— 22 –: Châu Nhi (Châu Nhi)
Người dân ở Thường Châu (huyện Vũ Tiến tỉnh Giang Tô) là Lý Hóa, nhà giàu có, nhiều ruộng đất. Hơn năm mươi tuổi mà không có con trai, chỉ có một con gái tên Tiểu Huệ, mặt mũi xinh đẹp, vợ chồng rất yêu dấu. Năm cô gái mười bốn tuổi thì mắc bạo bệnh chết yểu, nhà cửa vắng vẻ, Lý không còn sinh thú mới cưới tỳ thiếp. Hơn một năm người thiếp sinh được một con trai, Lý yêu quý như châu ngọc, đặt tên là Châu nhi. Đứa nhỏ dần dần lớn lên, khôi ngô khả ái nhưng tính rất ngây ngốc, năm sáu tuổi vẫn chưa phân biệt được ngô với đậu, ăn nói thì ngơ ngẩn, Lý cũng ưa nên không ghét bỏ.
Gặp lúc có nhà sư lòa tới khuyến hóa ở chợ, biết rõ cả việc trong khuê phòng nhà người ta, mọi người đều tôn kính như thần. Sư lại nói có thể cứu sống hại chết, ban phúc giáng họa, muốn vài trăm ngàn đồng tiền cứ tìm tên mà đòi, không ai dám chậm trễ. Tới Lý khuyến hóa xin một trăm quan tiền, Lý lấy làm khó, đưa ra mười quan nhưng sư không nhận. Dần dần đưa lên thêm tới ba mươi quan, sư tức giận nói “phải đủ một trăm quan, thiếu một đồng cũng không được”. Lý cũng tức giận, thu tiền lại đuổi ra, sư tức tối đứng lên nói “Đừng có hối hận, đừng có hối hận”.
Không bao lâu Châu nhi chợt phát bệnh đau tim, lăn lộn cào cấu trên giường, mặt xám như tro. Lý sợ liền đem tám mươi quan tới chỗ nhà sư xin cứu cho, sư cười nói “Có được bấy nhiêu tiền quả không dễ, nhưng nhà sư trong núi thì làm được gì?”. Lý về thì Châu nhi đã chết, vô cùng đau đớn bèn đưa đơn kiện lên huyện. Quan huyện cho bắt nhà sư hỏi cung, sư cũng nói đó là việc ngẫu nhiên để phân trần, quan sai đánh đòn thấy bồm bộp như đánh vào cái túi da, liền sai lục soát trong người sư, tìm được hai hình người bằng gỗ, một chiếc quan tài nhỏ, năm lá phướn con. Quan tức giận, lấy tay làm ra vẻ bắt quyết cho nhìn, sư sợ hãi bèn xin cung khai. Quan không thèm nghe, sai đánh chết luôn, Lý bèn lạy tạ ra về.
Lúc ấy trời đã sập tối,
Lý và vợ đang ngồi trên giường, chợt có đứa nhỏ chập chờn bước vào phòng, nói “Sao cha đi mau thế, con cố đuổi mà không kịp”, nhìn tới vóc dáng dung mạo thì khoảng bảy tám tuổi. Lý kinh ngạc đang định gạn hỏi thì thấy nó như ẩn như hiện, chập chờn tựa làn mây mù. Lúc chập chờn nó đã lên tới giường, Lý xô xuống, nó rơi xuống đất không có tiếng động, nói “Sao cha lại làm thế?”, trong chớp mắt lại đã lên giường trở lại. Lý hoảng sợ dắt vợ bỏ chạy, đứa nhỏ kêu cha gọi mẹ không ngớt. Lý chạy vào phòng vợ, đóng mau cửa lại, quay lại thì đứa nhỏ đã đứng ngay dưới chân, Lý sợ quá hỏi nó định làm gì, đứa nhỏ đáp “Con là người Tô Châu (tỉnh Giang Tô), họ Thiềm, năm lên sáu tuổi đã mồ côi cha mẹ, anh trai chị dâu không chịu nuôi nấng nên tới ở nhà ngoại. Ngẫu nhiên chơi đùa ngoài cổng bị gã yêu tăng kia dụ dỗ giết chết dưới gốc dâu, sai khiến như ma trành, ngậm oan dưới suối vàng không được chuyển sinh. May nhờ cha trả thù cho, xin theo làm con”.
Lý nói “Người với ma khác loài, làm sao nương tựa nhau được?”. Đứa nhỏ nói “Chỉ xin xếp cho một gian phòng nhỏ, trong bày giường chiếu cho con nằm, mỗi ngày cho một chén cháo loãng, ngoài ra không cần gì khác”. Lý theo lời đứa nhỏ mừng rỡ, từ đó một mình ở trong phòng riêng, ra vào ăn nói không khác gì người sống. Nghe người thiếp của Lý khóc lóc, nó hỏi Châu nhi chết đã mấy ngày rồi, người thiếp đáp bảy ngày. Đứa nhỏ nói “Trời đang rất lạnh, chắc xác chưa rã, xin đào mồ lên xem thử, nếu như vẫn còn nguyên vẹn thì con có thể sống lại”.
Lý mừng rỡ dắt nó cùng đi, đào mồ Châu nhi lên xem thấy xác vẫn như cũ, đang còn đau xót, ngoảng lại nhìn thì đứa nhỏ đã biến mất, lấy làm lạ bèn cáng cái xác về. Vừa đặt lên giường thì mí mắt đã động đậy, giây lát đòi uống nước, uống xong ra mồ hôi đầm đìa, kế đứng lên. Mọi người mừng Châu nhi đã sống lại, lại còn thêm khôn ngoan thông minh khác hẳn ngày trước. Đến đêm lại lên giường nằm cứng đờ không có chút hơi thở nào, mọi người cùng vào xoay trở vẫn nhắm mắt nằm yên như chết, mọi người đều cả sợ cho rằng lại chết rồi.
Trời vừa sáng nó mới như tỉnh mộng, mọi người xúm lại hỏi han, đứa nhỏ đáp “Trước đây lúc còn theo gã yêu tăng, còn có hai đứa nhỏ khác, một đứa tên Ca Tử, vừa rồi đuổi theo cha không kịp vì nán lại phía sau chia tay Ca Tử đó thôi. Nay Ca Tử ở dưới âm ty làm con nuôi của Khương Viên ngoại, cũng được thong thả. Đêm qua nó tới chơi đùa với con, kế lấy ngựa đưa con về” Vợ Lý nhân hỏi có thấy Châu nhi dưới âm ty không, đứa nhỏ đáp “Châu nhi đã đi đầu thai rồi, nó với cha không có duyên phận cha con, chẳng qua chỉ là Nghiêm Tử Phương ở Kim Lăng (tỉnh thành Giang Tô) tới đòi món nợ mấy trăm ngàn đồng tiền trước đây mà thôi”. Trước là Lý buôn bán ở Kim Lăng, còn thiếu tiền hàng của Nghiêm chưa trả, kế Nghiêm chết, chuyện ấy không ai hay biết. Lý nghe thấy cả sợ.
Vợ Lý bèn hỏi đứa nhỏ rằng con gặp chị Huệ không, nó đáp “Không biết, lần sau con xuống đó sẽ hỏi thăm”. Ba bốn hôm sau, nó nói với mẹ rằng “Chị Huệ dưới âm ty sung sướng lắm, làm vợ của con trai út Sở Giang vương, vàng ngọc đeo đầy người, ra cửa thì có hàng ngàn người tiền hô hậu ủng”. Vợ Lý hỏi “Sao nó không về thăm nhà một chuyến?” đứa nhỏ nói “Kẻ đã chết thì không dính líu gì với người thân nữa, nếu có ai kể rõ chuyện kiếp trước mới nhớ lại thôi. Hôm rồi con theo Khương Viên ngoại nên được gặp chị, chị gọi con lên ngồi trên giường san hô, con nói cha mẹ đều rất nhớ nhung mà chị cứ như đang ngủ mơ. Con nói lúc chị còn sống thích thêu quả cầu kết hoa bằng lụa, lúc cắt vải bị đứt tay làm dính máu vào đó, nay mẹ còn treo ở đầu giường, thương nhớ không nguôi, chị quên rồi sao? Chị mới buồn rầu, nói sẽ thưa với lang quân xin về thăm mẹ. Vợ Lý hỏi lúc nào, nó đáp là không biết.
Một hôm nói với mẹ rằng “Chị sắp về tới, có rất nhiều tùy tùng đi theo, phải chuẩn bị nhiều rượu thịt”. Giây lát nó chạy vào phòng mẹ nói “Chị tới rồi!” rồi đẩy ghế ra sảnh đường nói “Chị hãy ngồi xuống nghỉ mệt, đừng khóc lóc”, mọi người không ai nhìn thấy gì cả. Đứa nhỏ bảo mọi người ra đốt giấy tiền vàng bạc ngoài cổng rồi trở vào nói “Con đã cho những người tùy tùng tạm lui về rồi. Chị nói rằng trước đây cái chăn gấm xanh chị vẫn đắp bị lửa đèn bắn vào làm thủng một lỗ to bằng hạt đậu, nay có còn không?” mẹ đáp “Vẫn còn”. Rồi lập tức mở rương lấy ra, đứa nhỏ nói “Chị bảo con đem trải trong phòng cũ, chị hơi mệt phải nghỉ một lúc, ngày mai sẽ lại nói chuyện với mẹ”.
Có cô gái họ Triệu bên láng giềng vốn chơi thân với Huệ, đêm ấy chợt mơ thấy Huệ đội khăn mặc áo màu tía tới thăm, chuyện trò cười nói thân thiết như lúc còn sống, kế nói “Ta nay khác loài, giáp mặt cha mẹ mà chẳng khác nào xa cách nhau muôn núi ngàn sông, định mượn xác muội tử về trò chuyện với người nhà, xin đừng hoảng sợ”. Đến sáng nàng đang trò chuyện với mẹ chợt ngã lăn ra đất mê man, lát sau mới tỉnh, nói “Tiểu Huệ xa cách thím mấy năm rồi, không ngờ tóc thím đã bắt đầu bạc”. Bà Triệu hoảng sợ nói “Con điên rồi à?”, nàng lạy chào rồi đi ra. Bà Triệu biết là có chuyện lạ bèn đi theo, thấy nàng tới thẳng nhà Lý, vào ôm vợ Lý khóc sướt mướt, vợ Lý hoảng sợ không biết chuyện gì. Nàng nói “Hôm qua con về mệt quá chưa nói được câu nào. Con bất hiếu nửa đường chết đi bỏ cha mẹ lại, lại làm cha mẹ phải nhớ nhung, biết lấy gì để chuộc tội?”. Mẹ sực hiểu ra bèn khóc hỏi “Nghe nói nay con rất quý hiển, mẹ rất được an ủi, nhưng con gởi thân ở nhà bậc vương hầu, làm sao tới được đây?”. Cô gái nói “Chồng con rất thương yêu con, cha mẹ chồng cũng rất thương mến, nên không bị ghét bỏ gì”.
Lúc Huệ còn sống hay lấy tay chống cằm, cô gái nói xong cũng làm giống hệt. Giây lát Châu nhi chạy vào nói “Người đón chị tới rồi”, cô gái bèn đứng lên khóc lóc từ biệt, nói “Con đi đây”. Nói xong ngã lăn ra đất hồi lâu mới tỉnh.
Sau đó vài tháng, Lý mắc bệnh nặng, thuốc men gì cũng vô hiệu. Đứa nhỏ nói “Sợ trong sớm tối sẽ khó cứu, có hai con quỷ ngồi ở đầu giường cha, một đứa cầm gậy, một đứa cầm dây dài bốn năm thước, con đã đêm ngày năn nỉ mà chúng không đi”. Mẹ khóc chuẩn bị đồ liệm, đến tối thì đứa nhỏ bước vào nói “Đàn bà con gái tránh ra hết, anh rể tới thăm cha đấy”. Giây lát lại vỗ tay cười lớn mẹ hỏi vì sao, nó đáp “Con cười hai con quỷ nghe nói anh rể tới đều rúc vào gầm giường như con rùa rụt đầu”. Lát sau lại thấy nó nhìn lên trời nói chuyện, hỏi thăm anh rể khỏe không, kế vỗ tay nói “Hai thằng quỷ kia, ta năn nỉ không chịu đi bây giờ thật hả dạ”. Rồi đi ra cổng, kế quay vào nói “Anh rể đi rồi, hai con quỷ bị bắt buộc sau yên ngựa, chắc cha không sao đâu. Anh rể nói trở về sẽ thưa với Đại vương xin cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi”, cả nhà đều mừng rỡ.
Đến đêm thì Lý đỡ bệnh, qua vài ngày thì khỏi hẳn. Bèn rước thầy về dạy học cho, đứa nhỏ rất thông minh, mười tám tuổi được vào học trường huyện, vẫn thường nói chuyện dưới âm ty. Thấy trong làng có ai bị bệnh thì chỉ rõ nơi ma quỷ trốn núp, lấy lửa thiêu đất, ai cũng khỏi bệnh. Về sau nó bị bệnh nặng, người sưng phù lên, da chỗ xanh chỗ tím, tự nói là quỷ thần phạt ta về tội tiết lộ chuyện âm ty, từ đó trở đi không nói gì nữa.