Home Liêu Trai Chí Dị – 177 -: Nhan Thị (Nhan Thị)

– 177 -: Nhan Thị (Nhan Thị)

Mỗ sinh ở phủ Thuận Thiên (tỉnh Hà Bắc) nhà nghèo, gặp năm mất mùa theo cha tới đất Lạc (tỉnh Hà Nam) sinh sống. Tính ngu độn, năm mười bảy tuổi mới viết chữ được thẳng hàng nhưng diện mạo tuấn tú, pha trò giỏi, viết thư tài nên không ai biết là trong bụng rỗng tuếch. Được ít lâu cha mẹ nối nhau qua đời, còn trơ trọi một mình, dạy học cho trẻ con ở đất Lạc để sinh sống. Lúc ấy trong thôn có cô gái mồ côi họ Nhan là con một bậc danh sĩ, thông minh từ nhỏ. Khi cha còn sống thường dạy cho học, chỉ đọc qua một lần là nhớ không quên, hơn mười tuổi đã làm được thơ, cha nói “Nhà ta có nữ học sĩ, chỉ tiếc là không được đội mũ thôi”, vì vậy rất yêu quý, muốn tìm rể sang. Cha mất, mẹ nàng vẫn theo ý ấy nhưng ba năm chưa thỏa nguyện, kế cũng mất. Có người khuyên nên lấy học trò giỏi, nàng cho là phải nhưng chưa gặp được ai. Gặp khi người đàn bà hàng xóm qua chơi trò chuyện, có cầm một tờ giấy viết chữ gói chỉ thêu, nàng mở ra xem thì là thư của Mỗ sinh gởi cho chồng chị ta. Cô  gái xem đi xem lại, khen chữ viết đẹp, chị ta biết ý nói nhỏ “Người ấy trẻ tuổi đẹp trai, mồ côi giống cô, tuổi cũng xấp xỉ, nếu bằng lòng thì ta dặn chồng ta nói cho là xong”, nàng im lặng không đáp.

Chị ta về nói với chồng, y vốn chơi thân với sinh bèn kể lại, sinh mừng lắm, nhân có chiếc nhẫn vàng của mẹ để lại bèn nhờ đưa tới làm sính lễ. Rồi chọn ngày cưới luôn, vợ chồng rất hòa hợp, đến lúc đọc thấy văn sinh, nàng cười nói “Văn với chàng tựa hồ như hai ngườí, thế này thì chừng nào mới thi đỗ được?”. Từ đó sóm hôm đốc thúc chàng học hành, nghiêm khắc như thầy trò, buổi tối thì thắp đèn ngồi vào bàn ngâm nga trước cho chồng đọc theo, đến canh ba mới nghỉ. Cứ thế hơn một năm, sinh đã thạo lối văn trường ốc nhưng thi mấy lần đều rớt, nghĩ lại thân danh lận đận, sinh sống khổ cực, tình cảnh buồn tênh, hu hu khóc lóc. Cô  gái mắng “Chàng không phải là đàn ông, đội mũ thật uổng. Nếu ta bỏ khăn yếm đổi làm đàn ông thì đoạt công danh dễ như nhổ cỏ vậy”. Sinh đang buồn bực, nghe vợ nói quắc mắt giận dữ đáp “Đàn bà chưa vào trường thi cử lần nào, cứ tưởng đoạt công danh phú quý dễ như đun nước nấu cháo trong bếp. Nếu được làm đàn ông, thì cũng như người ta thôi!”. Nàng cười nói “Chàng đừng giận, chờ đến kỳ thi thiếp xin cải trang thay chàng vào trường, nếu cũng thi rớt như chàng thì xin không dám coi thường danh sĩ trong thiên hạ nữa”. Sinh cũng cười nói “Nàng vẫn chưa biết nỗi cay cực đâu, xin cứ nếm thử cho biết mùi thi cử, chỉ sợ lộ ra bị láng giềng cười cho thôi”. Nàng nói “Thiếp không nói đùa đâu. Chàng thường nói còn gian nhà cũ ở đất Yên (tỉnh Hà Bắc), thiếp xin cải trang làm em trai theo chàng về đó ở. Chàng xa quê từ nhỏ, ai biết là giả?”, sinh ưng thuận.

Nàng vào phòng đội khăn mặc áo đàn ông rồi bước ra hỏi “Nhìn xem thiếp có làm con trai được không?”. Sinh nhìn quả thật là một thiếu niên đẹp trai, mừng rỡ từ biệt làng xóm, được các bạn thân tặng tiễn cho ít nhiều bèn mua một con ngựa đỡ chân, đưa vợ về quê. Người anh con bác của sinh còn sống, thấy hai em tuấn tú rất vui mừng, sớm hôm chăm nom giúp đỡ. Lại thấy thức khuya dậy sớm chăm chỉ học hành, càng thêm yêu quý, thuê cho một đứa nhỏ để sai vặt, nhưng cứ chiều tối là hai người bảo nó về. Trong làng có đám cưới đám giỗ thì anh tới thăm hỏi chứ em chỉ ngồi nhà học, về làng nửa năm mà ít người thấy mặt, có ai xin gặp thì anh từ chối giùm. Đọc tới văn bài của em ai cũng kinh lạ, có người xô cửa vào gặp thì vái chào qua loa rồi tránh mặt ngay. Khách khứa thấy phong tư lại càng hâm mộ, vì thế rất nổi tiếng, các nhà thế gia tranh nhau hứa gả con gái cho. Người anh con bác bàn tới chuyện ấy thì nhoẻn miệng cười, ép lấy vợ thì nói đã thề quyết chí lập công danh, không thi đỗ thì không lấy vợ.

Gặp lúc quan Học sứ mở kỳ khảo hạch, hai anh em cùng đi thi, anh lại trượt, em đỗ đầu rồi thi hương đỗ Cử nhân thứ tư, qua năm sau thi đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Tri huyện Đồng Thành (tỉnh An Huy), làm quan có tiếng tốt nên dần được thăng làm Chưởng ấn Ngự sử Hà Nam, giàu có ngang bậc vương hầu. Sau thác bệnh xin nghỉ, được cho về trí sĩ. Khách khứa tới thăm chật cổng, đều từ tạ không tiếp một ai. Từ lúc là Chư sinh đến khi làm quan không hề nói tới chuyện cưới vợ, ai cũng lấy làm lạ. Sau khi trí sĩ mới có tỳ nữ, người ta ngờ có ăn ngủ với họ nhưng người chị dâu để ý dò xét thì không có gì bậy bạ. Nhà Minh mất, thiên hạ đại loạn, mới nói với chị dâu “Nói thật với chị, em là vợ Tiểu lang, vì thấy đàn ông bết bát không lập thân nổi nên tức giận làm cho biết tay, chỉ sợ lộ ra, nhà vua triệu vào tra hỏi bị thiên hạ cười thôi”. Chị dâu không tin, cô gái cởi giày đưa bàn chân cho xem, chị mới kinh ngạc, nhìn chiếc giày thấy trong độn đầy vải vụn. Từ đó nàng bảo sinh nhận lấy chức hàm, mình thì đóng cửa trở lại làm đàn bà.

Nhưng bình sinh không chửa đẻ, nên bỏ tiền ra cưới vợ lẽ cho sinh, nói “Người ta làm quan lớn thì mua hầu cưới thiếp tự cung phụng mình, mà ta làm quan mười năm chỉ ở một mình, chàng có phúc trạch gì mà ngồi không hưởng hầu non gái đẹp?”. Sinh đáp “Có ba mươi người đẹp trai*, tùy nàng lựa chọn!”, người ta kể cho nhau mà cười Lúc ấy cha mẹ sinh đã được phong tặng mấy lần, thân hào nhân sĩ tới thăm viếng đều coi sinh như quan Thị ngự. Sinh thẹn về sự tập tước của vợ nên chỉ yên phận Chư sinh, suốt đời đi đâu cũng không dùng võng lọng.

*Có ba mươi người đẹp trai: Sơn Âm công chúa em gái Tống Phế đế thời Nam triều được anh yêu quý, có lần đi cùng kiệu, hỏi vua rằng “Trong sáu cung của bệ hạ có hàng vạn người mà thiếp chỉ có một Phò mã, sao không công bằng quá thế?”. Vua bèn chọn ra ba mươi người đẹp trai cho nàng tùy ý chọn lựa.

Dị Sử thị nói: Cha mẹ chồng nhờ con dâu mà được phong tặng, có thể nói là việc lạ lùng vậy. Song quan Thị ngự có phu nhân thì đời nào chẳng có, chứ phu nhân làm quan Thị ngự như thế thì ít lắm, những kẻ đội mũ nhà nho, xưng là đàn ông trong thiên hạ đều phải thẹn chết đi được.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x