CHUYỆN MA GIỜ MỚI KỂ – Tác Giả Nguyễn Minh Tiến
Hôm trước, nghe chú đi câu cá kể chuyện gặp ma ở hồ, trong công viên. Giờ nghĩ lại câu chuyện đã sảy ra 50 năm trước, càng khẳng định ngày ấy mình gặp ma là thật, chứ không phải còn nhỏ tuổi, sợ ma mà tưởng tượng ra. Tôi chưa kể chuyện này với bất kỳ ai. Giờ, tôi kể lại để các bạn cùng nghe nhé!
Quê tôi ở Thái Bình, vùng quê lúa, một xã nghèo, một làng cũng như bao làng quê khác ở vùng Bắc Bộ. Xóm tôi, có cánh đồng lúa rộng mênh mông bát ngát bao quanh, không biết tự khi nào họ quen gọi là xóm Trại, và cho đến bây giờ vẫn gọi là như vậy. Xóm Trại chỉ có khoảng 100 hộ gia đình, nhà tôi ở cuối xóm, nhưng ở ngoài cánh đồng, cách xóm chừng 200 m, cạnh nhà tôi còn có ba nhà nữa.
Ngày còn nhỏ, tôi không dám đi chơi tối bao giờ, cứ tối đến là ở trong nhà, đi vệ sinh phải có mẹ hoặc người lớn đưa đi thì mới dám ra ngoài, vì tôi rất sợ ma. Mặc dù tôi chưa gặp ma, chưa biết ma như thế nào, thậm chí còn chưa nghe ai kể chuyện ma nhưng vẫn cứ sợ. Ngày ấy, ở quê tối đến, nếu nhà ai có việc gì lớn thì mới đốt đèn mang xông, đèn đất cho sáng, còn lại chủ yếu thắp đèn dầu. Nên ban đêm ngoài trời tối om, những đêm có trăng trời sáng thì đường dễ đi hơn, nhưng vẫn thấy sợ.
Khi lớn lên một chút, (khoảng 10 tuổi) khi ấy bắt đầu có bạn học, những ngày nghỉ, tối đến muốn được vào trong xóm chơi cùng các bạn. Đi chơi một vài lần thấy vui, thích, rồi thành thói quen, không đi chơi thấy nhớ chúng bạn lắm. Vào trong xóm chúng tôi hay chơi trò đuổi bắt nhau. Đường xóm chỉ có một con đường chính, nhưng bọn nhỏ chúng tôi khám phá ra một con đường riêng nữa, nó kéo dài suốt từ đầu xóm đến cuối xóm, bằng cách chui luồn từ vườn nhà nọ sang vườn nhà kia, hoặc trèo vượt tường của các nhà. Con đường này tuy mạo hiểm một chút, nhưng nó lại rất phấn khích cho trò chơi đuổi bắt nhau của bọn trẻ chúng tôi. Những đêm có trăng và cả những đêm trời tối hun hút bọn tôi vẫn cứ chơi, càng chơi càng phấn khích, không biết sợ là gì. Mấy bác hàng xóm khó tính mắng bảo bọn chúng tôi phá như “quỷ sứ” vậy.
Đi chơi thì thích vậy, nhưng đến lúc về thì rất sợ. Vì có những đêm trời tối khi ngửa bàn tay ra cũng không nhìn thấy, và cả những đêm trăng sáng nhưng nhìn cái gì cũng mờ mờ, ảo ảo, rất ma mị. Đoạn đường từ trong xóm về nhà tôi chưa đến 200 m nhưng ngày ấy sao thấy nó dài lắm. Đường đi lại rất nhỏ, chỉ vừa đủ cho hai người tránh nhau. Trên đoạn đường ngắn ấy có ba thứ rất đáng sợ.
Thứ nhất là: Nhà Tam bảo, tôi chẳng biết đấy là nhà gì, chỉ thấy đấy là ngôi nhà ba gian cũ kỹ, vắng lạnh, không hương khói, như bị bỏ hoang, người lớn bảo ở đấy có rất nhiều vong hồn, ma đói lang thang trú ngụ trong đó.
Thứ hai là: Miếu thờ của nhà bác hàng xóm, ở bên trái, cách đường khoảng chục mét, trong đó có những gì, hình thù như thế nào thì tôi không biết, vì chưa một lần dám ngó vào trong; đã nhiều lần ban đêm đi vệ sinh, tôi ở nhà nhìn sang thấy có ngọn đèn xanh lơ, to bằng quả trứng gà, lúc tắt, lúc sáng cứ bay lơ lửng xung quanh Miếu, không biết có phải đó là ánh đèn của người đi soi ếch, soi cá, hay chất lân tinh, hoặc thứ gì khác.
Thứ ba là: Bến Tắm, nằm ở giữa đoạn đường, là điểm mở rộng ra và sâu xuống của một con sông, người ta gọi là bến tắm, mặc dù tôi chưa thấy ai tắm ở đấy bao giờ; nhiều lần đi chơi về tôi thấy không biết có phải con chuột, con rái cá, hay người cứ nhảy ùm ùm xuống sông.
Không hiểu vì sao mỗi khi về, tôi đã định nhìn đi nơi khác, nhưng mắt lại cứ nhìn dán vào những điểm đáng sợ đấy, cứ nghĩ ở đấy có ma. Và lần nào cũng vậy, những đêm không trăng hay có trăng, tôi đều cắm đầu chạy một mạch trong nỗi khiếp sợ.
Tôi nhớ nhất, và sợ nhất vào một đêm mưa phùn của mùa đông, trời khá rét, đêm rằm nhưng không có trăng, trời cũng khá sáng. Hôm đấy là tối thứ bảy, tôi vào trong xóm chơi lúc đó còn sớm. Khi đi qua Bến tắm tôi thấy một cô bế em bé đứng ở đấy, cách đường khoảng 3 đến 4 m. Thấy hơi lạ, tại sao mưa nhỏ, trời lạnh mà cô ấy lại bế em nhỏ đứng ở đây? Nhìn kỹ nhưng tôi không nhận ra cô ấy là ai, ở cái xóm nhỏ này tôi biết hết mọi người, từ cụ già đến các em nhỏ. Nhưng vội đi chơi, với lại còn nhỏ chẳng biết suy diễn hoặc tò mò nên tôi không quan tâm đến, cứ vui vẻ đi chơi như các lần khác. Tối hôm đó, sau khi nghe xong câu chuyện cảnh giác và kịch nói của Đài Tiếng nói Việt Nam, đến 9h 30 thì tôi về nhà. Như các lần khác, tôi định chạy một mạch, nhưng khi chạy đến đoạn đường Bến tắm, thì bất ngờ thấy cô lúc chiều tối nay bế em bé đứng chặn ngay giữa đường. Không có đường chạy, tôi đứng khựng lại như phanh xe gấp. Cách cô đó chỉ chừng 1 m, nhưng tôi không nhìn thấy mặt, vì mái tóc rối của cô ấy che kín hết, còn đứa bé đầu trọc lốc, không quần áo, da trắng bệch, mắt đỏ lòm như mắt mèo. Không kêu nổi thành tiếng, tôi như chết lặng tại chỗ. Vừa lúc đó, cô ấy bế đứa bé chạy nhảy ùm xuống Bến tắm, đứa bé cứ cười lanh lảnh. Tôi sợ kinh hồn, chạy một mạch thẳng về nhà, gõ cửa ầm ầm. Mẹ tôi mở cửa, mắng bảo đi chơi về muộn, mà sao cứ như ma đuổi vậy? Sợ quá, tôi chẳng rửa chân, nhảy vội lên giường trùm kín chăn, người toát mồ hôi hột, cứ run lên bần bật. Hôm sau và mấy ngày sau tôi cứ sốt mê man có lúc đến 40 độ, lại cứ nói ú ớ không rõ câu gì. Mẹ tôi sợ quá, phải đưa tôi lên bệnh viện của huyện và nằm ở đấy một tuần, nhưng các bác sỹ không phát hiện ra bệnh gì, chỉ bảo tôi bị cảm sốt thông thường.
Từ sau lần đấy, tôi không bao giờ đi đêm qua đoạn đường ấy một mình nữa.
Năm 1980, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc quy hoạch lại các cánh đồng lúa của tỉnh. Nhà tôi và nhà các bác bên cạnh chuyển đi vào trong làng. Nhà tôi được cấp một mảnh đất thuộc sân kho của hợp tác xã nằm ngay cuối xóm, cách nhà cũ khoảng 200 m.
Khu đất nhà tôi ở trước đây giờ đã được cải tạo thành ruộng cấy lúa.
Nhà Tam bảo, Miếu thờ đã dỡ
bỏ. Bến tắm, con sông đã san lấp giờ còn rất nhỏ, chỉ còn là nơi để cho bà con lấy nước tưới cánh đồng màu.
Khi lớn lên tôi đi công tác, rồi về hưu trú tại Hà Nội. Thời gian gần đây, tôi về quê chăm sóc mẹ 6 năm liền, nhưng chưa bao giờ tôi đi qua đoạn đường ấy, kể cả ban ngày.
Mỗi khi nghĩ lại chuyện xưa, tôi vẫn thấy gai gai người. Có lẽ câu chuyện ấy đã lâu, nhưng nó vẫn ám ảnh dai dẳng tôi đến tận bây giờ.
Hà Nội, ngày 27/7/2023.