Cây cầu có nguy cơ sập vì… nước bọt
Cầu Howrah bắc ngang sông Hooghly là một biểu tượng nổi tiếng của thành phố Kolkata, Ấn Độ. Cây cầu 68 tuổi này được xây dựng vào năm 1943 trong thời kỳ thực dân Anh cai trị. Hiện nay, nó đang có nguy cơ bị đổ sập. Điều kỳ lạ là nguyên nhân không phải vì “tuổi thọ” của cây cầu mà từ… nước bọt con người.
Nhiều người dân tại địa phương có thói quen nhai “Paan”, một chất gây say có chứa các loại hạt và lá trầu. Thói quen khạc nhổ nước trầu đã khiến cây cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các thanh kim loại ở chân cầu Howrah đã bị ăn mòn dần dần bởi những chất axit chứa trong nước trầu tích tụ qua nhiều năm. Hiện tại, độ dày của các thanh kim loại đã giảm nghiêm trọng.
Chất axit có trong nước nhai trầu của người dân khiến chân cầu bị ăn mòn nghiêm trọng
Chính quyền thành phố Kolkata đang có những nỗ lực để khắc phục tình trạng này. Các kỹ sư đã đưa ra ý tưởng về việc sử dụng sợi thủy tinh để làm vỏ bọc chân cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền ý thức của người dân. Mỗi ngày, cây cầu Howrah có hơn 100.000 lượt xe qua cầu, cùng với đó là khoảng 150.000 lượt người đi bộ. Việc tu bổ cây cầu là hành động cấp thiết để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh những tai nạn bất ngờ đáng tiếc có thể xảy ra.
Mỗi ngày, cây cầu Howrah có hơn 100.000 lượt xe qua cầu và khoảng 150.000 lượt người đi bộ
Theo Habi (PLXH)