Home Liêu Trai Chí Dị – 422 – 427 -: Nhà Đò Bến Lão Long (Lão Long Thuyền Hộ)

– 422 – 427 -: Nhà Đò Bến Lão Long (Lão Long Thuyền Hộ)

Lúc ông Chu Huy Ấm làm Tổng chế Việt Đông (tỉnh Quảng Đông), có nhiều người buôn bán đi đường tới kêu về việc người chết không có nguyên do. Cứ có việc người đi ngàn dặm bị chết mất xác, thậm chí có mấy người cùng đi mà không ai có tin tức gì, đơn từ chất chồng không sao tra xét được. Buổi đầu nhận đơn các quan địa phương còn phát công văn sai tìm bắt hung thủ, nhưng về sau đơn bẩm ngày càng nhiều, cũng đành để đó  không hỏi tới nữa. Ông Chu tới nơi làm quan, xem xét đơn từ đọng lại, trong đó những người bị coi là đã chết có tới hàng trăm, nhưng người chết trên ngàn dặm không ai tố cáo thì không biết là còn bao nhiêu nữa. Ông kinh sợ đau xót, lo lắng bỏ ăn bỏ ngủ, hỏi han khắp liêu thuộc tìm ra một cách. Rồi đó ông ăn chay tắm gội, đốt hịch văn cáo với thần Thành hoàng, kế đó vào trai phòng chờ.

Trong lúc mơ màng thấy có một viên quan cài trâm cầm hốt bước vào. Ông hỏi là quan ở đâu, viên quan ấy đáp là thần Thành hoàng họ Lưu. Ông hỏi là định nói gì, viên quan ấy đáp “Mái tóc rũ tuyết, Chân trời sinh mây, Gỗ trôi nước nọ, Cửa mở tường này”, nói xong bước ra. Ông tỉnh dậy nghĩ ngợi không hiểu, trằn trọc tới sáng chợt nghĩ rằng “Mái tóc rũ tuyết là Lão (người già), Chân trời sinh mây là Long (rồng), Gỗ trôi trong nước là Thuyền (chiếc thuyền), Cửa mở trên tường là Hộ (cửa), hợp lại là bốn chữ Lão Long thuyền hộ (Nhà đò bến Lão Long) chăng?”. Đại khái ở phía đông bắc tỉnh gọi là Tiểu Lĩnh, Lam Quan, phát nguồn từ bến Lão Long chảy ra tới Nam Hải, những nhà buôn lớn ở tỉnh ngoài đều theo đường ấy vào đất Việt. Ông vội điều động binh lính, ngầm trao mưu kế sai bắt hết những nhà đò ở bến Lão Long, lần lượt bắt được hơn năm mươi người, đều không phải tra khảo đã cúi đầu chịu tội. Đại khái đám cướp này giả danh chở thuê, dụ khách lên thuyền rồi thì hoặc bỏ thuốc, hoặc xông hương cho họ ngất đi rồi mổ bụng nhét đá vào ném xuống nước, rất là thê thảm. Vụ án kết thúc, xa gần người ta đều mừng rỡ, làm thơ đặt vè ca ngợi rất nhiều.

Dị Sử thị nói: Mổ bụng nhận chìm xác, quá sức oan khốc thê thảm, thế mà các quan như tượng gỗ chỉ coi là ghẻ ngứa ngoài da, để đất Việt hơi oan che khuất mặt trời đã lâu. Ông tới nơi thì quỷ thần hiển linh nghe lệnh, nỗi oan trong chậu úp được soi tỏ, sao mà lạ thế? Nhưng ông cũng chẳng phải có ba đầu sáu tay gì, chẳng qua chỉ là tỏ tình thương xót kẻ vô tội dồn lại trong lòng mà được như thế thôi. Nếu cứ nghênh ngang ngồi cao, ra thì kiếm kích bày hàng, vào thì lan xạ xông thơm, oai vệ cho lắm vào thì làm sao có thể cảm thông với quỷ thần được?

423. Tiên Sinh Nguyên Thiếu (Nguyên Thiếu Tiên Sinh)

Tiên sinh Hàn Nguyên Thiếu khi còn là Chư sinh, một hôm thấy một người bước vào phòng nói là chủ nhân mời về dạy học, nhưng không thấy đưa danh thiếp. Hỏi về gia thế nơi chốn người kia chỉ trả lời ậm ừ, nhưng đưa lễ vật mời thầy rất hậu. Tiên sinh ưng thuận, hẹn ngày tới dạy. Đến hẹn quả có chiếc xe tới đón, lối đi quanh co, đường xá rất lạ. Chợt thấy một nơi điện gác, xuống xe vào thấy khí tượng như là phủ đệ của bậc tiên  vương. Vào nơi ở, thấy bày đủ rượu thịt mời khách ăn uống một mình chứ không thấy chủ nhân đâu. Tiên sinh ăn uống xong thì công tử ra lạy chào, mười lăm mười sáu tuổi, phong tư anh tuấn hơn người. Làm lễ xong công tử về ở nơi khác, lúc nào học mới tới chỗ thầy. Công tử rất thông minh, nghe giảng qua là hiểu ngay nhưng tiên sinh vì không rõ chủ nhân là ai nên vẫn ngờ vực lo lắng.  Chỗ tiên sinh ở có hai đứa tiểu đồng hầu hạ, tiên sinh hỏi han cật vấn đều không nói. Hỏi chủ nhân ở đâu, chúng đáp là bận việc. Bảo dắt tới xem trộm chủ nhân làm việc, chúng đáp là không được, nài nỉ mấy lần chúng mới ưng thuận.

Kế dắt tiên sinh tới một chỗ, nghe có tiếng tra khảo đánh đập, ghé mắt nhìn vào khe cửa thấy một vị vương giả ngồi trên điện, dưới thềm bày đủ núi kiếm vạc dầu, toàn Ià công việc của âm phủ. Tiên sinh hoảng sợ, đang định trở lui thì bên trong đã biết có người, bèn ra lệnh tạm nghỉ. Diêm Vương quát đuổi bọn quỷ tốt lui xuống rồi lớn tiếng gọi hai đứa tiểu đồng, chúng biến sắc nói “Bọn ta vì tiên sinh mà mang họa vào thân rồi!”, rồi run rẩy bước vào. Diêm Vương tức giận nói “Sao các người dám dắt người lạ tới nhìn trộm?”, rồi ra lệnh phạt đánh roi hai đứa, sai triệu tiên sinh vào nói “Sở dĩ ta không cho ông gặp là vì âm dương khác nẻo. Nay ông đã biết ta là ai, thì khó lòng ở đây được nữa”. Rồi đưa vàng bạc tiễn tặng bảo về, lại nói “Ông là bậc văn nhân đứng đầu thiên hạ, nhưng còn long đong chưa thành đạt đâu”, kế sai người hầu dong ngựa đưa về. Tiên sinh ngờ mình đã chết, người hầu nói “Làm gì có chuyện ấy, tất cả thức ăn vật dùng của tiên sinh đều là mua trên trần gian đấy, không phải của âm phủ đâu?”. Tiên sinh trở về, lận đận vài năm thì đỗ Trạng nguyên, lời Diêm Vương nói đều đúng cả.

 

424. Chu Sinh

(Chu Sinh)

Chu sinh là mạc khách của Tri huyện. Quan có việc đi vắng, phu nhân họ Từ vẫn muốn tới chiêm bái nữ thần Bích Hà Nguyên quân nhưng vì đường xa sai gia nhân đem lễ vật đi thay, sai Chu làm bài văn khấn. Chu làm bài văn biền ngẫu, kể lại hành trạng của phu nhân, có nhiều lời đùa cợt khiếm nhã. Trong có đoạn như “Trồng hoa đào khắp cõi Lạc Dương, xót người cắt áo, Cấy cỏ thơm khắp nơi hoang vắng, thương trái đào thừa” để nói lên tâm sự uất ức của phu nhân* những câu như vậy rất nhiều. Đem bản thảo đưa cho người bạn mạc khách là Lăng sinh xem, Lăng cho là không kính cẩn, khuyên chớ nên dùng nhưng Chu không nghe, cứ đưa người gia nhân mang đi. Không bao lâu Chu chết ở công thự, kế đó người gia nhân cũng chết, ít lâu sau phu nhân họ Từ mắc bệnh sản hậu cũng chết, nhưng mọi người đều chưa lấy làm lạ. Con trai Chu từ kinh đô tới đưa linh cữu cha về đêm nằm ngủ với Lăng sinh, nằm mơ thấy cha khuyên răn rằng “Trong chuyện văn chương chữ nghĩa không thể không thận trọng. Ta không nghe lời ông Lăng nên bị thần giận về tội viết văn sỗ sàng, phải chết yểu mà còn làm lụy cả Từ phu nhân, hại lây cả tới người gia nhân đem bài văn đi tế, sợ không khỏi bị âm phủ trừng phạt”. Lúc tỉnh dậy kể lại với Lăng, Lăng cũng nằm mơ thấy thế bèn đọc lại bài văn. Con Chu nghe xong mới biết chuyện, rất kính phục Lăng.

* Trong có đoạn… phu nhân: cắt áo và đào thừa nguyên văn là “đoạn tụ” và “dư đào”, lấy tích Hán Ai đế sủng ái Đổng Hiền và Vệ Linh công sủng ái Di Tử Hà, đều là những kẻ mắc bệnh long dương (đàn ông yêu đàn ông). Theo văn cảnh, đây có lẽ chỉ viên Tri huyện thích đàn ông không ngó ngàng gì tới vợ. Xem thêm chú thích truyện Hoàng Cửu Lang, quyển V.

Dị Sử thị nói: Phóng tình múa bút, nghênh ngang tự đắc là chuyện thường của kẻ văn nhân, nhưng sao lại dám đem lời lẽ sỗ sàng khấn cáo với thần minh như vậy chứ! Gã cuồng sinh ngông nghênh không biết gì để tới nỗi bị âm phủ trừng phạt, lại làm cả phu nhân hiền thục lẫn người gia nhân lặn lội ngàn dặm phải chết mà không biết có tội gì, chẳng cũng khiến cho hình luật ở thế gian chia ra thủ phạm tùng phạm trở thành đáng thẹn sao? Oan thay!

425. Lưu Toàn

(Lưu Toàn)

Thầy thuốc trâu bò Hầu Mỗ ở huyện Trâu Bình (tỉnh Sơn Đông) mang cơm cho người cày, ra tới đồng thấy một cơn lốc cuộn lên trước mặt. Hầu lập tức lấy chén rót rượu xuống đất khấn khứa, rót mấy chén cơn lốc mới tan đi. Lại có hôm Hầu đi ngang miếu Thành hoàng, rảnh rỗi tạt vào dạo chơi dưới hành lang, thấy trên vách vẽ bức tranh Lưu Toàn dâng bí* hình Lưu Toàn bị cứt chim vương vãi cả lên mắt, bèn nói “Nhơ bẩn thế này làm sao Lưu đại ca chịu được?”, rồi lấy móng tay cạy gỡ hết ra.

*Lưu Toàn dâng bí: theo truyền thuyết, vua Đường Thái Tông chết xuống âm phủ, được Phán quan Thôi Giác là bạn thừa tướng Ngụy Trưng trong triều sửa sổ sinh tử giúp cho sống lại, trước lúc ra về có hẹn với Thập điện Dlêm Vương sẽ tặng bí cho âm phủ trồng. Sau khi sống lại, Thái Tông ra bảng tìm người, có người dân là Lưu Toàn tình nguyện tự tử để mang bí xuống biếu Diêm Vương.

Mấy năm sau Hầu mắc bệnh, đang nằm thì thấy có hai người đội mũ đen tới bắt đi giải tới trước một công thự, hạch sách đòi tiền bạc rất khổ. Đang lúc không biết làm sao, chợt bên trong có một người mặc áo xanh bước ra nhìn thấy ngạc nhiên hỏi “Ông Hầu sao lại tới đây?”, Hầu bèn kể lại mọi chuyện. Người áo xanh lập tức mắng hai người mũ đen “Đây là Hầu đại gia của các người, sao dám vô lễ như thế?”. Hai người mũ đen rối rít vâng dạ, xin lỗi là không biết. Giây lát nghe tiếng trống thúc ầm ầm như sấm sét, người áo xanh nói “Đến phiên hầu buổi sáng rồi”. Rồi dẫn Hầu cùng vào bảo đứng dưới thềm dặn “Cứ tạm đứng ở đây, để ta hỏi cho”. Rồi lên thềm chỉ tay gọi  một viên lại xuống nói chuyện vài câu, viên lại nhìn thấy Hầu chắp tay nói “Hầu đại ca tới rồi đấy à? Việc của ông không có  gì lớn đâu chỉ là một con ngựa kiện, hỏi qua một lần sẽ được về thôi”.

Lát sau trên thềm gọi tên Hầu, Hầu bước ra quỳ xuống, con ngựa kia cũng quỳ xuống, quan hỏi con ngựa này nói bị ngươi cho uống thuốc mà chết, có đúng hay không?”. Hầu thưa  “Nó bị bệnh dịch, ta theo đúng cách mà chữa cho, đã khỏi bệnh rồi, cách một ngày sau thì chết, có dính líu gì tới ta đâu?”. Con ngựa nói tiếng người, ra sức tranh cãi. Quan giở sổ xem, trong sổ ghi rõ con ngựa phải chết vào ngày tháng năm ấy, tính lại thì đúng khớp, bèn quát “Đó là vì số ngươi đã hết, sao dám vu cáo bậy bạ hả?” rồi thét đuổi nó ra. Lại nói với Hầu rằng “Ông giữ lòng giúp người nên không bị chết đâu”, rồi gọi hai người mũ đen vào sai đưa Hầu về. Hai người mũ đen lúc nãy vào đưa Hầu ra, quan lại dặn đi dọc đường phải chăm sóc cho Hầu. Hầu hỏi “Hôm nay ta được đội ơn che chở cho, nhưng nửa đời mới gặp đây là lần đầu, xin ông nói rõ họ tên cho ta cảm tạ”. Viên quan áo xanh ấy nói “Ba năm trước ta từ Thái Sơn ra, khát gần chết, may gặp ông ngoài đồng được cho uống mấy chén rượu, đến nay vẫn còn nhớ”. Viên lại nói “Ta là Lưu Toàn, trước đây bị chim ỉa vào mắt, xốn xang không sao chịu nổi, được ông gỡ ra cho mới nhìn rõ được. Có điều rượu thịt cõi âm phủ này không đem ra mời khách được, xin chia tay ở đây thôi”. Hầu mới chợt hiểu mọi chuyện bèn lên đường. Về tới nhà định giữ hai người áo đen lại khoản đãi, nhưng họ không dám uống cả một hớp nước. Hầu sống lại mới biết đã tắt thở hai ngày hai đêm rồi.

Từ đó càng ra sức làm điều lành, mỗi khi gặp chuyện rắc rối thường rót rượu khấn Lưu Toàn giúp. Về sau Hầu sống đến tám mươi tuổi vẫn còn khỏe mạnh, có thể cởi ngựa phi nước đại. Một hôm đang đi ngoài đường thấy Lưu Toàn cưỡi ngựa tới như sắp đi xa, chắp tay chào hỏi rồi nói “Số ông đã hết rồi, âm phủ đã phát công văn ra, bọn quỷ tốt muốn đi bắt nhưng ta cản không cho. Ông nên về nhà lo hậu sự, sau ba ngày ta sẽ tới đón. Ta đã mua cho ông một chức quan nhỏ đang khuyết dưới âm phủ, cũng không cục khổ đâu, rồi chào đi. Hầu về nhà kể chuyện cho vợ con, mời họ hàng tới từ biệt, sắm sửa đủ quan quách khâm liệm. Chiều tối ngày thứ tư nói với mọi người rằng “Lưu đại ca tới rồi!”, rồi nằm vào quan tài mà chết.

426. Hàn Phương

(Hàn Phương)

Cuối thời Minh, từ Tế Nam (tỉnh thành Sơn Đông) trở lên mấy châu huyện phía bắc có dịch lớn, nhà nào cũng có người mắc bệnh. Huyện Tế Đông có người nông dân tên Hàn Phương tính rất hiếu thảo, cha mẹ đều mắc bệnh, bèn sắm sửa lễ vật ra miếu thờ Cô Thạch đại phu khóc lóc cầu khẩn. Trên đường về nhà vừa đi vừa khóc, gặp một người áo mũ sạch sẽ hỏi vì sao mà đau thương như thế? Hàn kể lại mọi chuyện, người ấy nói “Thần Cô Thạch không có ở đó, cầu khẩn có ích gì? Ta có một thuật mọn, có thể chỉ cho ông làm thử”. Hàn mừng rỡ hỏi tên họ, người ấy nói “Ta không mong được báo đáp, cần gì phải nói tên họ quê quán”. Hàn ân cần mời mọc về nhà, người ấy đáp không cần, chỉ dặn cứ về nhà lấy một tờ giấy vàng đặt lên giường người bệnh rồi lớn tiếng nói “Ngày mai ta sẽ tới kinh bẩm cho Nhạc đế biết” thì cha mẹ sẽ hết bệnh.

Hàn sợ không hiệu nghiệm, cứ năn nỉ mời ghé nhà chơi, người ấy nói “Thôi nói thật với ông, ta không phải là người đâu. Tuần hoàn sứ giả dưới âm phủ thấy ta ngay thẳng cẩn thận cho nên giữ chức Thổ địa Nam Hương, thấy ông có hiếu nên chỉ cho cách ấy. Hiện nay Nhạc đế đang lựa chọn trong các hồn ma chết bất đắc kỳ tử, ai là dân có công đức hoặc ngay thẳng không quấy nhiễu người thì được cử làm các thần Thành hoàng Thổ địa. Nay có bệnh dịch là vì những hồn ma bị quân Bắc giết trong quận thành đều muốn tới kinh đô nhanh để nộp đơn nên quấy nhiễu trên đường kiếm tiền lộ phí đấy thôi. Cứ nói là tới kinh bẩm cho Nhạc đế biết ắt chúng sợ hãi, sẽ hết bệnh mà”. Hàn rùng mình quỳ xuống ven đường dập đầu lạy tạ, lúc ngẩng lên thì người ấy đã biến mất, ngạc nhiên than thở trở về. Tới nhà làm theo lời thần dạy, quả nhiên cha mẹ đều khỏi bệnh, chỉ cho hàng xóm láng giềng cùng làm, thảy đều hiệu nghiệm.

Dị Sử thị nói: Quấy nhiễu người dọc đường để xin làm thần giúp đỡ người, có khác gì kẻ ruổi ngựa đi mau để dự thi mà không cần thi đỗ đâu! Việc trong thiên hạ phần lớn cũng như thế đấy! Còn nhớ trong khoảng năm Giáp tuất ất hợi, quan lại ra lệnh cho dân lạc quyên thóc lúa, viết sớ dâng lên vua tâu rằng dân đều vui vẻ quyên góp, từ đó các châu huyện cứ chiếu theo số đinh số ruộng mà thu, thôi thúc bắt bớ rất gấp. Lúc ấy bảy huyện phía bắc đều bị lụt mất mùa lớn, quyên góp càng khó khăn. Quan Thái sử họ Đường ở quê ta tình cờ tới huyện Lợi Tân, thấy mười mấy người bị trói giải đi trên đường, hỏi mắc tội gì thì họ đáp “Quan bắt bọn ta lên huyện để truy thu thuế lạc quyên”. Dân quê có hiểu hai chữ “lạc quyên” là gì đâu, chỉ cho rằng đó là tên một loại thuế má gì đó mà thôi, thật đáng cười ra nước mắt vậy.

427. Vụ Án Ở Thái Nguyên

 (Thái Nguyên Ngục)

Ở huyện Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) có nhà dân, mẹ chồng nàng dâu đều góa chồng. Mẹ chồng đang tuổi trung niên không giữ gìn được, đi lại với một tên vô lại trong làng. Nàng dâu không thích, cứ lén rình núp ở cổng ngũ hiên vách để cản trở. Mẹ chồng thẹn, kiếm cớ đuổi nàng dâu đi. Nàng dâu không chịu đi, căm tức tranh cãi, mẹ chồng càng ghét, lại vu cáo nàng dâu lang chạ, kiện lên quan. Quan hỏi tên họ kẻ gian phu, bà ta nói “Cứ tối tới khuya đi, thật không biết là ai, xin cứ hỏi nó sẽ rõ”. Quan gọi nàng dâu lên hỏi, nàng dâu quả biết rõ tên họ kẻ gian phu, nhưng lại nói rằng y tư thông với mẹ chồng, hai bên ra sức cãi vã. Quan sai bắt tên vô lại tới, y lại mồm năm miệng mười nói rằng không tư thông với ai cả, hai mẹ con họ muốn mà không được nên nói bậy để làm nhục y mà thôi. Quan hỏi “Trong thôn có hàng trăm người, sao họ chỉ vu cáo cho riêng ngươi?”, rồi sai đánh trượng thật nặng. Tên vô lại van lạy xin tha, nhận là có tư thông với nàng dâu. Quan sai tra khảo, nàng dâu vẫn không chịu nhận, quan đành tha về. Nàng dâu uất hận kiện lên quan tỉnh nhưng cũng vẫn như trước, không sao xử được.

Lúc ấy có Tiến sĩ Tôn Liễu Hạ người quê ta làm Tri huyện Lâm Tấn (tỉnh Sơn Tây), nổi tiếng giỏi xử án, quan trên bèn giao vụ án này cho huyện Lâm Tấn xử. Đôi bên thưa kiện được giải tới, ông hỏi qua hết một lượt, xét rõ rồi bèn sai nha lại chuẩn bị đủ gạch đá dao rựa để ngày mai xử án. Đám nha lại đều ngạc nhiên nói “Hình phạt nặng nề đã có đủ cả gông cùm roi gậy, sao lại còn phải dùng vật khác để xử án?”, chẳng ai hiểu nhưng cũng theo lệnh chuẩn bị đầy đủ. Hôm sau ông ra công đường hỏi lại, thấy đã chuẩn bị đầy đủ bèn sai bày hết trên thềm rồi gọi phạm nhân ra, lại hỏi qua một lượt. Kế nói với hai mẹ con rằng “Chuyện này không cần phải xét quá kỹ, tuy chưa biết kẻ dâm phụ là ai song gian phu đã rõ rồi. Gia đình các ngươi vốn có tiếng tốt, chẳng qua nhất thời bị kẻ xấu dụ dỗ, chỉ có y là có tội. Vậy trên thềm có đủ cả gạch đá dao rựa, các người cứ mặc ý lấy mà giết chết y đi”. Mẹ chồng nàng dâu đều sợ sệt không dám bước lên, sợ lỡ tay đánh chết người phải đền mạng, ông nói “Đừng sợ, có ta ở đây mà”. Lúc ấy hai mẹ con đều bước ra, nhặt đá cùng ném. Nàng dâu căm giận đã lâu, cứ hai tay ôm đá lớn ném, chỉ hận không giết chết được tên vô lại ngay lập tức, còn mẹ chồng chỉ nhặt đá nhỏ ném vào vai vào đùi mà thôi. ông lại bảo cầm dao xông vào chém, bà ta còn ngần ngừ, ông sai dừng lại, nói “Ta đã biết dâm phụ là ai rồi”. Sai bắt mẹ chồng tra khảo nặng nề, bà ta khai thật, vụ án kết thúc.

(Ghi thêm). Một lần ông sai nha lại đi thúc thuế, người thiếu thuế đi vắng chỉ có vợ ra thưa bẩm, đám nha lại đòi tiền hối lộ không được, bèn bắt chị ta về. Ông tức giận nói “Đàn ông người ta nhất định sẽ trở về, sao lại bắt vợ người ta?”. Rồi phạt roi đám nha lại, thả người đàn bà về, lại ra lệnh cho thợ mộc làm sẵn nhiều cùm tay để chờ lúc cần dùng. Hôm sau cả huyện đồn rằng ông nhân đức, những người thiếu thuế nghe thấy đều bảo vợ ra mặt xin khất, ông sai bắt cùm tay hết giải về. Ta vẫn nói ông Tôn rất có tài, nhưng biết chuyện này rồi lại mừng rằng ông không phải là kẻ nhân đạo nhu nhược.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x