Home Liêu Trai Chí Dị – 258 – 259 -: Cô Gái Hồ (Hồ Nữ)

– 258 – 259 -: Cô Gái Hồ (Hồ Nữ)

Y Duyện người huyện Cửu Giang (tỉnh Giang Tây) đang đêm thấy có cô gái tới, trong bụng biết là hồ nhưng thích vì cô ta đẹp, bèn chung chạ, giấu không cho ai biết, cả cha mẹ cũng không hay. Lâu sau thân xác gầy mòn, cha mẹ hỏi riết, Y mới thưa thật. Cha mẹ lo lắm, sai người vào ngủ cùng phòng nhưng vẫn không ngăn cản được. Người cha đích thân vào ngủ thì hồ không tới, mà người khác thì hồ lại tới. Y hỏi, hồ đáp “Thứ bùa chú của thế tục làm sao ngăn cản ta được? Nhưng phải có luân lý chứ, chẳng lẽ lại ngủ với nhau trước mặt cha chàng sao?”. Người cha nghe thế đêm nào cũng vào ngủ cùng phòng với con, hồ bèn không tới nữa. Sau gặp lúc giặc giã tới cướp, người trong làng chạy hết, cả nhà lạc nhau. Y chạy vào núi Côn Lôn, bốn bề hoang vắng, lại lẻ loi một mình, trời thì đã chiều, lòng càng lo sợ. Chợt thấy một cô gái đi tới, nghĩ rằng cũng là người chạy loạn, khi tới gần té ra là cô gái hồ. Giữa khi loạn lạc, gặp được người quen Y rất mừng rỡ. Cô gái nói “Trời đã tối, không còn đi đâu được chàng nên nghỉ lại đây, ta sẽ chọn chỗ xây tạm một cái phòng để tránh cọp beo”.

Rồi đi về phía bắc mấy chặng, ngồi thụp xuống trong bụi cỏ, không biết làm gì. Giây lát quay ra dắt Y đi về phía nam, khoảng hơn mười bước lại kéo quay lại. Chợt thấy hàng ngàn cây đại thụ vây quanh một ngôi nhà cao, tường đồng cột sắt, nóc trắng như bạc. Tới gần thì thấy tường cao ngang vai, bốn phía không có cửa nẻo gì, mà trên tường lởm chởm chông nhọn, cô gái đạp lên vượt qua, Y cũng đi theo. Khi vào tới nơi, ngờ rằng nhà vàng không phải do người xây nhân hỏi ngôi nhà ở đâu ra. Cô gái cười đáp “Chàng cứ ở lại đây, sáng mai xin tặng luôn cho chàng, bấy nhiêu vàng bạc ăn suốt nửa đời cũng không hết”. Kế chào từ biệt, Y năn nỉ lưu giữ, cô gái bèn ở lại, nói “Bị người chán ghét ruồng bỏ, đã quyết là vĩnh biệt, nay lại không thể cầm lòng được”. Khi Y tỉnh giấc, cô gái hồ không biết đã đi đâu rồi. Đến khi trời sáng Y vượt tường ra ngoài, ngoảnh lại chỗ ngủ thì không thấy đình đài nhà cửa gì cả, chỉ có bốn cái trâm cắm trong cái vòng tay, chỗ chụm lại phía trên lồng vào một cái nhẫn, những cây đại thụ thì là gai góc rậm rạp biến thành.

 

259. Vương Đại

(Vương Đại)

 

Lý Tín là con bạc trong huyện. Ban ngày nằm ngủ, chợt thấy bạn cờ bạc trước kia là Vương Đại, Phùng Cửu tới rủ đi chơi. Lý cũng quên rằng họ đã chết, vui vẻ đi theo. Ra khỏi cửa, Vương Đại qua rủ Chu Tử Minh trong thôn, Phùng bèn dắt Lý đi trước, vào miếu ở xóm đông. Lát sau Chu cũng theo Vương tới. Phùng đem xúc xắc ra, chuẩn bị gầy sòng. Lý nói “Lúc nãy vội vàng không mang tiền theo, không chơi được, làm thế nào?”, Chu cũng nói thế. Vương nói “Quan nhân họ Hoàng thứ tám ở Yến Tử cốc cho vay lãi, chúng ta cùng tới đó hỏi vay chắc được”. Rồi đó bốn người cùng đi, lửng thửng một lúc tới một thôn ấp, trong thôn nhà cửa san sát. Vương chỉ vào một ngôi nhà nói “Đây là nhà công tử họ Hoàng”. Có một người lão bộc trong nhà ra hỏi, Vương ngỏ ý, người lão bộc lập tức trở vào bẩm, lát sau quay ra nói vâng lệnh công tử mời Lý vào gặp.

Lý theo Vương vào thấy Công tử khoảng mười tám mười chín tuối, cười nói thân thiết, đem một chuỗi tiền lớn ra đưa cho Lý, nói “Biết ông vốn là người sòng phẳng nên cho vay không ngại, chứ Chu Tử Minh thì ta không tin”. Vương năn nỉ giùm, công tử muốn Lý đứng ra bảo lãnh, Lý không chịu, Vương đứng cạnh nói mãi Lý mới chịu, rồi cũng vay một ngàn đồng ra đưa cho Chu, lại thuật rõ lời công tử để khích Chu phải trả. Ra khỏi cửa cốc, chợt gặp một người đàn bà đi tới, thì là vợ họ Triệu cùng thôn, tính hay gây gỗ chửi bới. Phùng nói “ở đây vắng người, đùa giỡn con mụ dữ dằn này một chút”. Bèn cùng Vương đuổi theo vào trong cốc, người đàn bà la lớn, Phùng vốc đất nhét vào miệng. Chu khen ngợi nói “Loại đàn bà này thì phải nút cả cái kia lại”. Phùng bèn tuột quần người đàn bà, lấy một hòn đá dài nhét vào chỗ kín, người đàn bà đau đớn lăn ra như sắp chết, cả bọn bèn bỏ chạy.

Rồi lại trở về miếu đánh bạc với nhau từ trưa đến tối, Lý thắng lớn, Phùng và Chu thua sạch tiền, Lý vì có nhiều tiền chia bớt cho Vương, lại nhờ Vương trả giùm cho công tử họ Hoàng. Vương lại chia tiền cho Chu và Phùng, lại gầy sòng mới. Không bao lâu chợt nghe tiếng người xôn xao, rồi có một người xông vào miếu nói “Thành hoàng gia đích thân đi bắt cờ bạc, hiện tới đây rồi”. Cả bọn hoảng sợ, Lý bỏ tiền leo qua tường chạy, ba người kia tiếc tiền nên đều bị bắt. Ba người bị giải ra ngoài quả thấy một vị thần ngồi trên ngựa, sau ngựa có hơn hai mươi người bị trói. Trời chưa sáng thì về tới huyện thành, cổng thành cũng vừa mở bèn vào. Tới nha thự, Thành hoàng lên ngồi quay mặt về phía nam, gọi giải phạm nhân vào, cầm sổ gọi tên từng người. Điểm danh xong, sai lấy búa sắc chặt hết ngón tay cái, lấy mực đen mực đỏ bôi lên hai mắt cả bọn rồi sai giải ra dong ba vòng quanh chợ.

Bọn lính áp giải đòi tiền hối lộ mới chịu bôi hết mực trên mặt cho, mọi người ai cũng đưa tiền ra, chỉ có Chu không chịu, nói là hết sạch tiền rồi. Tên lính áp giải hẹn giải về tới nhà rồi đưa tiền cũng được, Chu cũng không chịu, y bèn chỉ vào mặt Chu nói “Ngươi thật là hạt đậu bằng sắt, có rang cũng không nở nổi”, rồi chắp tay chào bỏ đi. Chu ra khỏi thành, nhổ nước bọt vào tay áo vừa đi vừa lau mặt, tới sông soi xuống thấy dấu mực vẫn còn nguyên, vốc nước lên rửa nhưng mực bám chặt không trôi, mới hối hận thất thểu về nhà. Trước đó vợ họ Triệu đi thăm mẹ ruột, đến tối vẫn chưa thấy về, người chồng vội đi đón. Tới chỗ cửa cốc, thấy vợ nằm bên đường, nhìn dáng vẻ biết là gặp ma, vội móc đất trong miệng ra cõng về. Người đàn bà tỉnh dậy nói được, Triệu mới biết là trong chỗ kín còn có hòn đá, bèn nhẹ nhàng lấy ra. Đến khi vợ kể lại mọi chuyện, Triệu tức giận lên huyện kiện Lý và Chu.

Quan huyện gởi trát đòi xuống thì Lý mới tỉnh dậy, Chu thì vẫn còn mê man như chết. Quan huyện cho là Triệu vu khống, phạt đánh roi và bắt giam luôn cả người vợ, vợ chồng không biết làm sao bẩm rõ được. Hôm sau Chu tỉnh dậy, chung quanh hai mắt chợt biến thành một vòng màu đen một vòng màu đỏ, lại la lớn rằng đau ngón tay cái, người nhà tới nhìn thấy gân xương đã đứt hết, chỉ da bên ngoài còn liền mà thôi, mấy hôm sau thì rụng ra. Vết mực đỏ mực đen quanh mắt thấm luôn vào thịt, ai nhìn thấy cũng phì cười. Mấy hôm sau thấy Vương tới đòi nợ, Chu lớn tiếng nói không có tiền, Vương tức giận bỏ đi. Người nhà hỏi biết, đều nói thần thánh ma quỷ vô tình, khuyên trả đi, Chu không nghe cứ gân cổ cãi, lại nói “Ngay cả quan huyện cũng bênh vực ta, âm phủ dương gian cũng chỉ có một phép tắc, huống chi là nợ cờ bạc?”.

Hôm sau có hai tên quỷ tới, nói là công tử họ Hoàng cũng kiện, đang chờ bắt Chu lên hỏi cung, Lý Tín cũng bị người tới bắt đi để làm chứng, hai người lăn ra chết cùng một lúc. Ra tới ngoài thôn thì gặp nhau, Vương và Phùng cũng tới. Lý nói với Chu ráng “Anh còn mang bộ mặt bên đỏ bên đen, lại dám tới gặp quan à?” Chu vẫn nói như cũ, Lý biết là keo kiệt tiếc tiền bèn nói “Ngươi đã mê muội như thế thì ta sẽ xin gặp công tử họ Hoàng để trả nợ cho ngươi”. Rồi cùng tới chỗ Công tử, Lý vào nói rõ mọi việc. Công tử không chịu, nói rằng “Người nào thiếu nợ mà lại đòi ông trả?”. Lý ra nói lại với Chu, lại tính bỏ tiền ra giả là tiền của Chu để trả, Chu càng tức tối, chửi rủa công tử, quỷ bèn trói lại lôi đi. Lát sau tới huyện thành, vào gặp Thành hoàng, Thành hoàng quát “Thằng vô lại mắt còn vết mực kia, định quịt nợ à?”.

Chu thưa “Công tử bỏ tiền cho vay lãi, dụ dỗ ta đánh bạc, nên mới bị trừng phạt thế này”. Thành hoàng gọi người lão bộc nhà họ Hoàng lên, giận dữ nói “Chủ ngươi mở sòng dụ dỗ người ta đánh bạc, lại còn đòi nợ sao?”. Người lão bộc thưa “Lúc họ vay tiền, công tử ta không biết là họ vay để đánh bạc. Nhà công tử ta ở Yến Tử cốc, họ đánh bạc bị bắt ở miếu Quan âm, cách nhau hơn chục dặm, mà xưa nay công tử ta không mở sòng bạc bao giờ”. Thành hoàng quay lại quát Chu “Vay tiền mà cứng cổ không chịu trả, lại còn nói ngược, vô lương tới như ngươi là cùng”. Toan phạt đánh trượng, Chu lại kêu là lãi nặng. Thành hoàng hỏi “Lãi mấy phân?”, người lão bộc thưa “Tiền gốc còn chưa trả đồng nào”. Thành hoàng tức giận nói “Gốc còn chưa trả mà đã dám kêu lãi nặng à?”. Bèn phạt đánh ba chục trượng, sai áp giải về nhà để trả nợ.

Hai tên quỷ áp giải Chu về, đòi tiền hối lộ, không cho sống lại ngay, cứ trói nhốt trong nhà xí, sai báo mộng cho người nhà. Người nhà đốt hai mươi xấp tiền giấy, lửa vừa tắt thì biến thành hai lượng vàng và hai ngàn đồng. Chu đem vàng trả nợ, lấy tiền hối lộ hai tên quỷ áp giải, chúng mới chịu cởi trói cho hồn nhập vào xác. Chu sống lại, hai mông lở loét, máu mủ bê bết, mấy tháng mới lành. Vợ họ Triệu thì về sau không dám chữi bới gây gỗ với ai nữa, mà Chu thì chỉ còn bốn ngón tay và hai khoanh mắt một đỏ một đen như cũ, xem đó đủ biết bọn con bạc không phải là người.

Dị Sử thị nói: Chuyện không công bằng ở đời đều do quan lại gây ra, làm quá cả mực thước. Ngày trước những kẻ giàu có cho vay nặng lãi để bắt con gái nhà lành, người ta không ai dám nói, không thì đơn kiện có đưa lên quan cũng dùng pháp luật che chở cho chúng, nên ngày trước dân ghét quan đều nói là đầy tớ của bọn nhà giàu. Những bậc quan hiền về sau xét rõ mối tệ ấy thì lại làm trái hẳn lại. Có viên Cử nhân vay nhiều tiền buôn bán lớn, ăn tiêu xa xỉ, dựng đình đài mua ruộng tốt mà quên rằng tiền bạc ấy từ đâu mà có. Mỗi khi có người đòi nợ thì trợn mắt nhìn, báo lên quan thì quan nói “Ta không phải là đầy tớ cho người”. Than ôi, như thế có khác gì Hòa thượng lười nhác không tu hành để giảm nỗi khổ cho người thế gian đâu! Ta vẫn nói quan xưa thì gian mà quan nay thì ác, kẻ gian vốn đáng chết song kẻ ác cũng đáng giận, cho vay tiền lấy lãi nhẹ thì đâu phải chỉ có lợi cho người giàu?

Trương Thạch Niên làm Tri huyện huyện Truy, rất ghét cờ bạc, cũng sai bôi mực lên mặt bọn cờ bạc dong đi trên phố như lối âm phủ, nhưng hình phạt thì không tới nỗi chặt ngón tay, mà trong huyện hết cả cờ bạc. Ông làm quan rất giỏi xét việc hiểu người, đang lúc giấy tờ sổ sách bận bịu, lại sắp đến trưa, mà có ai đánh bạc bị bắt giải vào, thì ông đều lắng nghe lời khai rồi hỏi thăm cả quê quán tuổi tác, gia đình có bao nhiêu người, làm ăn sinh sống thế nào, hỏi xong đều khuyên nên bỏ cờ bạc rồi tha. Có một người đưa tờ khai đóng thuế xong, tự cho rằng không có tội gì, đã định lui ra. Ông gọi lại hỏi thăm một lượt rồi nói “Tại sao người lại cờ bạc?”. Người kia ra sức biện bạch rằng cả đời không biết cờ bạc là gì, ông cười nói “Trong lưng ngươi đang giắt xúc xắc”. Khám ra thì đúng thế, mọi người đều cho là thần, nhưng không ai biết ông dùng cách gì

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x