Home Liêu Trai Chí Dị – 321 – 332 -: Quỷ Trong Miếu (Miếu Quỷ)

– 321 – 332 -: Quỷ Trong Miếu (Miếu Quỷ)

Chư sinh Vương Khải Hậu ở huyện Tân Thành (tỉnh Sơn Đông) là cháu cố của quan Cha chánh Trung Vũ công Vương Tượng Khôn. Một hôm thấy có người đàn bà bước vào phòng, to béo đen đủi chẳng có gì đẹp, cười bước tới gần giường, thái độ rất lả lơi. Vương cự tuyệt cũng không đi. Từ đó cứ nằm ngồi trong phòng đều thấy, nhưng vẫn cương quyết như trước, không hề động tâm. Người đàn bà tức giận tát vào mặt Vương thành tiếng nhưng không đau lắm. Kế lấy dây lưng quàng lên xà nhà, thắt lại thành cái vòng treo cổ, Vương bất giác tự treo mình dưới xà nhà, đưa cổ ra như tự ải. Người nhà nhìn thấy đôi giày dưới chân Vương tự nhiên lơ lửng trên không, tuy không chết nhưng từ đó bị điên, chợt nói “Ngươi nhảy xuống sông với ta nào!” rồi chạy thẳng ra sông. Người nhà níu kéo giữ lại mới thôi, cứ hàng trăm chuyện như thế, mỗi ngày vài lần, thuốc men bùa chú đều vô hiệu.

Một hôm, chợt thấy có võ sĩ mang xiềng khóa bước vào nhà giận dữ quát “Kẻ thành thật chất phác như vậy mà ngươi dám quấy nhiễu à?”, rồi trói người đàn bà lại dẫn đi. Từ cửa trong ra tới ngoài cửa sổ thì ngườỉ đàn bà biến ra hình dáng khác, mắt sáng như điện chớp, miệng đỏ như chậu máu. Mọi người nhớ lại bốn pho tượng đất ngoài cổng miếu Thành hoàng, thấy giống hệt một trong bốn pho tượng ấy. Từ đó Vương khỏi bệnh.

322. Động Đất

(Địa Chấn)

Ngày mười bảy tháng sáu năm Khang Hy thứ 7 (1668) vào giờ Tuất có động đất lớn. Lúc ấy ta đang ở huyện Tắc Hạ (tỉnh Sơn Đông) vừa mới cùng người anh họ là Lý Đốc Chi thắp đèn uống rượu, chợt nghe có tiếng ầm ầm như sấm sét, từ phía đông nam vang về phía tây bắc. Mọi người cả sợ, không biết việc gì. Giây lát bàn ghế đổ lỏng chỏng, chén bát rơi vỡ, cột kèo mái nhà kêu răng rắc, mọi người thất sắc nhìn nhau. Hồi lâu mới biết là động đất, ai nấy đều vội vàng chạy mau ra ngoài. Thấy lầu gác nhà cửa sụt xuống rồi lại nhô lên, tiếng tường sập ngói đổ cùng tiếng đàn bà trẻ con kêu khóc vang lên ầm ầm huyên náo. Người thì chóng mặt không đứng được, ngồi bệt cả xuống đất, lăn lóc theo mặt đất rung lên. Nước sông dâng lên hơn một trượng, tiếng gà kêu chó sủa ầm ĩ khắp thành. Hơn một giờ sau mới yên ắng trở lại, nhìn ra đường phố thì đàn ông đàn bà trần truồng tụm ba tụm bảy tranh nhau kể lể hỏi han, quên cả là chưa mặc quần áo. Về sau nghe nói chỗ nọ giếng sập không múc nước được, nhà kia bị dời phía trước thành phía sau, núi Thê Hà bị xé toác, đáy sông Nghi Thủy sụt xuống một chỗ rộng mấy mẫu, thật là tai biến phi thường.

323. Tướng Công Họ Trương (Trương Lão Tướng Công)

Tướng công họ Trương người đất Tấn (vùng Sơn Tây) sắp gả con gái, đưa gia quyến về Giang Nam để mua sắm. Thuyền tới núi Kim Sơn (huyện Trấn Giang tỉnh Giang Tô) thì ông lên bờ, dặn người nhà chờ dưới thuyền, đừng nấu nướng gì. Đại khái dưới sông có con thuồng luồng ăn thịt người, cứ nghe mùi thơm là tới phá thuyền nuốt ngườỉ, làm hại đã lâu. Ông đi khỏi, người nhà lại quên lời dặn, nướng thịt trong thuyền, chợt có làn sóng lớn lật úp thuyền, vợ con đều chết hết. Trương quay về đau đớn căm hận vô cùng, nhân lên Kim Sơn gặp sư trong chùa trên núi hỏi về con thuồng luồng, định bụng báo thù.

Nhà sư nghe chuyện, hoảng sợ nói “Ta ở gần đây đã lâu, vẫn sợ nó gây họa nên thờ phụng như thần minh, cầu khấn xin đừng tức giận hại người, thường vẫn giết trâu bò ném xuống sông, vừa chìm được một nửa thì thuồng luồng đã nhảy lên nuốt gọn rồi bỏ đi, ai mà trả thù được nó?”. Trương nghe thế chợt nghĩ ra kế, bèn gọi thợ rèn đắp lò ở lưng núi, nung đỏ một khối sắt nặng hơn trăm cân rồi dò xét xem thuồng luồng thường ở đâu, sai hai ba người khỏe mạnh lấy kìm lớn kẹp khối sắt ném xuống sông. Thuồng luồng nhảy lên đớp nuốt mau rồi lặn xuống, trong chớp mắt thấy sóng dậy lên như núi, chờ khi sóng lặng thì thấy thuồng luồng chết nổi trên mặt nước. Người qua lại trên sông và sư trên chùa đều mừng rỡ, xây đền thờ tướng công họ Trương, vẽ tượng để thờ, Tôn làm thủy thần, ai vào cầu khấn cũng thấy linh nghiệm.

324. Biến Người Thành Súc Vật (Tạo Súc)

Việc dùng yêu thuật để làm người ta mê man có nhiều lối, có khi dùng thuốc bỏ vào thức ăn cho người ta mê man đi theo, tục danh là đánh thuốc mê (đả dự ba), Giang Nam gọi là bỏ thuốc (xả dự). Trẻ con không biết gì, nhiều đứa bị hại. Lại có kẻ biến người thành súc vật, gọi là “tạo súc”, thuật ấy ở Giang Bắc ít có, từ Hoàng Hà về nam mới có nhiều. Nhà trọ nọ ở Dương Châu, có người dắt năm con lừa tới, buộc tạm sau chuồng, nói ta đi một lúc nữa sẽ về ngay, lại dặn đừng cho ăn uống gì cả, rồi đi. Lừa bị phơi nắng, giẫm chân hí ran, chủ nhà trọ bèn dắt vào chỗ mát. Lừa thấy nước, chạy ào tới, chủ nhà trọ bèn cho chúng uống, lập tức đều lăn ra đất, hóa thành đàn bà. Lấy làm lạ, hỏi họ vì sao mà biến ra như vậy, đều lưỡi cứng đơ không nói được, bèn đem giấu họ vào trong phòng. Đến khi chủ lừa về, xua năm con dê vào sân, hoảng hốt hỏi lừa ở đâu. Chủ nhà trọ mời ngồi, mang cơm rượu lên, nói khách cứ ăn uống, lừa sẽ có ngay. Rổi ra ngoài, cho năm con dê uống nước, đều nhào lăn ra hóa thành trẻ con. Bèn ngầm báo quan, quan sai lính tới vây bắt người kia, đóng gông đem giết.

325. Tay Đao Mau Lẹ

(Khoái Đao)

Cuối đời Minh, đất Tề (vùng Sơn Đông) có nhiều trộm cướp, các làng đều đặt hương binh giữ gìn, bắt được cướp là giết ngay. Huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) vốn nhiều trộm cướp, có một người hương binh mang lưỡi đao rất bén, giết gần hết sạch. Một hôm bắt được hơn mười tên, áp giải ra chợ, trong bọn có một tên biết người hương binh, lân la nói “Nghe nói tay đao của ông rất mau lẹ, chặt đầu người không bao giờ cần tới nhát thứ hai, xin ông giết ta”. Người hương binh nói “Được, cứ đi sát vào ta, đừng rời xa”. Tới nơi xử chém rút đao vung tay, cái đầu tên cướp rơi xuống liền, lăn ra ngoài mấy bước còn quay lại khen ngợi “Tay đao mau lẹ thật”.

326. Con Hồ Ở Phần Châu

(Phần Châu Hồ)

Quan huyện Phần Châu (tỉnh Sơn Đông) họ Chu, ở một căn nhà có nhiều hồ. Có đêm ông đang ngồi một mình, chợt có cô gái qua lại trước đèn, lúc đầu cho là người trong nhà nên không để ý, tới khi nhìn ra thì là người lạ, nhưng dung mạo rất xinh đẹp. Trong lòng biết là hồ, nhưng thấy đẹp đẽ nên ưa thích, lớn tiếng gọi lại. Cô gái dừng chân cười nói “Lớn tiếng ra lệnh, ai là tỳ nữ của chàng đấy?”. Chu cười đứng lên, mời ngồi tạ lỗi, rồi ngủ với nhau, lâu ngày thương yêu nhau như vợ chồng. Một hôm chợt nói với Chu “Chàng sắp được thăng chức, sắp phải xa nhau rồi”. Hỏi còn bao lâu, đáp “Sắp rồi, nhưng người tới mừng ở cửa thì người điếu tang tới cổng, không nhậm chức được” Ba ngày sau, quả nhiên Chu nhận được lệnh thăng chức, ngay hôm sau lại được tin mẹ mất, bèn xin nghỉ về*. Muốn hồ cùng đi, hồ nói là không được, chỉ đưa tới bến sông. Chu lại ép lên thuyền, hồ nói “Chàng vốn không biết, hồ thì không thể qua sông”. Chu không nỡ chia tay, bịn rịn mãi ở bên sông, cô gái chợt bỏ đi, nói là sẽ tìm một người quen, lát sau quay về, lập tức có người khách tới chào hỏi. Cô gái cùng khách cách mặt chuyện trò, khách về bèn ra, nói “Mời lên thuyền, thiếp cùng chàng qua sông”. Chu hỏi “Vừa nói không qua sông được, sao giờ lại nói thế”, hồ đáp “Người vừa gặp không phải ai khác, chính là Hà bá sông này. Thiếp vì chàng thương mến nên cố xin, ông ta hẹn trong mười ngày phải về, nên có thể đi cùng nhau ít hôm”. Bèn cùng qua sông, đến ngày thứ mười, quả nhiên từ biệt mà đi.

* Xin nghĩ về: nguyên văn là “giải nhiệm” (thôi giữ chức). Lệ ngày xưa quan lại có tang cha mẹ phải tạm nghỉ chức về cư tang.

 

327. Ba Chuyện Về Rồng

(Long Tam Tắc)

I.

Ở địa giới Bắc Trực có con rồng rơi vào làng. Vất vả nặng nề bò lê vào nhà người thân hào nọ, lọt được vào cửa, nằm chắn ở đó người trong nhà chạy hết lên lầu kêu la, bắn súng vang trời. Rồng bèn ra ngoài cổng, dừng lại ở cái rãnh nước sâu không quá một thước, xuống đó quẫy lộn, toàn thân dính bùn bê bết, hết sức bay lên, nhưng được một thước lại rơi xuống. Sâu bọ lúc nhúc ba ngày, ruồi nhặng bám đầy trên vẩy, chợt trời mưa lớn, ầm ầm bay thẳng lên không đi mất.

II.

Phòng sinh cùng bạn lên Ngưu Sơn (thuộc tỉnh Sơn Đông), vào chùa viếng cảnh, chợt thấy trên giá gác chuông có một viên ngói vàng rơi xuống, trên có con rắn nhỏ, bé tí như con giun đất bò quanh một vòng đã to bằng chiếc dây lưng. Mọi người đều hoảng sợ, biết đó là rồng, vội chạy xuống núi. Vừa tới lưng núi, nghe trong chùa vang lên một tiếng sét nổ chấn động cả sơn cốc trên trời xuất hiện một đám mây đen như cái lọng, trong có một con rồng lớn đang uốn lượn, giây lát thì mất hút.

III.

Trang trại Tiểu tướng công ở huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) có người đàn bà đi ngoài đồng, gặp cơn gió lớn tạt bụi đầy mặt, thấy một con mắt tối sầm lại, như bị cái vỏ trấu lọt vào, hết dụi tới thổi cũng không hết. Lật mi mắt lên nhìn kỹ, thì tròng mắt không bị gì, nhưng có một sợi chỉ đỏ chạy ngoằn ngoèo trong thịt. Có người nói “Đó là trập long”, người đàn bà lo sợ chờ chết. Hơn ba tháng sau trời đổ mưa lớn, chợt một tiếng sấm lớn vang lên, rồng vạch mi mắt bay ra, người đàn bà không bị gì.

328. Trên Sông

(Giang Trung)

Vương Thánh Du đi chơi ở Giang Nam, neo thuyền giữa sông. Chặp tối đi nằm, thấy trăng sáng vằng vặc không ngủ được, sai đứa tiểu đồng đấm bóp. Chợt nghe thấy nóc thuyền như có tiếng chân trẻ con bước, đạp lên mui thành tiếng, từ cuối thuyền dần dần đi tới của khoang thuyền, ngờ là kẻ trộm, vội nhỏm dậy hỏi đứa tiểu đồng thì nó cũng nghe thấy như vậy. Còn đang thì thào hỏi nhau, chợt thấy một người nằm trên nóc thò đầu nhìn vào khoang thuyền. Vương cả kinh tuốt kiếm gọi đám người hầu, cả thuyền đều tỉnh dậy. Vương kể chuyện mình vừa thấy, có người ngờ là hoa mắt nhìn lầm. Chợt có tiếng thanh la nổi vang, mọi người đổ ra nhìn khắp bốn phía đều chẳng thấy một ai, chỉ có trăng sáng sao thưa, sóng sông gờn gợn mà thôi. Mọi người xúm xít ngồi sát nhau trên thuyền, chợt thấy ánh lửa xanh như ngọn đèn lồng xuất hiện trên mặt nước, trôi tới cạnh thuyền thì tắt, lập tức có một người đen thui bật dậy, đứng thẳng trên mặt nước, lấy tay vịn thuyền mà đi. Mọi người vội nói “Đúng là vật ấy đấy” toan bắn ra nhưng vừa giương cung lên thì người ấy vội hụp luôn xuống nước, không sao thấy được nữa. Hỏi những người chèo thuyền, họ nói “Đây là nơi chiến trường ngày xưa, thường có ma quỷ xuất hiện, chẳng có gì lạ”.

329. Hai Chuyện Làm Trò

 (Hý Thuật Nhị Tắc)

I.

Có người làm trò bằng cái thùng, cái thùng ấy có thể chứa được một thăng, rỗng không không có đáy, cũng như các vật dùng làm xiếc thông thường. Người làm trò trải hai cái chiếu trên mặt đường, đặt cái thùng lên, cầm một cái thăng đặt vào trong thùng, nhấc ra thì đầy một thăng gạo trắng, dốc lên trên chiếu. Lại đặt vào, lại dốc ra, giây lát thì chiếu đầy cả gạo. Kế đó lại lường từng thăng từng thăng gạo đổ vào thùng, hết rồi thì nhấc lên, cái thùng lại rỗng không, thật là lạ lùng.

II.

Lý Kiến Điền người huyện Lợi Tân (tỉnh Sơn Đông) rảnh rỗi dạo chơi trong chợ bán đồ gốm tại Nhan Trấn, muốn mua một cái vò lớn, trả giá mãi với người chủ hàng không được bèn bỏ về. Đến đêm trong lò còn hơn sáu mươi cái vò nung xong chưa lấy ra, nhưng mở cửa lò thì chẳng còn gì, người chủ cả kinh, ngờ là do Lý, tới nhà van nài, Lý nói là không biết, người ấy cố nài nỉ. Bèn nói “Ta mang ra khỏi lò giùm ông, không mất cái nào, đang để ở dưới lầu Khôi Tinh, không phải sao?”. Người ấy tới xem, quả đủ số. Lầu ở núi phía nam trấn, cách chợ hơn ba dặm, thuê người chở về, ba ngày mới xong.

330. Mỗ Giáp

(Mỗ Giáp)

Có Mỗ Giáp tư thông với vợ người đầy tớ, sau giết người đầy tớ lấy người vợ, sinh được hai trai một gái. Trải mười chín năm, có đám giặc lớn phá thành, cướp bóc sạch cả. Một tên giặc trẻ tuổi cầm đao vào nhà Giáp. Giáp nhìn ra thấy giống hệt người đầy tớ đã chết, than rằng “Ta phải chết rồi”. Bèn dốc rương chuộc mạng nhưng tên giặc không thèm, cũng không nói một câu, chỉ tìm người mà giết, chém hết một nhà hai mươi bảy người cả đàn ông đàn bà rồi bỏ đi. Giáp bị chém vào cổ chưa đứt, giặc đi rồi thì tỉnh lại, vẫn còn nói được, ba ngày sau mới chết. Than ôi, quả báo vốn chẳng sai, đáng sợ làm sao!

331. Ba Con Quái Ở Cù Châu

(Cù Châu Tam Quái)

Trương Ác Trọng đi lính đóng ở huyện Cù Châu (tỉnh Chiết Giang) nói ở Cù Châu lúc ban đêm yên tỉnh, không ai dám đi ra ngoài một mình, vì trên lầu chuông có quỷ, trên đầu có một cái sừng, dáng vẻ hung dữ, nghe tiếng người đi thì xuống, người ta sợ chạy thì đuổi theo, những người gặp phải về nhà mà bệnh thì phần nhiều đều chết. Lại trong thành có một cái ao, đêm có một tấm vải trắng như tấm rèm trải trên mặt đất, người nào đi qua mà nhặt, lập tức bị cuốn dìm xuống nước. Lại có con ma vịt khi đêm tới bên ao hoàn toàn yên ắng, ai nghe tiếng vịt kêu, lập tức bị bệnh.

332. Người Phá Lầu

 (Chiết Lâu Nhân)

Hà Quýnh Khanh là người huyện Bình âm (tỉnh Hà Nam). Lúc đầu làm Huyện lệnh ở đất Tần (vùng Thiểm Tây), có một người bán dầu mắc tội nhẹ nhưng ăn nói bướng bỉnh, Hà giận bèn ra lệnh đánh chết. Sau làm quan ở bộ Lại, nhà thêm giàu có, cho xây một ngôi lầu. Ngày khởi công khách khứa tới nâng cốc chúc mừng, chợt thấy trong đám có người bán dầu. Hà đang thầm hoảng sợ ngờ vực, chợt nghe báo người thiếp sinh được con trai, bèn buồn bã nói “Thợ dựng lầu chưa xong, người phá lầu đã tới rồi”. Mọi người đều cho rằng Hà nói đùa, không biết rằng thật ra Hà có nhìn thấy người bán dầu thật. Về sau đứa con trai lớn lên, rất ương bướng, phá tán của cải, chỉ làm tôi mọi cho người, cứ được đồng nào là mua dầu thơm để ăn.

Dị Sử thị nói: Thường thấy các nhà phú quý có phủ đệ lầu gác san sát, khi chết rồi, qua ngang thì nhà cũ đã thành đất hoang, đủ biết nhà ấy có Người phá lầu giáng sinh vậy. Người ở địa vị cao, lại có thể không cẩn thận sao!

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận