Home Liêu Trai Chí Dị – 260 – 264 -: Người Thiếp Đàn Ông (Nam Thiếp)

– 260 – 264 -: Người Thiếp Đàn Ông (Nam Thiếp)

 Có một viên quan ở Dương Châu (tỉnh Giang Tô) mua thiếp, đi khắp mấy nhà mà không chọn được người vừa ý. Chỉ có một bà già ở trọ bán con gái, đứa con gái khoảng mười bốn mười lăm tuổi, trông rất xinh xắn, lại giỏi múa hát. Ông ta mừng lắm bỏ ra một số tiền lớn mua về, hóa ra là đàn ông. Ông ta sợ quá, căn vặn tới cùng, thì ra là người kia mua bọn con trai xinh xắn về cho ăn mặc, trang sức giả làm con gái để lừa người ta mà thôi. Sáng ra, ông ta sai người nhà tới chỗ bà già, thì bà ta đã trốn mất rồi. Ông ta thẫn thờ, không biết tính sao. Vừa lúc ấy có người bạn đồng niên là Mỗ ở Chiết Trung tới thăm, bèn kể lại chuyện. Mỗ đòi xem mặt, vừa trông thấy đã rất ưa thích, mang đủ số tiền ra mua lại đứa con trai rồi mang đi.

Dị Sử thị nói: Nếu gặp được kẻ tri âm thì cho dù là bậc giai nhân tuyệt thế cũng không chịu đổi, tại sao bà già không biết việc đời kia còn mất công làm giả ra con gái làm gì?

261. Uông Khả Thụ

(Uông Khả Thụ)

Uông Khả Thụ người huyện Hoàng Mai ở Hồ Quảng (tỉnh Hồ Bắc) nhớ được chuyện ba kiếp trước. Một kiếp ông ta làm học trò, đọc sách trong chùa, nhà sư trong chùa có con ngựa cái đẻ được ngựa đực con, ông ta thích bèn cướp lấy. Sau ông ta chết, Diêm Vương xem sổ giận về tội tham lam tàn bạo, phạt làm ngựa để trả nợ cho nhà sư. Nhà sư lại rất chăm chút thương yêu, ông ta muốn chết mà không được. Đến khi hơi lớn, định nhảy xuống khe núi tự tử, nhưng lại sợ phụ cái ơn thương yêu chăm sóc, càng bị Diêm đình trị tội nặng hơn, nên đành yên phận. Được vài năm, mãn hạn được tha, cho đầu thai làm con một nhà nông, vừa sinh ra đã biết nói, cha mẹ cho là điềm bất tường, bèn giết chết, lại được đầu thai vào nhà Tú tài họ Uông. Tú tài gần năm mươi tuổi mới sinh được con trai nên rất mừng rỡ. Uông khi sinh ra, vẫn nhớ kiếp trước vì biết nói sớm mà bị giết, nên không dám mở miệng. Được ba bốn tuổi, người nhà đều cho là bị câm.

Một hôm người cha đang làm văn thì có bạn tới thăm, gác bút trên bàn ra tiếp khách. Uông vào thấy bài văn cha làm dở dang, bất giác ngứa nghề, viết tiếp luôn tới hết bài. Khi người cha trở lại phòng thấy thế, hỏi là có ai tới, gia nhân đều bẩm là không có. Người cha ngờ vực, hôm sau viết một đề văn để trên bàn rồi bỏ ra ngoài. Lúc sau quay lại, rón rén đi vào, thì thấy con đang nằm phục trên bàn làm văn, đã viết được vài hàng. Uông thấy cha tới hoảng sợ kêu lên, quỳ xuống xin tha chết. Người cha mừng nắm tay kéo dậy nói “Nhà ta chỉ có một mình con, lại biết làm văn, đó là cái may của gia đình, sao lại sợ sệt?”, từ đó lại dạy thêm cho con đọc sách. Uông trẻ tuổi đã đỗ Tiến sĩ, sau làm quan tới chức Tuần phủ Đại Đồng.

262. Vương Thập

(Vương Thập)

Người dân ở huyện Cao Uyển (tỉnh Trực Lệ) là Vương Thập, đội muối từ huyện Bác Hưng (tỉnh Trực Lệ) về, nửa đêm bị hai người chặn bắt. Vương cho là lính tuần bắt muối lậu, bèn vứt muối định chạy, nhưng cuống chân chạy không được bị bắt, năn nỉ xin tha. Hai người kia nói “Bọn ta không phải là lính tuần bắt muối lậu, mà là quỷ”. Thập sợ, nhưng xin được về nhà từ biệt vợ con, quỷ không cho, nói “Lần này đi chưa tới nỗi chết, chẳng qua chỉ tạm làm phu một thời gian thôi”. Thập hỏi làm chuyện gì, quỷ đáp “Diêm Vương mới dưới âm phủ đáo nhiệm, thấy sông Nại Hà bị lấp tắc, hầm xí ở mười tám nhà ngục đều đầy nên bắt ba hạng người xuống vét sông Nại Hà là bọn ăn trộm, bọn làm tiền giả và bọn buôn muối lậu, lại có một hạng phải dọn hầm xí, là bọn chứa đĩ”. Thập theo vào thành, tới một nha thự, thấy Diêm Vương ngồi trên, đang lập sổ sách. Quỷ lên bẩm “Bắt được một tên buôn muối lậu là Vương Thập”. Diêm Vương nhìn xuống, giận dữ nói “Bọn buôn muối lậu, trên thì trốn thuế nước, dưới thì hại dân đen, tức như bọn tham quan gian thương mới gọi là bọn buôn lậu, chứ còn kẻ lương dân trong thiên hạ, nghèo quá thì phải kiếm chác chút đỉnh, cầu đủ cơm ăn mà thôi, thì sao gọi là buôn lậu được?”. Bèn phạt hai tên quỷ, bắt đi mua bốn đấu muối, thêm cả vào số muối của Thập rồi vác về nhà cho Thập, giữ Thập lại trao cho gậy và bài gỗ, sai theo bọn quỷ đốc thúc việc vét sông.

Thập theo quỷ đi, tới cạnh sông Nại Hà, thấy dân phu dưới sông nối nhau đông đặc như kiến. Lại thấy nước sông đỏ ngầu, tới gần thì hôi thối không sao chịu nối. Nhưng người vét sông đều trần truồng ôm thúng lên xuống, xúc xương vụn thịt nát vào đầy thúng, chỗ sâu thì bẩn cả lên tới đỉnh đầu. Ai lười nhác thì lập tức bị gậy đập vào lưng vào đùi. Những người cùng đốc thúc đều lấy vải thơm quấn lại như cái nút, ngậm chặt vào miệng mới dám tới gần bờ sông. Thập thấy trong đám phu có người thầu buôn muối ở Cao Uyển bèn theo hành hạ, y xuống thì đánh vào lưng, lên thì đánh vào đùi. Người thầu sợ, cứ lặn hụp mãi dưới sông, Thập mới thôi. Qua ba ngày ba đêm, dân phu vét sông chết mất một nửa, công việc cũng hoàn thành, hai tên quỷ bắt Thập trước đây lại đưa Thập về nhà, tỉnh dậy thì biết mình đã sống lại. Trước đó Thập đội muối chưa về tới, trời sáng vợ ra mở cửa thì thấy hai bao muốì trước sân mà mãi không thấy Thập về, bèn nhờ người đi tìm. Thấy Thập chết trên đường, bèn cõng về, sờ vào mũi thấy còn thở nhẹ, lấy làm lạ nhưng không biết tại sao, khi Thập dã tỉnh dậy mới nói rõ.

Người thầu buôn muối cũng chết vào hôm trước, đến lúc ấy thì tỉnh dậy, những chỗ bị đánh đều sưng to, da thịt toàn thân lở loét, hôi thối không sao tới gần. Thập cố ý tới thăm, y nhìn thấy Thập vội rúc đầu vào chăn, giống như lúc còn ở Nại Hà. Hơn một năm y mới khỏi, không làm thầu buôn muối nữa.

Dị Sử thị nói: Một chuyện buôn muối, triều đình gọi là “lậu” là không làm theo phép công, quan lại và thương nhân gọi là “lậu” là không theo lệ riêng của họ. Gần đây ta tới vùng Tề Lỗ (tỉnh Sơn Đông) tận mắt nhìn thấy, thì những người thầu buôn muối đặt vựa đều vạch ra khu vực buôn bán, không những dân trong hạt không được qua hạt khác mua mà ngay cả dân  chợ này cũng không được qua chợ khác mua. Mà trong chợ còn đặt mồi nhử dân nơi khác tới mua, bán ở huyện khác thì rẻ mà bán cho dân trong huyện thì đắt. Lại còn đặt lính tuần ngăn bắt trên đường để người trong hạt không sao lọt lưới, nếu có người trong hạt giả mạo dân nơi khác tới mua thì không bắt tội. Cứ người bán nơi này nhử người mua nơi khác như vậy nên dân đen giả mạo là người nơi khác vượt cõi buôn bán càng nhiều.

Nếu bị bắt thì trước hết là bị lính tuần đánh nát tay chân rồi giải lên quan, kế bị quan gông cùm giam nhốt, gọi là bọn buôn muối lậu. Than ôi oan thay! Trốn mấy vạn tiền thuế thì không phải là buôn lậu mà mang túi xách giỏ lại là buôn lậu, người nơi này mua ở nơi khác thì không phải là buôn lậu mà mua tại nơi mình ở lại là buôn lậu, oan lắm vậy? Luật buôn muối trong chợ rất nghiêm nhưng chỉ nghiêm với những lính khổ dân nghèo, lấy công làm lời mà thôi. Không cấm được nên nay không cấm gì nữa mà lại thành ra giết những lính khổ dân nghèo. Vả lại lính khổ dân nghèo vợ con nheo nhóc, người trên mà giữ phép không làm bậy thì kẻ dưới biết nhục không làm càn, chỉ bất đắc dĩ mới bỏ mười đồng vốn để mong được một đồng lời mà thôi.

Nếu dân đều như thế thì ban đêm có thể không cần đóng cửa, chẳng phải là dân lương thiện trên đời sao! Kẻ thầu buôn muối kia không chỉ phải đào vét sông Nại Hà mà thôi đâu, còn phải bắt dọn cả hầm xí mới đáng tội. Mà quan thì lễ tết hàng năm đều nhận quà biếu của họ, nên đem pháp luật giúp họ giết dân lành, nếu tính cho người nghèo khổ thì quả không còn cách nào là buôn hàng lậu làm tiền giả. Kẻ cướp ăn cướp giữa ban ngày thì quan như điếc, bọn đúc tiền giả đúc tiền khói lửa mù trời thì quan như mù. Thế nhưng như ngày khác đào sông, giả như chưa tới những kẻ như Vương Thập mà số phu còn thiếu, thì quan giở pháp luật ra ngay đấy. Than ôi. Kẻ trên không nhân từ để cầm cân nảy mực mà cứ theo phép của bọn gian thương, càng ngày pháp luật càng nguy, thì còn trách gì hạng dân gian trá điêu ngoa ngày càng nhiều thêm mà loại dân hiền lành lương thiện ngày cứ chết dần!

Trước đây trong huyện có người thầu buôn muối, hàng năm cứ đưa số tiền một ngàn thạch muối tới dâng cho quan huyện, gọi nhã là Tiền mua muối. Lại gặp những dịp lễ tết cũng biếu xén rất hậu, người thầu mà có việc vào gặp thì quan đối xử rất trân trọng, có khi trò chuyện, có khi mời trà. Nên người buôn lậu bị bắt giải tới thì quan trùng phạt rất nặng không hề nương tay. Năm ông Trương Thạch làm Tri huyện huyện Truy, người thầu tới gặp, cũng theo lệ cũ chỉ vái mà không lạy. Ông giận nói “Quan trước nhận tiền của ngươi nên không thể không kính trọng người, chứ ta mua muối chợ mà ăn, gã thầu buôn muối nhà ngươi là cái gì mà dám vào công đường không chịu làm lễ?”. Bèn sai lột áo đánh cho một trận, người thầu dập đầu năn nỉ rối rít mới được tha.

Sau trong chợ bắt được hai người buôn muối lậu, một người chạy thoát, một người bị giải tới quan. Ông hỏi hai người cùng đi buôn, người kia đâu rồi? Người buôn lậu đáp chạy mất rồi. ông hỏi “Chân ngươi đau không chạy được à?” người kia đáp “Thưa được chứ!”. Ông nói “Đã bị bắt là không chạy được, nếu đúng là được thì chạy thử xem có chạy được thật không?”. Người kia chạy vài bước toan dừng, ông nói “Chạy mau đừng dừng xem nào!”. Người kia cắm đầu cắm cổ lao ra khỏi huyện đường chạy luôn, ai thấy cũng cười. Việc ông thương dân như vậy rất nhiều, đây chỉ là chuyện vặt, nhưng đến nay người trong huyện vẫn còn ca ngợi kể lại.

 

263. Hai Người Họ Ban

(Nhị Ban)

Ân Nguyên Lễ người Vân Nam, giỏi thuật châm cứu. Gặp lúc giặc cướp nổi lên, Ân chạy giặc trốn vào trong núi sâu, trời đã chiều mà xóm làng phía trước còn xa, sợ gặp hùm sói, nhìn ra phía trước thấy có hai người đang đi, vội đuổi theo. Hai người quay lại hỏi khách tên gì, Ân bèn nói rõ họ tên quê quán, hai người kính cẩn nói “Là lương y Ân tiên sinh đây sao? Bọn ta ngưỡng mộ Thái Sơn Bắc đẩu đã lâu rồi”. Ân hỏi lại, hai người xưng là họ Ban, một người là Ban Trảo, một người là Ban Nha. Lại nói “Thưa tiên sinh, đường cũng còn xa may là nhà đá gần đây, xin tạm khuất gót ngọc, bọn ta cũng có chuyện muốn nhờ”. Ân mừng rỡ đi theo họ. Giây lát tới một chỗ, nhà xây cạnh hang đá đốt củi thay đèn, ân mới thấy rõ hai người họ Ban thân hình to lớn lực lưỡng, trông không giống người lương thiện, nhưng không còn cách nào, đành phải nghe theo họ.

Lại nghe trên giường có tiếng rên rỉ, nhìn kỹ thì thấy một bà già đang nằm, có vẻ đau đớn. Ân hỏi bệnh gì, Nha đáp “Vì chuyện này nên kính mời tiên sinh”. Bèn soi lửa lên giường, Ân tới gần xem thì thấy dưới mũi của bà già có hai lỗ thủng to bằng cái chén, lại nói đau không chịu được, không thể ăn uống. Ân nói “Bệnh này dễ chữa thôi”. Bèn lấy ngải ra đốt vào mấy mươi chỗ, nói “Qua đêm sẽ khỏi”. Hai người họ Ban mừng rỡ, nướng thịt nai mời khách, chẳng có cơm rượu gì khác, chỉ có thịt mà thôi. Trảo nói “Bất ngờ không biết là có khách, mong ông đừng trách”. Ân ăn no rồi ngủ, lấy đá làm gối, hai người họ Ban tuy thành thật chất phác, nhưng thô mãng đáng sợ, Ân vì vậy trăn trở không dám ngủ say.  Trời chưa sáng, bèn gọi bà già dậy hỏi bệnh tình. Bà già tỉnh dậy, sờ lên vết thương trên mặt thì đã hết đau, Ân bèn gọi hai người họ Ban dậy lấy lửa soi, nói “Khỏi rồi”. Rồi chắp tay cáo biệt, họ Ban lại nướng một đùi nai tặng cho đi đường.

Ba năm sau, không có chuyện gì, Ân vì có việc phải vào núi, bị hai con sói cản đường không đi được. Trời đã chiều, cả bầy sói kéo tới vây quanh xông vào cắn xé, mấy lần suýt bị táp trúng, quần áo rách hết, tự nghĩ chắc chết. Chợt có hai con cọp phóng tới, bầy sói chạy tứ tán, hai con cọp giận dữ gầm thét, bầy sói sợ hãi nằm mọp cả xuống, hai con cọp vồ giết hết rồi bỏ đi. Ân run rẩy lên đường, sợ không có chỗ ngủ, chợt thấy một bà già đi tới, nhìn Ân nói “Ân tiên sinh bị một phen hoảng sợ”. Ân ngạc nhiên hỏi tại sao bà già biết mình, bà già đáp “Ta là bà già bị đau trong thạch thất đây”. Ân mới nhớ ra, bèn xin tá túc. Bà già dẫn Ân về, đưa vào một gian phòng, đèn đuốc sáng trưng, nói “Già này chờ tiên sinh lâu rồi”. Bèn đưa quần áo ra cho Ân thay, rồi dọn đủ rượu thịt ra, mời mọc rất ân cần.

Bà già tự rót rượu vào chén lớn mà uống, chuyện trò rất hào sảng, không phải như bọn đàn bà tầm thường. Ân hỏi hai người kia là người thế nào với bà, sao hôm nay không thấy? Bà già đáp “Đó là hai thằng con ta, sai chúng đi đón tiên sinh mà giờ này chưa về, chắc lạc đường rồi”. Ân cảm vì nghĩa, cũng uống say lúc nào không biết, lăn ra ngủ luôn. Tỉnh dậy thì trời đã sáng, nhìn quanh chẳng thấy nhà cửa gì cả, chỉ thấy mình đang ngồi trên một tảng đá lớn, nghe phía dưới hốc đá có tiếng thở phì phò như trâu, tới gần xem thì thấy một con cọp già đang ngủ chưa tỉnh, ở mõm có hai vết sẹo lớn bằng nắm tay, vô cùng hoảng sợ, rón rén trốn đi. Lúc ấy mới biết hai con cọp giết bầy sói chính là hai người họ Ban vậy.

264. Quyên Góp

(Mộ Duyên)

Thần ếch vẫn mượn lời thầy đồng, thầy đồng vì thế biết được thần vui hay giận, nói với tín chủ là “Thần vui”, thì có điều may, nếu nói là “Thần giận” thì cả nhà ngồi thở ngắn than dài, có người bỏ cả cơm nước, lưu tục cho là đúng, có lẽ thần thiêng thật, không phải chỉ là tin xằng.

Có nhà buôn giàu có là Chu Mỗ, tính tình keo kiệt, gặp lúc mọi người góp tiền sửa đền thờ Quan Đế, người giàu người nghèo đều đóng góp, riêng Chu thì không chịu mất chút gì. Ít lâu sau, xây dựng không đủ tiền, những người đứng ra coi sóc không biết làm sao. Gặp lúc mọi người cầu thần ếch, thầy đồng chợt nói lời của Tướng quân Chu Thương, sai mở sổ lạc quyên thu thêm ít nhiều, mọi người nghe theo. Thầy đồng nói “Người góp rồi thì không ép, người chưa thì tùy sức mà góp”. Mọi người đều kính cẩn vâng dạ, ai cũng ghi tên vào sổ, thầy đồng lên tiếng hỏi “Chu Mỗ có ở đây không. Chu đang trà trộn núp tránh phía sau, chỉ sợ thần biết, nghe thế biến sắc, sợ sệt bước lên. Thầy đồng chỉ vào sổ nói “Ghi tên vào”. Chu càng lính quýnh, thầy đồng nổi giận nói “Đi chơi gái còn dám trả hai trăm, chuyện hay lại tiếc à?”. Đại khái Chu ăn nằm với một người đàn bà, bị người chồng bắt được, phải đưa ra hai trăm đồng để xin tha. Chu càng thẹn thùng sợ hãi, bất đắc dĩ phải ghi tên vào. Trở về kể với vợ, vợ nói “Đó là thầy đồng lừa bịp thôi”. Thầy đồng mấy lần tới hỏi, rốt lại Chu cũng không đưa tiền ra.

Một hôm vừa ngủ dậy, chợt nghe ngoài cổng có tiếng khìn khịt như trâu thở, ra nhìn thì thấy một con ếch to lớn lấp cả hai cánh cổng, chỗm chỗm nhảy vào xoay mình gác đầu lên bậc thềm, cả nhà đều hoảng sợ. Chu nói “Chắc là tới đòi tiền quyên góp đây” Bèn thắp hương khấn vái, xin đưa trước ba chục, số còn lại sẽ đưa sau, con ếch không động đậy. Lại khấn xin đưa năm chục, con ếch chợt co lại, nhỏ hơn khoảng một thước. Lại khấn xin đưa thêm hai chục nữa, con ếch còn nhỏ bằng cái đấu, xin đưa cả, con ếch còn bằng nắm tay, thong thả nhảy ra, chui vào góc tường đi mất. Chu vội lấy ra năm chục đồng vàng đưa tới chỗ sửa đền, mọi người đều lạ lùng, Chu cũng không nói rõ lý do. Được vài ngày, thầy đồng lại nói “chu Mỗ còn thiếu năm chục, sao không tới đòi?”. Chu nghe thế rất sợ, lại đưa tới mười đồng vàng, tự nghĩ là đã đủ rồi.

Một hôm, vợ chồng vừa bắt đầu ăn cơm, con ếch lại tới, hình thù to lớn giống hệt lần trước, trợn mắt lấy thế. Trong chớp mắt nhảy phóc lên giường, giường kêu răng rắc muốn sập, chúi đầu vào gối mà ngủ, bụng phình to như con trâu, đầy kín cả cái giường. Chu sợ hãi, vội mang bốn chục đồng vàng còn thiếu ra, con ếch không hề động đậy. Trong nửa ngày, lũ ếch kéo nhau tới tụ tập ở nhà Chu, đến hôm sau càng đông, phòng khách nhà kho không đâu không có, con nào cũng to như cái bát, bắt ruồi đớp muỗi nhảy cả vào nồi niêu, nhơ bẩn không nấu nướng ăn uống gì được. Được ba ngày thì lúc nhúc đầy sân không có chỗ nào hở, cả nhà khiếp sợ, không biết làm sao để đuổi đi, bất đắc dĩ phải tới hỏi thầy đồng. Thầy đồng nói “Đó là vì bốn chục vẫn còn thiếu. Chu bèn khấn khứa, xin góp thêm hai chục đồng vàng, con ếch lớn mới từ từ ngóc đầu dậy, xin góp thêm, mới động đậy một chân, tới một trăm mới nhấc cả bốn chân, nhảy xuống giường ra cửa, nghênh ngang bò mấy bước lại quay trở vào nằm giữa cổng. Chu sợ, hỏi thầy đồng, thầy đồng giải thích là nó đòi Chu phải lập tức giao tiền ra, Chu không biết làm sao, phải lấy đủ tiền đưa cho thầy đồng, con ếch mới đi. Nhảy được vài bước thì thân hình chợt co lại lẫn vào giữa bầy ếch, không thể nhận ra được, rồi cả bầy nhao nhao ồm ộp tan đi.

Khi đền sửa xong, ngày lạc thành cũng cần có tiền cúng tế, thầy đồng chợt chỉ vào những người đứng ra coi sóc nói “Người này người này phải bỏ ra đủ số, tất cả mười lăm người, còn sót hai người”. Mọi người khấn “Bọn ta và hai người ấy đều đã góp tiền”. Thầy đồng nói “Ta không nói chuyện giàu nghèo, mà chỉ nói tới chuyện tiền của các ngươi bị ăn bớt, loại tiền ấy không nuốt được đâu, sợ lại có tai bay vạ gió nghĩ tới bọn người coi sóc công việc vất vả, nên mới giúp các ngươi ngăn chặn tai họa. Ngoài những người liêm chính cẩn thận thì có người ngồi đồng của ta, ta không hề riêng tây, sẽ bảo y mang ra trước để làm gương cho mọi người”. Nói xong chạy mau vào nhà, lục lọi rương hòm, vợ hỏi cũng không đáp. Mang hết tiền bạc ra nói với mọi người rằng “Người này bớt xén tám lượng bạc, nay xin xem lại”. Rồi cùng mọi người cân lại, thì được hơn sáu lượng, sai người ghi số thiếu, mọi người ngạc nhiên không dám hỏi han, nhận lấy số bạc. Thầy đồng sau đó vẫn không biết gì, có người kể lại cho, rất thẹn thùng, đem cầm bán quần áo để bù, chỉ có hai người là còn thiếu. Khi việc xong, một người bệnh hơn một tháng, một người bị nổi mụn nhọt, tiền thuốc men vừa ăn khớp với số còn thiếu, người ta cho rằng đó là quả báo về tội bớt xén

Dị Sử thị nói: Con ếch già quyên tiền, không ai không thể không làm điều thiện, mà còn được nhiều hơn kẻ đòi đâm đòi đánh! Lại phát giác ra việc những người coi sóc bớt xén mà ngăn chặn tai họa cho họ, thì tỏ rõ sự oai mãnh chính là làm việc từ bi đấy.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x