Home Truyện Ma Kinh Dị Đạo sĩ tản mạn kì 10 Năm Sau ( Cập nhật chap – 24 END )

Đạo sĩ tản mạn kì 10 Năm Sau ( Cập nhật chap – 24 END )

Chuyện thứ bảy: Thập Diện Mai Phục

Sáng hôm sau, Linh tỉnh dậy trong lòng tôi, nàng tròn xoe mắt nhìn hỏi :

– Anh thức cả đêm à?

Tôi mỉm cười đáp:

– Ừm!

Linh đứng dậy, đi về phòng mình. Tôi đánh răng rửa mặt xong cũng xuống dưới nhà, ngồi ở phòng khách được một lúc thì thằng Việt uể oải bước ra, nó ngồi phịch xuống ghế, tu ừng ực hết cả ca café rồi ngồi đần mặt ra đấy. Chắc nó không biết chuyện đêm qua, hú hồn, nó mà biết chắc xấu hổ chui xuống đất mất. Tôi càu nhàu :

– Tổ sư mày! Cafe tao chưa được ngụm nào mà mày tu như voi uống thế kia. Tao vào bếp lất ca mới vậy.À mà thằng đột biến đâu rồi?

Thằng Việt lè nhè:

– Nó vẫn đang ngủ trên kia. Gớm! Tối qua nó say không biết trời đất là gì, đang đêm tự dưng vùng dậy hát í a, rồi lại còn đu ra ban công hú ầm lên : Vợ ơi anh yêu em. Làm tao mất cả hơi bia ngon, phải ngồi canh nó.

Tôi cười khà khà, bảo :

– Đấy! Sướng nhá! Có ông em rể hay thế còn gì.

Đoạn, tôi đi vào bếp. Đi gần hết phòng khách thì thằng Việt gọi giật giọng :

– Còn cả mày nữa đấy! Đêm qua may mà mày kiềm chế được, nếu không thì mất hết cả đạo hạnh của người ta. Cái này bọn tiểu thuyết gì gì đấy nó gọi là gì ấy nhỉ ? À…đúng rồi….sức mạnh của tình yêu có thể…có thể vượt qua mọi cám dỗ.

Rồi nó làm bộ ọe một cái để trêu ngươi tôi. Nhưng tôi thì đứng tim, đêm qua nó say bí tỉ, hai phòng lại cách xa đến thế, vậy mà cũng không qua mắt nổi nó. Tôi thở dài rồi đi tiếp vào bếp lấy ca café, lúc ra đã thấy Linh xuống rồi, lại ngồi cùng thằng Việt vẽ ra một đống trận pháp, nhìn đau cả mắt. Tôi đặt bình café xuống bảo :

– Mới sáng ngày ra đã! Hai người uống café chứ!

Linh cười toe, đón lấy ca café :

– Cảm ơn H nha!

Hôm nay nàng lại xưng tên với tôi như thường, lòng chợt thấy buồn buồn như đánh mất điều gì, nhưng tôi lại không hề có cảm giác hối tiếc.

Chị giúp việc dọn bàn ăn sáng ra. Ngồi một lúc thì Linh ăn xong, đi lên phòng thay quần áo mới, thằng D thì lảo đảo bước xuống cầu thang. Nó vươn vai ngáp dài, nhìn chằm chặp vào chỗ đồ ăn sáng, đưa tay xoa xoa bụng, cười hề hề:

– Hai ông bạn của tôi! Hai bạn đã ăn xong chưa vậy?

Thôi rồi, cái điệu bộ này bọn tôi đã quá quen thuộc, như một phản xạ, cả tôi và Việt cùng giơ tay ra định vơ nhanh mấy món muốn ăn. Thằng D cười cười, ra liền sáu bảy đòn cầm nã, cướp ngay mấy miếng bánh kẹp thịt nguội ngay trên tay bọn tôi, bỏ vào mồm nhai nhồm nhoàm. Rồi nó lại liếc đến đĩa bánh sủi cảo, lần này hai thằng quyết liều chết cố thủ, đồng loạt dàn chắn ngang giữa nó và đĩa bánh. Nó nhếch mép cười đểu giả, lùi người về phía sau rồi đột nhiên lao tới, tay hoa lên. Tôi và thằng Việt còn chưa kịp nhìn thấy gì thì tự nhiên mông mình nhói lên, vội nhảy lùi ra sau, quay sang trông thằng Việt cũng chẳng khá hơn là bao, đang ôm mông nhảy lẫng cẫng. Còn thằng tham ăn kia thì đường hoàng ngồi vào bàn, từ từ ăn hết bánh. Ăn xong nó quay sang nhìn tay hai thằng, tôi vội bỏ tọt khúc lạp xưởng vào mồm nhai sạch, thằng Việt lại giở trò cũ, há rộng mồm đút nửa cái bánh mì vào rồi phồng mang trợn má nhai sạch. Trông hai thằng đến là khổ sở.

Liền mấy hôm sau, không có động tĩnh gì cả, hôm nào cũng chỉ có chơi với tính chuyện làm sao đánh được bọn âm binh. Hôm nay, lại là ngày rằm, sửa soạn lễ cúng xong, bốn người đang ngồi ngoài vườn thì tự nhiên có luồng gió lạnh ào tới, thằng Việt đứng bật dậy, kêu to:

– Hỏng rồi! Ra đường làng nhanh.

Cả bốn lao như bay ra ngoài đường, vừa ra đến cổng thì có tiếng xôn xao ở quán bia đầu ngõ trên. Ra đến nơi, đập ngay vào mắt chúng tôi là cảnh bác B chủ quán đang đu vịn hết cành cây này sang trạc cây nọ. Mắt sáng quắc, xanh lè như mắt mèo nhìn xuống phía mọi người. Hỏi ra thì chẳng ai biết tại sao, chỉ biết là đang ngồi uống bia pha trò với khách thì tự nhiên bác B cười he hé, sùi bọt mép rồi thành ra vậy. Thằng Việt đứng dưới gốc cây, gọi to :

– Bác ơi xuống đi bác ơi!

Kì lạ thay, thằng Việt vừa dứt lời thì bác B tụt dần xuống gốc cây, rồi cả người đổ ập xuống đất. Xem mạch thì thấy mạch ngừng, hơi thở cũng tắt. Vợ con bác xúm vào lay xác, kêu gào thảm thương, dân làng đứng xung quanh cũng mủi lòng. Cả đám đông đang xúm xít lại thì chợt đầu miếu làng có tiếng hét thất thanh, hơn nửa số người tại đó vội chạy theo hướng tiếng hét, chỉ để lại hai, ba người ngồi cùng với nhà bác B. Nhưng ra đến nơi lại chẳng có gì, bỗng nhiên lại có tiếng hét đó ở góc khác, mọi người lại chạy về hướng đó, liền hai ba lần như vậy, ai cũng mệt bở hơi tai, không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi sực nhớ ra, gọi to mọi người :

– Về nhà bác B mau! Mình bị chúng nó lừa rồi.

Tất cả lại rùng rục kéo về chỗ cũ, nào ngờ một cảnh tượng tang thương hiện ra, cả nhà bác B đều nằm chết tại đó, máu cứ tuôn ra xối xả từ mũi, tai, mồm. Hai người ở lại cùng cũng phải vạ, nằm chết ngay cạnh đó. Trông thấy vậy thì dân làng ai cũng căm phẫn, có người uất quá khóc thành tiếng, than trời sao giáng họa bất công. Đột nhiên, ngoài bờ đê có tiếng gào, tiếng gọi to kêu cứu, lần này thì ai cũng tức lắm rồi, vớ được cái gì cầm đi cái nấy, chạy nhanh ra bờ đê xem đứa mặt giặc nào bày trò ác độc. Đến nơi thì lại chẳng thấy ai, nhưng lạ là mặt sông sóng cồn mạnh, ý như vừa có tàu bè chạy qua, nhưng suốt cả tháng có ai dám ra đây buổi đêm đâu. Bỗng nhiên, tiếng ông L hét lớn :

– Ối giời ôi! Các ông các bà xem kìa!

Tay ông L run run chỉ ra mặt sông, ngay lập tức tất cả đánh mắt nhìn theo, người đi xe máy thì rọi cả đèn xuống mặt nước, người có đèn chiếu đêm thì cũng rọi cả ra chỗ ông L chỉ tay. Thật không thể tin được! Chỗ mặt sông đó…mặt sông đó sóng đang cồn dữ dội….thấp thoáng trong đám sóng cồn…là..là..một khúc dài ngoằng, đen nhẫy, đang cuốn chặt lấy một người xấu số. Vừa nhìn thấy cảnh đó, một số người trong đám tái xanh mặt, hồn vía lên mây cả, trong đó có tôi, và cả thằng Việt. Đưa mắt sang nhìn mọi người, bắt gặp một số khuôn mặt năm xưa, mặt ai cũng hằn nỗi sợ hãi. Họ không sợ thứ kia như những người khác sợ, họ sợ sự trả thù. Được một lúc thì vật kia lặn mất tăm xuống nước, không biết nó bơi về hướng nào, trời tối quá mà đèn thì yếu. Sau biến cố đó, ai cũng bàng hoàng, sợ hãi, mọi người lục tục kéo về cả, phần vì lo hậu sự cho nhà bác B, phần vì muốn tránh xa chỗ gần nước này. Đêm đó, cả làng không ai ngủ.

Về nhà, Linh khẽ túm áo tôi hỏi con đó là con gì, sao nhìn khuôn mặt của tôi và Việt lại khác mọi người thế. Tôi mới từ từ kể lại cho nàng nghe mọi chuyện, từ biến cố năm xưa của làng, sáu ông phù thủy, hình nhân thế mạng,…và chuyện về lần cuối cùng con vật kia xuất hiện ở làng, những ai đã có mặt trong lần đó. Nghe xong, Linh níu chặt lấy cánh tay tôi, thở dốc, nói nhỏ :

– Em sợ lắm! Sợ nó…nó sẽ tìm đến trả thù anh…!

Tôi khoát tay bảo :

– Mình ở trên cạn, nó lên thế nào được. Lo gì chứ!

******************************

Sáng hôm sau, tôi và thằng Việt đi ăn sáng ngoài, trốn việc để thằng D ở nhà giúp Linh xay lá, vỏ cây làm bùa. Hai thằng ăn xong, ra quán nước ngồi. Được dăm phút thì một nhóm đàn ông trung niên đến, toàn là người gốc làng cả. Thấy hai thằng ngồi đó, chú H thợ săn năm xưa túm tay tôi, hỏi :

– Đêm qua, hai thằng thấy rõ cả chứ?

– Dạ!

– Cái người bị kéo đêm qua ý! Là bác Q, một trong năm người nấp trên cây với tao năm đó.

Tôi giật mình, hỏi lại:

– Thế nhà bác Q với nhà bác B tính sao rồi?

Chú H đáp:

– Nhà bác Q thì đang tính lập mộ giả để có chỗ hương khói. Mà lão B sao cũng bị nhỉ? Năm đó tao nhớ là có tao, có mày, thằng Việt, và bác T, bác V, bác C là trực tiếp cầm súng bắn, đồng thời cũng là những người còn sống đến giờ, ngồi cả đây! – Nói đoạn chú đưa bàn tay chai sạn ra, vỗ lần lượt vào mặt bàn trước mặt từng người như đang đếm lại. Rồi chú tiếp :

– Còn lão B tao nhớ rõ năm đó lão chỉ đứng trên mỏm đá hô vị trí, còn hô ném mìn là ông R, mà giờ ông ý chết rồi.

– Bây giờ làng mình còn tổng cộng bao người có mặt năm đó còn sống tới bây giờ vậy chú?

– Đêm qua lúc về tao đã tính kĩ rồi! Ngoài những người ngồi đây ra thì còn mười bảy người nữa, trong đó đi nơi khác hết chín, còn lại là tám người nữa. Nhưng giờ ai cũng sợ con kia nó về trả thù, rúc cả trong nhà rồi.

Bất chợt, bác K xen vào :

– Hai thằng tính thế nào thì tính! Năm đó chúng mày cũng có mặt, lành ít dữ nhiều đấy con ạ! Chúng mày còn trẻ phải lo, bọn tao già hết rồi, chết cũng không sợ, lần này quyết bám trụ tại làng, không có đi đâu hết, tao sinh ở cái làng này thì chết cũng ở cái làng này.

Vừa nói, bác K vừa lấy tay chỉ thẳng xuống đất, giọng khảng khái không biết sợ là gì. Thằng Việt im lặng nãy giờ, lên tiếng :

– Làng này là đất mình sinh ra! Có chết cháu cũng ở! Nhưng giờ cái cháu lo là ngoài con kia ra thì còn những thứ khác oán thù làng mình lắm. Các chú bác nhớ Cô Yêu áo trắng, mấy cái oán vong năm xưa chứ?

Nghe nói đến biến cố năm xưa, ai nấy đều rùng mình, bác K đáp :

– Làng mình mình giữ, quê mình mình bảo vệ. Bây giờ sáu ông thầy pháp đã mất cả, cụ K cũng không còn, cả làng chỉ còn hi vọng vào mình mày thôi đây Việt à! Giờ mày cứ nói đi, chỉ đâu bọn tao đánh đó, tao sống hơn nửa đời người, lăn lộn biết bao nơi mới về lại đây. Tao không thể để cái làng này dễ sụp thế được!

Bác K vừa dứt lời thì mấy chú bác ngồi đó đều đồng thanh :

– Anh K nói phải lắm! Làng mình mình giữ, chết cũng giữ!

Thằng Việt lễ phép đáp :

– Các bác đã tin tưởng cháu thì tối nay xin đến nhà cháu rồi mình bàn chuyện cẩn thận, giờ ta đi qua thắp cho bác Q, bác B nén hương đã. Sau đó, tất cả qua nhà hai người xấu số, cúi đầu trước những con người đã vì làng xóm mà gánh lấy tai vạ.

Tối hôm đó, tất cả hội chú H đến nhà thằng Việt bàn cách bảo vệ dân làng, bây giờ lực lượng công an và tự vệ quá mỏng, cần thêm cả người dân tự làm nữa. Mà phải làm nhanh vì thực phẩm trong siêu thị thì có hạn, mà xe chở hàng đến được nhưng không ra được, lâu ngày chắc bị hãm đến chết đói mất. Bàn qua tính lại, người thì bảo cứ cách cũ mà làm, người thì bảo giờ nó khôn ra rồi, phải dùng cách khác. Đang rôm rả thì bỗng ngoài đường có tiếng lao xao, tất cả chạy ra xem thì thấy mọi người đang lũ lượt kéo về hướng nhà hàng Thanh Nguyệt, một nhà hàng xây sát sông, vốn là chỗ yêu thích của dân bợm. Vừa đến nơi thì thấy bà D chủ nhà hàng đang ngồi ôm mặt khóc trước cổng, dân làng thì đứng xum xít lại an ủi. Cả đám không rõ chuyện gì nên sấn vào trong xem, bên trong nhà hàng bàn vẫn bình thường, chẳng có gì xáo trộn cả. Ra hỏi bà D thì bà bảo :

– Nào tôi có biết cái gì đâu! Lúc đấy hơn 11h đêm, khách chẳng có ai đến, tôi mới bảo nhân viên đóng cửa, đi nghỉ. Nhưng lúc cậu A ra sau nhà lùa mấy con chó cảnh của tôi vào thì hỡi ơi! Mấy đứa con cưng của tôi tự dưng biến mất như bốc hơi, dây xích thì bị giật đứt.

Nghe xong, nhiều người ỉu xìu vì hóa ra chuyện chỉ là mấy con chó cảnh, chắc là do bọn trộm chó vào bắt đem bán rồi. Đột nhiên, chú H kêu lên :

– Thử ra chỗ xích mấy con chó xem nào! Hay là….

Dân làng kéo theo ra xem chỗ xích chó, thấy chỗ này xáo trôn không có gì nhiều, chợt bác T rọi đèn sát đất, cúi xuống sờ sờ rồi gọi :

– Ra đây mà xem này!

Tôi và thằng Việt, thằng D kéo ra nhìn, thấy chỗ tay bác T chỉ là một khoảng đất sát mép nước bị lõm xuống hơn gang tay, bề ngang chừng bốn mươi phân, nhẵn thín như có cái gì lướt vào. Dân làng xì xầm bàn tán, nghi là có trăn trong núi bơi theo nước vào đây, ngửi thấy mùi chó nên vào ăn, nhưng riêng cánh thợ săn và hai thằng bọn tôi thì mọi chuyện lại khác, vết này bọn tôi đã từng nhìn qua rồi, nhưng lần này, vết lõm to hơn gấp rưỡi….

Rốt cục thì cái làng này còn bị bao thứ rình rập nữa, chẳng lẽ bốn bề đều là đất chết sao?
Ba hôm sau, trong làng lại có biến lớn, cái họa năm xưa nó lại về, nhưng sáu ông thầy pháp đã chết, và thứ để nó trút giận chính là dân làng vô tội….

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận