– 341 – 345 -: Vũ Hiếu Liêm (Cử Nhân Võ)
Cử nhân võ họ Thạch khăn gói lên kinh xin bổ dụng. Tới huyện Đức Châu (tỉnh Sơn Đông) bị bạo bệnh, thổ huyết không dậy nổi, nằm bẹp trong thuyền, tên đầy tớ bèn ăn cắp hết tiền bỏ trốn. Thạch tức giận, bệnh càng nặng thêm, lại không còn tiền lo cơm cháo thuốc men, chủ thuyền năn nỉ xin Thạch lên bờ. Lúc ấy có một người đàn bà đi chơi ngắm trăng, tới bên bờ nghe biết chuyện bèn tình nguyện đem thuyền chở Thạch. Chủ thuyền mừng rỡ, đỡ Thạch qua thuyền người đàn bà. Thạch nhìn thấy người đàn bà khoảng hơn bốn mươi tuổi, ăn mặc đẹp đẽ, dáng vẻ sang trọng, rên rỉ cảm tạ. Người đàn bà đích thân xem bệnh cho Thạch rồi nói “Chàng vốn bị lao lực, nay thì hồn phách đã về cõi âm rồi”. Thạch nghe thế kêu gào khóc lóc, người đàn bà nói “Ta có thuốc hay có thể cải tử hồi sinh, nhưng nếu chàng khỏi bệnh thì đừng quên nhau”. Thạch khóc lóc thề thốt, người đàn bà bèn lấy một viên thuốc cho uống, được nửa ngày thì hơi đỡ. Người đàn bà cứ ngồi cạnh giường săn sóc, chu đáo còn hơn cả vợ đối với chồng, Thạch càng cảm động. Hơn tháng thì khỏi hẳn, Thạch đi bằng đầu gối tới trước mặt nàng tạ ơn, kính trọng như đối với mẹ ruột. Người đàn bà nói “Thiếp lẻ loi không nơi nương tựa, nếu chàng không chê là già xấu, xin được theo nâng khăn sửa túí”. Năm ấy Thạch hơn ba mươi tuổi, vợ chết đã mấy năm, nghe thế vô càng mừng rỡ, bèn cùng nàng kết làm vợ chồng. Người đàn bà đưa tiền cho Thạch lên kinh lo công việc, hẹn khi nào trở lại sẽ cùng về.
Thạch lên kinh được lục dụng, được bổ làm quan võ ở tỉnh, đem tiền còn thừa mua ngựa nghẽo dù lọng rất oai vệ. Vì nghĩ người đàn bà đã luống tuổi không xứng đôi, nên lấy trăm đồng vàng tới hỏi con gái họ Vương làm thiếp. Nhưng vẫn ngại ngùng, sợ người đàn bà biết được nên tránh Đức Châu, theo đường vòng tới nơi làm quan, hơn một năm cũng không báo tin. Có người em họ của Thạch tình cờ tới Đức Châu, ở cạnh nhà người đàn bà, nàng biết bèn hỏi thăm tin Thạch, người ấy cứ sự thật nói rõ. Người đàn bà tức giận mắng lớn rồi kể lại mọi việc, người ấy cũng lấy làm bất bình thay, bèn an ủi rằng “Có lẽ vì anh bận bịu việc công chưa rảnh để đi đón được, xin chị cứ gởi thư, ta sẽ chuyển cho”. Người đàn bà theo lời, người kia cầm thư về đưa cho Thạch, Thạch cứ làm ngơ. Lại hơn một năm nữa, người đàn bà tự tới, Thạch tìm cớ để nàng ở ngoài quán trọ. Người đàn bà tới công thự nhờ người tiếp khách nói lại tên họ, Thạch ra lệnh ngăn không cho vào. Một hôm Thạch đang ăn tiệc thì có tiếng mắng chửi ầm lên, vừa đặt chén rượu xuống lắng nghe thì người đàn bà đã vén rèm bước vào. Thạch hoảng sợ, mặt xám như tro, người đàn bà chỉ Thạch mắng “Đồ bạc tình vui vẻ quá nhỉ? Thử nghĩ xem phú quý này ở đâu mà có vậy? Ta đối xử với ngươi không tệ, muốn cưới hầu thiếp mà bàn với ta thì đã làm sao?”. Thạch nhũn chân mất vía không trả lời được, hồi lâu quỳ xuống tự thú, tìm lời ngon ngọt xin bỏ qua, nàng mới hơi nguôi.
Thạch bảo Vương thị lấy lễ làm em tới ra mắt, Vương thị không chịu, Thạch năn nỉ mãi mới đi. Vương thị vào lạy, người đàn bà cũng lạy trả, nói “Em đừng sợ, ta không phải là kẻ ghen tuông độc ác, nhưng đối xử như thế này thật không ai chịu nổi, nếu là em cũng không muốn có người chồng như y”, rồi kể lại hết đầu đuôi mọi việc. Vương thị cũng tức giận, bênh vực người đàn bà mắng Thạch, Thạch không biết làm sao phân trần, chỉ xin được chuộc lỗi, mãi mới được yên. Lúc đầu khi người đàn bà chưa vào, Thạch đã dặn người canh cửa không được để nàng vào trong. Khi nàng vào trong nhà rồi, Thạch giận lắm, lén căn vặn người canh cửa, người ấy cứ quả quyết rằng cửa nẽo vẫn khóa chặt không ai vào được cả, hậm hực mãi. Thạch lấy làm ngờ nhưng không dám hỏi người đàn bà, hai người tuy vẫn cười nói với nhau bình thường nhưng vẫn không gần gũi nhau. May là người đàn bà tính ưa yên tĩnh, tối không giành chồng, cơm chiều xong là đóng cửa phòng ngủ sớm, cũng chẳng quan tâm tới việc ban đêm chồng ngủ ở đâu. Vương thị buổi đầu còn lo sợ, sau thấy thế càng thêm kính trọng, cứ sáng sớm là qua hầu như đối xử với mẹ chồng.
Người đàn bà đối đãi với kẻ dưới khoan hòa có lễ phép nhưng xét việc sáng suốt như thần. Một hôm Thạch bị mất ấn thụ cả nha môn nháo nhác đi tìm nhưng không sao tìm thấy, nàng cười nói “Đừng sợ, cứ xuống giếng tìm”. Thạch theo lời, quả nhiên tìm thấy ấn thụ, hỏi tại sao biết thì nàng chỉ cười mà không nói, xem vẻ như biết rõ kẻ trộm nhưng rốt lại vẫn không chịu nói ra. Được một năm, thấy hành động cử chỉ có nhiều điều lạ, Thạch ngờ không phải là người, thường chờ lúc nàng đã ngủ sai người rình nghe ngóng, chỉ nghe tiếng giũ áo trên giường suốt đêm, không biết là làm gì. Người đàn bà và Vương thị rất thân thiết thương yêu nhau, có một đêm Thạch qua dinh quan án sát chưa về, nàng uống rượu với Vương thị quá chén say lăn ra giường biến thành con chồn. Vương thị thương xót, lấy chăn đắp cho. Không bao lâu Thạch về, Vương thị kể lại chuyện lạ, Thạch muốn giết đi. Vương thị nói “Cho dù là hồ thì cũng có phụ gì chàng nào?”. Thạch không nghe, vội vàng đi tìm đao thì người đàn bà đã tỉnh dậy, mắng Thạch “Ngươi hành động như rắn rết mà lòng dạ như sài lang, nhất định không sống lâu được đâu. Viên thuốc đã uống ngày trước mau trả lại cho ta”. Rồi nhổ toẹt vào mặt Thạch, Thạch chợt thấy lạnh buốt như bị dội nước đá lên đầu, cổ họng ngứa ngáy, khạc ra thì viên thuốc vẫn còn nguyên như trước. Người đàn bà nhặt lấy căm tức bỏ đi, đuổi theo thì đã biến mất. Ngay đêm ấy bệnh cũ của Thạch lại phát, thổ huyết mãi không cầm được, nửa năm thì chết.
Dị Sử thị nói: Cử nhân họ Thạch mềm mỏng như học trò, có người nói là nhờ quy lụy nên được làm quan, trò chuyện với ai cũng dè dặt e ngại, đang tuổi tráng niên đã chết, sĩ phu thương xót lắm. Đến khi nghe chuyện phụ bạc người vợ hồ, thì thấy đâu khác gì chàng họ Lý?
Phụ: Truyện Hoắc Tiểu Ngọc
(Hoắc Tiểu Ngọc Truyện)
Trong niên hiệu Đại Lịch thời Đường (766-779) có Lý Ích thi đỗ Tiến sĩ, vẫn muốn tìm người xứng đôi vừa lứa. Có bà Bão thứ mười một ở Trường An làm mối, dẫn Lý tới nhà Hoắc Tiểu Ngọc. Ngọc vốn là con gái Hoắc vương gia, vương chết nên đổi sang họ Trịnh. Ngọc gặp Lý rất mừng rỡ yêu thương, thề không bỏ nhau. Lý về nhà thì mẹ đã dạm hỏi cho cô em bên ngoại họ Lư rồi, Tiểu Ngọc vì vậy uất ức thành bệnh. Lý làm đám hỏi xong, tìm nơi vắng để ở, không cho ai biết. Một hôm cùng bạn bè đi chơi chùa Sùng Kính, chợt gặp một người dáng vẻ ngang tàng vái chào nói “Ông có phải là chàng họ Lý thứ mười không? Tệ xá cách đây không xa, mời ông quá bộ ghé chơi một lần”. Lý đi theo, tới chỗ nhà họ Trịnh muốn quay về, người kia xô cửa bước vào nhà nói “Lý Thập lang tới.”. Ngọc nghe nói Lý tới, ngồi dậy nói “Chàng Lý ơi chàng Lý ơi, hôm nay vĩnh biệt nhau rồi, sau khi ta chết thế nào cũng làm quỷ dữ phá phách cho vợ con người không được ở yên”, rồi tắt thở. Hơn tháng sau Lý cưới Lư thị, chợt nghe ngoài cửa có tiếng chắc lưỡi rất to, nhìn ra thì thấy một người đàn ông núp sau tấm rèm vẫy Lư thị rối rít. Hơn mười ngày sau, Lý đi chơi vừa về tới nhà, Lư thị đang đánh đàn, chợt ngoài cửa có một cái kẹp tóc bằng vàng buộc giải đồng tâm kết ném vào rơi đúng vào lòng Lư thị. Lý tức tối căn vặn, Lư thị không sao thanh minh được, Lý giận dữ đánh cho một trận, kiện ra quan bỏ vợ luôn.
342. Diêm Vương
(Diêm Vương)
Lý Cửu Thường người huyện Lâm Câu (tỉnh Sơn Đông) mang bầu rượu đi ngoài đồng, thấy một cơn lốc ào ào cuốn tới, bèn kính cẩn rót rượu xuống đất mời. Sau có việc đi xa, thấy ven đường có một tòa phủ đệ rộng lớn, điện gác nguy nga tráng lệ, trong có một người hầu bước ra mời Lý vào. Lý từ chối, người hầu lại càng mời mọc ân cần, Lý nói “Chúng ta chưa gặp nhau lần nào, chắc anh lầm rồi”. Người hầu nói không phải lầm, lại nói đúng cả tên họ Lý. Lý hỏi đây là nhà ai, người hầu đáp cứ vào thì sẽ biết. Vào trong đi ngang một cổng vòm, thấy một người đàn bà bị đóng đinh vào tay chân căng ra trên cánh cửa, Lý tới gần nhìn thì ra là chị dâu mình, vô cùng hoảng sợ. Lý có người chị dâu bị cái mụn nhọt lớn lở ra trên cánh tay, nằm bệnh hơn một năm chưa khỏi, vẫn nghĩ thầm không biết vì sao lại tới nỗi thế. Đến lúc ấy lại ngờ chị dâu làm điều ác, run sợ đi chậm lại, người hầu giục đi mau vào trong.
Tới trước điện, thấy trên có một người đội mão mặc áo như bậc vương giả, thần thái oai nghi mạnh mẽ. Lý quỳ rạp xuống không dám ngẩng đầu. Vương sai người đỡ dậy ôn tồn nói “Đừng sợ. Vì trước đây ta có quấy quả ông chén rượu nên muốn gặp một lần để cám ơn thôi không có chuyện gì đâu. Lý mới bắt đầu yên tâm, nhưng vẫn không biết lý do, Vương lại nói “Ngươi không nhớ chén rượu rót trên đồng sao?”. Lý sực nghĩ ra, biết là thần, dập đầu nói “Vừa thấy người chị dâu chịu hình phạt nặng nề như vậy, vì tình cốt nhục nghĩ thấy đau lòng, xin đại vương thương xót tha cho!”. Vương nói “Người này rất ghen tuông độc ác, chịu hình phạt như vậy là phải. Ba năm trước người thiếp của anh ngươi sinh nở, thị ngầm lấy kim đâm vào dạ con, người thiếp đến nay vẫn thường đau đớn, thử hỏi còn tính người không?”. Lý cố khẩn cầu Vương nói “Thôi vì nể mặt ông nên ta tha cho, khi ông trở về nên khuyên thị bỏ thói ác cũ đi”. Lý tạ ơn lui ra, đi ngang cổng vòm thì thấy trên cánh cửa không còn có người nữa.
Lý về nhà, tới thăm chị dâu, thấy đang nằm trên giường, máu mủ đầy chiếu, lúc ấy người thiếp vừa làm chuyện trái ý nên chị ta đang mắng chửi. Lý khuyên “Chị đừng nên thế nữa, hôm nay bị đau đớn bệnh tật đều là vì ngày thường tàn nhẫn đố kỵ mà ra đấy”. Người chị dâu tức giận nói “Chú mà muốn làm đàn ông giỏi thì đã có thím nó ở nhà rất hiền lành, chồng muốn ngủ nhà nào ăn nhà nào cũng được không dám nói một tiếng, đủ cho chú nắm quyền làm chồng rồi, đừng thay cả anh chú mà trị gái già này?”. Lý khẽ cười nói “Chị đừng nóng, ta mà nói thẳng ra thì sợ là có khóc lóc ăn năn cũng không kịp kia”. Người chị dâu nói “Ta không ăn cắp một sợi chỉ nào của Tây Vương mẫu, cũng chưa từng chớp mắt trước bàn thờ Ngọc Hoàng, lòng dạ thanh thản, việc gì phải khóc lóc ăn năn chứ? “. Lý nói khẽ ‘Mũi kim đâm vào dạ con kia đáng tội gì?”. Người chị dâu chợt biến sắc, hỏi tại sao nói thế. Lý kể lại mọi việc, người chị dâu run lẩy bẩy, nước mắt vòng quanh sợ sệt rên rỉ “Ta không dám thế nữa!”. Còn đang kêu khóc thì chợt thấy hết đau. Từ đó trở đi chị ta bỏ nết cũ, sau được khen là hiền thực. Người thiếp về sau lại sinh nở, lúc dạ con lộ ra, vết kim hãy còn.
Dị Sử thị nói: Có kẻ nói trên đời không ít kẻ ghen tuông độc ác như người đàn bà nọ, chỉ hận là âm phủ để lọt lưới nhiều quá. Ta cho rằng không phải thế, vì cõi âm chưa chắc đã không có hình phạt nào nặng hơn việc đóng đinh lên cánh cửa, chẳng qua vì không có ai biết kể lại mà thôi.
343. Người Buôn Vải
(Bố Khách)
Mỗ ở huyện Trường Thanh (tỉnh Sơn Đông) làm nghề buôn vải, tới huyện Thái An (tỉnh Sơn Đông) nghe nói có người thầy bói xem số Tử vi rất giỏi, bèn tìm tới hỏi chuyện hay dở. Người thầy xem số nói “Vận hạn rất xấu, ông nên về nhà mau đi”. Mỗ sợ, thu xếp hàng hóa tiền bạc vội vàng về nhà. Trên đường gặp một người mặc áo ngắn dáng như công sai, cùng nhau trò chuyện rất hợp ý. Mấy lần vào hàng quán Mỗ đều mời cùng ăn uống, người áo ngắn rất cảm ơn. Mỗ hỏi đi công cán tới đâu, người ấy đáp là tới huyện Trường Thanh để bắt người. Mỗ hỏi bắt ai, người áo ngắn rút tờ công văn đưa ra bảo xem. Mỗ thấy tên mình đầu tiên, hoảng sợ nói “Ta làm gì mà bị bắt?”. Người áo ngắn đáp “Ta không phải là người sống mà là công sai trong bốn ty âm phủ tỉnh Sơn Đông, đóng trong núi Tung Lý (ở huyện Thái An). Chắc là tuổi thọ của ông hết rồi đấy”. Mỗ rơi nước mắt xin cứu, quỷ nói “Không được đâu, có điều số người có tên trong công văn thì nhiều, muốn bắt đủ hết cũng phải có thời giờ, ông cứ về nhà mau sắp xếp hậu sự cho xong đi rồi ta sẽ tới gọi, như thế là để đền đáp lòng ông tử tế với ta vậy”.
Không bao lâu cùng tới bờ sông, thấy cầu gãy nát, người qua lại rất vất vả, quỷ nói “Ông sắp chết rồi, không mang được đồng nào theo đâu, xin lập tức dựng lại cầu giúp đỡ người đi đường, tuy là tốn kém nhiều nhưng cũng có thể có lợi chút ít cho ông”. Mỗ cho là phải, khi về tới nhà nói với vợ con sắp đặt đầy đủ vật liệu nhân công, ngày đêm dựng lại cầu, nhưng khá lâu vẫn không thấy quỷ tới, lấy làm ngờ vực. Một hôm chợt quỷ tới, nói “Ta đã đem việc ông dựng cầu trình lên với Thành hoàng, chuyển đạt xuống âm ty rồi. Âm ty nói chỉ một việc lành như thế thôi cũng đáng được thêm tuổi thọ, nay tên ông trong tờ công văn kia đã được xóa rồi, xin kính báo ông rõ”. Mỗ mừng rỡ cảm tạ. Sau lại đi buôn qua Thái Sơn, nhớ tới ơn quỷ, bèn sắm sửa lễ vật, đốt vàng, cúng tế rót rượu khấn khứa. Trở ra khỏi núi thì thấy người áo ngắn vội vã đi tới, nói “Suýt nữa ông hại ta rồi, đang lúc họp bàn việc với quan trên, may mà y không nghe, nếu không thì làm sao?”. Rồi tiễn Mỗ đi một đoạn đường, nói “Từ nay về sau đừng tới đây nữa, nếu có chuyện gì gấp cần cho biết thì ta sẽ tới thăm”, rồi chia tay.
344. Người Làm Ruộng
(Nông Nhân)
Có người làm ruộng bừa cỏ ở dưới núi, vợ lấy vò đất nung mang cơm cho, ăn xong đặt vò trên bờ ruộng, đến chiều tối nhìn lại thì cơm còn thừa trong vò đã hết sạch. Cứ thế mấy ngày liền, y ngờ vực bèn rình xem. Thấy có con chồn tới thò đầu vào vò ăn vụng, y rón rén vác bừa tới ra sức đập mạnh, con hồ sợ chạy. Nhưng cái vò dính chặt vào đầu, nó quýnh quá không rút ra được, lăn luôn xuống đất, cái vò vỡ nát, nó rút đầu ra nhìn thấy người làm ruộng càng hoảng sợ, băng qua núi chạy mất. Mấy năm sau, phía nam núi có người con gái nhà giàu bị hồ ám, cầu đảo trấn yểm mãi không hết. Hồ nói với cô gái rằng “Thứ bùa chú vẽ trên giấy thì làm gì được ta?”. Cô gái hỏi “Ngươi giỏi phép thuật thì may ra được gần gũi nhau lâu dài, nhưng không biết bình sinh có sợ cái gì không?”. Hồ đáp “Ta chẳng sợ gì cả nhưng mấy năm trước ăn vụng cơm ở phía bắc núi, bị một người đội nón rộng cầm một món binh khí cong cong đánh cho suýt chết, đến nay còn sợ”.
Cô gái nói lại với cha, người cha muốn tìm người ấy, nhưng không biết tên họ quê quán nên không sao tìm được. Gặp lúc người đầy tớ có việc tới thôn núi, tình cờ kể lại, cạnh đường có một người nói “Chuyện này rất khớp với việc ta gặp năm trước, không ngờ con hồ ấy đến nay lại biết phép thuật tác quái à?” Người đầy tớ lấy làm lạ về báo, cha cô gái mừng rỡ, lập tức sai mang ngựa qua đón người làm ruộng về, kính cẩn cầu khẩn. Người làm ruộng cười nói “Chuyện năm trước ta gặp thì đúng như thế, nhưng chưa chắc đúng là con hồ này, vả lại nó đã biết biến hóa để tác quái thì có sợ gì một người làm ruộng?”. Người cha cô gái cứ ép, y bèn ăn mặc như trước, bước vào phòng cô gái chống bừa quát !Ta tìm ngươi lâu nay mà không được, ngươi lại trốn ở đây à? Hôm nay thì phải giết không tha!”. Nói xong thì nghe trong phòng có tiếng hồ kêu lên, người làm ruộng lại càng làm ra vẻ dữ tợn, hồ bèn năn nỉ xin tha mạng. Người làm ruộng quát “Vậy thì cút mau, tha cho ngươi đấy” Cô gái thấy hồ ôm đầu chạy mau, từ đó không bị nó quấy nhiễu nữa.
345. Cô Gái Ở Trường Trị
(Trường Trị Nữ Tử)
Trần Hoan Lạc người đất Trường Trị huyện Lộ (tỉnh Sơn Đông) có đứa con gái rất thông minh xinh đẹp. Có người đạo sĩ khất thực liếc nhìn rồi bỏ đi, từ đó hàng ngày cứ cầm bát xin ăn ở chợ gần đó. Chợt thấy một người mù từ nhà Trần bước ra, đạo sĩ rảo chân theo hỏi đi đâu, người mù đáp vào bói cho nhà họ Trần. Đạo sĩ nói “Nghe nói nhà ấy có một con gái, người anh em họ ngoại của ta muốn nhờ mai mối dạm hỏi, nhưng chưa biết tuổi cô ta”. Người mù nói cho biết, đạo sĩ bèn chào rồi đi. Vài hôm sau, cô gái đang ngồi thêu trong phòng, chợt thấy hai chân tê rần, dần dần tê lên tới đùi, rồi tới lưng, trong chớp mắt ngã gục xuống ngất đi. Hơn một khắc thì tỉnh lại, vội vàng đứng lên, định tìm mẹ để kể, nhưng ra tới cửa thì thấy chung quanh mênh mông sóng nước đen ngòm, chỉ có một con đường thẳng như sợi dây, hoảng sợ quay lại thì thấy nhà cửa phòng ốc đã chìm vào trong sóng nước. Lại nhìn lại trên đường thì vắng ngắt không người, chỉ có một mình đạo sĩ đang thong thả bước phía trước, nàng vội đuổi theo, thấy là người cùng xứ bèn kể lại mọi việc. Đi được vài dặm thì thấy nhà cửa làng xóm, nhìn lại thì là nhà mình, nàng hoảng sợ nói “Lặn lội vất vả như thế mà vẫn ở trong làng mình, sao lại mê man tới thế này chứ?”.
Rồi mừng rỡ vào nhà, cha mẹ vẫn chưa về, lại trở về phòng mình, thì đôi giày thêu dở còn trên giường, thấy mệt mỏi bèn lên giường ngồi nghỉ. Đạo sĩ chụp lấy cô gái đè xuống, nàng muốn kêu nhưng không thành tiếng, đạo sĩ rút dao sắc mổ bụng móc lấy quả tim cô gái. Cô gái thấy hồn phách phiêu diêu đứng ra ngoài xác nhìn quanh thì nhà cửa đều đổi khác, chỉ có gò núi trùng điệp. Nhìn lại đạo sĩ thì y đang cầm quả tim của mình chấm lên một pho tượng gỗ, lại chỉ vào pho tượng đọc thần chú mấy lần, nàng biết rằng pho tượng ấy chính là mình. Đạo sĩ dặn “Từ nay trở đi phải nghe lệnh ta, không được sai trái”, rồi mang pho tượng đi. Họ Trần mất con gái, cả nhà hoảng hốt đi tìm, tới núi Ngưu Đầu mới nghe người ở đó đồn rằng dưới núi có xác một cô gái bị móc mất quả tim. Trần vội chạy mau tới xem thì đúng là con gái mình, khóc lóc lên kêu với quan huyện. Quan huyện bắt bớ tra xét dân quanh núi mấy lần cũng không được chút manh mối nào, bèn tập trung những người bị nghi ngờ để tra hỏi lại.
Đạo sĩ đi được vài dặm, ngồi nghỉ dưới một gốc dương liễu cạnh đường, chợt nói với cô gái “Bây giờ sai ngươi đi làm việc lần đầu, là tới huyện đường dò xét việc hỏi cung lại những người bị nghi ngờ. Tới đó thì phải núp trên gác, nếu thấy quan huyện dùng ấn thì phải chạy ngay, nhớ không được quên. Hẹn cho ngươi giờ Thìn đi giờ Ngọ về, chậm một khắc thì ta đâm một mũi kim vào tim ngươi cho biết mùi đau đớn, chậm hai khắc thì đâm hai mũi, tới mũi thứ ba thì hồn phách ngươi cũng tan mất luôn đấy”. Cô gái nghe thế run cầm cập, kế phấp phới theo gió bay đi. Trong chớp mắt đã tới hành lang huyện đường, theo đúng lời dặn lên núp trên gác. Lúc ấy những người quanh núi Ngưu Đầu đang quỳ la liệt dưới thềm, chưa tra hỏi gì thì có công văn đưa lên đóng ấn, cô gái chưa kịp chạy thì ấn đã rút ra khỏi hộp. Cô gái lập tức thấy thân hình nặng nề yếu ớt, không kìm được rùng mình một tiếng soạt như tờ giấy. Mọi người đều ngạc nhiên ngẩng nhìn. Quan huyện ra lệnh nhấc chiếc ấn lên lần nữa, lại có tiếng kêu như trước, nhấc tới lần thứ ba thì cô gái rơi xuống đất vang lên thành tiếng, mọi người đều nghe rõ. Quan huyện đứng dậy khấn “Oan hồn cứ bẩm rõ việc oan khuất ta sẽ làm sáng tỏ cho”. Cô gái cất tiếng ho bước lên, thuật rõ việc đạo sĩ giết mình bắt hồn sai khiến ra sao, sai mình tới đây dò xét thế nào.
Quan huyện sai người đuổi mau theo, tới chỗ cây dương liễu quả thấy đạo sĩ đang ở đó, bèn bắt giải về, hỏi cung một lần y đã cúi đầu nhận tội, những người bị nghi ngờ đều được thả về. Quan huyện hỏi cô gái đã được làm sáng tỏ cái chết oan khuất rồi, định sẽ đi đâu, cô gái đáp “Xin theo đại nhân”. Quan huyện nói “Công thự chỗ ta đây không có nơi nào ngươi ở được, thôi cứ tạm thời về lại nhà ngươi đi”. Hồi lâu cô gái nói “Công thự là nhà ta, thôi ta vào đây”. Quan huyện lại hỏi thì không nghe gì nữa, vào nhà trong thì phu nhân vừa sinh con gái.