Chuyện Tâm Linh Của Em – Tác Giả yingxiong
Chào các cụ, các mợ.
Em học chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng khá nhiều lần, nhưng em tin rằng duy vật và duy tâm bất phân thắng bại. Thế giới vật chất này chỉ là một chiều cạnh của thế giới đa chiều. Nói cách khác, thế giới của các linh hồn có tồn tại.
Theo quan điểm của cá nhân em thì từ bé đến nay chưa bao giờ em gặp hồn ma bóng quế nào dưới dạng thức bóng mờ hay tiếng động mà các cụ các mợ đã kể. Ngay trong căn hộ em đang ở, nhiều lần vợ em và mẹ em (những ngày bà ở đây) nói rằng nghe thấy tiếng động, tiếng bước chân, hoặc nhìn thấy bóng hình ai đó đang mở cửa, đi lại trong nhà, thậm chí ngắm nhìn bé con nhà em đang ngủ nhưng em chưa một lần được diện kiến. Có lần, vợ em nghe thấy tiếng trò chuyện và gọi em dậy lúc 2h sáng, em căng tai lên nghe mà vẫn không thấy gì.
Đầu tháng 3 vừa rồi, em cho vợ con về ngoại chơi mấy hôm. Có một buổi sáng mà em phải dậy sớm (3h30) do hẹn xe đến đón lên Hà Nội để kịp giờ đi họp. Lái xe không biết đường vào nhà vợ em nên em phải đi bộ ra một khoảng khá xa. Đêm đó mưa và rét, ở quê nên đèn đường chỗ có chỗ không. Có lẽ một ngọn đèn nhỏ không đủ thắp sáng một đoạn đường quá 50m. Trên đường đi ra đón xe, em phải đi qua một đám tang. Đến đoạn ngõ rẽ ra nghĩa trang của làng (em không rẽ mà đi thẳng) thì em thấy một người đàn ông không nhìn rõ mặt, mặc đồ bộ đội kiểu cũ và mũ cối đi ngược lại. Em cứ bình tĩnh lướt qua mà chẳng cảm nhận thấy gì. Hôm sau về, em kể lại cho nhà vợ nghe, mẹ vợ em bảo đêm hôm khuya khoắt, làm gì có ai ra đường, có khi là “ai đó” nhưng em chỉ cười và bảo rằng chẳng ai bắt nạt được em.
Em mở bài hơi dài nhưng nói sơ qua để các cụ các mợ thấy bản thân em không phải là người yếu bóng vía. Nhưng tại sao em lại tin vào thế giới linh hồn?
Năm đó em 10 tuổi, cái độ tuổi còn trẻ con vô nghĩ vô lo. Em không nhớ chính xác thời điểm em trải nghiệm việc này lắm, nhưng chắc vào khoảng cuối tháng tư, đầu tháng năm do thời gian ngắn sau đó em chuyển cấp lên cấp 2.
Một ngày, bố mẹ em đưa qua nhà bà ngoại. Việc này cũng bình thường, do em cũng hay được bố mẹ đưa qua nhà bà chơi. Đến nhà bà em mới biết, bố mẹ em định đi gọi hồn ông ngoại nhưng không biết tên cánh đồng nơi ông nằm nên phải vào hỏi bà cho rõ. Bà bảo đó là cánh đồng V rồi thắp hương báo cho ông biết. Thực ra khu nhà bà ngoại em khi đó ở sát cánh đồng, từ nhà có thể nhìn đến khu mà ông em khi đó đang nằm. Sau này đô thị hóa, khu cánh đồng trở thành khu dân cư mới, và ông ngoại em cũng phải chuyển nhà thêm hai lần nữa.
Ông ngoại đi lúc em còn 17 ngày nữa thì tròn 2 tuổi (tính theo lịch dương). Trong kí ức non nớt của em khi đó, em chỉ nhớ được hai việc: thứ nhất, em nhớ được láng máng một lần em kéo tay ông ra cổng đòi ông đắt đi chơi; thứ hai, lần sang cát cho ông, em với bố và bác trên mẹ cùng một số người khác đến chỗ ông nằm, thấy đã đào gần hết, chỉ chờ đến đêm là nhấc lên và làm những thủ cục tiếp theo. Còn lại, những gì em biết về ông chỉ qua lời kể của bà ngoại và mẹ, rằng ông rất yêu thương em, rằng ông đã chăm em từ nhỏ khi lọt lòng, rằng ông đã đội mưa lội nước đi đón em từ nhà nội về khi mẹ em phải đi cấp cứu, v.v. Ông đi khi mới 51 tuổi bởi bệnh ung thư gan do làm việc trong môi trường hóa chất độc hại. Theo lời kể của mọi người, tóc ông đã bạc trắng. Trước khi ông đi còn không kịp chụp lại di ảnh, nên bây giờ chỉ còn lại một bức ảnh sơn mài.
Ngày hôm sau, bố mẹ gọi em dậy từ sớm. Đối với một thằng bé thích ngủ nướng thì đó là một chuyện không vui, nhưng với sự háo hức khi được đi gặp ông, em chẳng có lý do gì để phụng phịu với bố mẹ cả. Mẹ em đã chuẩn bị cơm nắm muối vừng mang theo bởi khi đó làm gì có quán xá như bây giờ.
Chiếc xe Dream II huyền thoại lăn bánh. Từ nhà em đến nhà cô đồng khoảng 20 km thôi. Em vẫn nhớ như in khoảnh khắc trên đường đi, khi đến một cái dốc cao, em hỏi bố rằng sao bố phải về số 3. Bố em trả lời rằng về số để xe khỏe hơn. Sau này em mới biết, do tính bố em rất cẩn thận, nên khi đi lên dốc thì bố em về số, giảm ga, đi chậm lại do sợ mẹ con em té ngửa ra đằng sau.
Đó là dốc Sàn. Em vẫn nhớ rõ đường đi. Đi qua dốc Sàn, đi tiếp qua nghĩa trang liệt sĩ thì rẽ trái, tìm đến nhà cô đồng G ở thôn Long Lanh, nhà cô có 5 cây cau cao chót vót ở sân trước. Không biết sau 24 năm thì 5 cây cau đó còn không.
Đến nơi, bố em để xe vào bãi. Bố mẹ em vào nhà và đăng ký vào quyển sổ của cô đồng. Gọi là cô theo ngôn ngữ của tín ngưỡng dân gian chứ thực ra, cô khi đó chắc cũng phải ngoài 50 rồi. Bố mẹ em thì gọi “bà” xưng “con”. Dù xuất phát khá sớm và khoảng cách tương đối gần nhưng bố mẹ em ước tính chắc phải chờ đến chiều mới tới lượt.
Từ trong nhà đến ngoài sân, chỗ nào cũng thấy có người chờ đến lượt. Cả nhà em ban đầu ra ngồi riêng ở một góc sân, bố mẹ em dặn đi dặn lại là không nói chuyện và không kể về nhà mình với người lạ, tức là không muốn em tiết lộ thông tin ra ngoài. Sau đó nhà em nói chuyện với 2 anh chị từ Hà Nội lên, nhưng cũng chỉ là hỏi vài chuyện lặt vặt và bình luận thời tiết cỏ cây hoa lá chứ không kể thêm chuyện gì. Em vẫn nhớ là được anh chị đó cho 1 thanh Double Mint trước khi về.
Ngồi ngoài sân chán thì bố em rủ hai mẹ con vào trong nhà xem. Lần đầu tiên được xem gọi hồn nên em cũng thấy khá thú vị. Có vong lên đòi hút thuốc, có vong lên đòi uống bia, có vong xuất khẩu thành thơ, rồi có vong mắng con cháu và dọa con cháu đi về sẽ đẩy ngã vào cột điện làm nhà ấy sợ tái mặt phải xin lỗi liên tục.
Qua bữa trưa. Người vẫn ùn ùn kéo đến. Nhà nào xong xuôi thì đi về, có lẽ mỗi người một tâm trạng. Người thì xúc động vì gặp được người thân đã khuất. Người thì vui mừng vì được nghe toàn chuyện hay. Cũng có người âu lo do được sang tai chuyện vận hạn, v.v. Trời lúc đó nắng gắt nên bố mẹ và em đã vào trong nhà ngồi, cũng là chờ đến lượt.
Cô đồng nghỉ trưa không quá lâu, em đoán chừng 1 tiếng đồng hồ thôi. Dáng đi và nụ cười của cô khi từ trong buồng đi ra em cũng không thể quên được. Công việc kết nối hai thế giới lại bắt đầu. Sau vài trường hợp gọi suôn sẻ, đến một lúc cô không gọi được ai, cũng không vong nào nhập được vào cô nữa. Mất vài phút, cô chỉ vào em và gọi nhà em lên bộ tràng kỷ mà cô ngồi làm việc. Nhà em ngồi ở tràng kỷ bên trái (nhìn từ cửa vào, cô đồng ngồi ở ghế bên phải. Cô lắc lư và rùng mình, bụng cô bắt đầu trướng dần lên, tay phải chống ra sau, tai trái ôm bụng, và thều thào:
H. ra đỡ bố.
Em òa khóc gọi: Ông ơi! Dù như đã nói, ký ức của em về ông rất mờ và chỉ qua những lời kể.
Bố em đến ngồi sau lưng để đỡ ông, mẹ em ngồi phía trước.
Bố đau lắm – Ông nói.
Ông kéo tay mẹ em đặt lên vùng bụng phía ngoài lá gan. Mẹ em sờ thấy một khối u to như quả trứng vịt. Ông nói ông vui vì được gặp lại con cháu. Ông dặn mẹ em mùng một hàng tháng thì lên chùa gần mộ ông thắp hương thì bệnh sẽ đỡ. Ông nói ông rất thương em, ông vẫn dắt em đi học hàng ngày, vào lớp ông ngồi cùng bàn với em về phía bên phải. Ông còn nói nhà của ông bị nước bẩn chảy vào.
Còn những chi tiết khác em xin không kể. Lúc chuẩn bị thoát khỏi thân xác cô đồng, ông nói lời xin lỗi vì chen ngang và chào tất cả mọi người đang có mặt ở trong điện. Bố mẹ em bảo lời chào đó đúng là phong cách của ông khi ông còn tại thế.Vậy tại sao xin lỗi vì chen ngang?Cô đồng trở lại với thực tại của mình. Cô kể:
Còn sáu lượt nữa mới đến nhà anh chị mà tôi gọi mãi mấy nhà kia không lên. Lạ quá, tôi nhìn một lượt quanh nhà thấy một ông cụ tóc bạc trắng, nhìn rất hiền từ chỉ vào cháu bé. Ông bảo thương cháu ngoại chờ suốt từ sáng nên ông đành chen ngang. Vậy tôi gọi cháu và anh chị lên. Ông cụ thiêng lắm đấy.
Sau lần gọi ông ngoại lên, nhà em xem ngày sửa mộ cho ông thì đúng là có một rãnh nước ngầm chảy vào trong mộ. Mẹ em làm theo lời ông đã gần như khỏi được căn bệnh mà khám chữa 5-6 năm không ăn thua.
Cho đến nay, sau 24 năm, mỗi khi nhớ lại lần gặp ông ngoại đó, em vẫn rơi nước mắt. Sau này mẹ em còn mơ thấy ông thêm một số lần nữa. Một lần khi nhà em mới làm nhà xong, và bố em đưa bà ngoại em đi gọi ông.
Em rất mong có một ngày được gặp ông trong mơ nhưng có lẽ tần số sóng của em và của ông không tương thích. Hoặc cũng có thể ông đã thoát khỏi vương vấn bụi trần. Dù vậy, em luôn giữ một bức hình của ông ngày trẻ ở trong ví, để mong ông luôn ở bên em.
Nam-mô A-di-đà Phật!
Tái bút: Em chỉ chia sẻ, không buộc ai phải tin, cũng không phải quảng cáo vì em cũng không biết bây giờ cô đồng còn hay mất.