Home Liêu Trai Chí Dị – 150 – 151 -: Chân Hậu (Chân Hậu)

– 150 – 151 -: Chân Hậu (Chân Hậu)

Lưu Trung Kham ở huyện Lạc Thành (tỉnh Hà Nam) lúc trẻ ngu độn nhưng say mê sách vở, thường đóng cửa học tập, không giao thiệp với người ngoài. Một hôm đang đọc sách, chợt ngửi thấy mùi hương lạ thơm nức cả phòng, kế có tiếng vòng ngọc khua rất gấp, giật mình ngoảnh nhìn thì thấy một mỹ nhân bước vào, trâm vòng sáng rỡ, nguời theo hầu đều ăn mặc lối cung nữ. Lưu hoảng sợ lạy phục xuống đất, mỹ nhân đỡ lên nói “Tại sao chàng lại trước khinh nhờn mà sau cung kính?”. Lưu càng sợ hãi, nói “Người là thiên tiên ở đâu ta còn chưa được biết, vậy trước đây ta xúc phạm lúc nào?”. Mỹ nhân cười nói “Chia tay đã được bao lâu? Kẻ bỉ cách chức mải miết ngồi cao mài gạch* không phải là chàng sao?”. Rồi mở túi gấm lấy rượu quỳnh tuơng ra bày tiệc, giục Lưu ngồi xuống đối ẩm, cùng bàn chuyện kim cổ, thông tuệ phi thường. Lưu mờ mịt không biết đối đáp ra sao, mỹ nhân nói “Ta chỉ tới dự tiệc ở Dao Trì có một lúc mà chàng đã trảí qua mấy kiếp, hết cả thông minh rồi”. Bèn sai người hầu lấy nước nóng hoà với cao Thủy Xương dâng lên, Lưu nhận lấy uống cạn, chợt thấy tâm thần nhẹ nhõm, đầu óc sáng láng.

*Mài gạch: dịch chữ “ma chuyên”, lấy từ tích “Lưu Trinh ma thạch” (Lưu Trinh mài đá). Lưu Trinh là người thời Tam quốc, thông minh mẫn tiệp, học rộng biết nhiều, làm Tùng sự cho Thế tử Tào Phi, con Tào Tháo. Trước đó Phi theo Tháo đi đánh Viên Thiệu, bát được vợ Viên Hy tức con dâu Thiệu là Chân thị, dung mạo rất xinh đẹp bèn mang về nạp làm Chính phi. Sau Phi cướp ngôi nhà Hán lên làm vua, phong Chân thị làm Hoàng hậu. Khi Phi còn là Thế tử có lần uống rượu cùng các quan say rồi gọi Chân thị ra chào tân khách, mọi người đều quỳ rạp không ai dám ngẩng nhìn, chỉ nêng Lưu Trinh vẫn nghiễm nhiên ngồi ngó. Hôm sau Phi tỉnh rượu nhớ lại, giận Trinh vô lễ bèn cách chức bắt ra quán Thượng Phương mài đá.

Lát sau trời tối, người theo hầu tản đi hết, mỹ nhân tắt đèn cởi áo, cùng Lưu vui thú. Trời chưa sáng, đám gái hầu đã tới tụ tập, mỹ nhân trở dậy ăn vận như cũ, riêng đầu tóc vẫn tề chỉnh không phải chải lại. Lưu nằn nì hỏi họ tên, mỹ nhân đáp “Nói ra cũng không hề gì, chỉ e chàng thêm ngờ sợ mà thôi. Thiếp là Chân hậu, chàng là hậu thân của Công Cán. Ngày trước chàng vì thiếp mà bị tội, nên trong lòng thiếp thấy bất nhẫn. Cuộc gặp gỡ hôm nay cũng tạm gọi là để báo đáp mối tình si vậy”. Lưu hỏi Ngụy Văn* hiện ở đâu, mỹ nhân đáp “Tào Phi chẳng qua chỉ là đứa con tầm thường của lão cha làm giặc, thiếp ngẫu nhiên gặp kẻ phú quý thì theo chơi đùa vài năm, chuyện qua rồi cũng chẳng lưu luyến gì. Trước đây y vì việc của A Man** nên bị giam cầm lâu ngày dưới U minh, hiện nay không rõ ra sao. Nhung Trần Tư*** thì giữ chức coi sổ sách cho Thượng đế, thỉnh thoảng thiếp cũng có gặp”. Kế có cỗ kiệu rồng tới dừng trong sân, mỹ nhân bèn rút chiếc nhẫn ngọc tặng Lưu rồi từ giã lên kiệu, mây đưa mù cuốn mà đi. Lưu từ đó học hành tấn tới nhưng nhớ nhung người đẹp, thẫn thờ như ngây.

*Ngụy Văn: tức Tào Phi, cướp ngôi nhà Hán dựng ra nhà Ngụy thời Tam quốc, được nhà Ngụy tôn là Ngụy Văn đế.

**A Man: tên tự của Tào Tháo lúc nhỏ, đây dùng với ý khinh bỉ.

***Trần Tư tức Tào Thực, em Tào Phi, rất thông minh tài giỏi. Khi Tào Phi lên ngôi vương thay cha là Tào Tháo, ghét tài Thục nên phong làm Trần Tư vương, bắt phải đi xa kinh đô.

Vài tháng sau thì héo hon như sắp chết, mẹ không biết vì sao, lấy làm lo lắng. Chợt có một bà già trong nhà hỏi Lưu “Lang quân đang nhớ nhung ai lắm phải không?”. Lưu thấy lời nói hơi đúng, không giấu được nên ậm ừ. Bà già nói “Lang quân cứ viết một phong thư, ta có thể mời tới cho”. Lưu vừa sợ vừa mừng, nói “Bà có thuật lạ mà trước nay cứ bị vùi chôn giữa đám người tầm thường, nếu quả mời được tới đây thì ta không dám quên ơn”. Bèn viết thư đưa, bà già ra đi, nửa đêm trở về nói với Lưu “May mà không hỏng việc. Ta vừa tới cổng, người gác cho là yêu quái định bắt trói. Ta bèn đưa thư của lang quân ra, y cầm vào rồi lát sau ra gọi ta vào trong. Phu nhân cũng ngậm ngùi than thở, nói rằng không thể gặp lại, cũng định viết thư trả lời, nhưng ta thưa rằng lang quân ốm nặng, không phải một lá thư mà chữa khỏi được. Phu nhân nghĩ ngợi một lúc rồi buông bút nói “Vậy xin phiền báo trước với chàng Lưu rằng ta sẽ đưa ngay tới cho chàng một người vợ đẹp”. Lúc ta ra về lại dặn dò rằng đây là việc trăm năm, không được nói lộ ra mới có thể sống với nhau lâu dài”.

Lưu mừng rỡ hứa sẽ theo lời. Sáng hôm sau quả có bà lão dắt một cô gái dung nhan tuyệt đẹp tới gặp mẹ Lưu, tự xưng là họ Trần, cô gái là con ruột, tên Tư Hương, xin đem gả cho Lưu. Mẹ Lưu rất thích cô gái, bàn việc sính lễ, nhưng họ Trần không đòi hỏi tiền bạc gì cả, qua đám cưới là đi. Lưu ngầm biết là việc lạ hỏi riêng cô gái là có quan hệ thế nào với phu nhân. Nàng đáp “Thiếp là con hát cũ ở đài Đồng Tước*”. Lưu ngờ là ma, nàng nói “Không phải đâu. Thiếp và phu nhân đều có tên trong sổ tiên, nhưng vô tình mắc tội cùng bị đày xuống nhân gian. Phu nhân đã về ngôi cũ, thiếp thì chưa hết hạn bị phạt nhưng phu nhân xin với Thiên tào cho thiếp theo để sai phái, mọi việc đều chỉ phải theo lệnh của phu nhân, vì vậy cũng thường được gần gũi hầu hạ người”.

*Đài Đồng Tước: cuối thời Hán, Tào Tháo nắm quyền Thừa tướng, khuynh loát triều đình. Có người đào được con chim sẽ bằng đồng dâng lên, Tháo cho là điềm lành nên sai dựng một ngôi đài cao, gọi là đài Đồng Tước, đưa các tỳ thiếp về đó ở. Trước khi chết, Tháo đem những hương liệu quý cất riêng ra chia cho họ làm vốn, dặn là hãy làm nghề khâu giày mà sống, có ý muốn họ không đi lấy chồng khác, giữ lòng chung thủy với mình.

Một hôm có bà già mù dắt con chó vàng tới nhà xin ăn, gõ phách ca hát. Cô gái vừa bước  ra xem thì con chó giật đứt dây xông vào cắn. Nàng hoảng sợ bỏ chạy thì tà áo đã bị cắn đứt. Lưu vác gậy đuổi theo đập, con chó càng giận dữ nhai xé manh áo dứt được, trong chớp mắt đã nát vụn ra. Bà già mù nắm lông gáy nó rồi buộc lại dắt đi. Lưu vào thăm thấy cô gái vẫn còn đầy vẻ sợ sệt, bèn nói “Nàng là người tiên, sao còn sợ chó?”. Nàng đáp “Chàng không biết, chứ con chó ấy là lão A Man hóa thân, giận thiếp không tuân theo lời dặn lúc chia hương đấy”. Lưu định mua con chó để đập chết, nàng nói “Không được đâu. Thượng đế phạt y như vậy, đâu được giết càn”. Được hai nãm, ai gặp cô gái cũng kinh ngạc vì thấy nàng quá đẹp, mà hỏi tới lai lịch thì rất mơ hồ, nên đều ngờ nàng là yêu quái. Mẹ hỏi, Lưu cũng nói qua loa về chuyện lạ. Mẹ cả bảo phải bỏ vợ nhưng Lưu không nghe. Mẹ bèn ngầm mời thuật sĩ tới làm phép ở sân, vừa chỉ đất dựng đàn thì cô gái đà buồn bã nói “Vốn hẹn ước sống với nhau đến lúc bạc đầu, nay mẹ già đã ngờ vực thì tự rõ đã hết tình nghĩa rồi. Có điều muốn thiếp tự đi cũng không khó, chứ loại bùa chú ấy mà sai khiến nổi thiếp à!”. Rồi bó củi châm lửa ném xuống dưới bậc thềm, trong chớp mắt khói mù toả ra che kín cả phòng ốc, đối diện không nhìn thấy mặt nhau. Kế có tiếng nổ ầm ầm như sấm sét, rồi màn khói tan đi nhìn lại thì thuật sĩ đã bảy khiếu đổ máu chết rồi. Vào phòng tìm thì cô gái đã biến mất, gọi bà già lên hỏi cũng không rõ đã đi đâu rồi. Lúc ấy Lưu mới kể lại cho mẹ biết rằng bà ta là hồ.

Dị Sử thị nói: Buổi đầu lấy chồng họ Viên, sau về làm vợ họ Tào, cuối cùng lại có tình vơi Công Cán, ngươi tiên lẽ ra không nên như thế. Song bình tâm mà bàn thì đứa con soán ngôi của A Man mà lại có được người vợ trinh tiết sao? Còn con chó nhân thấy người con hát cũ lẽ ra phải hiểu lời dặn thêu giày lúc chia hương là ngu muộí mới đúng, chứ lại còn ghen tuông à! Than ôi, kẻ gian hùng không biết tự thương xót mình, khiến người sau phải thương xót vậy.

 

151. Hoạn Nương

 (Hoạn Nương)

Ôn Như Xuân là con nhà thế gia ở đất Tần (tỉnh Thiểm Tây, lúc nhỏ say mê đàn cầm, dù đi xa nhà cũng không rời tay. Có lần tới đất Tấn (tỉnh Sơn Tây), đi ngang một ngôi chùa cổ, buộc ngựa ngoài cổng vào nghỉ chân. Vào trong thì thấy có một vị đạo nhân mặc áo vải ngồi xổm ở hành lang, dựng cây gậy trúc vào vách, đeo một chiếc túi đựng đàn bằng vải bông thêu. Ôn thấy đúng sở thích, nhân hỏi “Đạo sĩ cũng giỏi đàn cầm sao?”. Đạo nhân đáp “Thật rất không giỏi, chỉ mong gặp người giỏi để học thôi”. Rồi mở túi lấy đàn ra trao cho Ôn, Ôn nhìn thì thấy vân gỗ rất đẹp, dạo thử một câu thấy tiếng trong vang lạ thường, thích thú đàn luôn một khúc ngắn. Đạo sĩ cười khẽ như có ý chê là chưa giỏi, Ôn bèn trổ hết tài nghệ. Đạo nhân nhếch mép nói “Cũng hay, cũng hay, nhưng chưa đủ để làm thầy của bần đạo”. Ôn cho là có ý khoa trương, bèn trao lại đàn xin được nghe thử. Đạo nhân tiếp lấy đàn đặt lên đầu gối, vừa mới bật vài tiếng đã thấy gió mát thoảng tới, giây lát thì hàng trăm loài chim tới tụ họp, đậu kín trên cây trước sân chùa. Ôn vô cùng kinh ngạc, sụp lạy xin theo học. Đạo nhân đàn lại ba lần, Ôn chăm chú lắng nghe, bắt đầu hiểu được tiết tấu. Đạo nhân bảo đàn lại thử, chỉ thêm những chỗ sai rồi nói “Bấy nhiêu là ở trần gian không ai bằng rồi đấy!”.

Ôn từ đó chuyên tâm tập luyện, nổi tiếng là tuyệt kỹ. Sau Ôn trở về đất Tần, còn cách nhà vài mươi dặm thì trời tối mưa to, không có chỗ nào nghỉ đêm. Thấy cạnh đường thấy có một xóm nhỏ liền rảo bước tới, không kịp hỏi han chọn lựa, thấy một cái cổng thì bước thẳng vào, tới tận trong nhà vẫn thấy im ắng như không có người. Giây lát có một nữ lang bước ra, khoảng mười bảy mườí tám tuổi, đẹp như thiên tiên, ngẩng đầu thấy khách thì hoảng sợ chạy trở vào. Ôn lúc ấy chưa có vợ, vừa nhìn thấy nàng đã say mê. Lát sau một bà lão ra hỏi chuyện, Ôn xưng tên họ rồi xin cho ngủ trọ qua đêm. Bà lão nói “Ngủ trọ cũng được, chỉ hiềm nhà thiếu giường chõng, nếu khách không ngại thì xin trải đệm xuống đất mời nghỉ tạm”. Rồi thắp đèn mang ra, đem cỏ khô rải xuống đất, ý tứ rất ân cần. Ôn hỏi họ tên, bà đáp “Già họ Tiêu”. Ôn lại hỏi nữ lang là ai, bà đáp “Đó là Hoạn Nương, con nuôi của già”. Ôn nói :Nếu không chê nghèo hèn, thì ta muốn hỏi cưới có được không?”. Bà cau mày đáp “Chuyện đó thì già không thể vâng mệnh được”. Ôn hỏi vì sao, bà chỉ đáp là khó nói rồi im lặng. Bà già vào nhà trong, Ôn nhìn tới bó cỏ trải đệm thì vừa ướt vừa mục không sao nằm được, đành ngồi suông gảy đàn qua đêm, chờ tạnh mưa rồi ra về.

Trong huyện có quan Bộ lang đã về hưu họ Cát, rất thích kẻ văn nhân. Ôn ngẫu nhiên tới chơi, vâng lệnh gảy đàn cầm, thấy sau rèm thấp thoáng có bóng phụ nữ nghe trộm. Chợt có cơn gió thổi vẹt bức rèm, thấy là một thiếu nữ đang tuổi cập kê, dung nhan tuyệt thế. Đó là con gái Cát, tiểu tự là Lương Công, giỏi từ phú, nổi tiếng nhan sắc. Ôn động lòng, về thưa với mẹ nhờ người tới hỏi, nhưng Cát chê nhà Ôn nghèo khổ không chịu gả. Nhưng cô gái sau khi nghe tiếng đàn đã thầm hâm mộ, chỉ mong ước được nghe nữa. Song Ôn vì chuyện dạm hỏi không thành nên ý chán tình buồn không lui tới nhà họ Cát nữa. Một hôm cô gái ra vườn chơi, nhặt được một tờ giấy cũ, trên có bài từ theo điệu Tiếc xuân thừa như sau:

Nhân hận thành si, chuyển tư tác tưởng, nhật nhật vị tình điên đảo.

Hai đường đới túy, dương liễu thương xuân, đồng thị nhất ban hoài bão

Thậm đắc tân sầu cựu sầu, tiễn tận hoàn sinh, tiện như thanh thảo

Tự biệt ly, chỉ tại nại hà thiên lý, độ tương hôn hiểu.

Kim nhật cá túc tổn xuân sơn, vọng xuyên thu thủy, đạo khí dĩ phan khí liễu.

Phương khâm đố mộng, ngọc lậu kinh hồn, yếu thụy hà năng thụy hảo.

Mạn thuyết trường tiêu tự niên, nùng thị nhất niên, ty canh do thiểu.

Quá tam canh dĩ thị tam niên, cánh hữu hà nhân bất lão.

(Vì hận thành ngây, nhớ nhớ thương thương, ngày tháng vì tình bối rối.

Hải đường say ngủ, dương liễu đau xuân, ấy cũng một lòng tiếc nuối.

Đến nỗi sầu xưa sầu nay, cắt rồi lại sinh, cứ như cỏ bãi.

Từ chia ly, ở nơi không biết làm sao, bao phen sớm tối.

Hôm nay cau mặt non xuân, nhìn suốt nước thu, nói bỏ cũng liều để nói.

Chăn thơm ghét mộng, giọt lậu bay hồn, muốn ngủ làm sao ngủ nổi.

Nghe nói đêm dài như một nãm, ta thấy một năm, so một canh còn ngắn ngủi.

Qua canh ba là đã ba năm, thử hỏi ai người không mỏi)

Cô gái ngâm ngợi ba bốn lần, trong lòng thích lắm, đem về lấy giấy văn gấm chép một bản khác đặt ở bàn, nhưng lát sau tìm tới đã không thấy đâu nữa, nghĩ rằng gió thổi bay mất. Gặp lúc Cát đi ngang cửa phòng nhặt được, cho là Lương Công làm ra, rất ghét vì lời lẽ lẳng lơ bèn đốt đi nhưng chưa nỡ nói ra, định bụng sẽ gã chồng cho con sớm. Vừa lúc ấy có công tử con quan Phương bá họ Lưu ở huyện Lâm (tỉnh Sơn Đông) chongười tới dạm hỏi, Cát mừng rỡ, nhưng còn muốn gặp mặt công tử một lần. Công tử bèn ăn mặc sang trọng tới ra mắt, phong tư đẹp đẽ, Cát rất vui lòng, bày tiệc khoản đãi ân cần. Kế công tử chào về, trên chỗ ngồi rớt lại một chiếc giày con gái. Cát cho rằng tính nết đàng điếm, ghét lắm liền gọi người mai mối tới kể rõ. Công tử ra sức biện bạch rằng oan, nhưng Cát không nghe, nhất quyết tuyệt hôn.

Trước đó họ Cát có loại hoa cúc xanh, giữ không cho ai nhân giống, Lương Công đem trồng trong phòng riêng. Vườn cúc nhà Ôn chợt nảy ra hai giò màu xanh, bạn bè nghe thấy đồn đại nhau kéo tới xem, Ôn cũng rất nâng niu quý báu. Sáng sớm ra xem nhặt được bên luống hoa một tờ giấy chép bài từ Tiếc xuân thừa, đọc đi đọc lại, không biết từ đâu tới, thấy trong bài có chữ Xuân là tên mình, càng thêm cảm xúc, đem vào bàn bình phẩm nọ kia, lòi lẽ bậy bạ. Lúc ấy Cát nghe nói cúc nhà họ ôn biến ra màu xanh ngạc nhiên tới xem, vào phòng sách nhìn thấy bài từ bèn cầm lên đọc. Ôn vì lời bình của mình sỗ sàng, vộỉ giằng lại vò nát. Cát chỉ kịp đọc được một hai câu, thì đúng là bài từ đã nhặt được trước phòng con gái, vô cùng nghi ngờ, lại cho rằng cả giống cúc xanh cũng là do Lương Công tặng. Về nhà nói với vợ, bảo căn vặn Lương Công, Lương Công khóc lóc đòi tự tử. Mà việc lại không có chứng cớ gì, không thể biết rõ hư thực, phu nhân sợ tai tiếng đồn ra bèn bàn chẳng bằng cứ gả con gái luôn cho Ôn. Cát cho là phải liền bán tin cho Ôn. Ôn mừng quá, hôm ấy lập tức mời bè bạn tới uống rượu ngắm cúc xanh, đốt trầm gảy đàn đến khuya mới tan.

Ôn vào phòng ngủ rồi, đứa tiểu đồng coi phòng sách nghe thấy tiếng đàn tự nhiên vang lên, lúc đầu còn tưởng bọn tôi tớ trong nhà nghịch ngợm, sau thấy không có ai mới vào thưa với Ôn. Ôn đích thân tới xem quả đúng, nghe tiếng đàn ngập ngừng như bắt chước mình mà chưa được, đánh lửa xộc vào thì không thấy ai. Ôn đem đàn đi, từ đó cả đêm yên ắng. Vì thế ngờ là hồ, nghĩ rằng nó muốn học đàn, nên cứ mỗi buổi tối gảy một khúc rồi để đàn lại đấy cho mặc ý tập, như là thầy dạy đàn vậy. Đêm đêm rình nghe, qua sáu bảy đêm tiếng đàn đã đúng khúc điệu, nghe động lòng người. Ôn làm đám cưới xong, vợ chồng cùng kể lại chuyện bài từ mới biết đầu mối nhân duyên là đó, nhưng vẫn không rõ là từ đâu ra. Lương Công nghe chuyện lạ tiếng đàn tự nhiên kêu, tới nghe rồi nói “Đây không phải là hồ đâu. Âm điệu não nùng ai oán lắm, như là tiếng đàn ma”. Ôn chưa tin lắm, Lương Công nhân đó nói nhà mình có chiếc gương cổ có thể soi thấy ma quỷ.

Hôm sau sai người về lấy, chờ tiếng đàn vang lên liền cầm gương sấn vào thắp đèn lên, quả có một cô gái đang run rẫy trong góc phòng không trốn núp được, nhìn kỹ thì chính là Hoạn Nương nhà họ Triệu. Ôn cả sợ gặng hỏi, nàng sa nước mắt đáp “Thiếp làm mai mối cho chàng, đâu phải không có ơn đức, sao nỡ bức báth nhau quá vậy?”. Ôn xin cất gương nhưng hẹn đừug biến đi, Hoạn Nương ưng thuận, Ôn bèn cất gương. Cô gái ngồi xa xa, nói “Thiếp là con gái quan Thái thú, chết đã trăm năm nay. Lúc còn nhỏ rất thích đàn cầm, đàn tranh, đàn tranh thì đã tạm biết, còn đàn cầm thì chưa được chân truyền nên vẫn ấm ức chốn suối vàng. Khi chàng có lòng ghé lại nhà, được nghe âm điệu cao nhã đã rất hâm mộ. Chỉ hờn mình khác loài không thể theo sửa túi nâng khăn, nên đã ngấm ngầm tìm cách giúp chàng cưới người giai ngẫu để đền đáp tình thương mến. Chiếc giày công tử họ Lưu để rơi, bài từ Tiếc xuân thừa bay tới, đều là do thiếp làm ra, tạ ơn thầy học như thế không phải không vất vả đâu”. Vợ chồng cảm động lạy tạ, Hoạn Nương nói “Ngón đàn của chàng thiếp đã hiểu được quá nửa, nhưng chưa thấu triệt chỗ tinh thần, xin gảy cho thiếp được nghe một lần nữa”.

Xuân theo lời, lại gảy đàn để chỉ rõ cách thức. Hoạn Nương cả mừng, nói “Thiếp đã hiểu cả rồi”, rồi đứng lên từ biệt. Lương Công vốn giỏi đàn tranh, nghe Hoạn Nương cũng sở trường môn này, xin gảy cho nghe một lần. Hoạn Nương không từ chối, tiếng đàn khúc nhạc đều không phải là người trần sánh kịp. Lương Công khen ngợi, xin dạy lại cho mình. Hoạn Nương lấy bút ghi lại bản đàn, gồm mười tám chương, rồi đứng lên từ biệt. Vợ chồng cố giữ lại, Hoạn Nương buồn bã nói “Chàng được sắt cầm hòa hiệp, vợ chồng mà cũng là tri âm, kẻ bạc phận làm sao có được phúc ấy? Nếu có duyên phận, thì kiếp sau sẽ được gặp nhau”. Rồi lấy ra một cuộn giấy đưa cho Ôn, nói “Đây là chân dung của thiếp, nếu không quên bà mối thì xin đem treo trong phòng ngủ, lúc nào vui vẻ cứ đốt một lò trầm, gảy một khúc đàn, thì là thiếp được hưởng vậy”. Nói xong bước ra cửa biến mất.

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x