Home Liêu Trai Chí Dị – 86 – 88 -: Bạch Liên Giáo (Bạch Liên Giáo)

– 86 – 88 -: Bạch Liên Giáo (Bạch Liên Giáo)

Bạch Liên giáo* có Mỗ người tỉnh Sơn Tây, không rõ tên họ, đại khái là đệ tử của Từ Hồng Nho**, dùng yêu thuật mê hoặc dân chúng, có nhiều người hâm mộ phép thuật nhận y làm thầy. Có hôm Mỗ đi vắng, đặt một cái chậu trong sảnh đường, lại lấy một cái chậu khác úp lên, dặn một người học trò ngồi giữ nhưng không được mở ra nhìn. Mỗ đi rồi, trò mở ra xem thì thấy trong chậu đựng nước trong, trên mặt nước có một chiếc thuyền kết bằng cỏ đủ cả cánh buồm bánh lái, lấy làm lạ đưa ngón tay khều, chiếc thuyền nghiêng đi một cái rồi nổi lại như cũ, bèn úp chậu lại. Kế thầy về hỏi sao dám trái lời ta, trò ra sức biện bạch là không hề mở ra, thầy nói “Vừa rồi thuyền đi trên biển suýt bị lật, còn dám dối ta à?”.

* Bạch Liên giáo: tên một tổ chức quần chúng mang hình thức tôn giáo xuất hiện ở Trung Quốc cuối thời Nguyên, liên tục bị giai cấp phong kiến từ Nguyên đến Minh, Thanh đàn áp nhưng vẫn tồn tại với tôn chỉ chống chính quyền. Tổ chức này có nhiều người dùng võ nghệ, thuốc men, ảo thuật để tập hợp nhân dân, nên thường bị coi là tà giáo.

**Từ Hồng Nho: xem truyện Bạch Liên giáo, quyển Thập di.

Lại một đêm thầy đốt đuốc cắm trên sảnh đường, dặn phải giữ đừng để gió thổi tắt rồi ra đi. Hết canh một thầy vẫn chưa về, trò mệt mỏi lên giường nằm ngủ, thức giấc thì đuốc đã tắt ngấm vội đứng dậy đốt lên. Kế thầy vào, lại trách mắng, trò nói “Con vốn không hề ngủ, làm sao đuốc tắt được?”. Thầy tức giận nói “Mới rồi ta phải đi thầm hơn chục dặm, lại còn cãi à?” trò cả sợ. Những việc làm kỳ lạ như thế rất nhiều, không thể chép ra hết được.

Sau người ái thiếp của Mỗ tư thông với một người học trò, Mỗ biết nhưng để bụng không nói ra, sai trò đi cho heo ăn. Trò bước vào chuồng heo thì ngã lăn ra đất biến thành con heo, Mỗ lập tức gọi đồ tể tới giết thịt đem bán, không ai biết cả. Cha người ấy không thấy con về tới hỏi, Mỗ chối nói là lâu lắm không thấy tới, người cha quay về tìm kiếm khắp nơi không có tin tức gì. Có người học trò khác của Mỗ ngầm biết việc đó lén nói cho người cha, người cha lên báo với quan huyện. Quan huyện sợ Mỗ trốn thoát, không dám đi bắt, bẩm lên quan trên xin phát một ngàn giáp sĩ kéo tới vây nhà, bắt được cả Mỗ lẫn vợ con nhốt vào lồng sắt, định giải lên kinh.

Đi ngang núi Thái Hàng, trong núi có một người to lớn bước ra, cao như cây lớn, mắt như cái tô, miệng như cái chậu, răng dài hơn thước, quân sĩ hoảng sợ đứng ngây ra không dám đi. Mỗ nói “Đó là yêu quái, vợ ta có thể đuổi được”, quân sĩ theo lời cởi trói cho vợ Mỗ. Vợ Mỗ vác giáo xông tới, người to lớn tức giận vồ lấy nuốt chửng, mọi người càng sợ hãi. Mỗ nói “Nó đã giết được vợ ta, thì phải con trai ta ra mới xong”, quân sĩ lại thả con trai Mỗ ra, nhưng cũng bị nuốt sống như thế. Mọi người nhìn nhau không biết làm sao. Mỗ khóc lóc rồi giận dữ nói “Đã giết vợ ta, lại giết con ta làm sao nhịn được? Nhưng không phải đích thân ta ra thì không xong”. Mọi người quả nhiên lại thả Mỗ ra khỏi lồng sắt, trao cho thanh đao bảo tới đánh. Người to lớn giận dữ xông tới, tay không ác đấu một lúc thì vươn tay chụp lấy Mỗ đút vào miệng, rướn cổ ra nuốt xuống rồi ung dung bỏ đi.

087. Tướng Công Hồ Tứ 

 (Hồ Tứ Tướng Công)

Trương Hư Nhất ở huyện Lai Vu (tỉnh Sơn Đông) là anh Học sứ Trương Đạo Nhất, tính hào sảng tự tin. Nghe nói ngôi nhà của người nọ trong huyện bị hồ chiếm ở, bèn mang danh thiếp tới yết kiến mong được gặp một lần. Nhét danh thiếp vào khe cửa một lúc thì cánh cổng tự mở, đầy tớ sợ hãi lui lại. Trương sửa áo kính cẩn bước vào, thấy trong sảnh đường đủ cả bàn ghế nhưng vắng ngắt không có một ai, bèn vái dài khấn rằng “Tiểu sinh trai giới tới đây, thượng tiên đã không nỡ từ chối ngay từ cổng, sao không ban ơn cho thấy mặt?”. Chợt nghe có tiếng người nói “Làm phiền ông lặn lội giá lâm, đã nghe tiếng bước chân rồi, xin mời ngồi xuống dạy dỗ cho”, lập tức thấy hai chiếc ghế di động tới đối mặt với nhau.

Trương vừa ngồi lập tức có cái khay đỏ sơn đen đựng hai chung trà lơ lửng tới trước mặt, mỗi bên cầm một chén lên uống, nghe tiếng thổi, tiếng hớp nước nhưng vẫn không thấy người. Uống trà xong, kế có rượu dọn ra, Trương hỏi lai lịch, hồ đáp “Đệ họ Hồ, bày hàng thứ tư, bọn tùy tùng gọi là Tướng công”. Rồi đó uống rượu trò chuyện, thấy rất hợp nhau. Thấy chả ba ba, khô thịt nai, rau sống liên tiếp đưa lên, như có rất nhiều người hầu rượu. Trương uống rượu xong đang muốn uống trà, vừa nghĩ xong đã có trà thơm phức đặt lên bàn, cứ vừa nghĩ cần món gì thì lập tức món đó đã được mang tới. Trương thích lắm, uống say mới về. Từ đó cứ ba bốn hôm lại đến thăm Hồ một lần, Hồ cũng thường tới nhà Trương như qua lại đáp lễ.

Một hôm Trương hỏi “Có bà đồng ở nam thành vẫn khoe nhà có thần hồ mà lấy tiền người bệnh, không rõ ông có quen hồ nhà ấy không?”. Hồ đáp “Mụ ta bịa đấy, không có hồ thật đâu”. Lát sau Trương đứng dậy đi tiểu, nghe thấy tiếng nói nhỏ “Vừa rồi nghe nói tới bà đồng có hồ ở nam thành, chẳng biết ra sao. Tiểu nhân muốn theo tiên sinh tới xem, xin tiên sinh nói với chủ nhân một câu”. Trương biết đó là đám hồ nhỏ, bèn gật đầu nói “Được rồi”. Rồi quay vào chỗ ngồi nói với Hồ rằng “Ta muốn mượn hai ba người hầu dưới trướng tới xem thư bà đồng có hồ, xin ông ra lệnh”. Hồ cứ nói không cần, Trương năn nỉ mấy lần mới ưng thuận.

Kế Trương ra thì ngựa tự tới như có người nắm cương dắt đi, khi lên ngựa đi thì dọc đường hồ nói với Trương “Từ nay tiên sinh đi đường thấy cát nhỏ bắn lên vạt áo tức là có bọn ta đi theo đấy”. Nói tới đó thì vào thành, tới nhà bà đồng nọ. Bà đồng thấy Trương tới, tươi cười ra đón, nói “Sao quý nhân lại bất ngờ quang lâm?”. Trương hỏi “Nghe nói ông hồ trong nhà bà linh thiêng lắm phải không?”. Bà đồng nghiêm sắc mặt dáp “Người sang cả không nên nói lời khinh bạc, sao lại nói là ông hồ? E rằng bà chị xinh đẹp nhà ta không vui đâu!”. Chưa dứt lời thì có nửa viên gạch ném tới trúng tay, bà đồng giật mình nhảy dựng lên, hoảng sợ hỏi Trương “Sao quan nhân lại ném gạch vào già?”. Trương cười nói “Bà già mù rồi, đó là gạch ngói trên nóc nhà bà lở xuống, định vu oan cho người ngoài à?”. Bà đồng ngạc nhiên không biết viên gạch từ đâu bay tới, đang dáo dác ngó quanh lại bị một hòn đá ném trúng đầu ngã lăn ra, kế bị bùn đất cứt đái ném xuống tới tấp, mặt mày lấm lem như quỷ, chỉ kêu gào xin tha mạng.

Trương xin đám hồ nhỏ tha cho, chúng mới dừng tay. Bà đồng vội vùng dậy chạy tuốt vào phòng đóng chặt cửa không dám ra nữa. Trương gọi hỏi “Hồ của ngươi bằng hồ của ta không?”, bà đồng chỉ rối rít xin lỗi. Trương ngẩng đầu lên không bảo đừng ném nữa, bà đồng mới dám run rẩy bước ra, Trương cười an ủi vài câu rồi về. Từ đó Trương đi một mình trên đường mà thấy cát bụi bắn lên áo thì gọi hồ cùng trò thuyện, lần nào cũng có bên cạnh, nhờ thế chẳng sợ gì sói cọp trộm cướp. Cứ thế nửa năm, ngày càng thân thiết với đám hồ. Thường hỏi tuổi, cả bọn đều không nhớ rõ, chỉ nói rằng từng thấy Hoàng Sào* làm phản nhưng cũng chỉ như vừa hôm qua.

*Hoàng Sào: lãnh tụ nông dân cuối thời Đường, theo Phương Tiên Chi khởi nghĩa rồi thay Tiên Chi lãnh đạo, từng đánh chiếm Trường An, xưng hiệu Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Tề, chống nhà Đường trong thời gian 874-884.

Một đêm đang cùng trò chuyện chợt nghe đầu tường có tiếng hú lớn rất ghê rợn, Trương lấy làm lạ, Hồ nói “Đó ắt là anh ruột ta”. Trương hỏi “Vậy sao không mời vào chơi?”, Hồ đáp “Y tệ lắm, chỉ thích trộm cắp gà qué mà ăn, cứ mặc kệ y là xong”. Trương nói với Hồ “Giao du thân thiết như hai chúng ta có thể nói là không ngờ vực gì nhau, thế mà chưa lần nào được thấy mặt ông, nghĩ thật đáng hận”. Hồ đáp “Chỉ cần chơi thân với nhau là được rồi, thấy mặt làm gì?”.

Một hôm Hồ bày tiệc mời Trương, nói xin cáo biệt. Trương hỏi định đi đâu, Hồ đáp “Đệ có sản nghiệp ở Thiểm Trung (tỉnh Thiểm Tây), định về lại đó. Ông vẫn hận việc đối diện không thấy mặt, nay xin nhìn qua người bạn mấy năm một lần để ngày sau còn nhận ra nhau”. Trương nhìn quanh không thấy gì, Hồ nói “Ông cứ vén rèm cửa phòng ngủ ra là thấy đệ”. Trương theo lời vén rèm lên, thấy có một thiếu niên đẹp trai đang nhìn mình cười, phục sức sang trọng, mày mắt như vẽ, chớp mắt không thấy đâu nữa. Trương quay người bước ra thì có tiếng giày lẹp kẹp phía sau, nói “Hôm nay ông hết hận rồi nhé”. Trương lưu luyến không nỡ chia tay, Hồ nói “Tan hợp là có số, băn khoăn làm gì?”. Rồi lấy chén lớn mời rượu, đến nửa đêm mới sai lấy đèn lồng đưa Trương về.

Sáng ra Trương tới xem, thì chỉ có nhà không vắng ngắt mà thôi. Về sau tiên sinh Trương Đạo Nhất làm quan Học sứ ở Tây Xuyên (tỉnh Tứ Xuyên), Trương vẫn nghèo như trước bèn tới thăm em, cũng mong được biếu thật nhiều. Hơn tháng trở về, được biếu quá ít so với lòng mong mỏi, trên ngựa cứ thở vắn than dài như vợ chết. Chợt có một thiếu niên cưỡi ngựa Thanh câu từ sau đuổi theo, Trương nhìn thấy áo đẹp ngựa khỏe, dáng vẻ rất phong nhã, bèn trò chuyện qua loa.

Thiếu niên thấy Trương có vẻ buồn bã bèn hỏi, Trương cũng thở dài kể lại nguyên do, thiếu niên cũng tìm lời an ủi. Cùng đi hơn một dặm, tới ngã ba thiếu niên chắp tay chào nói “Phía trước có người gởi ông một vật của cố nhân, xin vui lòng nhận cho”, định hỏi lại thì đã phóng ngựa đi thẳng, Trương cũng chẳng hiểu là có ý gì. Lại đi hai dặm, gặp một người đầy tớ cầm cái rương nhỏ đón trước ngựa đưa lên nói “Tướng công Hồ Tứ kính gởi tiên sinh”, Trương lúc ấy mới chợt hiểu ra. Bèn đón lấy mở ra xem, thì bên trong toàn bạc nén trắng xóa, nhìn lại người đầy tớ thì không biết đã đi đâu mất.

 

 

088. Cừu Đại Nương

(Cừu Đại Nương)

Cừu Trọng người đất Tấn (tỉnh Sơn Tây) không rõ phủ huyện, gặp loạn bị giặc bắt đi. Có hai trai là Phúc và Lộc còn nhỏ, vợ kế là Thiệu thị chăm sóc đôi trẻ mồ côi, may nhờ sản nghiệp của Trọng để lại cũng được ấm no, nhưng gặp mấy năm mất mùa liên tiếp, lại bị cường hào lấn áp đến nỗi không giữ được mà ăn. Chú của Trọng là Thượng Liêm thấy cháu dâu cải giá thì có lợi cho mình, thường khuyên lấy chồng nhưng Thiệu thị thề giữ chí không lay chuyển. Liêm ngầm hẹn với một nhà đại tộc, định cưỡng ép nàng, bàn bạc đã xong mà người ngoài vẫn không ai biết.

Trong làng có tên Ngụy là kẻ gian giảo quỷ quyệt từ lâu có hiềm khích với nhà Trọng, có chuyện gì cũng nghĩ cách phá đám, nhân Thiệu thị ở góa bèn phao tin nhảm để bêu xấu. Nhà đại tộc nghe được, cho Thiệu thị là người không có đức bèn thôi. Lâu ngày mưu của Liêm và lời đồn đại bên ngoài cũng tới tai Thiệu thị, nàng buồn rầu uất sớm tối sa lệ dần dần tay chân tê bại nằm liệt giường. Phúc đã mười sáu tuổi, vì trong nhà không có người khâu vá nên vội lo việc lấy vợ, hỏi cưới con gái Tú tài Khương Dĩ Chiêm, có tiếng hiền thục đảm đang, việc nhà đều nhờ nàng lo toan xếp đặt, nhờ vậy nhà cũng hơi dư dật, bèn cho Lộc đi học.

Ngụy ghen ghét nhưng làm ra vẻ thân thiện, nhiều lần mời Phúc uống rượu, Phúc thấy thế coi Ngụy như bạn thân. Ngụy nhân dịp nói “Lệnh đường bệnh nằm liệt giường không thể coi sóc việc nhà, chú em thì chỉ ngồi ăn không làm được việc gì, hai vợ chồng việc gì phải nai lưng ra làm trâu ngựa? Lại lúc chú em cưới vợ thì còn tốn kém nhiều nữa chứ. Tính kế cho ông chẳng bằng cứ sớm ra riêng, thì chú em sẽ phải nghèo chứ ông sẽ giàu có”. Phúc về bàn với vợ, vợ cho là nói bậy. Nhưng Ngụy cứ rủ rỉ xúi giục ngày này tháng khác, mưa dầm thấm sâu nên Phúc nghe theo, bèn nói thẳng ý ấy với mẹ. Mẹ tức giận chửi mắng, Phúc càng tức tối, cho rằng tiền bạc thóc gạo trong nhà chẳng qua chỉ là của người khác nên không ngó ngàng gì tới nữa.

Ngụy thừa cơ rủ rê Phúc cờ bạc, thóc trong kho cứ vơi dần, vợ biết nhưng chưa dám nói, đến lúc hết thóc ăn, mẹ giật mình hỏi mới nói thật. Mẹ giận lắm nhưng không làm sao được, đành cho Phúc ra ở riêng. May là cô gái họ Khương hiền đức, sáng chiều vẫn qua lại lo cơm nước hầu hạ mẹ như trước. Phúc đã ra riêng càng không nể sợ gì nữa, thả sức cờ bạc, chỉ trong vài tháng đã bán sạch ruộng vườn nhà cửa để trả nợ chơi bời mà mẹ và vợ vẫn chưa biết. Khi tiền bạc đã hết sạch, không còn cách nào bèn làm tờ gán vợ để vay tiền mà không ai chịu nhận.

Trong huyện có Triệu Diêm La vốn là tên cướp lớn lọt lưới, ngang ngược nhất vùng nên không sợ Phúc nuốt lời, thản nhiên cho vay. Phúc cầm tiền đi, vài ngày thì thua sạch, đang ngần ngừ định bội ước thì Triệu đã trừng mắt nhìn. Phúc cả sợ, lừa dắt vợ tới giao cho Triệu. Ngụy nghe tin mừng thầm, chạy ngay tới nói với nhà họ Khương, rắp tâm làm cho họ Cừu lụn bại. Khương tức giận phát đơn kiện, Phúc sợ quá bèn bỏ trốn. Cô gái họ Khương tới nhà Triệu mới biết là bị chồng lừa bán, khóc lớn chỉ muốn chết ngay. Triệu ban đầu còn dỗ dành nhưng nàng không nghe, kế ra oai quát nạt thì nàng càng mắng chửi, cả giận đánh đập nàng cũng không chịu khuất phục, rút trâm cài đầu tự đâm vào cổ họng, vội tới cứu thì đã lút vào thực quản, máu phun ra. Triệu vội lấy lụa băng bó cho nàng, còn nghĩ cứ để thong thả sẽ khuất phục được.

Hôm sau có trát quan tới đòi, Triệu thản nhiên lên hầu như không có chuyện gì. Quan khám thấy vết thương của cô gái rất nặng, sai nọc Triệu ra đánh, nhưng đám lính cứ nhìn nhau không dám ra tay. Quan nghe đồn Triệu ngang ngược đã lâu, đến lúc ấy càng tin, cả giận gọi người nhà ra đánh Triệu chết luôn tại chỗ, Khương bèn cáng con gái về. Từ khi họ Khương đi kiện, Thiệu thị mới biết Phúc hư hỏng tới mức ấy, gào khóc cơ hồ đứt hơi rồi nhắm mắt ngất đi. Bấy giờ Lộc mười lăm tuổi, một mình lúng túng không biết làm sao.

Trọng có một gái con vợ trước là Đại Nương gả chồng xa, tính khí cương cường, mỗi khi về thăm mà thức ăn vật dùng không vừa ý thì cãi vã với cha mẹ rồi giận dữ bỏ đi, Trọng vì thế giận ghét, lại vì đường xa nên có khi vài năm không một lần thăm hỏi. Lúc Thiệu thị bệnh nặng, Ngụy muốn gọi nàng tới để gây ra việc tranh giành của cải, gặp lúc có người lái buôn ở cùng làng với Đại Nương bèn thác cớ nhắn tin, lại mừng rằng nhà này thế là tan nát.

Vài hôm sau quả nhiên Đại Nương dắt một đứa con nhỏ tới, vào nhà thấy em nhỏ hầu mẹ ốm, quang cảnh rất thảm đạm, bất giác mủi lòng. Nhân hỏi tới Phúc, Lộc kể hết đầu đuôi, Đại Nương nghe thấy giận nghẹn cổ nói “Nhà không có người lớn nên để cho người ta giày xéo đến như thế! Ruộng vườn nhà ta sao bọn ăn cướp dám lừa chiếm lấy?”. Rồi xuống bếp chụm lửa nấu cháo bưng lên mời mẹ trước, kế gọi em và con cùng ăn. Ăn xong giận dữ ra đi, tới huyện nộp đơn kiện bọn cờ bạc. Cả bọn sợ góp tiền đút lót Đại Nương, nàng nhận tiền nhưng vẫn kiện.

Quan cho bắt tên Giáp, tên Ất… đánh đòn quở trách nhưng không hỏi tới việc ruộng vườn. Đại Nương căm tức không thôi, dắt con lên thẳng lên quận. Quận thú rất ghét cờ bạc, Đại Nương hết sức bày tỏ nỗi cô khổ cùng tình trạng bị bọn cờ bạc lừa đảo, lời lẽ thống thiết. Quận thú động lòng, ra lệnh cho quan huyện truy thu ruộng vườn cấp lại cho chủ cũ và trừng phạt Cừu Phúc làm gương cho bọn hư hỏng. Sau khi nàng về, quan huyện được lệnh ráo riết thi hành nên nhà cửa ruộng vườn cũ lấy lại được hết. Lúc ấy Đại Nương góa chồng đã lâu, bèn bảo đứa con nhỏ về nhà, dặn phải theo anh lo làm ăn không được tới nữa. Đại Nương từ đó ở lại nhà mẹ, nuôi mẹ dạy em, xếp đặt trong ngoài đâu vào đấy. Mẹ được an ủi rất nhiều, dần dần khỏi bệnh, việc

nhà giao cả cho Đại Nương.

Bọn cường hào trong làng có hơi lấn lướt thì nàng vác dao tới tận cửa cứng cỏi đấu lý, kẻ nào cũng phải nhụt. Hơn một năm thì ruộng vườn ngày càng tăng, thỉnh thoảng lại mua thuốc men và thức ngon vật lạ gởi cho cô gái họ Khương. Lại thấy Lộc dần trưởng thành, nhiều lần dặn mối lái tìm nơi cưới hỏi. Ngụy nói với mọi người rằng “Sản nghiệp nhà họ Cừu đều giao cho Đại Nương, e rằng sau này không lấy lại được”, mọi người tin theo nên không ai muốn kết thông gia với họ Cừu. Có công tử Phạm Tử Văn, nhà có khu vườn nổi tiếng nhất ở đất Tấn, các loại hoa quý trong vườn trồng dọc hai bên đường chạy thẳng vào nhà trong. Có người không biết lỡ đi vào, gặp lúc gia đình công tử đang ăn tiệc, ông nổi giận bắt trói bảo là kẻ trộm, đánh cho gần chết.

Gặp tiết Thanh minh, Lộc từ trường học trở về, Ngụy rủ đi chơi, dắt tới chỗ ấy. Ngụy vốn quen người coi vườn nên được cho vào, đi xem khắp cả đình tạ. Giây lát tới một chỗ nước khe chảy cuồn cuộn, có chiếc cầu vẽ lan can màu đỏ thông vào cánh cổng sơn đen, từ xa nhìn tới thấy hoa rậm như gấm, là nơi phòng sách của công tử. Ngụy lừa nói “Anh cứ vào trước, ta đi tiểu một chút”. Lộc tin bèn bước lên, qua cầu vào cửa, tới một dãy viện thì nghe tiếng con gái cười nói. Vừa dừng chân thì có một tỳ nữ ra, nhìn thấy Lộc lập tức quay gót trở vào, Lộc mới sợ hãi bỏ chạy. Giây lát công tử bước ra quát người nhà lấy dây thừng đuổi bắt, Lộc bí quá nhảy luôn xuống khe. Công tử hết giận bật cười, sai đầy tớ xuống dắt lên.

Thấy mặt mũi y phục của Lộc đều phong nhã, ông sai đem áo và giày ra cho thay rồi dắt vào một ngôi đình hỏi họ tên, thái độ hết sức niềm nở thân mật. Lát sau công tử đi nhanh vào trong rồi trở ra ngay, tươi cười dắt tay Lộc đi, qua cầu dần tới chỗ lúc nãy. Lộc không hiểu ý thế nào, dùng dằng không dám bước, công tử cố kéo vào. Thấy sau giậu hoa thấp thoáng có người đẹp nhìn trộm, vừa ngồi xuống thì các tỳ nữ dọn rượu lên. Lộc từ tạ nói “Trẻ con không biết gì, đi lầm vào chốn khuê các, được khoan xá là đã mừng lắm, chỉ mong được cho về sớm thì đội ơn vô cùng”, nhưng công tử không nghe. Giây lát thức ăn bày lên la liệt, Lộc lại đứng lên từ tạ là đã no say rồi. Công tử kéo ngồi xuống, cười nói “Ta có một cái tên từ khúc, nếu ông đối được xin cho đi ngay”. Lộc dạ dạ xin cho biết. Công tử nói “Phách tên Chẳng hề giống”, Lộc ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đối “Bạc đúc Biết làm sao”. Công tử cười lớn nói “Quả đúng là Thạch Sùng!”*, Lộc không hiểu gì cả.

*Công tử nói… Thạch Sùng: nguyên văn hai vế đối trên là “Phách danh Hồn bất tự, Ngân thành Một nại hà”. Vế trước lấy tích Chiêu Quân có chiếc đàn tỳ bà bị hỏng, sai làm chiếc khác, khi dâng lên thì bé hơn chiếc trước, Chiêu Quân cười nói “Chẳng hề giống chiếc trước” (Hồn bất tự), người sau nhân lấy đó đặt tên cho một bản nhạc, vì ngoa truyền nên có khi gọi là “Hồn phát tứ”. Vế sau lấy tích nhà Trương Tuần, Vương Tuấn thời Tấn có nhiều bạc, cho đúc thành hình quả cầu, mỗi quả là một ngàn lượng, gọi tên là “Biết làm sao” (Một nại hà), ý nói quá giàu có. Thạch Sùng là người thời Tấn, nổi tiếng phú gia địch quốc.

Thì ra công tử có con gái tên Huệ Nương, xinh đẹp lại biết chữ, vẫn tìm chỗ gả chồng cho. Đêm trước nàng mơ thấy một người nói “Chồng ngươi là Thạch Sùng”, hỏi ở đâu thì đáp “Ngày mai sẽ rơi xuống nước”, sáng ra kể với cha, mọi người đều lấy làm lạ. Vừa gặp việc Lộc rất hợp với giấc mơ nên công tử mời vào nhà trong cho phu nhân và đàn bà con gái trong nhà xem mặt. Công tử nghe câu đối của Lộc rất mừng, nói “Tên phách nhạc là do tiểu nữ đặt ra, nghĩ mãi mà không đối được, nay mới được câu đối hay, cũng là duyên trời. Ta muốn để cháu làm người nâng khăn sửa túi cho ông, vả lại tệ xá cũng không thiếu nơi ở, không dám làm phiền phải rước dâu”. Lộc bối rối từ tạ lại lấy cớ mẹ đang ốm không ở rể được. Công tử bảo cứ về bàn lại rồi sai mã phu thắng ngựa mang áo quần ướt đưa Lộc về.

Về tới nhà Lộc kể với mẹ, mẹ sợ cho là việc bất tường, từ đó mới biết Ngụy là kẻ hiểm độc nhưng vì gặp việc dữ mà được điều lành nên cũng không đem lòng thù oán, chỉ khuyên con nên xa lánh đừng giao thiệp với y nữa mà thôi. Qua vài hôm công tử lại cho người đến ngỏ ý với mẹ Lộc, rốt lại bà vẫn không dám nhận lời, Đại Nương bèn nhận lời rồi nhờ hai bà mối đi nộp sính lễ cho nhà công tử. Không bao lâu Lộc tới gởi rể ở nhà công tử, qua năm sau được vào học trường huyện nổi tiếng tài giỏi. Em vợ dần dần lớn lên, không kính trọng anh rể như trước nữa. Lộc tức giận bèn đưa vợ về nhà mình. Lúc ấy mẹ đã chống gậy đi lại được mấy năm liền nhờ có Đại Nương trông nom nên nhà cửa cũng khang trang.

Cô dâu mới đã về, tớ trai tớ gái tấp nập, rõ ra có phong thái đại gia. Ngụy bị tuyệt giao lại càng ghen ghét, giận không vạch lá tìm sâu gì được để hãm hại, gặp lúc có bọn cướp lớn đang bị truy nã bèn vu cáo Lộc giấu diếm tiền bạc cho chúng, Lộc bị xử đày ra ngoài cửa ải. Phạm công tử đút lót từ trên tới dưới chỉ xin miễn cho Huệ Nương khỏi bị đi đày, còn ruộng vườn nhà cửa đều bị sung công. May là Đại Nương cầm giấy chia gia tài lên quan cãi lý, bao nhiêu ruộng vườn mới mua thêm đều đứng tên Phúc nên mẹ con mới được ở yên. Lộc nghĩ mình không trở về được nữa bèn làm giấy ly hôn đưa cha vợ rồi lẻ loi lên đường.

Đi được vài ngày tới đất Bắc Đô, vào ăn trong quán, thấy có người ăn mày khép nép ngoài cửa, mặt mũi rất giống anh mình, ra hỏi thì đúng là anh. Lộc kể chuyện mình, anh em đều buồn thảm. Lộc mở hành lý chia cho Phúc ít tiền bảo về nhà. Phúc rơi lệ nhận rồi chia tay.

Lộc tới cửa ải được sung làm lính hầu cho tướng quân, vì là học trò yếu ớt nên được giữ việc biên chép sổ sách, ăn ở chung với đám tôi tớ. Bọn họ hỏi han gia thế, Lộc kể hết, trong bọn có một người cả kinh nói “Đúng là con ta rồi”. Thì ra Cừu Trọng ban đầu bị bọn cướp sai chăn ngựa, về sau chúng bỏ trốn, Trọng bị bắt đày ra cửa ải làm đầy tớ cho tướng quân. Trọng thuật lại rõ đầu đuôi, cha con mới nhận ra nhau bèn ôm nhau khóc, mọi người đều mủi lòng. Không bao lâu, tướng quân bắt được vài mươi tên cướp lớn, trong có một tên chính là kẻ trước đây Ngụy vu cáo là bè đảng của Lộc. Kế lấy lời cung của y xong, hai cha con kêu khóc với tướng quân. Tướng quân dâng sớ rửa oan cho, vua biết chuyện bèn ra lệnh cho quan địa phương chuộc lại ruộng đất trả lại họ Cừu, cha con đều mừng rỡ. Lộc hỏi số người trong nhà để tính cách chuộc mình cho cha mới biết từ khi theo hầu tướng quân Trọng đã hai lần lấy vợ mà không có con, lúc ấy lại vừa góa vợ. Lộc bèn sắm sửa hành trang về quê.

Trước đó Phúc chia tay em về tới nhà, khúm núm sụp lạy xin chịu tội. Đại Nương rước mẹ lên ngồi nhà trên, cầm gậy hỏi Phúc “Ngươi chịu đánh đòn thì có thể tạm cho ở lại còn không thì ruộng vườn nhà cửa của ngươi đã hết sạch, đây cũng không phải chỗ người xin ăn, mời xéo ngay!”. Phúc khóc lạy xuống đất xin chịu đòn, Đại Nương vứt gậy xuống nói “Cái người đã bán vợ thì ta cũng chẳng thèm đánh đòn, nhưng án cũ vẫn chưa xóa, nếu tái phạm cứ báo quan thôi!”, rồi lập tức cho người qua báo tin cho họ Khương. Cô gái họ Khương mắng “Ta là người gì của nhà họ Cừu mà phải báo tin!”, Đại Nương cứ nhắc đi nhắc lại câu ấy để đay nghiến Phúc, Phúc hổ thẹn không dám lên tiếng.

Suốt nửa năm Đại Nương cho Phúc đủ ăn đủ mặc nhưng bắt làm việc như tôi tớ, Phúc cũng làm lụng không hề oán trách, có giao cho tiền bạc cũng không dám bừa bãi. Đại Nương xét thấy không có ý gì khác, bèn thưa với mẹ mời cô gái họ Khương về. Mẹ cho rằng không sao làm nàng hồi tâm lại được, Đại Nương nói “Không phải thế, nếu người ta chịu thờ hai chồng thì đã không tự chuốc lấy đau đớn khổ sở, chứ không thể không có nỗi uất hận ấy”, rồi dắt em trai qua chịu tội. Ông bà nhạc trách mắng hết lời, Đại Nương quát bắt Phúc quỳ xuống rồi mới xin gặp mặt cô gái. Mời ba bốn lần nàng vẫn khăng khăng từ chối không chịu ra, Đại Nương kéo ra thì nàng chỉ mặt Phúc mắng nhiếc. Phúc thẹn toát mồ hôi, không sao tha thứ được cho mình, bà Khương mới kéo Phúc, bảo đứng lên. Đại Nương xin cho biết ngày trở về, cô gái nói “Trước nay chịu ơn chị rất nhiều, nay chị dạy như thế đâu dám nói gì khác nhưng sợ không giữ được khỏi bị bán lần nữa. Vả chăng ân nghĩa đã dứt, còn mặt mũi nào ăn ở với đứa vô lại xấu xa ấy nữa? Muốn xin chị cho một chỗ ở riêng, thiếp qua đấy phụng dưỡng mẹ già còn hơn cạo đầu đi tu là đủ”. Đại Nương nói hộ là Phúc đã ăn năn, hẹn ngày mai qua đón rước rồi chào về.

Sáng hôm sau cho kiệu qua đón cô gái về, mẹ ra đón ở cổng quỳ lạy, cô gái cũng sụp lạy khóc lớn. Đại Nương khuyên lơn an ủi, dọn tiệc ăn mừng, bảo Phúc ngồi cạnh bàn rồi nâng chén rượu nói “Ta tranh giành khổ sở không phải để mưu lợi cho mình. Nay em đã hối lỗi, vợ hiền đã trở về, xin đem sổ sách giao lại, ta tới tay không thì cũng về tay không”. Vợ chồng đều rời bàn tiệc đứng dậy, nghiêm trang vái lạy khóc lóc năn nỉ, Đại Nương bèn thôi. Không bao lâu lệnh rửa oan về tới, chỉ vài ngày ruộng vườn nhà cửa lại trở về chủ cũ. Ngụy kinh hãi không biết vì sao, tự giận mình không còn kế gì để thi thố. Gặp lúc nhà láng giềng phía tây bị cháy, Ngụy lấy cớ chữa cháy chạy qua, ngầm lấy mồi rơm đốt nhà Lộc, gió lại thổi mạnh cháy lan gần hết, chỉ còn hai ba gian nhà của Phúc, cả nhà phải ở chung vào đó ít lâu sau Lộc về, gặp nhau mừng mừng tủi tủi.

Lúc trước Phạm công tử nhận được tờ ly hôn, đem bàn với Huệ Nương, Huệ Nương khóc ròng xé nát vứt xuống đất, cha chiều ý không ép nữa. Lộc về nghe nỏi nàng chưa cải giá mừng rỡ tới nhà nhạc gia, công tử biết nhà Lộc vừa bị cháy, mượn giữ ở lại đó nhưng Lộc không chịu, cáo từ ra về. May là Đại Nương còn tiền cất được bèn đem ra sửa nhà, Phúc vác mai đi đào đất đắp nền, đào phải hầm tiền chôn. Đêm đến cùng em ra đào thì là một cái bể xây bằng đá rộng khoảng một trượng chứa đầy tiền đồng, nhờ đó mướn thợ xây nhà, lầu gác san sát tráng lệ sánh ngang nhà đại gia. Lộc nhớ ơn tướng quân, sắp ra ngàn vàng để chuộc cha. Phúc xin đi, nhà bèn cho đầy tớ khỏe mạnh theo hầu. Lộc đón Huệ Nương về, ít lâu sau cha và anh cùng về, cả nhà vui vẻ tưng bừng.

Đại Nương từ khi về ở nhà mẹ thì cấm con tới thăm để tránh tiếng, nay cha đã về liền quyết ý xin đi, hai em không nỡ để chị đi. Cha bèn chia gia sản làm ba, con trai hai phần con gái một phần. Đại Nương từ tạ không nhận, hai em rơi nước mắt nói “Hai em không có chị thì làm gì có được ngày nay!”. Đại Nương bèn ở lại, sai người gọi con dọn nhà về ở chung. Có người hỏi Đại Nương rằng chị em khác mẹ sao gắn bó như vậy, Đại Nương đáp “Biết có mẹ mà không biết có cha, chỉ có cầm thú mới thế thôi? Là người sao lại bắt chước giống vật chứ”. Phúc và Lộc nghe nói đều chảy nước mắt. Rồi sai thợ làm nhà cho Đại Nương, cũng rộng lớn như nhà mình.

Ngụy nghĩ hơn mười năm tìm cách gây họa mà hóa ra lại là tạo phúc cho người, rất hổ thẹn áy náy. Lại ngưỡng mộ họ Cừu giàu có, muốn làm thân bèn lấy cớ mừng Trọng mới về, đưa lễ vật qua mừng. Phúc muốn từ chối nhưng Trọng không nỡ phật ý bèn nhận gà rượu. Gà có buộc dây vải ở chân, sổng ra chạy vào bếp, lửa bén vào dây vải, gà nhảy lên đống củi đậu, đám tôi tớ đều nhìn thấy nhưng chưa để ý. Lát sau đống củi bốc cháy, cả nhà hoảng sợ, may có đông người nhiều tay xúm lại dập tắt được ngay nhưng đồ đạc trong bếp đã cháy sạch, anh em đều bảo đồ vật của Ngụy là không lành.

Sau đó gặp ngày mừng thọ của Trọng, Ngụy lại biếu con dê, từ chối không được phải buộc dê vào gốc cây ngoài sân. Đến đêm có đứa tiểu đồng bị tên đầy tớ đánh, tức giận chạy ra gốc cây mở sợi dây buộc dê tự treo cổ chết. Anh em than rằng “Y làm phúc lại không bằng y gây họa”, từ đó tuy Ngụy vẫn ân cần, nhưng nhà Trọng không dám nhận đến một sợi chỉ, chỉ đối xử với y thật tốt mà thôi. Sau Ngụy già nghèo khổ phải đi ăn mày, nhà họ Cừu vẫn lấy ơn trả oán, chu cấp cho cái ăn cái mặc.

Dị Sử thị nói: Ôi, tạo vật quả thật rất không theo ý người. Càng thù ghét thì càng đem phúc tới cho, sự gian trá của kẻ kia không thể nói là quá đáng được! Nhưng mong được y thương yêu kính trọng thì lại gặp tai họa, chẳng cũng lạ ư? Thế mới biết nước suối Đạo Tuyền*, vốc một vốc thì nhơ bẩn một vốc.

* Đạo Tuyền: tên một con suối ở tỉnh Sơn Đông, “Đạo” có nghĩa là trộm cướp Tương truyền Khổng Tử đi ngang suối ấy khát nước nhưng không chịu uống vì ghét tên suối, người ta dùng tích này để chỉ việc kẻ quân tử tự trọng thân phận trong hành động. Đây có ý nói nên thận trọng trong việc giao du với người xấu.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x