Home Liêu Trai Chí Dị – 154 -: Tế Liễu (Tế Liễu)

– 154 -: Tế Liễu (Tế Liễu)

Tế Liễu là con gái một sĩ nhân ở đất Trung Đô (huyện Bình Dao tỉnh Sơn Tây), có kẻ thấy nàng ẻo lả đáng yêu nên gọi đùa là Tế Liễu (cây liễu nhỏ). Nàng lúc nhỏ thông minh, biết chữ, thích đọc sách dạy xem tướng. Bình sinh tính nết trầm mặc, không hay nói tới điều hay dở của người khác. Nhưng nếu có ai tới dạm hỏi, thì xin cho được núp nhìn mặt, chọn lựa nhiều người mà đều nói rằng chưa có ai xứng đáng. Đến năm nàng mười chín tuổi, cha mẹ tức giận nói “Giả như trên đời không có ai xứng đáng, thì ngươi chịu làm gái già không chồng à?”. Nàng thưa “Thật tâm con muốn lấy trí người thắng mệnh trời, nhưng đã lâu vẫn không thành công, cũng là số phận của con vậy. Thôi từ nay trở đi xin vâng theo ý cha mẹ”. Lúc ấy có Cao sinh là danh sĩ dòng dõi thế gia nghe danh Tế Liễu tới xin hỏi cưới, sau ngày cưới vợ chồng rất hòa hợp. Vợ trước của sinh chết để lại một đứa con tên là Trường Phúc, lúc ấy được năm tuổi, cô gái nuôi nấng chăm sóc rất chu đáo. Có khi nàng về thăm cha mẹ, Trường Phúc cứ gào khóc đòi đi theo, quát mắng thế nào cũng không chịu thôi. Được hơn năm nàng sinh một trai, đặt tên là Trường Hỗ. Sinh hỏi ý nghĩa tên con, nàng đáp rằng không có ý gì khác, chỉ là mong mỏi nó được theo hầu dưới gối cha lâu dài mà thôi*.

 

*Trường Hỗ… mà thôi: trường hỗ (nương tựa 1âu dài) đây 1ấy ý câu trong kinh Thi Tiểu nhã, Lục nga “Vô phụ hà hỗ” (Không có cha thì nương tựa vào ai). Đây Tế Liễu biết truớc chồng sẽ chết sớm nên đặt tên con như vậy để tỏ ý mong chồng sống lâu.

Cô gái về việc nữ công rất vụng về, cũng ít khi để ý tới, nhưng ruộng nương ở đâu, thuế má bao nhiêu thì cứ theo sổ sách mà hỏi, chỉ sợ là không biết rõ. Ít lâu nói với sinh rằng “Việc trong nhà xin chàng đừng nhìn tới nữa, để thiếp lo cho, xem có coi sóc nổi việc nhà không?”. Sinh theo lời, được nửa năm thì trong nhà không có việc gì bê trễ, cũng cho vợ là giỏi. Một hôm sinh đi uống rượu ở xóm bên, có kẻ đi thúc thuế thiếu đập cửa hỏi, nàng sai đầy tớ ra nài nỉ xin khất nhưng y không chịu, phải sai trẻ đi gọỉ sinh về. Người thúc thuế đi rồi, Sinh cười nói “Tế Liễu nay đã biết đàn bà khôn không bằng đàn ông ngu chưa?”. Cô gái nghe thế cúi đầu bật khóc, sinh hoảng sợ vội tìm lời an ủi nhưng rốt lại nàng vẫn không vui. Sinh không nỡ để nàng phải khó nhọc vì việc nhà, muốn tự mình cáng đáng như cũ nhưng nàng không chịu. Từ đó nàng thức khuya dậy sớm chăm chỉ lo toan, cứ cuối năm là lo sẵn tiền thuế của năm sau, nhờ vậy cả năm ít khi thấy nha lại tới nhà đòi thuế thiếu.

Về tiền bạc chi tiêu trong nhà nàng cũng làm theo cách ấy, nhờ vậy chi dùng có chừng mục mà của cải ngày thêm nhiều. Sinh vì thế càng yêu mến, có lần nói đùa với nàng rằng “Tế Liễu mới nhỏ sao? Nét mày nhỏ, eo lưng nhỏ, bàn chân nhỏ, lại mến tâm tư càng tinh tế”, nàng đối lại rằng “Cao lang thật cao vậy! Nhân phẩm cao, chí khí cao, văn chương cao, chỉ mong tuổi thọ lại càng cao”*. Trong làng có người bán chiếc quan tài bằng gỗ tốt, nàng không tiếc mang món tiền lớn tới hỏi mua, nhưng giá cao quá không đủ tiền, lại tìm đủ cách vay muợn thân thích láng giềng mua bằng được. Sinh cho rằng đó không phải vật cần gấp, cố ngăn cản nhưng nàng không nghe. Mua về hơn năm thì trong làng có người chết, người nhà mang tiền tới xin mua lại với giá gấp đôi, sinh thấy có lãi bèn bàn bán đi, nàng không chịu. Sinh hỏi nguyên cớ, nàng không đáp, lại hỏi nữa thì nàng rơm rớm nước mắt, sinh lấy làm lạ nhưng không nỡ làm nàng buồn, bèn thôi việc ấy.

* “Tế Liễu… càng cao”:  đôi câu đối này nguyên văn là “Tế Liễu hà tế tai? Mi tế yêu tế lăng ba tế, thả hỉ tâm tư cánh tế, Cao lang thành cao hĩ! Phẩm cao chí cao văn tự cao, đãn nguyện thọ số vưu cao”, có chỗ chơi chữ không dịch được vì chữ “tế” ở vế đầu vừa có nghĩa là nhỏ bé, vừa có nghĩa là tỉ mỉ, tinh tế.

Lại hơn một năm nữa, sinh vừa hai mươi lăm tuổi, nàng không cho đi xa, mà đi đâu về hơi muộn thì nàng sai đầy tớ nối nhau đi mời gọi về, bạn bè sinh vì vậy có người lấy đó để đùa cợt chế diễu. Một hôm sinh tới nhà bạn uống rượu, thấy trong người mỏi mệt nên ra về, giữa đường ngã ngựa chết. Lúc ấy mới đầu mùa hè, may mà quan tài vải liệm đã chuẩn bị đầy đủ cả, người làng mới bắt đầu khâm phục Tế Liễu. Phúc lên mười tuổi thì bắt đầu đi học, nhưng sau khi cha chết lại đâm ra biếng nhác không chịu đọc sách cứ trốn học đi chơi với đám trẻ chăn trâu. Nàng trách mắng cũng không chừa, kế đánh đòn mà vẫn bướng bỉnh chứng nào tật ấy như cũ. Nàng không biết làm sao, bèn gọi vào răn dạy, nói “Nếu ngươi không muốn học chữ thì làm sao ép được. Nhưng nhà ta nghèo, không ai được ngồi ăn không. Ngươi phải thay quần áo, theo bọn đầy tớ làm lụng, nếu không thì ta đánh đòn đừng trách”. Rồi bắt mặc áo rách, sai đi chăn heo, về tới nhà thì phải xách nước nấu cơm, ăn uống như đám tôi tớ.

Được vài hôm Phúc thấy khổ quá, tới quỳ trước sân khóc lóc, xin lại đi học. Nàng quay mặt vào vách im lặng như không nghe thấy, Phúc bất đắc dĩ cầm roi khóc lóc đi ra. Đến cuối thu Phúc hết đường xoay xở, mình không áo, thân không giày, mưa lạnh thấu xương, đầu bù tóc rối như ăn mày. Người làng ai thấy cũng thương hại, những kẻ lấy vợ kế đều lấy việc Tế Liễu làm răn, chê bai dè bỉu đủ điều, nàng cũng nghe biết song vẫn thản nhiên không hề để ý. Phúc khổ quá chịu không nổi, bỏ heo trốn đi, nàng cũng mặc kệ không hỏi gì tới. Được vài tháng Phúc không có chỗ nào cho ăn, tiều tụy tự tìm về nhưng không dám vào nhà, năn nỉ người đàn bà láng giềng qua nói giúp với mẹ. Nàng nói “Nếu chịu nổi một trăm gậy thì vào đây gặp ta, còn nếu không thì cứ đi đi cho sớm”, Phúc nghe thế chạy mau vào nhà, khóc rống lên xin chịu đòn. Nàng hỏi “Nay ngươi đã hối lỗi rồi sao?”, Phúc thưa “Con hối lỗi rồi”. Nàng nói “Đã biết hối lỗi rồi thì không cần đánh nữa, cứ về yên phận chăn heo, nếu tái phạm sẽ không tha”. Phúc khóc lớn thưa “Xin mẹ cứ đánh một trăm gậy nhưng cho con được đi học lại”. Nàng không nghe, người đàn bà láng giềng khuyên giải mãi mới ưng thuận. Bèn sai Phúc tắm rửa, cho mặc áo mớì, bắt đi học chung với em là Hỗ, từ đó ra sức học hành, khác hẳn ngày trước.

Được vài năm Phúc vào học ở trường tỉnh, có quan Tuần phủ là Dương công đọc thấy văn bài cho là có tài, hàng tháng cấp thêm tiền gạo giúp đỡ việc học. Hỗ thì rất ngu độn, đi học mấy năm vẫn không viết được tên họ. Mẹ bắt bỏ học về làm ruộng, nhưng Hỗ quen sung sướng ngại cực khổ. Mẹ giận nói “Bốn dân ai cũng phải làm việc, ngươi đã không thể học lại không muốn cày, há chẳng chết đói nơi ngòi rãnh à?”. Lập tức đánh cho một trận, từ đó bắt theo đám tôi tớ làm ruộng, sáng nào dậy muộn thì bị chửi mắng. Đồ mặc thức ăn có thứ đẹp cái ngon thì mẹ chọn dành cho anh, Hỗ không dám nói ra nhưng lòng vẫn tức tối. Hết mùa làm ruộng, mẹ xuất tiền đưa cho sai theo học buôn bán, Hỗ lại say mê cờ bạc, có bao nhiêu tiền nướng sạch cả, rồi về đặt điều là gặp phải trộm cướp, đổ cho số phận để đánh lừa mẹ. Mẹ biết, đánh cho một trận gần chết, Phúc bò rạp xuống năn nỉ xin chịu đòn thay em, Tế Liễu mới nguôi giận.

Từ đó mỗi khi Hỗ ra khỏi nhà là mẹ sai người theo dõi gắt gao, nên dần dần cũng tiêu pha dè sẻn hơn, có điều chỉ là bất đắc dĩ chừ không phải thật lòng muốn như vậy. Một hôm xin mẹ cho theo bạn buôn tới huyện Lạc Dương (tỉnh Hà Nam) buôn bán, thật ra là mượn cớ đi xa để mặc sức chơi bời, nhưng trong lòng lo lắng chỉ sợ mẹ không chịu. Mẹ nghe nói thản nhiên chẳng nghĩ ngợi gì, đưa ngay cho ba mươi lượng vàng vụn để làm vốn, rồi đưa thêm một đĩnh vàng lớn, nói “Đây là của ông nội ngươi dành dụm lúc làm quan để lại, không được tiêu mất, đưa ngươi dằn túi để phòng lúc cần kíp thôi. Vả lại ngươi mới học đi buôn, ta cũng chẳng dám mong lãi nhiều, chỉ cần không bị hụt vào ba mươi lượng vàng này là được rồi”. Lúc Hỗ lên đường còn dặn đi dặn lại, Hỗ dạ dạ ra đi, vui vẻ đắc ý lắm.

Tới đất Lạc, Hỗ từ biệt hết các bạn buôn, tới ở nhà ca kỹ họ Lý, chỉ qua hơn mười đêm đã gần hết ba mươi lượng vàng. Nhưng nghĩ trong túi còn đỉnh vàng lớn nên đầu tiên chưa lo lắng gì, đến lúc chặt ra trả tiền mới biết chỉ là vàng giả, hoảng sợ tái cả mặt. Mụ chủ thấy thế buông lời châm chọc mai mỉa, Hỗ vô cùng lo lắng nhưng túi rỗng không biết xoay xở vào đâu, song nàng ca kỹ còn nghĩ tới tình nghĩa chưa trở mặt ngay. Giây lát có hai người mang dây sấn vào trói nghiến Hỗ, Hỗ hoảng sợ không biết vì sao, van vỉ hỏi thăm mới rõ rằng nàng ca kỹ đã ngầm lấy đĩnh vàng giả sai người đem báo quan. Tới công đường, quan không buồn nghe thưa bẩm gì cả, cứ sai cùm kẹp Hỗ chết đi sống lại mấy lần rồi hạ ngục. Hỗ không có tiền bạc gì nên bị bọn ngục tốt đối xử tàn tệ, phải xin cơm của các bạn tù ăn mới không chết đói.

Hôm Hỗ lên đường, mẹ nói với Phúc rằng “Nhớ là hai mươi ngày nữa ta sẽ sai ngươi tới đất Lạc, ta nhiều việc chỉ sợ quên mất!”. Phúc hỏi đi để làm gì thì nàng im lặng buồn rầu nên không dám hỏi nữa, lặng lẽ lui ra. Sau hai mươi ngày, Phúc tới hỏi, mẹ than “Em ngươi bê tha ngày nay cũng như ngươi bỏ học ngày trước vậy, ta mà không chịu tiếng xấu thì làm sao ngươi được như ngày nay? Mọi người đều nói rằng ta nhẫn tâm, nhưng việc nước mắt đẫm gối thì họ không biết đó thôi”. Rồi bật khóc, Phúc chĩ kính cẩn đứng im lặng, không dám hỏi han gì. Mẹ khóc xong mới nói “Em ngươi chưa bỏ thói xấu nên ta đưa vàng giả để nó phải chịu khốn khổ, nay chắc đã bị bắt rồi. Quan Tuần phủ đối xử với ngươi rất tốt, ngươi tới cầu khẩn thì nó có thể được thoát chết để sống mà hối lỗi”.

Phúc lập tức lên đường, tới đất Lạc thì em đã bị giam ba ngày rồi. Vội vào ngục tìm, thấy Hỗ mặt mũi nhọ nhem như quỷ, gặp anh rơi nước mắt không dám ngước nhìn, Phúc cũng khóc. Lúc ấy Phúc được quan Tuần phủ đối xử rất thân ái, xa gần đều biết tiếng, quan huyện Lạc Thành biết là anh Hỗ, vội tha Hỗ ra. Hỗ về tới nhà sợ mẹ giận, đi bằng đầu gối vào gặp. Mẹ ngoảnh lại hỏi “Ngươi thỏa nguyện rồi chứ?”. Hỗ rơi nước mắt không dám lên tiếng. Phúc cũng quỳ xuống, mẹ mới quát bảo đứng dậy. Từ đó Hỗ dốc lòng tu tỉnh, chăm chỉ việc nhà, nếu có lúc nào bê trễ mẹ cũng không trách hỏi gì tới. Suốt mấy tháng không nói tới chuyện đi buôn, cũng muốn xin với mẹ nhưng không dám, bèn nhờ anh nói hộ. Mẹ nghe thế mừng rỡ, đem hết tiền bạc giao cho, Hỗ đi buôn nửa năm đã lãi gấp hai. Năm ấy Phúc thi hương đỗ Cử nhân, ba năm sau lại đỗ Tiến sĩ, em thì buôn bán trở nên giàu có ức vạn. Trong huyện có người tới đất Lạc, gặp được Thái phu nhân, thấy tuổi đã tứ tuần mà dung mạo chỉ như mới hơn ba mươi, ăn mặc giản dị như nhà thường dân mà thôi.

Dị Sử thị nói: Sách Hắc tâm phù ra đời thì áo hoa lau thay đổi*, xưa nay đều giống nhau, thật đáng buồn vậy. Nhưng mẹ kế sợ bị chê bai thì lại nuông chiều con chồng quá mức, đến nỗi cứ mặc kệ con cái phóng túng không hỏi tới một câu, nên đã có biết bao nhiêu người bị con chồng ngược đãi rồi! Nếu chỉ đánh đập con ruột thì người ngoài không cho là ác độc, nhưng đánh con chồng thì lập tức bị chê trách ngay. Như Tế Liễu không chỉ tàn nhẫn với con chồng mà còn khiến con ruột mình trở thành người giỏi, nhưng làm sao mà đem tấm lòng ấy giải bày với người đời, nên không sợ điều tỵ hiềm, không tránh tiếng ác, rốt lại dạy được hai con trở nên một đứa sang một đứa giàu, rỡ mặt với đời, cứng rắn ngay thẳng như thế thì so ra chẳng kém gì đàn ông, chứ đừng nói so với đàn bà.

*Sách Hắc tâm phù… thay đổi: Thanh di lục chép “Trưởng sử Lai Châu là Vu Nghĩa Phương có làm một quyển Hắc tâm phù để truyền lại cho đời sau”. Tâm phù là từ dùng chỉ người mẹ kế có đức, nên Hắc tâm phù đây chỉ người mẹ kế tàn ác với con chồng. Áo hoa lau chỉ việc Mẫn Tử Khiên bị mẹ kế ngược đãi, mùa đông cho hai con mình mặc áo bông, cho con chồng là Mẫn Tử Khiên mặc áo hoa lau. Đây ý nói khi chuyện mẹ kế tàn ác với con chồng bị dư luận lên án, thì những bà mẹ kế tàn ác cũng thay đổi thủ đoạn để đối phó với dư luận.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x