Home Truyện Ma Hay Đại Nam Di Truyện – Tác Giả Phan Cuồng

Đại Nam Di Truyện – Tác Giả Phan Cuồng

Hồi thứ năm: HÃM THI BÙA
Lại nói chuyện gã béo lùn và Cao Tiến bàn bạc với nhau ở hồi trước. Lúc này, Cao Tiến mới hỏi:
– Đặng Mậu Lân xem ra càng ngày càng hoành hành ngang ngược, chẳng lẽ chúa thượng không biết hay sao mà lại để như thế?
Gã béo lùn đáp:
– Từ sau vụ án năm Canh tý, thì bè đảng của Thị Huệ và Huy quận công[1] ngày càng lớn mạnh hơn bao giờ hết, chẳng những không coi triều thần quan lại ra gì, mà ngay cả đến chúa cũng có ý xem nhẹ. Bây giờ chúa bị bệnh nặng, e chừng cũng không kéo dài được bao lâu, thế tử thì đang bị giam hãm, cũng coi như đã phế mất thế lực này rồi, những người theo phò cũng phải tính mưu lâu dài mà tìm chúa mới chứ.
Tiến lại hỏi:
– Chẳng hay dạo này thế tử ra sao rồi?
Gã béo lùn đáp:
– Bị giam ở một căn nhà nhỏ trong phủ liêu, cơm bưng nước rót tận nơi, một bước cũng không được ra ngoài, thực chẳng khác gì đi tù. Mà theo như ta thấy thì sau này cũng khó có khả năng làm nên việc lớn nữa.
– Không được gặp bất cứ một ai sao?
– Chính phải, ngoài ta lo chuyện hầu hạ ngài ra, chẳng có ai được đến bên hắn nữa.
Tiến lại hỏi:
– Ta hỏi câu này, ông có thì trả lời, không thì để trong bụng thì ta mới dám nói. Cao Tiến thận trọng nói.
Gã béo lùn đáp:
– Ông bạn à, tôi với ông chơi với nhau từ nhỏ, lẽ nào còn có gì giấu diếm nhau nữa hay sao?
Cao Tiến nhìn quanh một lúc, thấy chừng không có ai bên cạnh ngoài Quyết đang nhìn ngắm con gà nhạn bên cạnh, bèn hỏi khẽ:
– Ông có biết ông đang có một cơ may trời cho hay chăng?
Gã béo lùn dường như không hiểu. Tiến bèn nói thêm.
– Ông thực là nhìn thế thời gần quá. Không phải ai cũng đều theo phe Hoàng Đình Bảo cả đâu, ta nói ông nghe nhé, trong triều, ai mà chẳng phải dùng cái miệng không thực lòng mình? Số người ủng hộ Trịnh Cán lên chúa chưa chắc đã được một nửa đâu, nhưng mà thế tử bây giờ bị giam nơi đầm rồng hang cọp, tính mạng như ngọn đèn leo lắt, thì ắt là họ phải tính kế để bảo toàn lấy thân đã.
Gã béo lùn lại đáp:
– Những chuyện quan trường ta cũng không rành rọt lắm, cũng chỉ là một tay đầu bếp trong phủ thôi, thành ra có hiêu những chuyện đó cũng đâu có tác dụng gì đâu?
Tiến cười vang, một lát sau mới nói:
– Ông bạn của ta thực thà quá đi mất thôi. Anh hùng đâu cứ phải là con nhà danh gia, một đầu bếp như ông cũng có thể làm nên nghiệp mà. Trời cho ông cơ hội mà không biết nắm lấy, há chẳng phải lãng phí quá hay sao?
– Ta có cơ hội gì cơ? Gã béo lùn hỏi.
– Ông chẳng phải là người duy nhất được tiếp xúc với vương tử Khải hay sao?
– Đúng thế!
Tiến lại nói:
– Chỉ cần ông làm theo lời ta, thì chắc chắn sẽ có thể làm nên việc lớn. Chỉ là ông có muốn hay không mà thôi.
– Làm nên việc lớn, tất nhiên là tốt chứ. Gã béo lùn lại đáp.
– Nếu vậy ông cùng ta, giúp vương tử Khải lên được ngôi chúa, thì chẳng phải là vinh hoa phú quý tha hồ mà thụ hưởng hay sao? Tiến đáp.
Gã béo lùn giật mình nói:
– Ấy ông chớ có đùa, chuyện này là chuyện chém đấu đấy. Ông là người của Huy quận công, lại nói với ta những chuyện này, chẳng phải là muốn thử lòng ta sao?
Tiến đáp:
– Nếu ông không tin ta, vậy đành phải chứng minh cho ông thấy thôi.
Nói đoạn, Tiến rút trong túi ra một con dao, đặt ngón tay trỏ xuống đất, rồi giơ dao chặt phăng ngón tay lão, máu từ ngón thay vọt ra tung tóe, chỉ trong chốc lát, máu đã đẫm cả một vạt cỏ. Gã béo lùn và Quyết thấy Tiến làm thế đều cả kinh. Lúc này Tiến mới lấy một cái khăn bịt vết thương lại.
Gã béo lùn một lúc lâu sau mới nói được thành tiếng:
– Ông bạn ơi, hà tất ông phải làm như thế, chúng ta từ bé lớn lên với nhau, cùng đam mê chọi gà, ông nói thì ta tất tin mà thôi, chỉ là ta thuận miêng nói như thế, ông làm thế này, ta thực tổn thọ đến vài năm mất thôi.
Tiến đáp:
– Chỉ cần ông tin ta, thì không việc gì là ta không làm được.
Gã béo lùn áy náy đáp:
– Ông không cần chặt ngón tay ta cũng tin ông. Từ bé ông đã thông minh hơn người, sau lại được theo học thầy hay, những chuyện bùa ngải, niệm chú, điều khiển âm binh thiên tướng, có gì là ông không làm được?
Tiến lại đáp:
– Ông đã tin ta như thế thì có phải đã nhất trí cùng ta dựng chúa được chăng?
Gã béo lùn đáp:
– Xin nghe theo ông, xin nghe theo ông.
Tiến cười ha hả, lại đưa bàn tay cho gã béo lùn xem. Gã béo lùn thấy bàn tay Tiến vẫn còn nguyên cả năm ngón tay, dù máu vẫn còn dính đấy trên tay Tiến và mặt đất, thì ngạc nhiên lắm. Tiến biết vậy bèn đáp:
– Ông thực thà quá, ta chỉ cần gập ngón tay lại, khi dao chặt xuống thì hất một đoạn ngón tay giả ra rồi bóp cái túi đựng sẵn tiết lợn này thì ông đã bị lừa rồi.
Gã béo lùn tức giận:
– Ông thực tinh ranh quỷ quyệt.
Tiến đáp:
– Ta không muốn lừa ông, chỉ muốn ông biết là nếu ta muốn lừa ai, thì chỉ là việc dễ dàng như lấy vật trong túi mà thôi. Cho nên, ông nghe theo ta thì mười phần chắc đến chín. Mà ta có muốn thử ông thì thiếu gì cách để lừa mà phải nói thẳng với ông như thế. Ông thực là phụ tấm lòng tốt của ta. Dự Vũ à, người bạn tốt như ông, ta thực không có phúc được hưởng.
Gã béo lùn thấy Tiến nói có lý quá, mà lại có ý giận mình, bèn nói:
– Được đươc, ta nghe ông, ta nghe ông.
Thế là tối hôm đấy, Tiến và Vũ (tức gã béo lùn) về nhà Tiến đánh chén một trận no say. Tiến trước sau vẫn mang theo Quyết bên mình, rất để ý đến Quyết, dường như Quyết đóng vai trò rất quan trọng trong dự định của gã.
Đầu đuôi câu chuyện về vương tử Trịnh Khải kể ra cũng thực dài dòng, ở đây cũng chỉ xin thuật lại vắn tắt. Nguyên là Tĩnh đô vương Trịnh Sâm có người con cả tên là Trịnh Khải. Mẹ của Trịnh Khải vốn là một cung tần tên là Dương Thị Ngọc Hoan. Một đêm nọ, Ngọc Hoan mơ thấy có thần cho tấm vải có vẽ hình đầu rồng, bèn nói với hoạn quan Khê Trung Hầu, hai người đều cho rằng đấy là điềm báo sinh ra con thánh. Trịnh Sâm sai Khê Trung Hầu gọi cung tần Ngọc Khoan, nhưng Khê Trung hầu vờ nghe nhãng tai, sắp xếp đưa Hoan vào thay cho Khoan hầu hạ chúa. Chúa biết mà không nỡ đuổi ra. Sau đó, Ngọc Hoan đã có mang, sinh ra Khải. Khải lớn lên khôi ngô, tuấn tú nhưng chúa không hề yêu quý do chúa cũng không yêu Ngọc Hoan. Hơn nữa, Trịnh Sâm cho rằng, giấc mơ rồng là điềm làm vua chúa, nhưng rồng vẽ không phải là rồng thật, lại không có đuôi, ắt là cơ nghiệp không bền. Trịnh Sâm không muốn phong cho Khải làm thế tử, việc học tập được giao cả cho các quan; đến khi Khải đủ tuổi ra ở riêng, chúa cũng lờ luôn.
Tuyên phi Đặng Thị Huệ là người được chúa yêu chiều, sinh được con trai Trịnh Cán năm. Vì thế lực của Tuyên phi, nhiều triều thần ngả theo, thế lực rất lớn. Tuyên phi muốn giành ngôi Thế tử cho con trai, khiến nội bộ triều đình chia rẽ, một bên là phe Trịnh Cán, bên kia là phe Trịnh Khải.
Khải biết được âm mưu của Đặng Thị Huệ, lại nghe tin Trịnh Sâm có bệnh, sợ cha chết mà Tuyên phi ở gần thì mình sẽ bị gạt ra ngoài, bèn chiêu binh làm binh biến Năm đó, Khải mới có mười bảy tuổi. Mọi việc bị bại lộ, Khải bị Sâm truất làm con út, cho là đứa con bất hiếu, một loạt triều thần ủng hộ Khải bị xử tử. Đó chính là Vụ án năm Canh Tý. Chuyện hai người Tiến và Vũ bàn bạc chính là sau khi Khải đã bị giam lỏng trong phủ.
Những ngày này, Quyết ở lại Thăng Long cùng với Tiến. Mặc dù gã rất để mắt đến Quyết nhưng một là bận việc với Vũ, hai là hắn cũng biết Quyết cũng chẳng dại gì bỏ đi để bị chết đói thêm lần nữa, nên cũng không quản hắn gắt gao. Mà Quyết thì cả ngày không có việc gì làm, nên cũng rất buồn chán, hắn thường lang thang xung quanh nhà Tiến để chơi. Khi đó Thăng Long vốn là nơi nhộn nhịp nên cũng có rất nhiều trò vui tiêu khiển. Khi thì Quyết ngồi xem đánh cờ, khi thì xem chọi gà, có khi hắn đi bộ ra tận bến sông ngắm nhìn những người buôn bán trên đó. Cuộc sống rất là ung dung tự tại.
Có một hôm, khi hắn đang đi bộ trên phố thì thấy có một ông già. Đi bên cạnh ông còn có một người trẻ tuổi áng chừng là tiểu đồng hoặc học trò của ông, nhìn dáng bộ rất mực kính cẩn.
Ông lão tay cầm một cái gói lớn rất cẩn thận. Chắc là món đồ trong đó quý giá lắm nên ông phải tự mình mang trong khi tên học trò thì đi người không. Đột nhiên từ xa có tiếng vó ngựa, chỉ một chốc lát tới gần ông già và tên học trò. Quyết nhận ra đám người ngựa này chính là Đặng Mậu Lân và đám thuộc hạ, hắn vội quay người lại để không bị nhận ra. Hình như gã Lân này đang bận công việc gì đó rất gấp nên cũng không nhận ra hắn. Nhưng khi đi ngang qua ông già tóc bạc kia, do ngựa phi quá nhanh mà ông lão thì thì chậm chạp nên ông già bị loạng choạng, may mắn mà không bị ngã. Có điều, cái bọc ông cầm cẩn thận trên tay đã bị văng xuống đất mất rồi. Một tên tay chân của Mậu Lân quay đầu lại chửi ông cụ một câu thực tục tĩu, rồi nhổ một bãi nước bọt. Trong thành ai cũng biết đấy là Lân nên cũng không lạ khi hắn và thuộc hạ cư xử vô phép tắc thế. Chỉ có ông cụ ngoảnh đầu lại:
– Ai mà ngang ngược thế không biết.
Mọi người nghe ông nói thế, đều biết ông cụ là người ở xa đến. Lại nói, lúc này lớp giấy bọc bị rách nên mọi người đều nhìn thấy vật ông già kia cầm là một cỗ áo quan. Cỗ áo quan này thực là rất tinh xảo, được may bằng lụa tốt, rất công phu, mà những hình thêu cũng thực cầu kỳ, hiếm có.
Lúc này Quyết nhìn thấy cỗ áo quan đó, theo thói quen, hắn nhìn rất kỹ bộ áo quan, thấy đúng là một loại áo quan thượng hạng. Nhưng có một điều rất lạ đó là tất cả chỉ thêu đều dùng loại chỉ có hai màu đỏ và vàng, màu sắc rất sặc sỡ, dường như là phát ra ánh sáng.
Ông cụ tội nghiệp lật đật nhặt gói đồ lên, định đi tiếp. Đột nhiên Quyết gọi ông cụ lại:
– Ông ơi!
Ông cụ đáp:
– Cháu gọi gì ta thế?
– Cháu có thể xem cỗ áo một chút được không ạ?
Ông cụ ngần ngừ chưa quyết, gã học trò nói:
– Không phải đồ chơi đâu cậu bé.
Quyết lại nói:
– Cháu không chơi, xin cho cháu xem một chút được không?
Quyết nói với thái độ rất quả quyết. Gã học trò định bỏ đi mặc kệ Quyết thì ông cụ quay lại nói:
– Cháu à, đây là áo mặc cho người chết, cháu không sợ hay sao?
– Cháu không sợ, nhà cháu làm nghề khâm liệm. Cháu được bố tập cho khâm liệm từ năm lên sáu tuổi. Ông có thể cho cháu xem cỗ áo được không? Cháu có chuyện quan trọng.
Ông già thấy ngạc nhiên quá, vì Quyết nói xuất thân từ nhà khâm liệm, là vì hiếm có nhà nào làm nghề khâm liệm, thứ nữa là cho con đi khâm liệm từ khi còn rất bé như thế. Ông cụ bèn nói:
– Được, ta cho cháu xem.
Rồi ông cụ chìa cỗ áo ra cho Quyết xem. Quyết lần theo lưng áo, quả nhiên thấy đường chỉ màu đỏ hồng may vắt chéo hai đường rất tinh tế đằng sau áo tạo thành một hình loằng ngoằng nhìn rất đẹp mắt. Quyết thấy thế liền thốt lên:
– Cái áo này….
Ông cụ thấy thái độ Quyết như thế bèn hỏi:
– Làm sao, làm sao?
Quyết đáp:
– Cháu nói, nếu không đúng ông đừng đánh cháu nhé?
Ông cụ lấy làm lạ lắm, bèn hỏi tiếp:
– Được, ông không đánh cháu đâu.
Quyết nói:
– Cái áo này, đã bị yểm bùa rồi.
Ông cụ cả kinh, tay nắm chặt lấy tay Quyết mà hỏi:
– Sao lại có chuyện lạ đời như thế?
Quyết nói tiếp:
– Ông nhìn xem, đây là loại chỉ được ngâm tẩm nhựa cây thị, mà nhựa thị làm đen quần áo thì ai cũng biết, vì thế, để giấu cái màu thâm quầng của nhựa đấy đi, người ta phải nhuộm thứ thuốc nhuộm thượng hạng này. Cái này cháu đã được bố cháu dạy rất kỹ. Chỉ cần nhìn thấy loại chỉ này trên cỗ áo quan, thì phải khuyên người nhà thay ngay loại áo khác.
Cụ già lại hỏi:
– Tại sao lại như thế?
Quyết đáp:
– Có nhiều người muốn yểm bùa xác người mới mất để thâu nạp những vong hồn của người đã khuất đấy về làm việc cho mình, gọi là âm binh. Nhưng những thầy phù thủy mà dùng thủ đoạn này thường không phải là giỏi lắm vì họ chẳng có tài đi thu nạp vong mạnh ngoài thế gian, chỉ là nhân lúc hồn chưa rời khỏi xác, làm một ma thuật nhỏ để khống chế hồn người vừa mất thôi. Thế nên người làm khâm liệm rất quan trọng, phải có kiến thức về những chuyện như thế này thì mới giúp gia chủ tránh khỏi những chuyện gian trá như thế.
Gã học trò xen vào:
– Thưa thầy, thằng quỷ con này chỉ nói lung tung để gạt người thôi, làm sao tin được. Cỗ áo này, thầy cất công mua tại quê nhà, thì làm sao mà có chuyện như thế được. Thằng nhóc kia, ngươi định lừa gạt tiền của thầy ta phải không?
Thì ra gã học trò này thấy tướng mạo của Quyết gầy gò như chết đói, mặc dù quần áo hắn mặc không còn rách rưới như khi ở quê nữa nhưng vẫn nghi ngờ. Quyết thấy gã học trò nói thế, tức quá, đứng dậy ra về. Ông cụ cũng chưa tin hẳn, nhưng thấy Quyết nói quả quyết thế thì cũng không yên tâm, bèn gọi cậu lại. Nhưng bóng Quyết đã khuất sau con phố mất rồi.
Chợt nghe trên phố có tiếng nói:
– Thực là trung ngôn thì nghịch nhĩ, những lời thực thì chẳng ai coi ra gì, chỉ chăm chăm nhìn vào cái vẻ ngoài của người ta, đúng là phàm phu tục tử.
Hai thầy trò nghe nói thế thì quay lại, thấy một cụ già khác đang ngồi đánh cờ gần đó đang vừa cầm hai quân cờ vừa ăn được gõ vào nhau, ông cụ này nhìn vẻ ngoài thì tóc râu bạc phơ, nhưng ánh mắt đen láy, sáng lạ thường, lại thêm da dẻ căng mịn, không một chút đồi mồi nào, rất là kỳ lạ. Ông cụ lại nói tiếp:
– Trên đời có người nhận ra được cái thứ bùa ngải hại người trên áo quan không nhiều, lại dám nói ra chuyện bao đồng như thế lại càng khó kiếm. Thắng nhỏ kia thực là có lòng tốt, nhưng xem chừng đặt nhầm chỗ rồi.
Lúc này cả đám đông đánh cờ đang vây quanh bàn cờ đều nhìn chằm chằm vào hai thầy trò người cầm áo quan. Lúc này ông già cầm cỗ áo quan tiến lại gần ông già đánh cờ mà nói:
– Tôi tên là Lê Hữu Trác, từ xa đến kinh thành, lại mang theo cỗ áo quan này để làm một việc rất là hệ trọng. Trong lòng tâm đắc mua được món đồ tốt, nên cậu bé nói như thế, lại bỏ đi nhanh quá, tôi cũng chưa biết tính sao, cũng không dám không tin, nhưng nhất thời cũng hơi phân vân, mong cụ chỉ bảo cho.
Lúc này mọi người đều ồ lên một tiếng. Thì ra đây là Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác, danh y nổi danh khắp Đại Nam khi bấy giờ. Người ta đồn rằng hễ người bệnh nặng đến đâu, chỉ cần còn thở là vị danh y này có thể cứu được. Lại có người nói rằng Cụ Trác ngày còn trẻ đã phải lặn lội ra những chiến trường ác liệt, mổ những tử thi đã chết để nghiên cứu cách chữa bệnh cho người. Lại có người cho rằng cụ không phải là thấy thuốc, mà là vị tiên trên trời bị đày xuống thế gian vì mắc một tội lỗi nào đó. Ngoài ra còn nhiều tin đồn khác nữa. Nguyên là lúc này, danh y Lê Hữu Trác được triệu về kinh để chữa bệnh cho vương tử Cán đang bị bệnh, đến kinh thành đã được mấy tháng mà mới chỉ được vào phủ chúa có một lần, nhưng cụ lại chữa được bệnh cho rất nhiều người trong kinh, chẳng những quan lại cũng như thường dân, ai nhờ cụ cũng giúp cho. Có một lần có một nhà quan đang nhờ cụ xem thai giúp người cháu dâu, cùng lúc đấy lại có một người dân thường đến xin xem giúp cho người bệnh nặng sắp chết. Cụ đã gác việc đến xem thai cho cháu dâu quan mà đến nhà người dân nghèo kia trước, và nói là phép trị bệnh không tính trước sau, mà tính nặng nhẹ. Từ ấy, tiếng tăm và tấm lòng nhân nghĩa của cụ vang khắp kinh thành và cả tứ trấn xung quanh.
Vì thế nên, nghe cụ già nói thế, thì tất thảy mọi người đều ồ lên một lượt. Ông cụ đánh cờ cũng bỏ dở ván cờ, đứng dậy rất là cung kính mà nói với cụ Trác:
– Chết thật, tôi không biết cụ là Hải Thượng lãn ông, lại ăn nói hàm hồ, cạnh khóe móc máy, thực là không phải rồi.
Cụ Trác dường như không để bụng chuyện ông già kia vừa mắng nhiếc mình xong mà chỉ quan tâm tới chuyện cái áo quan, bèn nói:
– Không dám, không dám, tôi thực là cũng không phải, cậu bé có lòng tốt thế, mà lại phụ lòng người ta mất rồi. Nhưng tôi chưa hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện ra sao, nên mong cụ chỉ bảo cho.
Ông cụ đánh cờ thấy thế, bèn mời cụ Trác vào một quán nước ven đường để trò chuyện. Ông vừa nhâm nhi chén trà mạn vừa nói:
– Những điều cậu bé vừa rồi nói, quả thực là đều đúng cả. Cái áo quan cụ đang cầm đã bị yểm “hãm hồn bùa” mất rồi, không thể dùng được nữa đâu. Loại bùa này vốn được người Miên chế ra, không hiểu làm sao lại xuất hiện ở đây. “Hãm thi bùa” là dùng một loại chỉ đặc biệt để may áo quan, loại chỉ này hãm không cho hồn người chết được siêu thoát mà phải đầu nhập vào đám âm binh của người yểm bùa. Loại bùa này mặc dù mức độ độc ác còn kém xa các loại bùa khác, nhưng ít khi thấy ai dùng, vì chỉ có thầy phù thủy kém cỏi mới phải làm chuyện như thế, điều này cậu bé đã nói cho cụ hay rồi đó.
Cụ Trác than:
– Than ôi, sao lại có người độc ác đến vậy! Tôi thực lòng không thể nào ngờ được trên thế gian lại có chuyện kỳ lạ như vậy.
Cụ già đánh cờ nói:
– Tôi còn thấy một chuyện kỳ lạ khác nữa cơ.
Cụ Trác hỏi:
– Chẳng hay đấy là chuyện gì?
Đáp:
– Tôi xin lỗi vì suy nghĩ vô phép thế này, cụ là danh y bậc nhất cả nước, tài năng cải tử hoàn sinh của cụ không ai không biết, thế mà cụ mang một cỗ áo quan đi lại như thế, mà áo quan là thứ chuẩn bị như thế, thực là có chút tiếu lâm.
Cụ Trác cười nhẹ đáp:
– Con người ai mà không chết, chỉ là sớm hay muộn thôi. Mấy từ “cải tử hoàn sinh” thực là không dám nhận lấy. Có điều tôi mang tấm áo này đi là vì có tâm sự riêng. Cụ đã hỏi thì tôi xin kể thực.
Thì ra đâu đuôi câu chuyện như sau[2]: Nguyên là thời còn trẻ, danh y Lê Hữu Trác đã có hôn ước với quan thừa tư tham chính ở trấn Sơn Nam, hai bên đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi, nhưng vì có việc trở ngại mà vị danh y này đã phải về Hương Sơn rồi ở luôn tại đó đến năm sáu năm. Khi trở lại tìm gặp thì quan tham chánh đã mất mà không tìm được người con gái kia đâu, tìm mãi không gặp được, ngài đành trở về quê.
Đến năm ngoái, khi được lệnh lên kinh chữa bệnh cho vương tử Cán, thì nhân một dịp tình cờ có hai bà sư già đến để khuyến hóa đúc một quả chuông lớn. Thực là trùng hợp, một trong hai bà sư già đó lại là người con gái quan tham tụng năm xưa, bây giờ là bà sư già chùa Huê Cầu. Chuyện này quả đúng là ngẫu nhiên khó ngờ. Thì ra người con gái kia vì đã coi mình là người của cụ Trác, lại không có tin tức gì, nghĩ là mình bị ruồng bỏ, bèn cắt tóc đi tu. Giả như hai người được gặp nhau sớm hơn thì đã không có chuyện lỡ làng này, nhưng hai người gặp lại nhau muộn quá, thành ra cả đời con gái của quan tham tụng năm xưa coi như bị bỏ phí. Vì chuyện này mà cụ Trác rất lấy làm ân hận. Nhưng vị sư già kia thì cũng chẳng oán trách gì. Từ đó hai người vẫn liên lạc với nhau. Một lần bà sư kia nói rằng ở trong Nghệ áo quan làm tốt lắm, mà lại sợ sau này khuất đi không có ai lo cho, nên nhờ cụ Trác kiếm giúp một cỗ, để đề phòng sau này chuyện đến bất ngờ.
Cụ Trác nghe đến mà xót xa quá, bèn đặt năm quan tiền, nhờ người về nhà mua giúp. Đến hôm qua, có thuyền từ trong Nam ra, cỗ áo quan cụ đặt được đưa tới, thì hôm nay cụ đang định mang đến chỗ bà sư kia đề hoàn thành tâm niệm cho bà. Không ngờ lại xảy ra chuyện đồng cốt phù thủy kia.
Cụ Trác kể một hồi rất lâu mới dứt câu chuyện. Ông cụ đánh cờ lúc nãy chăm chú lắng nghe, đến khi kết thúc, cũng không nói gì. Cả hai người trầm ngâm một lúc lâu, cụ Trác lại mở lời:
– Đầu đuôi câu chuyện là như thế, chuyện này đúng là nỗi ân hận của tôi. Đến bây giờ cũng không biết làm thế nào nữa, chỉ còn cách cố gắng thực hiện tâm nguyện cuối cùng của người ta mà thôi. Nếu lần này mà lại đem biếu cỗ áo quan này, thì thực là kiếp này chẳng phải đã nợ lại càng thêm nợ người ta hay sao? Ngẫm lại cũng là may mắn, rất là may mắn. Không có cậu bé kia, thì e rằng…
Ông cụ đánh cờ lại nói:
– Tôi quả cũng rất thích thằng bé kia, tính tình thẳng thắn trung hậu, thực thà nghĩa khí, thời buổi bây giờ, kiếm được người như thế, thật khó, thật là khó…
Cụ Trác lại nói:
– Vừa nãy trong lúc nhất thời bối rối, cũng là không phải với người ta. Tài con, lần này con cũng quá hồ đồ rồi.
Người học trò tên là Tài, từ khi thấy ông cụ đánh cờ mắng mình cũng có ý tức bụng, nhưng khi thấy ông cụ giải thích cặn kẽ thế, lại nghe câu chuyện của thầy mình, thì thấy là mình quả đã làm việc hồ đồ mất rồi, không biết làm thế nào, cũng rất lấy làm xấu hổ, bèn đáp:
– Thưa cụ, thưa thầy, con tính tình quá là nóng nảy, thật là xấu hổ lắm. Giá mà được gặp lại cậu bé kia dể tạ lỗi thì xin thành tâm làm ngay.
Cụ Trác lại nói:
– Người ta đi mất rồi, còn biết làm thế nào?
Ông cụ đánh cờ bèn nói:
– Việc tìm thằng bé kia, xin cụ khỏi lo, tôi sẽ tìm được cho cụ.
Cụ Trác nói:
– Kinh thành rộng lớn như thế này, người ngợm đông đúc, đến mấy chục hoặc có thể đến cả trăm vạn người, làm sao mà cụ tìm được cậu bé?
Ông cụ đánh cờ đáp:
Việc đó cụ cứ để tôi lo. Khi nào tôi tìm được nó rồi, sẽ báo lại cho cụ.
Cụ Trác thấy người này nói chắc như đinh đóng cột thế cũng không tiện hỏi lại vì chắc trong lòng đã có dự định riêng, bèn nói:
– Nếu được vậy thì tôi xin cụ giúp cho, tôi gặp được nói một lời cảm ơn và xin lỗi cho phải đạo với ân nhân. Xin cụ cho tôi biết quý danh, và nơi sinh sống, để dăm ba hôm tôi cử học trò sang hỏi thăm, chứ để cụ phải đi lại thực không tiện.
Ông già kia đáp:
– Tôi tên là Vũ Đức Huyền, chỗ ở đơn sơ không dám làm phiền. Cụ là người có danh vọng ở kinh thành, chỗ ở của cụ tôi tự sẽ tìm được dễ dàng mà thôi. Cụ khỏi lo, chuyện này tôi làm được chỉ là cần đợi một thời gian mà thôi. Thú thực với cụ, tôi cũng là người làm nghề thuốc, nhưng mà thực đáng tiếc…
Cụ Trác thấy thế bèn hỏi:
– Không biết cụ có điều gì tiếc nuối?
Đáp rằng:
– Ngày còn trẻ tôi bỏ ra mười năm theo học một ông thày người Tàu, tưởng rằng có thể cứu nhân độ thế, ai ngờ, người làm thuốc mà tâm chẳng từ bi, vẫn có ý giấu diếm nghề, mà lại chỉ cho tôi sai cách thức, đảo lộn cả quy tắc, may mà do một dịp tình cờ, tôi mới biết được thâm ý của người ta, đành phải lẳng lặng bỏ đi, cũng may vẫn chưa chữa trị cho nhiều người, cũng chưa gây ra tai họa gì lớn đến người khác.
Cụ Huyền xoay người, lấy một vật trong tay nải ra, vật này được bọc đến ba bốn lần bằng một thứ giấy dầu để tránh nước, đủ thấy người này rất trân trọng vật ở trong. Thì ra, đó là bộ sách. Cụ Trác nhìn thấy trên cuốn sách viết mấy chữ “Đệ bát tập: Đạo lưu dư vận” liền nhận ra, đây là cuốn sách thứ tám trong bộ “Hải Thượng tông tâm lĩnh”, là tác phẩm tâm huyết cả đời của mình. Cụ Huyền nói:
Cách đây mấy năm, tôi có được bộ “Hải thượng tông tâm lĩnh” của cụ. Thực là sung sướng vô cùng. Tôi vốn đã định bỏ nghiệp thuốc từ lâu, nhưng càng đọc càng ham. Thực là những điều cụ viết dễ hiểu mà đạo lý sâu sắc, không giống như những điều tôi được học năm xưa. Xin cụ đừng cười chê, là một ông lão già nua như tôi vẫn còn ham đọc sách, vì chẳng phải vài ba năm nữa là về với các cụ rồi hay sao, đọc nữa phỏng có ích gì.
Cụ Trác xua tay nói:
– Cụ đừng nói vậy, tấm gương hiếu học của cụ thực là xưa nay hiếm thấy ở trên đời. Tôi kính phục còn chưa hết, lấy lý đâu lại có ý chê bai? Nam y nước ta có điều khác biệt rất lớn với y thuật phương bắc.
Cụ Huyền cười nói:
– Bởi vậy cụ mới dạy :”Nam dược trị nam nhân”. Cả đời tôi day dứt với nghiệp thuốc, mà không thành công, nhưng cái lòng kính trọng và ham muốn hiểu biết nghề vẫn còn nhiều lắm. Nếu cụ không chê, tôi xin cụ chỉ cho tôi mấy điều không hiểu trong sách, thì tôi xin đội ơn lắm.
Cụ Trác nói:
– Tôi xin cùng cụ đàm đạo, chứ không dám có ý chỉ bảo.
Rồi đột nhiên cụ Huyền nói:
– Cậu bé lúc nãy dường như có bệnh, không biết có phải thế hay không?
Cụ Trác đáp:
– Cơ thể suy nhược vừa hồi phục, nhịp thở dài và nhẹ quá, dương khí còn yếu, nhưng bồi bổ một thời gian thì sẽ khỏe mạnh lại thôi. Cụ nhắc tôi mới nhớ, có một chuyện rất kỳ lạ.
Cụ Huyền hỏi:
– Là chuyện gì vậy?
Cụ Trác đáp:
– Khi nãy tôi có cầm tay cậu bé, trong lúc tâm thần kinh hãi không để ý, bây giờ nghĩ lại, thì hình như, hình như…
– Có chuyện gì lạ lùng chăng?
– Hình như cậu bé có đến hai mạch chứ không phải một! Một đường mạch yếu ớt nhẹ nhàng, nhưng có một luồng mạch khác cương cường, dũng mãnh thực không giống như của đứa trẻ mười ba mười bốn. Tôi thực bây nghĩ lại giờ mới mà nhận ra.
Nói đến đây, cả hai người đều ngẩn người một hồi lâu, không hiểu tại sao lại có chuyện như thế.
Không biết mọi chuyện diễn biến ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.
[1] Hoàng Đình Bảo

[2] Chuyện này được chép trong Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác

Rate this:

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận