Hết mù, hết câm sau khi chết
Câu chuyện hy hữu và kỳ lạ xảy ra đối với ông Nguyễn Văn Bé cư ngụ tại xóm Rạch Ruộng, tổ 19, ấp Long Châu, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ cách nay 10 năm. Bị câm và mù, sau một trận đột quị, ông tự dưng sáng mắt và nói chuyện bình thường. Chuyện không mới nhưng lạ lẫm nên lời đồn thổi lan xa khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Người trần mắt thịt
Câu chuyện về ông Bé “câm” không ồn ào xốc nổi nhưng thỉnh thoảng lại rộ lên đồn đại rằng: Kiếp trước ông Bé là một tiên ông trên thiên đình. Một hôm, vô tình "tiên ông Bé" trông thấy Ngọc Hoàng léng phéng với cung nữ. Thay vì giữ bí mật điều đó, "tiên ông Bé" lại ngứa miệng kể lung tung khắp thiên đình. Ngọc Hoàng biết chuyện, tức giận đày ông Bé xuống trần gian bắt chịu tội câm, mù nửa kiếp người.
Trên chuyến phà Thốt Nốt – Tân Lộc vượt sông Hậu, khi được hỏi thăm, một cô bé bán vé số đã liến thoắng nói: "Ở đây ai cũng biết ông Bé “câm”. Ổng vừa mù vừa câm từ lâu lắm, tự dưng té lăn ra chết, khi sống dậy ổng hết mù hết câm luôn. Dân ở xứ khác đồn ổng là người trên trời xuống, chứ dân ở đây chỉ biết ổng là người trần mắt thịt thôi".
Ngôi nhà tồi tàn của ông Bé không dễ tìm mặc dù chỉ cách bến phà Tân Lộc – Thốt Nốt non 4 cây số vì nó nằm nép sau một cụm dân cư nửa thôn, nửa thị của cái cù lao chơi vơi giữa sông hậu. Chủ nhà – ông Bé “câm” – tiếp khách bằng vẻ mặt đôn hậu và giọng nói chậm rãi hiền từ nhưng rành mạch ý tứ. Ông khẳng định ngay: "Không có chuyện thần thánh gì trong chứng bệnh của tôi cả. Tôi chỉ là người bình thường".
Ông Lê Văn Tằng (trái) và ông Bé.
Ông cho biết mình sinh năm 1949, là con cả trong gia đình thuần nông gồm 6 anh em. Năm 26 tuổi, ông lập gia thất rồi được cha mẹ cho một miếng đất cất nhà ở riêng và vài công ruộng. Tuy không cao to vạm vỡ nhưng sức khỏe ông hoàn toàn bình thường và đủ sức đảm đương công việc đồng áng. Công việc nhà nông không giàu có nhưng đủ để ông nuôi vợ.
Năm 27 tuổi (năm 1977), tai họa đã bất ngờ đổ ập xuống bản thân ông. Hôm đó, ông cùng với 2 người bạn trong xóm là ông Lê Văn Dẻ và Trần Văn Bơ đi cuốc cỏ mía thuê cho ông Hồ Văn Vốn. Suốt buổi sáng, ông làm việc bình thường, không có triệu chứng nào khiến ông cảm thấy sức khỏe mình có vấn đề. Sau khi nghỉ trưa, buổi làm việc chiều bắt đầu được 1 giờ, đang cuốc cỏ, bất ngờ ông cảm thấy trời đất mù mờ như có một tảng mây lớn sà xuống bao phủ khắp người.
Tưởng đó là thời tiết bất thường, ông gọi mọi người hỏi. Chưa nhận được câu trả lời của bạn thì "mây mù" tan biến. Ngay sau đó, ông ngã gục, bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, ông đã thấy mình nằm trong Bệnh viện Thốt Nốt. Khi đó, ông cảm thấy cơ thể mình vẫn bình thường, không có cảm giác mệt mỏi của bệnh tật, tuy nhiên, ông nghe rất rõ mọi người hỏi han nhưng không thể trả lời, dù rất cố gắng.
Sau một tuần lễ theo dõi, các bác sĩ ở Bệnh viện Thốt Nốt không thể tìm ra nguyên nhân đành chuyển ông lên tuyến trên là Bệnh viện Cần Thơ. Tại đây 2 bác sĩ chuyên khoa thần kinh trực tiếp điều trị cho ông là bác sĩ Cát và bác sĩ Mậu. Bác sĩ Cát là một bác sĩ giỏi đã từng đi tu nghiệp ở Mỹ trước năm 1975, và bác sĩ Mậu là bác sĩ từng học ở Liên Xô cũ được điều chuyển công tác từ Hà Nội về Cần Thơ từ năm 1976.
Sau 2 năm theo dõi điều trị chứng câm cho ông, cả hai bác sĩ đành bó tay. Y chứng của ông chỉ ghi là: Triệu chứng đông máu thần kinh trung ương. Họ cho ông xuất viện với lời dặn mỗi tháng tái khám 1 lần. 2 năm trị bệnh, tài sản ông chẳng còn gì. Vì vậy, ông không thể tái khám theo lời dặn của bác sĩ mà chấp nhận kiếp sống khuyết tật. Khi muốn trò chuyện, ông phải dùng bút viết ra. Từ đó, lối xóm gọi ông bằng cái tên Bé “câm” cho đến tận bây giờ. Tuy câm, nhưng sức khỏe bình thường, nên ông làm thuê, cuốc mướn để nuôi vợ và trả nợ trị bệnh. Thời gian này, vợ ông sinh cho ông 3 đứa con trai hoàn toàn khỏe mạnh.
Thấy cảnh ông khổ, chính quyền địa phương đưa ông vào diện cứu trợ khuyết tật.
Trở lại với đời, trả nợ nghĩa nhân
20 năm sau cái ngày bị câm (năm 1997), một buổi đầu hôm, ông đi uống cà phê ở quán giải khát của ông Tư Lễnh đầu xóm về đến nhà thì cảm thấy trong người khó ở. Theo thói quen trị cảm ở miệt quê, ông ra dấu nhờ vợ cạo gió, thoa dầu nóng rồi nằm nghỉ ngơi. Một lúc sau ông cảm thấy mọi vật quay cuồng, tối sầm. Hoảng sợ, ông ngồi dậy quờ quạng rồi té sấp xuống đất bất tỉnh. Bà con chòm xóm cùng với vợ ông đưa ông đi bệnh viện cấp cứu. Sáng hôm sau ông hồi tỉnh nhưng đôi mắt thì mù hẳn. Nhãn cầu vẫn đen láy nhưng bất động. Một lần nữa các bác sĩ lại bó tay trước chứng bệnh của ông.
Do không có tiền nằm viện nên vợ ông đưa chồng về nhà chấp nhận kiếp sống vừa câm vừa mù. Từ đó, suốt ngày ông chỉ quanh quẩn trong nhà với cây gậy dò bước chân. Cuộc đời ông trở nên bế tắc. Nhiều lúc thấy vợ con khổ cực làm lụng nuôi mình, ông thương lắm. Và từ đó ông cố gắng tập đan lát để kiếm tiền phụ giúp vợ con.
Một đêm giữa năm 2001, tức là đã 24 năm chịu sống cảnh tật nguyền, ông đang ngồi trên giường thì té lăn quay xuống đất. Vợ ông hốt hoảng tri hô cầu cứu. Ông Lê Văn Tằng, là hàng xóm sát vách nhà ông, chạy sang. Ông Tằng kể: "Khi tôi qua đến nơi thì thấy ông Bé nằm ngay đơ dưới đất, phổi ngưng thở, tim ngưng đập, mạch không còn. Thấy nó đã chết, tôi bảo vợ con nó thắp nhang và chuẩn bị lo hậu sự".
Ông Tằng và vài người hàng xóm khiêng ông Bé “câm” đặt lên giường để làm thủ tục cho người chết. Khói nhang giữ vong đang cháy nghi ngút, mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị lễ tang thì đột ngột ông Bé “câm” mở mắt ra, ngồi bật dậy, nhìn khắp lượt rồi cất tiếng hỏi: "Sao mọi người đông quá vậy?". Một số người yếu bóng vía bỏ chạy thục mạng. Bởi người ta đã quen với hình ảnh ông Bé câm lặng và mù lòa. Giờ thấy ông đang chết, sống dậy, cất tiếng và nhìn láo liêng, ai cũng hoảng.
Sau khi tỉnh trí, mọi người xúm lại hỏi han, ông Bé trò chuyện bình thường như chưa từng xảy ra chuyện bị câm suốt mấy chục năm qua. Ông nhìn thấy mọi vật rõ ràng. Ông cũng không cảm thấy mệt mỏi hay bất kỳ triệu chứng nào của bệnh tật.
Ông Bảy – nguyên là Tổ trưởng tổ dân phố 19 – và vợ là bà Hồng – hiện là cán sự phụ nữ tổ 19 – xác nhận: "Chúng tôi sống ở đây từ nhỏ, chứng kiến ông Bé bị khuyết tật suốt mấy chục năm nay. Chúng tôi đã đưa ông vào diện tật nguyền nghèo khó để chính quyền hỗ trợ nhưng sau khi ổng hết câm, hết mù đột ngột, chúng tôi phải đưa ổng ra khỏi danh sách tật nguyền của địa phương. Trong mục lý do đưa ra khỏi danh sách, chúng tôi không biết phải ghi làm sao, đành ghi chung chung là: Tự dưng hết tật nguyền".
10 năm nay, sau cái ngày hết tật nguyền "ngang xương", mắt ông Bé vẫn sáng và phát âm tốt như chưa từng bị bệnh. Nhớ lại những ngày bệnh tật không đủ tiền thuốc thang và phải nhờ bà con lối xóm giúp đỡ, ông quyết định đi học một khóa đông y rồi tham gia vào hội thuốc đông y từ thiện của địa phương để trả nợ nhân nghĩa với đời và tạ ơn cõi huyền linh.
Buonchuyen.info – Theo Vietnamnet