– 179 – 180 -: Huệ Phương (Huệ Phương)
Mã Nhị Hỗn ở trong cửa đông phủ thành Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) làm nghề bán mì, nhà nghèo không có vợ, cùng mẹ vất vả làm ăn. Một hôm bà già ở nhà một mình, chợt có cô gái đẹp tới, tuổi khoảng mười bảy, mười tám, quần áo mộc mạc nhưng dung nhan lộng lẫy. Bà già hoảng sợ căn vặn, nàng cười nói “Con thấy hiền lang thành thật chăm chỉ, nên xin gởi thân vào nhà mẹ”. Bà già càng sợ, nói “Nương tử là người tiên mà nói câu ấy, làm mẹ con ta giảm thọ mấy năm”. Cô gái cứ nài nỉ, bà già cho rằng là nàng hầu vợ lẽ của nhà quyền quý trốn đi nên càng ra sức cự tuyệt, cô gái bèn đi. Ba ngày sau lại tới, quanh quẫn mãi không chịu đi. Hỏi họ tên, nàng đáp “Mẹ chịu cho ở thì con mới nói, nếu không thì không cần phải hỏi”. Bà già nói “Con trai ta nghèo thấu xương, được người vợ như thế này nếu không xứng đôi cũng là điều không hay”. Cô gái cười ngồi xuống cạnh giường, ngọt ngào năn nỉ. Bà già khước từ, nói xin nương tử đi ngay cho, đùng gieo họa cho nhau. Cô gái bèn đi ra, bà già nhìn theo thấy đi về phía tây.
Lại vài ngày sau, có bà Lữ ở hẻm phía tây tới, nói với Mã rằng “Cô gái láng giềng của ta là Đổng Huệ Phương mồ côi không nơi nương tụa, tình nguyện làm vợ hiền lang, sao lại không chịu?”. Mã nói thật điều mình nghi ngờ lo lắng, bà Lữ nói “Làm gì có chuyện đó? Nếu có gì rắc rối cứ bắt tội già này”. Mã mừng rỡ ưng thuận. Bà Lữ đi rồi, mẹ Mã quét nhà dọn giường để chờ con dâu tới làm lễ. Chiều tối cô gái phiêu hốt tự tới, vào nhà lạy mẹ theo đúng nghi lễ rồi nói với bà già rằng “Con có hai tỳ nữ, chưa được lệnh mẹ nên không dám gọi tới”. Bà già nói “Mẹ con ta nghèo khó không biết sai khiến tôi tớ, hàng ngày chỉ kiếm được chút lời đủ sống, nay thêm một nàng dâu xinh đẹp yếu ớt chỉ biết ngồi không đã sợ không đủ ăn, còn thêm hai tỳ nữ thì hít gió mà sống à?”. Cô gái cười nói “Bọn tỳ nữ tới đây thì không làm phiền mẹ phải nuôi đâu, tự chúng có cái ăn mà”. Hỏi tỳ nữ ở đâu, nàng bèn gọi Thu Nguyệt, Thu Tùng, chưa dứt tiếng thì hai tỳ nữ đã như chim én bay rơi xuống đứng ngay trước mặt, nàng sai quỳ xuống lạy ra mắt mẹ. Kế Mã về, mẹ ra đón kể chuyện, Mã mừng rỡ vào nhà thấy rường chạm cột vẽ lộng lẫy như cung điện, trong thì bàn ghế bình phong rèm màn rực rỡ lóa mắt, sợ hãi không dám vào. Cô gái tươi cười đứng dậy chào đón, Mã thấy như là thiên tiên càng sợ muốn lui ra. Cô gái kéo ngồi xuống dịu dàng trò chuyện, Mã mừng rằng còn quá cả điều mong ước, lúng túng không biết làm sao, bèn đứng lên định ra dọn rượn. Cô gái ngăn lại nói không cần, rồi sai hai tỳ nữ bày tiệc. Thu Nguyệt liền lấy một cái túi da cầm bước ra sau cửa đập bồm bộp rồi luồn tay vào trong lấy rượu thịt ra, đều còn nóng hổi ngon lành. Kế đi ngủ thì gối hoa nệm gấm, mềm mại ấm áp phi thường. Sáng dậy ra cửa thì vẫn là nhà tranh như cũ, hai mẹ con đều lạ lùng.
Bà già định tới chỗ bà Lữ hỏi thăm về cô gái, vào nhà rồi trước tiên tạ ơn làm mối. Bà Lữ ngạc nhiên nói “Lâu lắm không tới thăm bà, làm gì có chuyện cô gái hàng xóm nào nhờ vả làm mối?”. Bà già càng ngờ vực, kể lại hết đầu đuôi câu chuyện. Bà Lữ cả sợ, lập tức cùng bà già tới gặp cô gái. Nàng cười ra đón, hết sức cảm tạ về việc tác hợp cho mình. Bà Lữ thấy nàng xinh đẹp thông tuệ kinh ngạc trợn mắt há miệng hồi lâu, cũng chẳng tranh cãi gì, chỉ vâng vâng dạ dạ mà thôi. Cô gái tặng một cái như ý bằng gỗ trắng, nói “Không có gì để cảm tạ, chỉ xin dâng vật này để bà bác gãi lưng thôi”. Bà Lữ nhận lấy ra về, nhìn lại thì là một chiếc trâm bằng bạc. Mã từ khi có vợ càng mở mang nghề cũ, nhà cửa đều đổi mới. Trong tủ có vô số gấm vóc lụa là cho Mã tùy ý lấy, nhưng ra khỏi nhà cũng chỉ mặc áo vải cốt nhẹ nhàng ấm áp mà thôi, cô gái cũng để cho mặc ý. Được bốn năm năm, chợt nói “Thiếp bị đày xuống trần gian hơn mười năm, vì có duyên với chàng nên tạm lưu lại ở đây, nay xin chia tay”. Mã cố giữ lại, nàng nóí “Xin chàng cưới vợ khác để có con nối dõi, hàng năm thiếp sẽ tới” rồi biến mất.
Mã bèn cưới con gái họ Tần. Ba nàm sau, vào đêm Thất tịch, vợ chồng đang trò chuyện thì cô gái chợt bước vào cười nói “Có vợ mới vui vẻ không nhớ người xưa à?”. Mã kinh ngạc đứng dậy bùi ngùi kéo nàng ngồi chuyện trò hỏi han. Cô gái nói “Thiếp đang đưa Chúc nữ qua sông Ngân, nhân lúc rảnh tới thăm một chút”. Hai người ngồi dựa vào nhau chuyện trò không ngớt. Chợt trên không có tiếng người gọỉ “Huệ Phương” cô gái vội đứng lên từ biệt. Mã hỏi ai gọi, nàng đáp “Đó là người chị em bạn của thiếp tới, chị ấy không chịu chờ lâu đâu”. Mã tiễn ra cửa, cô gái nói “Chàng thọ được tám mươi tuổi, đến lúc chết thiếp sẽ tới chôn chàng”, nói xong biến mất. Nay Mã hơn sáu mươi tuổi, cũng chỉ là người thành thật chất phác không có gì nổi bật.
Dị Sử thị nói: Mã sinh tên Hỗn*, nghề nghiệp thì thấp hèn, Huệ Phương yêu mến được chỗ nào nhỉ? Từ đó mới thấy người tiên rất quý người chất phác thành thật vậy. Ta vẫn nói với bạn bè rằng như ta và các anh thì hồ quỷ cũng chê, than rằng kẻ không thẹn với người tiên thật chỉ có Hỗn mà thôi.
* Hỗn: nghĩa đen là lộn xộn, không chia rõ trắng đen trong đục, triết học phương Đông xưa dùng chỉ trạng thái nguyên thủy tự nhiên buổi đầu của thế giới. Đây ý nói Mã thành thật chất phác tự nhiên, không biết ác không biết thiện.
180. Cô Tiêu Thứ Bảy
(Tiêu Thất)
Từ Kế Tường là người huyện Lâm Truy (tỉnh Sơn Đông), ngụ ở trang Ma Phòng tại phía đông huyện thành, theo việc học hành nhưng chưa thi đỗ thì bỏ học làm thư lại. Một hôm đi thăm nhà vợ, đường đi qua khu mộ họ Vu, chiều tối say về, qua ngang thấy lầu chạm gác trổ, có ông già ngồi trước cổng. Từ say rượu khát nước, vái chào ông già xin nước, ông già đứng lên mời khách vào. Vào tới sảnh đường đưa trà ra mời, Từ uống xong, ông già nói “Trời tối khó đi, cứ tạm nghỉ lại đây, sáng mai hãy về được chứ?”. Từ cũng thấy mệt mỏi, vui vẻ nghe theo. ông già bèn sai người nhà dọn rượu đãi khách, rồi nói với Từ “Lão phu có một câu mong ông đừng cho là đường đột. Ông là con nhà gia giáo, có thể lấy thêm vợ lẽ. Ta có đứa con gái nhỏ chưa chồng, muốn cho về hầu hạ phu nhân, mong ông rủ lòng ưng thuận”. Từ đang ngượng nghịu không biết trả lời ra sao, ông già đã sai người báo với họ hàng, lại vào bảo con gái trang điểm. Giây lát có bốn năm bọn ăn mặc đẹp đẽ nối nhau kéo vào, cô gái cũng trang điểm lộng lẫy bước ra, dung nhan tuyệt thế, cùng ngồi vào tiệc. Từ tâm thần điên đảo, chỉ muốn vào ngủ cho mau, rượu được vài tuần đã nằng nặc từ chối không nhận lời mời của ai nữa, ông già bèn sai a hoàn dẫn vợ chồng vào phòng.
Từ hỏi họ tên, cô gái đáp là họ Tiêu, thứ bảy, lại hỏi kỹ gia thế lai lịch, nàng nói “Thiếp tuy hèn mọn nhưng lấy chồng là thư lại thì cũng không làm ai phải xấu hổ, cần gì vất vả dò xét tới ngọn nguồn?”. Từ say mê nhan sắc, nàng lại rất mực ngọt ngào nên không ngờ vực gì nữa. Cô gáì nói “Nơi đây không thể ở được, thiếp thấy chị nhà hiền hậu, chắc không cản trở đâu, chàng về ngăn cho một gian phòng riêng, thiếp sẽ tự tới”, Từ ưng thuận. Rổi ôm choàng lấy nàng dìu lên giường, khi tỉnh dậy thì vòng tay ôm trống không, khi trời sáng hẳn chỉ thấy bóng thông che rợp ánh nắng, dưới mình toàn là rơm rạ dày cả thước, sợ hãi than thở về kể lại cho vợ. Vợ đùa ngăn ra một phòng riêng, đặt giường vào rồi khép cửa bước ra nói “Đêm nay cô dâu mới sẽ tới đấy”, hai vợ chồng cùng cười. Chập tối, vợ đùa kéo Từ tới mở cửa, nói “Chẳng lẽ cô dâu mới chưa có trong này sao?”, vào tới thì mỹ nhân ăn vận lộng lẫy đã ngồi trên giường, thấy hai người vào đứng lên đón, vợ chồng rất ngạc nhiên. Cô gái che miệng cười khúc khích, vái chào rất kính cẩn, vợ Từ líền bày tiệc hợp hoan cho hai người.
Cô gái hàng ngày dậy sớm làm việc nhà không chờ sai bảo, một hôm nói với Từ rằng bọn chị em đều muốn tới nhà ta chơi một lần. Từ lo lúc vội vàng không có gì đãi khách, nàng nói “Các chị em đều biết nhà ta không giàu, định đưa thức ăn tới trước, chỉ phiền nhờ chị nhà nấu nướng cho thôi”. Từ nói với vợ, vợ bằng lòng. Ăn sáng xong quả có người mang rượu thịt tới, đặt gánh xuống đó rổi đi, vợ Từ liền vào bếp nấu nướng. Sập tối có sáu bảy nữ lang tới, người lớn nhất chỉ khoảng bốn mươi tuổi trở lại, cùng ngồi quanh bàn ăn uống, cười nói râm ran cả phòng. Vợ Từ núp ngoài cửa sổ lén nhìn, chỉ thấy chồng và cô Bảy ngồi đối diện với nhau còn bao nhiêu khách khứa đều không thấy hình bóng, đến mãi gần khuya mới vui vẻ ra về. Cô gái đưa khách chưa trở vào, vợ Từ vào nhìn lên bàn thấy mâm chén đều sạch nhẵn, cười nói “Chắc đám nhãi con này đều đói, nên ăn cứ như chó liếm thớt!”. Lát sau cô gái trở vào, hết lời cảm ơn, giằng lấy bát đĩa đem rửa, giục chị đi nghỉ.
Vợ Từ nói “Khách tới chơi nhà mình lại để tự họ chuẩn bị thức ăn, thật là chuyện buồn cười, mai này phải lo liệu mời “Một bữa”. Mấy hôm sau Từ theo lời vợ, bảo cô gái lại mời khách. Khách tới ăn uống rất tự nhiên nhưng chừa lại bốn đĩa không hề động tới, Từ hỏi thì cả bọn cười rộ đáp “Lần trước phu nhân chê bọn ta xấu tính, nên dành lại cho người vất vả nấu nướng”. Trong bọn có một nàng khoảng mười tám mười chín tuổi, hai lần đều mặc xiêm áo trắng, thấy nói vừa góa chồng, cô gái gọi là chị Sáu, dáng vẻ kiều mỵ, khéo nói hay cười, có vẻ thích Từ, cứ tìm lời nói đùa để trêu ghẹo. Rồi đặt tửu lệnh, cử Từ làm giám tửu, cấm không được trêu chọc nhau. Cô Sáu phạm lỗi nhiều lần, phải uống hơn chục chén liên tiếp, bắt đầu chuếnh choáng, vóc ngọc nghiêng ngã khó lòng ngồi vững. Không bao lâu bỏ ra, Từ thắp đèn vào tìm thì thấy say ngủ trong màn tối, ghé mặt lại gần kề sát vào môi vẫn không hay biết gì, lấy tay sờ dưới quần thấy chỗ kín gồ lên, lòng đang xao xuyến thì trong tiệc nhao nhao gọi Từ lang, vội kéo lại áo cho nàng, thấy trong tay áo có chiếc khăn là, bèn lấy trộm bước ra.
Đến khuya mọi người đều đã rời bàn mà chị Sáu vẫn chưa tỉnh, cô Bảy vào lay gọi mới ngáp dài đứng dậy, sửa quần vuốt tóc theo mọi người về. Từ canh cánh nhớ nhung không sao khuây khỏa, tìm tới chỗ vắng người định lấy chiếc khăn ra ngắm thì đã biến mất, ngờ rằng đánh rơi lúc tiễn khách bèn cầm đèn soi kỹ nhưng trong nhà dưới thềm đều không có, lấy làm bứt rứt. Cô gái hỏi, Từ nói trớ qua chuyện khác, nàng cười nói “Đừng nói dối, chủ cái khăn đã lấy đi rồi, tìm kiếm làm gì cho vất vả”. Từ kinh ngạc kể lại tình thật, lại nói là rất tưởng nhớ. Cô gái nói “Chị ấy với chàng không có túc phận, duyên số chỉ có bấy nhiêu thôi”. Từ hỏi duyên cớ, nàng đáp “Kiếp trước chị ấy là ca kỹ, chàng là sĩ nhân, gặp chị ấy thích lắm nhưng bị cha mẹ ngăn trở, không được toại nguyện nên lâm bệnh nguy kịch, sai người nhắn với chị ấy rằng: Ta không dậy được nữa, chỉ mong nàng tới cho sờ vào da thịt một cái thì chết cũng không tiếc hận gì. Chị ấy chiều theo lời, nhưng thình lình bận việc không đi ngay được, đến tối mới tới thì người bệnh đã chết, nên kiếp trước chị ấy với chàng có duyên được sờ một cái là thế, còn hơn nửa thì đừng có mong”.
Sau Từ lại làm tiệc mời các chị em cô gái, riêng chị Sáu không tới, Từ nghi nàng ghen nên oán giận lắm. Một hôm cô gái nói với Từ “Nếu thiếp cản trở chàng với chị Sáu thì đúng là có lỗi, nhưng thật ra chị ấy không chịu tới thì trách gì thiếp chứ?”. Nay cái duyên ân ái tám năm sắp hết, xin hết sức vì chàng mưu tính một phen để chàng hết nghi ngờ. Tuy chị ấy không tới nhưng ai cấm ta sang, cứ vào tận nhà mà gặp, biết đâu nhân định thắng thiên cũng chưa biết chừng”. Từ mừng rỡ nghe theo, cô gái nắm tay phơi phới lướt đi như bay trên không, khoảnh khắc đã tới nhà, thấy ngói vàng sảnh rộng, cổng nẻo quanh co chẳng khác gì lần trước. Cha mẹ vợ cùng ra nói “Có đứa con gái vụng về được con đùm bọc đã lâu, nhưng bọn ta tuổi già sức yếu không tới thăm được, chắc con không trách chứ?”. Rồi lập tức bày tiệc thết đãi, cô gái hỏi các chị em dâu, bà mẹ nói đều đã lấy chồng, chỉ còn con Sáu ở đây thôi. Cô gái lập tức sai tỳ nữ đi mời, lâu quá không thấy tới, nàng vào trong kéo ra. Cô Sáu ra tớỉ chỉ cúi đầu im lặng, không cười đùa như trước kia. Giây lát ông bà già cáo từ vào nghỉ, cô gái nói với cô Sáu “Chị quá tự trọng, làm người ta oán em”. Cô Sáu cười khẽ nói “Người khinh bạc như y làm sao gần gữi được?”. Cô gái cầm hai chén rượu của hai người đổi cho nhau ép phải uống rồi nói “Môi đã chạm nhau rồi, còn giả vờ làm gì?”. Giây lát cô Bảy cũng bỏ đi, trong phòng chỉ còn hai người.
Từ bèn đứng lên định ép buộc, cô Sáu dịu dàng chống cự. Từ níu vạt áo nàng quỳ xuống nài nỉ, nàng dần dần xiêu lòng, đưa nhau vào phòng. Vừa mở dây lưng, chợt nghe tiếng reo hò vang dậy, ánh lửa chiếu vào khe cửa đỏ rực. Cô Sáu cả kinh xô Từ ra đứng dậy nói “Tai họa tới thình lình, làm sao bây giờ?”. Từ đang luống cuống không biết làm gì thì nàng đã trốn mất không thấy đâu nữa. Từ ngậm ngùi ngồi lại một lúc thì nhà cửa đều biến mất, có hơn mười người thợ săn mang ưng cầm đao tràn tới, ngạc nhiên hỏi “Ai mà ban đêm lại núp ở đây?”. Từ nói dối là lạc đường rồi xưng tên họ. Một người hỏi “Vừa đuổi theo một con chồn, có thấy không?”, Từ đáp không thấy. Nhìn kỹ chỗ ấy, té ra là khu mộ họ Vu, vội đứng lên ra. về, lòng vẫn mong cô Bảy lại tìm đến. Ngày trông điềm thước, đêm bói hoa đèn, mà không thấy tăm hơi đâu cả. Chuyện này là do Đổng Ngọc Huyền kể lại.