Hồn ai? Xác ai? – Tác Giả Khánh Vi
Hồn ai? Xác ai?
#1
Có ba, bốn đứa trẻ tầm tám đến mười tuổi đang mò cua bắt ốc ngoài đồng. Trời trưa tuy nắng, nhưng lại có gió nhẹ thổi qua cũng không đến nỗi nực. Từ phía xa có một bé trai cũng tầm tuổi xách làn tre chạy nhanh lại, vừa thở vừa lật đật thả đôi dép cũ lên bờ rồi lội xuống chỗ đám bạn:
— Xin lỗi tụi bay, tao tới trễ…
Thằng Nam – bạn thân nhất của thằng Lâm, tay chân lấm lem bùn lầy đứng thẳng dậy rồi lên tiếng:
— Sao trễ dữ vậy mày, tụi tao bắt được biết bao nhiêu rồi nè.
Thằng Lâm vừa chọc tay xuống đám bùn nhầy nhụa vừa trả lời:
— Tại tao bận ngó em.
— Em mày có gì mà phải ngó, con Trang nó lớn rồi.
— Có lý do hết đó. Hôm qua nghe, lúc đám giỗ ông nội tao tự dưng con Lan mắt lờ đờ, mặt đỏ au. Rồi còn nói giọng lè nhè như ông say rượu. Xong nó nói là “ sao cứ cúng chuối xanh, chuối xanh tụi bay ăn được không mà cúng cho tao?” Nó nói xong nó uống liền hai ly rượu cúng trên bàn rồi ngã ra đất, không biết gì. Ba má tao sợ quá nên mới chở nó lên trạm xá khám.
— Rồi nó có sao không?
— Không sao, nằm chặp nó tỉnh à.
Thằng Hùng nghe thấy thế cũng chen ngang:
— Ê Lâm, tao thấy em mày như thế cũng bình thường mà. Có gì đâu nhà mày ngạc nhiên?
— Tại ở nhà nó chưa bị thế bao giờ. Mà hôm qua khám xong về, bà nội tao mới nói nó nói giọng y chang ông nội tao. Ông nội tao hồi xưa say rượu nên bị trúng gió chết, cái giọng lè nhè y chang.
— Thôi ghê quá mày ơi, bắt lẹ đi về còn đi tắm sông nữa.
— Ờ, tao biết rồi.
Tụi nó cặm cụi bắt thêm một lúc rồi kéo nhau ra khúc sông gần đó, thi nhau nhảy ùm xuống sông cho sạch hết bùn đất trên người. Những con ốc, con cua hay những con cá nhỏ tụi nó mang về thì nhà tụi nó lại có thêm cái ăn.
Lúc về nhà, con Trang cùng bà nội ngồi ngay trước nhà. Thấy nó về con Trang mừng rỡ chạy lại ôm chầm:
— Anh hai về, mừng quá…
Thằng Lâm cũng thương em nó lắm, mò tay vô làn tre bốc ra con cua rồi bẻ bớt chân đi đặt lên thềm nhà cho nó chơi. Con Trang tội lắm, suốt ngày ở nhà không được đi đâu, đi đâu cũng bị nhập nếu không có người ở bên. Mà có phải ma nhập không đâu, con vật chết cũng nhập được vào nó. Nên suốt ngày có chỉ quanh quẩn chơi một mình trong cái hiên này, thấy nó kỳ dị nên không ai cho con cái chơi chung với nó. Thằng Lâm cười nói với nó:
— Cho út nè..
— Cảm ơn anh hai…
Con Trang ngồi xuống thềm nhà đưa tay ghẹo ghẹo con cua nhỏ. Bà Lam thấy nó ướt mem thì mắng:
— Trưa nắng không có tắm sông, ướt mem vậy dễ cảm lắm đó nghen con.
— Bà nội lo gì, con mạnh khoẻ lắm.
— Thôi vô thay đồ rồi ra chơi với em cho nội đi nấu cơm. Ba má bây sắp về rồi đó.
— Dạ.
Thằng Lâm đi nhanh vô nhà, còn bà Lam không mắng nó vì tắm sông. Bởi bà nghĩ, trẻ con vùng này đứa nào bơi lội không giỏi. Với bà biết khúc sông tụi nó hay tắm cạn xịt à, gặp sự cố sao được.
Tối hôm đó, cả nhà mới bàn với nhau. Bà Lam lên tiếng:
— Mai coi đưa nó lên chùa xin cho nó cái bùa đi.
Chú Tân gắp miếng rau rồi và miếng cơm, sau đó mới nói:
— Thôi má ơi, bao nhiêu bùa này nọ rồi cũng có tác dụng gì đâu. Mà kỳ thật, sao lần này nó lại bị người trong nhà nhập, mấy năm nay không có.
— Chịu, má cũng không biết. Chỉ nghe thầy nói nó sinh ra giờ phạm nên mới thế, như cái xác của mấy bà đồng, ai nhập cũng được. Chắc sau này để dành tiền nhiều nhiều cho nó ra lễ giống bà tư đồng là được.
Chú Tân cười méo xệch:
— Nó mắc ngay cái bệnh nhà giàu, tiền không đủ ăn lấy đâu ra mấy chục triệu cho nó ra lễ. Giờ chỉ có thay phiên nhau mà canh chừng nó thôi.
Ai nấy nghe xong cũng thở dài, bà Lam công nhận nhà bà nghèo thiệt. Bà có mấy đứa con cũng tha phương cầu thực, chỉ có mình chú Tân là con cả nên mới ở lại chăm sóc bà rồi trông coi mồ mả gia tiên. Mà có phải mình bà nghèo đâu, cái xứ này ai cũng nghèo, có mấy ai được cái nhà xây đàng hoàng.
[…]
Hôm ấy cũng như mọi hôm, thằng Lâm cùng hội bạn thân chí cốt cùng nhau đi tắm sông. Tuổi thơ của tụi nó gắn liền với khúc sông, bờ ruộng chứ không được chơi mấy đồ điện tử như trên thành phố. Trong khi tụi nó đang đua nhau lặn hụp thì thằng Nam tự nhiên bơi ra xa. Thằng Hùng thấy nên mới gọi:
— Ê Nam, mày chơi đi ra xa vậy, coi chừng hà bá nó kéo chân mày đó nghe chưa?
Cả đám ùa lên cười, rồi đưa tay tạt nước tạo thành những mảng sóng. Tụi nó không để ý thằng Nam đang ngụp lặn nhiều lần, thằng Dần mới không chơi nữa nhìn thằng Nam hiếu kỳ:
— Ê tụi bay, thằng Nam nó bắt con gì mà nó ngụp lặn hoài vậy kìa?
Tụi nó mới dừng lại rồi nhìn về phía thằng Nam, thằng Lâm lo lắng nên gọi lớn:
— Nam ơi, bơi vô đây đi, mày bắt cái gì ngoài đó?
Thằng Nam vẫn không trả lời cứ ngụp lặn, trong đám thằng Lâm bơi giỏi nhất nên bơi ra chỗ thằng Nam xem sao. Gần ra đến chỗ thằng Nam thì thằng Nam bị đuối nước, quẫy đạp kêu cứu:
— Cứu… cứu tao…
Thằng Nam cứ như bị ai kéo chân, cứ ngoi lên ngụp xuống. Tụi kia bơi không giỏi nên không dám bơi ra theo, thằng Hùng lanh trí bơi nhanh vô bờ gọi người ra cứu.
Cuối cùng thằng Lâm cũng cứu được thằng Nam kéo vào, nhưng thằng Nam có vẻ cũng đuối sức nên không thể bơi vào được nữa. Khi vào gần bờ thì tự nhiên thằng Lâm buông tay thằng Nam ra, bản thân thằng Lâm bị kéo ra xa. Thằng Lâm chỉ kịp kêu lên vài tiếng:
— Ế… cứu tao…
Bọn thằng Dần nhanh tay kéo thằng Nam vào trong, vì đến đó cũng đã gần bờ rồi. Không đưa nào dám bơi ra cứu thằng Lâm, chỉ biết đứng sát trong bờ hò hét rồi nhìn nó bị kéo ra xa:
— Lâm ơi… mày đâu rồi Lâm ơi… có ai cứu thằng Lâm với…
Tụi nó cõng ngược thằng Nam lên lưng rồi chạy mấy vòng cho nước trong miệng, trong mũi nó trào ra. Giờ chỉ mong có ai đến cứu thằng Lâm thôi, chứ giờ nhìn không thấy nó đâu nữa, mặt nước cũng yên ắng đến đáng sợ.
Vừa hay thằng Hùng cũng gọi người đến cứu, bọn họ nhanh chóng bơi ra đó tìm cứu thằng Lâm, nhưng mò kiểu gì cũng không thấy nó. Đành vô vọng bơi lên bờ, mấy đứa trẻ khóc như mưa, vừa khóc vừa gọi tên thằng Lâm. Còn thằng Nam, gương mặt vẫn đầy hoảng sợ, nhìn ra khúc sông yên ắng kia.
Tin tức ấy nhanh chóng lan đến nhà nó, mọi người nhà nó ai cũng chạy ra khúc sông này. Má nó khóc ngất lên ngất xuống mấy lần, ra đến sông vẫn ngồi khóc ở đó, không thể đứng lên được. Công cuộc tìm kiếm và mò xác trở nên vô vọng, khi mọi người đều đi lên hết, cô Trúc đấm tay bùm bụp vào ngực mà khóc:
— Lâm ơi là Lâm.. con ở đâu về với má đi con ơi… đừng ở dưới sông, lạnh lẽo lắm… Lâm ơi là Lâm… về với má đi con.
Ai nhìn cũng xót thương cho người nhà nó, khúc sông này bao nhiêu người chết. Không hiểu sao chúng cứ mò ra đây tắm làm gì. Chú Tân nước mắt cũng giàn ra, ôm lấy vợ dìu về:
— Về thôi mình ơi, sáng mai lại mò tiếp…
— Không về… em không về… con em nó ở đây sao em về được… Lâm ơi là Lâm…
Chú Tân như đứt từng khúc ruột, đau xót khi sự việc lại trở nên đau thương như thế. Nhưng biết làm sao được, chỉ cầu mong có phép màu, thằng Lâm con ông nó không sao.
Đêm hôm đó, cả nhà đang ngủ, chú Tân quay qua không thấy vợ đâu nên xách đèn pin đi tìm. Đoán vợ ra đây, nên chú ra tìm, đúng là cô Trúc ra đây thật. Cô đang ngồi trên bờ bó gối, chong nhiều ngọn đèn dầu sáng trưng. Chú Tân đặt tay lên vai vợ:
— Về thôi mình, ngồi đây lạnh lắm…
— Không, em phải đốt đèn, cho con em thấy đường mà bơi lên bờ, trời tối lắm…
— Về thôi mình, con… nó không về nữa đâu?
— Mình đừng có nói bậy, chắc con nó ở đâu đó thôi, nó tỉnh lại nó thấy đèn của em… nó… nó sẽ về…
Những câu nói như bị nấc nghẹn lại, muốn buông lời ra cũng khó khăn. Chú Tân ôm lấy cô Trúc mà khóc:
— Nó không về nữa đâu em…
Cô Trúc bật khóc lên như mưa, vừa khóc vừa gào lớn:
— Lâm ơi, con ở đâu… con nỡ bỏ ba má sao con…hu..hu….
Tiếng khóc vọng ra hết một mảng sông lớn, không ai thấy được hồn ma của thằng Lâm đang ở ngoài đó. Nó cứ mờ ảo ảm đạm,mà không chỉ có một mình hồn ma của nó, nó thấy ba má nó, nó cũng khóc ai oán:
‘’ Ba ơi… má ơi… con… lạnh… quá… con… sợ… quá…cứu.. con…
Nhưng nó khóc lóc thảm thiết thế nào cũng không ai nghe được tiếng của nó.
[…]
Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ló lên, gia đình chú Tân liền ra phía bờ sông. Mang theo hương hoa, lập thành một cái áng nhỏ để gọi hồn gọi xác thằng Lâm nổi lên. Mãi đến tận trưa họ mới tìm thấy nó vướn vào đám lục bình khúc cuối sông. Nhìn xác thằng Lâm tội lắm, thân xác cứng đờ, trong miệng thì đầy rêu, da dẻ tái nhợt bũn nhũn nhưng trương lên. Khi nhìn thấy xác con, cô Trúc vô vọng nhào tới ôm xác con khóc nấc lên:
— Con ơi là con… sao con nỡ bỏ má vậy con… ôi con ơi là con…
Dù đã dự đoán được tình huống xấu nhất, nhưng thấy thế này không một ai có thể kìm lòng cho được.
Đám tang diễn ra nhanh sau đó, nhà nghèo nên không thể đóng cho con cái quan tài tử tế chắc chắn. Ba nó phải đi cưa cây xin ván để mà đóng cho nó cái quan tài tạm bợ, con mất người đau thương nhất vẫn chính là người mẹ. Cô Trúc ngồi phủ phục bên quan tài con mà không thể rời đi, lâu lâu lại ôm lấy quan tài con mà khóc. Con Trang còn bé lắm nên không biết chuyện anh nó đã bỏ nó đi mãi mãi, lâu lâu lại bên cạnh mẹ mà hỏi:
— Anh hai nằm trong này làm gì vậy má? Sao anh hai không dậy chơi với con?
Nhìn con Trang, nước mắt cô Trúc lại trào ra, ôm lấy con Trang mà khóc như điên như dại. Lâu lâu cô Trúc lại hỏi con:
— Trang ơi… anh con đâu… anh con không về đây hả con?
Con bé Trang cứ lắc đầu ngây ngô không hiểu gì? Cô Trúc cũng không hiểu sao thằng Lâm lại không nhập xác con Trang mà về thăm chị lấy một lần.
Ba ngày sau, mọi người hàng xóm cùng phụ gia đình chú Tân đưa hòm thằng Lâm đi chôn. Nhìn cảnh ấy sao mà nó ảm đạm u buồn, chỉ có thằng Nam cứ đứng từ xa mà nhìn, từ ngày thằng Lâm mất, thằng Nam chưa một lần qua thắp cho thằng Lâm cây nhang. Mặc dù hai đứa nó thân nhất, chung quy lại là vì thằng Nam sợ, với cả ba má nó không cho qua vì sợ thằng Lâm linh thiêng sẽ kéo thằng Nam theo.
HAY