– 214 -: Thôi Mãnh (Thôi Mãnh)
Thôi Mãnh tự Vật Mãnh là con nhà thế gia ở huyện Kiến Xương (tỉnh Liêu Ninh), tính cương nghị. Lúc nhỏ đi học ở trường, bọn trẻ có đụng chạm gì tới là nắm tay đánh liền, thầy nhiều lần răn dạy vẫn không bỏ, nên tên và tự đều do thầy đặt cho*. Đến mười sáu mười bảy tuổi thì võ nghệ tuyệt luân, lại có thể chống sào dài nhảy lên mái nhà, thích giúp người rửa sạch nỗi bất bình. Vì vậy người làng đều khâm phục, những người tới nhờ vả kể lể thường chật cả nhà. Thôi đè nén kẻ mạnh, giúp đỡ người yếu không sợ oán thù, ai tỏ ý chống lại thì lập tức lấy gạch đá gậy gộc đánh luôn cho đến lúc toàn thân bầm dập, lúc đã lên cơn giận dữ thì không ai dám khuyên can. Duy thờ mẹ rất có hiếu, mẹ tới là hết giận ngay, mẹ trách mắng bao nhiêu cũng vâng vâng dạ dạ nghe lời, có điều cứ ra khỏi cửa là quên mất.
*Tên và tự đều do thầy đặt cho: “Mãnh” có nghĩa là mạnh bạo, dữ tợn, “Vật Mãnh” có nghĩa là đừng hung dữ, đây người thầy vừa có ý khuyến khích Thôi Mãnh nên mạnh dạn làm điều nghĩa nhưng vừa có ý khuyên dạy đừng hung dữ.
Láng giềng có người đàn bà ác hàng ngày ngược đãi mẹ chồng, mẹ chồng đói gần chết, con trai lén cho ăn, mụ ta biết được chữi mắng đủ điều, bốn bên hàng xóm đều nghe. Thôi giận vượt tường qua cắt hết tai mũi môi lưỡi, mụ chết ngay lập tức. Mẹ Thôi nghe tin cả sợ, gọi người láng giềng qua, hết lời năn nỉ an ủi, cưới cho một nàng hầu trẻ mới yên chuyện. Mẹ uất ức khóc lóc bỏ ăn, Thôi sợ quỳ xuống xin chịu đòn, lại thưa đã hối hận rồi, nhưng mẹ vẫn khóc không thèm nhìn tới. Vợ Thôi là Chu thị cũng quỳ xuống với chồng, mẹ bèn cầm gậy đánh rồi lấy kim thích vào cánh tay Thôi thành hình chữ thập, dùng son bôi vào cho khỏi mất dấu. Thôi đều chịu cả, mẹ mới chịu ăn cơm.
Mẹ Thôi thích nuôi các nhà sư và đạo sĩ, thường mời họ ăn no. Gặp lúc có vị đạo sĩ đang đứng ở cổng thì Thôi đi ngang, đạo sĩ nhìn Thôi rồi nói “Lang quân tính khí ngang tàng hung dữ, e khó giữ trọn tuổi trời, nhà tích thiện lẽ ra không nên để có chuyện như vậy”. Thôi vừa nghe mẹ răn dạy, nghe thế tỏ vẻ cung kính nói “Ta cũng tự biết thế nhưng cứ gặp chuyện bất bình là không sao kìm mình được, không biết gắng sức sửa đổi có tránh được không?”. Đạo sĩ cười đáp “Khoan hãy hỏi tránh được hay không tránh được, xin cứ hỏi sửa được hay không sửa được. Cứ phải ra sức tự kìm chế, nếu thấy có thể làm được trong muôn một thì ta sẽ nói cho ông một phép giải tử”. Thôi bình sinh không tin chuyện bùa chú nên chỉ cười không đáp, đạo sĩ bèn nói “Ta vốn biết là ông không tin, nhưng lời ta nói đây không phải như lời bọn đồng cốt, làm theo cũng là có đức tốt, cho dù không có kết quả cũng không đến nỗi có hại”. Thôi xin nghe, đạo sĩ bèn nói “Vừa có một kẻ hậu sinh đi qua trước cổng, nên kết giao thật hậu, đến lúc phạm tội chết thì người ấy có thể cứu được”, rồi gọi Thôi bước ra chỉ cho biết người ấy, thì ra đó là đứa nhỏ con nhà họ Triệu tên Tăng Ca.
Triệu là người huyện Nam Xương (tỉnh Giang Tây), gặp năm mất mùa phải tới ngụ cư ở Kiến Xương. Thôi từ đó chơi thân với Triệu, mời tới ở nhà mình, đãi ngộ rất hậu. Tăng Ca năm ấy mười hai tuổi, lên nhà lạy mẹ Thôi làm mẹ, nhận Thôi làm anh. Đến vụ mùa đầu năm sau, Triệu đưa gia quyến về quê, từ đó không có tin tức gì. Mẹ Thôi từ khi người đàn bà láng giềng chết càng răn dạy con chặt chẽ, có ai tới kêu nài cầu cứu đều gạt đi. Một hôm em mẹ Thôi chết, Thôi theo mẹ qua viếng, dọc đường gặp mấy người trói một người đàn ông, vừa mắng chửi vừa xô đẩy bắt đi mau, lại đánh đập túi bụi, người ta đứng xem chật đường, kiệu không tiến được. Thôi ra hỏi thì những người quen biết tranh nhau kể, nguyên là có con trai một vị quan lớn tên Mỗ Giáp, ngang tàng nhất vùng, thấy vợ Lý Thân xinh đẹp muốn chiếm đoạt nhưng không có cớ bèn sai người nhà dụ Thân đánh bạc, đưa tiền cho vay nhưng tính lãi rất nặng, bắt ghi cả vợ vào giấy nợ, thua hết lại cho vay tiếp, một đêm mang nợ tới mấy ngàn. Được nửa năm tính cả vốn lẫn lãi đã hơn ba mươi ngàn, Thân không sao trả được, chúng cậy đông người kéo tới bắt vợ Thân đi. Thân tới cổng kêu khóc, Mỗ giận bắt trói treo lên cây đánh đập buộc phải làm giấy cam đoan không kiện tụng.
Thôi nghe chuyện giận điên người, thúc ngựa xông lên định đánh nhau. Bà mẹ vén rèm kiệu gọi lại nói “Chà, lại thế rồi phải không!”, Thôi đành thôi. Viếng tang xong về nhà cứ lầm lì không nói chuyện không ăn cơm, chỉ ngồi sững trợn mắt như có điều tức giận, vợ hỏi han gì cũng không đáp, ban đêm thì mặc cả áo ngoài nằm trên giường, trằn trọc đến sáng. Đêm sau cũng thế, mở cửa đi ra rồi lại trở vào nằm, cứ thế ba bốn lần, vợ không dám hỏi, chỉ nằm im nghe ngóng. Kế lại đi ra, lâu lắm mới trở vào, đóng cửa lên giường ngủ say. Đêm ấy có người giết Mỗ Giáp trên giường, phanh bụng rút ruột ra ngoài, xác vợ Thân thì trần truồng nằm dưới giường. Quan nghi là Thân, bắt lên tra hỏi, đánh đập cùm kẹp tàn khốc, lòi cả xương mắt cá chân ra nhưng vẫn không chịu nhận, hơn một năm không chịu nổi cực hình phải nhận bừa, bị khép tội chết. Vừa lúc ấy mẹ Thôi chết, chôn cất xong, Thôi nói với vợ rằng !Người giết tên Giáp chính là ta, chỉ vì còn mẹ già nên không dám tiết lộ. Nay việc lớn đã xong, sao lại mình làm nên tội lại bắt kẻ khác chịu tai họa. Ta lên quan nhận tội chết đây”. Vợ sợ hãi níu áo kéo lại, Thôi dứt áo đi, tới công đường tự thú.
Quan ngạc nhiên, cùm lại giam vào ngục rồi tha Thân ra. Thân không chịu, cứ nhất định nhận tội, quan không quyết được bèn nhốt cả hai. Họ hàng đều chê trách Thân, Thân nói “Việc công tử đã làm là việc ta muốn làm mà không thể làm được. Công tử đã làm thay cho ta mà ta lại nỡ ngồi nhìn công tử chết sao? Nay cứ coi như công tử chưa ra thú là được”. Rồi không chịu đổi lời khai, cố tranh tội với Thôi. Lâu sau nha môn đều biết duyên do, đuổi Thân ra khỏi ngục để Thôi chịu tội, lúc ấy đã sắp đến ngày hành hình. Vừa gặp khi có quan Bộ lang họ Triệu coi việc giảm án tới xét ngục, điểm lại danh sách tù phạm tới tên Thôi bèn đuổi hết mọi người ra rồi cho gọi vào. Thôi vào ngẩng nhìn lên thềm thì là Tăng Ca, vừa tủi vừa mừng kể thật hết sự tình. Triệu ngần ngừ hồi lâu rồi sai giam lại vào ngục như cũ, dặn ngục tốt phải đối xử tử tế, kế lấy cớ đã tự thú giảm tội cho, sung làm lính ở Vân Nam, Thân cũng đi theo để hầu hạ.
Chưa đầy một năm, được theo lệ ân xá trở về, đều là nhờ sức của Triệu. Khi Thôi đã về Thân vẫn theo không rời, thay Thôi coi sóc mọi việc làm ăn, trả tiền công thì không lấy, chỉ chú tâm xin học những thuật phi thân đánh đá, Thôi cũng đối xử rất hậu, cưới vợ cấp ruộng cho. Thôi từ đó cố gắng sửa nết cũ, mỗi khi sờ đến vết kim châm trên cánh tay thì ràn rụa nước mắt, vì thế trong làng có ai đánh nhau thì Thân thác lời Thôi can ngăn dàn xếp chứ không cho Thôi hay. Có viên Giám sinh họ Vương là nhà hào phú, bọn vô lại bất nhân khắp nơi thường lui tới, nhiều nhà khá giả trong huyện bị cướp bóc, ai trái ý thì y sai bọn cướp giết ngay ngoài đường, con y cũng dâm đãng tàn bạo. Vương có một bà thím góa chồng, cha con cùng gian dâm với bà ta, vợ là Cừu thị nhiều lần can ngăn, Vương thắt cổ nàng chết. Anh em họ Cừu thưa kiện lên quan, Vương đút lót để quan buộc họ vào tội vu cáo. Họ hàm oan uất ức không có cách nào phát tiết, tới cầu cứu Thôi nhưng Thân chối từ không cho gặp. Vài hôm sau có khách, gặp lúc không có người hầu, Thôi bảo Thân pha trà, Thân im lặng đi ra nói với mọi người rằng “Ta với Thôi Mãnh chỉ là bạn bè mà theo nhau đi đày muôn dặm, không thể nói là không chí tình. Thế mà đã không trả công cho đồng nào còn coi như đầy tớ, thật không chịu nổi”, rồi giận dữ bỏ đi.
Có người kể lại với Thôi, Thôi kinh ngạc vì Thân đổi tính nết nhưng cũng chưa lấy làm lạ. Bỗng Thân lên quan kiện Thôi ba năm không trả tiền công, Thôi quá lạ lùng, đích thân lên đối chất. Thân căm tức tranh cãi, quan cho là vô lý bèn quát đuổi về. Vài hôm sau Thân chợt đang đêm vào nhà Vương giết cả hai cha con, bà thím và đứa con dâu rồi dán giấy lên vách tự xưng tên họ, cho đuổi bắt thì đã trốn biệt tích. Nhà họ Vương nghi là do Thôi sai khiến, nhưng quan không tin. Thôi mới sực hiểu ra chuyện kiện tụng trước đây là do Thân sợ giết người sẽ làm liên lụy tới mình. Văn thư truy nã gởi khắp các châu huyện chung quanh, tìm bắt Thân rất gấp, nhưng gặp lúc giặc Sấm* chiếm kinh đô, việc ấy chìm luôn. Không bao lâu nhà Minh mất ngôi, Thân đem gia quyến về, lại thân thiết với Thôi như trước.
*Giặc Sấm: xem chú thích truyện Tố Thu.
Lúc ấy giặc cướp tụ tập khắp nơi, Vương có đứa cháu họ là Đắc Nhân tập họp bọn vô lại do chú chiêu mộ chiếm cứ núi non làm giặc, kéo đi cướp phá thôn xóm. Một đêm dốc cả sào huyệt kéo tới, nói là để phục thù. Gặp lúc Thôi vắng nhà, giặc đã phá cửa Thân mới biết, vượt qua tường núp trong bóng tối. Giặc tìm không thấy Thôi bèn bắt vợ Thôi, vơ vét hết của cải kéo đi. Thân trở vào, chỉ còn có một người đầy tớ, vô cùng căm giận, bèn cắt lấy vài mươi đoạn thừng, đưa người đầy tớ những đoạn ngắn còn mình giữ những đoạn dài. Dặn người đầy tớ lên sào huyệt giặc, tới lưng núi thì châm lửa vào dây thừng treo rải rác trên các bụi gai rồi bỏ đó về ngay. Người đầy tớ vâng lời đi, Thân thấy bọn giặc đều thắt dây lưng đỏ và buộc mảnh vải đỏ trên mũ, bèn bắt chước giả trang theo.
Có con ngựa cái già mới đẻ con, giặc bỏ lại ngoài cửa, Thân buộc ngựa con lại, cưỡi ngựa mẹ ngậm tăm ra đi, tới thẳng sào huyệt giặc. Giặc đóng ở một thôn lớn, Thân buộc ngựa ngoài thôn vượt tường vào, thấy bọn giặc còn nhốn nháo chưa kịp cởi gươm buông giáo, trà trộn vào hỏi han biết vợ Thôi ở chỗ tên Vương. Giây lát nghe truyền lệnh cho quân nghỉ, tiếng dạ như sấm ran. Bỗng một người báo núi phía đông có lửa, giặc cùng ngẩng nhìn, lúc đầu chỉ có một hai đốm, kế nhiều như sao sa. Thân lấy hơi kêu to “Phía đông có động!”, Vương cả kinh, nai nịt dẫn quân kéo ra, Thân nhân dịp lủi ra phía sau rồi quay trở vào. Thấy có hai tên giặc canh giữ trong trướng, bèn lừa nói “Vương tướng quân quên thanh bội đao” hai tên tranh nhau tìm, Thân từ phía sau chém một tên ngã xuống, tên kia vừa ngoảnh nhìn, Thân cũng chém nốt. Rồi cõng vợ Thôi vượt tường ra, mở ngựa đưa dây cương dặn “Nương tử không biết đường, cứ để ngựa đi là được”. Ngựa nhớ con phóng mau trở về, Thân theo sau, ra khỏi một cửa núi hẹp châm lửa vào dây thừng treo khắp nơi rồi chạy về.
Hôm sau Thôi về, cho là điều đại sỉ nhục, tức giận lồng lên, muốn một mình một ngựa tới phá giặc. Thân khuyên đừng đi, họp người làng bàn tính. Mọi người đều khiếp sợ không dám lên tiếng, khuyên lơn giảng giải ba bốn lần mới được hơn hai mươi người dám đi, nhưng lại không có khí giới. Vừa gặp lúc bắt được hai tên gian tế trong nhà họ hàng của Vương, Thôi định giết nhưng Thân không cho, sai hai mươi người cầm gậy gộc dàn ra trước mặt, cắt tai hai tên rồi thả về. Mọi người tức giận nói “Có một nhúm quân thế này, đang sợ giặc nó biết, mà còn khoe cho hai thằng kia thấy, nếu chúng kéo rốc cả tới thì đóng cổng làng cũng không sao giữ được!”. Thân đáp “Ta đang muốn chúng kéo tới mà”. Bèn bắt giết bọn chứa giặc trong nhà, sai người ra bốn phía tìm cung nỏ súng đạn, lại lên huyện mượn hai cỗ pháo lớn.
Chập tối dẫn những người khỏe mạnh tới cửa núi, đặt pháo nhắm thẳng vào, sai hai người cầm mồi lửa núp ở đấy, dặn thấy giặc là bắn ngay. Lại qua phía đông cửa núi, chặt cây đặt trên dốc, kế cùng Thôi chia nhau mỗi người suất lĩnh một toán hơn mười người mai phục hai bên. Gần hết canh một thì nghe xa xa có tiếng ngựa hí, lén lên nhìn quả thấy giặc ồ ạt kéo tới, quân mã nối nhau kéo dài không dứt. Chờ chúng lọt hết vào hẻm núi rồi bèn sai lăn cây xuống để chặn đường về. Giây lát pháo nổ ran, tiếng la thét kêu gào vang động khe núi. Giặc vội rút lui, giẫm đạp lên nhau mà chạy, tới cửa núi phía đông không thoát ra được, chen chúc không còn khoảnh đất nào hở. Súng đạn cung nỏ hai bên dốc núi giáp công, bắn xuống như mưa, bọn giặc đứa đứt đầu đứa gãy chân, nằm chất lên nhau ngổn ngang, chỉ còn hơn hai mươi tên quỳ xuống xin tha mạng, bèn sai người trói giải về.
Kế thừa thắng tiến thẳng tới sào huyệt giặc, bọn giữ trại nghe hơi chạy tan tác, bèn tìm kiếm chở hết lương thảo tài vật đem về. Thôi mừng lắm, hỏi về kế đốt lửa, Thân đáp “Đốt lửa ở phía đông vì sợ chúng đuổi theo về phía tây, dùng thừng ngắn cho mau cháy hết vì sợ chúng dò biết là không có ai, lại đốt ở cửa núi vì chỗ đó chật hẹp, một người cũng chặn giữ được, chúng đuổi tới thấy lửa ắt sợ, đều là hạ sách nhất thời mạo hiểm mà dùng thôi”, bắt bọn giặc lên hỏi thì quả nhiên khi đuổi tới cửa núi thấy có ánh lửa nên sợ hãi rút lui. Bèn xẻo tai cắt mũi hơn hai mươi tên giặc bị bắt rồi thả về từ đó uy danh của Thôi và Thân lừng lẫy, những người lánh nạn xa gần theo về như chợ, tổ chức được hơn ba trăm dân dũng, giặc cướp các nơi không đám nào dám tới cướp bóc, cả vùng nhờ thế được yên ổn.
Dị Sử thị nói: “Nghé mạnh ắt có thể phá xe”* là nói Thôi chăng! Quả là chí khí khảng khái không ai sánh được vậy. Nhưng muốn trong thiên hạ không còn chuyện bất bình, chẳng lẽ còn định hơn cả kẻ thông đạt ư? Lý Thân thì chỉ là một người dân nhỏ mọn mà lại tới được chỗ tốt đẹp trọn vẹn, vượt tường đột nhập, giết cầm thú tại phòng riêng, chặn đường giáp công, trừ giặc cướp trong núi thẳm, nếu trao cho lá đại kỳ năm trượng, vì quốc gia ra sức, chẳng lẽ lại không làm tới tước vương sao?
* Nghé mạnh… phá xe: Thạch Hổ là con vua nhà Hậu Triệu Thạch Lạc thời Tấn, lúc nhỏ khoẻ mạnh bắn giỏi nhưng tính hung dữ, mấy lần bắn chết người. Thạch Lạc tức giận toan giết, vào thưa với mẹ, mẹ nói “Trâu giỏi lúc còn là nghé thì hay phá xe, con cố nhịn một chút”. Đây ý nói người làm nên nghiệp lớn thì lúc nhỏ đã có tính nết, tư chất khác người thường.