– 152 -: A Tú (A Tú)
Lưu Tử Cố ở huyện Hải Châu (tỉnh Giang Tô), lúc mười lăm tuổi tới đất Cái thăm cậu, gặp một cô gái trong chợ bán tạp hóa, xinh đẹp vô song, lòng rất yêu thích, bước vào vờ mua quạt. Cô gái lên tiếng gọi cha, người cha ra, Lưu cụt hứng, cố tình trả giá rẻ rồi bỏ đi. Đứng xa thấy người cha đi nơi khác, liền quay lại, cô gái định tìm gọi cha, Lưu ngăn lại, nói “Không cần, cứ nói giá, ta không trả rẻ đâu”. Cô gái theo lời, cố ý nói giá thật cao, Lưu không nỡ mặc cả, rút tiền trả rồi đi. Hôm sau lại tới, lại như hôm trước, đi được vài bước, cô gái gọi theo “Trở lại đã! Vừa rồi ta nói dối thôi, giá ấy quá đắt”. Rồi trả lại nửa tiền, Lưu càng mến là thành thật, cứ rảnh là tìm tới, vì thế ngày càng quen thuộc. Cô gái hỏi chàng ở đâu, Lưu nói thật, hỏi lại thì cô gái tự nói họ Diêu. Lúc ra về, nàng lấy giấy gói những vật Lưu mua lại cẩn thận, rồi liếm ướt để dán lại. Lưu đem về không dám động tới, sợ mất vết lưỡi của nàng.
Được nửa tháng, người đầy tớ rình biết, ngầm bàn với cậu bắt phải về. Lưu buồn bực không vui, đem các thứ khăn hương phấn sáp đã mua giấu vào một cái tráp, lúc vắng người lại đóng cửa kiểm lại một lượt, giở tới là ngẩn ngơ. Năm sau lại tới đất Cái, vừa buông hành lý xuống là tìm ngay tới chỗ cô gái, tới nơi thì thấy cửa ngõ đóng chặt. Thất vọng trở về, cứ nghĩ rằng nàng đi vắng chưa về. Sáng sớm hôm sau lại tới thì cửa vẫn đóng như cũ. Hỏi các nhà hàng xóm mới biết họ Diêu vốn là người huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Đông), vì buôn bán không lời lãi bao nhiêu nên tạm về quê, cũng không biết lúc nào sẽ trở lại. Lưu buồn rầu, ở lại vài ngày rồi chán nản ra về. Bàn tới chuyện lấy vợ thì mấy lần đều không chịu nghe lời mẹ, mẹ vừa tức giận vừa kỳ quái, người đầy tớ liền lén kể chuyện năm trước cho mẹ biết, mẹ càng ráo riết ngăn cấm, không cho lui tới đất Cái nữa.
Lưu chợt trở nên rầu rĩ, giảm ăn bỏ học, mẹ lo lắng không biết làm sao, nghĩ thôi chẳng bằng theo ý con, liền lập tức sắm sửa hành trang cho Lưu tới đất Cái, lại dặn nhắn với cậu nhờ làm mối giùm. Cậu theo lời, qua nhà họ Diêu, lát sau trở về nói “Việc không xong rồi. A Tú đã gả cho một người ở Quảng Ninh!”. Lưu cúi đầu thẫn thờ, lòng như tro lạnh, hết cả hy vọng. Về nhà rồi, cứ ôm cái tráp rơi lệ, bồi hồi tưởng nhớ, chỉ mong trên đời có người giống như thế. Lúc ấy có người mối tới, khen con gái họ Hoàng ở huyện Phục Châu (tỉnh Liêu Ninh) tuyệt đẹp. Lưu sợ không đúng, sai đánh xe tới đất Phục. Vào cửa tây huyện thành, thấy phía bắc có một gian nhà, hai cánh cổng khép hờ, có một cô gái rất giống A Tú. Lại chú mục nhìn theo, thấy cô gái vừa đi vừa ngoảnh lại mà vào, đích thị không sai. Lưu rất ngờ vực, bèn thuê nhà ở liền bên đông, hỏi dò thì đó là nhà họ Lý, nghĩ đi nghĩ lại, chẳng lẽ trên đời lại có người giống nhau đến thế sao?
Ở đó mấy hôm, không nhờ ai được, chỉ ngày ngày trông ngóng ngoài cổng, chờ dịp cô gái đi ra. Một hôm, mặt trời vừa xế, cô gái quả ra, chợt thấy Lưu, liền quay vào đóng cửa, lấy tay chỉ ra phía sau, để bàn tay lên ngang trán rồi vào. Lưu rất mừng nhưng không hiểu ý, ngẫm nghĩ hồi lâu, rảo bước ra sau nhà, thấy vườn hoang vắng vẻ, phía tây có một bức tường thấp khoảng ngang vai, chợt hiểu ra liền ngồi xuống núp trong đám cỏ sương. Hồi lâu có người sau tường thò đầu ra hỏi khẽ “Tới chưa?”, Lưu lên tiếng rồi đứng dậy, nhìn kỹ thì đúng là A Tú, bật khóc lớn, nước mắt chảy ròng ròng. Cô gái cách tường đưa tay vuốt ve Lưu, lấy khăn lau nước mắt cho, ân cần an ủi. Lưu nói “Tìm đủ cách mà không được gặp, tự nghĩ kiếp này thế là thôi, ngờ đâu lại có đêm nay, nhưng nàng vì sao lại tới đây?”, cô gái đáp “Họ Lý là chú bên ngoại của thiếp”. Lưu xin leo qua tường, cô gái nói “Chàng cứ về trước, bảo người hầu đi ngủ chỗ khác, thiếp sẽ tự tới”. Lưu theo lời ngồi đợi, giây lát cô gái lặng lẽ bước vào, ãn mặc không lộng lẫy lắm, vẫn quần áo ngày trước.
Lưu kéo ngồi xuống, kể lễ nỗi khổ, rồi hỏi “Nghe nói nàng đã nhận sính lễ của người ta, sao chưa cưới?”. Cô gái đáp “Nói thiếp đã nhận sính lễ là nói sai đấy. Cha thiếp thấy đường sá xa xôi, không muốn gả thiếp cho công tử, có lẽ đó là cậu nói thác ra để chàng hết mong tưởng mà thôi”. Rồi đó cùng lên giường ngủ, thương yêu đằm thắm không sao nói xiết. Đến canh tư, nàng trở dậy trèo qua tường mà về. Lưu từ đó quên cả ý định tới nhà họ Hoàng, trọ lại luôn nửa tháng, tuyệt nhiên không nói tới việc trở về. Một đêm người đầy tớ dậy cho ngựa ăn, thấy trong phòng còn sáng đèn, nhìn vào thấy A Tú sợ lắm nhưng không dám hỏi chủ, chỉ ra chợ hỏi thăm, rồi mới về hỏi Lưu “Người đêm đêm vẫn đi lại với công tử là ai thế?”.
Lưu ban đầu còn giấu diếm, người đầy tớ nói “Nhà này vắng vẻ, là nơi quỷ hồ tụ tập, công tử nên giữ gìn. Cô gái nhà họ Diêu kia làm gì mà tới đây?”. Lưu mới ngượng nghịu đáp “Nhà hàng xóm phía tây là chú bên ngoại của nàng, có gì mà ngừ vực”. Người đầy tớ nói “Ta đã hỏi kỹ rồi, nhà bên đông chỉ có một bà già cô đơn, nhà bên tây chỉ có một người con trai còn nhỏ, chẳng ai có họ hàng thân thích. Người công tử gặp kia ắt là ma quỷ, không thì lẽ nào cái áo mấy năm vẫn không thay, vả lại da mặt quá trắng, hai má lại hơi gầy, lúc cười không thấy lúm đồng tiền, không đẹp bằng A Tú”. Lưu nghĩ lại phát hoảng, nói “Vậy thì làm sao?”. Người đầy tớ bàn đợi cô gái đến, cầm binh khí xông vào đánh. Tối cô gái tới, nói với Lưu rằng “Biết chàng sinh lòng ngờ vực, nhưng thiếp cũng không có ý gì khác, chẳng qua cho trọn duyên phận với nhau thôi”. Chưa dứt lời thì người đầy tớ đạp cửa xông vào, cô gái quát “Bỏ ngay binh khí xuống, mang rượu ra đây mau, để ta từ biệt chủ nhân”. Người đầy tớ tự nhiên ném dao xuống như bị cướp mất. Lưu càng sợ, gượng gạo ngồi tiếp rượu, còn cô gái vẫn cười nói như thường, nói với Lưu rằng “Biết tâm sự chàng, vẫn định tìm cách giúp cho chút ít, vất vả đề phòng nhau làm gì? Thiếp tuy không phải A Tú, nhưng cũng thấy mình không kém, chàng nhìn kỹ xem có phải không nào?”.
Lưu toàn thân nổi gai ốc, ú ớ không đáp đươc. Cô gái thấy đã sang canh ba, cầm chén rượu uống một hớp rồi đứng lên nói “Ta cứ đi đã, đợi sau đêm động phòng hoa chúc sẽ lại tới so sánh với mỹ nhân nhà chàng xem ai hơn kém”, kế quay người biến mất. Lưu tin lời hồ, lại sang đất Cái, giận cậu lừa mình nên không tới ở nhà cậu mà trọ ở gần nhà họ Diêu, nhờ người qua làm mối, đút cho nhiều tiền. Vợ Diêu nói “Chú nó định gả chồng cho cháu ở Quảng Ninh nên cha nó tới đó, việc thành hay không chưa thể biết, phải đợi ông ấy về mới bàn được”. Lưu nghe nói bàng hoàng không biết làm sao, chỉ còn cách cố đợi. Qua hơn mười ngày, chợt nghe có loạn, ban đầu còn ngờ là đồn nhảm, ít lâu sau tin càng gấp, bèn thu xếp ra đi. Giữa đường gặp giặc, chủ tớ lạc nhau, Lưu bị đội tiền tiêu bắt. Thấy Lưu là học trò yếu đuối nên chúng canh phòng lơ là, Lưu liền trộm ngựa trốn đi.
Tới ranh giới Hải Châu, thấy một cô gái đầu tóc rối bù mặt mũi nhem nhuốc, bước cao bước thấp khập khiễng trên đường. Lưu dong ngựa vượt qua, cô gái gọi “Người cưỡi ngựa có phải là chàng Lưu không?”. Lưu kìm ngựa nhìn kỹ thì ra là A Tú, trong lòng còn ngại là hồ, bèn hỏi “Nàng đúng là A Tú chứ?”. Cô gái hỏi tại sao lại nói thế, Lưu kể lại chuyện mình đã gặp. Cô gái nói “Thiếp là A Tú thật đây, không phải là kẻ mạo danh đâu. Cha dắt thiếp từ Quảng Ninh về, gặp loạn bị bắt, họ đưa ngựa cho cưỡi nhưng ngã lên ngã xuống. Chợt có một cô gái nắm cổ tay thiếp kéo đi, quanh co giữa đám quân cũng không có ai hỏi. Nàng đi nhanh như bay, thiếp kiệt sức vẫn không theo kịp, được trăm bước đã tụt lại sau mấy lần. Hồi lâu nghe tiếng người ngựa xa dần, nàng mới buông tay thiếp ra nói “Xin chào, đường phía trước đều yên ổn, cứ thong thả mà đi, người yêu của nàng sẽ tới, nên theo chàng cùng về”. Lưu biết đó là hồ, rất cảm kích, nhân kể rõ vì sao mình lưu lại đất Cái. Cô gái nói chú định gả nàng cho họ Phương, chưa kịp ăn hỏi thì gặp loạn, Lưu mới biết lời cậu nói không phải là dối trá. Bèn đỡ nàng lên ngựa cùng về, tới cổng nghe nói mẹ già vẫn khoẻ mạnh, cả mừng buộc ngựa vào nhà, kể lại mọi chuyện.
Mẹ cũng mừng, bèn sửa soạn cho cô gái tắm gội, nàng trang điểm xong lên ra mắt, dung quang lộng lẫy, mẹ càng vui vẻ nói “Chẳng trách thằng nhỏ ngây kia nằm mơ cũng không quên”. Bèn sắp xếp chăn nệm cho nàng ngủ cùng phòng với mình, rồi sai người tới đất Cái báo tin cho họ Diêu. Không bao lâu vợ chồng họ Diêu cùng tới, chọn ngày lành làm lễ cưới cho con gái rồi về. Cái tráp Lưu cất giữ còn nguyên dấu niêm phong, nhưng có hộp phấn mở ra thì toàn là đất đỏ. Lưu lấy làm lạ, cô gái che miệng cười nói “Vụ lừa gạt mấy nãm trước nay bị lộ rồi. Lúc ấy thấy chàng để mặc thiếp gói hàng, không xem lại thật giả, nên làm thế để đùa giỡn thôi”. Đang lúc cười đùa, chợt một người vén rèm bước vào nói “Vui vẻ như thế thì phải tạ ơn bà mối chứ!”. Lưu nhìn thì lại là một A Tú nữa. Vội vàng gọi mẹ, mẹ và người nhà đổ tới mà không ai phân biệt được. Lưu vừa ngoảnh đi cũng lẫn luôn, chăm chú nhìn hồi lâu mới nhận ra, chắp tay vái tạ. Cô gái cầm gương tự soi rồi thẹn thùng rảo bước ra, tìm theo thì đã biến mất.
Vợ chồng cảm nghĩa lập bài vị thờ trong phòng. Một đêm Lưu say rượu về phòng thấy tối tăm không có ai, đang thắp đèn thì A Tú tới. Lưu kéo lại hỏi đi đâu, nàng cười nói “Hơi rượu sặc sụa chẳng ai chịu được mà còn tra hỏi này nọ. Đã ai đi ngoại tình đâu chứ!”. Lưu cười ôm má nàng, cô gái hỏi “Chàng trông thiếp với chị hồ ai đẹp hon?”. Lưu nói “Nàng đẹp hơn, nhưng chỉ biết xem bề ngoài thì không phân biệt được”. Kế khép cửa phòng ôm nhau đùa giỡn, lát sau có tiếng gõ cửa, cô gái đứng dậy cười nói “Chàng cũng chỉ là kẻ biết xem bề ngoài mà thôi”. Lưu không hiểu, ra mở cửa thì A Tú bước vào, rất ngạc nhiên, mới biết người cùng chuyện trò vừa rồi là hồ. Trong bóng tối lại nghe thấy tiếng cười, hai vợ chồng ngẩng lên không khấn khứa, xin nàng hiện hình. Hồ nói “Ta không muốn gặp A Tú”. Hỏi sao không hóa ra dung mạo khác, hồ đáp “Ta không làm được”. Hỏi sao không làm được, hồ đáp “A Tú là em gái ta, kiếp trước không may chết yểu. Khi còn sống, cùng ta theo mẹ lên thiên cung ra mắt Tây Vương Mẫu, lấy làm hâm mộ, lúc về cố gắng bắt chước. Em ta thông tuệ hơn, chỉ một tháng là bắt chước giống hệt, ta bắt chước tới ba năm mới giống mà vẫn không bằng. Nay đã qua kiếp khác, tụ nghĩ đã hơn, không ngờ vẫn như xưa. Ta cam lòng thành của hai người, nên thỉnh thoảng sẽ tới thăm, bây giờ thì đi đây”, rồi không nghe tiếng nói nữa.
Từ đó cứ năm ba ngày lại tới một lần, trong nhà có việc gì khó khãn trở ngại đều quyết cho cả. Khi A Tú về thăm cha mẹ thì tới ở luôn vài ngày không đi, tôi tớ đều sợ hãi lánh mặt. Nhà có mất gì thì lại ăn mặc đẹp đẽ, cài chiếc trâm đồi mồi dài mấy tấc, gọi tôi tớ lên nghiêm giọng bảo ai lấy trộm vật ấy đêm nay phải đem tới để vào chỗ ấy chỗ ấy, nếu không sẽ bị đau buốt óc thì đừng trách không nói trước, sáng ra quả lấy lại được đúng chỗ nàng đã nói. Ba năm sau không thấy tới nữa, nhưng nếu trong nhà có mất tiền lụa, A Tú bắt chước ăn mặc như nàng để dọa tôi tớ cũng thường lấy lại được.