– 313 – 320 -: Lưu Tính (Họ Lưu)
Họ Lưu người trong huyện là kẻ hung dữ. Sau rời huyện Truy tới ở huyện Nghi (đều thuộc tỉnh Sơn Đông), tính cũ vẫn không bỏ, người làng vừa sợ vừa ghét. Lưu có mấy mẫu ruộng liền bờ với ruộng Miêu mỗ, Miêu vốn chăm chỉ, ven ruộng trồng rất nhiều đào. Đào vừa có trái, con Miêu ra vin hái, Lưu tức giận xua đuổi, nói là đào của mình. Đứa con kêu khóc chạy về kể với Miêu, Miêu còn đang kinh ngạc sợ hãi thì Lưu đã tới trước cổng mắng chửi, lại đòi đi kiện. Miêu cười ra dàn hòa, Lưu không biết trút giận vào đâu, tức tối bỏ đi. Lúc ấy trong huyện có Lý Thúy Thạch đi buôn bán ở huyện Nghi, Lưu mang đơn kiện lên huyện thì gặp nhau trong thành. Lý thấy là người cùng huyện vốn quen biết, hỏi là đi đâu. Lưu kể lại, Lý cười nói “Tiếng tăm của anh mọi người đều biết rồi, ta vốn biết Miêu mỗ rất hòa hoãn hiền lành, đâu dám chiếm đoạt của ai, có phải là anh nói ngược không vậy?”, rồi xé nát đon kiện của Lưu, kéo Lưu vào quán rồi khuyên giải. Lưu tức tối không chịu, lấy trộm bút mực trong quán rượu viết lại đơn kiện nhét vào bọc, định sẽ đi kiện nữa.
Không bao lâu Miêu cũng tới, kể lại hết mọi việc rồi năn nỉ Lý cứu giúp, nói “Ta là người nhà quê, nửa đời không gặp bậc quan trưởng, nếu có thể khỏi phải kiện tụng, thì đâu dám giữ mấy gốc đào?”. Lý gọi Lưu ra, nói việc Miêu tình nguyện nhường nhịn, Lưu còn chỉ trời vạch đất chửi mắng không thôi, Miêu chỉ lễ phép thưa gởi, không dám cãi lại câu nào. Chuyện xong cùng về, qua bốn năm ngày, thấy người trong thôn đồn rằng Lưu đã chết, Lý ngạc nhiên than thở. Hôm sau Lý có việc ra ngoài, thấy Lưu nghiễm nhiên chống gậy đi tới. Tới nơi, ân cần hỏi thăm, lại mời Lý tới nhà chơi. Lý đi theo, hỏi “Hôm trước nghe tin dữ, té ra là sai”. Lưu không đáp, chỉ kéo Lý vào thôn, tới nhà, bày rượu ra khoản đãi, mói nói “Tin đồn hôm trước không sai đâu. Hôm trước vừa ra khỏi nhà, thấy có hai người tới bắt lên gặp quan, hỏi có chuyện gì chỉ nói không rõ. Ta tự nghĩ mình ra vào nha môn mấy mươi năm nay, chẳng sợ gì gặp quan, cũng chẳng sợ hãi gì nên cứ đi theo. Tới công thự thấy người ngồi trên vẻ mặt giận dữ nói “Ngươi là Lưu Mỗ phải không? Tội ác ngập đầy mà không tự hối, lại còn cướp đoạt của người về làm của mình, loại ngang ngược này thì phải bỏ vào vạc dầu. Một người tra sổ nói “Người này có làm một điều lành, có thể tha tội”. Người ngồi trên giở sổ xem, dịu nét mặt nói “Tạm đưa y về”. Mấy mươi người đồng thanh quát đuổi ra, ta hỏi “Vì việc gì mà bắt ta tới, vì việc gì mà tha ta ra, xin được hỏi rõ”. Viên lại cầm sổ bước xuống chỉ cho xem một hàng, trên ghi năm Sùng Trinh thứ 13 (1640) thời Minh bỏ ra ba trăm đồng cứu một người, giúp cho vợ chồng họ được đoàn tụ. Viên lại nói “Nếu không như thế thì hôm nay đã phải chết, đầu thai làm súc vật rồi”. Ta sợ quá bèn theo hai người kia đi ra. Hai người đòi tiền hối lộ, ta tức giận nói “Không biết rằng Lưu Mỗ ta ra vào nha môn hai chục năm nay, chỉ chuyên cướp đoạt của cải của người khác à? Tại sao lại dám đòi thịt từ miệng cọp già hả?”. Hai người không đáp, đưa ta tới thôn rồi chắp tay nói “Chuyến này bọn ta chưa uống của ngươi hớp nước nào đấy nhé”. Hai người đi rồi, ta vào nhà thì sống lại, té ra đã chết một ngày rồi”.
Lý nghe xong lấy làm lạ, nhân hỏi rõ đầu đuôi chuyện Lưu làm điều lành. Trước là vào năm Sùng Trinh thứ 13 mất mùa lớn người ta phải ăn thịt nhau. Lúc ấy Lưu làm chức Chủ Bổ lệ ở huyện Truy, gặp hai người đàn ông đàn bà khóc lóc rất thảm thiết, hỏi thăm thì họ đáp “Vợ chồng mới lấy nhau được hơn một năm, năm nay mất mùa, không thể cả hai cùng sống nên thương tâm”. Lát sau Lưu lại thấy họ trước quán bán dầu, như đang cãi cọ gì đó. Tới gần hỏi han, chủ quán họ Mã nói “Hai vợ chồng này đói sắp chết, hàng ngày vẫn xin ta bã dầu ăn qua ngày, nay lại muốn bán vợ cho ta, nhưng ta đã mua cả chục người trong nhà rồi. Cũng có gì quan trọng đâu, rẻ thì ta mua, không thì thôi. Kể cũng buồn cười, cứ đem tới ép người ta mua”. Người đàn ông nói “Năm nay gạo thóc đắt như ngọc, tính ra nếu không có đủ ba trăm đồng thì không đủ phí tổn đi tránh nạn đói. Vốn là muốn cả hai người cùng được sống, chứ nếu bán vợ mà cũng không thoát chết thì cần gì. Thật không dám nói giá cả chỉ mong ông làm việc để đức lại cho con cháu thôi”. Lưu thương xót, hỏi Mã trả bao nhiêu, Mã đáp “Hôm nay giá đàn bà chỉ có một trăm”. Lưu xin đừng nói bớt, lại xin giúp thêm một nửa cho đủ số ba trăm, Mã nhất định không chịu. Lưu nổi nóng nói với người đàn ông rằng “Y keo kiệt như thế chẳng đáng nói nữa, ta xin tặng đủ số anh cần, nếu có thể tránh nạn đói mà còn được vợ chồng thì càng hay!”. Bèn dốc túi đưa tiền cho, hai vợ chồng khóc lạy rồi đi. Lưu kể xong, Lý cực lực ca ngợi.
Từ đó Lưu bỏ hẳn nết cũ, đến nay đã bảy mươi tuổi vẫn còn khỏe mạnh. Năm rồi Lý tới thôn, thấy Lưu đang cãi cọ với người ta, mọi người xúm quanh can ngăn mà không được. Lý cười gọi “Ngươi lại muốn kiện giành cây đào phải không?”. Lưu vội vàng thay đổi sắc mặt, khép nép thu tay lại bỏ đi.
Dị Sử thị nói: Anh em Lý Thúy Thạch đều có tiếng là giàu có nhưng Thúy Thạch tính thuần hậu, ưa làm điều lành, chưa từng kiêu ngạo rằng mình giàu có, cũng là bậc quân tử thành thật cẩn thận vậy. Xem việc ông can chuyện tranh cãi, khuyên làm điều lành thì con người bình sinh thế nào có thể biết được. Lời xưa nói “Kẻ giàu có không nhân đức”, ta không biết Thúy Thạch là kẻ trước nhân đức rồi sau giàu có hay là trước giàu có rồi sau nhân đức?
Phụ: Một Truyện Trong Truy Xuyên Chí, Nghĩa Hậu Truyện (Truy Xuyên Chí Nghĩa Hậu Truyện Nhất Tắc)
Lý Vĩnh Khang tự Thúy Thạch, tính thuần hậu, hay cứu kẻ nạn, ưa giúp kẻ nghèo. Cách huyện thành Truy Xuyên ba mươi dặm về phía tây có đường hang núi, dân ở đó bắc cầu để tiện qua lại. Cầu bắc ngang hai bờ vực, tính ra phí tổn tới hàng ngàn đồng vàng, Khang phá gia tài tới giúp đỡ mới làm được. Lại quyên tiền sửa cầu ở thôn Tiêu, chưa xong thì qua đời, em là Vĩnh Dự hết sức giúp đỡ làm cho xong để noi chí anh. Trong làng có nhà thế hào độc ác họ Mỗ ở cạnh nhà họ Miêu, Miêu trồng mấy gốc đào, con Miêu ra hái trái, Mỗ giận dữ nói là đào của mình, định kiện lên quan. Khang gặp biết chuyện, xé nát đơn kiện, ra sức can ngăn, Mỗ còn tức giận không chịu thôi, kế bị âm phủ trừng phạt nên hối hận tỉnh ngộ, rất cảm ơn Khang. Bài Long Tuyền ký của quan Thái sử họ Đường, bộ Liêu Trai chí dị của viên Minh kinh họ Bồ* đều có chép. Quan Tri huyện là ông Dương My viết tặng bốn chữ “Danh cao nguyệt đán” (Nổi tiếng như vầng trăng rằm) để biểu dương, người trong huyện đều cho là vinh dự.
* Bộ Liêu Trai chí dị của viên Minh kinh họ Bồ: tức Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh.
314. Quan Giữ Kho
(Khố Quan)
Ông Trương Hoa Đông ở huyện Trâu Bình (tỉnh Sơn Đông) phụng chỉ ra tế Nam Nhạc, đi theo đường Giang Hoài. Định nghỉ lại ở dịch trạm, đội tiền khu mở đường bẩm rằng trong trạm có chuyện quái dị, ngủ lại thế nào cũng có chuyện rắc rối. Trương không nghe cứ nghỉ lại, nửa đêm đang đội mũ đeo kiếm ngồi, chợt nghe có tiếng giày bước vào. Nhìn ra thì là một ông già tóc bạc, mũ đen đai đen, lấy làm lạ hỏi. Ông già dập đầu nói “Ta là quan giữ kho, giám thủ kho tàng của đại nhân đã lâu rồi, may gặp ấn kiếm quang lâm, hạ quan xin được thôi giữ trách nhiệm nặng nề này”. Trương hỏi trong kho còn bao nhiêu, ông già nói còn hai mươi ba ngàn năm trăm lượng vàng. Trương nghĩ vàng nhiều dễ thiếu, hẹn lúc trở về sẽ kiểm lại, ông già vâng dạ lui ra.
Trương tới Nam Trung, được biếu xén rất hậu, đến khi trở về nghỉ lại ở dịch trạm. Ông già lại tới yết kiến, Trương hỏi về tiền bạc trong kho, ông ta đáp “Đã điều hết qua Liêu Đông lo việc binh lương rồi”. Trương thấy lời nói trước sau trái ngược rất ngạc nhiên, ông già nói “Lộc mệnh của đời người đều đã có số nhất định, thêm bớt một chút cũng không được. Đại nhân đi chuyến này muốn có bao nhiêu đã được bấy nhiêu, còn muốn gì nữa?”, nói xong ra đi. Trương kiểm lại số tiền được biếu xén, so với số trong kho ông già nói lần trước thì vừa đúng khớp mới than thở miếng cơm hớp nước cũng là tiền định, không thể mong cầu quá phận được.
315. Chàng Rể Họ Kim
(Kim Cô Phu)
Ở Cối Kê (huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang) có đền thờ Mai Cô. Thần vốn họ Mã, gia đình cư ngụ ở Đông Uyển, chưa làm đám cưới thì chồng đã chết, bèn thề ở vậy không lấy chồng, đến ba mươi tuổi thì chết. Người trong họ lập đền thờ, gọi là Mai Cô. Năm Bính thân có Kim sinh ở huyện Thượng Ngu (tỉnh Chiết Giang) đi thi ghé lại, vào miếu rồi ngẩn ngơ, ra về cứ tơ tưởng. Đến đêm, nằm mơ thấy một người tỳ nữ tới, truyền lệnh Mai Cô gọi. Sinh đi theo, vào tới miếu thấy Mai Cô đứng chờ dưới thềm cười nói “Được chàng có lòng đoái tưởng, tình rất quyến luyến nên không hiềm thô vụng, xin được nâng khăn sửa túi, Sinh líu ríu vâng dạ, Mai Cô đưa ra cửa, nói “Chàng cứ về, khi nào sắp đặt nhà cửa xong, sẽ xin tới đón”, sinh tỉnh dậy sợ lắm.
Đêm ấy người trong vùng nằm mơ thấy Mai Cô nói “Kim sinh ở Thượng Ngu nay là chồng ta, phải đắp tượng chàng”. Đến sáng, người trong thôn kể lại thì đều nằm mơ thấy thế, người tộc trưởng sợ nhơ bẩn danh tiếng trinh tiết, nên không chịu nghe theo. Không bao lâu thì cả nhà mắc bệnh, sợ hãi vội đắp tượng Kim sinh đặt bên trái tượng Mai Cô. Khi đã làm xong, Kim sinh nói với vợ con rằng “Mai Cô đón ta rồi!”. Rồi mặc áo đội mũ mà chết. Vợ sinh đau xót căm hận, tới miếu chỉ vào tượng Mai Cô chửi mắng, lại lên điện thờ vả vào mặt tường bốn cái rồi bỏ đi. Đến nay họ Mã gọi sinh là chàng rể họ Kim.
Dị Sử thị nói: Không lấy chồng mà thủ tiết, không thể nói là bất trinh được. Nhưng làm ma mấy trăm năm rồi, lại thay đổi tiết tháo, sao mà vô sỉ thế. Đại khái là những hồn trinh phách liệt chưa chắc đã cần phải dựa vào tượng đất, cho nên miếu mạo kia có linh thiêng làm người ta sợ hãi cũng chỉ như loại hồ quỷ mà thôi.
316. Sâu Rượu
(Tửu Trùng)
Họ Lưu ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông), thân thể to béo, tính hay rượu, thường một mình uống sạch một vò. Có ba trăm mẫu ruộng ở cạnh huyện thành, cứ một nửa là trồng lúa nếp, nhưng nhà vẫn giàu có, không vì uống rượu mà sa sút. Có nhà sư Tây Vực gặp Lưu, nói là trong người có tật lạ, Lưu đáp là không. Nhà sư nói “Có phải ông uống rượu thường không say phải không?”, Lưu đáp “Đúng thế”. Nhà sư nói “Đó là vì có con sâu rượu”, Lưu ngạc nhiên xin nhà sư chữa cho. Nhà sư đáp “Dễ thôi”. Hỏi phải dùng thuốc gì, nhà sư đáp không cần, chỉ bảo Lưu nằm sấp trên giường, trói cả chân tay lại. Rồi đặt một chậu rượu cách đầu Lưu một thước, giây lát Lưu thấy thèm rượu lắm, mùi rượu thơm ngát lại xông lên mũi, cổ khô như lửa đốt nhưng không làm sao uống được. Chợt thấy trong cổ họng ngứa ngáy, ọe ra một con vật rơi đúng vào chậu rượu. Nhà sư cởi dây trói cho Lưu tới xem, thấy con vật như cục thịt đỏ dài ba tấc, ngo ngoe như cá, có đủ cả mắt miệng. Lư hoảng sợ đem tiền ra tạ ơn, nhà sư không nhận,chỉ xin con sâu ấy mà thôi. Lưu hỏi dùng làm gì, nhà sư đáp “Đây là tinh hoa của rượu, đổ nước vào vò cho con sâu vào thì sẽ lập tức trở thành rượu ngon”. Lưu bảo làm thử thì đúng như thế. Từ đó Lưu rất ghét uống rượu, thân thể dần dần gầy bớt, nhà cũng sa sút dần, về sau không đủ cơm áo.
Dị sử thị nói: Một ngày uống một thạch mà vẫn giàu có, không uống một hớp lại thành nghèo khổ, có phải là một miếng cơm một hớp nước đều có số không? Có người nói con sâu rượu ấy là phúc của Lưu, nhà sư lừa lấy để làm trọn vẹn y thuật của mình, không biết đúng hay sai.
317. Con Chó Có Nghĩa
(Nghĩa Khuyển)
Mỗ Giáp ở huyện Lộ An (tỉnh Sơn Tây) có cha bị giam giữ trong ngục sắp chết, bèn vét hết rương hòm được trăm đồng vàng lên huyện chạy chọt cứu cha. Lên ngựa ra đi có con chó đen trong nhà cứ chạy theo, đánh cũng không chịu về. Cứ thế được vài mươi dặm, Giáp xuống ngựa ghé vào bên đường đi tiểu, nhân đó nhặt đá ném, con chó mới bỏ chạy. Y lên đường đi tiếp thì con chó lại đuổi theo cắn vào đuôi vào chân ngựa, y tức giận lấy roi đánh, con chó tru lên thảm thiết chạy vượt lên trước cản đầu ngựa, như không cho đi. Y cho là điều không hay, tức giận quay ngựa lại đuổi. Nhìn thấy con chó đã đi xa, mới ra roi phóng ngựa thật nhanh. Tới huyện thì trời đã tối, sờ lại thắt lưng thì tiền đã rơi mất một nửa, sợ toát mồ hôi, hồn bay phách lạc. Thao thức cả đêm, chợt nghĩ tới việc con chó cản mình là có nguyên nhân. Trời sáng vội ra thành tìm kỹ trên đường, nhưng cũng biết đường cái lớn chạy suốt nam bắc, người đi như kiến, tiền đánh rơi làm sao còn được. Lần hồi tìm đến nơi xuống ngựa, thấy con chó nằm chết gục trong đám cỏ, mồ hôi ướt đẫm cả lông như tắm, nắm tai kéo lên thì bọc tiền rơi còn nguyên dưới ngực nó. Y cảm vì con chó có nghĩa bèn mua quan tài chôn, người ta nhân gọi chỗ đó là Mộ con chó có nghĩa (Nghĩa khuyển trủng).
318. Thần Núi Thái Sơn
(Nhạc Thần)
Quan Đồng Tri phủ Dương Châu (tỉnh Giang Tô) đêm nằm mơ thấy Nhạc thần triệu tới, sắc mặt lời lẽ rất giận dữ. Ngẩng đầu thấy có một người đứng hầu cạnh thần, thái độ rất ôn hòa, tỉnh dậy sợ lắm. Sáng ra tới làm lễ ở Nhạc miếu, lạy phục xuống khấn khứa. Khi trở về ngang tiệm thuốc thấy một người giống hệt như người đứng cạnh thần trong giấc mơ, hỏi thăm thì là thầy thuốc. Về tới dinh chợt mắc bệnh nặng, bèn sai người đi mời người thầy thuốc ấy tới cắt thuốc, buổi tối uống thì nửa đêm chết.
Có người nói Diêm Vương và vua Đông Nhạc* thường sai mười vạn tám ngàn sứ giả nam nữ đi khắp thiên hạ giả làm thầy bói thầy thuốc, gọi là Sứ giả bát hồn (Câu hồn Sứ giả), cho nên những người uống thuốc không thể không cẩn thận vậy.
* Đông Nhạc: tức Thái Sơn. Nhạc thần trong tên truyện này tức thần núi Thái Sơn theo tín ngưỡng Trung Hoa.
319. Thần Ưng Hổ
(Ưng Hổ Thần)
Miếu Đông Nhạc ở quận nằm ngoài cửa nam thành, hai bên có tượng thần cao hơn một trượng, tục gọi là thần Ưng hổ, dáng vẻ dữ tọn rất đáng sợ. Đạo sĩ trong miếu họ Nhiệm, cứ gà gáy là dậy thắp hương niệm kinh. Có tên trộm núp dưới hành lang, chờ đạo sĩ lên điện đọc kinh, lẻn vào trong phòng lục lọi tìm tiền bạc. Nhưng trong phòng không có gì đáng giá, chỉ có ba trăm đồng dưới đệm giường, y bèn giắt vào lưng, mở cổng bỏ đi. Chạy qua núi Thiên Phật trốn về phía nam, vừa xuống tới dưới núi thì thấy một người đàn ông cao hơn một trượng trên núi đi xuống, vai trái có một con chim ưng đậu, vừa khéo gặp nhau. Tới gần nhìn thì thấy người ấy mặt xanh như đồng sắt, rõ ràng là tượng thần vẫn thấy ở cổng miếu. Y hoảng sợ, lạy phục xuống đất run rẩy. Thần quát “Tiền ăn trộm được để đâu?”, tên trộm càng sợ, lạy lục không thôi. Thần bắt y trở về miếu, dốc hết tiền ăn trộm ra trả lại rồi quỳ xuống đó. Đạo sĩ đọc kinh xong, trở về phòng nhìn thấy vô cùng ngạc nhiên, tên trộm thuật lại mọi việc, đạo sĩ lấy lại tiền rồi tha cho y đi.
320. Ăn Đá
(Hột Thạch)
Nhà Thái công Vương Khâm Văn ở huyện Tân Thành (tỉnh Sơn Đông) có người mã phu họ Vương lúc nhỏ vào học đạo ở núi Lao Sơn, lâu sau thì không ăn cơm, chỉ ăn quả tùng và đá trắng, lông mọc khắp người. Được mấy năm nghĩ tới mẹ đã già nên trở về làng, dần dần lại ăn những thức nấu nướng, nhưngvẫn ăn đá như cũ. Cứ cầm đá soi lên mặt trời là biết mùi vị ngọt đắng chua mặn thế nào, như là khoai vậy. Khi mẹ chết lại trở vào núi, đến nay đã mười tám năm rồi.
Phụ: Một Truyện Trong Trì Bắc Ngẫu Đàm (Trì Bắc Ngẫu Đàm Nhất Tắc)
Việc người tiên nấu đá ăn, người đời vẫn truyền. Người đầy tớ Vương Gia Lộc nhà ta lúc trẻ ở trong núi Lao Sơn, ngồi tĩnh tọa mấy năm, không ăn những thức nấu nướng, chỉ lấy đá làm cơm, khát thì uống nước suối, khắp người mọc lông dài hơn tấc. Sau vì có mẹ già nên trở về nhà, dần dần ăn những thức nấu nướng, lông trên người rụng hết. Nhưng vẫn thmh thoảng ăn đá thay cơm, cứ cầm viên đá soi lên mặt trời thì biết mùi vị ngọt mặn cay đắng thế nào. Sau mẹ chết, không biết đi đâu.