Home Liêu Trai Chí Dị – 416 – 421 -: Diêu An (Diêu An)

– 416 – 421 -: Diêu An (Diêu An)

Diêu An là người huyện Lâm Thao (tỉnh Cam Túc), dáng người đẹp đẽ. Họ Cung ở cùng làng có con gái tự Lục Nga xinh đẹp lại biết chữ, nhiều người hỏi xin cưới không chịu, thường nói rằng “phải là người dòng dõi đẹp trai như chàng Diêu mới lấy”. Diêu nghe được, xô vợ xuống giếng chết, nói là bị rơi xuống, rồi cưới Lục Nga, rất thương yêu nhau. Nhưng vì cô gái đẹp nên Diêu nghi ngờ, cứ đóng chặt cửa giữ rịt trong nhà, nàng đi đâu cũng theo sát. Cô gái về thăm cha mẹ thì giang hai tay áo che chắn từ trong nhà ra tới cửa, nàng lên kiệu rồi thì buông rèm che kín mít, cưỡi ngựa theo sát phía sau, đến chiều tối thì giục về cùng mình. Cô gái bực bội nói “Ta mà lăng nhăng thì ông cấm cản được à?”. Diêu có việc đi khỏi nhà thì khóa cửa nhốt nàng trong phòng, cô gái càng chán ghét, bèn chờ lúc Diêu đi vắng, lấy ống khóa khác khóa cổng, cố ý làm Diêu nghi ngờ. Diêu về nhìn thấy cả giận, hỏi ống khóa lạ này ở đâu ra, cô gái bực bội nói không biết, Diêu càng ngờ vực, lại xét nét nhiều hơn.

Một hôm Diêu đi xa về nhà, rình nghe hồi lâu rồi mở khóa vào nhà, sợ có tiếng động nên rón rén vào phòng. Thấy có người đàn ông đội nón lông điêu nằm trên giường, tức giận cầm dao xông vào chém chết. Nhìn kỹ lại thì ra cô gái ngủ trưa sợ lạnh, lấy cái khăn lông điêu trùm kín mặt, cả sợ giẫm chân hối hận. Họ Cung căm giận kiện lên quan, quan bắt Diêu, tước bỏ khăn áo học trò đóng gông giam lại. Diêu phải bán điền sản hối lộ khắp cả trên dưới mới khỏi tội chết. Từ đó tinh thần mê muội, như là đánh mất vật gì. Một hôm đang ngồi một mình, chợt thấy cô gái cùng một người đàn ông mặt đầy râu ria ôm nhau đùa giỡn trên giường, căm giận tìm dao xông tới thì không thấy gì nữa. Ngồi lại chỗ cũ thì lại thấy như thế, tức giận quá cầm dao chém xuống giường, đứt nát cả chăn nệm, rồi tức tối cầm dao lên giường nằm chờ. Lại thấy cô gái đứng trước mặt nhìn mình cười, vùng dậy chém đứt đầu, nhưng nằm xuống lại thì vẫn thấy cô gái đứng đó cười như cũ. Ngày nào cũng thế, không sao chịu nổi, bèn bán hết nhà cửa ruộng vườn, tới ở nơi khác. Một đêm có bọn trộm khoét vách vào, cướp hết tiền bạc mang đi. Từ đó Diêu trở nên bần cùng, căm giận mà chết, người làng phải chôn cất qua loa cho.

Dị Sử thị nói: Yêu người mới mà giết vợ cũ, thật tàn nhẫn quá! Người ta chỉ biết là bị ma mới trả thù, chứ không biết đã bị ma cũ cướp hồn phách rồi. Ô hô, gọt chân cho vừa giày, không bại vong sao được?

417. Ông Hái Rau

(Thái Vi Ông)

Lúc nhà Minh mất, binh lửa liên miên, Lưu Chi Sinh ở huyện Ô Lăng (tỉnh Sơn Đông) họp quân vài vạn, định kéo về nam. Chợt có một người đàn ông to béo tới trước cửa trại, mặc áo rách hở cả bụng ra, xin vào gặp chủ soái. Lưu mời vào cùng trò chuyện, lấy làm ưa thích, hỏi tới họ tên thì tự xưng là ông hái rau. Lưu giữ lại giúp việc quân, lấy đao tặng cho, ông ta nói “Ta tự có binh khí tốt, chẳng cần cầm giáo mác”. Lưu hỏi binh khí ở đâu, ông ta kéo áo để hở bụng ra, lỗ rốn sâu có thể nhét được con gà vào. Ông ta nín hơi lấy tay đánh vào bụng, da rốn chợt khép lại, rồi thở phì ra thì trong rốn chợt lộ ra đốc kiếm, cầm lấy rút ra thì kiếm bén ngót sáng loáng như sương. Lưu cả kinh hỏi “Chỉ có thế thôi à?”, ông ta cười chỉ vào bụng nói “Đây là kho võ khí, cái gì lại không có”. Lưu bảo lấy cung tên ra xem, ông ta lại làm như trước, lấy ra một chiếc cung, lại nín hơi lần nữa thì một mũi tên rơi xuống, lấy bao nhiêu cũng có. Đến khi cắm kiếm vào rốn, thì không thấy võ khí đâu nữa. Lưu phục là thần kỳ, cùng ăn cùng ngủ, vô cùng kính trọng.

Lúc ấy trong dinh hiệu lệnh tuy nghiêm, nhưng quân lính ô hợp, thỉnh thoảng lại ra ngoài cướp bóc. Ông ta nói “Quân sĩ quý nhất là phải có kỷ luật, nay ông chỉ huy mấy vạn người, nếu không làm cho họ vâng lệnh được thì đó con đường bại vong đấy. Lưu khen lời ấy, lập tức tập hợp bộ ngũ, kiểm soát doanh trại, có kẻ nào cướp bóc của cải, bắt ép phụ nữ đều chém đầu thị chúng, quân sĩ giữ kỷ luật nghiêm hơn nhưng rốt lại vẫn không dứt được thói xấu. Ông hái rau lại thường thình lình cưỡi ngựa đi chơi trong doanh trại, nhĩmg tướng ác quân dữ tự nhiên đứt đầu ngã xuống không biết vì sao, mọi người đều ngờ là do ông ta. Trước kia ông ta dâng kế sách giữ nghiêm quân luật, quân sĩ đã vừa sợ vừa ghét, đến lúc ấy lại càng căm tức.

Các tướng đứng đầu bộ ngũ bèn gièm pha với Lưu rằng “Ông hái rau dùng yêu thuật. Các bậc danh tướng xưa nay chỉ nghe nói là dùng trí để cầm quân chứ không nghe là dùng thuật. Cái lũ dùng bùa phép lừa người ấy rốt cuộc cũng bị diệt vong. Nay tướng sĩ vô tội thỉnh thoảng lại tự nhiên bị rụng đầu, lòng người khiếp sợ lắm. Tướng quân ăn ở cùng y, cũng rất nguy hiểm, chẳng bằng giết đi”. Lưu nghe lời ấy, bèn bàn với các tướng chờ lúc ông ta ngủ mà giết. Sai người rình, thấy ông ta trật áo hở bụng nằm ngủ, ngáy to như sấm. Mọi người cả mừng, đem quân vây chặt bên ngoài, hai người cầm đao bước vào chặt đứt đầu ông ta. Nhưng khi giở đao lên thì đầu lại nối lại vào thân như cũ cả sợ bèn chém vào bụng. Bụng ông đứt ra mà không chảy máu, bên trong giáo mác tua tủa chĩa ra nhọn hoắt. Mọi người càng sợ, không dám tới gần, cứ đứng xa xa đâm chém. Chợt cung nỏ trong bụng ông ta bắn ra ào ào, mấy người bị trúng tên. Mọi người khiếp hãi chạy tan, tới bẩm Lưu. Lưu vội vàng tới thì ông ta đã biến mất.

418. Oan Nghiệt Bài Thơ

 (Thi Nghiệt)

Phạm Tiểu Sơn người huyện Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) làm nghề buôn bút, đi buôn vắng nhà. Vào tháng tư, vợ là Hạ thị đêm ngủ một mình bị cướp giết chết. Đêm ấy có mưa nhỏ, trên mặt đất còn rơi lại một chếc quạt đề thơ của Vương Thạnh tặng Ngô Phỉ Khanh. Không biết Thạnh là ai, còn Ngô là một người giàu có ở huyện Ích Đô (tỉnh Sơn Đông), cùng làng với Phạm, thường ngày vẫn làm những việc khinh bạc nên xóm làng đều chắc là Ngô. Quận huyện bắt lên tra hỏi, Ngô vẫn một mực không nhận, bị tra khảo nặng nề rồi kết án. Tra đi xét lại, trải hơn mười vị quan cũng không ai nói khác. Ngô cũng nghĩ số mình ắt chết bèn dặn vợ dốc hết của nhà ra trợ giúp những người cô đơn nghèo khổ. Ai hướng vào cổng niệm Phật một ngàn câu thì được quần bông, niệm một vạn câu thì được áo bông, nên những kẻ ăn xin kéo đến đông như chợ, tiếng niệm Phật vang xa hơn chục dặm. Nhà vì vậy nghèo đi rất nhanh, hàng  ngày cứ phải bán ruộng đất để đãi khách. Ngô lại hối lộ người coi ngục nhờ ngầm mua giùm thuốc độc.

Đêm nằm mơ thấy thần nói “Ngươi chớ vội chết, hôm trước ở ngoài hung thì nay bên trong cát rồi!”. Ngủ lại vẫn nằm mơ như thế, vì vậy không quyết tự tử nữa. Không bao lâu tiên sinh Chu Nguyên Lượng đi tuần sát tới, xét lại án tù, tới Ngô thì có vẻ nghĩ ngợi, nhân hỏi Ngô giết người có bằng chứng nào không, Phạm thưa rằng có cái quạt ông xem kỹ cái quạt rồi hỏi Vương Thạnh là ai, mọi người đều thưa là không biết. Ông lấy án văn xem kỹ lại một lượt rồi lập tức ra lệnh tháo gông cùm cho Ngô, cho chuyển từ nhà ngục ra nhà kho. Phạm cố biện luận, ông tức giận nói “Ngươi muốn giết oan một người cho xong chuyện hay muốn tìm ra kẻ thù mới cam lòng”. Mọi người ngờ là ông riêng tây với Ngô nhưng không ai dám nói. Ông bèn ném thẻ bài đỏ sai đi bắt ngay người chủ quán nọ ở Nam Quách. Chủ quán sợ hãi không biết vì sao, tới thì ông hỏi “Trên vách quán ngươi có bài thơ của Lý Tú người huyện Đông Quan (tỉnh Sơn Đông), viết lúc nào vậy?”. Chủ quán thưa “Năm trước quan Đốc học về ghé ngang, có hai ba người Tú tài uống rượu say đề thơ, không biết họ ở làng nào”.

Ông sai nha dịch tới huyện Nhật Chiếu (tỉnh Sơn Đông) bắt Lý Tú. Mấy hôm sau Tú tới, ông giận dữ hỏi “Đã là Tú tài, sao còn mưu giết người?”. Tú dập đầu kinh ngạc, chỉ nói là không hề làm chuyện ấy. Ông ném cái quạt xuống bảo Tú xem rồi nói “Rõ ràng là thơ của ngươi, sau dám bịa đặt đổ cho Vương Thạnh!”. Tú xem kỹ rồi thưa “Thơ thì đúng do ta làm, nhưng chữ thì thật không phải do ta viết”, ông nói “Đã biết thơ của ngươi thì ắt là bạn ngươi, vậy ai viết chữ?”. Tú thưa “Nét chữ giống như của Vương Tá ở huyện Nghi (tỉnh Sơn Đông)”. Ông bèn sai bắt Vương Tá, Tá tới, ông cũng quát hỏi như lúc hỏi Tú. Tá nói “Ấy là do người lái buôn sát ở huyện Ích Đô  là Trương Thành nhờ  ta viết, y là em họ Vương Thạnh”. Ông nói “Thằng cướp ở đây rồi!”. Cho bắt Thành tới, vừa tra hỏi đã nhận tội ngay.

Trước là Thành trộm thấy Hạ thị đẹp, muốn khêu gợi nhưng sợ không xong, mới nghĩ cách giả danh Ngô thì ắt mọi người đều tin nên mới làm giả chiếc quạt của Ngô cầm theo, nếu được thì tự nhận là mình, không được thì đổ cho Ngô, nhưng thực lòng không định giết người. Y leo tường vào nhà cưỡng bức người đàn bà, người đàn bà ở nhà một mình nên thường để sẵn dao tự vệ, lúc tỉnh giấc nắm áo Thành rồi rút dao vùng dậy. Thành hoảng sợ giật dao, nhưng người đàn bà cứ ra sức giữ chặt lấy hắn, lại kêu ầm lên, Thành cùng đường nên đâm chết rồi vứt chiếc quạt lại bỏ đi. Vụ án oan khuất ba năm chỉ một buổi mà xử xong, ai cũng ca ngọi ông sáng suốt như thần.

Ngô lúc bấy giờ mới sực hiểu lời thần nói “bên trong cát” là chữ Chu* song vẫn không hiểu vì sao ông Chu biết mình oan. Sau có một người thân hào ở huyện gặp dịp hỏi, ông cười đáp “Điều ấy dễ biết lắm! Đọc kỹ văn án thì Hạ thị bị giết vào thượng tuần tháng tư. Đêm ấy mưa phùn, khí trời còn lạnh, quạt là thứ không cần thiết, thủ phạm há vào lúc gấp rút còn mang theo cho bận thêm sao? Rõ ràng là nhằm giá họa vậy. Trước đây ta trú mưa ở Nam Quách, thấy có bài thơ đề trên vách quán lời lẽ tương tự bài thơ trên chiếc quạt nên đoán lầm là Lý sinh, quả nhân đó mà tìm ra tên cướp thật, cũng là may thôi”, người nghe chuyện đều thán phục.

* “Bên trong cát” là chữ Chu: trong Hán tự, chữ “Chu” có phần bên trong là chữ “Cát” đây ý nói Ngô Phỉ Khanh may mắn gặp được ông Chu Nguyên Lượng.

Dị Sử thị nói: Việc trong thiên hạ nếu biết tới nơi tới chốn, thì từ chỗ không có cũng có thể thành có mà hữu dụng. Văn chương thơ phú là cái làm đẹp cho nước, tiên sinh lấy đó xem xét kẻ sĩ trong thiên hạ, người ta đều ca ngợi, há chẳng phải là tới nơi tới chốn sao. Nhưng chẳng ai nói tới việc đem đạo xem xét kẻ sĩ mà xử án. Kinh Dịch nói “Biết cơ là thần” tiên sinh là người như thế vậy.

 

419. Mao Đại Phúc

(Mao Đại Phúc)

Mao Đại Phúc ở huyện Thái Hàng (tỉnh Sơn Đông) làm nghề trị bệnh ghẻ lở. Một đêm chữa bệnh về, gặp một con sói ngậm cái bọc vải nhả xuống rồi lui lại ngồi bên đường. Mao nhặt lên xem, thấy trong cái bọc có mấy món đồ trang sức bằng vàng. Đang còn lạ lùng thì con sói đã nhảy cỡn tới trước mặt, cắn nhẹ vào áo kéo rồi lại nhả ra bỏ đi. Mao bước đi thì nó lại cắn áo kéo, thấy ý tứ không có vẻ gì là hung dữ bèn đi theo. Tới cửa hang thì thấy một con sói bệnh nằm, trên đầu có một vết loét to giòi bọ lúc nhúc. Mao hiểu ra, bèn cắt bỏ hết thịt thối, rắc thuốc cho nó rồi về. Trời đã tối, con sói tiễn ra tới ba bốn dặm, chợt thấy có mấy con sói kéo tới gầm thét định cắn xé, Mao sợ lắm. Con sói kia vội xông vào đám sói như kể lại chuyện, đám sói tan đi, Mao bèn trở về. Trước đó trong huyện có người đi buôn bạc là Ninh Thái bị cướp giết trên đường, không sao tìm ra thủ phạm. Gặp lúc Mao bán các vật trang sức, bị vợ Ninh bắt gặp, kêu người trói lại dắt lên quan. Mao kể lại mọi chuyện, quan không tin, sai đóng gông. Mao oan ức mà không biết làm sao giải bày, chỉ xin cho dắt đi để hỏi sói. Quan sai hai người lính áp giải Mao vào núi, tới thẳng chỗ hang sói. Gặp lúc sói chưa về, chờ đến tối cũng không thấy đâu, ba người trở về. Được nửa đường thì gặp hai con sói, một con còn cái sẹo lớn trên đầu.

Mao nhận ra bèn vái khấn rằng “Trước đây được tặng vật quý, nay lại vì thế mà bị bắt bớ, nếu không giải oan cho, thì lần này ta về chỉ có nước chết mà thôi”. Sói thấy Mao bị trói, tức giận xông lại, hai người lính rút dao chĩa ra, sói chúi mũi xuống đất hú lên. Hú được hai ba tiếng thì cả trăm con sói trong núi đổ tới vây chặt, hai người lính hoảng sợ. Con sói chen lên nhe răng cắn dây trói, hai người lính hiểu ý vội cởi trói cho Mao, bầy sói mới tan đi. Về huyện bẩm lại mọi chuyện, quan huyện lấy làm lạ nhưng cũng chưa thả Mao ra. Mấy ngày sau, quan vi hành trên đường, thấy một con sói ngậm chiếc giày rách vứt giữa đường. Quan cũng chưa lấy làm lạ, đi qua rồi thì con sói lại ngậm chiếc giày chạy lên phía trước đặt xuống. Quan sai lính hầu nhặt lấy, con sói bèn bỏ đi. Quan về sai người ngầm tìm chủ nhân chiếc giày, có người đồn rằng Tùng Tân ở thôn nọ bị  một con sói đuổi riết cướp lấy giày mang đi, quan bèn sai bắt, giải lên nhận giày, thì đúng là giày của Tân. Quan ngờ ràng Tân là kẻ giết Ninh, bèn tra hỏi quả đúng.  Đại khái là Tân giết  Ninh cướp lấy món tiền lớn, nhưng dưới đáy túi Ninh còn sót mấy món trang sức, bị sói tha đi.

Trước có một bà mụ đi đỡ đẻ về, gặp một con sói chặn đường cắn áo như muốn mời thỉnh, bà ta đi theo. Thấy có một con sói cái đang đẻ chưa được bà ta bèn tới đỡ giúp, xong rồi con sói đực để bà ta về. Sáng hôm sau thấy nó tha một con nai tới đặt ở sân. Mới biết là chuyện như của Mao, từ xưa đã có vậy.

420. Thần Làm Mưa Đá

 (Bốc Thần)

Thái sử Đường Tế Vũ qua huyện Nhật Chiêu (tỉnh Sơn Đông) viếng đám tang họ An, trên đường đi ngang đền thờ Thần làm mưa đá Lý Tả Xa, bèn ghé vào chơi. Trước đền có cái ao nước trong leo lẻo, có vài con cá đỏ bơi lội tung tăng, trong có  một con vẫy đuôi đớp bọt trên mặt nước, thấy người không hề tỏ vẻ sợ hãi. Thái sử nhặt viên đá nhỏ định ném đùa, đạo sĩ bên cạnh vội ngăn lại bảo đừng ném. Thái sư hỏi vì sao, đạo sĩ đáp “Tôm cá trong ao đều là rồng, xúc phạm sẽ có mưa đá”. Thái sử cười là theo đuôi những người tin nhảm, không nghe lời can, cứ ném đá vào con cá. Đến khi ra xe lên đường, thấy có đám mây đen tròn như cái lọng đuổi theo xe, kế có mưa đá ào ào rơi xuống, to như quả trứng, đi hơn một dặm mới tạnh.  Em Thái sử là Lương Vũ đi sau chỉ cách một tầm tên, lát sau lên tới gặp nhau hỏi chuyện, thì chẳng thấy có mưa đá gì cả. Hỏi những người đi trước Thái sử cũng thế. Thái sử cười nói “Chẳng lẽ đó là Quảng Vũ quân* tác quái à?”, nhưng cũng chưa lấy làm lạ lắm.

*Quảng Vũ quân: tức Lý Tả Xa, được phong là Quảng Vũ quân của nước Triệu thời Hán Sở tranh hùng.

Ngoài thôn họ An có đền thờ Quan Đế, có người buôn dạo vừa đặt gánh xuống ngoài cửa, vứt bỏ quang gánh rảo bước vào đền, rút thanh đại đao trên giá múa tít, nói “Ta là Lý Tả Xa đây. Sáng mai sẽ xin theo hầu Thái sử họ Đường ở huyện Truy Xuyên đi đưa đám, kính báo cho chủ nhân biết trước”. Nói mấy lượt như thế thì tỉnh lại, không nhớ rằng mình vừa nói gì, cũng không biết Thái sử họ Đường là ai. Nhà họ An nghe chuyện cả sợ, thôn cách đền thần hơn bốn mươi dặm cũng vội vàng sắm sửa lễ vật tới cầu khẩn xin thương cho, không dám làm phiền xa giá. Thái sử lấy làm lạ về việc quá tin tưởng như thế bèn hỏi, chủ nhân đáp rằng Thần làm mưa đá rất linh thiêng, thường mượn người sống để nhắn lời, điều gì cũng ứng nghiệm. Nếu không tới cầu khấn để xin thần bỏ qua, sáng mai đám tang sẽ gặp mưa đá ngay.

Dị Sử thị nói: Quảng Vũ quân lúc sinh thời cũng là hạng người quen tính việc lớn. Dù là làm Thần làm mưa đá ở Sơn Đông cũng có lẽ không chịu ẩn nhẫn, nên mới nhận mệnh ở trời. Nhưng đã làm thần rồi, thì cần gì phải tỏ ra linh dị chứ? Có lẽ Thái sử là người văn chương đạo nghĩa, trời người cùng khâm phục đã lâu, nên quỷ thần vì vậy muốn được bậc quân tử tin tưởng chăng?

421. Ông Lý Tám Vò

(Lý Bát Hàng)

Giám sinh Lý Nguyệt Sinh là con thứ của ông Lý. Ông rất giàu, dùng vò để đựng vàng, người làng gọi là Bát hàng (Tám vò). Lúc ông bệnh nặng gọi con tới chia gia tài, con trưởng được tám phần, con thứ được hai phần, Nguyệt Sinh không giấu được vẻ thất vọng. Ông nói “Ta không phải là thương đứa này ghét đứa khác đâu, còn có vàng chôn chỗ khác, chờ lúc nào không có nhiều người sẽ nói cho con biết, đừng nóng ruột”. Qua vài hôm, ông chỉ còn thoi thóp, Nguyệt Sinh sợ ông qua đời lúc nào không biết, bèn chờ lúc vắng người tới cạnh giường hỏi khẽ. Ông đáp “Đời người ta sung sướng hay khổ cực đều có số cả rồi, ngươi có phúc có được vợ hiền, thì không nên cho thêm nhiều vàng, chỉ thêm hoạn nạn thôi”. Đại khái Nguyệt Sinh có vợ họ Xa, rất hiền thục, có đức độ như Hoàn Thiếu quân, Mạnh Quang* nên ông mới nói thế. Nguyệt Sinh cứ nài nỉ hỏi mãi, ông tức giận nói “Ngươi còn phải vất vả hai mươi năm nữa, dù có cho ngàn vàng cũng sẽ hết sạch, nếu chưa đến lúc cùng đường thì đừng trông mong ta sẽ cho thêm”. Nguyệt Sinh là người hiếu đễ thuần hậu nên cũng không dám nói gì nữa, chỉ mong cho cha khỏe lại thì có lúc sẽ nói ra.

*Hoàn Thiếu quân, Mạnh Quang: Hoàn Thiếu quân là vợ Bào Tuyên, Mạnh Quang là vợ Lương Hồng, cùng là người thời Hán, đều nổi tiếng là vợ hiền.

Không bao lâu, ông Lý bệnh càng nặng, kế chết. May là người anh hiền, nên việc chôn cất không hề so đo với Nguyệt Sinh. Nhưng Nguyệt Sinh tính tình phóng khoáng, không tính toán lặt vặt, lại hiếu khách hay rượu. Có ngày bắt vợ làm cơm dọn rượu ba bốn lần đãi khách, lại không biết coi sóc người nhà làm ăn. Bọn vô lại trong làng thấy hiền lành nhu nhược cứ xúm vào bòn rút, được vài năm dần dần sa sút, song những lúc ngặt nghèo lại sang nhờ vả anh nên cũng không tới nỗi cùng khốn. Không bao lâu người anh già bệnh chết, không còn ai để nương tựa, tới nỗi trong nhà hết cả thóc ăn, cứ mùa xuân vay mùa thu trả, gặt xong trả nợ là hết sạch, từ đó cứ bán ruộng ăn dần. Được vài năm thì con trai lớn và vợ nối nhau chết, lại càng cực khổ. Kế tục huyền vói vợ người buôn dê họ Từ nên được nhờ vả đôi chút, song tính Từ cứng rắn nóng nảy, hàng ngày vẫn xỉa xói làm nhục, Nguyệt Sinh vì vậy thậm chí không dám đi lại thăm hỏi với bè bạn.

Chợt một đêm nằm mơ thấy cha về nói “Nay thì ngươi đã đến lúc có thể nói là cùng đường rồi, trước ta có nói sẽ cho ngươi số vàng còn chôn, bây giờ thì được rồi”. Nguyệt Sinh hỏi chỗ, ông Lý đáp “Sáng mai ta chỉ cho”. Nguyệt Sinh tỉnh dậy lấy làm lạ, còn nghĩ rằng vì mình nghèo mong muốn có tiền nên sinh ra mộng mị hão huyền. Hôm sau giẫy cỏ ở chân tường, cuốc được hủ vàng lớn, mới sực hiểu ra rằng trước kia ông Lý nói chờ lúc không có nhiều người, là ý nói chờ lúc người thân đã chết một nửa vậy.

Dị Sử thị nói: Nguyệt Sinh là bạn nghèo với ta, tính tình thành thực chất phác không có chút nào là giả trá, anh em ta giao du với ông rất thân, chuyện vui buồn đều có nhau. Mấy năm nay chỉ ở cách nhau hơn mười dặm mà không được tin sống chết ra sao, mỗi lần ta đi ngang cũng không dám ghé thăm, thì đủ biết Nguyệt Sinh rơi vào hoàn cảnh khổ cực tới mức nào rồi. Chợt nghe ông bất ngờ có được ngàn vàng, bất giác vỗ tay reo mừng cho ông. Than ôi! ông Lý lúc lâm chung nói mệnh, trước đây vẫn được nghe kể, nhưng vẫn không nghĩ rằng đó là lời sấm báo trước, hay ông là thần chăng?

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận