– 64 -: Thụy Vân (Thụy Vân)
Thụy Vân là danh kỹ ở đất Hàng (tỉnh Chiết Giang), nhan sắc tài nghệ vô song. Năm mười bốn tuổi bà chủ là mụ dầu họ Sái định cho ra tiếp khách. Thụy Vân nói “Đây là lúc con bắt đầu vào đời, không thể qua quít, nên giá thì do mẹ định nhưng khách thì xin cho con tự chọn”. Mụ ưng thuận, bèn định giá là mười lăm lượng vàng, nàng bèn hàng ngày ra tiếp khách. Khách muốn gặp thì đưa lễ vật tới, nhiều thì được tiếp một ván cờ, tặng một bức tranh, ít thì được mời uống chén trà mà thôi.
Thụy Vân nổi tiếng đã lâu, từ đó các bậc phú thương quý quan ngày ngày nối nhau tới cổng. Hạ sinh người huyện Dư Hàng (tỉnh Chiết Giang) nổi tiếng tài danh nhưng gia tư chỉ đủ ăn, vốn ngưỡng mộ Thụy Vân nhưng chưa dám nghĩ tới giấc mộng uyên ương, cũng gắng sửa chút lễ mọn, chỉ mong được một lần gặp mặt, vẫn thầm lo nàng trải đời đã nhiều, không để mắt tới kẻ nghèo hèn. Đến lúc gặp mặt, vừa chuyện trò nàng đã tỏ ra rất ân cần. Cùng nói chuyện hồi lâu, đầu mày cuối mắt đều chứa chan tình ý, lại tặng sinh bài thơ rằng:
Hà sự cầu tương giả,
Lam Kiều khấu hiểu quan.
Hữu tâm tầm ngọc chử
Đoan chỉ tại nhân gian
(Xin nước làm chi cho vất vả
Tinh sương lại phải tới cầu Lam*
Có lòng xin cố tìm chày ngọc
Dám chắc còn trên cõi thế gian)
*Cầu Lam: dịch chữ Lam Kiều. Bùi Hàng truyền kỳ chép Bùi Hàng là người thời Đường đi ngang trạm Lam Kiều khát nước ghé vào nhà một bà già xin nước uống, bà già sai con gái là Vân Anh mang nước ra cho. Hàng thấy nàng xinh đẹp xin cưới làm vợ, bà già nói mình có phương thuốc tiên nhưng còn thiếu cối ngọc chày ngọc để giã, nếu Hàng tìm được sẽ gả Vân Anh cho. Sau Hàng mua được cối ngọc chày ngọc tới bà già sai Hàng giã thuốc một trăm ngày rồi gả Vân Anh cho Hàng, kế hai vợ chồng cũng thành tiên.
Sinh được thơ mừng quýnh, còn muốn nói nữa chợt a hoàn vào báo khách tới. Sinh vội từ biệt, về nhà đem bài thơ ra ngắm nghía ngâm nga, mộng hồn vướng vít. Được một hai hôm không kìm được, lại sắm sửa lễ vật tìm tới. Thụy Vân đón tiếp rất vui vẻ dời ghế tới gần sinh, buồn bã nói “Chàng có thể lo được một đêm sum họp không?”. Sinh đáp “Học trò nghèo chỉ có tấm tình si để tặng tri kỷ, lo được cái lễ nhỏ mọn thì bao nhiêu tơ tằm đã rút hết, được gần mặt hoa là thỏa nguyện rồi, còn như đầu gối tay ấp thì đâu dám mong tưởng”. Thụy Vân nghe nói chau mày không vui, hai người chỉ nhìn nhau không nói. Sinh ngồi lâu không ra, mụ chủ mấy lần gọi Thụy Vân để giục giã. Sinh bèn ra về, trong lòng buồn bực, muốn đem hết gia sản chuốc một lần vui, nhưng hết đêm lại phải chia tay thì thật không sao chịu nổi, nghĩ tới đó thì tấm lòng hăm hở đều tiêu tan. Từ đó dứt hẳn không lui tới nữa.
Thụy Vân kén rể mấy tháng mà chưa chọn được người vừa ý. Mụ dầu bực tức, định ép uổng nhưng còn chưa ra tay. Một hôm có người Tú tài đem lễ vật tới, ngồi nói chuyện một lúc bèn đứng lên, ấn một ngón tay lên trán nàng nói “Đáng tiếc, đáng tiếc” rồi ra về. Thụy Vân tiễn khách ra trở vào mọi người cùng nhìn thì thấy trên trán nàng có dấu ngón tay in đen như mực, rửa lại càng đậm. Sau vài hôm vết mực lan rộng ra, hơn một năm sau thì lan từ trán xuống cả mũi, ai thấy cũng cười, vì vậy vết xe ngựa ngoài cổng cũng mất hẳn. Mụ dầu lột hết trang sức, bắt làm việc của hạng tôi tớ, Thụy Vân lại ẻo lả không làm nổi việc nặng nhọc nên ngày càng tiều tụy.
Hạ nghe tin ghé qua, thấy nàng đầu bù tóc rối dưới bếp, xấu xí như ma, ngẩng đầu thấy sinh thì quay vào tường giấu mặt. Hạ thương xót bèn nói với mụ dầu xin chuộc nàng, mụ ưng thuận. Hạ bán ruộng dốc túi mua nàng đem về. Tới nhà nàng kéo áo lau nước mắt, không dám tự xem là vợ, chỉ xin giữ phận làm lẽ, để ngôi chính thất chờ người sau này. Hạ nói “Người ta ở đời vẫn quý kẻ biết mình. Lúc nàng đang thịnh, nàng còn biết tới ta, lẽ nào vì nàng suy mà ta quên nàng sao?”, rồi không lấy vợ nữa. Ai nghe chuyện cũng chế nhạo, nhưng sinh thì càng thương yêu nàng thêm.
Được hơn năm, sinh ngẫu nhiên tới đất Tô (tỉnh Giang Tô), gặp Hòa sinh cùng trọ một chỗ. Bỗng Hòa hỏi “Danh kỹ đất Hàng là Thụy Vân nay ra sao?”, sinh đáp đã lấy chồng rồi. Hòa lại hỏi lấy ai, sinh đáp “Người đó cũng đại loại như ta”. Hòa nói “Nếu được như ông thì có thể nói là lấy đúng người, không biết giá bao nhiêu?”. Hạ nói “Vì mắc bệnh lạ nên cũng rẻ thôi, nếu không loại bọn ta làm sao mua nổi người đẹp trong kỹ viện”. Hòa lại hỏi “Người đó quả thật có được như ông không?”. Hạ thấy câu hỏi kỳ lạ bèn căn vặn lại, Hòa cười nói “Thật không dám dối, trước đây ta từng gặp nàng một lần, rất tiếc tài mạo tuyệt thế mà lênh đênh không có người xứng đôi nên dùng chút thuật mọn che ánh sáng để giữ vẻ ngọc, dành lại chờ tấm gương soi chân hình của kẻ yêu tài”. Hạ vội hỏi “Ông chấm được chắc cũng rửa được chứ?”. Hòa cười đáp “Sao không được, nhưng phải chính người kia thành tâm cầu xin thôi”. Hạ đứng dậy vái nói “Người chồng của Thụy Vân chính là ta đây”, Hòa mừng nói “Trong thiên hạ chỉ có kẻ chân tài mới có thể đa tình, không vì xấu đẹp mà đổi ý. Xin cho ta theo về nhà, ta sẽ tặng một người đẹp”.
Bèn cùng nhau về, tới nhà Hạ định sai dọn rượu, Hòa ngăn lại nói “Cứ để ta làm phép để người dọn rượu phải vui vẻ trước đã”. Rồi lập tức bảo bưng lên một chậu nước, lấy ngón tay vẽ bùa lên, nói “Rửa đi là khỏi, nhưng phải đích thân ra tạ ơn thầy thuốc đấy”. Hạ cười bưng chậu nước vào, đứng đợi Thụy Vân rửa mặt, vết mực theo tay trôi hết, diễm lệ chẳng khác năm xưa. Vợ chồng đều cảm ơn, cùng nhau ra vái tạ thì khách đã biến mất, tìm khắp nơi không thấy, có lẽ là tiên chăng?