Home Truyện Ma Thành Viên Hành Xác – Tác giả Đường Hải Long

Hành Xác – Tác giả Đường Hải Long

Chuyến xe đò xuôi ngược từ Bình Dương về bến Vĩnh Long giữa đêm khuya, cuốn theo đó là cái lạnh rét run người khiến cho Du phải vội kéo cửa sổ bên hông xe lại. Cậu ngồi tựa vào ghế, nép người vào một bên chợp mắt, trong khi chiếc xe vẫn lăn bánh không dừng.

Như mọi năm, Du đều đi xe đò về quê ăn tết, giỏ đồ lủ phủ khiến cho cậu phải chật vật lắm mới cho chúng yên vị dưới chân mình, tuy đồ đạc không nhiều nhưng những thứ lặt vặt thì lại nhiều quá đỗi. Nào là chả lụa, bánh tét, bò khô, rồi lại còn có cả hai trái dưa hấu dành để đem cúng trên bàn thờ nữa.

xe-cho-lon-xac

Giữa chừng chú Tư Hải cất tiếng:

– Gần đến bến xăng nhà bà Năm Kiều rồi, thằng Du đâu? Chuẩn bị xách đồ xuống bến nghen con.

Chú Tư Hải là cánh tài xế xe đò lâu năm mà Du biết duy nhất trên chuyến xe, bởi nhờ vào sự quen biết đó mà Du mới có được chỗ ngồi lý tưởng để về quê ăn tết, mà không sợ phải ngồi chen lấn chật chội với người khác.

Nói đoạn có người ngồi cạnh bên vỗ vai Du vài cái rồi nói:

– Nè! Em trai ơi, gần tới bến rồi đó em ơi!

Du giật mình tỉnh dậy, đưa đôi mắt nhìn quanh rồi đáp lẹ:

– Dạ dạ, em cảm ơn chị!

Chuyến xe vẫn chạy trên đường, Du ngồi sắp xếp lại mớ đồ đạc để chuẩn bị xách xuống xe cho gọn, chị hành khách ngồi kế bên thấy đồ đạc nhiều nên cũng tò mò hỏi:

– Bộ em dìa quê ăn tết hả?

– Dạ, đúng rồi đó chị!

Chị hành khách cười nói:

– Hèn gì thấy em mua hai trái dưa bự mà đẹp quá hà!

Du nhìn chị hành khách khen dưa mình lựa mua đẹp nên cũng vui trong lòng.

Được chừng năm phút sau…

Xe dừng lại, chú Tư lại giục Du thêm lần nữa:

– Tới bến rồi Du ơi! Con xuống lẹ đi, chỗ này đậu lâu mấy tay công an chuyên ăn đêm lại phạt đó!

Du đáp vội:

– Dạ dạ con xuống liền đây, chị ơi xách giùm em cái giỏ đồ này xuống với!

Chị hành khách ngồi kế bên nghe xong cũng nhanh tay kéo nhẹ một cái ba lô đồ của Du đem để xuống chân cầu thang xe, sau đó lại yên vị trở lại ghế ngồi. Khi Du vừa bước xuống, chiếc xe cũng vội nổ máy mà chuẩn bị tiếp tục lăn bánh, chú Tư Hải lúc này mới nói với theo:

– Dìa tới nhà nhớ cho chú hỏi thăm ba má với mấy cô cậu ở nhà nghen Du!

– Dạ!

Vậy là cuối cùng cũng về đến quê, đứng ở một ngã ba đường giữa trời tờ mờ sáng, Du xách cồng kềnh đống đồ rẻ vào một con đường nhỏ bên cạnh rồi đi một đoạn dài. Khi đến được gần một cây gừa, lúc này mới lộ ra con kênh nhỏ nằm song song với đoạn đường mà Du đang đứng. Như biết trước được chiếc ghe neo bên gốc gừa, nên Du hí hửng chất đồ xuống ghe rồi tháo dây quấn trên cọc gỗ, cứ thế mà chèo ghe qua bên kia sông.

Lúc bấy giờ chó trong nhà ông Năm Sang cũng sủa lên inh ỏi, hai vợ chồng ông bà Năm nghe vậy cũng vội đi ra cửa ngó theo hướng chó sủa. Du chèo qua gần tới bờ bên kia thấy ông bà Năm, cậu vui mừng vẫy tay.

– Ba, má! Con dìa rồi nè.

Bà Năm vừa nghe hết câu, liền vội chạy nhanh ra bờ để nhìn cho rõ. Khi thấy được Du, bà cũng vui mừng kéo tay ông Năm:

– Ông ơi! Thằng Du nó ở trên xì phố, nó dìa kìa ông ơi.

Ông Năm Sang nghe vậy cũng cười tươi như hoa, nhưng không nói gì. Sau khi Du chèo ghe qua đến bờ, hai ông bà Năm hớn hở dìu Du lên, rồi xách phụ cho Du đồ đạc, bà Năm nói:

– Bây dìa là tía má bây mừng lắm rồi, lại còn mua đồ chi lủ phủ vậy con?

Du cười xuề xòa:

– Dạ, có gì đâu má, làm cả năm mới dìa một lần thì mua cho đáng, với lại mua là mua cho nhà mình xài chứ ai xa lạ đâu! À… phải rồi, đám nhỏ đâu rồi ba má? Con Lam, thằng Hậu với con Út Thảo đâu?

Nghe nhắc đến con Hai Lam, ông Nam lại nghèn nghẹn trong lòng:

– Con Hai nó… nó chết được hơn nửa năm nay rồi!

– Trời đất! Sao không ai nói cho con nghe hết vậy?

Ông Năm định nói thì bà Năm vội che miệng ông Năm lại:

– Tía bây định gọi lên cho bây hay đó, mà má hông có cho, vì sợ bây buồn rồi cất công từ xa dìa đây nữa!

Du ngồi thẳng xuống bộ ghế giữa phòng khách, mặt buồn hiu. Cậu hỏi tiếp:

– Rồi… sao mà con Hai nó chết vậy má?

Bà Năm cũng ngồi xuống rót miếng trà uống cho thấm giọng, xong lại thở dài:

– Hôm đó ba đứa tụi nó chơi với nhau ở sau hè nhà mình, bây còn nhớ cái giếng sau hè nhà mình không, nó… nó giỡn ra làm sao ấy, rồi con Hai nó bị thằng Hậu lỡ tay xô xuống giếng chết. Ba bây la tụi nhỏ suốt cả tuần lễ, rồi cái giếng cũng được đậy lại từ đó luôn, không dùng nữa.

– Trời! Năm nào cũng con nhắc ba má hết, kêu lấp cái giếng lại đi, xài nước máy đi cho sạch, với lại còn tiện lợi nữa mà không nghe, giờ xảy ra chuyện rồi.

Ông Năm nãy giờ không nói gì, vội lên tiếng:

– Tao nói với má bây hoài mà bã có chịu nghe đâu, cứ bảo là dùng nước giếng đi cho đỡ tốn tiền, vậy đó coi được không!

Nghe đến đây, Du mới hiểu ra mọi chuyện. Hai Lam và Út Thảo là con của chị ruột Du, cũng vì Du năm nay mới chỉ ngoài 25 tuổi thôi, chưa vợ con gì cả nên cậu cưng hai đứa con gái của chị hai mình rất nhiều. Còn thằng Hậu là con của bà chị họ tên là Tâm, chị Tâm cũng đi làm xa quê nên mới để con lại cho nhà ông bà Năm Sang chăm sóc giùm. Ông bà thương là thương cho thằng nhỏ có hoàn cảnh cơ cực, ba mẹ thì ly hôn lúc thằng Hậu mới sinh được hai tháng, nó theo ở với mẹ, mà phía ông bà già nhà Tâm cũng chết sớm, nên ông bà Năm Sang cũng ráng mà nhận nuôi, may là mỗi tháng Tâm đều gửi tiền về phụ ông bà Năm nuôi thằng nhỏ. Riêng về chuyện con bé Hai Lam chết, cái độ tuổi chừng bảy tám tuổi thì biết gì đâu, nên Du cũng không trách thằng bé Hậu nó nghịch dại.

Tối hôm đó, là đêm đầu tiên ngủ lại ngôi nhà của ông bà Năm, Du vừa tấn mùng vừa nói:

– Nay cậu Ba dìa, được ngủ chung với cậu ba là vui luôn à nghen!

Thằng Hậu ngồi bên cạnh cũng cười tít mắt:

– Dạ!

Bình thường hai chị em Lam và Thảo hay ngủ chung với bà Năm, còn thằng Hậu thì ngủ chung với ông Năm, nhưng đêm nay Du về, mà từ đúng lúc con Hai Lam chết, thì chỉ còn lại Út Thảo ngủ với bà Năm, ông Năm buộc phải ngủ một mình vì tính ông xưa nay chỉ thích ngủ với vợ mà thôi, còn lại Du và thằng bé Hậu thì ra bộ dạt giường ngoài phòng khách để ngủ.

Du xoa đầu nói tiếp:

– Tấn mùng xong rồi thì nằm xuống ngủ, ông ngủ cho ngoan nghe chưa, nghịch là tui đánh đòn ông đó nghe ông tướng!

Vậy là hai cậu cháu đặt lưng xuống ngủ một mạch đến tận nửa đêm thì…

Vẫn còn đang lơ mơ trong giấc ngủ, Du bỗng dưng nghe thấy tiếng gõ cửa ở phía sau hè vọng lên, tiếng gõ cửa cứ gõ đúng ba hồi rồi lại chợt dứt, cứ thế cách vài giây tiếng gõ ấy lại phát ra ba hồi. Du lăn qua lăn lại một lúc rồi cũng bừng tỉnh dậy vì tiếng gõ cửa, ngó sang thằng Hậu thì vẫn thấy nó ngáy ngủ phì phò như chết.

Cậu bắt đầu ra khỏi mùng, bước ra hé mở cánh cửa sau nhà ra, rồi đưa mắt nhìn quanh.

Du bực bội:

– Giờ này khuya lắc khuya lơ mà ai gõ cửa hoài vậy không biết? Ai dậy?

Màn đêm tĩnh lặng, chỉ có tiếng ếch nhái kêu ì đùng mà chẳng có bóng dáng ai, Du vội khép cửa lại rồi quay mặt vào trong đi ngủ tiếp.

“Cộc Cộc Cộc”

Vừa quay lưng đi, tiếng gõ cửa lại bất thình lình vang lên làm Du giật mình đứng khựng lại, cậu ngạc nhiên khi nghe lại cái thứ âm thanh đó. Cậu từ từ quay người lại, tay run run mở cánh cửa, tiếp tục ngó đôi mắt nhìn ra ngoài, nhưng ngoài cây cỏ um tùm thì không gian tối như mực, chẳng thấy gì. Trong lòng thấy hơi lo, và bắt đầu nhận ra được thứ gì đó đang đùa giỡn với mình, lúc bấy giờ Du mới vào trong bếp lụt ra con dao phay, rồi vắt nó vào vách cửa. Tiếng gõ cửa lúc này mới chịu dừng hẳn.

Quay trở vào trong bộ dạt, Du ngủ được một lúc thì cậu bắt đầu nằm mơ, tâm trí của cậu dù vẫn tỉnh táo nhưng cậu vẫn thấy rõ có một đứa bé gái chừng mười tuổi đứng đưa sát mặt vào giường, chỗ thằng bé Hậu đang ngủ. Lạ thay là dù nhìn cách mấy thì Du cũng vẫn không thể nhìn được rõ khuôn mặt của cô bé đó, người ngợm nó ướt sũng, cánh tay nhỏ xíu bất ngờ chụp lấy tay cậu.

– Ma… ma…!

Du hét lên giữa đêm, mắt trợn trừng lên nhìn qua nhìn lại khắp giường. Thấy thằng Hậu ngồi kế bên kéo tay, Du mới thở phào nhẹ nhõm.

Du quẹt mồ hôi trên trán rồi hỏi:

– Gì mà giờ này chưa ngủ nữa?

Thằng bé Hậu mặt nhăn nhó:

– Con mắc tiểu quá, cậu Ba dẫn con ra sau hè đi tiểu với!

Nghe đến đây, Du mới nhận ra thằng bé ngồi trên giường vừa kéo tay cậu, vừa nắm chặt đũng quần.

– Ờ, vậy… giở mùng đi ra trước đi rồi cậu theo!

– Thôi… cậu ba đi một lượt với con đi, con sợ ma lắm!

Vừa nói thằng Hậu vừa mếu máo năn nỉ Du, thấy vậy nên Du cũng mò ra khỏi giường, dắt thằng Hậu ra sau hè đi tiểu. Nó chạy tít ra sau bụi cỏ chỗ đứng tiểu, Du đứng gần đó cũng vô tình trông mắt ra ngoài chỗ cái giếng. Ánh trăng len lỏi chiếu xuống cái giếng, bất giác Du thoáng thấy bóng của một người đứng trên miệng giếng quay lưng về phía mình. Nó đứng trơ trơ xõa tóc dài ngang vai, rồi từ từ trút người xuống giếng. Lúc này Du mới hỏi thằng bé Hậu.

– Nè Hậu! Cậu nghe nói cái giếng bị lấp rồi phải không con?

– Dạ chưa cậu! Ông Năm mới đậy miệng giếng lại thôi chứ chưa có tiền nhờ người ta lấp lại.

Vừa dứt lời, Du cũng rùng mình mấy cái, rồi cũng dắt thằng Hậu chạy tọt vào trong nhà. Vừa đi cậu vừa cố gắng không nghĩ tới cái bóng người nhảy xuống giếng khi nãy nữa, nhưng cái hình ảnh vừa rồi cứ như in sâu vào trong trí nhớ của Du, mà không cách nào quên được.

Khi bước đến được ngưỡng cửa, thằng Hậu bỗng nhiên ngả người ra sau, nó la lên thất thanh.

– Chị Hai… cậu Ba ơi cứu con! Chị hai đến bắt con cậu Ba ơi!

Nó khóc thét lên, nằm vật vã trên thềm nhà, Du vội chạy lại đỡ nó dậy rồi trấn an.

– Thôi nín đi, có cậu Ba đây rồi, ma cỏ gì đâu mà sợ!

Thằng vừa khóc vừa nói:

– Chị Hai Lam, chị ấy vừa mới từ trong nhà bước ra, chị… chị ấy nhìn con ghê lắm, người ướt mem à!

Mặt thằng Hậu tái xanh, nó khóc đến sưng cả mắt, Du phải bồng trên tay dỗ nó mới chịu nín. Lúc này nghe tiếng nồi niêu vỗ ì đùng sau bếp, bà Năm mới thức dậy, chạy tọt ra sau nhà, thấy Du ẵm thằng Hậu dỗ cho nó hết khóc nên mới hỏi:

– Vụ gì đó bây?

Du đứng ôm thằng Hậu trong lòng, đáp lời:

– Dạ, thằng Hậu nó mắc tiểu, con mới dẫn nó ra sau hè, rồi lúc vô trong nhà không biết sao nó thấy con Hai rồi nó khóc thét lên!

Bà Năm nhìn quanh rồi nói:

– Thôi vô trong lẹ đi! Để má coi.

– Dạ!

Bà Năm dẫn hai cậu cháu vào nhà, khóa chặt cửa sau lại, rồi bật đèn lên, lúc này Du mới hoảng hồn khi thấy nhà cửa bề bộn, nước thì tràn lênh láng từ cửa nhà sau ra đến phòng khách.

– Này là sao vậy má?

Bà Năm ủ rủ:

– Từ khi con Hai Lam nó chết tới giờ, đêm nào nó cũng về phá hết, riết rồi cũng mặc kệ luôn.

– Trời phật! Vậy sao rồi sao mà ngủ?

Bà Năm lại trả lời:

– Má cũng hông biết sao giờ nữa, sợ là sợ con Hai nó dìa nó phá thằng Hậu thôi!

Vừa nói đến đây, thằng Hậu đang được Du bồng trên tay tự nhiên nhảy dựng lên, nó la ó om xòm, đôi mắt trợn ngược lên trắng dã, Du thả nó xuống đất rồi nó mới được dịp quằn quại. Thằng Hậu uốn éo qua lại rồi nó lên cơn co giật dữ dội, bà Năm thấy vậy nên mới vội cuống cuồng chắp tay khấn.

– Hai ơi! Mày chết linh thiêng mày đừng có về phá phách nữa, thằng Hậu nó còn nhỏ dại, mày đừng có hù em nó nữa!

Vừa khấn xong, Du mới điếng người khi thấy thằng Hậu nó hộc máu, nước mắt thằng Hậu giờ mới ứa ra nhòe cả mặt mũi, miệng nó toàn là máu, Du cố đưa tay hứng lấy nhưng máu vẫn cứ trào ra không tài nào dừng lại được.

Ông Năm lúc này từ trong buồng bước ra thấy cảnh tượng hãi hùng, liền chạy ra ẵm thằng Hậu đặt trước bàn thờ, khấn lẩm bẩm vài câu rồi cắm nhang vào lư hương, lúc đó thằng Hậu mới dứt tiếng khóc. Nó nằm bất động trước bàn thờ con bé Hai Lam, trước sự chứng kiến của Du và vợ chồng ông bà Năm.

Ông Năm Sang vừa thở trong hồi họp vừa cất lời:

– May là tao ra kịp! Chứ không là nó dắt thằng Hậu đi luôn, má bây vậy mà không gọi tao dậy nữa… thằng Du có sao không con?

– Dạ không!

Ông Năm nói tiếp:

– Ban đầu tao không nghĩ là con Hai nó hành thằng Hậu nặng vậy đâu, thiệt tình bởi nó yểu mạng quá mà mới phá phách vậy đó! Chắc mai qua hỏi ông Thế coi sao mới được, chứ vầy hoài chắc thằng Hậu nó chịu không nỗi đâu.

Bà Năm gật đầu rồi cũng nước mắt ngắn nước mắt dài, ông Năm xoa xoa lưng bà vợ rồi nói tiếp:

– Thôi, con lấy khăn lau người cho cháu nó đi rồi có gì sáng mai ba bây tính!

Sáng ngày hôm sau…

Du lấy chiếc xe máy ở nhà chở ông Năm và thằng Hậu lên xóm trên, đứng trước một ngôi nhà cổ kính, ông Năm lớn tiếng gọi vọng vào trong:

– Anh Thế ơi có nhà không?

– Có!

Từ trong nhà, một người đàn ông trung niên cũng chạp tuổi ông Năm bước ra mở cửa, vừa thấy ông Năm là ông ta hớn hở:

– Chèn ơi, anh Năm nay đi đâu mà qua đâu vậy?

Ông Năm vội đáp lời:

– Chuyện là tui con thằng cháu nó bị vong hành xác, nên tui đưa nó qua đây cho chú coi giúp giùm tui!

– Vậy hả, là cái cậu cao to này hả?

Ông Thế quay sang nhìn Du một lượt từ trên xuống dưới, rồi nói tiếp:

– Tui thấy cậu này có bị gì đâu anh!

– Trời ơi, hỗng phải người này, là thằng nhỏ kia kìa! Thằng lớn là con tui, nó tên Du.

Ông Thế ngạc nhiên:

– Vậy hả! Thằng Du đây hả, lâu quá không có gặp mà giờ thấy nó lớn dữ à nghen.

Lúc này ông Năm mới xua tay:

– Thôi thôi, mau giúp thằng cháu tui lẹ đi, tui sợ nó qua hông nổi ông ơi!

Nghe đến đây, ông Thế mới dẫn cả ba người vào trong nhà, ông ta dẫn vào tận trọng buồng riêng rồi ra hiệu cho Du bế thằng bé Hậu đặt xuống trước bàn thờ tổ nhà ông Thế.

Ngồi giữa phòng, trước mặt ông Thế là thằng bé Hậu ngồi xếp bằng nghiêm chỉnh, lúc bấy giờ ông ta lên tiếng:

– Tên nó là gì? Ngày sanh bát tự ghi rõ ra giấy!

Nói rồi ông Thế đưa cho ông Năm một mảnh giấy nhỏ và một cây viết chì, ngay sau đó ông Năm cũng nhanh chóng viết hết ra giấy rồi đưa cho ông Thế.

Nhìn qua mảnh giấy một hồi lâu, ông Thế đưa tay lên bấm độn qua lại. Ông ta nói:

– Trần Trung Hậu, ngày sanh chính khí thọ mạng vững, không sao đâu. Nó bị vong ở nhà hành à?

Du ngạc nhiên đáp:

– Dạ đúng rồi! Sao chú biết vậy?

Ông Năm nhìn qua Du ra hiệu kêu cậu nên kiệm lời, ông Thế lúc này mặt nghiêm túc nói:

– Vong này chết oan chết ức, lại còn rất trẻ nữa, giờ thằng bé này vẫn còn sống là phúc lớn lắm, anh đừng có lo!

Ông Năm Sang mừng trong lòng, nói theo:

– Thiệt hông ông! Đêm qua tui tưởng nó chết rồi nữa đó, nó bị hộc máu, hành như muốn chết đi sống lại mấy lần rồi.

– Thôi bây giờ vầy đi! Anh để nó ở lại chỗ tui vài ngày để tui trị dứt cái vong kia cho anh rồi, sau đó tui gửi anh lá bùa để trị nó, nghe theo lời tui mà làm, ổn thỏa rồi tui sẽ qua nhà anh tui thu nó đem vô chùa sau.

Ông Thế lúc này mới ra hiệu cho Du và ông Năm Sang xê ra xa một chút, để ông ta hành pháp. Ông Thế lúc này quỳ gối, mặt quay vào bàn thờ đốt vội ba cây nhang rồi cắm vào lư hương, sau đó lại lấy một lá bùa bên hông bàn thờ, niệm lẩm bẩm trong miệng rồi hớp một ly rượu trên bàn phun vào người thằng Hậu.

Thằng bé hơi run run nhưng ông Thế liền chỉnh cho nó ngồi ngay lại, kéo tay nó ra rồi dùng kim chích vào đầu ngón tay đến bật máu, ông ta chấm vội vào lá bùa khi nãy rồi tiếp tục khấn. Chừng vài giây sau, ông ta đốt lá bùa rồi huơ huơ trên đầu thằng Hậu, lúc này nó mới cảm thấy khá hơn.

– Xong rồi đó! Chướng khí tan rồi, giờ thì cầm lá bùa này đem dìa nhà dán vô cái giếng, đúng bảy ngày sau thì tháo ra rồi lấp cái giếng đó lại liền, nhớ là tháo bùa ra rồi đốt bỏ vào miệng giếng, xong rồi mới lấp nó lại nghe chưa. Nếu anh Năm mà làm sai bước nào thì hơi mệt nhẹ đấy!

Nghe ông Thế nói vậy nên ông Năm cũng đổ mồ hôi hột, xong ông Thế nhìn rồi lại phì cười.

– Thôi không có gì đâu anh! Mệt là mệt tui chứ mệt anh đâu mà sợ.

Sau lần đó trở đi, thằng Hậu sau này lớn lên vẫn không dám nghịch phá ai nữa, Du sau năm đó cũng bắt đầu về thăm quê nhà nhiều hơn, cho đến khi lấy vợ về ở với ông bà Năm Sang, sinh thêm một đứa cháu gái xinh xắn, lúc đó ám ảnh về chuyện con Hai Lam mới thực sự chấm dứt.

—End—

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận