Home Truyện Ma Thành Viên Người Đồng Đội Cũ – Tác Giả 4nothing

Người Đồng Đội Cũ – Tác Giả 4nothing

Năm 1972 cả đất nước vang rền tiếng bom đạn kèm theo bao sinh mạng người dân, người lính hy sinh.

Trên nẻo đường chiến dịch, người còn sống bọc người vừa hy sinh vào tấm bạt, chôn vội xác bạn chiến đấu ven một hồ lớn , rồi hối hả hành quân vào trận khác.
Năm sau, chiến trường tạm lắng tiếng đạn bom, tôi cùng vài đồng đội được lệnh đến hồ nước tìm mộ để quy tập về nghĩa trang.

Sơ đồ thất lạc, cả nhóm lính không có ai là người chôn cất đồng đội năm trước nên đành rà soát kỹ lưỡng suốt 3 ngày ven con đường mòn quanh hồ mà không thấy dấu hiệu của nấm mồ đánh dấu bởi hai hòn đá to.

dong-doi-cu

Chiều ngày thứ ba và cũng là ngày hết gạo, trưởng nhóm quyết định trở lại đơn vị báo cáo không tìm thấy mộ.
Trước lúc rời hồ, thay cho hương không có, trưởng nhóm xé một mảnh vải, bôi ít dầu cao rồi châm lửa; khi lửa bén vải , thổi tắt lửa, mảnh vải nghi ngút khói tỏa “cầu cho mày yên nghỉ, bọn tao sẽ quay lại…”.
Một làn gió lạnh bỗng thoảng qua. Nhóm trưởng rùng mình, tự nhiên cầm con dao dài phạt lấy phạt để vào những bụi cây lúp xúp ven hồ, được vài mét lộ ra ngôi mộ có hai hòn đá to. Cả nhóm kinh ngạc!

Chúng tôi hối hả đào cho kịp trước khi tắt nắng.
Tấm bạt ni lông liệm xác còn nguyên, thân xác đồng đội chưa phân hủy hết. Chúng tôi thay bạt bằng võng vải, bọc lại chiến hữu rồi chôn lại.
Sau khi vẽ sơ đồ chi tiết, cả nhóm lính ngậm tăm suốt chặng đường trở về đơn vị.

Đôi khi, tâm linh là những câu chuyện bí ẩn rất khó giải thích.

Tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom vang rền và tiếng đạn pháo cao xạ nổ inh tai đã hất những đứa trẻ thành phố sơ tán về những vùng nông thôn ấm áp tình làng nghĩa xóm.
Chúng tôi hồn nhiên học hành, kết bạn, vui đùa và lắng nghe những bản tin thời sự thông báo những trận thắng lớn, số máy bay bị bắn rơi… không một mẩu tin nào nói về tổn thất của quân ta trong chiến tranh.
Những chàng trai mới lớn lớ ngớ chẳng dám nhìn vào mắt bạn gái cùng lớp, trong lòng mơ được cầm súng ra trận.

Tôi đổ lỗi cho chiến tranh đã băm nát tuổi học trò trong sáng ngây thơ của mình ra nhiều mảnh bởi chuyển trường nhiều lần khiến tôi không có mấy bạn học cùng nhiều năm.
Như bao thanh niên miền Bắc thời đó, 18 tuổi chúng tôi lên đường nhập ngũ trong tưng bừng cờ giong, trống mở. Bạn bè nhộn nhịp tiễn đưa; chỉ âm thầm khóc, những bà mẹ có con ra trận.
Khi vào chiến trường, những mùa mưa đói quay đói quắt, những quằn quại sốt rừng đã cướp đi vài sinh mạng đồng đội. Lúc tham chiến, bom rơi đạn nổ lại hớt đi nhiều hơn những mạng sống chiến hữu. Kỷ niệm khó quên nhất là những lần đào huyệt chôn xác người vừa cười nói với mình ít phút trước. Tử thần luôn rình rập mọi phía.
Đã có kẻ đào ngũ xuyên rừng tìm đường lần ra Bắc, cũng có người vượt chiến tuyến, trèo lên máy bay ra rả gọi chiêu hồi. Đó chỉ là thiểu số nhỏ nhoi. Cái chết, cái đói đâu ám ảnh chúng tôi bằng bị coi là hèn nhát.
Chúng tôi chiến đấu dũng cảm bên nhau và cùng chia ngọt, sẻ bùi. Trong gian lao ác liệt tình đồng đội càng thêm trong sáng, gắn bó.Trong khói lửa chiến tranh, những người lính chúng tôi chỉ khao khát hòa bình; chấp nhận hy sinh cho đất nước yên bình…
Tôi không thể không rưng rưng nước mắt khi gõ những dòng tưởng nhớ này…

***

Nó với tôi cùng học một trường PT3. Nó lớp A – tôi lớp B; có biết nhau nhưng chả mấy khi trò chuyện, Cho tới khi cùng nhập ngũ lại ‘bỗng dưng’ thân nhau; rồi cùng ra trận. Mẹ nó với mẹ tôi cũng tự dưng trở thành bạn thân, cùng ngóng tin con ngoài mặt trận chả biết sống chết thế nào, cùng chia sẻ những mẩu thư viết vội trên đường tham chiến của con và cùng khóc…nhớ thương con trai – những thư sinh Hà thành mảnh khảnh đang dâng hiến tuổi xuân cho đất nước, bước vào chốn sinh tử “chưa mảnh tình vắt vai”
Mấy ngày không hạt cơm nào vào bụng, lính đi ‘lùng sục’ đồ ăn. Tôi với nó mò ra được một chỗ nguyên là địa điểm trú quân trước đây của đối phương. Hai thằng hý hửng như …bắt được vàng, nhưng cũng dặn nhau chú ý từng mm vì sợ có mìn cài lại.
Lần hồi cả tiếng chả tìm được gì. Bỗng nó kêu to: đây rồi!, Trong bụi rậm lăn lóc 1 hộp sữa đặc đã khui nhưng góc giấy gấp chéo bịt lỗ đục vẫn còn. Không có sợi cước gài mìn nào căng ra từ đó, nó nhẹ nhàng cầm lon sữa lên, khoái chí nói: còn nặng tay mày ạ.
Tôi cẩn thận bảo, chả biết có thuốc độc không?
Nó cười sằng sặc: ‘sống chết có số’, rồi rút giấy bịt ngửa cổ mút một hơi dài xong đưa cho tôi: quá đã, mút đi mày.
Chần chừ mất mấy giây định chờ xem thằng kia có đột nhiên dẫy đành đạch không, nhưng cái thèm đã…chiến thắng. Có lẽ đây là những giọt sữa ngon nhất trong đời.
Đang khoan khoái mút, nó đập một phát rõ mạnh vào lưng, bảo, nhớ phần thằng Hồng sâm đang sốt rét, rồi không chờ mình đưa đã lấy lại lon sữa. Nhẹ thều. Hóa ra tôi mút còn…khỏe hơn nó.
Thôi, chả bõ. nó lấy lê ra mở to hộp sữa, mở bi đông cho nước vào lắc rồi lại…chia nhau.
***
Nó (khi đó là quản lý – đầu bếp của đơn vị) nhận được lệnh rời trận địa trực chiến để về hậu cứ quyết toán sổ sách và nhận thêm nhu yếu phẩm. Hai thằng chơi thân với nhau nên tôi đề nghị chỉ huy cho tôi đi cùng. Nhìn thân hình còm cõi, da vàng bủng beo vì sốt rét của tôi, chính trị viên lắc đầu nói lý do ‘ khi quay lại còn phải gùi mấy chục ki lô lương khô, đồ hộp nữa’; ctv cử Thông (quê Hải Dương) mang súng theo ‘hộ tống’ nó.
Tôi tiễn bạn vài trăm met rồi tần ngần nhìn theo bóng dáng hai chiến hữu xa dần trên con đường dã chiến.

Không ngờ đó là lần cuối tôi trò chuyện và nhìn thấy 2 bạn chiến đấu.
Nó hy sinh, đồng đội chôn anh ở rìa làng Phu luôn, Salavana; sau đó hài cốt chuyển về nghĩa trang sư đoàn 968. (Chiến hữu Thông bị thương nặng, cấp cứu ở bv tiền phương nhưng không qua khỏi…)

***

Khi đơn vị chuẩn bị hành quân vào Tây Nguyên tham chiến, riêng tôi lại nhận lệnh ra Bắc học sĩ quan; trước ngày lên đường, một mình 1 súng tôi băng rừng chục cây số tìm đến nghĩa trang chia tay bạn mình.
Đi dọc ngang nghĩa trang suốt buổi vẫn không tìm thấy mộ nó.
Trời nhá nhem tối , tôi đành đứng bên một nắm mồ vô danh chỉ có mảnh nhôm sứt cắm ở giữa đưa tiểu liên lên trời xiết một điểm xạ dài, miệng lẩm nhẩm :”Tao đến chia tay mày mà không gặp, tha lỗi cho tao nhé”.

Vốn là lính trinh sát, tôi mở bản đồ, đặt địa bàn lên xác định hướng đơn vị đóng quân rồi quyết định băng rừng theo hướng chứ không theo đường mòn.
Co cẳng rảo bước rời xa nghĩa trang, chân tôi bỗng đá vào một mảnh nhôm; cúi xuống cầm lên đọc thấy dòng chữ khắc tên bạn mình: NGÔ ĐỨC QUANG. Tôi chạy lại ngôi mộ mà mấy phút trước vừa đứng nã 1 tràng đạn. Kinh ngạc, hai mảnh nhôm khớp nhau…

***

Đời binh nghiệp luôn xa Hà Nội khiến tôi nhiều năm sau mới có dịp đến thăm gia đình Quang. Mẹ Quang khóc hồi lâu khi gặp đồng đội của con mình. Bà mẹ liệt sĩ nghẹn ngào kể “… Bác cùng mấy gia đình rủ nhau tự tìm vào nghĩa trang Trường Sơn, “bồi dưỡng” anh em quản trang trong đó để họ đồng ý cho mình tự bốc mộ rồi chuyển hài cốt liệt sĩ về quê.”
Cay đắng , ngậm ngùi thay hai từ “bồi dưỡng” thốt lên từ một NGƯỜI MẸ của NHỮNG BÀ MẸ TRONG CUỘC CHIẾN!.

Bây giờ NGÔ ĐỨC QUANG , bạn học cùng PT3 – cùng nhập ngũ – cùng ra trận đã yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà. 22/12 lại sắp tới rồi, biết đến khi nào mới có dịp ghé thăm chiến hữu.

***

Điều gì có thể xảy ra nếu như hôm đó tôi được cử cùng đi với Ngô Đức Quang về hậu cứ?
– Có thể tôi cũng như Thông – người cùng đi với Quang hôm đó và chả có ai gồi gõ những dòng này ???
– Cũng có thể Quang còn sống và trở về.???
– Số phận là điều hiện hữu. Những ai trải qua trận mạc càng tin ở điều đó.

Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không tìm đến nghĩa trang chia tay Quang?
– Mảnh nhôm khắc tên NGÔ ĐỨC QUANG không còn gắn trên mộ.
– Hài cốt Quang khi quy tập sẽ ghi chữ VÔ DANH?
Gia đình Quang sẽ đi tìm mộ thân nhân như gia đình Thông? ( Chiến hữu Thông cùng hy sinh với Quang vẫn nằm đâu đó trên chiến địa năm xưa, gia đình và chiến hữ cùng quê mấy lần đi tìm mộ không thấy.)
Nhân duyên đó có lẽ cũng giúp cho việc quy tập Quang sau này và đưa Quang về Hà Nội.

Tâm linh cũng là điều mà những người lính từng trải qua chiến trận, từng giáp mặt với tử thần… tin.

…Trước giờ nổ súng. Ba chàng lính trẻ nằm trong chiến hào trầm ngâm nhìn lên bầu trời đêm lấp lánh muôn vì sao. Đây có thể là đêm cuối cùng trong cuộc đời họ, song không ai cảm thấy run sợ khi đối mặt với tử thần.
Bỗng một người lính phá tan im lặng, hết chiến tranh nếu còn sống trở về, bọn mày mong ước gì?
Chiến hữu còn đang tư lự, người đặt ra câu hỏi đã tự trả lời:
– Tao từng mơ được trở thành nhà thiên văn , khám phá những bí ẩn của vũ trụ, nhưng khi vào đại học lại học văn. Nhưng những phép tính luôn ám ảnh tao. Hết chiến tranh chắc tao sẽ đuổi theo những con số…
– Ông anh thông minh học giỏi, mơ thành bác học là đúng rồi. Em nông dân, chân chỉ hạt bột , chỉ biết mơ ngắn. Em sẽ trở về làng, cưới con bé hàng xóm xinh nhất làng, rồi chúng em sẽ có con đàn cháu đống…
Quay sang nó, người lính nông dân hỏi, thế còn anh?
– Ước mong của bọn mày trong tầm tay với, còn của tao nó xa vời tới mức hão huyền nên khó nói ra… Tao ước được tới Liên Xô, cái nôi của CMT10 và CNXH. Tao muốn được tới những nước đã đem quân sang đánh nước mình như Pháp, Nhật, Mỹ, Tầu. Đến vương quốc mà “mặt trời không bao giờ lặn trên xứ sở” và đến được những nơi chỉ biết qua những trang sách…

***

Chàng lính sinh viên đã hy sinh ở tuổi 20, trong trận công đồn Kengnhao đêm ấy. Chiến tranh đã cướp đi bao con người thông minh, tài hoa như anh ?
Đồng đội chôn anh ngay bên chiến hào.
Sau 1975, sư đoàn 968 quy tập về nghĩa trang Trường Sơn.
Năm 1994, gia đình đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang Liệt sĩ tại Hà Nội. Thay mặt gia đình và đồng đội , nó đọc điếu văn : “… Phải chi ngày đó chúng tôi dày dạn trận mạc hơn thì kinh nghiệm chiến đấu đâu phải đổi bằng máu… Lê Quang Tân sống mãi cùng chúng ta, giúp chúng ta sống tốt đẹp hơn trong cuộc đời này!”

***

Chàng lính nông dân đẹp trai có khuôn mặt chữ điền và đôi mắt đẹp đã trở về làng cưới cô thôn nữ xinh nhất làng mà u anh đã sang chạm ngõ ngay sau khi chàng đi chiến trường, Mấy năm trước hội lính Hà Nội rủ nhau đến thăm gia đình Phạm Mạnh Tề ở một vùng quê Hải Dương. Con cháu của ‘Lão nông chi điền’ kéo đến trình diện…chật nhà: 4 con + 4 dâu rể, 11 cháu nội ngoại.

***

Còn nó? Nó tin vào TÂM LINH, nó tin SỐ PHẬN, nó tin ĐỊNH MỆNH.
Như cụ Nguyễn Du đã phán:

Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Bắt phong trần phải phong trần’ , nếu trời bắt mình phải sống cuộc đời gió bụi (truân chuyên, đau khổ, rủi ro) thì phải sống cuộc đời gió bụi, đất cát. Trời đã làm ra con người rồi lại làm ra gió bụi để cho con người lãnh đủ. ‘Cho thanh cao mới được phần thanh cao.’ Thanh cao là nhàn hạ, hạnh phúc, không bị rủi ro nhiều (ngược lại với phong trần.) TRỜI đã quyết định mình sẽ bị phong trần hay sẽ được thanh cao. Vận mệnh con người đã được viết sẵn trong một cuốn sổ ở Thiên Đình…

Thiền sư Thích Nhất Hạnh lý giải “Có nhiều người tin rằng mình không làm gì được hết. Mạng lưới nhân quả trùng trùng như vậy, quyết định hết rồi thì có vùng vẫy cách nào cũng không thể thoát ra khỏi. Mình chỉ là nạn nhân! Sống như vậy thì rất đau khổ, chịu không nổi.
Cho nên có thuyết ngược lại, chủ trương rằng con người có tự do, có ý chí tự do (free will.) Đứng về phương diện triết học, con người có tự do chọn lựa hay không? Khi hành động, mình có tự do trong hành động đó không, hay những nguyên do từ quá khứ đã quyết định dùm mình rồi?
Một số trong chúng ta đứng về phía tin tưởng rằng chúng ta có không gian, có tự do – nếu không thì đời sống không có ý nghĩa. Trong đạo Bụt chúng ta học về mạng lưới trùng trùng nhân quả. Chúng ta thấy tự do của mình nằm chỗ nào?”

Tuy nhiên cũng cần… lạc quan Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

Chiến tranh qua đi, ước mơ từng chia sẻ bên chiến hào năm nào chả biết nó thực hiện như thế nào (có nên kể ra không nhể). Thật khó rách ròi những gì do nó quyết tâm – cố gắng – nỗ lực – phấn đấu (toàn chữ khẩu hiệu cả), những gì là do số phận đưa đẩy.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
2 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Hien le 199@
Hien le 199@
11 tháng trước

toẹt vời

Alan Luu
Alan Luu
2 năm trước

Cám ơn anh đã viết câu chuyện này và tôi rất cảm động. Tôi có đọc những câu chuyện của lính miền nam và lính Mỹ. Đây là lần đầu tiên được nghe câu chuyện kể lại từ phía kia. Tôi rất ngưỡng mộ sự Dũng cảm tranh đấu của chiến sĩ phía Bắc vì phương diện vũ khí và trang bị không bằng phía nam mà phía Bắc hơn về phương diện quyết tâm. Tôi là người Hoa sanh trưởng ở Saigon và tiếp xúc ít với người Việt nên tiếng Việt tôi không biết nhiều. Tôi đã đi quân đội VN vài tháng hồi 1969. Sau đó tôi được đỗ Tú tài du học tại Mỹ. Tôi cầu anh và những chiến hữu của anh được nhiều sức khỏe, bình yên và hạnh phúc.

2
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x