– 333 – 339 -: Rết Lớn (Đại Yết)
Tướng quân Bành Hoằng thời Minh đánh giặc vào đất Thục, vào chỗ núi sâu, có một ngôi chùa lớn bỏ không hàng trăm năm không có sư tu hành. Hỏi dân ở đó thì họ nói trong chùa có yêu quái, ai vào là chết ngay. Bành sợ là có giặc ẩn núp ở trong, sai quân chặt cỏ tiến vào, tới điện trước thì có hai con chim điêu bay vù ra cửa. Vào điện giữa cũng không thấy có gì lạ, đi tiếp thì tới gác chuông, nhìn khắp chung quanh cũng không thấy có gì, nhưng những người bước vào đều thấy đầu đau buốt không chịu nổi. Bành đích thân tiến vào, cũng thấy như vậy. Giây lát có một con rết lớn như chiếc đàn tỳ bà từ trên vách ngọ nguậy bò xuống, cả toán quân hoảng hốt bỏ chạy, Bành bèn sai đốt luôn chùa.
334. Nô Lệ Da Đen
(Hắc Quỷ)
Tổng trấn họ Lý ở huyện Giao Châu (tỉnh Sơn Đông) mua được hai tên nô da đen, đen bóng như sơn, da chân chai cộm lên, cắm ngược đao đưa mũi nhọn lên cho họ đạp lên đi lại cũng không hề hấn gì. Tổng trấn cưới kỹ nữ cho làm vợ, sinh được con trai da lại trắng, bọn đầy tớ trong nhà đùa giỡn, nói là không phải con y. Tên nô da đen nghi ngờ, giết chết đứa con thì xương đều đen, mới hối hận. Tổng trấn thường sai hai người đối diện với nhau múa hát, thần thái điệu bộ cũng rất dễ nhìn.
335. Phu Xe
(Xa Phu)
Có người phu xe đẩy chiếc xe chở nặng lên đèo, đang lúc cố hết sức thì bị một con sói tới táp vào mông. Muốn bỏ tay ra thì sợ hàng đổ đè lên người, nhịn đau đẩy tiếp, lên tới đỉnh đèo thì con sói đã rút được một miếng thịt bỏ đi rồi. Lựa đúng lúc người ta không có cách nào chống cự mà trộm nếm một miếng thịt, cũng là sự ranh mãnh buồn cười vậy.
336. Con Ma Mê Cờ
(Kỳ Quỷ)
Tướng quân Đốc đồng huyện Dương Châu (tỉnh Giang Tô) là Lương công nghỉ quan về làng, hàng ngày thường mang bầu rượu túi cờ đi chơi khắp rừng núi. Gặp ngày tiết Trùng dương lên núi chơi, cùng khách đánh cờ, chợt có một người tới, lân la bên cạnh, say sưa nhìn vào bàn cờ mãi không đi. Nhìn lên thấy mặt mũi vàng vọt, quần áo rách rưới, nhưng thần thái nhàn nhã, có dáng dấp văn nhân. Ông vái chào mời ngồi, cũng nhún nhường từ tạ. Ông chỉ lên bàn cờ nói “Chắc tiên sinh cũng giỏi nghề này, sao không thử với người khách đây”. Người ấy khiêm tốn từ chối một lúc mới bày cờ đánh. Ván đầu thì thua, có vẻ nổi nóng như không kìm được. Lại chơi ván nữa, lại thua, ông rót rượu mời cũng không uống, nài khách chơi nữa. Từ sáng đến chiều không có vẻ gì là mệt nhọc, rồi giành nhau về một quân cờ hai bên cãi vã ầm lên. Bỗng người ấy rời chiếu sợ hãi đứng dậy, thần sắc buồn thảm. Giây lát quỳ gối hướng về phía ông, dập đầu xin cứu. ông hoảng hốt ngờ vực, đỡ dậy nói “Trò chơi thôi mà, sao lại làm thế”. Người ấy nói “Xin dặn người đi bắt đừng buộc cổ tiểu nhân”. Ông càng lạ lùng, hỏi người đi bắt là ai? Thưa “Là Mã Thành”.
Vốn là ông có người gia nhân tên Mã Thành làm sai nhân dưới cõi âm, thường mười mấy ngày lại xuống âm ty một lần cầm công văn đi bắt người. Ông lạ lùng về lời nói của người ấy, bèn sai người tới xem Thành ra sao, thì đã nằm cứng đơ hai ngày rồi. Ông quát Thành không được vô lễ, trong chớp mắt, người ấy lăn ra đất rồi biến mất, ông hoảng sợ hồi lâu mới biết đó là ma. Hôm sau Mã Thành tỉnh dậy, ông gọi tới hỏi chuyện, Thành thưa “Người ấy quê ở huyện Hồ Tương tỉnh Hồ Nam, rất mê cờ, phá tán cả sản nghiệp. Cha lo buồn, nhốt lại trong phòng học, lại leo tường ra, tìm tới chỗ vắng chơi bời với bọn đánh cờ. Cha nghe chuyện chửi mắng, rốt lại cũng không cấm đoán được, tức giận mà chết. Diêm Vương cho rằng y không có đức, phạt giam vào ngục quỷ đói, đến nay đã bảy năm rồi. Gặp lúc Phượng lâu ở Đông Nhạc làm xong, Đế quân phát công văn đi các nơi tìm văn nhân soạn bài văn bia, Diêm Vương bèn thả y ra khỏi ngục, sai đi ứng mệnh để chuộc tội, không ngờ trên đường lại lần lữa trễ hạn. Nhạc đế sai người bảo Diêm Vương hỏi tội, vương giận sai tiểu nhân theo bắt, nhưng được lệnh chủ nhân trước, nên chưa dám đem dây ra trăng trói”. Ông hỏi “Vậy đến giờ y ra sao rồi?”. Mã Thành thưa “Vẫn giao cho ngục lại giam giữ, mãi mãi không được đầu thai nữa”. Ông than “Mê thú vui làm hại cả đời, là như thế chăng?”.
Dị Sử thị nói: Thấy cờ mà quên sự chết, đến khi đã chết, thấy cờ lại quên sự sống, không phải là ham muốn quá đáng so với người thường sao! Nhưng nghiện cờ tới như thế, mà vẫn chưa thành tay giỏi, đến nỗi làm một con ma mê cờ chết mãi không được sống lại dưới cửu tuyền, thật đáng thương vậy!
337. Cái Đầu Lăn Lộn
(Đầu Cổn)
Hiếu liêm Tô Trinh Hạ một hôm làm việc quan về, nằm nghỉ trưa thấy một cái đầu người từ dưới đất chui lên, to bằng cái chén, lăn lộn ở dưới giường mãi không thôi, hoảng sợ mắc bệnh nằm liệt giường không dậy được. Sau ông ngủ ở nhà người đàn bà phóng đãng, gặp cái họa sát thân, hay đó là điềm báo trước chăng?
338. Hai Chuyện Quả Báo
(Quả Báo Nhị Tắc)
I.
Mỗ sinh ở An Khâu thông hiểu việc bói toán nhưng tính tình tham lam dâm đãng, cứ sắp đi trộm cắp gian dâm là bói trước. Một hôm chợt mắc bệnh, người nhà sắc thuốc, sinh không uống, nói “Thật ra ta biết rồi, âm ty giận ta khinh nhờn số trời, sắp trừng phạt nặng nề, uống thuốc mà làm được gì”. Không bao lâu hai mắt chợt lòa, hai tay vô cớ tự nhiên gãy ra.
II.
Mỗ Giáp có người bác không con. Giáp tham gia tài của bác nên tình nguyện làm người nối dõi để thờ cúng. Người bác chết, ruộng vườn tài sản về cả tay Giáp nhưng Giáp lại nuốt lời không hề cúng giỗ. Lại có một người chú giàu có mà cũng không con, Giáp lại xin làm con để ăn thừa tự. Người chú chết, Giáp lại nuốt lời, từ đó gộp cả tài sản ba nhà làm một, nổi tiếng giàu có một vùng. Chợt bị bạo bệnh phát điên, tự nói “Ngươi muốn được sống mà hưởng giàu có ư?” rồi lấy dao bén tự cắt từng miếng từng miếng thịt trên người ném xuống đất. Lại nói “Ngươi làm tuyệt dòng dõi người khác mà còn muốn có người nối dõi ư?”, rồi mổ bụng kéo ruột ra mà chết. Không bao lâu đứa con của Giáp cũng chết, gia sản về tay người khác. Quả báo như thế thật đáng sợ vậy.
339. Thịt Rồng
(Long Nhục)
Quan Thái sử Khương Ngọc Toàn nói ở dưới Long Đôi (địa danh ngoài quan ải), cứ đào xuống đất vài thước là có đầy thịt rồng, mặc ý muốn cắt xẻo bao nhiêu cũng được nhưng đừng nói tới chữ “Rồng”. Có người nói đây là thịt rồng, lập tức bị trời nổi sấm sét đánh chết. Thái sử từng ăn thịt ấy, quả không phải là lời bịa đặt.