Home Liêu Trai Chí Dị – 195 -: Vu Khử Ác (Vu Khử Ác)

– 195 -: Vu Khử Ác (Vu Khử Ác)

Đào Thánh Dụ ở huyện Bắc Bình (tỉnh Hà Bắc) là kẻ sĩ có tài Trong niên hiệu Thuận Trị (1644-1661) lên kinh ứng thí, ở trọ ngoài thành. Tình cờ ra ngoài thấy một người mang tráp sách cứ quanh quẩn như chưa tìm được chỗ ở, hỏi han thì cũng là học trò, trò chuyện thấy có phong thái danh sĩ. Đào thích lắm mời về ở cùng. Khách cả mừng, mang túi vào nhà, từ đó ở chung. Khách tự nói là người phủ Thuận Thiên, họ Vu tên Khử ác, vì Đào lớn hơn nên coi như anh. Tính Vu ưa nhàn nhã, thường ở một mình trong phòng, trên bàn không có quyển sách nào, Đào mà không trò chuyện thì chỉ nằm im lặng mà thôi. Đào ngờ vực, lục lọi rương tráp thấy ngoài nghiên bút ra chẳng có gì đáng giá lấy làm lạ bèn hỏi. Vu cười đáp “Chúng ta là người đọc sách, chẳng lẽ đến lúc khát nước mới lo đào giếng sao!”. Một hôm hỏi mượn sách của Đào, về phòng đóng cửa chép rất nhanh, hết ngày được năm mươi tờ. Đào rình xem thấy cứ chép xong bài nào là đốt bỏ bài ấy, càng lấy làm kỳ quái. Hỏi nguyên cớ thì Vu đáp “Ta làm thế để khỏi đọc thôi mà”, bảo đọc lại nhũng sách đã sao thì đọc vanh vách một lúc vài thiên, không sai một chữ. Đào thích lắm, muốn học thuật ấy, Vu nói không được, Đào ngờ là bủn xỉn, giận dỗi trách móc.

Vu nói “Ông thật không thể tất cho ta chút nào cả! Nếu không nói ra thì không hả lòng, mà nói ra e ông ngờ sợ, làm sao bây giờ”. Đào bảo cứ nói không hề gì, Vu nói “Ta không phải là người mà chỉ là ma thôi. Nay dưới âm ty cũng theo khoa mục mà trao chức quan, ngày mười bốn tháng bảy vâng chiếu khảo xét quan trường, ngày mười lăm sĩ tử vào trường, cuối tháng ra bảng! . Đào hỏi khảo xét quan trường để làm gì, Vu đáp “Đó là ý thận trọng của Thượng đế, bất kể là quan lại tốt xấu đều phải khảo xét tất, người có văn học thì cho chấm thi, người không hiểu văn chương thì không cho dự vào. Đại khái các thần dưới âm cũng như các quan trên trần, các vị đắc chí có người không đọc kinh sử, chẳng qua chỉ là lúc còn trẻ mượn văn học để cầu công danh, trộm được chút công danh rồi thì bỏ bê việc học, giữ chức mười mấy năm thì những kẻ sĩ văn học còn chữ nghĩa gì trong bụng nữa? Cho nên trên trần gian những kẻ ít học thừa thế hãnh tiến mà kẻ anh hùng lại thất chí, chỉ vì thiếu một lần khảo xét như vậy đấy”.

Đào cho là rất đúng, vì vậy càng kính sợ Vu. Một hôm Vu từ ngoài vào, có vẻ lo lắng, than rằng “Ta sinh ra nghèo hèn, tự nghĩ sau khi chết sẽ khá hơn, không ngờ xuống suối vàng vẫn còn lận đận”. Đào hỏi nguyên do, Vu đáp “Nay Văn Xương* đã được phong làm Đô La quốc vương, việc khảo xét quan lại cũng bỏ luôn, thần linh trôi nổi, ma quỷ xiêu dạt mấy mươi năm đều được chấm văn, bọn ta còn trông mong gì được nữa?”. Đào hỏi đám ấy là những ai, Vu đáp “Có nói ra thì ông cũng không biết, nhưng nêu qua một hai người thì cũng rõ được đại khái, như quan coi nhạc Sư Khoáng, quan giữ kho Hòa Kiểu** vậy. Ta tự nghĩ rằng mình số không thể dựa, tài không thể cậy, chẳng bằng bỏ quách không thi cho xong”. Nói xong có vẻ ấm ức, định thu xếp hành lý lên đường, Đào kéo lại an ủi bèn thôi.

*Văn Xương: tức Văn Xương Đế quân, vị thần coi việc văn học khoa cử trong truyền thuyết Trung Hoa.

** Quan coi nhạc… Hòa Kiểu: Sư Khoáng là nhạc quan nước Tấn thời Xuân thu, mù mắt nhưng thẩm âm rất giỏi. Hòa Kiểu là người thời Tấn, nhà giàu nhưng tính rất keo kiệt, làm quan giữ kho của triều đình, bị Đỗ Dự chê là kẻ mê tiền. Sư Khoáng, Hòa Kiểu đây chỉ những kẻ không có đại tài đại chí nên không có độ lượng dung người.

Đến đêm rằm tháng bảy Vu nói với Đào “Ta sắp vào trường thi, phiền ông lúc sáng tinh mơ ra thắp hương ngoài cửa phía đông thành, gọi Khứ ác ba lần, ta sẽ tới”, rồi ra cửa đi. Đào mua rượu nấu thức ăn chờ, khi trời vừa sáng làm theo lời dặn. Không bao lâu Vu dắt một thiếu niên tới, Đào hỏi tên họ, Vu đáp “Đây là Phương Tử Tấn, là bạn thân của ta, tình cờ gặp nhau trong trường thi, y nghe tiếng ông rất muốn làm quen”. Bèn cùng nhau về chỗ Đào trọ, thắp đèn chào hỏi, thiếu niên phong thái như cây ngọc, thái độ lại rất nhu mì khiêm tốn, Đào rất yêu thích, nhân nói “Bài thi của Tử Tấn chắc rất đắc ý”. Vu nói “Nói ra thì buồn cười, chứ trong trường ra bảy đề y đã làm được quá nửa, nhưng khi hỏi tới tên quan Chủ khảo bèn vứt hết bỏ ra, thật là kỳ nhân”. Đào quạt lò hâm rượu bày lên, nhân hỏi “Đề thi trong trường ra sao? Khử Ác chắc đỗ đầu chứ?”. Vu đáp “Thư nghệ, kinh luận mỗi thứ một đề, ai có khả năng thì làm thêm bài sách vấn”. Từ xưa rất nhiều người ngăn lấp đường tà mà phong tục đến nay đã thành xấu xa tệ hại không thể gọi tên được, không phải chỉ mười tám tầng địa ngục mà đủ trừng trị, mà mười tám tầng địa ngục không đủ để trừng trị thì còn có cách nào để trừng trị? Có kẻ nói nên đặt thêm một hai ngục nữa, nhưng như thế rất trái với ý hiếu sinh của Thượng đế, vậy thì nên thêm hay không? Hay có cách nào khác để làm trong sạch ngay từ cội nguồn không? Kẻ sĩ các ngươi cứ nói hết đừng giấu diếm”, bài ta làm tuy không hay nhưng được một phen khoái ý. Bài biểu thì theo đề Tạ ơn nhân dịp diệt sạch Thiên ma, ban cho các bầy tôi long mã và thiên y khác nhau. Kế là bài thơ theo đề Dao Đài ứng chế, bài phú Hoa đào ở Tây trì, ba đề ấy thì ta cho rằng trong cả trường không có bài thứ hai”.

Nói xong vỗ tay, Phương cười nói “Bây giờ thì cứ để ông tha hồ khoái trá, vài hôm nữa mà không khóc ròng thì mới thật là đàn ông đấy”. Trời sáng Phương muốn chào đi, Đào giữ lại ở cùng, Phương không chịu, hẹn tối sẽ tới nhưng ba ngày không thấy đâu. Đào bảo Vu đi tìm, Vu nói “Không cần, Tử Tấn là người đường đường chứ không phải là kẻ vô tâm”. Mặt trời vừa xế, quả nhiên Phương tới, đưa cho Đào một quyển sách, nói “Thất hứa ba ngày là để sao lại các bài làm cũ của ta, tất cả hơn trăm bài kính nhờ ông phẩm bình”. Đào mở ra đọc thích lắm, đọc một câu là khen một câu, được một hai bài thì cất vào tráp. Trò chuyện cùng nhau đến khuya, Phương bèn ở lại, ngủ cùng giường với Vu. Từ đó thành lệ, đêm nào Phương cũng tới, Đào cũng không có Phương thì không vui. Một đêm Phương hớt hải bước vào nói với Đào “Bảng đã ra, Vu Ngữ huynh trượt rồi”. Vu đang nằm nghe thế hoảng sợ vùng dậy, nước mắt giàn giụa, hai người hết sức an ủi mới thôi khóc nhưng chỉ nhìn nhau im lặng, không khí nặng nề không sao chịu nổi. Phương nói “Nghe nói Đại Tuần hoàn Trương Hoàn hầu* sắp tới tuần sát, e những kẻ thi rớt sẽ đặt vè này nọ, nếu không thì văn trường sẽ có chuyện thay đổi”.

*Trương Hoàn hầu: tức Trương Phi. Xem truyện Hoàn hầu.

Vu nghe có vẻ mừng rỡ, Đào hỏi nguyên cớ, Vu đáp “Hoàn hầu Dục Đức cứ ba mươi năm một lần đi tuần sát âm ty, ba mươi lăm năm một lần đi tuần sát dương thế, hai nơi ấy có điều gì bất bình cứ đợi ông ta tới là xong hết”. Rồi đứng lên kéo Phương cùng đi, qua hai đêm mới trở về. Phương nói với Đào rằng “Ông không chúc mừng Vu Ngữ huynh sao? Đêm rồi Hoàn hầu tới xé nát bảng cũ, những người có tên trên bảng ba phần chỉ còn có một, lại duyệt cả lại những quyển bị chấm rớt, tìm được Vu Ngũ huynh mừng lắm, tiến cử làm Tuần hải sứ Giao Nam, chỉ sớm tối là có xe ngựa tới đón thôi”. Đào mừng rỡ đặt tiệc chúc mừng, uống được vài chén, Vu hỏi Đào “Nhà ông có chỗ trống không?”. Đào hỏi để làm gì, Vu đáp “Tử Tấn cô đơn không nhà cửa, lại không nỡ rời ông nên tiểu đệ muốn mượn chỗ cho y nương dựa”. Đào mừng rỡ nói “Nếu thế thì quá may mắn, mà cho dù nhà cửa không rộng rãi thì ở chung phòng cũng có hề gì? Có điều nhà còn có cha già, nên ta còn phải thưa trước”. Vu nói “Vốn biết tôn đại nhân nhân từ phúc hậu có thể nương dựa, ông sắp đến ngày vào trường, nếu Tử Tấn không chờ được thì về trước được không?”. Đào bảo Phương cứ ở lại làm bạn ở đất khách, chờ mình thi xong sẽ cùng về.

Hôm sau trời vừa tối thì có xe ngựa tới cổng đón Vu lên đường phó nhiệm. Vu đứng lên nắm tay Đào nói “Từ nay xin vĩnh biệt, có một câu muốn nói nhưng sợ ông nhụt chí tiến thủ”. Hỏi câu gì, Vu đáp “Số ông lận đận sinh không gặp thời, khoa này mười phần chỉ có một phần đỗ, khoa sau Hoàn hầu đi tuần sát dương thế, công đạo bắt đầu sáng tỏ thì mười phần có ba phần đỗ, đến khoa thứ ba mới có hy vọng”. Đào nghe thế muốn thôi không thi nữa, Vu nói “Không phải đâu, đó đều là số trời, cho dù không thể biết rõ nhưng số đã khổ thì phải chịu cho hết thôi”. Kế nhìn Phương nói “Đừng chần chừ nữa, sáng mai giờ ngày tháng năm đều tốt, xin đem xe lọng đưa ông về, ta cưỡi ngựa đi cũng được”. Phương vui vẻ từ biệt, Đào trong lòng rối loạn mờ mịt không hiểu Vu dặn dò Phương những gì, chỉ gạt lệ đưa tiễn, thấy xe ngựa chia đường, trong chớp mắt đã đi hết, mới hối hận là Tử Tấn ra đi chưa có một lời gởi gắm, nhưng đã không kịp nữa. Thi xong ba kỳ không được như ý lắm, lặn lội trở về, vào cổng hỏi Tử Tấn thì trong nhà không ai biết cả. Nhân kể lại với cha, cha mừng rỡ nói “Nếu thế thì khách tới lâu rồi”.

Trước là ông Đào ngủ trưa, nằm mơ thấy có xe lọng ngừng ở cổng, một thiếu niên đẹp trai trong xe bước ra, lên thềm vái lạy. Ông kinh ngạc hỏi có việc gì thiếu niên đáp “Đại ca hứa cho ở nhờ nhưng phải vào thi không về cùng được nên con tới trước”. Nói xong xin vào lạy mẹ, ông đang ngần ngại chối từ thì bà vú trong nhà ra nói “Phu nhân sinh được công tử”, giật mình tỉnh dậy lấy làm lạ. Hôm ấy Đào kể lại chuyện đều khớp với giấc mộng, mới biết đứa nhỏ chính là hậu thân của Tử Tấn, hai cha con cùng mừng rỡ đặt tên đứa nhỏ là Tiểu Tấn. Đứa nhỏ sinh ra rất hay khóc đêm, mẹ khổ quá, Đào nói “Nếu đúng là Tử Tấn thì thấy con vào phải nín khóc”. Vì phong tục kiêng cho trẻ mới sinh thấy người lạ nên không cho Đào gặp, nhưng mẹ vì đứa nhỏ khóc không biết làm sao bèn gọi Đào vào. Đào gọi đứa nhỏ nói “Tử Tấn đừng khóc nữa, ta tới rồi đây”. Đứa nhỏ đang khóc ngằn ngặt, nghe thế chợt im bặt, mở mắt nhìn Đào chằm chằm như ngắm người quen, Đào xoa đầu nó rồi bước ra, từ đó nó không khóc đêm nữa. Mấy tháng sau thì Đào không dám gặp, vì cứ thấy Đào là nó giơ tay đòi bế, bỏ đi thì khóc không chịu nín, Đào cũng phải bế nó đùa giỡn. Năm bốn tuổi đứa nhỏ rời mẹ, cứ sang ngủ chung với anh, anh đi đâu thì nằm thức đợi đến lúc về. Anh nằm dạy đọc Mao thi*, em trên gối líu lo đọc theo, một đêm thuộc hơn bốn mươi câu. Đào lấy quyển văn cũ của Tử Tấn dạy cho, đứa nhỏ vui thích học theo, đọc qua là nhớ thuộc lòng, nhưng lấy văn người khác cho đọc thử thì không thuộc ngay được.

* Mao thi: tức kinh Thi.

Lên tám chín tuổi thì mặt mày sáng láng, rõ ra là Tử Tấn. Đào hai lần đi thi hương đều rớt, đến khoa năm Đinh dậu chuyện trường thi vỡ lỡ*, các quan Giám khảo nhiều người bị trị tội, đường tiến thân của sĩ tử bắt đầu mở rộng, đó là nhờ Trương Tuần sát. Đào khoa sau thi đỗ Tú tài, kế đi thi hội nhưng nguội lạnh chí tiến thủ nên ở ẩn dạy em, thường nói với mọi người rằng “Ta có niềm vui này, quan chức cũng không thèm đổi”.

*Khoa năm Đinh dậu… vỡ lỡ: theo nội dung câu chuyện thì có lẽ là năm Đinh dậu 1657 trong đời vua Thuận Trị nhà Thanh. Chưa rõ về sự kiện này.

Dị Sử thị nói: Ta thường tới miếu Trương Hoàn hầu chiêm nguỡng dung mạo, thấy lẫm liệt có sinh khí, lại lúc bình sinh thì ăn nói quát tháo như sấm sét, vung mâu thúc ngựa tới đâu cũng làm người ta ngạc nhiên vui thích. Đời cho rằng tướng quân vũ dũng nên chỉ xếp vào hàng Giáng Quán*, đâu biết Văn Xương lắm việc, phải cậy rất nhiều vào người! Than ôi, ba mươi lăm năm mới tới một lần, sao mà muộn thế!

*Giáng Quán: tức Giáng hầu Chu Bột và Quán Anh, võ thần của Hán Cao tổ Lưu Bang, đều là bậc khai quốc công thần của nhà Hán.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x