinh đẹp tuyệt trần liền sai đầy tớ tới hỏi han. Cô gái nói “Ta trước kia đã đính hôn với Nhị lang nhà họ Cam, vì nhà nghèo dời đi xa, đứt tuyệt tin tức. Gần đây mới về nghe nhà họ Cam thay lòng đổi dạ bỏ lời ước cũ nên tới hỏi ông anh là Cam Bích Nhân xem tính toán cho thiếp thế nào”. Ngọc vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, nói “Ta chính là Cam Bích Nhân đây. Gia phụ trước kia hẹn ước thế nào, thật ta không biết. Đây cách nhà ta không xa, mời cùng về bàn tính”. Bèn xuống ngựa nhường cho cô gái cưỡi, đi bộ cầm dây cương dắt ngựa đưa nàng về nhà.

Cô gái tự nói tiểu tự là A Anh, không có anh em nào khác, chỉ có người chị bên ngoại là họ Tần ở chung, lúc ấy Ngọc mới hiểu ra người cô gái họ Tần nói tới chính là nàng. Ngọc muốn sai người báo tin cho nhà nàng biết nhưng nàng nhất định cản lại, cũng mừng thầm là em mình lấy được vợ đẹp nhưng sợ nàng lẳng lơ sẽ bị chê cười. Lâu ngày thấy cô gái rất đoan trang, lại mềm mỏng khéo nói, hầu hạ chị dâu như mẹ, chị dâu cũng rất yêu thương. Gặp tiết Trung thu, vợ chồng đang ăn uống thân mật, chị dâu sai gọi mãi, Giác còn phân vân thì cô gái bảo người đi gọi cứ về trước nàng sẽ tới sau, nhưng kế cứ ngồi ở nhà hồi lâu vẫn không có ý ra đi. Giác sợ chị dâu chờ, giục đi ngay nhưng nàng chỉ cười, rốt lại cũng không đi. Sáng ra nàng vừa trang điểm xong thì chị dâu tới thăm, hỏi sao đêm qua ngồi đối diện với mình mà có vẻ không vui, nàng mỉm cười. Giác thấy lạ gặng hỏi, căn vặn ồn ào. Chị dâu cả kinh nghĩ nếu nàng không phải là yêu ma thì làm sao có phép phân thân? Ngọc cũng sợ, đứng ngoài rèm nói “Nhà ta đời đời tu nhân tích đức, vốn không có oán thù gì với nhau, nếu là yêu ma thì xin đi mau, chớ giết em ta”.

Nàng thẹn thùng nói “Thiếp vốn không phải là người, chỉ vì ngày xưa cha có lời đính ước nên chị Tần cứ khuyên bảo tới đây, tự biết không sinh đẻ gì được nên vẫn muốn từ biệt ra đi, sở dĩ còn bịn rịn chỉ vì anh chị đối xử tử tế mà thôi. Nay đã ngờ vực thì xin vĩnh biệt”, rồi chớp mắt biến thành chim anh vũ bay mất. Trước kia khi Cam ông còn sống có nuôi một con anh vũ rất khôn, thường tự tay cho ăn. Lúc ấy Giác mới bốn năm tuổi, hỏi cho chim ăn làm gì, cha đùa nói “Để nó làm vợ ngươi”, có khi sợ chim ăn chưa no lại gọi Giác “Không đem thức ăn ra đây thì con dâu ta chết đói mất”, gia nhân cũng đều lấy đó đùa Giác, sau chim tuột dây bay mất, đến lúc ấy mới sực nghĩ ra cô gái nói lời đính ước cũ là chuyện đó. Nhưng Giác tuy biết rõ nàng không phải là người vẫn thương nhớ không khuây, chị dâu cũng nhớ nhưng cứ sớm chiều sa lệ.

Ngọc hối hận mà không biết làm sao, hai năm sau hỏi cưới con gái nhà họ Khương cho em nhưng rốt lại trong lòng vẫn áy náy. Có người anh họ làm quan Tư lý ở đất Việt (tỉnh Quảng Đông), Ngọc tới thăm khá lâu không về. Gặp lúc giặc cướp dấy loạn, xóm làng chung quanh quá nửa thành đất hoang. Giác cả sợ đưa gia đình vào lánh nạn trong hang núi, thấy trai gái lẫn lộn, không biết là những ai. Chợt nghe tiếng con gái nói nhỏ, giọng rất giống A Anh, chị dâu giục Giác tới gần xem thì quả là nàng, Giác mừng quá nắm chặt cánh tay nàng không buông ra. Cô gái nói với người cùng đi rằng “Chị cứ đi trước, ta còn đợi chị dâu”. Kế chị dâu tới thấy A Anh nghẹn ngào khóc lóc nàng an ủi mấy chặp rồi nói đây không phải là nơi yên ổn, khuyên nên về nhà. Mọi người sợ giặc tới, nàng quả quyết là không sao, bèn dắt díu nhau về. Cô gái lấy đất xoa lên cửa, dặn cứ ở bên trong không được ra ngoài, ngồi nói năm ba câu rồi quay người định đi, chị dâu vội nắm chặt cánh tay, lại sai hai tỳ nữ giữ chặt hai chân, nàng bất đắc dĩ phải ở lại. Nhưng không chịu về phòng riêng, Giác hẹn ba bốn phen nàng mới tới một lần.

Chị dâu cứ nói Khương thị không thể làm vừa lòng thúc thúc, cô gái bèn dậy sớm trang điểm cho Khương, chải tóc đánh phấn xong mọi người đều thấy xinh đẹp hẳn lên, cứ thế ba ngày thì nghiễm nhiên trở thành một mỹ nhân. Chị dâu lấy làm lạ, nhân nói “Ta không có con, vẫn muốn mua một người thiếp nhưng chưa có dịp, chẳng biết đám tỳ nữ có thể trang điểm như thế được không?”. Nàng nói “Ai cũng có thể làm cho đẹp lên được, chỉ là kẻ tư chất tốt thì dễ làm hơn thôi”. Bèn xem tướng tất cả tỳ nữ trong nhà, chỉ có một người vừa đen vừa xấu là có tướng sinh con trai, liền gọi vào tắm rửa rồi lấy phấn trộn với thuốc thoa cho, như thế ba ngày thì sắc mặt dần đổi ra màu vàng, sau hai mươi tám ngày thì phấn thuốc thấm vào da thịt, trở thành dễ coi. Hàng ngày nàng chỉ đóng cửa vui cười, không nhắc gì tới việc binh lửa. Một đêm tiếng la thét nổi lên bốn bên, cả nhà không biết tính sao, kế nghe ngoài cửa có tiếng người ngựa rầm rập kéo đi. Sáng ra mới biết cả thôn bị cướp phá tan nát, bọn cướp túa ra lục soát khắp nơi, những người trốn núp trong hang hốc đều bị giết bị bắt, cả nhà càng thêm biết ơn cô gái, coi nàng như thần.

Cô gái chợt nói với chị dâu rằng “Lần này thiếp tới đây vì cảm ơn nghĩa của chị không thể quên, nên muốn chia sẻ nỗi lo ly loạn. Anh sắp về tới, thiếp ở đây cũng như lời ngạn vẫn nói ‘Nửa dơi nửa chuột, con người đáng cười’. Thiếp đi đây, lúc nào rảnh sẽ ghé thăm chị”. Chị dâu hỏi người đang đi đường liệu có yên ổn không, nàng đáp “Trên đường có nạn lớn nhưng đây không phải như chuyện người ngoài, chị Tần mang ơn nhiều ắt sẽ đền đáp, chẳng bị gì đâu”. Chị dâu giữ lại qua đêm, trời chưa sáng nàng đã ra đi. Ngọc từ Quảng Đông về, nghe tin quê nhà loạn lạc, gấp rút đi mau. Giữa đuùng gặp giặc, thầy trò bỏ ngựa, buộc tiền bạc vào lưng núp vào bụi gai rậm. Một con Tần Các Liễu bay tới đậu trên bụi gai, xòe cánh ra che, Ngọc nhìn chân thấy mất một ngón thầm lấy làm lạ. Lát sau bọn giặc bổ vây bốn phía, lùng sục khắp chốn, hai thầy trò Ngọc nín hơi không dám thở mạnh, lúc bọn giặc đã rút con chim mới bay đi. Về tới cùng vợ kể chuyện đã qua, mới biết Tần Các Liễu chính là mỹ nhân mình cứu mạng trước kia.

Về sau cứ gặp lúc Ngọc đi vắng thì tối đến A Anh lại tới ngủ lại, tính khi Ngọc sắp về thì ra đi. Giác có khi gặp nàng ở chỗ chị dâu, mời tới chỗ mình thì nàng hứa nhưng không bao giờ tới. Một đêm Ngọc đi vắng, Giác đoán rằng A Anh sẽ tới bèn núp chờ, không bao lâu quả nhiên nàng tới, Giác nhảy ra lôi kéo vào phòng mình. Nàng nói “Thiếp với chàng duyên phận đã hết, nếu cố sum họp e sẽ bị trời ghen ghét, nên giữ lại chút tình đó để thỉnh thoảng còn gặp nhau” Giác không nghe, rốt lại cùng nhau giao hoan. Sáng qua chỗ chị dâu, chị dâu lấy làm lạ, nàng cười nói “Giữa đường bị cường khấu bắt cóc, khiến chị phải nhọc lòng chờ đợi”, kế trò chuyện vài câu rồi vội vàng ra đi. Không bao lâu có con mèo lớn ngậm con chim anh vũ đi ngang cửa phòng ngủ, chị dâu sợ quá, ngờ đó là A Anh, lúc ấy đang tắm cứ tạt nước gào lớn. Mọi người đổ ra đánh con mèo cướp được chim anh vũ lại, thấy cánh bên trái bết máu, hơi thở thoi thóp. Chị dâu đặt trên gối vuốt ve hồi lâu chim mới tỉnh lại, lấy mỏ rỉa cánh, giây lát bay lên vòng vòng trong phòng, gọi chị dâu nói “Xin vĩnh biệt chị, em oán Giác lắm”, rồi vỗ cánh bay thẳng, không thấy trở lại nữa.

126. Ngưu Thành Chương

(Ngưu Thành Chương)

Ngưu Thành Chương là người buôn vải ở tỉnh Giang Tây, lấy vợ là Trịnh thị sinh được một trai một gái. Năm Ngưu ba mươi ba tuổi bị bệnh chết. Con trai tên Trung, năm ấy mười hai tuổi, con gái thì mới lên tám. Mẹ không thể thủ tiết, bán hết nhà cửa lấy tiền bỏ túi đi tái giá, để lại hai đứa con không biết làm sao mà sống. Có người chị dâu họ của Ngưu năm ấy đã sáu mươi tuổi, nghèo mà góa chồng bèn đem hai cháu về nuôi. Vài năm sau bà chết, nhà càng nghèo, nhưng Trung đã hơi lớn, nghĩ muốn nối nghiệp cha nhưng không có vốn. Em gái lấy chồng họ Mao, Mao vốn giàu có, cô gái năn nỉ chồng cho mượn vài mươi đồng vàng đưa anh. Trung theo người ta đi Kim Lăng, trên đường gặp cướp, tiền bạc mất sạch, bơ vơ không sao về được.

Một hôm ngẫu nhiên đi ngang cửa hiệu, thấy chủ hiệu rất giống cha mình, trở ra hỏi thăm thì tên họ cũng giống, ngạc nhiên kinh sợ nhưng không dám bắt chuyện, chỉ ngày ngày quanh quẩn gần đó để xem ý tứ, nhưng người ấy cũng không ngó gì tới. Cứ thế ba ngày, thấy tiếng cười giọng nói dáng vẻ cử chỉ đúng là cha mình nhưng không dám bắt chuyện làm quen, bèn nhờ những người làm công giới thiệu là đồng hương, xin vào làm thuê. Làm giấy tờ xong, chủ nhân nhìn tới tên họ quê quán, có vẻ giật mình, hỏi cha mẹ là ai. Trung khóc nói tên cha, chủ nhân sửng sờ như bị mất vật gì. Hồi lâu hỏi mẹ ngươi khỏe không, Trung lại không dám nói là cha đã chết bèn lựa lời đáp “Cha ta sáu năm trước đi buôn không về, mẹ đã đi lấy chồng khác ta may được bà bác nuôi nấng chăm sóc, nếu không thì chết đói lâu rồi”.

Chủ nhân thê thảm nói “Ta là cha ngươi đây”, rồi nắm tay con bùi ngùi dắt vào nhà cho ra mắt mẹ kế. Mẹ kế họ Cơ, đã hơn ba mươi tuổi mà không sinh nở gì, gặp được Trung mừng lắm, bày tiệc ăn mừng. Ngưu vẫn thở than không vui, muốn về quê một lần, vợ lo cửa hiệu không có ai coi sóc cố ngăn cản. Ngưu bèn dạy con các việc buôn bán giao dịch, được ba tháng đem hết sổ sách giao cho con, thu xếp hành lý về quê. Lúc Ngưu đi rồi, Trung nói thật việc cha chết với mẹ kế, Cơ thị cả kinh nói “Ông ấy buôn bán ở đây, có nhiều người quen mới lưu lại buôn bán, cưới ta sáu năm rồi, sao lại nói là đã chết?”. Trung bèn kể rõ, hai người cùng ngờ vực không hiểu vì sao. Qua một ngày một đêm thì Ngưu đã về, dắt theo một người đàn bà đầu tóc rối bù, Trung nhìn thì là mẹ ruột của mình. Ngưu kéo tai người đàn bà chửi “Sao lại bỏ con ta?”. Người đàn bà quỳ rạp xuống đất không dám động đậy, Ngưu cắn vào cổ, người đàn bà kêu Trung rằng “Con cứu mẹ với, con cứu mẹ với”, Trung bất nhẫn xông vào can, lấy thân che cho mẹ. Ngưu còn giận dữ, người đàn bà đã biến mất, mọi người cả sợ la ầm lên là ma, nhìn tới Nơưu thì mặt mày trắng bệch, quần áo rơi hết xuống đất mà biến thành một làn khói đen từ từ tan mất.  Mẹ con cùng kinh hãi than thở, nhặt áo mũ chôn cất. Trung thừa kế gia tài có hàng vạn lượng vàng, sau về nhà hỏi thăm thì người mẹ ruột đã đi lấy chồng chết đúng hôm ấy, cả nhà đều nhìn thấy Ngưu Thành Chương.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x