Home Seo Bắt Ma – Tác Giả Nhật Hoàng

Bắt Ma – Tác Giả Nhật Hoàng

2. Khúc sông làng Bích

Buổi chiều nghỉ chân ở quán nước dưới gốc cây gạo, sư Thiện Pháp uống vội ngụm nước chè rồi trầm ngâm nghe tiếng xẩm của cụ Bảy. Những người lang thang, dáng dấp lữ khách thường giỏi một ngón nghề gì đấy. Cụ Bảy cũng thế, không ai biết cụ đến làng này từ bao giờ, chỉ biết cụ đã ngồi hát xẩm và gắng với con đò của mình lâu lắm rồi, đặc biệt ngón đàn và cái giọng trầm đục nỉ non của cụ thì ai nghe cũng chờn. Tiếng hát xẩm của cụ Bảy khiến sư Thiện Pháp bất động hồi lâu, cảm giác những dây thần kinh như thắt lại, từng lông tơ dựng đứng cả lên.

Cụ Bảy ngừng lại ngước đôi mắt về phía sư bật cười:

– Sư thầy đi hóa duyên về đó hử?

– Bẩm cụ thưa vâng, tiếng đàn cụ hay quá!

– Sư thầy không biết, trong đàn cũng có hồn phách, mình vuốt ve cưng nựng nó thì nó mới chịu cho mình cái tiếng nó trong thế. Cây đàn này gắng với tôi lâu lắm rồi, nhiều khi nó là con, là bạn, là tri kỉ từ hồi nào tôi chẳng biết nữa.

Sư Thiện Pháp gật gù, mời cụ chén nước chè rồi cả hai ngồi đàm đạo.

Bà Bổi ve vẩy cái quạt phá tan cuộc trò chuyện của hai người:

– Độ rày có ai mời sư thầy đi tụng kinh, cúng quẩy gì không?

Sư Thiện Pháp đang dở chuyện, ngẩn người đáp lại:

– Không bà ạ, trong chùa nhà ai có đám hiếu hay có lễ lược gì đấy thì mời nhà chùa đi thôi. Những việc cúng quẩy, cúng tế chúng tôi không nhận.

Nhổ phịt ngụm trầu đỏ tươi như máu, bà Bổi đon đả:

– Thế hử, tôi là tôi hỏi thế thôi, bởi độ rày tôi nghe khúc sông dưới xóm Bích nhiều người đuối nước lắm, từ giêng đến giờ mới có ba tháng, vậy mà đã “đi” những bốn người rồi. Khúc sông ấy lâu nay vẫn tắm giặt bình thường, từ ngày đó đến giờ vắng tanh, trông càng u ám.

Đột nhiên bà Bổi quay sang cụ Bảy hỏi khẽ:

– Cụ hay chèo qua khúc sông ấy, thế có biết căn nguyên ấy làm sao không?

Cụ Bảy vẫn hướng đôi mắt trầm đục của mình ra xa, im lặng một hồi. Thế rồi trong cổ họng cụ từng chữ bật ra như có ai đang bóp nghẹn :

– GIEO NHÂN GÌ THÌ GẶT QUẢ ĐẤY

Cái quạt trên tay bà Bổi dừng hẳn, mấy người khách ngồi quanh cũng xúm hết cả lại, một người cất tiếng:

– Cụ nói thế là ý gì hả cụ?

– Tôi nói xàm đấy, mọi người đừng để ý, cái gì cũng có cái lý của nó, tôi đoán chắc có gì khúc mắc trong chuyện này nên nói bừa vậy thôi. Mọi người cứ nghỉ, tôi đi đây.

Xếp lại hộp đàn, cụ Bảy bỏ đi dưới ánh mắt ngơ ngác của mọi người. Đợi cụ đi khuất, bà Bổi chép miệng:

– Có căn nguyên gì thì cũng mong đừng có ai bỏ xác dưới đáy sông đó nữa. Tội nghiệp, lạnh lẽo lắm, cô đơn lắm.

Sư Thiện Pháp nãy giờ trầm ngâm. Dáng điệu và cả câu nói của cụ Bảy không phải bật ra một cách tự nhiên như vậy. Vốn dĩ xưa nay cụ kiệm lời và kĩ tính lắm, đâu dễ nói bừa ra một câu như vậy.

Trả tiền nước cho bà Bổi xong, sư giục hai chú tiểu theo phụ mình sửa soạn tay nải về chùa.

Thoáng chốc, bóng của ba sư đồ đã khuất sau rặng tre. Mặt trời sắp lặn quét một màu đỏ ối kéo dài đến tận khúc sông cuối làng Bích. Nhìn về hướng ấy bây giờ nom rợn hết cả người, tiếng mấy con vạc đi ăn đêm vọng lại càng khiến ai nhìn cũng chả dám nhìn lâu.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận