Home Liêu Trai Chí Dị – 159 – 160 -: Phu Nhân Nhà Họ Lưu (Lưu Phu Nhân)

– 159 – 160 -: Phu Nhân Nhà Họ Lưu (Lưu Phu Nhân)

Liêm sinh người huyện Chương Đức (tỉnh Hà Nam), lúc trẻ ham học nhưng mồ côi sớm, nhà rất nghèo. Một hôm đi khỏi nhà, tối về lạc đừơng vào một thôn nọ, gặp một bà già đi tới nói “Liêm công tử đi đâu thế, trời tối lắm rồi”. Sinh đang lo lắng nên cũng không kịp hỏi là ai, chỉ xin ngủ nhờ. Bà già dẫn sinh đi tới một phủ đệ lớn, có hai a hoàn cầm đèn lồng đưa một người đàn bà ra, thấy khoảng hơn bốn mươi tuổi, cử chỉ phong thái ra dáng đại gia. Bà già bước lên thưa “Liêm công tử đã tới,” Sinh vội rảo bước tới làm lễ, người đàn bà vui vẻ nói “Công tử tuấn tú lắm, đâu phải chỉ là một phú ông”. Lập tức bày tiệc đón tiếp, ngồi bên cạnh mời mọc rất ân cần, nhưng riêng mình nâng chén không mấy khi uống, cầm đũa không mấy khi gắp.

Sinh ngại ngùng áy náy, mấy lần hỏi thăm gia thế, bà cười đáp “Cứ uống cạn ba chén lớn ta sẽ nói cho chàng biết”. Sinh uống xong, bà nói “Chồng ta họ Lưu, làm khách ở Giang Tả (vùng Giang Tây) gặp tai biến chết rồi. Ta góa bụa sống một mình ở nơi vắng vẻ này, nhà cửa ngày càng sa sút. Tuy có hai đứa cháu nội nhưng nếu không phải lũ ăn tàn phá hại thì cũng là hạng bất tài vô dụng. Công tử tuy khác họ nhưng kiếp trước là ruột thịt, vả lại tính tình thuần hậu cẩn thận nên ta mới ra mặt gặp gỡ. Cũng chẳng có chuyện gì phiền, chỉ là ta có một ít vàng chôn giấu, muốn gởi công tử đem đi buôn bán, có lời thì chia, cũng không tới nỗi chết già không được ai biết”. Liêm từ chối, lấy cớ tuổi còn trẻ lại chỉ là kẻ học trò khờ khạo, sợ phụ sự ủy thác lớn lao.

Bà nói “Đọc sách trước hết là để mưu sinh, công tử lại vốn thông minh, chuyện gì mà không làm được”. Rồi sai tỳ nữ mang vàng ra giao, tất cả hơn tám trăm lượng, sinh lo sợ cố từ chối. Bà nói “Ta cũng biết công tử chưa quen giao thiệp buôn bán, nhưng cứ thử xem, chắc chắn không thua lỗ đâu”. Sinh lo rằng số vốn lớn như thế thì một người không đủ sức coi sóc nên bàn họp bạn đi buôn chung. Bà nói “Không cần đâu, chỉ cần tìm một người thành thật tháo vát theo giúp công tử là đủ” lại bấm đốt tay tính toán, nói “Được người họ Ngũ thì rất tốt”. Rồi sai đầy tớ thắng ngựa chở vàng đưa sinh về, nói “Đến cuối năm xin chờ làm tiệc tẩy trần”, lại ngoảnh lại dặn người đầy tớ rằng “Con ngựa này thuần, có thể cưỡi được, vậy tặng luôn cho công tử, khỏi cần dắt về”. Sinh về tới nhà thì đã canh tư người đầy tớ buộc ngựa rồi chào về. Hôm sau sinh đi khắp nơi tìm người giúp việc, quả được một người họ Ngũ, bèn trả công hậu để thuê. Ngũ già đời trong việc đi xa, lại là người ngu tối vụng về song cẩn thận, sinh đưa hết tiền bạc cho giữ, cùng nhau qua lại buôn bán ở Kinh Tương (vùng Hồ Nam).

Cuối năm trở về, tính lại thì vốn đã tăng gấp ba lần, sinh cho rằng nhờ sức của Ngũ nhiều, nên ngoài công xá còn thưởng thêm cho rất hậu, định là không cho chủ nhân biết. Vừa về tới nơi, người đàn bà đã sai người ra đón, hai người cùng vào. Thấy trên sảnh đã bày tiệc sẵn, người đàn bà bước ra, hết lời khen ngợi an ủi. Sinh nộp cả tiền bạc, tính hết sổ sách, nhưng bà không ngó ngàng gì tới. Giây lát mời vào tiệc, có cả ban hát ca múa nhộn nhịp, Ngũ cũng được mời tiệc riêng ở nhà ngoài, say khướt mới về. Sinh thì vì chưa có vợ nên ở lại ăn Tết luôn. Hôm sau lại xin tính toán sổ sách, người đàn bà cười nói “Sau này không cần làm thế nữa, ta đã biên chép từ lâu rồi”. Rồi giở sổ cho sinh xem, thấy ghi chép rất rành mạch, ngay cả khoản thưởng thêm cho Ngũ cũng thấy có trong đó, sinh kinh ngạc nói “Phu nhân quả là người thần”. Qua mấy hôm, cho ăn ở rất chu tất, đãi sinh như con cháu trong nhà. Một hôm bày tiệc trên sảnh, đặt một ghế chủ một ghế khách dưới thềm cũng bày một bàn, nói với sinh rằng “Ngày mai là ngày Tài tinh lâm chiếu, đúng dịp nên lên đường, hôm nay ta bày tiệc tiễn chủ tớ công tử cho thêm phần khởi sắc”. Ngũ cũng được gọi tới, cho ngồi ở bàn dưới thềm. Một lát thì ban hát ra diễn, chiêng trống vang tai, người của ban hát bước lên trình danh sách các vở tuồng. Sinh bảo diễn vở Đào Chu giàu có*, người đàn bà cười nói “Đó là điềm báo trước đấy, chắc công tử sẽ được Tây Thi làm nội trợ”.

*Đào Chu giàu có: Đào Chu tức Phạm Lãi, người thời Xuân Thu, theo giúp Việt Vương Câu Tiễn, sai mỹ nhân là Tây Thi qua dùng sắc đẹp để quyến rũ Ngô vương Phù Sai, ly gián triều dình, làm rối triều chính nước Ngô. Sau khi Câu Tiễn diệt Ngu, Phạm Lãi bỏ quan, đưa Tây Thi rời nước Việt, thay tên đổi họ đi buôn bán khắp nơi, trở thành cự phú, sau cùng ở lại nước Tề, tự xưng là Đào Chu công.

Tan tiệc lấy toàn bộ số vàng đưa sinh, nói “Lần này đi không kể ngày tháng, nếu không thu được vạn lượng vàng xin đừng về. Ta với công tử nương dựa nhau do phúc mệnh, tin cậy nhau như gan ruột, đừng nhọc công làm sổ sách làm gì. Việc bán buôn lời lỗ ở phương xa thế nào tự ta có thể biết được”, sinh vâng dạ lui về. Rồi lên đường tới đất Hoài Thương (huyện Hoài ân tỉnh Giang Tô) xin làm thầu buôn muối, hơn một năm thì vốn đã tăng gấp mấy lần. Nhưng sinh ham học, ngoài những lúc tính toán buôn bán vẫn không quên sách vở, bạn bè cùng giao du đều là kẻ văn sĩ. Lại thấy đã có nhiều tiền nên thầm muốn nghỉ buôn bán, dần dần giao hết công việc cho Ngũ. Sinh chơi thân với Tiết sinh ở huyện Đào Nguyên (tỉnh Hồ Nam), nhân đi ngang ghé thăm, nhưng cả nhà đều đang ở chỗ khác. Trời đã tối không sao gọi về, người giữ cổng giữ sinh lại, dọn giường nấu cơm tiếp đãi. Sinh hỏi kỹ về chủ nhân, thì ra đại để lúc ấy người ta đồn nhảm rằng triều đình muốn tuyển con gái nhà lương dân làm lễ vật hoà thân để yên biên cuơng, dân gian náo động, nghe nói ai trẻ tuổi chưa vợ thì không cần mai mối, cứ đưa con gái tới tận nhà gả cho, tới nỗi có người trong một đêm cưới luôn được hai vợ.

Tiết cũng vừa cưới một người vợ con nhà vọng tộc, nhưng sợ xe ngựa rầm rập quan huyện biết được nên dời về ở trong làng. Gần hết canh một, sinh vừa đi nằm chợt nghe tiếng mấy người gọi cổng vào nhà, không rõ người giữ cổng nói gì, chỉ nghe một người hỏi “Quan nhân đã không có nhà, vậy ai thắp đèn trong kia?”. Người giữ cổng đáp là Liêm công tử, khách từ xa tới. Giây lát người vừa hỏi bước vào, áo mũ đẹp đẽ, vừa chào xong đã hỏi ngay tên họ quê quán. Sinh đáp xong, người ấy mừng rỡ nói “Té ra là đồng hương với ta, vậy nhạc gia là ai thế”. Sinh đáp còn chưa có vợ, người ấy càng vui mừng, rảo bước ra gọi một thiếu niên cùng vào, làm lễ chào hỏi rất cung kính rồi nói “Thưa thật với công tử, bọn ta họ Mộ, đêm nay tới đây là đưa cô em tới gả cho Tiết quan nhân, gặp tình cảnh thế này đang không biết làm sao, tiến lui đều khó, lại gặp được công tử há chẳng phải là số phận ư?”.

Sinh vì chưa biết họ là ai nên còn ngần ngừ chưa dám ưng thuận, Mộ lại mặc kệ lời từ chối, cứ gọi người đưa cô dâu vào. Phút chốc có hai bà già đưa một cô gái vào ngồi trên giường, sinh liếc nhìn thấy khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, xinh đẹp không ai bằng. Sinh mừng rỡ, sửa mũ áo tạ ơn Mộ, lại bảo ngươi giữ cổng dọn rượu tiếp đãi, cùng nhau trò chuyện rất vui vẻ. Mộ nói “Tổ tiên bọn ta vốn là người huyện Chương Đức, dòng họ bên mẹ cũng là thế gia nhưng nay đã sa sút. Nghe nói ông bà ngoại còn có hai người cháu nội, không rõ tình cảnh ra sao”. Sinh hỏi họ tên, Mộ đáp “Ông ngoại bọn ta họ Lưu tên Huy Nhược, nghe nói cư ngụ cách huyện thành ba mươi dặm về phía bắc”. Sinh nói “Nhà ta ở phía đông nam huyện thành, cách nơi ấy khá xa, lại tuổi còn nhỏ nên giao thiệp chưa nhiều, quen biết cũng ít. Trong huyện có rất nhiều người họ ấy, nhưng nghe nói phía bắc huyện thành có Lưu Kinh Khanh, cũng là bậc văn sĩ nhưng không rõ có đúng không, có điều nhà thì nghèo”. Mộ nói “Mồ mả tổ tiên bọn ta vẫn còn ở huyện Chương Đức, vẫn muốn đưa quan tài cha mẹ về ở quê cũ nhưng vì chưa lo đủ tiền bạc nên còn lần lữa. Nay em gái bọn ta được theo công tử về, bọn ta càng quyết ý về quê”. Sinh nghe thế, khẳng khái nhận sẽ thu xếp. Hai người họ Mộ rất vui mừng, uống vài chén rượu rồi chào về. Sinh bảo người hầu thay đèn đi ngủ, đêm ấy vợ chồng yêu thương nhau rất đằm thắm.

Hôm sau Tiết nghe tin vội trở vào thành, xây một dãy nhà riêng cho sinh ở. Sinh trở lại đất Hoài, tính toán tiền bạc xong, lưu Ngũ ở lại rồi mang hành trang tiền bạc về lại Đào Nguyên, cùng hai người họ Mộ đưa quan tài cha mẹ và cả hai gia đình về quê. Về tới nhà, sinh thu xếp đâu đó xong, đem tiền bạc tới chỗ chủ nhân thì thấy ngùoi đầy tớ dắt ngựa trước kia đã đứng đón trên đường đưa vào nhà. Người đàn bà ra đón, vui vẻ nói “Đào Chu công đưa được Tây Thi về rồi. Hôm trước là khách, chứ hôm nay là cháu rể của ta rồi đấy nhé”. Rồi bày tiệc đón mừng, đối xử càng thêm thân thiết. Sinh khâm phục là có tài biết trước, bèn hỏi phu nhân cùng mẹ vợ mình có họ hàng xa gần thế nào, bà đáp đừng hỏi, về sau sẽ tự biết thôi. Rồi chất vàng lên bàn, chia làm năm phần, tự mình lấy hai phần, nói “Ta thì chẳng dùng gì tới, chỉ giữ lại để cho cháu đích tôn thôi”. Sinh thấy phần mình quá nhiều, chối từ không nhận. Bà buồn rầu nói “Nhà ta sa sút, cây cối trong sân bị người ta chặt làm củi, cháu nội lại ở xa quá, cửa nẻo ngày càng tiêu điều, phiền công tử lo giùm”. Sinh vâng dạ, nhưng xin chỉ nhận một nửa số vàng. Bà ép cầm cả rồi tiễn sinh ra cổng, gạt lệ quay vào. Sinh lấy làm lạ lùng ngờ vực, ngoảnh lại nhìn toà phủ đệ thì là ngôi mộ lớn, mới hiểu ra rằng phu nhân chính là bà ngoại vợ mình. Về tới nhà bèn xuất tiền mua một khoảnh ruộng quanh mộ, tu bổ dọn dẹp rất đẹp đẽ tươm tất.

Họ Lưu có hai cháu nội, lớn tức Kinh Khanh còn thứ tên Ngọc Khanh, là kẻ rượu chè cờ bạc lêu lổng, cả hai đều nghèo. Hai anh em tới nhà sinh tạ ơn, sinh đều tặng cho rất hậu, từ đó thường qua lại với nhau. Sinh kể đầu đuôi việc mình đi buôn, Ngọc Khanh nghĩ thầm rằng trong mộ ắt có vàng, đêm tối rủ mấy tên cờ bạc tới đào mộ tìm, phá vỡ quan tài phơi cả xương cốt ra nhưng không được chút gì, thất vọng tan đi. Sinh được tin mộ bị phá, báo cho Kinh Khanh, Kinh Khanh tới gặp sinh rồi cùng đi xem. Vào tới huyệt mộ thì thấy số vàng phu nhân giữ lại trước đây vẫn chồng chất trên án, Kinh Khanh muốn chia đôi với sinh. Sinh nói “Phu nhân giữ số vàng này lại vốn là để chờ dịp cho huynh thôi mà”, Kinh Khanh bèn chở cả về. Kế báo lên huyện, quan tư lùng bắt rất gấp, sau bắt đước người bán một chiếc trâm ngọc trong mộ, tra hỏi mới biết Ngọc Khanh là kẻ chủ mưu. Quan huyện muốn trị tội Ngọc Khanh thật nặng, Kinh Khanh hết sức kêu xin cho mới được khỏi tội chết. Cả hai nhà cùng ra sức sửa sang trong ngoài ngôi mộ, so ra còn bền chắc đẹp đẽ hơn lúc trước. Từ đó Liêm Lưu cùng giàu có, duy Ngọc Khanh vẫn nghèo như cũ. Sinh và Kinh Khanh thường chu cấp cho, song rốt lại vẫn không đủ cho y cờ bạc. Một đêm có bọn cướp vào nhà sinh trói người khảo của, sinh chôn vàng cứ một ngàn năm trăm lượng vàng là một vò, bèn chỉ chỗ cho chúng đào, bọn cướp lấy được hai vò. Lúc ấy chỉ có con ngựa ma trong tàu, chúng bèn thắng cương vào chở vàng đi, lại bắt sinh theo, ra tới ngoài đồng mới thả cho về.

Người trong thôn thấy ánh đèn đuốc của bọn cướp còn chưa xa lắm, hò hét đuổi theo, chúng hoảng hốt bỏ chạy. Mọi người đuổi tới chỗ ngôi mộ thì thấy vàng rơi tung toé trên đường mà con ngựa thì biến thành tro giấy, mới biết con ngựa cũng là ma. Đêm ấy nhà sinh chỉ mất có một chiếc vòng vàng mà thôi. Vốn trước đó bọn cướp bắt vợ sinh, thấy nàng xinh đẹp toan cưỡng hiếp, nhưng có một tên đeo mặt nạ quát thét bảo thôi, giọng nói giống như Ngọc Khanh. Bọn cướp bèn tha vợ sinh, chỉ lột chiếc vòng vàng nàng đeo ở tay. Sinh vì vậy ngờ đó là Ngọc Khanh, nhưng cũng thầm cám ơn y. Sau bọn cướp bán chiếc vòng vàng đánh bạc, bị công sai bắt được, tra hỏi bè đảng thì quả trong đó có Ngọc Khanh. Quan huyện tức giận, dùng trọng hình trị tội. Kinh Khanh bàn với sinh định đem nhiều tiền lo lót để cứu, nhung chưa kịp làm gì thì Ngọc Khanh đã chết trong ngục, từ đó sinh vẫn cấp dưỡng cho vợ con y. Về sau sinh thi đỗ Cử nhân, con cháu mấy đời đều giàu có. Than ôi, tự dạng chữ “tham” ngang sổ chấm phết rất giống chữ “bần”, hạng người như Ngọc Khanh đủ để làm điều răn vậy.

 

 

160. Gái Thần

(Thần Nữ)

Mễ sinh là ngươi đất Mân (tỉnh Phúc Kiến), người kể chuyện quên mất tự hiệu quận ấp. Vào quận thành chơi, say đi ngoài phố, nghe trong một tòa nhà lớn có tiếng đàn sáo ầm ĩ, hỏi người ở quanh thì họ đáp nhà ấy mở tiệc mừng thọ, song ngoài cổng  trong sân lại rất vắng vẻ. Lắng tai nghe thấy tiếng sênh phách vang lừng, sinh đang say lấy làm ưa thích, không hỏi là nhà ai, cứ ra đầu phố mua lễ vật chúc mừng rồi đưa thiếp vào, xưng là vãn sinh. Có người thấy sinh ăn mặc tầm thường bèn hỏi có họ hàng thế nào với ông già kia, sinh đáp không có. Người ấy nói nhà ấy là người nơi khác tới đây ngụ cư, không rõ là quan gì nhưng rất kiêu kỳ, không phải là họ hàng thì gặp làm gì? Sinh nghe thấy hối hận, nhưng danh thiếp đã đưa vào rồi. Phút chốc có hai thiếu niên ra đón khách, trang phục rực rỡ, dáng điệu phong nhã, vái chào sinh rồi mời vào. Thấy một ông già ngồi quay mặt về hướng nam, hai bên bày mấy bàn tiệc, khách có sáu bảy người đều như bậc quý quan, thấy sinh vào đều đứng lên làm lễ, ông già cũng chống gậy đứng dậy.

Sinh đứng hồi lâu đợi đón khách mà ông vẫn không rời khỏi chỗ. Hai thiếu niên đỡ lời, nói “Phụ thân già yếu, vái chào khó khăn, anh em bọn ta xin thay mặt tạ ơn bậc cao hiền hạ cố”. Sinh khiêm tốn đáp tạ xong, họ mời vào một bàn phía trên, bên cạnh ông già. Giây lát ban nhạc ra múa hát ở dưới, sau tiệc bày bình phong lưu ly che đám phụ nữ trong nhà. Tiếng đàn sáo ầm ĩ, khách khứa không thể chuyện trò gì nữa. Sắp tan tiệc, hai thiếu niên đứng lên, đều rót chén lớn mời khách, chén đựng khoảng ba đấu. Sinh ngần ngại nhưng thấy khách nhận cũng nhận. Giây lát nhìn quanh thấy chủ khách đều đã cạn chén, bất đắc dĩ cũng phải cố uống. Thiếu niên lại rót, sinh thấy mệt quá đứng lên cáo lui, thiếu niên nắm áo giữ lại. Sinh say quá gục xuống đất, thấy có người lấy nước lạnh rưới vào mặt, chợt tỉnh dậy nhìn thì khách khứa đã về hết, chỉ còn một thiếu niên xốc cánh tay đưa ra, bèn chào về. Sau đó lại qua ngang cổng, thì thấy đã dời đi ở chỗ khác.

Sinh từ quận về, tới ngang chợ có một người trong quán bước ra mời vào uống rượu. Nhìn thì không quen nhưng cũng theo vào, thấy trong bàn đã có người làng là Bão Trang ngồi trước. Hỏi người đó thì là họ Chư, làm nghề mài gương trong chợ. Hỏi sao biết mình, Chư nói “Ông có biết người khao thọ hôm trước là ai không?”. Sinh đáp không biết, Chư nói “Ta ra vào nhà ấy nhiều lần, ông già họ Phó, nhưng không rõ quê quán quan tước. Lúc tiên sinh vào mừng thọ, ta đang ở dưới thềm nên biết mặt”. Chiều tối tan tiệc chia tay về, đêm Bão Trang chết trên đường. Cha Bão không biết Chư, cứ tên sinh mà kiện. Khám thấy xác Bão Trang có vết thương nặng, sinh bị kết án mưu sát, khép vào tội chết, chịu đủ mùi gông cùm nhưng vì chưa bắt được Chư, không đủ chứng cớ nên còn để đấy.

Hơn năm, quan Trực chỉ đi tuần tra các nơi, xét biết bị oan tha sinh ra. Nhà cửa ruộng vườn đã mất hết mà mũ áo nho sinh cũng bị lột, nhưng sinh nghĩ có thể xin lấy lại được nên lại xách khăn gói lên quận. Trời xế chân mỏi ngồi nghỉ cạnh đường, thấy một chiếc kiệu nhỏ từ xa đi tới, có hai tỳ nữ áo xanh đi kèm hai bên. Kiệu đã đi qua bỗng dừng lại, không biết bên trong nói gì, giây lát một tỳ nữ áo xanh tới hỏi sinh có phải chàng họ Mễ không? Sinh giật mình đứng dậy nói phải. Hỏi sao nghèo túng tới mức này, sinh kể lại duyên do. Lại hỏi đi đâu, sinh lại trả lời. Tỳ nữ áo xanh quay về chiếc kiệu nói chuyện với bên trong, lát sau trở lại mời sinh tới trước kiệu. Trong kiệu có một bàn tay búp măng vén rèm lên, liếc nhìn thì là một giai nhân tuyệt thế. Nàng nói với sinh “Chàng không may gặp chuyện rủi ro, nghe thấy mà buồn. Ngày nay dinh Học sứ không phải là nơi ra vào tay không được, nhưng giữa đường không có gì tặng”. Bèn rút một cành hoa khảm ngọc cài trên tóc đưa sinh, nói “Vật này có thể bán được một trăm đồng vàng, xin cầm lấy”. Sinh lạy tạ, toan hỏi lai lịch thì kiệu đi rất nhanh đã ra xa rồi, không rõ là ai nữa. Cầm cành hoa ngắm nghía thấy trên khảm ngọc trai, không phải vật tầm thường, liền cất kỹ rồi lên đường.

Tới quận đưa đơn, trên dưới vòi vĩnh hạch sách rất khổ, giở cành hoa ra ngắm, không nỡ bán bèn quay về. Trở về không có nhà ở, phải nương tựa anh trai và chị dâu. May được anh hiền, lo lắng chăm sóc cho nên nghèo mà vẫn không phải bỏ học. Năm sau sinh lên quận thi khoa Đồng tử, lầm đường lạc vào núi sâu. Lúc ấy đang tiết Thanh minh, người du xuân rất đông, có mấy cô gái cưỡi ngựa đi tới, trong có một nàng, chính là người ngồi trong kiệu năm trước. Thấy sinh nàng dùng cương hỏi đi đâu, sinh trả lời. Cô gái giật mình hỏi “Chàng vẫn chưa lấy lại được khăn áo nho sinh à?”. Sinh thẹn, rút cành hoa khảm ngọc trong áo ra, nói “Không nỡ bỏ vật này nên vẫn còn là Đồng tử”. Cô gái đỏ bừng cả mặt, dặn ngồi đợi ở góc đường, dong ngựa chậm rãi đi. Hồi lâu, một tỳ nữ ruổi ngựa tới đưa sinh một cái gói, nói “Nương tử nói ngày nay cửa quan Học sứ như cái chợ, xin tặng hai trăm lượng bạc làm vốn tiến thủ”. Sinh từ chối, nói “Nương tử làm ơn cho ta đã nhiều rồi! Tự nghĩ thi đỗ không phải là khó, không dám nhận món tiền lớn này. Chỉ xin được biết họ tên để vẽ một bức hình, đốt hương tưởng bái nương tử là đủ, Tỳ nữ không nghe, đặt gói tiền xuống đất rồi đi. Từ đó sinh chi dùng đầy đủ, nhưng rốt lại vẫn không thèm cầu cạnh, sau đỗ đầu vào trường huyện. Đưa cả tiền cho anh, anh khéo buôn bán nên trong ba năm khôi phục được hết cơ nghiệp cũ.

Lúc ấy Tuần phủ Phúc Kiến là học trò ông nội sinh, giúp đỡ rất nhiều nên anh em trở nên giàu có. Nhưng sinh vốn là ngươi trong sạch ngay thẳng nên tuy quen thân với quan lớn mà không lần nào tới nhờ vả. Một hôm có khách mặc áo cừu cưỡi ngựa tới cổng, cả nhà đều không biết là ai. Sinh ra xem thì là công tử họ Phó, bèn vái chào mời vào, thăm hỏi trò chuyện, bày rượu khoản đãi. Khách lấy cớ bận từ chối, nhưng cũng không nói tới chuyện ra về. Khi cơm rượu bày lên, công tử đứng dậy xin nói chuyện riêng, mời vào nhà trong thì lạy sụp xuống đất. Sinh kinh ngạc hỏi có chuyện gì, công tử buồn bã nói “Phụ thân mắc vạ lớn có điều muốn nhờ quan Tuần phủ, không phải anh thì không ai nói giúp được”. Sinh từ chối, nói “Ông ta tuy là chỗ quen biết lâu đời nhưng trước nay ta chưa bao giờ vì việc riêng mà cầu cạnh xin xỏ ai cả”. Công tử phục xuống đất khóc lóc năn nỉ, sinh nghiêm sắc mặt nói “Tiểu sinh với công tử chẳng qua chỉ nhân một bữa tiệc mà quen nhau, sao lại đem chuyện mất danh tiết ép buộc nhau thế?”. Công tử thẹn quá, đứng dậy từ biệt rồi đi.

Hôm sau sinh đang ngồi một mình thì có một người áo xanh bước vào, nhìn ra thì là tỳ nữ đưa tiền tặng trong núi trước kia. Sinh giật mình đúng dậy, người ấy hỏi “Chàng quên cành hoa khảm ngọc rồi sao?”, sinh đáp ”Dạ dạ, không dám quên”. Người ấy nói “Công tử hôm qua là anh ruột của nướng tử đấy”. Sinh nghe thế mừng thầm, vờ nói “Chuyện đó khó tin lắm, nếu được nương tử thân hành tới đây nói cho một câu, thì dù là vạc dầu sôi cũng xin nhảy vào, nếu không thì thật không dám vâng lệnh”. Tỳ nữ ra lên ngựa đi, đến khuya trở lại gõ cửa bước vào nói “Nương tử tới rồi”. Chưa dứt lời thì cô gái rầu rĩ bước vào, ngoảnh mặt vào vách mà khóc, không nói một câu. Sinh vái lạy nói “Tiểu sinh không có nàng thì làm sao có ngày nay, nếu có điều gì sai bảo, dám đâu không vâng lời?”. Cô gái nói “Kẻ được cầu cạnh thường khinh người, kẻ đi cầu cạnh thường sợ người. Nửa đêm lặn lội, trước nay nào biết tới cái khổ này, chỉ vì sợ người đấy thôi, còn nói gì nữa?”. Sinh an ủi, nói “Sở dĩ tiểu sinh không nhận lời ngay là vì sợ xong việc rồi khó được gặp nhau lần nữa thôi. Khiến nàng phải đêm hôm lặn lội sương gió, ta biết tội rồi”. Nhân cầm tay áo cô gái vuốt khẽ, nàng nói “Ông thật là người tệ, không nghĩ tới ơn nghĩa trước lại toan nhân lúc người ta nguy cấp. Ta lầm rồi, ta lầm rồi?”, rồi tức giận bỏ ra, lên kiệu toan đi. Sinh đuổi theo tạ lỗi quỳ xuống chặn đường. Người tỳ nữ cũng khuyên giải, nàng như nguôi giận, ngồi trong kiệu nói với sinh “Nói thật với chàng, thiếp không phải là người mà là thần nữ. Phụ thân làm Đô lý ty ở Nam Nhạc, vô tình thất lễ với địa quan, sắp bị tâu lên Thượng đế, nếu không có ấn tín của quan đầu hạt đây thì không sao gỡ được. Nếu chàng không quên nghĩa cũ, thì lấy một tờ giấy vàng xin đóng ấn cho thiếp”, rồi giục kiệu đi.

Sinh quay vào run sợ mãi, rồi thác chuyện trừ ma lên xin. Tuần phủ cho là việc mê tín nhảm nhí không cho, sinh đem nhiều tiền đút cho ngươi tâm phúc của ông ta, y nhận lời nhưng tìm được cơ hội. Về nhà thì người tỳ nữ đã chờ ở cổng, sinh kể lại mọi chuyện, cô ta im lặng đi ra như giận sinh không hết lòng. Sinh đuổi theo tiễn, nói “Xin về thưa với nương tử rằng nếu việc không xong thì ta sẽ liểu mạng chết theo”. Quay vào trằn trọc cả đêm không nghĩ ra được kế gì, gặp lúc trong dinh có người thiếp yêu của Tuần phủ muốn mua ngọc, bèn lấy cành hoa khảm ngọc lên biếu, nàng ta thích lắm, liền trộm ấn đóng cho sinh. Mang về tới nhà thì người tỳ nữ cũng vừa tới. Sinh cười nói “May mà không nhục mệnh, nhưng vật mấy năm nghèo khổ xin ăn không nỡ bán nay đã phải bỏ vì chủ nhân của nó rồi!”. Kế kể lại mọi chuyện, nói “Vàng ròng vứt đi ta cũng không tiếc, nhưng nhờ nhắn với nương tử rằng cành hoa khảm ngọc thì phải đền đấy”. Qua mấy hôm, Phó công tử tới tạ ơn, biếu một trăm lượng vàng. Sinh sầm mặt nói “Sở dĩ ta làm thế là vì lệnh muội đã ban ơn cho ta không cầu báo đáp thôi, nếu không thì dù vạn lượng vàng cũng há đủ thay đổi danh tiết sao!”. Cố ép thì sinh lời lẽ sắc mặt càng giận dữ, công tử thẹn thùng ra về, nói “Chuyện này chưa xong được”. Hôm sau người tỳ nữ vâng mệnh cô gái đem biếu một trăm viên ngọc, hỏi “Bấy nhiêu đủ đền cành hoa khảm ngọc rồi chứ?”, sinh đáp “Ta trọng cành hoa ấy không phải vì quý ngọc trai, nếu không vật báu vạn dật tặng cho ngày trước ta đã bán đi để làm một anh nhà giàu rồi, còn nâng niu giữ gìn cam chịu nghèo khó làm gì? Nương tử là người thần, tiểu sinh nào dám mong gì khác. Nay may đã báo đáp được chút ơn lớn, chết cũng không ân hận”. Người tỳ nữ đặt ngọc lên án, sinh vái tạ rồi trả lại.

Qua mấy hôm, công tử lại tới sinh cho bày tiệc khoản đãi, công tử cũng sai người hầu xuống nấu nướng. Hai người đối diện cạn chén, vui vẻ như người nhà. Vừa gặp lúc có ngươi biếu rượu nếp đắng, công tử khen ngon, uống luôn trăm chén, mặt đã hơi đỏ, nói với sinh rằng “Ông ngay thẳng thanh cao mà hai anh em ta đều mờ tối không biết sớm, thật vô cùng xấu hổ với kẻ quần thoa. Cha ta cảm đức lớn, không biết lấy gì báo đáp, muốn cho em gái ta kết duyên với ông, chỉ sợ ông hiềm u minh khác nẻo”. Sinh mừng mùng sợ sợ không biết trả lời thế nào. Công tử từ biệt ra về, nói “Đêm mai là mồng chín tháng bảy, lúc trăng vừa lên, có cô cháu gái Thiên tôn lấy chồng, đó là giờ tốt, nên sửa soạn phòng hoa”. Đêm sau quả đưa cô gái đến, mọi cái không khác gì người thường.

Sau ba ngày, cô gái đối với người trong nhà từ anh chị tới tôi tớ lớn nhỏ đều có quà tặng. Lại rất hiền thục, thờ chị dâu như mẹ chồng. Mấy năm không sinh nở, khuyên chồng lấy vợ lẽ nhưng sinh không nghe. Gặp lúc anh đi buôn ở Giang Hoài mua về cho một người thiếp trẻ tuổi họ Cố tên Bác Sĩ, dung mạo cũng xinh xắn, vợ chồng đều mừng. Chợt thấy trên tóc nàng có cài cành hoa khảm ngọc rất giống vật cũ năm trước, rút xuống xem quả đúng, lấy làm lạ hỏi. Nàng đáp “Trước có người vợ của quan Tuần phủ chết, tỳ nữ của bà ta ăn cắp đem bán ở chợ, cha thiếp mua luôn đem về, thiếp rất thích. Cha thiếp không có con trai, chỉ sinh được một mình thiếp, nên xin gì cũng được. Sau cha thiếp mất, nhà cửa sa sút, thiếp phải sống nhờ ở nhà bà họ Cố. Bà Cố là vai dì của thiếp, thấy ngọc trai nhiều lần muốn đem bán, vì thiếp nhảy xuống giếng tự tử nên đến nay mới còn”. Vợ chồng mừng nói “Vật qua mười năm lại về chủ cũ, chẳng phải là số sao?”. Cô gái lấy ra một cành hoa khảm ngọc khác, nói “Vật này không có đôi lâu lắm rồi!”, nhân ban luôn cho ngươi thiếp, tự tay cài lên tóc cho.

Người thiếp lui ra, hỏi gia thế cô gái rất kỹ nhưng người nhà đều không dám nói, bèn lén nói với sinh rằng “Thiếp trông nương nữ không phải là người trần. Trong khoảng mắt và mày có thần khí, hôm qua cài cành hoa cho, thiếp được nhìn gần, thấy vẻ đẹp từ trong da thịt toát ra, không phải như người thường chỉ hơn nhau ở chỗ xấu dẹp trắng đen thôi đâu”. Sinh cười, nàng nói “Xin chàng đừng nói gì để thiếp thử xem. Nếu là thần thì mình muốn gì cứ nhân lúc vắng người thắp hương cầu khấn thì họ sẽ biết”. Cô gái có đôi tất thêu rất đẹp, Bác Sĩ thích nhưng chưa dám nói, lập tức thắp hương cầu khấn trong phòng. Sáng ra cô gái dậy sớm, chợt mở rương lấy đôi tất sai tỳ nữ đem cho Bác Sĩ. Sinh thấy thế bật cười, cô gái hỏi duyên cớ, bèn kể lại chuyện, nàng nói “Con nhãi mới ranh làm sao!”. Nhân thấy Bác Sĩ thông minh càng yêu thưong, mà Bác Sĩ càng cung kính, cứ mờ sáng là tắm gội tới hầu. Sau Bác Sĩ sinh một lần được hai trai, hai người chia nhau nuôi. Năm sinh tám mươi tuổi, diện mạo cô gái vẫn như lúc chưa lấy chồng. Sinh mắc bệnh, nàng thuê thợ đóng quan tài, bảo làm to gấp đôi bình thường. Lúc sinh chết nàng không khóc, các con vùa ra ngoài thì nàng nằm vào áo quan mà chết, vì vậy cùng chôn chung, đến nay vẫn truyền tụng là Ngôi mộ quan tài to.

Dị Sử thị nói: Cô gái là thần mà Bác Sĩ biết được, là dùng thuật gì vậy? Mà nàng biết được người khác thông minh, thật còn thiêng hơn cả thần nữa.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x