MẶT NẠ NGƯỜI CHẾT
Kim Thư nằm, hai cánh tay xuôi đều. Nước da cô bây giờ xanh tái với đôi môi thâm tím. Mắt cô nhắm nghiền như người ngủ với hai hàng mi khép lại. Thư đã chết. Cái chết của cô làm chúng tôi bàng hoàng! Mới mấy hôm trước, cả bọn đi dự tiệc sinh nhật ở nhà Tiến rất vui vẻ…
Kim Thư là một cô gái hiền lành, dáng dấp quý phái. Cô hình như không có bạn trai. Một vài chàng khá phong độ, tán tỉnh làm quen với cô một thời gian, rồi không hiểu sao, các chàng ấy lại rút lui. Tôi cũng có nghe những tay ấy phát biểu về cô những lúc trà dư tửu hậu. Có cậu nói: “Con bé chẳng có gì chê được. Nhưng nàng hình như bị lãnh cảm!”. “Có thể cô nàng làm cao. Đợi gặp hoàng tử rồi mới yêu! Dân trí thức mà. Có yêu nhau cũng văn vẻ, lý tưởng chứ đâu xô bồ, lộn xộn như bọn mình!” – một cậu khác cảm thán nói.
Khi lão Sùi – chuyên gia tẩm liệm – vạch miệng Thư, cho vào mồm cô một miếng vàng y, tôi thấy được lần cuối cái răng khểnh của Thư. Tôi thoáng bồi hồi, đau đớn trong lòng: “Trời ơi! Thư! Cái răng khểnh của em đã làm nên mấy bài thơ đăng báo cho anh!”.
Tôi không phải là người yêu của Thư. Nhưng chính cái vẻ đẹp mỏng manh, có lúc tựa hồ như khói, như sương ấy đã tạo nên nhiều cảm xúc trong tôi. Tôi thường có thói quen đi tìm sự sáng tạo trong vẻ đẹp đa dạng của những cô gái. Bây giờ một trong những người mẫu trong tâm hồn tôi đã ra đi. Thư ơi! Chẳng biết ngày mai em sẽ về đâu? Ôi thật là đau xót! Sao em lại dại dột chết trẻ như thế khi chưa biết tình yêu, chưa rành rẽ về cuộc đời này. Dẫu cuộc sống có những buồn vui, đau khổ… nhưng biết bao nhiêu người vẫn thiết tha yêu nó, chẳng bao giờ có ý nghĩ muốn rời xa nó như em. Có người gặp trăm ngàn bất hạnh hơn em nữa kia! Có thể biết đâu chừng, ngày sau có anh trong đó! Nhưng anh quyết sẽ sống. Chỉ khi nào thật sự không còn khả năng để sống! Mà tại sao em lại quyên sinh? Em buồn chuyện gì? Em khổ chuyện gì? Em là cô gái được cha mẹ cưng chiều! Nhà em cũng chẳng phải nghèo túng mà còn khá giả hơn nhiều người khác!
Lão Sùi nhìn mọi người nói: “Nào! Có ai muốn nhìn mặt cô Thư lần cuối không? Lại đây, tôi đắp khăn lên mặt cô ấy thì sẽ không giở ra nữa nhé. Giở ra không nên!”. Bọn chúng tôi e dè xúm lại. Có một giọng khóc rấm rứt: “Thư! Thư ơi! Sao bạn lại bỏ mình đi sớm vậy? Biết bao giờ gặp lại nhau đây Thư? Biết bao giờ…”. Đó là Quỳnh Dao. Cô này là bạn rất thân của Thư, sắp có chồng về Sài Gòn. Nghe Quỳnh Dao khóc, chúng tôi cũng mủi lòng. Một vài bạn gái của Thư cũng khóc theo. Bọn đàn ông, con trai chúng tôi có một vài cậu đỏ mắt, quay mặt đi chỗ khác.
Tôi ngồi chung với lão Sùi ở bàn nước góc nhà lúc các vị sư cô tụng kinh, gõ mõ cầu siêu cho Kim Thư. “Chú Sùi! Ông làm nghề tẩm liệm biết bao nhiêu người rồi. Ông có thấy chuyện gì huyền bí thuộc về tâm linh không?”. “Khối chuyện…”. Thấy tôi có vẻ tin chuyện âm dương, lão Sùi xem bộ thích. Lão cũng đã có vô vài cốc rượu cúng ban chiều nên có vẻ hăng hái: Này nhé… Cậu có biết chuyện “hồn thư” chưa? “Là thế nào? Nghe bí ẩn quá!” – tôi chăm chú nghe lão Sùi. Lão nói giọng đều như kể chuyện đêm khuya:
– Sau khi người chết vừa chôn rồi, đêm ấy, vào lúc nửa khuya chỗ họ nằm lúc liệm, từ dưới đất sẽ bật lên một đốm lửa xanh bằng đầu ngón tay út, bay vòng vòng một hồi rồi sẽ nhập vào di ảnh hay bài vị. Vào giờ đó nếu ai chẳng may bị “hồn thư” chạm vào sẽ bị nguy hiểm. Nhẹ thì bị bệnh cũng vài hôm. Nặng có khi hóa rồ, có thể điên luôn!… Cậu không để ý đó thôi. Sau đám ma người thân, có người phải nằm bệnh. Đôi lúc có người còn mang chứng tâm thần dai dẳng!… Vì quá đau xót, không để ý chạm phải “hồn thư” đó thôi!
– Có cách gì tránh được cái vụ “hồn thư” đó hay không?
Lão Sùi bập bè điếu thuốc: Cũng dễ thôi. Các cụ xưa tìm dao phay đâm họng heo, hoặc dao yếm cắt cổ vịt cắm ngay chỗ giường người chết là xong ngay! “Hồn thư” dậy không nổi, và sau đó, qua ngày mở cửa mả, hồn thư sẽ tiêu tan vào đất thôi!
– Còn… chuyện quỷ nhập tràng thì sao? – tôi hỏi lão Sùi nhưng trong lòng cũng hơi gờn gợn.