– 194 -: Trần Tích Cửu (Trần Tích Củu)
Trần Tích Cửu là người huyện Phì (thuộc tỉnh Giang Tô). Cha là Tử Ngôn, là bậc danh sĩ trong huyện, có nhà giàu họ Chu thấy có tiếng tăm bèn đính ước làm thông gia. Trần thi mấy lần không đỗ mà nhà lại nghèo, bèn du học tới đất Tần (tỉnh Thiểm Tây) mấy năm không có tin tức gì. Chu vì vậy ngầm có ý hối hôn, lại gặp lúc gả con gái út làm vợ kế Hiếu liêm họ Vương, thấy Vương nộp sính lễ rất hậu, người mạnh ngựa khỏe nên càng chán ghét Tích Cửu nghèo hèn, quyết ý tuyệt hôn. Hỏi con gái thì nàng không chịu, Chu tức giận cho ăn mặc xấu xí đưa tới gả cho Tích Cửu, tám chín ngày bếp không nổi lửa, Chu cũng không thương xót gì lắm. Một hôm sai bà già làm thuê mang thức ăn tới cho cô gái, vào nhà nhìn mẹ Tích Cửu nói “Ông chủ sai ta tới xem cô nhà chết đói chưa”. Cô gái sợ mẹ chồng xấu hổ, gượng cười nói át đi, nhân dọn thức ăn ra trước mặt mẹ. Bà già kia ngăn lại nói “Không cần làm thế, từ khi cô về đây chưa từng uống qua một chén nước suông của nhà họ, thức ăn của nhà ta chắc lão lão đây không mặt mũi nào mà ăn đâu” Bà mẹ tức xanh cả mặt lạc cả giọng, bà già cũng không sợ, lớn tiếng xỉa xói, đang lúc ầm ĩ thì Tích Cửu từ ngoài vào, hỏi biết chuyện nổi giận túm tóc người đàn bà vả vào mặt rồi tống ra khỏi cửa.
Hôm sau Chu tới đón con gái, nàng không chịu về, hôm sau nữa Chu lại tới, dắt thêm nhiều người chửi bới rầm rĩ như định gây sự đánh nhau, bà mẹ gượng khuyên cô gái về, nàng gạt lệ lạy mẹ rồi lên kiệu đi. Vài hôm sau Chu lại sai người tới bắt Tích Cửu làm tờ tình nguyện ly hôn, mẹ ép Tích Cửu viết, chỉ mong Tử Ngôn trở về sẽ tính cách khác. Họ hàng Chu có người từ Tây An (tỉnh thành Thiểm Tây) tới, biết Tử Ngôn đã chết từ lâu, bà Trần đau thương uất ức thành bệnh rồi chết. Trần lúc tang gia bối rối đợi vợ về nhưng mãi không thấy, càng thêm bi phẫn, có mấy mẫu ruộng xấu bèn đem cầm bán làm đám tang. Chôn cất xong Tích Cửu lên đường, vừa đi vừa xin ăn, tới đất Tần mong tìm hài cốt của cha.
Tới Tây An hỏi thăm khắp nơi, có người nói vài năm trước có một thư sinh chết ở quán trọ, người ta chôn ngoài cửa đông, nay mồ mả đã mất dấu. Tích Cửu không biết làm sao, chỉ còn cách sáng ra chợ ăn xin, tối vào chùa ngủ nhờ để chờ tìm người biết chỗ. Một tối đi ngang đám mả hoang gặp mấy người ra chặn đường đòi trả tiền cơm, Tích Cửu nói “Ta là người xứ khác, ăn xin ở đây, thiếu tiền cơm các vị lúc nào?”. Bọn kia cùng nổi giận xúm lại đè Tích cửu xuống đất, lấy cái áo rách của trẻ con chôn ở đó nhét vào miệng rồi đấm đá. Tích Cửu kiệt sức khản tiếng, dần dần nguy cấp, chợt cả bọn hoảng sợ nói “Quan nha ở đâu tới thế này” rồi bỏ Tích Cửu ra biến mất. Giây lát có xe ngựa kéo tới sai xem người nằm là ai, lập tức có mấy người đỡ Tích Cửu lên dắt tới trước xe. Người trong xe nói “Con ta đây mà, lũ quỷ mất dạy kia sao dám thế! Đuổi ngay theo trói chúng nó lại, không được để đứa nào chạy thoát”.
Tích Cửu thấy có người rút nắm giẻ nhét miệng ra, định thần nhìn kỹ thì đúng là cha mình, khóc lớn nói “Con tìm hài cốt cha khổ quá, nay cha vẫn còn sống sao?”. Cha nói “Ta không phải là người mà là Tổng quản Thái Hàng, chuyến này tới đây cũng vì con đấy”. Tích Cửu càng khóc lóc thảm thiết, cha dịu ngọt an ủi, Tích Cửu vừa khóc vừa kể chuyện nhạc gia hối hôn. Cha nói “Đừng lo, nay vợ con đang ở chỗ mẹ, mẹ nhớ con lắm, cứ tạm tới đó một lúc đã”. Bèn bảo lên xe cùng ngồi đi như mưa bay gió cuốn, khoảnh khắc tới một nơi công thự, xuống xe vào mấy lần cửa thì thấy mẹ ở đó. Tích Cửu sụt sùi khóc nghe dạy, thấy vợ đứng gần mẹ bèn hỏi “Vợ con ở đây thì cũng đã chết rồi sao?”. Mẹ đáp “Không phải, đây là cha con đón tới, chờ con về rồi sẽ đưa đi ngay”. Tích Cửu nói “Con xin ở lại hầu hạ cha mẹ chứ không muốn về”. Mẹ nói “Con cay đắng lặn lội tới đây chỉ vì tìm hài cốt của cha, nay nếu không về thì chí trước thế nào? Vả lại con hiếu hạnh đã thấu tới Thiên đế, người đã cho con giàu có muôn lượng vàng, vợ chồng còn được huởng nhiều lắm, sao lại nói không về?”.
Tích Cửu sa nước mắt, cha hối thúc mấy lần, Tích Cửu khóc lạc cả tiếng, cha tức giận hỏi “Ngươi không đi phải không?”. Tích Cửu sợ hãi nín khóc, mới hỏi mộ cha ở đâu, cha kéo đi nói “Ngươi đi thì ta sẽ nói cho, cứ ra khỏi đám mả hoang hơn trăm thước, có hai cây bạch du một lớn một nhỏ là đúng”, rồi kéo đi rất gấp, cũng không kịp từ biệt mẹ. Ngoài cửa có người đầy tớ khỏe mạnh dắt ngựa đứng chờ, Cửu lên ngựa rồi cha dặn thêm “Chỗ con nằm ngủ mọi khi có chút ít tiền đi đường, phải mau mau thu xếp về ngay, tới chỗ ông nhạc đòi vợ lại, chưa đòi được thì đừng thôi”. Tích Cửu vâng dạ lên đường, ngựa đi rất mau, lúc gà gáy thì tới Tây An, người đầy tớ đỡ xuống ngựa, Tích Cửu còn đang vái chào nhờ cám ơn cha mẹ thì người ngựa đã biến mất. Bèn lần về chỗ ngủ mọi hôm, dựa vào vách ngồi nghỉ chờ sáng, thấy chỗ ngồi có hòn đá to bằng nắm tay cấn vào đùi, trời sáng nhìn lại thì là một nén bạc. Liền mua quan tài thuê xe tới chỗ hai cây bạch du tìm được hài cốt cha, bốc mộ quay về.
Hợp táng với mẹ xong thì nhà không còn gì, may mà người làng thương là có hiếu đều cho ăn uống. Định đi đòi vợ nhưng tự liệu là không đủ sức đánh nhau, bèn rủ người anh họ là Thập Cửu cùng đi. Tới nhà Chu người giữ cổng chặn lại đuổi đi, Thập Cửu vốn là kẻ vô lại bèn chửi mắng ầm ĩ. Chu sai người ra khuyên Tích Cửu về, hứa sẽ đưa con gái tới ngay, Tích Cửu bèn trở về. Lúc trước cô gái về nhà, Chu trước mặt nàng cứ chửi bới con rể và bà thông gia, cô gái không nói gì chỉ quay vào vách sa nước mắt. Bà Trần chết Chu cũng không cho nàng biết, khi được tờ tình nguyện ly hôn còn ném trước mặt nàng nói “Nhà họ Trần đuổi ngươi rồi đây!”. Cô gái nói “Con chưa từng hung dữ ngỗ ngược, sao họ lại đuổi con?”, rồi muốn trở về hỏi cho ra lẽ, nhưng Chu cấm cản không cho đi. Sau đó Tích Cửu đi Tây An, Chu lại phao tin Tích Cửu đã chết để con gái hết trông đợi nữa. Chuyện ấy vừa đồn ra, có quan Trung hàn họ Đỗ tới hỏi cưới Chu ưng thuận, sắp tới ngày cưới cô gái mới biết, khóc lóc bỏ ăn, lấy khăn phủ lên mặt, hơi thở chỉ còn như sợi tơ.
Chu đang lúc không biết làm sao thì thấy Tích Cửu tới cổng chửi bới không nể nang gì, nghĩ rằng con gái ắt sẽ chết bèn đưa nàng tới nhà Tích Cửu, định là con gái chết rồi sẽ ra tay cho hả giận. Tích Cửu về tới nhà thì bọn người đưa cô gái cũng tới, còn sợ Tích Cửu thấy nàng bệnh nặng không chịu nhận vào, bèn khiêng vào cửa đặt xuống đó rồi ra về ngay. Láng giềng lo lắng thay, đều bàn táng trả lại cho Chu nhưng Tích Cửu không chịu, đỡ nàng lên giường thì đã tắt hơi, mới cả sợ. Đang lính quýnh thì con Chu dắt mấy người vác khí giới xông vào đập phá hết nhà cửa Tích Cửu chạy trốn, bọn kia lùng sục khắp nơi. Láng giềng ai cũng bất bình, Thập Cửu bèn họp hơn mười người xông vào đánh cứu, anh em con họ Chu đều bị đánh sứt đầu mẻ trán phải bỏ chạy. Chu càng tức giận, kiện lên quan, quan sai bắt bọn Tích Cửu Thập Cửu. Tích Cửu lúc sắp lên quan, nhờ láng giềng trông nom giúp xác vợ, chợt nghe trên giường như có tiếng thở tới gần xem thì nàng đã mở mắt ra, giây lát thì đã xoay người lại được. Tích Cửu mừng quá, lên quan phân trần, quan huyên giận Chu vu cáo, Chu sợ, phải đút lót rất hậu mới khỏi tội.
Tích Cửu trở về, vợ chồng nhìn nhau vừa mừng vừa tủi. Trước là lúc cô gái bỏ ăn nằm yên, đã định bụng quyết chết, chợt có người vào kéo dậy nói “Ta là gia nhân họ Trần đây, mau mau đi theo ta thì vợ chồng được gặp nhau, nếu không thì không kịp đâu”. Nàng bất giác thấy mình đã ra ngoài cổng, có hai người đỡ lên kiệu, khoảnh khắc đã tới một nơi công thự, thấy cha mẹ chồng đều ở đó. Nàng hỏi đây là nơi nào, mẹ chồng đáp “Không cần hỏi, rồi sẽ đưa con về”. Một hôm thấy Tích Cửu tới đã mừng thầm, nhưng vừa gặp đã chia tay, trong lòng lạ lùng ngờ vực. Cha chồng thì không rõ làm việc gì mà mấy ngày không về nhà, đêm sau chợt về nói “Ta ở núi Vũ Di (thuộc huyện Sùng An tỉnh Phúc Kiến) về muộn mất hai hôm, khó lòng giữ gìn cho con trai, phải đưa con dâu về ngay”. Rồi lấy xe kiệu đưa cô gái về, nàng chợt thấy nhà cửa, bàng hoàng như vừa tỉnh mộng. Cô gái và Tích Cửu cùng kể lại việc đã qua, đều ngạc nhiên mừng rỡ, từ đó vợ chồng lại được sum họp, nhưng sớm tối không biết lấy gì mà ăn.
Tích Cửu bèn mở trường dạy trẻ trong thôn, lại ra sức học hành, thường tự nhủ “Cha nói trời cho nhiều tiền lắm, nay thì nhà trơ bốn bức vách, chẳng lẽ dạy trẻ con mà phát tích được sao?”. Một hôm từ trường về, gặp hai người hỏi “Ông là Trần Mỗ phải không?”. Tích Cửu đáp phải, hai người lập tức rút xích sắt ra xiềng lại, Tích Cửu không hiểu vì sao. Giây lát người làng xúm lại hỏi han, mới biết là bị bọn cướp trên quận khai gian. Mọi người thương là oan, gúp tiền đút lót cho hai người công sai, nhờ thế dọc đường Tích Cửu cũng không bị hành hạ. Tới quận ra mắt Thái thú, Tích Cửu kể lại gia thế, Thái thú ngạc nhiên nói “Đây là con bậc danh sĩ, dáng vẻ nho nhã như thế đời nào lại làm giặc”, rồi sai tháo xiềng cho Tích Cửu giải bọn cướp lên tra tấn thật tàn nhẫn, chúng mới cùng khai là do Chu cho tiền dặn làm thế. Tích Cửu thuật lại đầu đuôi chuyện cha vợ chàng rể trở mặt vói nhau, Thái thú càng giận dữ, lập tức ra lệnh bắt Chu rồi bày tlệc mời Tích Cửu, nói chuyện thân thuộc, té ra Thái thú là con Tri huyện cũ đất Phì là Hàn công, từng là học trò của Tử Ngôn.
Kế tặng Tích Cửu một trăm lượng vàng làm tiền nghiên bút, lại đưa hai con ngựa đỡ chân, rồi vì Tích Cửu bất chợt lên quận nên hỏi lấy văn bài gởi tới các quan trên, tán tụng lòng hiếu của Tích Cửu, từ chức Tổng chế trở xuống ai cũng có quà tặng. Tích Cửu từ quận rủng rỉnh tiền bạc trở về, vợ chồng đều được an ủi rất nhiều. Một hôm vợ Chu khóc lóc tới, gặp con gái quỳ rạp xuống không đứng lên, cô gái hốt hoảng hỏi han mới biết là Chu đã bị đóng gông giam vào ngục. Cô gái khóc than tự quy tội về mình, chỉ muốn tìm cái chết. Tích Cửu bất đắc dĩ phải lên quận nài nỉ xin tha cho Chu, Thái thú bèn ra lệnh cho tự chuộc tội, phạt thêm một trăm thạch gạo, phê “Thưởng cho người con hiếu Trần Tích Cửu”. Chu về tới nhà, mở kho xúc gạo lẫn cả trấu chở qua, Tích Cửu nói với cô gái “Cha nàng thật là lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử, chẳng lẽ cho rằng ta sẽ nhận nên trộn trấu vào gạo à?” rồi cười từ chối không lấy.
Tích Cửu nhà tuy hơi dư dật nhưng tường cũ rào thưa, một đêm có bọn trộm vào nhà, người đầy tớ chợt tỉnh giấc la lớn nên chỉ bị mất hai con ngựa. Hơn nửa năm sau, Tích Cửu đang đêm ngồi đọc sách nghe có tiếng đập cửa, hỏi thì không thấy ai đáp, bèn gọi đầy tớ dậy cùng ra xem, vừa mở cửa thì có hai con ngựa phóng vào, chính là hai con ngựa bị mất trước đó. Hai con ngựa chạy thẳng vào tàu thở phì phì, mồ hôi ròng ròng, đốt đuốc vào soi thấy mỗi con chở một cái túi da, mở ra xem thì toàn là bạc nén trắng xóa, vô cùng kinh ngạc không biết ở đâu ra. Về sau nghe nói đêm ấy có bọn cướp lớn đến cướp nhà Chu, vơ vét đầy túi trở ra thì gặp quan quân đuổi theo rất gấp nên nhảy lên những con ngựa chở nhẹ bỏ chạy, hai con ngựa này thì nhớ nhà chủ cũ nên phóng về.
Chu từ lúc trong ngục trở về, những vết đòn tra tấn ngày càng nặng thêm, lại bị đánh cướp nên bệnh nặng rồi chết. Cô gái đêm nằm mơ thấy cha mang xiềng xích tới nói “Những việc ta làm lúc bình sinh nay hối không kịp nữa, nay bị hình phạt dưới âm ty, không phải cha chồng con thì không ai cứu được, con hãy vì ta mà xin chồng con gởi một lá thư”. Nàng tỉnh dậy kêu khóc, Tích Cửu hỏi han mới biết chuyện, nhưng từ lâu cũng định tới Thái Hàng một chuyến nên ngay hôm ấy lập tức lên đường. Tới nơi sắm sửa đủ lễ vật tam sinh cúng cha, lập tức có mua sương rơi xuống chỗ ấy, chờ xem còn thấy gì nữa không thì suốt đêm yên ắng, bèn trở về. Chu chết, vợ con càng nghèo thêm, toàn nhờ con rể út chu cấp, nhưng Hiếu liêm họ Vương gặp đợt khảo xét quan huyện mắc tội tham nhũng, cả nhà bị đày đi Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh) nên càng không biết nhờ cậy ai, Tích Cửu vẫn thường chu cấp cho.
Dị Sử thị nói: Điều thiện không gì lớn bằng hiếu, có thể thấu tới cả quỷ thần, lý đương nhiên là phải thế. Chứ dù kẻ đạt nhân có đức tốt mà có khi cũng nghèo khổ trọn đời, huống chi kẻ còn kém họ thì làm sao nói ráng nhất định sẽ khá được? Cũng có kẻ đem con gái cưng gả cho ông già đầu bạc mà vênh váo nói “Ông quan lớn ấy là rể ta đấy”. Than ôi, trông vẫn xinh xẻo nõn nà mà khi ông chồng quan lớn chết đi cũng đã thê thảm lắm rồi, huống hồ là đàn bà trẻ theo chồng đi sung quân sao!