Home Liêu Trai Chí Dị – 145 – 146 -: Liễu Sinh (Liễu Sinh)

– 145 – 146 -: Liễu Sinh (Liễu Sinh)

Chu sinh là dòng dõi nhà quan ở phủ Thuận Thiên (kinh đô ở tỉnh Hà Bắc), chơi thân với Liễu sinh. Liễu được dị nhân dạy cho thuật xem tướng, thường nói với Chu rằng “Ông không có phận làm quan, còn sự giàu có muôn chung thì sức người cũng lo được, nhưng tôn phu nhân tướng bạc sợ không thể giúp ông dựng được cơ nghiệp”. Không bao lâu quả vợ Chu chết, nhà cửa tiêu điều không ai coi sóc, Chu bèn tới nhà Liễu sinh nhờ bói về hôn nhân. Vào phòng khách cùng ngồi hồi lâu thì Liễu bỏ vào trong mãi không ra, gọi hai ba lần mới trở ra nói “Ta hàng ngày vẫn tìm cho ông một người vợ giỏi, hôm nay mới tìm được, mới rồi là ở nhà trong thi thố chút thuật mọn, xin Nguyệt lão xe sợi tơ hồng cho ông đấy thôi”. Chu mừng rỡ hỏi han, Liễu đáp “Mới rồi có một người xách cái bị ở đây ra, ông có gặp không?”. Chu nói “Có gặp, thấy rách rưới như thằng ăn mày”. Liễu nói “Đó là cha vợ của ông, nên kính lễ”. Chu nói “Vì thân thiết với nhau mới tới bàn chuyện riêng, sao đùa cợt nhau quá thế? Ta tuy nghèo hèn cũng là dòng dõi nhà quan, sao đến nỗi phải cưới con nhà đầu đường xó chợ”. Liễu nói “Không phải thế, con bò lang còn sinh được bê đẹp, có hại gì đâu”. Chu hỏi “Ông gặp con gái y chưa?”. Liễu đáp “Chưa, ta với y không từng quen biết, ngay cả tên họ cũng mới hỏi mà biết đây thôi”. Chu cười nói “Bò lang còn chưa biết, làm sao biết được bê?”, Liễu nói “Ta lấy số mệnh mà tin thôi, người ấy hung dữ mà hèn hạ nhưng ắt sinh được con gái có phúc lớn. Nhưng nếu miễn cưỡng tác hơp bừa thì ắt có nạn lớn, nên mới phải cầu đảo”.

Chu về cũng chưa tin hẳn vào lời Liễu, tìm đủ cách mai mối lấy vợ, nhưng không cưới được đám nào. Một hôm Liễu chợt tới nói “Có một người khách, ta đã thay ông gởi thư mời”. Chu hỏi là ai, Liễu đáp “Đừng hỏi han gì cả, cứ lo cơm nước cho mau”. Chu không hiểu chuyện gì, cứ theo lời chuẩn bị cơm rượu. Giây lát khách tới thì ra là họ Phó, làm lính trong doanh. Chu trong lòng không thích nhưng bề ngoài vẫn làm ra vẻ vồn vã trò chuyện, còn Liễu sinh thì một dạ hai thưa rất mực cung kính. Giây lát rượu thịt bày lên, có lẫn cả cỏ dại trong mâm. Liễu sinh đứng dậy nói với khách “Công tử đây hâm mộ ông đã lâu, thường nhờ ta đi mời, nhưng lần trước mới được gặp, lại nghe không mấy bữa nữa lại đi chinh phạt nơi xa nên ta lập tức mời ngay khiến chủ nhân bị bất ngờ”. Trong lúc uống rượu, Phó lo ngựa bị bệnh không cưỡi được, Liễu cũng gật gù cùng tính toán này nọ. Kế khách ra về, Liễu trách Chu “Có ngàn vàng cũng không mua được người bạn như thế, sao ông lại im lặng ngồi nhìn rồi mượn ngựa Chu để về, nhân đó giả lời Chu dắt ra cổng đưa dây cương tặng luôn cho Phó. Chu biết được bực lắm nhưng chẳng biết làm sao. Qua năm sau Chu định đi Giang Tây làm mạc khách ở ty Niết, tới nhà Liễu nhờ xem giùm một quẻ. Liễu nói chuyến này đi là đại cát, Chu cười nói “Ta không có ý gì khác, chỉ là có ít tiền định cưới người vợ đẹp, may mà lời nói trước kia của ông không nghiệm, thì có được không?”. Liễu nói “Tất cả đều như ông muốn mà”.

Chu tới Giang Tây thì vừa gặp lúc có bọn giặc lớn nổi loạn, ba năm không về được. Sau mới hơi yên bèn chọn ngày lên đường về, giữa đường bị bọn cướp bắt, bảy tám người cùng gặp nạn bị cướp hết tiền rồi thả ra, duy Chu bị giải về tận sào huyệt của bọn cướp. Tên đầu đảng hỏi kỹ gia thế của Chu rồi nói “Ta có đứa con gái muốn dâng ông lo việc hầu hạ quét dọn, xin đừng chối từ”. Chu không đáp, tên cướp tức giận liền sai đem Chu ra chém. Chu sữ, nghĩ rằng cứ tạm vâng lời y rồi thong thả sẽ tìm cách trốn đi, bèn nói “Sở dĩ tiểu sinh còn chần chừ vì thấy mình là học trò yếu ớt không thể theo việc binh, chỉ e càng làm lụy cho trượng nhân thôi. Chứ nếu được cho vợ chồng dắt nhau đi khỏi nơi này, thì còn ơn đức nào lớn bằng”. Tên cướp nói “Ta đang lo con gái làm phiền lụy, chuyện đó có gì mà không nghe theo được”. Bèn dẫn Chu vào trong, cho con gái ăn mặc đẹp đẽ ra gặp, thấy nàng khoảng mười tám mười chín tuổi, xinh đẹp như tiên. Ngay đêm ấy làm lễ hợp cẩn, nàng đằm thắm hơn cả lòng Chu mong mỏi, hỏi kỹ họ tên mới biết cha nàng chính là người xách cái bị ở nhà Liễu sinh năm trước. Nhân thuật lại lời Liễu cho nàng nghe, hai người cùng than thở.

Qua bốn hôm, tên cướp định đưa hai người đi, chợt đại quân bất ngờ kéo tới, cả nhà đều bị bắt trói. Có ba vị quan tướng giám trảm, đem cha vợ Chu ra chém xong, lần lượt tới Chu, Chu đã nghĩ phen này ắt phải chết thì một viên tướng nhìn kỹ nói “Có phải Chu mỗ không?”, té ra đó là người lính họ Phó nhờ có quân công đã được thăng tới chức Phó tướng quân. Phó nói với hai người kia rằng “Đây là danh sĩ dòng dõi thế gia ở quê ta, lẽ nào lại đi làm giặc?”, rồi cởi trói cho Chu, hỏi từ đâu tới. Chu bịa đặt nói “Vừa ở ty Niết tỉnh Giang Tây cưới vợ về, không ngờ bị bọn cướp bắt, may được ông cứu vớt cho, ơn tái sinh lớn như trời đất, nhưng vợ chồng chia lìa, xin nhờ oai lớn giúp cho được ngói lành”. Phó liền sai giải hết tù nhân ra cho Chu nhận mặt vợ. Chu tìm được cô gái rồi, Phó cho ăn uống, giúp đỡ tiền bạc, nói “Trước đây nhờ cái ơn cho ngựa, sớm tối vẫn không quên, nhưng việc quân bận rộn không rảnh rỗi tới tham kiến đươc, nay xin giúp ông hai cỗ ngựa tất, năm mươi lượng vàng để về quê”, lại sai hai tên quân kỵ đi hộ tống.

Trên đường cô gái nói với Chu “Cha ngu dại không chịu nghe lời nói thẳng, mẹ lúc chết đã biết có ngày hôm nay lâu rồi. Sở dĩ còn nương náu sớm tối vì lúc nhỏ từng được ông thầy tướng xem cho, nói rằng ngày sau có thể thu lượm được hài cốt của cha mẹ mà thôi. Chỗ ấy có số tiền lớn chôn giấu, có thể đào lên chuộc xác cha, còn thừa đem về cũng đủ mưu sinh”. Bèn dặn hai tên quân kỵ đợi trên đường, hai người quay về chỗ cũ, thấy nhà cửa đã cháy sạch, lấy bội đao đào đống tro, xương dưới một thước quả được vàng, gói vào hành lý rồi quay trở lại. Đem một trăm lượng đút lót hai tên quân kỵ nhờ họ chôn cất xác cha cô gái, nàng lại đưa Chu tới lạy trước mộ mẹ xong mới lên đường. Tới địa giới tỉnh Trực Lệ, hai người thưởng cho hai tên quân kỵ rất hậu rồi chia tay.

Chu lâu ngày không về, gia nhân đều cho rằng đã chết, thả sức trộm cắp, thóc gạo vải lụa vật dùng trong nhà không còn chút gì. Đến lúc nghe chủ nhân về, sợ hãi kéo nhau trốn sạch, chỉ còn một bà già, một người tỳ nữ và một lão bộc ở lại. Chu vì ra khỏi chỗ chết được sống mà trở về nên cũng không hỏi gì tới, qua thăm Liễu thì không rõ đã đi đâu mất rồi. Cô gái coi sóc việc nhà còn hơn cả đàn ông, chọn những người thành thật siêng năng đưa vốn cho buôn bán, lời lãi chia đôi. Mỗi khi các bạn buôn họp nhau tính toán ở nhà, nàng buông rèm ngồi trong lắng nghe, ai lầm một con số là chỉ ngay ra chỗ sai, vì thế trong ngoài không ai dám lừa dối. Vài năm có tới hàng trăm bạn buôn, nhà giàu có hàng mấy mươi vạn lượng vàng, mới sai người bốc mộ cha mẹ đem về hậu táng.

Dị Sử thị nói: Nguyệt lão cũng có thể đút lót, nên không lạ gì mà những kẻ mai mối cũng giống như người buôn bán. Nhưng tên cướp kia lại có người con gái như thế sao? Gò đất nhỏ không có tùng bách lớn, đó là lời luận bàn của kẻ quê mùa dốt nát mà thôi. Đàn bà con gái mà còn để mất, huống hồ đem kiến thức ấy xem xét kẻ sĩ trong thiên hạ ư?

 

146. Nhiếp Chính

(Nhiếp Chính)

Lộ vương ở Hoài Khánh (tỉnh Hà Nam) có đức tối, cứ dạo chơi ra dân gian thấy con gái đẹp là bắt về. Có vợ Vương sinh bị vương nhìn thấy, sai xe ngựa vào tới tận nhà bắt đi. Cô gái khóc lóc kêu gào, bị bắt lên kiệu khiêng ra. Vương bỏ chạy, núp sau mộ Nhiếp Chính chờ vợ đi qua để vĩnh biệt. Không bao lâu vợ tới, nhìn thấy chồng khóc lớn gieo mình xuống đất. Vương trong lòng đau đớn bất giác khóc thất thanh, bọn gia nhân của vương biết là Vương sinh bèn túm lấy đánh đập túi bụi. Chợt trong mộ có người đàn ông bước ra, tay cầm đao sắc, khí thế rất oai mãnh, lớn tiếng quát “Ta là Nhiếp Chính đây, sao các ngươi dám bắt ép con gái nhà lương dân. Nghĩ bọn ngươi chỉ là kẻ thừa lệnh nên tạm tha cho lần này, về nhắn với ông chủ vô đạo của các ngươi rằng nếu không sửa nết xấu thì có ngày ta sẽ lấy đầu đấy”. Đám gia nhân nhà vương hoảng sợ bỏ xe kiệu chạy, người đàn ông lại bước thẳng vào mộ biến mất. Vợ chồng Vương tới lạy trước mộ rồi về, vẫn còn sợ là vương lại tới nhưng hơn mười ngày cũng không thấy gì mới yên lòng. Từ đó vương cũng bớt dâm đãng hống hách.

Dị Sử thị nói: Ta thường đọc Truyện Thích khách chỉ khâm phục có người ở làng Thâm Tỉnh đất Chỉ* mà thôi. Xả thân để báo đáp tri kỷ thì nghĩa khí như Dự Nhượng** giữa ban ngày giết chết khanh tướng thì vũ dũng như Chuyên Chư*** bằng đầu gối tới trước mặt Liêu, lấy tay xé đôi con cá ra, rút ngọn chủy thủ giấu sẵn trong bụng cá đâm chết Liêu, lột da mặt hủy hình dung tự tử để không làm liên lụy tới người thân thì mưu trí như Tào Mạt (4*). Còn như Kinh Kha không đủ sức để ám sát vua Tần mà lại dứt áo ra đi, tự chuốc lấy diệt vong, khinh suất mượn cái đầu của Phàn tướng quân (5*) gặp Tần Thủy Hoàng nhưng đâm không trúng, bị giết chết, biết ngày nào mới trả lại được, đó là mối hận của ngàn đời, chắc bị Nhiếp Chính chê cười. Đọc dã sử thấy nói mộ Kinh Kha bị hồn ma của Dương Giác Ai, Tả Bá Đào quật lên (6*) nếu quả thế thì Kinh Kha sống không thành danh, chết còn mất nghĩa, so với Nhiếp Chính ôm lòng nghĩa mà trừng trị kẻ hoang dâm thì hay dở khác nhau ra sao? Ôi, Nhiếp Chính là người hiền, xem chuyện này lại càng tin là đúng.

* Người ở làng Thâm Tỉnh đất Chỉ: tức Nhiếp Chính, người nước Hàn thời Chiến quốc, giết người nên dắt mẹ và chị qua trốn tránh ở nước Tề. Quan khanh nước Hàn là Nghiêm Trọng Tử có thù oán với Tướng quốc Hiệp Lũy nên tìm người báo thù, tới Tề nghe tiếng Chính là người dũng cảm bèn đem lễ vật rất hậu tới ra mắt, nhưng Chính không nhận. Sau bà mẹ chết, Chính chôn cất xong bèn tới gặp Trọng Tử hỏi han rồi không nhận xe ngựa tráng sĩ giúp đỡ, một mình lên đường vào thẳng phủ Tướng quốc lên tận thềm giết chết Hiệp Lũy, kế tự lột da mặt khoét tròng mắt, mổ bụng móc ruột tự tử để khỏi liên lụy tới người chị.

**Dự Nhượng: người nước Tấn thời Xuân thu, theo họ Phạm Trung Hàng nhưng không được biết tới, bèn bỏ theo Trí Bá, rất được Trí Bá coi trọng. Sau Trí Bá bị Triệu Tương Tử diệt, Nhượng trốn vào núi, nói “Kẻ sĩ xả thân cho người biết mình, đàn bà điểm trang cho người yêu mình, nay Trí Bá biết ta, nếu vì báo thù cho Trí Bá mà chết thì hồn phách ta cũng không thẹn”, bèn đổi tên họ cải trang để ám sát Tương Tử nhưng bị bắt, Tương Tử khen là nghĩa khí nên tha cho. Nhượng lại sơn mặt nuốt than thay đổi diện mạo thanh âm núp dưới cầu chờ Tương Tử đi qua mà đâm nhưng lại bị bắt, bèn xin cái áo của Tương Tử tuốt kiếm nhảy lên đâm vào ba lần rồi tự sát.

*** Chuyên Chư người nước Ngô thời Xuân thu, có tiếng là dũng sĩ, được Ngữ Tử Tư tiến cử cho Công tử Quang (tức vua Ngô Hạp Lư). Lúc ấy Quang muốn giết Ngô vương Liêu là anh con bác để giành ngôi, dò biết Liêu thích ăn chả cá bèn sai Chư tới Thái Hồ học làm món chả cá. Kế mở tiệc mời Liêu, nửa chừng giả đau chân vào nhà trong băng lại sai Chư đem chả cá lên dâng. Giáp sĩ của Liêu lục soát trong người Chư không thấy gì lạ bèn cho vào, Chư bưng mâm chả cá đi…

 

4* Tào Mạt: người nước Lỗ thời Xuân thu, tướng của Lỗ Trang công. Tề Hoàn công đánh Lỗ, nước Lỗ thua liền mấy trận bèn xin giảng hòa. Tề Hoàn công buộc Lỗ Trang công phải tới hội minh, cắt đất cho Tề. Tào Mạt theo Lỗ Trang công tới hội minh, sấn lên đài rút chủy thủ uy hiếp bắt Tề Hoàn công phải trả hết những đất đai của nước Lỗ, Hoàn công sợ hãi ưng thuận, Mạt buông chủy thủ lui xuống đứng lại vào chỗ các quan nước Lỗ, sắc mặt vẫn không thay đổi.

5* Kinh Kha… Phàn tướng quân: Kinh Kha là người đất Vệ thời Chiến quốc nổi tiếng can đảm, kiếm thuật tuyệt luân, được thái tử Đan nước Yên mời về làm thượng khách, nhờ đi ám sát Tần Thủy hoàng. Lúc bấy giờ có Phàn Ư Kỳ là phản tướng nước Tần chạy qua nước Yên, gia quyến đều bị Tần Thủy Hoàng giết, Kinh Kha tới gặp Ư Kỳ nói nếu có được đầu Ư Kỳ thì có thể tới gần vua Tần để nhân cơ hội ám sát báo thù cho Ư Kỳ. Ư Kỳ khảng khái tự chặt đầu đưa cho Kinh Kha. Sau Kinh Kha qua Tần, vào điện…

6*Mộ Kinh Kha… quật lên: Quan Trung lưu ngụ chí chép Tả Bá Đào ở Tây Khương nghe tiếng Sở Nguyên vương hiền bèn cùng bạn là Dương Giác Ai tìm tới. Tới núi Lương Sơn gặp tuyết lớn, không đủ lương thực áo rét cho cả hai người, Bá Đào bèn cởi áo trút lương cho Giác Ai đi tiếp còn mình thì vào rừng chịu chết. Giác Ai tới Sở, được phong làm Trung Đại phu, sau về quê mơ thấy Bá Đào nói “Mộ ta gần mộ Kinh Kha, cùng với y có thù hằn, ông nên bó cỏ làm hình người cho cầm binh khí đốt trước mộ ta”. Giác Ai theo lời, hôm sau mơ thấy Bá Đào tới nói “Đám quân sĩ ông đốt cho đều vô dụng, Kinh Kha rất hung hãn, lại có Cao Tiệm Ly giúp đỡ, không bao lâu nữa ta sẽ bị họ quật mộ”. Giác Ai bèn tự sát, người làng chôn cạnh mộ Bá Đào. Đêm hôm sau trời nổi mưa to gió lớn, sấm sét vang dội, ở khu mộ Bá Đào có tiếng đánh nhau vang xa mấy mươi dặm. Đến sáng người làng ra xem, thấy mộ Kinh Kha bị quật lên, xương trắng rải khắp mặt đất.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận