Home Liêu Trai Chí Dị – 357 – 362 -: Tửu Lệnh Của Ma (Quỷ Lệnh)

– 357 – 362 -: Tửu Lệnh Của Ma (Quỷ Lệnh)

Giáo thụ Triển tiên sinh tiêu sái phóng khoáng có phong độ danh sĩ, nhưng uống rượu say là bất chấp lễ nghi. Cứ mỗi lần uống rượu về lại phi ngựa vào sân miếu thờ Khổng Tử. Trong sân có nhiều cây bách cổ, một hôm Triển phi ngựa húc vào cây vỡ đầu tự nói “Tử Lộ* giận ta vô lễ, đánh vỡ đầu ta rồi”, nửa đêm thì chết. Trong huyện có Mỗ Ất buôn bán ở làng ấy, đêm ngủ ở một ngôi chùa cổ, đêm vắng không người, chợt thấy bốn năm người mang rượu vào uống, Triển cũng có trong số đó. Rượu được vài tuần, có người lấy chữ làm tửu lệnh, đọc:

*Tử Lộ: tên Trọng Do, học trò giỏi của Khổng tử, tính cương trực quả cảm, được Nho gia thờ chung trong Văn miếu với Khổng tử.

Chữ Điền không đủ cùng

Chữ Thập ở bên trong

Chữ Thập đưa lên ngọn

Chữ Cổ được đầy chung

Một người đọc:

Chữ Hồi không đủ cùng

Chữ Khẩu ở bên trong

Chữ Khẩu đưa lên ngọn

Chữ Lữ được đầy chung

Một người đọc:

Chữ Linh không đủ cùng

Chữ Lệnh ở bên trong

Chữ Lệnh đưa lên ngọn

Chữ Hàm được đầy chung

Lại một người đọc:

Chữ Khốn không đủ cùng

Chữ Mộc ở bên trong

Chữ Mộc đưa lên ngọn

Chữ Hạnh được đầy chung

Sau cùng tới Triển, Triển nghĩ không ra, mọi người cười nói “Không đọc được thì phải chịu phạt, uống một chén lớn đi”.

Triển nói “Ta nghĩ được rồi”, rồi đọc:

Chữ Viết không đủ cùng

Chữ Nhất ở bên trong

Mọi người cười hỏi “Suy ra là chữ gì?”, Triển uống cạn chén rồi đọc tiếp:

Chữ Nhất đưa lên ngọn

Một hớp đầy một chung*

*Tất cả các bài thơ trước đều dùng một lối chiết tự như nhau, như chữ điền gồm chữ khẩu ở ngoài và chữ thập ở trong, đưa chữ thập lên trên chữ khẩu thành chữ cổ. Riêng bài của nhân vật họ Triển thì chiết tự chữ viết lại không ra chữ gì mà lại thành hai chữ nhất khẩu (một hớp).

Mọi người cười ran, không bao lâu thì ra về. Ất không biết là Triển chết, nghĩ thầm rằng chắc bị bãi chức về. Đến khi về tới làng hỏi thăm, thì Triển chết đã lâu, mới biết rằng mình đã gặp ma.

 

358. Diêm Vương Đãi Tiệc

(Diêm La Yến)

Thiệu sinh ở huyện Tĩnh Hải (tỉnh Hà Bắc) nhà nghèo, gặp ngày sinh nhật của mẹ, sắm sửa rượu thịt ra cúng ở sân. Lạy xong đứng dậy thì thức ăn bày trên bàn đã hết sạch. Vô cùng hoảng sợ, đem chuyện kể với mẹ, mẹ ngờ vì túng thiếu không thể làm lễ chúc thọ nên bịa đặt ra như vậy, Thiệu im lặng không biết làm sao phân trần. Không bao lâu sau, quan Học sứ đích thân đi khảo thí học trò các phủ huyện, Thiệu khổ sở không có tiền ăn đường nhưng chạy mượn được món tiền nhỏ ra đi. Trên đường gặp một người chờ bên vệ đường mời mọc rất ân cần. Thiệu đi theo, thấy điện gác lâu đài xếp lớp trên đường. Vào tới nơi, thấy một bậc vương giả ngồi trên điện, Thiệu lạy phục xuống. Vương hòa nhã bảo ngồi, rồi mời ăn tiệc, nhân nói “Lần trước đi ngang quý thự, vì bọn người hầu đi đường đói khát quá nên có ăn vụng bàn tiệc của ông”. Thiệu ngạc nhiên không hiểu, Vương nói “Ta là Diêm Vương đây, ông không nhớ hôm mừng thọ lệnh đường à?”. Ăn tiệc xong, đưa cho Thiệu một đồng tiền, nói “Có chút ít, gọi là cám ơn lần trước”. Thiệu nhận lấy trở ra, thì cung điện nhân vật trong phút chốc biến mất cả, chỉ có vài cây đại thụ sừng sững bên đường. Nhìn lại đồng tiền thì là vàng ròng, đem cân được năm lượng. Khảo thí xong, Thiệu chỉ tiêu hết có một nửa, còn bao nhiêu đem về nuôi mẹ.

359. Ngựa Trong Tranh

(Họa Mã)

Thôi sinh ở huyện Lâm Thanh (tỉnh Sơn Đông) nhà rất nghèo, tường quanh sân sụp lở không sửa được. Cứ sáng dậy lại thấy một con ngựa vào nằm trên bãi cỏ đẫm sương, lông đen vằn trắng, chỉ có lông đuôi không đều, như là bị lửa cháy sém vậy. Đuổi đi thì đêm lại vào nằm, không biết từ đâu tới. Thôi có người bạn thân làm quan ở đất Tấn (vùng Sơn Tây), vẫn thường muốn tới thăm nhưng không đi bộ nổi. Bèn bắt con ngựa thắng yên cương cưỡi đi, dặn người nhà rằng “Nếu có ai tìm ngựa, thì nói là ta mượn qua đất Tấn”. Ra tới đường, con ngựa phóng như bay, trong chớp mắt đã được trăm dặm. Đêm vào nhà trọ, nó không chịu ăn rơm cỏ, Thôi cho là bị bệnh. Hôm sau buộc lại không cưỡi, nhưng con ngựa giẫm chân phì bọt mép, dáng mạnh mẽ hung hăng như hôm qua, Thôi lại cưỡi lên, trưa đã tới đất Tấn. Lúc ấy Thôi đi trên đường phố, ai nhìn thấy cũng khen ngợi con ngựa. Tấn vương nghe đồn, hỏi mua với giá cao, Thôi sợ người mất ngựa tìm tới nên lấy cớ từ chối. Được nửa năm chẳng thấy ở nhà nhắn gì, Thôi bèn bán con ngựa cho Tấn vương được tám trăm đồng vàng, rồi mua một con ngựa khỏe cưỡi về.

Về sau Tấn vương có chuyện gấp sai viên Hiệu úy cưỡi con ngựa tới Lâm Thanh, con ngựa giật dây chạy, viên Hiệu úy đuổi vào tới nhà láng giềng của Thôi thì không thấy đâu nữa. Hỏi chủ nhà họ Tăng, thì ông ta không thấy. Đến lúc vào trong phòng, thấy trên vách treo một bức tranh vẽ ngựa của Tử Ngang* chỉ có một con, màu lông giống hệt, chỗ đuôi bị khói hương cháy sém, mới chợt hiểu ra rằng con ngựa là yêu quái trong bức tranh. Viên Hiệu úy không biết làm sao về phục mệnh với Tấn vương, bèn kiện Tăng. Lúc bấy giờ Thôi được số tiền bán ngựa đem về làm ăn đã trở nên giàu có, bèn tình nguyện bỏ tiền ra đền thay Tăng cho viên Hiệu úy trở về. Tăng vô cùng biết ơn, nhưng không biết Thôi là người bán con ngựa cho Tấn vương năm trước.

* Tử Ngang: tức Trần Tử Ngang, nhà thơ và họa sĩ nổi tiếng thời Đường.

360. Thả Bướm

 (Phóng Điệp)

Tiến sĩ Vương Đẩu Sinh người huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) làm Tri huyện, cứ xử kiện thì định tội nặng nhẹ theo pháp luật rồi bắt nộp bướm để chuộc tội. Hàng vạn con bướm đem tới sân công đường thả ra cùng lúc, như gấm vụn bị gió cuốn bay đầy trời, Vương thì vỗ bàn cười lớn. Một đêm mơ thấy một cô gái xiêm y lộng lẫy thong thả bước vào nói “Gặp phải chính sự bạo ngược của ông nên chị em ta đã chịu khổ nhiều, cũng phải cho ông nếm mùi trừng phạt nhẹ trước về cái tội phong lưu!”. Nói xong biến thành con bướm chập chờn bay đi. Hôm sau Vương đang uống rượu một mình trong công thự, chợt nghe báo có quan Trực chỉ sứ tới, vội vã ra đón. Trước đó thê thiếp đùa lấy hoa giắt lên mão, Vương vội vàng nên quên bỏ ra. Trực chỉ sứ thấy thế, cho là khinh nhờn, chữi mắng một trận mới cho về. Từ đó Vương bỏ luôn lệ chuộc tội bằng bướm.

Vu Trọng Dần ở Thanh Thành, tính phóng túng ngông cuồng. Lúc làm Tư lý, ngày tết Nguyên đán lấy pháo tre buộc khắp từ đầu tới đuôi con lừa rồi dắt tới dinh quan Thái thú, gõ cổng xin vào gặp, nói “Xin dâng con lừa pháo, mời quan ra xem một lúc”. Lúc ấy Thái thú có đứa con trai cưng đang bị lên đậu, thấy khó chịu nên từ chối. Vu cứ nằng nặc xin gặp, Thái thú bất đắc dĩ sai mở cổng. Cánh cổng vừa mở, Vu châm ngòi pháo rồi đẩy con lừa vào. Pháo nổ, con lừa phát hoảng lồng lên phóng bừa, lại thêm lửa bắn tứ tung, không ai dám tới gần bắt lại. Con lừa băng qua phòng khách chạy tuông vào phòng ngủ, đạp vỡ hết lọ hoa bình trà, lửa bén vào cửa sổ, người nhà hoảng sợ la thét, đứa nhỏ bị đậu thất kinh, qua đêm thì chết. Thái thú đau xót căm hờn, toan hặc tội cách chức. Vu nhờ các ty đạo cùng đi năn nỉ giùm, tới công đường xin chịu tội mới được tha.

361. Người Vợ Ma

(Quỷ Thê)

Nhiếp Bằng Vân ở huyện Thái An (tỉnh Sơn Đông) có vợ là Mỗ, vợ chồng rất đầm ấm. Người vợ bị dịch chết, Nhiếp bỏ ăn bỏ ngủ, ngơ ngẩn như mất hồn. Một đêm đang ngồi một mình, chợt người vợ đẩy cửa bước vào, Nhiếp sợ hãi hỏi sao lại tới đây? Vợ đáp “Thiếp là ma rồi, cảm vì lòng chàng nhớ thương nên năn nỉ xin Diêm Vương cho về gặp gỡ”. Nhiếp mừng rỡ đỡ lên giường, nhất thiết đều như lúc trước không có chi khác. Từ đó khi đi khi tới hơn một năm Nhiếp cũng chẳng nói gì tới chuyện lấy vợ. Chú bác anh em sợ không có người nối dõi, đều ngầm khuyên Nhiếp nên tục huyền. Nhiếp nghe theo, đưa sính lễ tới hỏi con gái một nhà lương thiện, nhưng sợ vợ không vui nên giấu. Không bao lâu sắp đến ngày cưới, ma biết chuyện trách “Ta vì tình chàng mà cam chịu tội chốn u minh, nay chàng lại nuốt lời thề ước, người trong nòi tình lại như thế à?”. Nhiếp nói rõ ý tứ của họ hàng, ma vẫn không vui, cương quyết vĩnh biệt.

Nhiếp tuy thương xót nhưng nghĩ lại thấy thế vẫn hơn. Đêm cưới, vợ chồng đang nằm với nhau, ma chợt tới, leo lên giường đánh người vợ mới, chữi “Sao dám nằm vào giường của ta”. Người vợ mới cũng vùng dậy níu kéo cấu xé nhau, Nhiếp không dám bênh vực bên nào. Không bao lâu gà gáy, ma mới đi. Người vợ mới ngờ là vợ Nhiếp vốn chưa chết, cho rằng mình bị lừa, định treo cổ tự tử, Nhiếp kể lại mọi chuyện, người vợ mới mới biết đó là ma. Trời tối ma lại tới, người vợ mới sợ hãi tránh mặt. Ma cũng không ngủ chung với Nhiếp, chỉ lấy tay cào cấu, chán rồi thì ngồi bên đèn nhìn Nhiếp trừng trừng, im lặng không nói một tiếng. Cứ thế mấy đêm liền, Nhiếp sợ quá, nhờ người thầy pháp giỏi ở thôn bên cạnh lấy gỗ đào vẽ bùa làm hàng rào đóng chặt xuống bốn góc ngôi mộ người vợ trước, từ đó ma mới không tới nữa.

 

362. Nghề Y

 (Y Thuật)

Họ Trương là dân nghèo ở huyện Nghi Thủy (tỉnh Sơn Đông), đi đường gặp một đạo sĩ giỏi thuật xem tướng xem cho, nói “Ông có thể nhờ nghề nghiệp mà làm giàu. Trương hỏi “Nên làm nghề gì?”, đạo sĩ xem kỹ rồi đáp “Nghề thuốc thì được”. Trương nói “Ta không biết chữ, làm sao làm nổi?”, đạo sĩ cười nói “Ông ngây thơ quá, các bậc danh y nào phải có nhiều kẻ nhờ biết chữ đâu? Chỉ cần làm thôi!”. Trương về nhà, nghèo quá không có nghề nghiệp gì để sống, bèn hái các bài thuốc lá linh tinh đem ra chợ bày bán, làm một quầy thuốc nhỏ kiếm sống lần hồi, người ta cũng chưa thấy có gì hay. Gặp lúc Thái thú phủ Thanh Châu mắc bệnh ho, gởi công văn sai tìm thầy thuốc. Huyện Nghi Thủy vốn quê mùa nhỏ hẹp, ít có thầy thuốc, nhưng quan huyện không dám tắc trách, sai các làng tìm thầy thuốc, người ta đều đề cử Trương, quan huyện lập tức gọi tới. Trương vừa bị bệnh ho có đờm không tự chữa được, nghe lệnh sợ quá từ chối, quan huyện không nghe, sai đem ngựa trạm đưa lên phủ.

Đường đi ngang qua núi sâu, Trương khát nước ho càng dữ, bèn vào thôn xin nước uống. Nhưng thôn trong núi nước quý như vàng, xin khắp vẫn không ai cho. Chợt thấy một người đàn bà rửa rau, rau nhiều nước ít, nước trong chậu đục như bùn. Trương khát quá chịu không nổi, xin nước ấy uống bừa. Trong khoảnh khắc thấy hết khát, cũng hết cả ho, thầm nghĩ đây là phương thuốc hay. Tới phủ thì thầy thuốc các huyện đã xúm vào chữa nhưng Thái thú vẫn không đỡ. Trương vào, xin ở chỗ kín đáo rồi ra đơn thuốc, xin truyền thị khắp trong ngoài, sai người vào dân tìm đủ thứ rau cỏ, đem rửa rồi lấy nước bùn đất dâng lên, Thái thú chỉ uống một lần là hết bệnh. Thái thú mừng rỡ, thưởng cho rất hậu, ban cho biển ngạch chữ vàng để biểu dương. Từ đó Trương rất nổi tiếng, người tới chữa bệnh đông như họp chợ trước cửa, mà cứ theo tay bốc thuốc là khỏi. Có người bị thương hàn kể bệnh xin thuốc, gặp lúc Trương đang say đưa lầm cho thuốc sốt rét, tỉnh rượu mới nhớ ra nhưng không dám nói cho ai biết. Ba ngày sau lại có người đem lễ rất hậu tới cảm tạ, hỏi ra thì người bị thương hàn uống thuốc sốt rét nôn mửa một trận rồi hết bệnh, những chuyện như thế rất nhiều: Trương vì vậy cũng sợ nên chữa bệnh ít đi, lại càng có tiếng là tự trọng, nếu người ta không đem vàng ròng kiệu lớn tới mời thì không đi thăm bệnh.

Họ Hàn ở huyện Ích Đô (tỉnh Sơn Đông) là bậc danh y. Lúc chưa nổi tiếng, bán lá thuốc dạo khắp nơi, gặp hôm trời tối không có nơi trọ, xin vào ngủ nhờ nhà nọ. Con trai nhà ấy bị thương hàn gần chết, chủ nhà xin Hàn chữa cho. Hàn nghĩ nếu không chữa thì khó mà ngủ nhờ, nhưng chữa thì không biết cho thuốc thế nào. Đi tới đi lui nghĩ ngợi, lấy tay gãi lưng, cáu ghét và mồ hôi kết thành một mảng bèn vo viên lại, nghĩ rằng cho người bệnh uống cũng vô hại, sáng ra mà không bớt thì đêm nay mình cũng được ăn no ngủ yên rồi, bèn đưa ra. Nửa đêm, chủ nhà đập cửa phòng rất gấp, Hàn nghĩ người bệnh đã chết, cho là sẽ bị đánh đập chửi mắng, hoảng sợ vùng dậy leo qua tường chạy. Chủ nhà đuổi theo mấy dặm, Hàn không sao chạy thoát bèn dừng lại, mới được biết rằng người bệnh đã ra mồ hôi khỏi hẳn rồi. Chủ nhà kéo Hàn về, mời tiệc rất long trọng, lúc Hàn đi lại tặng cho rất hậu.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x