— 30 –: Nhiệm Tú (Nhiệm Tú)
Nhiệm Kiến Chi ngươi đất Ngư Đài (tỉnh Sơn Đông), làm nghề buôn áo lông chiên, mang hết tiền bạc tới Thiểm Tây. Trên đường gặp một người tự xưng là Thân Trúc Đình quê ở Túc Thiên (tỉnh Giang Tô), trò chuyện rất hợp ý bèn kết làm anh em, cùng đi với nhau. Tới đất Thiểm Nhiệm mắc bệnh không dậy nổi, Thân chăm sóc rất chu đáo, nhưng hơn mười hôm thì bệnh càng nặng, bèn nói với Thân “Nhà ta vốn không giàu có, tám miệng ăn đều trông vào một người dãi nắng dầm sương. Nay ta bất hạnh chết ở quê người, chỉ có ông là anh em, chứ ngoài hai ngàn dặm có ai đâu. Trong túi ta còn hơn hai trăm lượng vàng, ông lấy một nửa mua quan tài khâm liệm cho ta và làm tiền đi đường, còn một nửa để lại cho vợ con ta, chở giúp quan tài về quê cho. Nếu nắm xương tàn về được tới quê nhà, thì tất cả nhũng hành lý khác không nói tới nữa”. Rồi gượng ngồi dậy viết thư đưa Thân, đến đêm thì chết.
Thân lấy năm sáu lượng bạc mua chiếc quan tài xấu, tẫn liệm xong chủ trọ cứ hối thúc đưa đi. Thân nói thác là để tìm nơi chùa quán xin quàn tạm rồi trốn luôn không quay lại. Hơn năm sau gia đình Nhiệm mới được tin đích xác. Con trai Nhiệm tên Tú, năm ấy mười bảy tuổi, đang còn đi học nhưng vì cha mất phải thôi, muốn đi tìm quan tài cha. Mẹ thương con còn nhỏ, Tú khóc lóc muốn chết đi, mẹ bèn cầm bán đồ dùng lấy tiền, sai lão bộc đi cùng Tú, nửa năm mới về tới. Sau khi chôn cất xong, nhà nghèo không còn chút gì, may là Tú thông minh, hết tang xong được vào học trường huyện Ngư Đài.
Nhưng Tú tính lêu lổng thích cờ bạc, mẹ răn dạy rất nghiêm mà chứng nào tật ấy. Một hôm quan Học sứ về khảo hạch, Tú bị xếp hạng chót, mẹ uất ức khóc lóc bỏ ăn. Tú sợ hãi thẹn thùng, vào thề trước mặt mẹ, từ đó đóng cửa học tập hơn một năm, liền được xếp hạng ưu, cấp cho tiền gạo. Mẹ bảo Tú mở trường dạy học, nhưng rốt lại người ta vẫn dè bỉu vì việc Tú lêu lổng trước kia. Có người chú họ là Trương Mỗ buôn bán ở kinh tới rủ cùng đi, xin đưa Tú theo làm bạn, bao nhiêu phí tổn xin chịu hết, Tú mừng rỡ đi theo.
Tới Lâm Thanh (thuộc tỉnh Sơn Đông) ghé thuyền ngoài cửa quan. Lúc ấy thuyền buôn muối khắp nơi về tụ họp ở đó, cột buồm san sát như rừng. Tú đi nằm mà nghe tiếng nước vỗ, tiếng người nói cứ ì oạp râm ran, không sao ngủ được. Đến khuya chợt nghe thuyền bên cạnh có tiếng gieo xúc xắc rào rào, đâm ra ngứa nghề. Lắng nghe khách khứa trong thuyền đều đã ngủ say, lục túi lấy ra một ngàn đồng tiền định qua thuyền kia chơi một phen. Nhưng rón rén đứng lên mở túi cầm tới tiền rồi lại ngần ngừ, nhớ lời mẹ răn dạy lại thắt túi lại.
Vào giường nằm ngủ mà trong dạ bồn chồn không sao ngủ được, lại ngồi dậy cởi túi ra, cứ thế mấy lần, chợt thấy hăng lên không sao nhịn được nữa bèn cầm tiền qua thẳng thuyền kia. Vào tới khoang thì thấy hai người đang đánh bạc với nhau, tiền bạc đầy cả chiếu, bèn đặt tiền lên ghế ngồi vào cùng chơi. Hai người kia vui mừng, liền cùng gieo xúc xắc. Tú thắng lớn, một người khách hết sạch cả tiền bèn lấy đỉnh vàng lớn cầm cho chủ thuyền lấy hơn mười quan chơi tiếp. Đang lúc say máu sát phạt lại có một người bước vào thuyền, đứng nhìn hồi lâu rồi dốc túi ra trăm lượng vàng cầm cho chủ thuyền lấy tiền, ngồi vào cùng chơi.
Nửa đêm Trương tỉnh dậy, không thấy Tú trên thuyền, nghe tiếng gieo xúc xắc thì biết ngay, bèn qua thuyền bên cạnh, định gây sự để cản cháu. Tới nơi thì thấy dưới chân cháu tiền bạc chất đống như núi bèn không nói gì nữa, chỉ mang vài ngàn đồng quay về, gọi mọi người thức dậy qua vác tiền, chỉ để lại hơn mười ngàn trên chiếu bạc. Không bao lâu cả ba người khách đều thua, tiền bạc trong cả thuyền đều hết sạch. Khách muốn chơi bằng vàng, nhưng Tú thấy đã thắng nhiều rồi, bèn lấy cớ phải chơi bằng tiền để từ chối. Trương đứng bên cạnh lại cứ giục về.
Ba người khách cay cú, chủ thuyền tham món tiền xâu bèn qua thuyền khác vay giùm hơn một trăm ngàn đồng tiền. Khách có tiền đánh càng lớn, không bao lâu lại mất sạch về tay Tú. Trời đã sáng, chèo qua cửa quan rồi bèn cùng nhau vác tiền về thuyền, ba người khách cũng ra đi. Chủ thuyền nhìn lại số vàng hơn hai trăm lượng họ cầm thì đều là tro tàn, cả kinh tìm qua thuyền Tú kể lại, ý muốn Tú bồi thường, đến khi hỏi họ tên quê quán, biết là con trai Nhiệm Kiến Chi thì rụt cổ toát mồ hôi trở về.
Tú hỏi người chung quanh mới biết chủ thuyền chính là Thân Trúc Đình. Lúc Tú tới Thiểm Tây đã biết rõ tên họ y, đến đây vì ma quỷ đã rửa hờn nên cũng không hỏi tới oán cũ nữa. Bèn lấy số tiền ấy chung vốn cùng Trương lên kinh buôn bán, tròn năm thì thu lãi gấp mười. Bèn theo lệ nộp tiền mua chức Giám sinh, lại càng buôn may bán đắt, trong vòng mười năm trở nên giàu có đứng đầu một vùng.