– 56 – 62: Em Lấy Chồng Thay Chị (Tỷ Muội Dịch Giá)
Tướng quốc họ Mao* ở huyện Dịch (tỉnh Sơn Đông) lúc nhỏ nhà nghèo, cha phải đi chăn trâu cho người ta. Lúc ấy nhà thế tộc họ Trương trong huyện có khu mộ ở sườn núi phía đông, có người đi qua nghe trong phần mộ có tiếng quát tháo “Các ngươi phải đi ngay, không được ở lâu trong ngôi đất của quý nhân”. Trương nghe kể cũng chưa tin lắm, kế chợt nằm mơ thấy thần nói “Khu mộ của gia đình ngươi vốn là ngôi đất quý của ông Mao, sao lại mượn lâu thế?”. Từ đó trong nhà liên tiếp gặp mấy chuyện rủi ro, có người môn khách khuyên nên dời mộ qua nơi khác thì hay, Trương nghe theo bèn cải táng.
*Tướng quốc họ Mao: bản Hương Cảng chú nhân vật này tên Tự, tự Duy Chi, thi đỗ Giải nguyên năm Bính ngọ niên hiệu Thành Hóa thời Minh (1486), thi đỗ Tiến sĩ năm Đinh mùi (1487), làm quan tới chức Cẩn Thân điện Đại học sĩ, chết được truy tặng hàm Thái bảo.
Một hôm cha Tướng quốc đi chăn trâu, ra tới khu mộ cũ nhà họ Trương thì trời chợt mưa lớn, bèn núp dưới huyệt mộ cũ. Kế mưa càng lớn như trút, nước tràn xuống huyệt, đất lở sụp xuống nên chết đuối dưới đó. Lúc ấy Tướng quốc còn là trẻ con, bà mẹ bèn tới nhà Trương xin cho vài thước đất chôn cha đứa nhỏ. Trương hỏi biết họ tên lấy làm lạ, tới xem nơi cha ông chết thì thấy đất nổi lên như cái gò, càng thêm hoảng sợ bèn cho chôn luôn ở đó, lại bảo dắt đứa nhỏ tới. Chôn cất xong bà mẹ dắt con tới nhà Trương tạ ơn, Trương vừa nhìn thấy đã mừng rỡ, giữ lại ở nhà mình dạy cho học, coi như con cháu, lại xin gả con gái lớn cho. Bà mẹ sợ hãi không dám đáp, vợ Trương nói “Nếu đã nói ra thì không giữa chừng thay đổi đâu” bà mẹ bèn ưng thuận.
Nhưng con gái lớn Trương rất coi thường nhà họ Mao, oán hận hổ thẹn hiện ra nét mặt, nếu có ai nhắc tới chuyện đó thì bịt tai không thèm nghe, thường nói với người ta rằng “Ta thà chết chứ không lấy thằng chăn trâu”. Đến hôm làm lễ rước dâu, chàng rể đã vào ăn tiệc, kiệu hoa chờ ngoài cửa mà cô gái cứ lấy tay áo che mặt quay vào vách khóc lóc, giục trang điểm thì không chịu, khuyên giải mấy cũng không nghe. Kế chàng rể xin về, đàn sáo đã trỗi mà cô gái mắt còn ngấn lệ, tóc còn rối tung. Cha nàng bèn ngăn con rể lại, tự vào trong khuyên cô gái, nàng cứ khóc lóc như không nghe thấy, cha nổi giận lôi kéo càng khóc lớn, cha không biết làm sao.
Lại có người nhà vào thưa là chàng rể muốn lên đường, cha vội chạy ra nói “Áo quần còn chưa sắp xếp xong, xin con chờ thêm một lúc”, rồi lại lập tức chạy vào xem con gái ra sao, chạy ra chạy vào không nghỉ chân. Dằng dai thêm một lúc, việc càng gấp rút, cô gái rốt lại vẫn không chịu đổi ý, cha không biết làm sao, định tự tử. Cô con gái thứ hai đứng bên cạnh, cho là chị làm thế rất không phải, ra sức khuyên lơn. Chị giận nói “Con nhãi cũng học đòi múa mép, sao ngươi không lấy người ta đi?,” Cô em nói “Cha vốn chưa từng hứa gả em cho chàng Mao, chứ nếu cha hứa gả em cho chàng thì không cần chị phải khuyên dỗ đâu!”
Cha thấy lời nàng khẳng khái hào sảng bèn cùng mẹ nàng bàn riêng, định lấy em thay chị. Mẹ lập tức gọi nàng hỏi “Con nhãi ngỗ nghịch kia không vâng lời cha mẹ, cha mẹ mượn lấy con thay nó, con có chịu không?”. Cô gái khẳng khái thưa “Cha mẹ dạy con đi lấy chồng, giả như chồng là ăn mày cũng không dám từ chối, vả lại chắc gì chàng họ Mao đã phải đói rét mà chết đâu?”. Cha mẹ nghe thế cả mừng, bèn lấy quần áo cưới của chị cho cô gái mặc, rồi vội đưa nàng lên kiệu đi. Về tới nhà chồng, vợ chồng rất yêu thương nhau, nhưng cô gái có bệnh rụng tóc cứ nơm nớp lo ông chê, lâu sau ông nghe phong thanh chuyện tráo người nên lại càng cám ơn nàng là kẻ tri kỷ.
Không bao lâu, ông được lấy làm Giám sinh, đi dự thi hương, đường đi ngang qua quán trọ của Xá nhân họ Vương. Đêm trước chủ quán nằm mơ thấy thần nói “Sáng mai sẽ có Thủ khoa họ Mao tới đây về sau sẽ giúp ngươi thoát được tai ách”, vì vậy dậy sớm ra đứng chờ những khách từ phía đông vào. Đến khi gặp ông mừng lắm, cung phụng hầu hạ rất kính trọng, không chịu nhận tiền trọ, lấy việc giấc mộng ra kể, coi đó là trách nhiệm của mình. Ông cũng rất tự phụ, nghĩ thầm vợ mình rụng trụi cả tóc, sợ bị những người quyền quý chê cười, định là lúc thi đỗ xong sẽ cưới vợ khác. Kế đó ra bảng thì ông thi rớt, than thở rằng mình lận đận, trong lòng chán nản, thầm hổ thẹn với chủ quán trọ bèn đi đường khác về nhà.
Ba năm sau lại đi thi, chủ quán trọ vẫn tiếp đãi nồng hậu như trước. Ông nói “Lời ông nói lần trước không đúng, ta rất xấu hổ được đối xử như thế này”. Chủ quán nói “Tú tài vì ngầm muốn bỏ vợ nên bị âm ty đánh rớt, đâu phải ta mơ mộng quàng xiên”. Ông kinh ngạc hỏi, thì ra sau khi chia tay chủ quán lại nằm mơ thấy thần nói thế. Ông nghe kể áy náy hối hận, đứng thừ ra như tượng gỗ. Chủ quán trọ nói “Tú tài nên tự giữ mình, rồi thế nào cũng đỗ Thủ khoa mà”. Không bao lâu quả nhiên ông đỗ Thủ khoa, tóc phu nhân cũng dần dần dài ra, ngày thêm mượt mà, càng xinh đẹp hơn.
Người chị thì lấy chồng là con nhà giàu trong làng, càng thêm kiêu hãnh, nhưng chồng chơi bời lêu lổng, nhà dần dần sa sút, đến nỗi trong nhà không còn gì, dưới bếp không nổi lửa. Nghe nói em gái đã là vợ Hiếu liêm càng thêm xấu hổ, đi đường gặp em là tránh mặt. Không bao lâu người chồng chết, nhà càng nghèo túng, kế đó ông Mao lại thi đỗ Tiến sĩ, người chị nghe thấy vô cùng hối hận, uất ức xuống tóc vào chùa làm ni cô. Đến khi ông được phong chức Tể tướng về thăm nhà, ni cô ép lòng sai đệ tử tới phủ Tể tướng khuyến hóa, có ý chờ ông tặng tiền bạc. Tới nơi thì phu nhân lấy vải vóc the lụa như thường lệ đưa cho, nhưng ngầm gói vàng bên trong. Người đệ tử không biết, đem gói vải về đưa thầy, thầy thất vọng bực tức nói “Cho tiền bạc thì còn có thể mua củi gạo, chứ những thứ quà biếu này thì ta cần gì”, rồi sai đem trả lại.
Ông Mao và phu nhân ngờ vực đến khi mở ra xem thì vàng đều còn đó, mới hiểu ý người chị từ chối. Phu nhân bèn cất vàng đi, cười nói “Thầy của ngươi có hơn trăm lượng vàng cũng không giữ được, làm sao có phúc lấy quan Thượng thư nhà ta?”. Rồi lấy năm mươi lượng vàng đưa cho người đệ tử đem về, dặn “Đem về đưa cho thầy ngươi chi dùng, nhiều hơn thì sợ là kẻ ít phúc không nhận nổi đâu”. Người đệ tử về kể hết mọi chuyện với thầy, người chị im lặng thầm than thở, nghĩ thấy những việc mình làm lúc trước đều dại dột, lẫn lộn người hay kẻ dở. Ôi, há có phải chỉ do người thôi đâu? Về sau chủ quán trọ dính líu vào việc án mạng bị bắt giam, nhờ ông Mao ra sức giúp đỡ mà được khỏi tội.
Dị Sử thị nói: Khu mộ cũ nhà ông Trương lại là ngôi đất quý của họ Mao, kể cũng lạ thật. Ta nghe người thời ấy có vở tuồng Chồng cô chị thành chồng cô em, Giải nguyên trước thành Giải nguyên sau, đó há phải là những người khôn ngoan tinh ranh bịa đặt mà viết ra được đâu? Than ôi, trời xanh kia lâu lắm không ai hỏi được, sao lại có ông Mao, nhân quả báo ứng mau lẹ như thế!
057. Sư Tây Vực
(Phiên Tăng)
Sư Thể Không kể lúc ở phủ Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) gặp hai nhà sư Tây Vực trạng mạo cổ quái, tai đeo vòng, mặc áo vàng, râu tóc xoăn tít, nói là ở Tây Vực tới, nghe quan Thái thú chuộng đạo Phật nên tới yết kiến. Thái thú sai hai người lính đưa tới ở chùa, Hòa thượng Linh Bí ở đó coi thường, người quản lý trong chùa thấy tướng mạo họ kỳ lạ nên đứng ra khoản đãi giữ lại ngủ. Có người hỏi “Tây Vực có nhiều bậc dị nhân, chắc các vị La Hán đây cũng có phép lạ chứ?”. Một người mỉm cười rút từ tay áo ra một cái tháp nhỏ cao khoảng một thước long lanh rất đẹp. Chỗ cao nhất trên vách có cái kệ nhỏ, nhà sư ném cái tháp lên, cái tháp nghiễm nhiên đứng thẳng không hề nghiêng ngửa, trên ngọn tháp có viên ngọc xá lỵ phóng ra ánh sáng chiếu sáng cả phòng. Giây lát nhà sư lấy tay vẫy, cái tháp lại rơi vào lòng bàn tay. Nhà sư kia trật vai áo duỗi cánh tay trái ra, thấy dài tới sáu bảy thước, còn cánh tay phải không thấy đâu nữa, lại chuyển qua duỗi cánh tay phải ra thì cánh tay trái cũng rút vào không thấy đâu.
058. Tư Giám Họ Lý
(Lý Tư Giám)
Tư giám Lý Vĩnh Niên là Cử nhân, ngày hai mươi tám tháng chín năm Khang Hy thứ 4 (1665) đánh vợ là Lý thị chết, địa phương báo lên quan, quan trên sức về cho huyện tra xét. Tư giám đang đứng trước phủ, chợt rút một con dao trên giá chạy vào miếu Thành hoàng, lên thẳng trên gác quỳ xuống trước bàn thờ nói “Thần trách ta nghe lời kẻ gian làm điên đảo thị phi trong làng xóm, nên cắt tai ta”. rồi tự cắt rụng vành tai trái ném xuống dưới gác. Lại nói “Thần trách ta nhận tiền của người, nên chặt tay ta”, rồi tự chặt bàn tay trái. Lại nói “Thần trách ta gian dâm với phụ nữ, nên thiến dái ta”, rồi tự thiến dái, ngã quay ra chết cứng. Lúc ấy quan Tổng đốc Chu Vân Môn gởi bản tâu hặc tội Lý, xin triều đình cách chức luận tội, vừa có chỉ dụ gởi xuống thì Lý đã bị âm ty trừng phạt rồi. Việc này xem ở để báo*.
* Để báo: một loại công báo của triều đình dùng để thông báo tin tức cần thiết cho quan lại các địa phương thời Thanh.
059. Bảo Trú
(Bảo Trú)
Phiên vương Ngô Tam Quế lúc chưa làm phản* thường ra lệnh cho tướng sĩ rằng ai một mình tay không bắt sống được cọp sẽ được cấp bổng hạng nhất, tặng danh hiệu Đả hổ tướng. Trong các viên tướng ấy có một người tên Bảo Trú, khỏe mạnh nhanh nhẹn như khỉ, lúc trong vương phủ xây ngôi lầu cao, xà vừa gác lên, Trú men theo góc lầu mà lên, trong giây lát đã tới trên nóc, đứng trên xà chạy đi chạy lại mấy lần, kế lại co người nhảy xuống đứng thẳng dưới đất. Vương có người ái cơ giỏi đánh đàn tỳ bà, chiếc đàn nàng dùng lấy noãn ngọc làm chốt lên dây, cầm lên là cả phòng ấm hẳn. Người thiếp quý báu cất kỹ, nếu không phải vương ra lệnh thì không đem ra cho ai thấy. Một đêm ăn yến, khách có người xin được xem vật lạ một lần, vương đang mỏi mệt nên hẹn để hôm sau. Lúc ấy Trú đang ở bên cạnh nói “Không cần vương gia phải ra lệnh, thần có thể lấy được”.
*Phiên vương… làm phản: Ngô Tam Quế 1à người thời Minh, 1àm tướng giữ Sơn Hải quan. Khi Lý Tự Thành diệt nhà Minh, Ngô Tam Quế mở cửa quan mời quân Mãn Châu vào Bắc Kinh đánh Lý Tự Thành. Quân Mãn Châu nhân đó chiếm đóng Trung Quốc, lập ra nhà Thanh, phong Ngô Tam Quế làm Bình Tây vương trấn thủ Vân Nam, Cảnh Tinh Trung làm Tĩnh Nam vương trấn thủ Phúc Kiến và Thượng Khả Hỷ làm Bình Nam vương trấn thủ Quảng Đông, hơp xưng là Tam phiên (Ba phiên vương). Về sau vua Khang Hy nhà Thanh triệt phiên, Tam phiên làm phản, lần lượt bị tiêu diệt.
Vương bèn sai người báo khắp trong ngoài vương phủ, ra lệnh phòng bị nghiêm cẩn rồi sai Trú đi lấy. Trú vượt qua mười mấy lần tường mới vào tới chỗ người ái cơ của vương ở, thấy đèn trong phòng sáng choang mà của nẻo khóa chặt không vào được. Dưới hành lang có cái lồng nuôi chim vẹt, Trú giả tiếng mèo kêu, kế lại giả tiếng vẹt kêu ầm lên là có mèo tới, lại làm ra tiếng vỗ cánh phành phạch rất gấp. Nghe người ái cơ nói “Lục Nô ra ngay xem, con vẹt bị mèo vồ chết rồi”, Trú liền nép vào góc tối. Giây lát có một cô gái khêu đèn lách ra, Trú nhân đó lẻn vào, thấy người ái cơ đang cầm chiếc đàn tỳ bà ngồi trên ghế liền xô vào giật lấy bỏ chạy. Người ái cơ hoảng sợ la lớn giặc tới, đám quân canh gác đổ cả ra, thấy Trú ôm đàn chạy nhưng đuổi theo không kịp, bắn tên rào rào như mưa. Trú nhảy lên gốc cây, dưới tường vốn có cây hòe lớn, Trú chuyền qua cành cây như chim chuyền cành, hết gốc cây lên tới gác, hết gác lên tới lầu, chuyền vào trong điện như có cánh, chớp mắt đã không thấy đâu nữa. Khách còn đang uống rượu, Trú ôm chiếc đàn phi thân vào đứng trước tiệc, cửa vẫn đóng chặt như cũ, không hề có tiếng gà kêu chó sủa.
060. Nạn Lụt
(Thủy Tai)
Năm Khang Hy thứ 21 (1682) đại hạn, từ xuân qua hạ đất khô cháy không còn cọng cỏ nào xanh. Ngày mười ba tháng sáu có cơn mưa nhỏ mới có kẻ trồng bắp, ngày mười tám thì mưa lớn ngập bàn chân, người ta mới trồng đậu. Một hôm ở trang Thạch Môn (tỉnh Chiết Giang) có ông già lúc chiều tối nhìn thấy hai con trâu húc nhau trên núi, nói với người trong thôn rằng “Sắp có lụt lớn” rồi lập tức dắt gia đình đi tránh, người trong thôn đều cười. Không bao lâu mưa đổ ào ào từ đêm đến sáng không ngớt, trên đất bằng nước cao mấy thước, nhà cửa đều bị ngập hết. Có một nông dân bỏ hai đứa con lại, cùng vợ dìu cha mẹ chạy lên gò cao, nhìn xuống dưới thôn thì đã như cái đầm lớn, nghĩ không kịp quay về cứu con nữa. Khi nước đã rút trở về, thấy cả thôn đã thành bãi hoang, vào nhà thấy một gian phòng còn nguyên mà hai đứa con đều ngồi trên giường cười đùa không hề hấn gì. Có người nói đó là trời thương cho hai vợ chồng có hiếu, đó là việc ngày hai mươi tháng sáu.
Năm Khang Hy thứ 34 (1695) ở Bình Dương có động đất, nhân dân mười phần chết hết bảy tám, thành quách đều sụp đổ chỉ còn một căn nguyên vẹn là nhà một người con có hiếu. Giữa cơn đại kiếp mênh mang mà chỉ có những người con hiếu là không việc gì, ai bảo là ông trời kia không phân biệt được trắng đen?
061. Mỗ Giáp ở Chư Thành
(Chư Thành Mỗ Giáp)
Học quan tiên sinh Tôn Cảnh Hạ nói trong huyện có Mỗ Giáp, gặp lúc có giặc bị chém, đầu rơi xuống trước ngực. Khi giặc rút đi người nhà tìm được xác, đang định đem chôn thì nghe còn hơi thở, nhìn kỹ thấy cổ họng còn một khoảng bằng ngón tay chưa đứt, bèn nâng đầu lên giữ lại cho đúng chỗ rồi khiêng về. Qua một ngày một đêm thì bắt đầu rên rỉ, người nhà lấy thìa đút cháo cho, nửa năm thì lành. Hơn mười năm sau, Giáp cùng hai ba người trò chuyện, có kẻ kể chuyện cười, mọi người cùng cười ầm lên, Giáp cũng vỗ tay. Đang lúc nghiêng ngửa thì vết thương cũ chợt toác ra, rơi đầu phun máu, mọi người cùng nhìn lại thì đã đứt hơi chết rồi. Cha Giáp đi kiện người kể chuyện, mọi người cùng góp tiền van xin, người cha bèn chôn Giáp mà không kiện nữa.
Dị Sử thị nói: Cười một trận mà rơi đầu, quả là chuyện cười hiếm có trong ngàn năm. Cổ họng liền lại không chết, để mười năm sau làm thành một vụ án cười, há không phải là kiếp trước hai ba người láng giềng kia mắc nợ y sao?
062. Đùa Giỡn Thắt Cổ
(Hý ải)
Mỗ người huyện ta là kẻ lông bông vô lại, tình cờ ra ngoài thôn thấy một thiếu phụ cưỡi ngựa đi tới bèn nói với bạn bè “Ta có thể làm nàng cười một trận”. Mọi người không tin, đánh cuộc một bữa rượu. Mỗ bèn chạy lên trước ngựa kêu luôn mồm rằng “Ta muốn chết đây”. Nhân thấy chỗ đầu tường có một miếng ván mỏng nhô ra, bề ngang hơn một thước bèn cởi dây lưng móc lên đó, thò cổ vào làm như sắp tự tử. Thiếu phụ đi qua nhìn thấy quả nhiên bật cười, bạn bè cũng đều cười rộ. Thiếu phụ đi xa rồi mà Mỗ vẫn bất động, mọi người càng cười dữ, nhưng tới gần xem thì đã thè lưỡi trợn mắt tắt hơi rồi. Treo cổ lên tấm ván mà chết há chẳng phải là chuyện lạ sao? Chuyện này đủ để răn bọn người khinh bạc vậy.