— 41 –: Lâm Tứ Nương (Lâm Tứ Nương)
Ông Trần Bảo Thược làm quan ở đạo Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) là người đất Mân (tỉnh Phúc Kiến) đêm ngồi một mình, có cô gái vén rèm bước vào. Nhìn ra thì không quen mà rất đẹp, tay áo dài như lối trong cung cười nói “Đêm thanh ngồi một mình không buồn à?”. Ông giật mình hỏi là ai, nàng đáp “Nhà thiếp không xa, chỉ bên xóm tây”. Ông đoán là ma nhưng lòng yêu thích bèn kéo áo mời ngồi, thấy trò chuyện rất phong nhã. Ông thích lắm ôm lấy, cũng không kháng cự gì lắm, chỉ ngoảnh lại hỏi “Ở đây không có ai khác sao?”. Ông vội khép cửa đáp không. Giục cởi áo xiêm, nàng có vẻ thẹn thùng sợ sệt, ông phải ân cần cởi giúp cho. Nàng nói “Thiếp nay hai mươi tuổi, vẫn còn là xử nữ, mạnh bạo quá thì không chịu nổi”. Giao hoan xong thấy máu đỏ vấy ra chiếu, kế dựa gối cùng trò chuyện, tự nói là Lâm Tứ Nương. Ông hỏi kỹ, nàng nói “Một tấm kiên trinh đã để cho chàng khinh bạc mà mất hết, nếu yêu thương thiếp thì chỉ cần tính chuyện lâu dài với nhau là được, hỏi lằng nhằng làm gì?”
Không bao lâu gà gáy, nàng trở dậy ra đi. Từ đó đêm nào cũng tới, thường đóng cửa uống rượu, nói tới âm luật thì nàng hiểu hết cung bậc. Ông đoán chắc hát rất hay, nàng nói “Lúc còn nhỏ vốn được học”. Ông xin hát cho nghe một khúc, nàng nói “Đã lâu không đụng tới âm nhạc, cung bậc quên mất quá nửa, sợ người hiểu biết cười cho”. Ông cố nài ép, nàng bèn cúi đầu gõ nhịp, hát khúc châu Y châu Lương, giọng rất thê thiết, hát xong rơi nước mắt. Ông cũng chua xót, ôm nàng an ủi “Nàng đừng vì cái âm nhạc mất nước ấy mà buồn khiến người ta mất vui”. Cô gái nói “âm thanh là để tỏ ý, người buồn không thể bắt vui, cũng như người vui không bắt buồn được”. Hai người thân thiết còn hơn cả vợ chồng, lâu ngày người nhà nghe trộm, nghe thấy tiếng hát đều rơi nước mắt. Phu nhân nhìn trộm dung mạo, nghi là trên đời không có người đẹp đến như thế, không phải ma ắt là hồ, sợ sẽ gieo tai họa bèn khuyên ông dứt tình.
Ông không nghe, chỉ hỏi kỹ gốc tích cô gái. Nàng buồn rầu nói “Thiếp là Cung nhân trong Hành phủ, gặp tai biến mà chết mười bảy năm rồi. Nghĩ chàng cao nghĩa nên gửi thân kết tình, thật không dám làm hại chàng. Nếu nghi ngờ thì xin giã biệt từ đây”. Ông nói “Ta không hiềm nghi gì, nhưng đã yêu thương nhau như vậy thì phải biết rõ sự thật thôi”. Bèn hỏi việc trong cung thuở trước, cô gái kể rành rọt nghe rất thú vị, kể tới lúc suy vi thì nức nở nói không nên lời. Cô gái ít ngủ, hàng đêm cứ trở dậy tụng kinh Chuẩn đề, Kim cang. ông hỏi “Ở chín suối cũng có thể tự sám hối sao?” nàng đáp “Cũng như nhau cả, thiếp nghĩ trọn đời luân lạc nên muốn kiếp sau được giải thoát thôi”.
Lại cùng ông phẩm bình thi từ, chỗ nào dở là chê, gặp câu hay thì cất tiếng ngâm nga, ý khí phong lưu khiến người nghe quên mỏi mệt. Ông hỏi có hay thơ không thì đáp “Lúc sống ngẫu nhiên cũng có làm” ông đòi viết tặng cho mình, nàng cười nói “Lời thơ của đàn bà con trẻ đâu đủ đến tai bậc cao nhân?”. Được ba năm, một đêm chợt nàng buồn rầu từ biệt. Ông giật mình hỏi, nàng cười đáp “Diêm Vương nói thiếp kiếp trước không có tội mà vẫn không quên tụng kinh nên cho thác sinh làm con vua, đêm nay là vĩnh biệt, không còn gặp lại nhau nữa đâu”.
Nói xong buồn rầu, ông cũng rơi lệ. Bèn bày rượu cùng uống với nhau cho thật say, cô gái ngậm ngùi cất tiếng hát, âm điệu đau xót, mỗi tiếng mỗi tiếng đều thay đổi cung bậc, tới chỗ thương tâm thì nức nở, dừng lại mấy lần mới hát trọn khúc. Rượu cũng không sao uống say, đứng lên bồi hồi định từ biệt. Ông cố giữ lại, nàng ngồi thêm một lúc, chợt nghe tiếng gà gáy bèn nói “Không thể ở lại lâu nữa rồi. Chàng vẫn trách thiếp không chịu dâng lời thơ dở, nay sắp vĩnh biệt, xin viết qua một bài”. Rồi đòi giấy bút, viết xong nói “Lòng đau ý loạn, không thể cân nhắc câu chữ, tiếng dở luật sai xin cẩn thận đừng đưa người khác xem” rồi lấy tay áo che mặt bước ra. Ông tiễn ra tới ngoài cổng, nàng tan đi như làn khói mất dạng. Ông đau xót hồi lâu, nhìn tới bài thơ thấy chữ viết ngay ngắn đẹp đẽ, trân trọng cất đi. Thơ rằng:
Tĩnh tọa thâm cung thập thất niên,
Thùy tương cố quốc vấn thanh thiên.
Nhàn khan điện vũ phong kiều mộc,
Khấp vọng quân vương hóa đỗ quyên.
Hải quốc ba đào tà tịch chiếu,
Hán gia tiêu cổ tĩnh phong yên.
Hồng nhan lực nhược nan vi lệ.
Huệ chất tâm bi chỉ vấn thiên.
Nhật tụng Bồ đề thiên vạn cú,
Nhàn khan bối diệp lưỡng tam thiên.
Cao xướng Lê viên ca đại khốc,
Thỉnh quân độc thính diệc tàm nhiên.
(Mười bảy năm trời xót nỗi niềm
Lòng đau nước cũ trách trời nghiêng
Rảnh nhìn điện gác buồn cây cỏ
Khóc nhớ quân vương xót đỗ quyên
Sóng vỗ bể xa vầng nhật xế
Nhạc lừng cung Hán khói mây yên
Má hồng sức yếu khôn làm quỷ
Chất huệ lòng đau chỉ hỏi thiền
Ngày đọc Bồ đề ngàn vạn chữ
Nhàn xem Bối diệp mấy mươi thiên
Cất khúc Lê viên thay tiếng khóc
Xin ông giữ kín chút niềm riêng)
Lời thơ trùng lắp sai luật, ngờ là người chép lại bị lầm. Xét bộ Trì bắc ngẫu đàm của tiên sinh Vương Ngư Dương cũng chép truyện này nhưng bài thơ thì là Đường luật, Lư Nhã Vũ tiên sinh ở Đức Châu có đưa vào tập Sơn Tả thi sao, nên chép thêm vào đây để so sánh.
Trần Bảo Thược tự Lục Nhai người đất Mân, làm Quan sát Thanh Châu. Một hôm ngồi trong thư trai, chợt có a hoàn khoảng mười bốn mười lăm tuổi dung mạo rất đẹp vén rèm bước vào nói “Lâm Tứ Nương yết kiến”. Trần kinh ngạc, không biết nguyên do, đang ngần ngừ thì Tứ Nương đã tới trước mặt nói câu vạn phúc, búi tóc mặc áo đỏ thêu nửa tay áo, mang hài mỏ phượng, lưng đeo song kiếm. Trần ngờ là bậc hiệp khách tiên cô, bất đắc dĩ vái chào mời ngồi. Tứ Nương nói “Thiếp là cung tần cũ trong phủ Hành, quê ở Kim Lăng. Xưa Hành vương đem ngàn vàng cưới thiếp về cho ở trong hậu cung, sủng ái khác hẳn mọi ngưòi, không may chết sớm, chôn ở trong cung. Không đầy vài năm nước mất, vương lên bắc. Hồn thiếp còn lưu luyến mộ cũ, nay cung điện hoang vu, muốn mượn đình quán của ông để tiếp khách, vốn không có ích gì cho ông, nhưng cũng không có gì hại cho ông”, Trần dạ dạ.
Từ đó mỗi ngày tới một lần, mỗi khi bày tiệc, lúc đầu không thấy tân khách, nhưng nghe thấy tiếng cười nói thù tạc. Lâu ngày bày tiệc mời Trần và mấy người Công xa đồng hương với Trần. Mười mấy người trên tiệc chuốc rượu mừng, không khác gì người thường, nhưng cũng không biết là từ đâu tới. Rượu say, Tứ Nương kể lại chuyện cũ trong cung, bi thương khôn xiết, gõ nhịp mà hát, âm thanh rất ai oán, cả tiệc nước mắt đẫm áo mà tan. Như thế hơn năm, một hôm nàng buồn bã như sắp chia tay, nói với Trần “Thiếp trần duyên đã hết, phải tới núi Chung Nam, vì ông hậu tình, nên tới chia tay một lần”, từ đó không tới nữa. Có một quyển thơ, Tư khấu Lý Ngũ Huyền người Trường Sơn có bản sao, lại có Hội nguyên Trần Chu Lượng ghi được một bài. Thơ rằng:
Tĩnh tọa thâm cung ức vãng niên,
Lâu đài tiêu cô biến phong yên.
Hồng nhan lực bạc nan vi lệ.
Hắc hải tâm bi chỉ hoc thiền.
Tế độc Liên hoa thiên bách kệ,
Nhàn khan bối diêp lưỡng tam thiên.
Lê viên cao xướng thăng bình khúc,
Quân thí thinh (thính) chi diệc võng nhiên.
(Ngồi lặng cung sâu xót nỗi niềm
Lâu đài ngày cũ khói mây nghiêng
Má hồng sức yếu khôn làm quỷ
Biển tối lòng đau chỉ học thiền
Khẽ đọc Liên hoa ngàn vạn chữ
Nhàn xem Bối diệp mấy mươi thiên
Lê viên cao khúc thanh bình trước
Ông nếu nghe xong cũng sẽ quên)
Phụ: Bài Ký Về Lâm Tú Nương Của Lâm Tây Trọng (Vân Minh).
(Lâm Tây Trọng Vân Minh Lâm Tứ Nương Ký)
Ông Ngô Bảo Thược ở Tấn Giang (tỉnh Phúc Kiến) tự Lục Nhai, năm Khang Hy thứ 2 (1663) làm quan Thiêm sự ở đạo Thanh Châu tỉnh Sơn Đông, đêm cứ nghe có tiếng gõ cửa, lên tiếng hỏi thì không ai đáp. Tên đầy tớ tức tối không chịu nổi cầm giáo rình đâm. Đêm ấy chỉ nghe tiếng chửi mắng, xô cửa giữa xông ra thì là một con quỷ mặt xanh nanh dài cởi trần đứng sừng sững, đầu cao tới tận chái nhà, y hoảng sợ vứt giáo ngã lăn ra đất. Trần vội bước ra quát “Đây là công thự của triều đình, ngươi là yêu quái ở đâu dám tới quấy nhiễu?”. Quỷ cười nói “Nghe quý nô bộc định giết nên tới chịu chết”. Trần tức giận định gọi quân bắt giết, vừa nghĩ thì quỷ đã cười nói “Gọi quân bắt ta, sao mưu kế kém cỏi thế?”.
Trần càng tức giận, sáng ra điều hai ngàn quân tới giữ cổng. Đến đêm quỷ từ trong góc tường nhô ra, cao chừng ba thước, đầu to như cái bánh xe, miệng há to như cái thúng, hai mắt lóe sáng, bò rạp dưới đất, hơi lạnh toát ra gai người. Quân sĩ quát tháo bắn túi bụi, đạn lửa đều không cháy, tên bắn trúng thì không mũi nào cắm vào nó. Quỷ giật cung bắn trả, tên bay như mưa nhưng đều lướt qua đầu chứ không làm ai bị thương, quân sĩ bỏ chạy tán loạn. Trần lại mời thầy pháp về làm phép xua đuổi, đêm đến thầy pháp ngủ lại trong dinh. Lúc ấy là tháng chạp rất lạnh, Trần vừa đi nghỉ thì quỷ tới thẳng chỗ thầy pháp ngủ lột sạch chăn nệm quần áo thầy pháp sợ hãi kêu cứu, Trần bất đắc dĩ phải tới năn nỉ. Quỷ cười nói “Nghe nói thầy pháp cao tay lắm, nghĩ là có phép thuật mà tài nghề chỉ có bấy nhiêu thôi sao?” rồi ném trả quần áo. Hôm sau thầy pháp xấu hổ từ biệt ra đi.
Từ đó trong dinh cứ bị ném đá liệng ngói sớm tối không yên, có khi thấy tường sụp cột đổ mọi người vội tránh xa thì lại không có chuyện gì, Trần lo lắm. Sau ta có người bạn đồng niên là Lưu Vọng Linh lên kinh, đi ngang Thanh Châu hỏi biết chuyện bèn nói với Trần “Ông tự chuốc lấy tai họa đó thôi. Lý trong thiên hạ có dương ắt có âm, nếu không hấp tấp trừ yểm thì cũng không đến nỗi bị phá phách như vậy”, chưa dứt lời thì quỷ đã hiện ra lạy tạ. Lưu thấy hung ác đáng sợ bèn khuyên nên thay đổi dung mạo, quỷ lập tức bước vào phòng kín, giây lát trở ra thì là một giaì nhân tuyệt sắc, tóc mây búi cao, y phục đẹp đẽ tha thướt đi tới. Quần áo của nàng đều bằng thứ lụa long sa trơn láng mềm mại, cũng không thấy đường may, hương thơm sực nức không sao tả xiết. Nàng tự xưng là Lâm Tứ Nương, có một tớ trai tên Quán Đạo, một tỳ nữ tên Đông Cô, đều có bóng không có hình, chỉ Tứ Nương là không khác gì người sống.
Trần hàng ngày cùng nàng uống rượu làm vui, thân cận rất mực, chỉ không có chuyện kia nọ mà thôi. Phàm các công văn trong dinh phần lớn đều do nàng thảo ra, những án ngục khó xét lâu năm thì nàng dò xét rõ cả đầu đuôi, Trần ra xét một lần là ai cũng phục. Trần đi khảo thí thì nàng phẩm bình văn chương, xếp hạng trên dưới đều xứng đáng nên rất nổi tiếng.
Trước kia Trần chờ bổ nhiệm ở Yên Kinh có vay một người nhà buôn hai ngàn quan tiền, lúc ấy người nhà buôn bất ngờ tới đòi không sao trả được, xin trả một nửa nhưng y không chịu. Tứ Nương ra trách, nói “Trần công há phải là kẻ quịt nợ sao, chỉ vì nhất thời nên không đủ sức trả hết thôi. Người cứ nằng nặc đòi bằng được để đẩy ông vào chỗ mất danh dự thì có gì hay cho ngươi? Ta là ma đây, nếu không nghe lời thì ta sẽ gieo tai họa cho ngươi đấy”.Người nhà buôn vốn không tin chuyện ma quỷ nên cười nói “Nàng là người đẹp mà lấy chuyện ma quỷ dọa ta, nếu quả là ma thì phải biết nhà cửa nghề nghiệp của ta ở kinh” Tứ Nương nói “Nhà cửa nghề nghiệp của ngươi khó gì mà không biết. Ngươi gần đây có làm một việc nhơ nhuốc ở nơi nọ, ta nói ra chỉ sợ ngươi phải chết thôi”. Người nhà buôn hoảng sợ cáo từ ra về, Trần ngầm hỏi việc y làm nhưng rốt lại Tứ Nương vẫn không chịu nói ra, giấu điều xấu cho người như thế đấy.
Tính nàng ưa ngâm vịnh, thơ phú làm ra phần lớn có âm điệu thê lương cảm khái, người ta không nỡ đọc. Phàm những người ở đất Mân (tỉnh Phúc Kiến) tới thăm Trần thì nàng ắt cùng họ uống rượu vui đùa, khi chia tay là tặng thơ, trong có ẩn ngữ, về sau phần lớn đều nghiệm. Có một người học trò thích nàng xinh đẹp nên động tà niệm, Tứ Nương tức giận nói “Thằng mán rừng này thật vô lễ”, rồi ra lệnh “Phạt gậy!”. Người học trò chợt ngã lăn xuống đất kêu gào xin tha, hai mông đít đầy vết gậy đánh. Mọi người xin tha cho y, Tứ Nương bèn gọi tỳ nữ Đông Cô lấy thuốc cho y uống, lập tức không còn đau đớn gì nữa, rồi lại cùng nhau uống rượu vui vẻ như lúc đầu.
Trần hỏi đầu đuôi việc thành ma, Tứ Nương đáp “Ta là người huyện Bồ Điền (tỉnh Phúc Kiến) trong niên hiệu Sùng Trinh nhà Minh (1628 -1643). Trước cha ta làm quan giữ kho ở phủ Giang Ninh (tỉnh Nam Kinh), ăn cắp của kho bị hạ ngục. Ta cùng người anh con cậu hết sức chạy vạy, suốt nửa năm đi đâu cũng có nhau nhưng không hề có chuyện tư tình. Đến khi cha ta được tha lại nghi ngờ, ta bèn thắt cổ tự tử để chứng tỏ là không có chuyện gì, hồn phách cứng cỏi nên không tan. Vì có tình đồng hương với ông nên tới đây, cũng không phải là ngẫu nhiên đâu. Tính lại nàng ở dinh thự được mười tám tháng thì cáo từ, sau khi chia tay Trần nhớ tiếc mãi. Năm Khang Hy thứ 6 (1667) Trần được bổ làm Truyền dịch đạo ở Giang Nam, kể cho nghe chuyện này, dặn ta ghi lại.