Home Liêu Trai Chí Dị – 73 -: Tề Thiên Đại Thánh (Tề Thiên Đại Thánh)

– 73 -: Tề Thiên Đại Thánh (Tề Thiên Đại Thánh)

Hứa Thịnh người đất Duyện (tỉnh Trực Lệ) theo anh là Thành đi buôn bán tới đất Mân (tỉnh Phúc Kiến). Còn chưa cất hàng xong thì có người khách nói “Đại thánh thiêng lắm, hãy tới đền cầu khẩn”. Thịnh chưa biết Đại thánh là thần nào bèn theo anh tới đó, vào thấy điện gác san sát nối nhau vô cùng tráng lệ đẹp đẽ. Vào điện cúng bái thấy tượng thần mình người đầu khỉ, té ra là Tề Thiên Đại thánh Tôn Ngộ Không, khách khứa đều kính cẩn vái lạy, không ai dám tỏ vẻ khinh nhờn. Thịnh vốn cương trực, cười thầm người đời ngu muội nên lúc mọi người thắp hương khấn khứa thì ngầm bỏ ra. Về tới nhà trọ, anh trách Thịnh không kính cẩn, Thịnh nói “Tôn Ngộ Không là truyện ngụ ngôn của ông Khưu* đặt ra, sao lại tin là có thật như thế? Mà giả như có thật thì bao nhiêu búa rìu sấm sét em xin chịu cả”.

* Ông Khưu: tức Khưu Xử Cơ, người cuối thời Tống đầu thời Nguyên, đệ tử của Vương Trùng Dương phái Toàn Chân Đạo giáo, có đạo hiệu là Trường Xuân tử, được Thành Cát Tư Hãn mời qua Mông Cổ, có viết quyển Trường Xuân chân nhân Tây du ký. Nhân vật Hứa Thịnh trong truyện này lầm Tây du ký của Khưu Xử Cơ với Tây du ký của Thi Nại Am kể chuyện Huyền Trang thỉnh kinh.

Chủ quán trọ nghe gọi tên Đại thánh thì xua tay tái mặt như sợ Đại thánh nghe được, Thịnh thấy thế càng bô bô nói ầm lên, ai nghe thấy cũng bịt tai bỏ chạy. Đến đêm quả nhiên Thịnh bị bệnh, đầu nhức như búa bổ, có người khuyên tới đền tạ lỗi nhưng Thịnh không nghe. Không bao lâu thì đầu đỡ đau nhưng đùi lại nhức, qua đêm thì mọc một cái mụn nhọt lớn, cả chân đều lở lói, không ăn ngủ gì được, anh tới đền cầu khẩn thay nhưng không hiệu nghiệm. Có người nói thần phạt thì phải tự mình cầu khẩn, Thịnh rốt lại vẫn không tin, hơn một tháng thì những chỗ lở lành dần nhưng lại nảy ra một cái mụn nhọt khác đau nhức gấp bội. Thầy thuốc tới lấy dao cắt bỏ những chỗ thịt thối, máu chảy cả tô nhưng sợ người ta nói bị thần phạt nên cắn răng không rên rỉ.

Hơn tháng sau mới bình phục nhưng anh lại mắc bệnh nặng. Thịnh nói “Thế nào nào? Người kính thần cũng bị bệnh như vậy, đủ thấy là bệnh của ta chứ không phải do Ngộ Không”. Anh nghe thế rất bực tức, trách em không đi cầu khấn cho mình. Thịnh nói “Anh em như chân tay, trước đây em chân tay lở lói còn không chịu đi cầu khấn, nay chẳng lẽ chân tay có bệnh mà đổi ý à?”, rồi chỉ rước thầy cắt thuốc chứ không chịu đi cầu đảo. Anh uống thuốc xong thì lăn ra chết, Thịnh đau đớn uất ức trong lòng, mua quan tài liệm anh xong tới thẳng đền Đại thánh chỉ lên tượng thần kể tội, nói “Anh ta bị bệnh, nói là do người giận lây khiến ta không sao bày tỏ được, nếu như ngươi là thần thật cứ làm cho anh ta sống lại, ta sẽ lạy thờ làm sư phụ không dám nói gì khác, nếu không ta sẽ theo đúng cách ngươi đối xử với Tam Thanh mà đối xử với ngươi*, cũng có thể trút hờn cho anh ta nơi chín suối”.

* Làm đúng cách … với ngươi: Tây du ký kể Tôn Ngộ Không bảo hộ Tam Tạng đi lấy kinh tới nước Xa Trì, vua quan nước ấy trọng Đạo khinh Phật, Ngộ Không cùng Bát Giới, Sa Tăng nửa đêm lẻn vào nơi cúng Tam Thanh (tức Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thái Thượng Lão Quân, Linh Bảo Đạo Quân của Đạo giáo Trung Hoa) đem tượng Tam Thanh vứt vào nhà xí rồi hóa thành tượng Tam Thanh ăn uống. Đây nhân vật Hứa Thịnh có ý nói sẽ quăng tượng Tề Thiên Đại thánh vào nhà xí.

Đến đêm Thịnh nằm mơ thấy một người tới gọi đi, vào đền Đại thánh, ngẩng lên thấy Đại thánh lộ vẻ giận dữ quát mắng “Vì ngươi không chịu phục nên ta mới lấy đao của Bồ Tát xuyên qua chân ngươi, đã không biết tự hối lại còn ăn nói lằng nhằng. Lẽ ra ta đã tống ngươi xuống ngục Rút lưỡi dưới âm ty, nhưng nghĩ ngươi nhất sinh ngay thẳng nên mới tạm tha cho. Còn như anh ngươi bệnh thì vì ngươi rước gã lang băm về làm giảm tuổi thọ, chứ người khác dính líu gì vào đó? Nay mà ta không tạm thi triển chút ít pháp lực thì bọn ngông cuồng còn chưa chịu im mồm”.

Rồi sai Thanh y sứ tới xin Diêm Vương, Thanh y sứ nói “Sau ba ngày thì danh sách ma quỷ đã báo lên Thiên đình, sợ Diêm Vương khó mà tha được” Đại thánh bèn rút thiết bảng làm bút viết những gì không biết, rồi bảo Thanh y sứ cầm thư tới Diêm Vương. Hồi lâu Thanh y sứ trở về, Thành cũng theo về, vào quỳ xuống lạy tạ. Đại thánh hỏi sao chậm thế, Thanh y sứ bẩm “Diêm Vương không dám tự chuyên, cầm lệnh chỉ của Đại thánh lên báo với Bắc Đẩu* vì thế nên về chậm”. Thịnh rảo bước lên vái lạy tạ ơn, Đại thánh nói “Đưa anh ngươi về ngay đi, nếu biết theo điều thiện thì ta sẽ ban phúc cho”, anh em vừa mừng vừa tủi dắt nhau cùng về.

*Bắc đẩu: Tây du ký chép trên trời có hai tòa Nam tào Bắc đẩu coi sổ sách ghi việc sống chết của muôn vật, Nam tào coi sổ sinh, Bắc đẩu coi sổ tử.

Thịnh tỉnh dậy lấy làm lạ, vội tới mở quan tài ra xem thì quả anh đã sống lại bèn đỡ ra, hết sức cảm tạ pháp lực Đại thánh. Thịnh từ đó dốc lòng tin tưởng thờ phụng còn hơn cả người thường. Nhưng vốn liếng của hai anh em vì mắc bệnh đã hao mất một nửa, anh lại chưa thật khỏe, hai anh em cứ nhìn nhau buồn bã. Một hôm Thịnh ngẫu nhiên đi dạo ngoài thành, chợt gặp một người áo xám nhìn mình hỏi “Anh có chuyện gì lo lắng à?”. Thịnh đang buồn rầu không biết nói với ai, bèn kể nhĩmg chuyện mình gặp. Người áo xám nói “Có một nơi phong cảnh rất đẹp, cứ tạm tới ngắm xem cũng đủ giải sầu”. Hỏi ở đâu, người ấy chỉ nói không xa, Thịnh bèn đi theo.

Ra khỏi thành khoảng nửa dặm, người áo xám nói “Ta có thuật mọn, trong khoảnh khắc có thể tới nơi”. Rồi bảo Thịnh ôm lưng mình, khẽ gật đầu một cái chợt có mây đùn lên dưới chân, nhảy vọt lên trên không biết là đi bao xa. Thịnh cả sợ nhắm mắt không dám mở ra, trong khoảnh khắc nghe người ấy nói “Tới rồi”. Thịnh thấy thành quách trong vắt đủ màu sắc rực rỡ lạ lùng, kinh ngạc hỏi đây là nơi nào. Người ấy đáp “Đây là thiên cung” rồi rảo bước đi vào, càng đi càng lên cao, xa xa thấy một ông già, người áo xám mừng rỡ nói “Gặp được người này thì anh có phúc lắm”, rồi giơ tay vái chào. Ông già mời vào nhà, pha trà mời khách nhưng chỉ bưng ra có hai chén chứ không nhìn ngó gì tới Thịnh. Người áo xám nói “Đây là đệ tử của ta, đi buôn bán ngàn dặm tới thăm tiên cung, xin ông tặng cho chút quà”. Ông già sai tiểu đồng lấy ra một mâm đá trắng to bằng trứng chim sẻ, sáng loáng như băng, bảo Thịnh tự nhặt lấy.

Thịnh nghĩ cầm về có thể làm tửu lệnh uống rượu, bèn lấy sáu viên, người áo xám cho rằng quá ít bèn lấy thêm cho sáu viên nữa, đưa cả cho Thịnh bảo cất vào túi rồi chắp tay nói “Đủ rồi”. Thịnh từ biệt ông già đi ra, người áo xám lại bảo bám vào mình rồi bay xuống, chốc lát đã tới mặt đất. Thịnh dập đầu thỉnh giáo tiên danh, người áo xám cười nói “Phép thuật đi trên mây vừa rồi gọi là Cân đẩu vân* đấy”. Thịnh giật mình hiểu ra là Đại thánh, lại cầu xin giúp đỡ. Đại thánh nói “Vừa rồi là gặp Tài tinh, cho ngươi được lãi mười hai phần, còn muốn gì nữa”.

*Cân đẩu vân: Tây du ký chép Tôn Ngộ Không có phép cân đẩu vân, uốn lưng một cái đã vượt được mười vạn tám ngàn dặm đường.

Thịnh lạy tạ, đứng lên nhìn thì Đại thánh đã biến mất. Thịnh trở về mừng rỡ kể lại với anh, cởi túi ra nhìn thì đá đã lặn cả vào thắt lưng rồi. Về sau cất hàng trở về, được lãi rất nhiều, từ đó cứ tới buôn bán ở đất Mân là vào đền khấn vái Đại thánh, người khác khẩn cầu có khi không hiệu nghiệm chứ Thịnh khẩn cầu thì điều gì cũng ứng nghiệm.

Dị Sử thị nói: Ngày xưa có người sĩ nhân đi ngang chùa, vẽ hình cây đàn tỳ bà lên vách rồi đi, đến khi quay về thì chùa nổi tiếng linh thiêng, lửa hương không dứt. Chuyện thiên hạ vốn không cứ phải có thật, người ta cho là thiêng thì thành thiêng thôi. Sao lại như thế? Vì lòng người hướng về thì vật cũng theo về vậy. Cứng cỏi ngay thẳng như Thịnh ắt phải được thần linh phù hộ, há cần tới ngọn kim thêu trong lỗ tai, lông tơ biến hóa, cân đẩu vân lên trời* sao? Rốt lại lại bị mê hoặc, cũng là kiến thức không đúng vậy.

* Kim thêu… lên trời: đều 1à những phép thuật của nhân vật Tôn Ngộ Không trong Tây du ký.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận