LÀNG MA
Tôi đã định về sớm nhưng sa đà chén rượu, câu chuyện, dứt không nổi, ba giờ chiều mới lên xe. Trên con đê ven sông Hồng thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nhẩm tính 70 km vẫn kịp tới Hà Nội trước khi trời tối. Bất ngờ mây đen ập đến. Trời như trút nước, tôi ướt lướt thướt, người ớn lạnh. May có cái điếm canh đê vào trú. Mưa dai dẳng gần hai tiếng đồng hồ. Đường xấu lại sũng nước, cái xe Honda cà khổ đời 78 không bốc lên được. Ra đến đường I Phủ Lý chắc tối mất.
Lối rẽ. Trên đê tôi phi xe xuống. Sau mưa, ráng chiều đỏ ối. Bất thần trên nền trời trước mặt sừng sững cây đa ba đầu. Tôi nổi da gà, xung quanh tối sầm, người hẫng đi, rơi vào chốn mung lung. Cảm giác ấy diễn ra chẳng biết bao lâu. Rồi tôi nghe tiếng người lao xao, đầu nhức như búa bổ. Hình ảnh cây đa ba đầu ở cái làng Ma chập chờn. Sao nó ở đây nhỉ? Mình đang ở Hà Nam cơ mà? Loáng thoáng tôi nghe tiếng ai nói xa gần:
– Người nóng quá… Chắc gặp mưa cảm lạnh…
Tôi gượng lầm bầm hỏi:
– Đây… là… đâu? Sao có… cây đa ba đầu? Làng Ma…?
– Anh ta nói gì…? Làng Ma! Ô hay, anh ta gốc ở đây?
– Thế… thế cụ Tĩn?
– Kìa… anh ta biết cụ Tĩn à, ông lão ở làng Ma…
Sao lại là làng Ma? Đây đất Hà Nam, đâu phải Hải Dương? Đầu óc tôi lùng nhùng những câu hỏi.
Hồi ấy, đang thời chiến tranh đánh phá miền Bắc ác liệt của không quân Mỹ, những năm sáu bảy sáu tám. Lúc đó tôi tròn mười tuổi. Mẹ gửi tôi sơ tán ở nhà người họ hàng với bác cùng cơ quan mẹ. Làng thuộc huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Mẹ tính đấy là vùng xa quốc lộ, không nhà máy xí nghiệp, máy bay ít oanh tạc. Cứ chủ nhật cuối tháng, từ cơ quan ở Hà Nội, mẹ lóc cóc đạp hơn bảy chục cây số theo đường tắt đèo những thức cần thiết cho tôi. Những ngày đầu một mình chốn lạ, tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, thường ra đầu làng ngóng hay lủi vào góc kín thút thít khóc. Dần dà tôi cũng quen với cuộc sống mới. Có lẽ bởi nông thôn nhiều trò lạ trước đứa trẻ thành phố như tôi. Trò trèo cây xem ổ chim non, mấy con chim ra ràng đỏ hỏn, nghển cổ chiêm chiếp đòi ăn; xem trận kịch chiến giữa bầy ong vàng và tên hung thần ong đen đến đánh cướp ong non; theo lũ trẻ ra bờ sông câu cá lác, loại cá mắt thố lố như cái đèn pha, vắt vẻo trên đầu… Thú nhất vẫn là đi câu. Cũng vì trò ấy tôi quen cụ Tĩn, ông già cất vó ở rìa cống, giáp sông. Chẳng rõ cụ Tĩn có người thân nào không, chỉ thấy cụ thui thủi một mình ở cái chòi cất vó. Một bận tò mò tôi hỏi, nhà cụ ở đâu, cụ Tĩn chỉ vào trong đê, nơi bọn trẻ bảo đấy là làng Ma. Trước có cái chợ họp ở đó. Năm đói người dồn về, chết, xác chôn chung nên có gò gọi là mả Chung, Những đêm trở trời, ma đói tụ tập họp chợ dưới gốc đa. Sợ thì sợ, nhưng học xong chiều nào tôi cũng ra bằng được. Không biết ham câu hay vì những câu chuyện cụ Tĩn kể. Phải nói cụ Tĩn là kho chuyện cổ tích. Cụ kiên nhẫn trả lời, giải thích các câu hỏi dường như vô tận của tôi, một đứa trẻ lên mười.
Trưa ấy đi học về, ăn vội vàng, rồi cầm chiếc cần, câu tôi phóng ra bờ sông. Vào chòi chẳng thấy cụ Tĩn đâu, chỉ thấy bốn gọng vó không lưới đung đưa trên mặt nước. Tôi dáo dác tìm quanh. Cụ ở đâu nhỉ? Hay ốm nằm nhà? Mà từ trước đến giờ chưa thấy người thân nào của cụ. Thử vào nhà xem sao. Phân vân một lúc vì sợ, nhưng nghĩ cụ Tĩn ốm, tôi đánh liều vào làng Ma. Lâu rồi làng Ma thành vườn cây các cụ. Tuy lần đầu vào đấy tôi vẫn tìm được nhà cụ Tĩn ngay. Khu vườn có ngôi nhà cụ là duy nhất, ba gian lợp rạ, ọp ẹp cũ.
– Ông ơi… !
Tiếng vòng vọng trong vườn cây. Nghe, tôi rờn rợn, hốt hoảng gọi liên tiếp. Từ chái nhà có tiếng cụ:
– Thằng cháu đấy à?… Ông đây, ông ở đây.
Xộc vào, tôi thấy cụ Tĩn đang lúi húi trong bếp. Một nồi mười cháo to vật, đang sùng sục khói trên cái bếp, kê bằng mấy ông bù rau. Tôi vội hỏi:
– Ông ốm à? Sao ông nấu nhiều cháo thế?
– ồ không (cụ Tĩn trả lời). Hôm qua ông quên mời thằng cháu. Chiều nay ở đây ăn cơm, à… ăn cỗ với ông. Hôm nay rằm tháng bảy, lễ xá tội vong nhân.
Nói rồi cụ Tĩn nhờ tôi ra vườn hái lá mít, cụ thì rọc những tàu chuối. Hai ông cháu mang đám lá xuống cầu ao rửa, cả đám lá đa, chắc cụ Tĩn nhặt dưới gốc cây đa ba đầu từ trước. Rửa xong, ông cháu tôi bê rổ lá vào nhà lau cẩn thận. Tôi chẳng biết đám lá để làm gì. Lúc này tôi mới có dịp quan sát nhà cụ Tĩn. Ngôi nhà tềnh toàng, ngoài ban thờ ám khói, đầy tan nhang và chiếc chõng tre cũ, đồ đạc chẳng còn gì nữa. Tôi tò mò hỏi:
– Ông ơi, thế bà đâu? Các cô chú đâu?
Mải lau lá hay suy nghĩ gì, cụ lơ đễnh trả lời:
– ờ… ờ… bà và các cô chú… Kìa, nhanh tay lên cháu… Họ đang chờ… Đói, ma đói mà!
Tôi lạ quá và cảm thấy sờ sợ, lấm lét nhìn quanh. Chẳng có ai. Cụ Tĩn bước lại ban thờ, bày mấy gói bỏng ngô và thắp nén hương, rồi bảo tôi rải những chiếc lá mít, lá đa đã lau sạch ra sân và cụ bê nồi cháo theo. Tôi trố mắt ngạc nhiên khi cụ Tĩn cầm muôi múc cháo đổ vào từng chiếc lá. Xong rồi cụ lại sai tôi bê rổ lá không ra vườn rải tiếp. Vườn cây um tùm rậm rạp. Đến lúc này tôi mới thấy mấy mô đất cụ Tĩn chỉ cho, cỏ mọc xanh rờn: – “Hai đống liền kề kia là nhà đĩ… à nhà cô Mít, cô Na; đống cuối vườn là nhà bà; đống…” Rồi giọng cụ nghèn nghẹn: -“Thày bu ơi, các con ơi, mẹ… mẹ cái đĩ… về nhà mà ăn cháo, cháo trắng bố Tĩn nấu”. Tiếng cụ nức nở. Chiều ấy tôi nghe câu chuyện cụ Tĩn kể về làng Ma, về chuyện đói, về những người thân của cụ.
Trước, đây có tên là xóm Trại, không phải tên làng Ma như người ta gọi. Xóm Trại đông đúc, gần hai chục nóc nhà, ngót nghét trăm rưởi khẩu. Nhà cụ Tĩn có chín người (lúc đó dân Trại gọi cụ là bố Tĩn), gồm ông bà Nhiêu, vợ chồng bố Tĩn và năm đứa con, cả trai lẫn gái. Đĩ lớn chưa đầy mười ba, cu bé đang bú. Nhà bố Tĩn có năm sào công điền. Vụ mùa ấy lúa bị bệnh, gọi là hoàng trùng. Năm sào ruộng, thóc gặt về, trừ sưu thuế và các khoản, còn chưa đầy mười thùng thóc. Mười thùng thóc, nhà chín miệng ăn, từ tháng mười đến tháng tư vụ chiêm, đói là cái chắc. Đã thế thóc lại lép, xay giã đớn như kê, nấu ăn đắng ngắt. Trong làng ra đến xóm Trại nhao nhác, chuyến này đói to. Ngày mùa mà nhiều nhà cháo cám hay cơm độn rau. Gạo ở chợ giá tăng vòn vọt, từ 15, 20, 30 rồi lên tới 80 đồng một thùng. Cái chợ toen hoẻn đầu đê cũng có người phủ Ninh Giang đến đong thóc. Nghe nói cân thóc tạ cho Nhật. Mẹ Tĩn vốn dân hàng xáo, trước quen biết họ nên nhận được phần xay giã. Nhờ thế nhà cũng đỡ, kiếm chút cám bổi.