– 428 – 432 -: Vụ Án Ở Tân Trịnh (Tân Trịnh Ngục)
Tiến sĩ Thạch Tông Ngọc người huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) làm Tri huyện Tân Trịnh (tỉnh Hà Nam). Lúc ấy có người khách họ Trương buôn bán xa nhà, bị bệnh muốn về nhưng không cưỡi ngựa đi bộ gì được nên thuê một chiếc xe tay, ôm năm ngàn đồng vàng, nhờ hai người phu đẩy đi. Tới Tân Trịnh, hai người phu xe vào chợ ăn uống, Trương ôm bọc tiền nằm một mình trong xe. Có tên Giáp đi ngang liếc thấy, nhìn chung quanh thấy không có ai bèn giật tiền chạy. Trương không cản được, gượng bệnh vùng dậy đuổi theo. Thấy Giáp chạy vào một thôn, Trương cũng vào theo, thấy Giáp chạy vào một cổng nhà, Trương không dám vào, chỉ đứng ngoài bức tường thấp nhìn vào. Giáp buông bọc tiền xuống quay nhìn thấy có người nhìn trộm, tức giận bắt Trương bảo là giặc cướp, trói giao giải tới ông Thạch, kể lại sự tình. Ông hỏi Trương, Trương kể lể nỗi oan ức, ông cho rằng không có gì làm bằng chứng, đuổi cả ra ngoài. Hai người bước xuống đều nói ông không biết phân rõ trắng đen, ông thản nhiên như không nghe thấy. Sực nhớ Giáp trước đây từng trốn thuế, ông bèn sai nha lại theo đòi ráo riết. Qua một hôm thì Giáp lập tức đem nộp ba lượng bạc. Ông lập tức gọi lên hỏi tiền này ở đâu mà có, Giáp bẩm là bán áo cầm đồ, đều nói rõ cầm bán những gì cho ai để làm bằng chứng.
Ông Thạch sai nha lại xem lại trong những người tới đóng thuế có ai là người cùng làng với Giáp không. Vừa gặp lúc có người láng giềng của Giáp đang ở đó, đám nha lại gọi vào, ông Thạch hỏi “Ngươi đã là hàng xóm với tên Giáp thì ắt biết tiền này của y từ đâu mà có”. Người láng giềng đáp không biết, ông nói “Người láng giềng sát bên nhà cũng không biết thì tiền này có chỗ mờ ám rồi”. Giáp sợ, đưa mắt nhìn người láng giềng nói “Ta bán vật này cầm vật nọ, chắc anh cũng nghe mà?”. Người láng giềng vội nói “phải, phải, có nghe”, ông Thạch tức giận nói “Thế này thì ắt ngươi và tên Giáp cùng trộm cướp, không trị tới nơi tới chốn không xong”, rồi sai đóng gông tra khảo. Người láng giềng cả sợ bẩm “ta là láng giềng nên không dám chuốc oán với y, bây giờ sắp phải chịu hình phạt, đâu dám sợ sệt gì nữa? Quả đúng là y cướp tiền của họ Trương kia đấy ạ”, ông bèn tha cho về. Lúc ấy Trương mất tiền chưa về còn ở đó, ông bèn phạt bắt Giáp trả tiền lại. Những việc xử án của ông Thạch như thế rất nhiều, cũng đủ thấy là người thật tâm lo việc chính sự vậy.
Dị Sử thị nói: Lúc ông Thạch còn là Chư sinh, cứ làm được bài văn nào đưa ra thì người được xem đều chép giấu kín như của báu, mà nhìn tới người thì thấy đường hoàng trang nhã, có phong độ Hàn Phạm* tựa hồ không phải là kẻ chỉ có tài văn thư sổ sách**. Chỉ đứng trong một hàng quan huyện mà nổi tiếng là quan giỏi, cả vùng Hà Nam biết danh, ai nói văn chương chỉ là đẹp đẽ không thiết thực? Vì vậy chép lại để nêu gương cho những kẻ có địa vị vậy.
*Hàn Phạm: tức Hàn Dũ thời Đường và Phạm Trọng Yêm thời Tống, đều là bậc đại thần nổi tiếng văn học.
** Tài văn thư số sách: chỉ tài làm thư lại và các chức quan thấp, chỉ phụ trách những việc nhỏ mọn vụn vặt.
429. Thư Sinh Ở Chiết Đông
(Chiết Đông Sinh)
Thư sinh Phòng Mỗ người Chiết Đông (phía đông tỉnh Chiết Giang), làm khách ở đất Thiểm (vùng Thiểm Tây), nghèo không về quê được mở trường dạy học trò, thường khoe rằng mình gan dạ lắm. Một đêm đang cởi trần ngủ, chợt bị một con thú lông lá trên không rơi xuống đập vào đầu thành tiếng, thấy to như con chó, thở phì phì, bốn chân khua khoắng, sợ hãi vùng dậy định chạy. Con thú lấy hai chân trước vồ sinh ngã xuống, sinh sợ quá ngất đi. Hồi lâu thấy có người lấy vật nhọn chọc chọc vào mũi, hắt hơi tỉnh dậy. Thấy trong phòng đèn lửa leo lét, có một cô gái đẹp ngồì cạnh giường cười nói “Bậc nam tử vốn gan dạ lắm mà?”, sinh biết là hồ càng sợ. Cô gái dần dần đùa cợt, sinh lấy lại can đảm, bèn ngủ với nhau. Suốt nửa năm sau cô gái ăn ở với sinh như vợ chồng rất hòa thuận đầm ấm. Một hôm cô gái ngủ trên giường, sinh lén lấy lưới săn chụp lên, cô gái tỉnh dậy không dám động đậy, chỉ năn nỉ gở lưới ra, sinh chỉ cười ngất.
Chợt cô gái hóa thành một luồng khí trắng thoát ra khỏi lưới bước trên giường xuống giận dữ nói “Rốt lại cũng không phải là bạn tốt, mau đưa ta về”. Rồi nắm sinh kéo đi, sinh bất giác bước theo, ra tới cổng thì bay vọt lên trời, khoảng ăn xong bữa cơm thì cô gái buông tay, sinh choáng váng rơi xuống. Gặp khu vườn của một nhà thế gia có hầm nuôi cọp, đóng cọc làm rào, căng lưới bên trên. Sinh rơi xuống mặt lưới, tấm lưới nghiêng đi tuột một bên xuống, bụng sinh vướng vào lưới, người treo lơ lửng trên nóc hầm. Nhìn xuống thấy cọp ngồi chồm chỗm ngước cổ nhìn người rồi nhảy lên vồ, chỉ còn cách có một thước, sinh hồn bay phách lạc. Người coi vườn tới cho cọp ăn nhìn thấy lấy làm kỳ quái, đỡ lên thì sinh đã ngất đi, hồi lâu mới tỉnh kể lại mọi chuyện. Nơi ấy gần đất Chiết, chỉ cách nhà sinh hơn bốn trăm dặm. Người coi vườn báo lại, chủ nhà bèn tặng tiền ăn đường cho sinh về. Sinh thường kể lại cho mọi người nghe, nói “Tuy bị hai phen sợ chết ngất, nhưng nếu không có hồ thì thật không sao về nhà được”.
430. Cô Gái Ở Bát Hưng
(Bát Hưng Nữ)
Người dân họ Vương ở Bát Hưng có con gái đến tuổi cập kê. Nhà thế hào Mỗ thấy xinh đẹp, rình lúc cô gái ra khỏi nhà lén bắt về mà không ai hay biết. Về tới nhà, Mỗ toan cưỡng hiếp, cô gái la thét chống cự kịch liệt, Mỗ bóp cổ giết chết. Ngoài cửa vốn có cái vực sâu, bèn buộc đá vào xác cô gái quăng xuống dưới. Vương tìm con gái khắp nơi không thấy, không biết làm sao. Chợt trời đổ mưa, có một tia chớp bay vòng quanh nhà Mỗ, tiếng nổ ầm ầm, rồi một con rồng đáp xuống rút lấy đầu Mỗ đi mất. Không bao lâu trời tạnh, xác cô gái dưới vực nổi lên, tay cầm một cái đầu người nhìn kỹ thì là đầu thế hào Mỗ. Quan hay tin, bắt người nhà Mỗ tra hỏi, mới rõ được mọi chuyện. Rồng kia là cô gái biến hóa ra chăng, làm sao mà làm được như thế chứ? Lạ thật!
431. Một Viên Quan
(Nhất Viên Quan)
Ông Ngô là Đồng Tri phủ Tế Nam (tỉnh Sơn Đông), tính ngay thẳng cứng cỏi. Thời bấy giờ có cái lệ xấu là nếu quan lại bớt xén của công bị phát giác thì quan trên cứ che chở cho, đem số thiếu hụt ấy chia đều cho liêu thuộc bắt mỗi người chịu một phần, không ai dám trái lệnh. Có lần ông bị bắt chịu một phần, chối từ không nhận, quan trên ép mãi không được tức giận quát mắng. Ông cũng lớn tiếng quát lại rằng “Ta tuy giữ chức quan nhỏ nhưng cũng là nhận mệnh lệnh của vua, cách chức thì được chứ chửi mắng thì không được đâu. Muốn giết thì cứ giết, chứ ta không thể đem bổng lộc của triều đình đền thay cho kẻ tham lam phạm pháp được”, quan trên bèn dịu nét mặt xuống giọng vỗ về. Người ta cứ nói thời buổi này không thể sống ngay thẳng được, nhưng đó là do người không ngay thẳng thôi, sao lại đổ rằng vì thời buổi nên không thể sống ngay thẳng được?
Lúc ấy Mục Tình Hoài ở huyện Cao Uyển (tỉnh Sơn Đông) có hồ tới nương tựa, vẫn thường cùng người khảng khái bàn luận, chỉ nghe trên chỗ ngồi có tiếng nói chứ không thấy hình bóng đâu cả. Gặp khi tới quận thành, khách khứa tới gặp gỡ trò chuyện, có người hỏi hồ rằng “Tiên ông vốn biết mọi việc, xin hỏi trong quận có bao nhiêu viên quan?”, hồ đáp ngay “Một viên”. Mọi người cùng cười rộ, lại hỏi vì sao nói thế, hồ đáp “Toàn quận tuy có cả thảy bảy mươi hai ông quan, nhưng thật ra chỉ có Đồng tri họ Ngô đáng gọi là quan thôi”.
Thời bấy giờ ông Trương là Tri châu Thái An (tỉnh Sơn Đông), vì cứng cỏi nên người ta gọi là khúc gỗ cứng. Phàm các quan to lên hành hương ở Thái Sơn cứ mang theo tôi tớ xe ngựa đông đúc, phí tổn rất nhiều, dân trong châu khổ về việc cung ứng phục dịch, ông sai bãi bỏ hết. Có lần bị đòi dê lợn, ông nói “Ta là một con dê đây, một con lợn đây, xin cứ mổ thịt để khoản đãi những người tùy tùng”, quan trên cũng không biết làm sao. Ông từ khi làm quan xa nhà, cách biệt vợ con mười hai năm, vừa tới nhậm chức ở Thái An thì phu nhân cùng công tử từ kinh tới thăm, gặp nhau rất mừng rỡ. Được sáu bảy ngày, phu nhân thong thả nói “Ông không có tiền bạc gì, sao cứ từ chối không nghĩ tới con cháu?”. Ông tức giận mắng lớn, gọi lấy gậy bắt phu nhân phải nằm xuống chịu đòn. Công tử nằm phục lên người mẹ kêu khóc xin chịu đòn thay, ông ra sức đánh thẳng tay, hồi lâu mới thôi. Phu nhân tức giận đỡ công tử lên sai sắp xe ngựa trở về, thề rằng cho dù ông có chết ở đây, ta cũng không tới nữa đâu. Qua năm sau quả nhiên ông chết, không thể nói rằng đây không phải là hạng quan cứng cỏi thời nay được. Nhưng vợ chồng xa cách lâu ngày, sao lại chỉ vì một câu nói mà giận dữ tới mức ấy, cũng bất cận nhân tình lắm. Có điều có thể nghiêm khắc với cả vợ con như thế, thì còn lạ lùng hơn cả chuyện quỷ thần vậy.
432. Thần Hoa
(Hoa Thần)
Năm Quý hợi ta dạy học ở huyện Tất Hạ (tỉnh Sơn Đông), ngụ trong Trác Nhiên đường của ông Sử. Nhà ông trồng đầy hoa cỏ, cứ rảnh rỗi lại cùng ông chống gậy dạo chơi ngắm cảnh. Một hôm đi dạo xa quá trở về thấy mệt muốn nghỉ, cởi giày lên giường ngủ, nằm mơ thấy hai nữ lang quần áo đẹp đẽ tới mời “Có chuyện muốn nhờ, xin dời gót ngọc”. Ta kinh ngạc đứng lên hỏi là ai triệu, họ đáp “Giáng phi”. Ta đang hoang mang cũng không nghĩ ngợi gì, cứ đi theo họ. Giây lát thấy một nơi điện gác cao tận mây xanh, dưới có thềm đá, cứ từng chặng từng chặng đi lên, khoảng hơn trăm bậc mới hết. Thấy có cửa son treo rèm, lại có vài người đẹp chạy vào trong báo tin khách tới.
Không bao lâu trở ra dắt vào điện, thấy móc vàng treo rèm ngọc sáng ngời lóa mắt. Trong điện có một nữ nhân xuống thềm ra đón, tiếng vòng ngọc khua leng keng, dáng vẻ như bậc phi tần. Ta đang định vái lạy, Phi đã nói “Làm phiền tiên sinh, lẽ ra ta phải cám ơn trước”. Rồi gọi tả hữu trải đệm ra, như định làm lễ. Ta hoảng sợ không biết làm sao, vội thưa “Kẻ quê mùa hèn mọn được ơn trên vời tới đây đã là vinh dự lắm rồi, làm sao còn dám nhận lễ chào khách, lại thêm tăng tội giảm phúc của thần thôi”. Phi sai dẹp nệm bày tiệc, ngồi đối diện với ta. Rượu được vài tuần, ta nói “Thần uống rượu kém, sợ say thất lễ. Không rõ định sai bảo gì, cho thần hết lo lắng”. Phi không nói, chỉ sai lấy chén lớn mời, ta lại hỏi mấy lần mới nói “Thiếp là thần hoa, cả nhà yếu ớt tới đây nương tựa, nhiều lần bị con tiện tỳ họ Phong* vô lễ lấn lướt. Nay muốn dựa lưng vào thành tử chiến một trận, phiền ông thảo cho một bài hịch”.
*Họ Phong: thần gió.
Ta hoảng sợ đứng lên thưa “Thần học ít tài hèn, sợ phụ lời ký thác nặng nề, nhưng đã đội ơn được ban mệnh, đâu dám không hết sức ngu hèn”, phi mừng rỡ, lập tức ban cho giấy bút ngay trên điện. Các mỹ nhân kê bàn sắp chỗ, mài mực thấm bút, lại có một người búi tóc rủ xuống tới rọc giấy đặt dưới khuỷu tay. Cứ ta viết được một hai câu lại có hai ba người tới đứng sau lưng đọc trộm. Ta vốn vụng về chậm chạp, mà lúc ấy thấy tứ văn cuồn cuộn tuôn ra như sóng sông, chỉ trong khoảnh khắc đã viết xong. Các mỹ nhân tranh nhau đón lấy tới trình cho Phi. Phi xem qua một lượt, cứ quá lời khen ngợi, bèn sai đưa ta về. Ta tỉnh dậy còn nhớ rõ mọi việc nhưng bài hịch đã quên mất quá nửa, nhân viết thêm vào cho đủ.
Xét họ Phong: Nghênh ngang thành nết, Độc ác là lòng
Giúp ác cậy tài, khác xa cỏ rạp, Bắn người ngậm cát, giống hệt yêu tà
Đế Ngu vui vẻ với hơi hòa, giàu sang chưa đủ thỏa lòng, còn mượn gió nam đưa khí mát, Vua Sở ngu ngơ lòng cảm thán, hiền tài chưa làm xứng ý, những mong lốc lớn để xưng hùng
Bái Thương mây tan, anh hùng còn mong mãnh sĩ, Mậu Lăng thu thẳm, quân vương lại nhớ giai nhân
Từ đó ngạo nghễ tự hùng, Vì thế rông càn bất kể
Thét gào vạn chốn, khua rèm ngọc giữa cung sâu, Thổi rít nửa đêm, phủ hơi thu lên cây lạnh.
Hướng vào rừng núi giả oai hùm, Lướt tới sông hồ gây sóng dữ
Lại còn: Khua rèm đẩy cửa, ngắt điệu nhạc chốn ca lâu, Rung vách giật song, phá giấc mơ người chinh phụ
Vạch rèm thổi chiếu, ngang nhiên làm khách vào màn, Xô cửa lên thềm, hách dịch như thầy lật sách
Vốn chẳng từng biết mặt, cũng đẩy cổng tiến vào, Đã không giúp níu quần, còn xô người bước tới.
Nhả ráng hồng bên trời biếc, còn khoe giúp bóng trăng tròn, Vờn sóng liễu giữa đồng xanh, lại nói đưa tin hoa nở
Kẻ về núi đường xa còn bước, thổi cho áo ẩn sĩ phất phơ, Người chơi non hứng rượu đang nồng, giật cho mão thù du lăn lóc
Xoay chuyển cánh bồng, cuốn trốt như sừng dê bốc thẳng, Tranh giành trời thẳm, tung dây lôi cánh ó sa mau
Không vâng lời chiếu Tắc Thiên, cứ xui hoa nở, Chưa dứt giải mão quan Sở, đã thổi đèn tàn.
Thậm chí: Thổi cát bốc mờ trời, san non Lý Hạ, Rắc mưa tuôn mịt đất, phá nóc Thiếu Lăng.
Đánh trống Phùng Di, Thổi sênh Thiên nữ
Lãng đãng tới, đá non hóa én, ầm ì qua, ngói điện chia uyên
Tát nước chửa ra oai, mặt sóng giang đồn run sợ lạy, Ngăn trời vừa giở sức, chân mây chữ nhạn vẹo xiêu hàng
Giúp buồm nhẹ qua Mã Đương, việc kia còn rõ, Kéo rèm xanh nơi Ngọc điện, ý nọ ra sao?
Tới như chim bể linh thiêng, cũng phải vào cửa Đông tránh núp, Những mong người đi yên ổn, chỉ luống kêu chàng Thạch trở về
Xưa có hiền tài, mới ngàn dặm cưỡi gió phá sóng, Đời không cao sĩ, được mấy người ruổi gió mà đi?
Giong xe pháo như mây cuồng, để Dạ Lang tự đại, Được Tham Lang hà khí nghịch, khoe Hà Bá là Tôn.
Chị em cùng chịu điêu tàn, Họ hàng thảy đều run sợ Tàn hồng gãy lục, thảm não sao cùng, Bẻ lá vặt cành, tiêu điều vô hạn
Ngọc chôn hương lấp, người đẹp xưa xiêm áo lạnh lùng, Sơn lạt sơn phai, cửa hầu cũ gạch vôi rơi rụng
Giảm sắc xuân trong sớm tối, muôn nét hao mòn, Tung nét hồng khắp tây đông, năm canh phách lối
Gái u nhàn nơi Giang Hán, đeo cung bước nhẹ giữa vườn xuân, Kẻ tịch mịch chốn lầu cao, nghe ngựa hí buồn trong nội cỏ
Lúc ấy kẻ thương xuân ôm nỗi sầu Không lời tả oán, Người dạo cảnh cất khúc hát Chẳng biết làm sao
Ngươi lại: Xoay khí hà hơi ra điều thần bí, Thổi mây vén ngút hiện vẻ vô cùng
Thương thay hoa đỏ vẫn còn, lác đác bên tường rụng cánh, Cảm bấy phướn xanh chẳng hạ, phất phơ ngọn cột thương ai?
Cánh rụng nhụy tàn, hồn thơm đã xong buổi ấy, Sáng tươi chiều héo, mạng kia biết gởi năm nào
Oán áo là dễ tính, Mắng ngọn gió vô tình
Kiện kẻ dữ hung bạo, Sớ chưa tới Thiên đình
Nhắn với các loài hoa thơm, xin học mày ngài bày trận, Nói cho bạn cùng chí khí, hãy đem cây cỏ làm binh
Đừng rằng mềm yếu không tài, Chỉ cốt giậu rào có chí
Cứ xem oanh én hợp bầy, chung lòng rửa hận, Xin cùng bướm ong kết nghĩa, ra sức diệt thù
Chèo lan mái quế đủ đánh trận hồ Côn Minh, Cờ liễu lọng dâu thừa rửa hờn vườn Thượng uyển
Giậu đông người ẩn sĩ, có ra khỏi lều tranh không, Cây lớn bậc tướng quân, phải sôi bừng lòng nghĩa chứ?
Giết loài bạo ngược, rửa nỗi oan hương phấn ngàn năm, Trừ kẻ tham tàn, tan mối hận phong lưu muôn thuở*
*Bài hịch này dùng rất nhiều điển tích về gió, đây chúng tôi chỉ cố gắng dịch đúng ý và không chú thích.
Năm Truyện Phụ Lục (Phụ lục ngũ tắc)
I.
Phi Yến ngoại truyện chép hậu mắc chiếc quần màu tía của Nam Việt cống, ca múa theo điệu Gió về đưa đi xa (Quy phong tống viễn). Vua sai người hậu ưa thích là Thị lang Phùng Vô Phương thổi sinh hòa theo. Hậu ca múa đến lúc say sưa, gió lớn chợt nổi lên, hậu theo gió giang tay áo nói “Tiên ơi! Tiên ơi! Bỏ cũ mà theo mới, nỡ quên lòng sao?”. Vua nói “Vô Phương giữ hậu lại cho Trẫm”, Vô Phương vứt ống sinh níu chặt lấy quần hậu giữ lại. Hồi lâu gió lặng, hậu khóc nói “Làm cho ta không lên tiên được”. Vua trọng thưỡng cho Vô Phương, đưa hậu về cung. Về sau các cung nữ được vào hầu vua lần đầu có người dệt vải may quần theo kiểu ấy, gọi là Quần giữ tiên (Lưu tiên quần)
II.
Hàn thi ngoại truyện chép Sở Trang vương cùng các bề tôi uống rượu, đến lúc say thì gió thổi tắt đuốc. Có người kéo áo hậu, hậu ngầm dứt đứt giải mũ người ấy rồi nói với vương rằng “Xin đốt đuốc lên tìm người bị đứt giải mũ”. Vương nói “Khoan đã” rồi lập tức ra lệnh “Hôm nay các ngươi uống rượu với quả nhân, không đứt cả giải mũ thì chưa phải là thật vui”. Vì thế mọi người đều dứt đứt hết giải mũ, không biết người bị hậu dứt đứt giải mũ là ai.
III.
Cửu Giang ký chép núi Mã Đương cao tám mươi trượng, chu vi bốn dặm, ở phía bắc huyện Bành Trạch cũ. Núi gối ngang sông lớn, hình dáng như con ngựa, cản gió ngăn sóng nên sông chỗ ấy ba đào nổi cuồn cuộn đánh vào thuyền bè. Người ta rất sợ hãi, dựng miếu ở lưng chừng núi để thờ cúng. Vương Bột thời Đường bị ngược gió đậu thuyền lại dưới núi, gặp một ông già giúp cho ngọn gió thuận nên chỉ một đêm đã tới được Hồng Đô làm bài Tựa gác Đằng vương (Đằng Vương các tự).
IV.
Giang hồ kỷ văn chép truyện gió Thạch Vưu rằng con gái họ Thạch là vợ chàng Vưu. Vưu đi buôn xa, vợ ngăn lại không được Vưu đi mãi không về. Vợ nhớ chồng mắc bệnh chết, lúc sắp chết thở dài nói “Ta hận không ngăn được chàng, để tới nỗi này. Từ nay nếu có người buôn bán xa nhà lên đường, ta sẽ làm gió lớn ngăn cản giúp những người làm vợ trên đời”. Từ đó những người buôn bán lên đường thấy mũi thuyền bị gió ngược cản trở đều nói “Gió Thạch Vưu đấy”, rồi hoãn lại không đi nữa.
V.
Bác dị ký chép trong niên hiệu Thiên Bảo thời Đường (742-755), xử sĩ Thôi Nguyên Huy đêm ở nhà một mình, hết canh ba chợt có một cô gái tóc xanh tới nói “Ta trú trong vườn, nay cùng vài người chị em muốn mượn tạm nơi đó để yết kiến ông, có được không?”, Nguyên Huy ưng thuận. Người áo xanh dẫn Nguyên Huy vào vườn, có cô gái mặc xiêm màu lục bước lên trước nói “Ta họ Dương”, rồi chỉ một người khác nói “Cô này họ Lý”. Lại một người nói “Ta họ Đào”, rồi chỉ một người mặc áo màu đỏ nói “Cô này họ Thạch, tên Thố Thố”. Nguyên Huy bảo ngồi xuống rồi hỏi đi đâu. Họ đáp “Định tới gặp dì Phong thứ mười tám”. Còn chưa ngồi yên chỗ thì ngoài cổng đã có người vào báo “Dì họ Phong tới”. Nguyên Huy ra chào, thấy họ Phong lời lẽ lạnh lùng, thái độ như gió lướt trong rừng. Chào hỏi xong, tất cả cùng uống rượu. Dì Phong thứ mười tám bưng chén rượu sóng sánh làm đổ vào áo Thố Thố, Thố Thố tức giận phẩy áo đứng dậy. Dì Phong thứ mười tám nói “Con nhỏ này mượn men rượu à!”. Mọi người cùng đứng cả lên, ra ngoài cổng vườn chia tay. Dì Phong thứ mười tám đi về phía nam, các cô gái lại trở vào vườn.
Đêm sau tất cả lại tề tựu, nói “Phải tới chỗ dì Phong thứ mười tám”. Thố Thố giận dữ nói “Cần gì phải tới nhà họ Phong, có chuyện chỉ cần nhờ xử sĩ đây là xong, nhưng không biết có được không?”. Nguyên Huy hỏi chuyện gì, họ đáp “Bọn chị em đều ở trong vườn, hàng năm thường bị gió dữ tàn hại, thường xin dì Phong thứ mười tám che chỡ cho. Nhưng vì chuyện Thố Thố đêm qua nên khó lòng nhờ được nữa, xin xử sĩ cứ đến ngày đầu năm thì làm một lá phướn đỏ trên vẽ hình mặt trời mặt trăng và năm ngôi sao cắm ở phía đông vườn thì bọn ta có thể thoát nạn”. Nguyên Huy nhận lời làm đúng theo như vậy. Đến ngày đầu năm, gió đông nổi lên từ Lạc Nam cuốn tới bẻ gãy cây cối, thổi tung cát đá nhưng cây hoa dày đặc trong vườn vẫn đứng im không động. Nguyên Huy mới sực hiểu rằng các cô gái đều là tinh của các loài hoa, Thố Thố là hoa thạch lựu, Dì Phong thứ mười tám là thần gió.