– 276 – 278: Đỗ Tiểu Lôi (Đỗ Tiểu Lôi)
Đỗ Tiểu Lôi là người phía tây huyện Ích Đô (tỉnh Sơn Đông). Mẹ bị lòa cả hai mắt, Đỗ thờ mẹ rất có hiếu, nhà tuy nghèo nhưng ngày nào cũng tìm thức ăn ngon dâng mẹ. Một hôm Đỗ có việc đi vắng, ra chợ mua thịt đưa vợ bảo làm bánh bao cho mẹ. Vợ Đỗ rất ngỗ nghịch, lúc băm thịt làm nhân bánh, trộn cả bọ hung vào. Mẹ Đỗ ngửi thấy mùi hôi thối không sao ăn được, bèn cất đi đợi con về. Khi Đỗ về hỏi mẹ bánh bao có ngon không, mẹ lắc đầu đưa cho xem. Đỗ bẻ bánh ra nhìn, thấy có bọ hung giận lắm, vào phòng muốn đánh vợ, lại sợ mẹ nghe tiếng, nén giận lên giường nằm, vợ hỏi gì cũng không đáp. Vợ lấy làm lo sợ quanh quẩn mãi dưới giường, hồi lâu thở phì phì. Đỗ quát “Không đi ngủ đi, còn chờ phải giục à!”, vẫn không nghe trả lời. Đỗ dậy soi đèn xem thì không thấy vợ đâu, chỉ thấy có một con heo, nhìn kỹ thấy hai chân sau vẫn còn là chân người, mới biết đó là vợ mình hóa ra.
Quan huyện nghe chuyện, sai buộc con heo dong ra cửa tây huyện thành để răn chúng.
Đàm Vi Thần từng chính mắt nhìn thấy.
277. Bình Cổ
(Cổ Bình)
Thôn ở phía bắc huyện Truy (tỉnh Sơn Đông) có cái giếng cạn, người trong thôn là Giáp và Ất dòng dây leo xuống vét. Đào được hơn thước thì đụng một cái đầu lâu, vô tình cuốc vỡ, thấy trong miệng có ngậm vàng, mừng rỡ giắt vào lưng. Lại đào tiếp, gặp sáu bảy cái đầu lâu khác, muốn tìm vàng nên đập vỡ hết nhưng chẳng thấy gì. Bên cạnh lại có hai cái vò đất nung, một cái bình cổ bằng đồng. Cái bình lớn một ôm, nặng mấy mươi cân, hai bên có quai, không biết dùng làm gì, chỉ thấy hoa văn rất đẹp. Hai cái vò cũng rất cổ, không phải là vật thời gần đây. Đến khi lên khỏi giếng, Giáp và Ất cùng chết, lát sau Ất tỉnh dậy nói “Ta là người thời Hán, gặp loạn Vương Mãng cả nhà đều bị ném xuống giếng, có chút ít vàng nên ngậm trong miệng để giấu nào phải là vật tẫn liệm, ai cũng có đâu. Tại sao lại đập nát hết đầu lâu, thật đáng giận?”.
Mọi người thắp hương khấn vái xin sẽ chôn cất lại chu tất, Ất mới sống được, còn Giáp thì chết luôn. Tôn sinh Nhan Trấn nghe chuyện lạ, mua cái bình đồng mang về, hai cái vò đất thì một về tay Hiếu liêm họ Tuyên, có thể nhìn vào mà nghiệm được mưa nắng. Cứ thấy có một đốm sáng trên thân vò, bắt đầu nhỏ như hạt gạo, dần dần loang rộng ra thì không bao lâu trời sẽ mưa, đốm sáng thu nhỏ lại thì trời sẽ tạnh. Một cái thì về tay Tú tài họ Trương, dùng để xem lịch, ngày mùng một thì có một đốm đen như hạt đậu, ngày càng lớn dần, đến ngày rằm thì choán hết cả thân vò, sau đó thì nhỏ dần lại, đến ngày ba mươi thì trở lại như ban đầu. Vì chôn lâu dưới đất nên trên miệng bình có một hòn đá nhỏ chèn vào không đựng được gì cả, muốn gõ lấy ra, hòn đá rơi xuống làm miệng vò bị mẻ một miếng nhỏ, cũng là một việc đáng tiếc. Cắm hoa vào, hoa rụng thì kết quả, không khác gì với quả trên cây.
278. Tần Cối
(Tần Cối)
Nhà Tể tướng họ Phùng ở huyện Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) giết một con heo, đổ nước sôi cạo lông thấy da có hàng chữ rằng “Thân sau bảy đời của Tần Cối”. Mổ ra thì thịt rất hôi thối, bèn vứt bỏ cho chó. Ô hô, thịt của Cối mà chó cũng không thèm ăn. Nghe người ở huyện Ích Đô (tỉnh Sơn Đông) nói: Tổ tiên của Tể tướng bị Cối hại, nên lúc bình sinh rất kính trọng Vũ Mục vương*, lập một điện thờ Nhạc vương ở cạnh ngã tư đường phía bắc thành Thanh Châu, có tượng Tần Cối và Vạn Hầu Oa quỳ dưới đất để người tới cúng tế thì ném đá vào, hương lửa không dứt. Về sau lúc đại binh chinh phạt Vu Thất**, con cháu họ Phùng hủy tượng Nhạc vương, người quanh đó lại có tục thờ Tử Tôn Nương nương, nên đặt tượng của Cối và Oa lên giữa cho mọi người quỳ lạy. Sau trăm đời, chắc sẽ có chuyện lầm lẫn như Đỗ Thập di, Ngũ Tỳ Tu***, thật đáng cười.
* Vũ Mục vương: tức Nhạc Phi, tướng giỏi thời Nam Tống, cầm quân đánh Kim có công, bị gian thần là Tần Cối giả mệnh vua triệu về rồi vu khống giết chết trong ngục, được các triều đại sau truy phong là Vũ Mục vương.
**Vu Thất: thủ lãnh chống triều đình đời Thuận Trị nhà Thanh (1644-1661).
*** Đỗ Thập di, Ngũ Tỳ Tu: dân quê Trung Quốc thường ngoa truyền, tương đền thờ Ngũ Tử Tư (tức Ngũ Viên) thờ Ngũ Tỳ Tu, đền thờ Đỗ Thập di (tức Đỗ Phủ) thờ Đỗ Thập di (dì họ Đỗ thứ mười), vì đồng âm nên lầm ra như thế.
Lại ở trong thành Thanh Châu trước có đền thờ Tử Vũ, lúc Ngụy Đang nắm quyền, trong các nhà thế gia có kẻ xu nịnh, bôi xóa râu tóc áo mũ trên tượng Tử Vũ, đổi làm tượng Ngụy giám*, cũng là chuyện khiến người ta nghe thấy phải khiếp sợ vậy
*Ngụy giám: tức Ngụy Trung Hiền, hoạn quan thời Minh, có thế lực rất lớn, khuynh loát cả trong triều ngoài quận, sử sách xưa coi là kẻ gian thần