– 201 -: Trương Hồng Tiệm (Trương Hồng Tiệm)
Trương Hồng Tiệm người huyện Vĩnh Bình (tỉnh Hà Bắc) năm mười tám tuổi đã là danh sĩ trong quận. Lúc ấy quan Tri huyện Lư Long (tỉnh Hà Bắc) họ Triệu là kẻ tham bạo, nhân dân đều ta thán. Có Phạm sinh bị đánh đòn mà chết, các bạn đồng học phẫn oán về nỗi sinh bị oan, định kêu lên Pháp ty, mong được người có tài văn chương như Trương làm đơn, mời cùng tham gia, Trương ưng thuận. Vợ Trương là Phương thị xinh đẹp mà hiền thục, nghe chuyện can rằng “Phàm những kẻ văn nhân làm việc lớn chỉ có thể cùng thành chứ không thể cùng bại. Nếu thành thì ai cũng tranh công, chứ nếu bại thì nhao nhao tan lìa, không thể tập hợp được nữa. Đời nay chỉ biết có thế lực, khó mà lấy lý xét chuyện phải trái, chàng lại đơn độc, nếu người ta đổi trắng thay đen thì ai giúp cho khi hoạn nạn?”. Trương phục lời ấy, lấy làm hối, bèn tìm lời mềm mỏng từ tạ với bạn đồng học, chỉ viết hộ đơn rồi thôi. Pháp ty xét hỏi qua một lượt, không có chỗ nào sai, nhưng Triệu đem nhiều vàng đút lót quan trên, khép các Chư sinh vào tội kết bè kết đảng bắt hết, lại tìm bắt người viết đơn. Trương sợ trốn đi, đến ranh giới huyện Phượng Tường (tỉnh Thiểm Tây) thì hết sạch tiền mà trời đã tối, còn đang ngập ngừng trên đồng không biết ngủ đâu chợt thấy có một xóm nhỏ vội rảo bước tới.
Một bà già đang ra đóng cổng nhìn thấy, hỏi muốn gì, Trương kể thật việc mình. Bà già nói “Cái ăn chỗ ngủ chỉ là chuyện nhỏ, chỉ là trong nhà không có đàn ông, không tiện lưu khách”. Trương nói “Ta cũng không dám mong gì nhiều, chỉ xin cho được bà cho được ngủ nhờ trong cổng để tránh hùm sói là đủ”. Bà già bèn bảo vào, đóng cổng rồi đưa cho chiếc đệm cỏ, dặn rằng “Ta thương ông khách lỡ đường nên tự ý cho ngủ nhờ, trời chưa sáng nên dậy mà đi cho sớm, kẻo cô chủ biết sẽ trách phạt ta” rồi vào nhà. Trương dựa vào vách thiu thiu ngủ, chợt có ánh đèn lồng sáng rực, thấy bà già đưa một cô gái ra. Trương vội nép vào góc tối nhìn trộm, thấy là một giai nhân khoảng hai mươi tuổi. Tới cổng trông thấy chiếc đệm cỏ, cô gái cật vấn, bà già thưa thật, nàng tức giận nói “Cả nhà toàn là đàn bà yếu ớt, sao lại chứa chấp người lạ?”, rồi hỏi người ấy đi đâu rồi.
Trương sợ hãi, bước ra quỳ sụp xuống thềm. Cô gái hỏi kỹ tên họ quê quán, có vẻ nguôi giận, nói “May là bậc văn sĩ phong nhã, cho ngủ nhờ cũng được, nhưng mụ đầy tớ già không thưa lại, qua loa thế này há phải là lối tiếp đãi bậc quân tử sao?”, rồi sai bà già dẫn khách vào nhà. Giây lát dọn cơm rượu lên, thức ăn đều tinh khiết, kế trải nệm gấm ra giường. Trương rất cảm kích, bèn hỏi tên họ cô gái. Bà già nói “Nhà ta họ Thi. ông bà ta đều đã mất, chỉ để lại ba con gái, người mới rồi là cô lớn, tên Thuấn Hoa”. Bà già ra rồi, Trương nhìn trên bàn thấy quyển Nam hoa kinh chú, bèn cầm đặt lên gối, nằm sấp trên giường xem.
Chợt Thuấn Hoa đẩy cửa bước vào, Trương vội buông sách tìm mũ giày. Cô gái tới bên giường vỗ vai sinh nói “Không cần đâu, không cần đâu”, rồi ngồì xuống giường bẽn lẽn nói “Thiếp thấy chàng là bực tài tử phong lưu, muốn đem cửa nhà gởỉ gắm, nhưng e bị ngờ như kẻ qua ruộng dưa sửa giày, ngang giàn bầu sửa mũ, không biết có bị chê bỏ không”. Trương lúng túng không biết trả lời thế nào, chỉ nói “Không dám giấu diếm, thật tiểu sinh đã có vợ rồi”. Cô gái cười nói “Bấy nhiêu cũng đủ thấy là chàng thành thật, nhưng chuyện đó không sao. Nếu đã không chê bỏ, thì ngày mai sẽ nhờ người làm mai mối”. Nói xong định đi, Trương rướn lên kéo lại, cô gái cũng ở lại. Trời chưa sáng nàng đã dậy, lấy vàng tặng cho Trương, nói “Chàng cầm lấy đi chơi, chiều hãy về, tối tối một chút, kẻo hai bên hàng xóm trông thấy”. Trương theo lời, sớm đi tối về, suốt nửa năm như thế thành lệ.
Một hôm Trương về hơi sớm, tới nơi thì không thấy làng xóm nhà cửa gì cả, vô cùng lạ lùng khiếp sợ. Còn đang ngần ngừ, chợt nghe bà già nói “Sao tới sớm thế?”, quay nhìn thì thấy nhà cửa như cũ, mà mình thì đã ở trong phòng, càng lấy làm lạ lùng. Thuấn Hoa từ trong bước ra cười nói “Chàng nghi ngờ thiếp phải không? Nói thật với chàng thiếp là hồ tiên, cùng chàng vốn có mối túc duyên. Nếu cho là yêu quái, thì xin lập tức chia tay” Trương mến tiếc vì nàng đẹp nên ở lại, đến đêm nói với cô gái “Nàng đã là tiên thì ngàn dặm cũng vượt qua trong chớp mắt. Tiểu sinh xa nhà đã ba năm, nhớ vợ con không khuây, có thể đưa ta về một lần được không”. Cô gái có vẻ không vui, nói “Trong tình vợ chồng, thiếp thì dốc lòng với chàng, mà chàng thì thân ở nơi này lòng nhớ chốn kia, như vậy đối với kẻ thương yêu mình thì sai lắm”. Trương tạ lỗi nói “Sao nàng lại nói thế? Lời ngạn có câu Một ngày làm vợ chồng, trăm ngày nhớ ơn nghĩa, sau này về nhà nhớ nàng thì cũng như hôm nay nhớ vợ nhà, chứ nếu được mới nới cũ thì nàng còn thương yêu được chỗ nào?”.
Cô gái bèn cười nói “Thiếp quả hẹp hòi, riêng mình thì muốn chàng đừng quên mà người khác lại muốn chàng quên đi, chứ nếu chàng muốn tạm về thì có khó gì, nhà chàng chỉ trong gang tấc”. Rồi nắm tay áo Trương cùng ra cổng, thấy đường đi tối tăm, Trương ngần ngại không chịu bước. Cô gái cứ kéo đi, không bao lâu nói “Tới rồi đấy, chàng về đi, thiếp đi đây”. Trương dừng bước nhìn kỹ, thấy quả là nhà mình, liền trèo qua chỗ tường lở mà vào. Thấy trong phòng đèn đuốc còn sáng choang, bèn tới gần lấy hai ngón tay búng vào cánh của. Bên trong hỏi ai, Trương nói rõ từ đâu tới, người bên trong cầm đèn ra mở cửa, chính là Phương thị. Hai người vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ nắm tay nhau vào phòng, Trương thấy con nằm trên giường, cảm khái nói “Lúc ta đi con chỉ mới cao bằng đầu gối mà nay đã lớn như thế”. Vợ chồng ngồi sát vào nhau, bàng hoàng như trong mộng, Trương kể rõ những chuyện đã trải qua rồi hỏi tới vụ án mới biết các bạn đồng học, người thì chết trong ngục, kẻ thì đi biệt xứ, lại càng phục vợ nhìn xa.
Phương ngã vào lòng chồng nói “Chàng có được tình duyên tốt đẹp, chắc không nghĩ gì tới nơi phòng không gối chiếc có kẻ rơi lệ một mình”. Trương nói “Nếu không nghĩ tới thì về đây làm gì? Ta với người kia quả là tình nghĩa sâu nặng có thể chết cho nhau nhưng vẫn không phải là đồng loại, có điều nghĩ tới ơn nghĩa thì khó quên mà thôi”. Phương hỏi “Chàng nghĩ thiếp là ai đấy?”, Trương nhìn kỹ thì không phải Phương mà là Thuấn Hoa, sờ tới con thì chỉ là một cái gối tre, ngượng quá không nói câu nào. Cô gái nói “Giờ thì rõ được lòng chàng rồi, từ nay phải đoạn tuyệt thôi. May là chàng chưa quên ơn nghĩa, bấy nhiêu cũng tạm đủ để chuộc lỗi vậy”. Qua hai ba hôm cô gái chợt nói “Thiếp nghĩ si tình thương người rốt lại chẳng hay ho gì, nên hàng ngày chàng vẫn oán thiếp không đưa về nhà. Nay gặp dịp muốn lên kinh, tiện đường có thể đưa chàng cùng đi”. Rồi quay lại lấy cái gối tre trên giường cho cùng cưỡi lên, bảo nhắm mắt lại. Trương cảm thấy mình bay lên cách mặt đất không xa, nghe tiếng gió vi vút, giây lát dần dần hạ xuống. Cô gái nói “Từ nay xin giã biệt”, Trương đang định căn dặn hẹn hò thì nàng đã biến mất, ngậm ngùi đứng một lúc.
Nghe tiếng chó sủa trong thôn, giữa màn đêm mịt mờ nhìn thấy bóng dáng cây cối nhà cửa đều là cảnh vật cố hương, bèn theo đường về nhà, trèo qua tường vào gõ cửa, làm hệt như hôm trước. Phương giật mình tỉnh dậy, không tin, gạn hỏi chuyện vợ chồng ngày trước mới khêu đèn sụt sùi bước ra, nhìn thấy mặt chồng nước mắt chảy giàn giụa không thôi. Trương vẫn ngờ rằng đây là ảo ảnh mà Thuấn Hoa biến ra, lại nhìn tới đứa con nằm trên giường thấy đều giống hệt tối hôm trước, bèn cười hỏi “Lại mang cái gối tre vào à?”. Phương thị không hiểu, biến sắc nói “Thiếp mong chàng năm này tháng khác, vết nước mắt vẫn còn trên gối, thế mà mới gặp được nhau lại không hề tỏ ra thương xót, lòng dạ chàng để đâu?”. Trương nhìn lại thái độ mới nắm tay vợ than thở, kể rõ lại mọi việc. Hỏi tới kết quả vụ án thì ra đều như Thuấn Hoa đã nói, đang cùng nhau cảm khái chợt nghe ngoài cửa có tiếng giày nhưng hỏi không thấy ai đáp.
Nguyên là trong làng có một thiếu niên độc ác đã để ý tới sắc đẹp của Phương từ lâu. Tối hôm ấy y từ thôn khác vể, xa xa thấy có người trèo tường vào, cho rằng ắt là kẻ hẹn hò tư thông, bèn lẻn vào theo. Giáp vốn không biết Trương nhiều, chỉ núp nghe trộm, đến khi Phương hỏi gặng mấy lần mới nói “Ai ở trong phòng đấy?” Phương nói tránh là không có ai. Giáp nói “Ta nghe trộm lâu rồi, định lên quan tố giác chuyện thông gian đây”. Phương bất đắc dĩ đành thú thật. Giáp nói “Cái án Trương Hồng Tiệm chưa xong, nếu y về nhà cũng phải bắt trói giải lên quan”. Phương lạy lục năn nỉ, Giáp lời lẽ lại càng lấn lướt. Trương bừng bừng nổi giận, không dằn lòng được rút dao xông ra chém Giáp trúng vào đầu Giáp ngã xuống mà còn la lớn, Trương chém liên tiếp đến lúc chết luôn. Phương nói “Việc đã tới nước này, tội càng thêm nặng. Chàng cứ trốn ngay đi, để thiếp chịu tội thay cho”. Trương nói “Trượng phu phải chết thì chết, chứ lẽ nào lại để lụy cho vợ con mà cầu sống cho mình? Nàng đừng lo nghĩ gì, chỉ cần đừng để thằng con này làm đứt mạch thư hương, thì ta có chết cũng nhắm mắt”.
Trời vừa sáng Trương lên huyện tự thú, Triệu thấy là người đúng ra kiện mình nên chỉ đánh đập qua loa rồi cho giải từ quận lên kinh, cùm trói rất khổ sở. Trên đường gặp một nữ lang cưỡi ngựa đi qua, có bà già cầm cương, thì ra là Thuấn Hoa. Trương gọi bà già muốn nói chuyện mà nước mắt giàn giụa. Cô gái quay ngựa, vén khăn che mặt nhìn rồi kinh ngạc hỏi “Biểu huynh làm sao mà tới nỗi này?”. Trương kể qua đầu đuôi cô gái nói “Cứ theo lối ăn ở của anh thì chỉ đáng ngoảnh mặt đi không nhìn, nhưng ta không nỡ. Nhà ta cách đây không xa, xin mời các vị công sai cùng ghé chơi, ta cũng có thể giúp cho chút ít đi đường”. Đi theo hai ba dặm thì tới một sơn trang lầu cao gác rộng, cô gái xuống ngựa vào, sai bà già mở cửa mời khách. Kế dọn rượu thịt ê hề như đã sắp sẵn, lại sai bà già ra nói “Gặp lúc trong nhà không có đàn ông, xin Trương quan nhân cứ mời hai vị công sai uống thêm vài chén, sắp tới trên đường còn phải nhờ vả hai vị nhiều. Đã sai người lo mượn vài mươi lượng vàng để quan nhân làm lộ phí và tặng hai vị, nhưng còn chưa về tới”. Hai tên công sai mừng thầm, yên lòng thả sức uống rượu không nói tới việc lên đường nữa, đến lúc sẩm cả hai đều say mèm. Cô gái bước ra chỉ tay vào cái cùm, cùm lập tức rơi xuống, kế kéo Trương lên ngồi chung ngựa phóng như bay, lát sau bảo Trương xuống, nói “Chàng xuống đây được rồi. Thiếp có hẹn với cô em ở Thanh Hải mà vì chàng phải nán lại một buổi, sợ nó đợi lâu”. Trương hỏi lúc nào sẽ gặp lại, nàng không đáp, lại hỏi thì nàng đẩy rơi xuống ngựa rồi bỏ đi.
Đến sáng hỏi thăm thì đó là Thái Nguyên (tỉnh thành Sơn Tây), Trương bèn vào thành thuê nhà dạy học, đổi tên là Cung Tử Thiên. Qua mười năm, hỏi dò biết việc truy nã đã trễ nãi, bèn lần mò về quê. Tới gần cổng làng không dám vào ngay, chờ đến khuya mới vào, tới cổng thì tường cao quá không trèo qua được, lấy roi đập cửa. Hồi lâu vợ mới bước ra hỏi. Trương hạ giọng đáp vợ mừng quá mở cửa kéo vào, giả cất tiếng mắng “Lên kinh ít tiền lẽ ra phải về sớm, sao nửa đêm mới về?”. Vào phòng cùng kể lại nhũng việc đã qua, mới biết hai tên công sai đã bỏ trốn chưa trở về. Lúc trò chuyện thấy ngoài rèm có một thiếu phụ qua lại, Trương hỏi là ai, vợ đáp là con dâu, hỏi con đâu thì đáp lên kinh thi hương chưa về. Trương rơi nước mắt nói “Lưu lạc mười năm, nay con đã nên người, không nói tới việc nối mạch thư hương thì nàng cũng đã tốn bao nhiêu tâm huyết”. Còn đang chuyện trò thì con dâu đã hâm rượu nấu cơm xong bày ra đầy bàn, Trương vui mừng vì được an ủi quá lòng mong ước.
Ở nhà vài hôm chỉ núp trong phòng, sợ người ngoài biết. Một đêm vừa đi nằm chợt nghe tiếng nói ồn ào đập cửa rất gấp. Hai người hoảng hốt vùng dậy thì nghe họ hỏi nhau “Có cổng sau không?” càng khiếp sợ. Phương vội lấy cánh cửa làm thang bắc qua tường cho Trương leo ra, kế mới ra cổng hỏi chuyện, thì ra là người báo tin con thi đỗ. Phương mừng quá, rất hối hận về việc Trương trốn đi nhưng không sao đuổi theo giữ lại. Đêm ấy Trương tuông bờ lướt bụi, vội vã không chọn đường, đến sáng thì vô cùng mệt mỏi. Vốn định chạy về hướng tây, nhưng lúc ấy hỏi người đi đường thì té ra chỉ cách đường cái lên kinh không xa. Bèn lần vào làng toan bán quần áo lấy tiền ăn, thấy một ngôi nhà lớn có tờ thông cáo dán trên vách, tới gần đọc mới biết là họ Hứa vừa thi đỗ Cử nhân. Giây lát có một ông già bước ra, Trương vái chào thưa chuyện. Ông già thấy dáng vẻ Trương phong nhã, biết không phải là kẻ lừa dối kiếm cơm bèn mời vào nhà khoản đãi. Nhân hỏi đi đâu tới đây, Trương nói thác rằng mình dạy học ở kinh về quê, giữa đường gặp cướp, ông già bèn giữ lại nhờ dạy đứa con trai nhỏ.
Trương hỏi qua về gia thế, thì ra ông già là bậc quan lớn về hưu, người mới thi đỗ Cử nhân kia là cháu gọi bằng chú. Hơn tháng sau, vị Cử nhân và một người bạn thi đỗ cùng khoa cùng về, nói là họ Trương ở huyện Vĩnh Bình, khoảng mười tám mười chín tuổi. Trương thấy cùng quê cùng họ, thầm ngờ chính là con mình, nhưng vì trong huyện cũng có nhiều người họ ấy nên đành im lặng. Tối đến, viên Cử nhân mở khăn gói ra, Trương thấy có danh sách những người đỗ thi hương, vội hỏi mượn xem thì đúng là con mình, bất giác sa nước mắt. Mọi người cùng kinh ngạc hỏi, Trương chỉ vào tên mình nói “Ta chính là Trương Hồng Tiệm đây”, rồi kể lại hết mọi chuyện. Cử nhân họ Trương ôm cha khóc lớn, chú cháu họ Hứa an ủi mới đổi buồn làm vui. ông Húa lập tức sắp vàng lụa viết thư sai người đưa tới các quan lớn ở Pháp ty nhờ thu xếp, sau đó cha con Trương cùng về nhà. Phương từ lúc được tin con thi đỗ, hàng ngày vẫn buồn rầu vì Trương còn lưu lạc, nghe nóí con về càng thêm đau lòng. Giây lát cha con cùng bước vào, nàng hoảng sợ như trời sập, hỏi lại duyên do mới cùng nhau mừng mừng tủi tủi. Cha Giáp thấy con Trương quý hiển, không dám manh tâm làm hại nữa, Trương vì vậy càng đối xử tử tế, lại kể rõ lại việc năm xưa.