Bí ẩn mưa sao băng
Dù cứ đến tháng 8, chúng ta lại có dịp ngắm mưa sao băng Perseid nhưng có những khoảnh khắc bầu trời với những vệt sao sa mang đậm vẻ đẹp huyễn hoặc, bí ẩn đến mê đắm lòng người thì không phải ai cũng may mắn nắm bắt.
Bầu trời Kilimanjaro rực rỡ, duyên dáng. Ảnh: Kwan O. Chul.
Ánh đèn điện từ một đoàn người rồng rắn hướng về đỉnh Kilimanjaro, ánh sao băng lóe sáng cũng như sa xuống đỉnh núi của Tanzania. Mặt trăng sau rằm lu mờ, nhường chỗ cho những vì sao chiếu sáng tạo nên vẻ diễm lệ của bầu trời.
Khởi đầu của mùa sao băng tháng 8. Ảnh: Dennis di Cicco.
Một ngôi sao sa rẽ ngang tầm quan sát của Đài Stellafane ở Springfield, Vermont vào ngày 7/8 – gần thời điểm bắt đầu mưa sao băng Anh Tiên hằng năm.
Mưa sao băng tháng 8 khởi nguồn từ sao chổi Swift-Tuttle. Cứ khoảng 130 năm, Swift-Tuttle lại lượn băng qua mặt trời và trên đường di chuyển nó phát tán những đám mây bụi khổng lồ gồm các thiên thạch nhỏ li ti cấu tạo từ đất đá, băng, kim loại.
Sao băng và cực quang. Ảnh: Michel Tounay.
Ánh sao băng làm sinh động thêm cho bầu trời nhuộm sắc xanh cực quang ở Chisasibi, Quebec vào 12/8.
Cứ đến giữa tháng 8 hằng năm, Trái đất lại lăn qua những đám mây thiên thạch – vết tích của Swift-Tuttle. Nhưng thiên thạch ấy đâm xuyên bấu khí quyển với vận tốc khoảng 160.000 km/h và bùng cháy thành mưa sao băng trong khoảnh khắc.
Núi sao băng. Ảnh: Denis Balibouse.
Một ngôi sao đổi ngôi Perseid chiếu sáng bầu trời trên những ngọn núi phía Bắc Geneva, Thụy Sĩ vào 12/8.
Trong khi phần lớn những ngôi sao sa thường mờ nhạt, những người ngắm sao thật ra đang chứng kiến một quả cầu lửa bắn phá bầu khí quyển.
Cận cảnh sao băng Anh Tiên. Ảnh: Pete Lawrence.
Những ngôi sao băng tháng 8 dường như có điểm phát (radiant) từ chòm sao Perseus nên còn được gọi là mưa sao băng Perseid. Chòm sao này mọc vào khoảng nửa đêm ở bầu trời phía đông bắc.
Trong đợt đỉnh điểm của mưa sao băng Anh Tiên vừa qua, người ngắm có thể thấy 30 ngôi sao sa một giờ ở ngoại ô thành phố và đến 200 ngôi sao sa một giờ ở vùng nông thôn. Trong vòng một hai đêm trước và sau đợt đỉnh điểm, chúng ta vẫn có thể thấy lác đác 10 – 20 ngôi sao sa trong một giờ.
Viên ngọc của sa mạc. Ảnh: Babak Tafreshi.
Một ngôi sao băng lao qua những đỉnh núi Elburz đẫm ánh trăng vào ngày 13/8/2009.
Geza Gyuk, nhà thiên văn thuộc cung thiên văn Adler ở Chicaga cảm tưởng rằng nhiều hình ảnh sao băng liên quan đến nghệ thuật và khiến người ta thích thú, niềm vui của những người cố nắm bắt một ngôi sao sa Perseid đó là họ không bao giờ biết được điều thú vị nào sắp xảy ra.
Huyền thoại sao sa Anh Tiên. Ảnh: Tamas Ladanayi.
Thật là một trải nghiệm kì diệu khi được đứng trước một quang cảnh diễm lệ nhưng kì bí như thế này. Bầu trời tỏa ánh sáng dìu dịu, huyền hoặc bởi những ánh sao và cả một quầng bụi khổng lồ mà sao chổi Swift-Tuttle để lại trên hành trình lang thang của mình.
Trong suốt nội chiến Mỹ năm 1862, hai nhà thiên văn người Mỹ là Lewis Swift và Horace Parnell Tuttle khi làm việc cùng nhau đã khám phá ra một ngôi sao chối và thế là nó có tên Swift-Tuttle.
Lần xuất hiện gần đây nhất của Swift-Tuttle gần Trái đất là năm 1992 và dự đoán sao chổi này sẽ lại ghé ngang Trái Đất vào năm 2125.
Mưa sao Perseids băng qua dãy Rocky. Ảnh: Yuichi Takasaka.
Khi chúng ta thấy mưa sao Perseids xẹt ngang qua bầu trời, chúng ta gọi chúng là sao băng: meteor, nhưng chúng ta cần phân biệt một chút giữa sao băng và thiên thạch: meteoroid – những mẫu đá và băng bên ngoài vũ trụ trước khi bị đốt cháy trong khí quyển và trở thành sao băng.
Thế nhưng khi một ngôi sao băng không bị cháy thành tro bụi mà “sống sót” đáp xuống mặt đất, nó lại được gọi là meteorite.
Tuy nhiên bạn không cần bận tâm đến những khái niệm đó khi ngắm mưa sao băng Anh Tiên vì lẽ những ngôi sao sa cấu tạo gồm băng trộn lẫn ít bụi không thể nào đáp xuống mặt đất nỗi.