– 294 – 299 -: Biệt Ly Trong Mộng (Mộng Biệt)
Ông nội của tiên sinh Vương Xuân Lý chơi rất thân với em ông nội ta là ông Ngọc Điền. Một đêm ông nằm mơ thấy ông Ngọc Điền tới nhà, buồn bã trò chuyện. Hỏi có việc gì thì ông Ngọc Điền đáp “Ta sắp đi xa, nên tới chia tay với ông thôi”. Hỏi đi đâu, ông Ngọc Điền đáp “Xa lắm”, rồi đi ra. Ông tiễn tới sơn cốc, thấy vách đá có chỗ mở toang ra, ông Ngọc Điền chắp tay cáo biệt rồi đi giật lùi vào trong, dần dần mất hút, gọi không thấy trả lời, kế giật mình tỉnh dậy. Sáng ra, ông kể cho con lớn là Thái công Kính Nhất, sai chuẩn bị các vật dùng đưa đám, nói “Chuẩn bị để giúp đỡ cho đám tang ông Ngọc Điền”. Thái công xin cứ qua hỏi thăm trước, nếu đúng sẽ qua phúng điếu. Ông không nghe, cứ mặc quần áo trắng sang, tới cổng thì phướn báo tang đã treo lên rồi. Than ôi! Người xưa với việc sống chết của bè bạn thành tín tới như thế đấy, việc xe tang của Nguyên Bá đợi Cự Khanh* há có phải là chuyện bịa đặt đâu!
*Cự Khanh: Hậu Hán thư, Độc hạnh truyện chép Phạm Thức tự Cự Khanh, chơi thân với Trương Thiệu ở Nhữ Nam. Thiệu tự Nguyên Bá, khi Nguyên Bá chết, Thức nằm mơ nghe Nguyên Bá gọi “Cự Khanh? Ta đã chết hôm ấy, sẽ chôn vào giờ ấy, huynh chưa quên ta nhưng làm sao tới kịp”. Thức giật mình tỉnh dậy, vội vàng lên đường tới phó tang, còn chưa tới thì xe tang đã ra khỏi nhà Nguyên Bá. Nhưng tới gần miệng huyệt thì xe chở quan tài dừng lại không đi nữa. Giây lát thấy có người cưỡi xe mui trắng thắng ngựa bạch kêu khóc chạy tới, mẹ Nguyên Bá nói “Đó ắt là Phạm Cự Khanh”. Cự Khanh tới, lạy phục trước quan tài khóc nói “Đi thôi anh Nguyên Bá! Sinh tử đôi đường, từ nay xin vĩnh biệt!”, rồi cầm lá phướn đi trước dẫn đường, xe tang mới tiến lên được.
295. Tiên Ông Họ Tô
(Tô Tiên)
Lúc ông Cao Minh Đồ làm Tri huyện Sâm Châu (tỉnh Hồ Nam) có một người con gái họ Tô giặt áo trên sông. Bờ sông có tảng đá lớn, cô gái ngồi trên đó, có một dải rêu xanh tươi rất đáng yêu nổi dập dềnh theo nước trôi quanh tảng đá ba vòng. Cô gái nhìn thấy chợt thấy cảm động, trở về nhà thì có thai, bụng cứ lớn dần. Người mẹ ngầm căn vặn, cô gái kể lại sự thật, mẹ không sao hiểu được. Vài tháng sau thì cô gái sinh được một con trai, người mẹ muốn vứt ra ngõ hẻm nhưng cô gái không nỡ. Bèn giấu đứa con vào trong tủ nuôi nấng, lại thề không lấy chồng để tỏ rõ rằng mình không có hai chồng. Nhưng không chồng mà chửa nên vẫn lấy làm nhục nhã, vì vậy đứa con đã lên bảy tuổi mà cũng ít người được nhìn thấy. Một hôm đứa con chợt nói “Con nay lớn dần, mà cứ giấu ở nơi tối tăm thế này thì làm sao lớn được? Con xin đi để khỏi làm lụy cho mẹ”. Hỏi đi đâu, đứa con đáp “Con không phải là người, thì phải ra khỏi nhân gian lên trời thôi”. Cô gái khóc hỏi khi nào về, đứa con đáp “Khi nào mẹ chết con mới về. Con đi rồi nếu mẹ có thiếu thốn cứ tìm trong cái tủ giấu con, sẽ được như ý”. Nói xong lạy mẹ bước ra, cô gái đuổi theo nhìn thì đã mất dạng.
Cô gái kể lại cho mẹ, người mẹ rất lấy làm lạ lùng. Cô gái vẫn giữ chí cũ, mẹ con nương tựa nhau mà sống, nhưng gia cảnh ngày càng nghèo. Có hôm hết gạo, không biết làm sao, chợt nhớ lời con trai bèn vào mở tủ, quả nhiên có gạo, nhà mới nổi lửa. Từ đó cứ mong cầu là được như ý. Được ba năm, người mẹ bệnh chết, mọi chi phí vật dùng chôn cất đều lấy trong tủ ra. Chôn cất mẹ xong, cô gái ở một mình ba mươi năm, ít khi mở cửa. Có hôm người đàn bà láng giềng qua xin lửa, thấy nàng ngồi cao một mình trong phòng vắng, nói chuyện vài câu rồi về. Không bao lâu chợt thấy có đám mây ngũ sắc vấn vít quanh nhà nàng, tròn tròn như cái lọng, trong có một người ăn mặc đẹp đẽ đứng, nhìn kỹ thì là cô gáỉ họ Tô. Đám mây bay lượn hồi lâu rồi dần dần bay lên cao không thấy đâu nữa. Láng giềng đều ngờ vực hé cửa nhìn vào, thấy cô gái trang điểm ngồi yên, nhưng đã tắt hơi rồi. Mọi người cho rằng nàng không có chồng con, bàn việc chôn cất. Chợt có một thiếu niên bước vào, phong tư anh tuấn, hướng về mọi người nói lời cảm ơn. Láng giềng trước kia cũng ngầm biết rằng cô gái có con trai nên không nghi ngờ gì. Thiếu niên bỏ tiền ra chôn cất mẹ, trồng hai cây đào bên mộ rồi từ biệt đi. Đi được vài bước thì dưới chân có mây mù bốc lên không thấy đâu nữa. Hai cây đào về sau nảy bông kết trái rất thơm ngon, người ở đó gọi là Cây đào của tiên ông họ Tô, càng lâu năm càng xanh mượt không bị héo úa mục nát. Các quan ở đất ấy vẫn hái trái để tiếp bạn bè.
296. Đạo Sĩ Họ Đơn
(Đơn Đạo Sĩ )
Công tử họ Hàn là nhà thế gia trong huyện. Có đạo sĩ họ Đơn giỏi làm trò, công tử thích phép thuật của ông ta, nên đãi làm thượng khách. Đơn hàng ngày ngồi cùng khách khứa, cứ thoắt lại biến mất không thấy đâu. Công tử muốn học phép ấy, Đơn không chịu. Công tử nài nỉ mãi, Đơn nói “Ta không phải tiếc thuật mọn, mà là sợ hỏng đạo lớn. Phép này truyền cho người quân tử thì được, nếu không thì ắt sẽ có người mượn nó mà đi ăn trộm. Công tử thì ta không ngại chuyện đó, nhưng có thể ra ngoài thấy con gái đẹp nảy lòng yêu thích, tàng hình vào chốn phòng khuê của họ, thì đó là làm điều ác thả lòng dâm, nên ta không dám vâng lệnh”. Công tử không ép buộc được nhưng trong lòng tức giận lắm, ngầm cùng đầy tớ tính cách đánh cho một trận để hạ nhục. Nhưng lại sợ ông ta trốn mất, nên lấy tro mịn rải lên sân phơi thóc, nghĩ rằng tả đạo có thể tàng hình song thế nào cũng để lại vết chân trên tro, có thể theo vết mà đuổi đánh. Rồi đó dụ Đơn tới, sai người cầm roi da trâu đổ ra đánh, Đơn chợt biến mất, trên tro quả có vết giày, người hai bên xúm lại đập bừa phứa, nhưng trong phút chốc không còn nhận ra Đơn đứng ở đâu nữa.
Công tử trở về, Đơn cũng tới nói với đám đầy tớ rằng “Ta không thể ở đây được nữa, xưa nay vẫn làm phiền các ngươi hầu hạ, hôm nay chia tay phải có cái gì để báo đáp”. Rồi rút trong tay áo ra một bình rượu ngon, lại mò tìm đưa ra một đĩa thức ăn, đặt cả lên bàn. Đặt xong lại mò tìm trong tay áo, hơn mười lần như thế, rượu thịt đầy cả một bàn, rồi gọi mọi người cùng vào ăn uống, các thứ vật dùng đều là lấy trong tay áo ra. Công tử họ Hàn nghe chuyện lạ, sai bảo diễn trò. Đơn vẽ lên vách một ngôi thành, lấy tay đập mạnh, cổng thành mở ra. Nhân đó đem hành lý vật dùng quăng vào cổng thành trước, chắp tay chào nói “Ta đi đây!”, rồi nhún người nhảy vào thành. Cổng thành đóng lại, đạo sĩ biến mất. Sau nghe nói đạo sĩ tới ở huyện thành Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông), dạy trẻ con vẽ vòng đen trong lòng bàn tay, đùa ném vào người ta, hoặc lên áo hoặc lên mặt, cái vòng lập tức bay ra in vết vào họ.
Lại nghe nói rất giỏi thuật trong phòng, có thể dùng hạ bộ hút hết một bình rượu nóng, công tử từng có lần thử bảo làm trước mặt.
297. Đại Phu Năm Bộ Da Dê
(Ngũ Cổ Đại Phu)
Sướng Thể nguyên người huyện Hà Tân (tỉnh Sơn Đông) tự Nhữ Ngọc. Lúc còn là Chư sinh, nằm mơ thấy có người gọi mình là Quan Đại phu năm bộ da dê* mừng rỡ cho là điềm tốt. Sau gặp lúc giặc giã, bị chúng bắt lột hết áo quần, nhốt trong phòng vắng. Lúc ấy là mùa đông rất lạnh, Sướng mò mẫm trong bóng tối được mấy tấm da khoác lên người nên không tới nỗi chết rét. Trời sáng nhìn lại, thì đúng là năm tấm da dê, bật cười việc thần đùa giỡn với mình. Sau từ chân Cống sinh được bổ làm Tri huyện Lạc Nam (tỉnh Thiểm Tây).
* Quan Đại phu năm bộ da dê: nguyên ván là “Ngũ cổ Đại phu” lấy tích Bách Lý Hề thời Xuân thu có tài chính trị nhưng xuất thân nghèo hèn phải làm nô lệ cho người ta, Tần Mục công biết là kẻ có tài bèn sai người đem năm bộ da dê chuộc về, cất nhắc lên chức Đại phu, người đương thời nhân đó gọi Hề là Ngũ cổ đại phu. Hán ngữ gọi dê là dương, dê cái đen là cổ.
Phụ: Một Truyện Trong Trì Bắc Ngẫu Đàm(Trì Bắc Ngẫu Đàm Nhất Tắc)
Sướng Thể Nguyên người huyện Hà Tân, lúc trẻ nằm mơ thấy thần gọi mình là Quan Đại phu năm bộ da dê, lấy làm tự đắc. Sau gặp lúc giặc giã, Thể Nguyên bị giặc bắt nhốt vào một gian phòng. Mùa đông lạnh quá, Thể Nguyên tìm trong góc vách được năm tấm da dê đắp lên người, mới sực hiểu ra là thần đùa giỡn với mình. Sau thi đỗ khoa Minh kinh được bổ làm Tri huyện Lạc Nam.
298. Con Thú Đen
(Hắc Thú)
Nghe Thái công Lý Kính Nhất kể rằng ông Mỗ ở Thẩm Dương (tỉnh thành Liêu Ninh) họp bạn ăn tiệc trên núi, nhìn dưới núi có con cọp tha con vật tới, lấy chân đào hố chôn rồi bỏ đi. Ông Mỗ sai người đào lên xem, thấy có con hươu chết, bèn lấy đi rồi lấp đất lại như cũ. Giây lát cọp dẫn con thú đen lông dài hơn một tấc tới. Cọp đi trước, dáng như kính cẩn đón khách. Tới chỗ huyệt, con thú ngồi xuống nhìn chằm chằm chờ, cọp đào hố lên thì hươu đã mất, sợ sệt nằm mọp xuống không dám động đậy. Con thú tức giận vì bị lừa dối, lấy chân tát vào trán cọp, cọp chết ngay lập tức, con thú cũng bỏ đi.
Dị Sử thị nói: Chẳng biết con thú kia tên gọi là gì, nhưng hỏi lại hình dáng thì không hề to hơn cọp. Thế mà cọp giơ đầu chịu chết, sợ sệt tới mức ấy hay sao? Phàm loài vật đều có giống khắc chế nhau, về lý thì không thể hiểu nổi. Như khỉ rất sợ đười ươi, từ xa nhìn thấy là xếp hàng lạy rạp xuống, không con nào dám bỏ trốn, trố mắt nín thở chờ. Đười ươi tới, lấy tay nắn bóp xem gầy hay béo, con nào béo thì đặt một viên đá lên đầu đánh dấu. Khỉ cứ đội viên đá nằm im thin thít, cứng đờ như con gà gỗ, chỉ sợ làm rơi viên đá. Đười ươi đánh dấu xong cứ theo thứ tự các viên đá mà bắt khỉ ăn thịt, no rồi mới đuổi đám còn lại đi. Ta thường nói quan lại tham lam giống như đười ươi, cũng nắn bóp thăm dò xem dân gầy hay béo mà đánh dấu rồi lần lượt bắt lấy ăn thịt, mà dân thì cứ nghiêng tai chờ ăn tới mình, không dám hó hé, nín bặt giống như khỉ vậy, đáng thương xót thay!
299. Ngự Sử Ở Phong Đô
(Phong Đô Ngự Sử)
Ngoài huyện thành Phong Đô (tỉnh Tứ Xuyên) có cái hang rất sâu, người ta đồn là công thự của Diêm Vương. Những đồ dùng trong ngục đều nhờ thợ trên nhân gian làm, các thứ gông cùm hư nát cứ ném ra chỗ cửa hang, quan huyện sai lấy cái mới thay vào, qua đêm thì biến mất. Ở huyện có quy chế về chi phí cho việc đó, trải qua nhiều năm vẫn thế. Thời Minh có quan Ngự sử hành đài họ Hoa đi xét án tới Phong Đô không tin chuyện ấy, muốn vào hang xem để dứt mối ngờ vực. Mọi người đều nói không nên, ông không nghe, cầm đuốc vào hang, lấy hai người nha lại đi theo. Đi được hơn một dặm đuốc chợt tắt, nhìn thấy một đường bậc thềm rộng rãi, có ngôi điện lớn rộng hơn mười gian, bên trên có các vị quan mặc áo cầm hốt ngồi la liệt, chỉ có gian phía đông còn trống một chỗ. Một vị thấy ông tới, xuống thềm ra đón, cười hỏi “Tới rồi đấy à? Từ lúc chia tay đến nay vẫn khỏe chứ?”. Ông hỏi đây là nơi đâu, vị quan đáp “Đây là âm phủ”. Ông ngạc nhiên cáo từ, vị quan chỉ chỗ ngồi còn trống nói “Đó là chỗ của ông, làm sao còn về được nữa?”. Ông càng sợ, nài nỉ xin tha cho. Vị quan nói “Số phận đã định, làm sao trốn tránh được!”. Rồi lấy một quyển sổ đưa ông xem, trên chú rằng “Ngày ấy tháng ấy đem xác phàm về âm phủ”. Ông nhìn thấy, run cầm cập như bị dội nước lạnh, lại nghĩ tới mẹ già con dại, nước mắt hai hàng.
Chợt có vị thần mặc giáp vàng bưng tờ sắc thư bằng lụa vàng tới, mọi người lạy đón rồi mở ra đọc, mừng ông rằng “Ông có cơ được trở lại dương gian rồi”. Ông mừng rỡ hỏi, họ đáp “Vừa rồi là chiếu chỉ của Thượng đế đại xá cho cõi U minh”, rồi chỉ đường cho ông đi trở ra. Đi được vài chặng thì thấy tối đen như mực, không nhận được đường đi, ông rất sợ hãi. Chợt có một thần tướng từ bên ngoài cưỡi xe vào, mặt đỏ râu dài, ánh sáng quanh người chiếu ra mấy thước, ông bước tới đón lạy khẩn cầu. Thần nói “Niệm kinh Phật có thể ra được”, nói xong đi thẳng. Ông nghĩ lại kinh kệ, phần lớn đều không nhớ, chỉ có kinh Kim cương là từng học nhiều, bèn chắp tay đọc. Chợt thấy như có một tia sáng chiếu ở phía trước, lại quên mất một câu, ánh sáng trước mặt lại tắt ngấm. Ông định trí tĩnh tâm một lúc, càng đọc đường đi càng sáng bùng mới ra được ngoài hang, còn hai người nha lại cùng đi thì không rõ ra sao.