– 272 – 275 -: Mộ Tào Tháo (Tào Thào Trủng)
Ngoài thành huyện Hứa (tỉnh Hà Nam) có sông chảy rất xiết bờ sông có một chỗ dựng đứng, nước rất sâu. Một hôm mùa hè có người xuống chỗ đó tắm, chợt như bị đao búa chém nát, thi thể nổi lên, sau có một người nữa cũng bị như vậy. Người ta sợ hãi đồn đãi, quan huyện nghe được, bèn sai người đóng cừ gỗ ngăn lấp thượng lưu. Khi nước chảy cạn, thấy chỗ dưới bờ sông có hang sâu, cửa hang đặt bánh xe xoay bằng sức nước, trên gắn đao bén. Nhổ bỏ bánh xe tiến vào hang, thấy có tấm bia nhỏ viết chữ triện đời Hán, đọc kỹ thì là mộ của Tào Mạnh Đức Bèn phá quan tài thu lấy hết vàng bạc chôn theo, vứt bỏ xuống đi.
Dị Sử thị nói: Hậu hiền có thơ rằng “Tận quật thất thập nhị nghi trủng, Tất hữu nhất trủng táng quân thi” (Đào hết bảy mươi hai mộ giả*, Ắt có một mộ chôn thây ông), ngờ đâu thật ra mộ Tào Tháo lại ngoài số mộ giả ấy? A Man gian giảo thật. Nhưng bộ xương nát sau hơn ngàn năm vẫn không giữ được, thì trí trá như vậy có ích gì? Than ôi, cái khôn của A Man chính là cái ngu của A Man vậy.
*Bảy mươi hai mộ giả: tương truyền Tào Tháo lúc sắp chết có dặn làm bảy mươi hai ngôi mộ giả để đề phòng có kẻ đào mộ mình.
273. Chửi Người Trộm Vịt
(Mạ Áp)
Bạch gia trang ở phía tây huyện ta có người nọ bắt trộm vịt của hàng xóm ăn thịt. Đến đêm thấy ngứa, sáng ra nhìn thì thấy lông vịt mọc đầy người, nhổ thì đau, sợ quá nhưng không có cách nào chữa khỏi. Đến đêm nằm mơ thấy một người nói “Bệnh của ngươi là trời phạt, phải được người mất vịt chửi cho thì lông vịt mới rụng”. Nhưng ông già hàng xóm lại là người cao nhã tự trọng, bình sinh bị mất trộm chưa từng động thanh sắc. Người nọ bèn đặt chuyện nói với ông già rằng “Con vịt bị mất ấy là do tên Mỗ trộm, y rất sợ bị chửi, nếu ông ra ngõ đứng chửi thì cũng có thể ngăn chặn y về sau”. Ông già cười nói “Ai rảnh rỗi mà đi chửi bọn người xấu”, rốt lại cũng không chửi. Người nọ bí quá, phải thú thật. Ông già bèn chửi, người ấy mới được khỏi bệnh.
Dị Sử thị nói: Hay thật! Người nhường nhịn thật đáng sợ, nhường nhịn một lần mà lông vịt mọc đầy người kẻ trộm. Hay thật? Người hay chửi nên lấy đó làm răn. Chửi một câu thì kẻ trộm hết tội, nên làm điều lành phải có thuật, ông già hàng xóm kia là người lấy việc chữi mắng làm điều nhân từ đấy.
274. Yêu Nhân Giả Gái
(Nhân Yêu)
Mã sinh tên Vạn Bảo là người huyện Đông Xương (tỉnh Sơn Đông), tính ngông nghênh không chịu bị trói buộc. Vợ là Điền thị cũng phong lưu phóng khoáng, vợ chồng rất hòa hợp. Có người con gái tới ngụ nhà bà già góa chồng bên hàng xóm, nói là bị cha mẹ chồng ngược đãi nên bỏ trốn, lại may vá cực khéo, làm giúp cho bà già mấy thứ, bà già rất mừng bèn giữ lại ở cùng. Được vài hôm, tự nói rằng biết phép xoa bóp, có thể chữa các bệnh đàn bà. Bà già thường qua nhà sinh chơi, khen ngợi thuật của cô gái song Điền thị cũng không để ý. Một hôm sinh nhìn trộm cô gái qua khe vách, thấy trạc mười tám mười chín tuổi, dáng vẻ phong vận, trong lòng rất thích, bèn bàn với vợ bảo bị bệnh gọi qua chữa giúp. Bà già qua trước, tới bên giường Điền thị nằm hỏi thăm rồi nói “Được nương tử gọi tới, thì cô ta phải qua. Song cô ta rất sợ gặp mặt đàn ông, nên xin đừng để cho lang quân vào phòng”. Vợ sinh nói “Nhà cửa chật hẹp, người này kẻ kia ra vào, làm sao mà tránh gặp mặt được”. Kế lại nghĩ ngợi rồi nói “Ông cậu ở thôn Tây gọi chồng ta qua uống rượu tối nay, thôi cứ bảo ở luôn lại đó đừng về, thì cũng tiện”. Bà già đồng ý ra về. Vợ chồng sinh bàn xong kế đánh tráo, cười chờ thi hành.
Lúc trời tối, bà già đưa cô gái qua, nói “Tối nay lang quân có về không?”. Điền thị đáp “Không về đâu”. Cô gái mừng nói “Như vậy mới tiện”. Bà già chuyện trò vài câu rồi cáo từ ra về, Điền thị bèn thắp đèn trải giường, để cô gái lên giường trước rồi cởi áo tắt đèn. Chợt nói “Quên cài then cửa nhà bếp, không khéo chó vào ăn vụng” rồi ra mở cửa phòng, đánh tráo cho Sinh vào. Sinh rón rén vào, lên giường, cô gái mơn trớn nói “Ta sẽ chửa cho nương tử khỏi bệnh”. Sinh lặng ngất không đáp, cô gái bèn xoa bụng Sinh, mò tới dưới rốn thì dừng tay lại, ú ở hoảng sợ như nắm phải rắn rết, vội nhảy choàng dậy muốn chạy trốn. Sinh hoảng sợ, gọi thắp đèn. Vợ sinh cho rằng việc vỡ lỡ, vội thắp đèn bước vào, đang định điều đình, nhìn thấy cô gái lạy phục dưới đất xin tha mạng thì xấu hổ hoảng sợ, vội bước ra. Sinh căn vặn, y nói “Ta là người huyện Cốc Thành (tỉnh Thiểm Tây) tên Vương Nhị Hỷ, có anh là Đại Hỷ là học trò của Tang Xung nên được dạy lại thuật giả làm đàn bà”. Lại hỏi “Đã làm ô nhục bao nhiêu người rồi?”, đáp “Vào đời hành đạo chưa lâu, mới lừa có mười sáu người thôi”. Sinh nghĩ tội đáng giết, đã định đi báo quan, song lại thương vì dung mạo đẹp đẽ, bèn trói quặt hai tay ra sau lưng rồi thiến đi, máu chảy lênh láng, khoảng sau bữa cơm thì tỉnh lại. Sinh bèn đặt y nằm trên giường, đắp chăn lên cho, dặn rằng !Ta sẽ cắt thuốc chữa cho, khi nào lành rồi phải theo ta suốt đời, nếu không việc lộ ra không được tha chết đâu”, họ Vương vâng dạ.
Hôm sau bà già qua, sinh tiếp nói “Nó là đứa cháu gái của ta tên Vương Nhị Thư, vì có tật kín lúc mới sinh ra nên bị nhà chồng đuổi, đêm qua gặp hỏi lai lịch mới nhận ra. Nhưng nó đang bị cảm nhẹ, ta đang định đi mua thuốc và xin phép bà cho nó được lại bên này làm bạn với vợ ta”. Bà già vào phòng thăm thấy mặt xám như tro, bèn ngồi xuống bên giường hỏi han, Vương nói “Bệnh kín đã phát ra, sợ là bệnh nặng”, bà già tin bèn ra về. Sinh cắt thuốc châm chước điều trị cho Vương, về sau bình phục, giúp đỡ Điền thị giặt giũ quét dọn, nấu cơm xách nước, chăm chỉ còn hơn cả tỳ nữ. Không bao lâu, yêu nhân Tang Xung bị giết, đồng bọn bảy người đều bị chém ở chợ. Duy có Nhị Hỷ lọt lưới, quan ra lệnh truy nã, khám xét rất nghiêm ngặt. Người trong thôn đều ngầm nghi ngờ Vương, bèn tập hợp các bà già tới khám, cho mặc quần sờ vào chỗ kín, từ đó mới hết nghi ngờ Vương cho rằng được nhờ ơn đức mà sống nên theo hầu Mã sinh đến trọn đời. Về sau chết được chôn cạnh mộ của Mã, đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Dị Sử thị nói: Mã Vạn Bảo có thể nói là kẻ khéo dùng người vậy. Trẻ em thích bắt cua để chơi, vì sợ nó có càng, đều bẻ càng rồi nuôi. Than ôi, nếu hiểu được ý ấy thì có thể trị cả thiên hạ vậy.
275. Công Tử Họ Vi
(Vi Công Tử)
Công tử họ Vi là con nhà thế gia ở huyện Hàm Dương (tỉnh Thiểm Tây), tính dâm dật buông thả. Có lần mang theo mấy ngàn đồng vàng đi chơi, định thưởng thức hết các kỹ nữ nổi tiếng trong thiên hạ, phàm những chỗ ăn chơi không đâu không tớì, không thích thì chỉ ngủ một đêm là đi ngay, vừa ý thì ở lại cả vài tháng. Chú ruột công tử là một vị quan nổi tiếng mới về hưu, nghe thấy hành vi của cháu giận lắm, bèn mời thầy giỏi dựng nhà riêng, bắt công tử cùng các con đóng cửa đọc sách, tối thì ngủ cùng phòng với thầy. Công tử chờ thầy ngủ rồi là trèo tường trốn về, gần sáng mới trở lại, cứ thế làm mãi. Một hôm bị trượt chân ngã gãy tay, thầy mới biết, báo cho chú. Ông liền đánh thêm cho một trận rồi mới thuốc thang chữa chạy cho. Được hơn một tháng thì khỏi, ông giao hẹn với công tử rằng nếu học vượt hẳn các em, văn hay chữ tốt, thì ra ngoài tùy thích, còn nếu lén lút chơi bời thì sẽ đánh đòn như trước. Nhưng công tử rất thông minh, học thường vượt mức, sau vài năm thi đỗ khoa thi hương, muốn bỏ lời giao hẹn cũ, nhưng chú vẫn còn kiềm chế.
Khi công tử lên kinh thi, ông sai một người lão bộc đi theo, giao cho một quyển sổ nhật ký, dặn phải ghi chép lời nói việc làm hàng ngày, nhờ vậy mấy năm liền công tử không làm việc gì sai trái. Về sau công tử thi đỗ Tiến sĩ, ông mới hơi nới lệnh cấm, nhưng công tử vẫn sợ chú biết, nên những khi đi chơi bời vẫn mạo xưng là họ Ngụy. Một hôm công tử qua Tây An, gặp một người con hát tên La Huệ Khanh, tuổi chừng mười sáu mười bảy, xinh đẹp như con gái, thích lắm giữ lại mấy ngày, định đem theo về. Hỏi tới gia đình, Khanh đáp “Mẹ mất sớm, chỉ còn cha. Ta vốn không phải họ La. Mẹ ta lúc trẻ hầu hạ trong nhà họ Vi ở Hàm Dương, bị bán cho nhà họ La, được bốn tháng thì sinh ra ta. Nếu được theo công tử về, may ra có thể hỏi thăm được gốc gác”. Công tử kinh ngạc, hỏi họ của người mẹ, đáp là họ Lã. Công tử vô cùng kinh hãi, toàn thân đẫm mồ hôi, vì mẹ Khanh chính là tỳ nữ trong nhà mình lúc trước. Bèn im lặng không nói, sáng ra cho Huệ Khanh rất nhiều tiền, khuyên nên bỏ nghề. Kế nói thác rằng có việc phải đi, hẹn lúc nào trở lại sẽ gọi, rồi giã từ bỏ đi .
Sau công tử được bổ làm quan huyện nọ thuộc Tô Châu, gặp một ca kỹ tên Thẩm Vi Nương, xinh đẹp phong nhã tuyệt trần, công tử rất ưa thích, hỏi đùa rằng “Tiểu tự của nàng có phải lấy từ câu ‘Xuân phong nhất khúc Đỗ Vi nương’ (Gió xuân một khúc Đỗ Vi nương) không?”. Nàng đáp “Không phải. Mẹ thiếp mười bảy tuổi đã là kỹ nữ nổi tiếng, có vị công tử ở Hàm Dương, cùng họ với ông, ở lại với mẹ thiếp ba ngày, hẹn chuyện cưới xin. Công tử đi rồi, tám tháng sau thì sinh ra thiếp, nên mới đặt tên là Vi, chứ thật ra đó là họ của thiếp. Lúc chia tay công tử có tặng mẹ đôi chim uyên ương bằng vàng, đến nay hãy còn. Nhưng công tử ra đi một lần là bặt tin luôn, mẹ thiếp vì thế phẫn uất buồn rầu mà chết. Thiếp lên ba tuổi thì được bà Thẩm nuôi nấng, nên lấy họ Thẩm”. Công tử nghe nói, hối hận nhục nhã không sao chịu được. Im lặng một lúc, chợt nghĩ ra một kế, ngồi phắt dậy khêu đèn, gọi Vi Nương ra uống rượu, rồi ngầm bỏ thuốc độc vẫn mang theo người vào chén. Vi Nương vừa nuốt khỏi cổ đã vật vã rên xiết, mọi người đổ tới thì đã tắt thở. Công tử gọi bọn con hát tới, nhờ họ chôn cất, lại lót tay rất nhiều tiền để bịt miệng. Nhưng đám khách thân quen với Vi Nương toàn là con nhà thần thế, nghe chuyện không rõ vì sao nàng chết, thảy đều bất bình, bèn góp tiền cho bọn con hát, xúi họ kiện lên quan trên. Công tử hoảng sợ phải dốc túi dập chuyện đi, cuối cùng bị cách chức vì tội bừa bãi khinh suất. Công tử về nhà thì đã ba mươi tám tuổi, rất hối hận về những hành vi trước kia, mà thê thiếp năm sáu người đều không có con trai, bèn xin đứa cháu nội của chú làm con nối dõi. Ông chú lại nghĩ chàng vô hạnh, sợ trẻ nhiễm thói xấu, nên tuy ưng thuận song lại đợi khi nào công tử già rồi mới cho qua. Công tử phẫn uất, muốn qua gọi, ông chú nghe thế than “Thế thì sắp chết thật rồi”. Bèn cho đứa con của người con trai thứ sang nhà công tử để sớm tối chăm sóc. Hơn một tháng, quả nhiên công tử chết.
Dị Sử thị nói: Thông dâm với tỳ nữ, chơi bời nơi kỹ viện là thói xấu thường thấy của người đời, nhưng ăn nằm với cả con ruột của mình thì những người làm cha trong đời nghe thấy cũng đều xấu hổ. Mà quỷ thần lại hý lộng run rủi tới như thế, nhưng vẫn không tự móc tim thắt cổ, mà lại đổ mồ hôi, bỏ thuốc độc, chẳng phải là kẻ mặt người dạ thú sao?